Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Tình bạn rất đặc biệt giữa Mẹ Teresa và Công nương Diana

Tình bạn rất đặc biệt giữa Mẹ Teresa và Công nương Diana

Elizabeth Pardi
12 tháng 9, 2016

Hai trong số những người phụ nữ nổi tiếng nhất trong lịch sử, sống ở hai thế giới khác biệt hoàn toàn về tài chính và xã hội, đã bị ràng buộc với nhau vì cùng chung lòng khát khao là đem đến lòng trắc ẩn cho một thế giới đang đói khát tình yêu.

Princess of Wales bows to Mother Teresa in New York, 1997
Công nương xứ Wales cúi chào Mẹ Teresa ở New York, 1997. Mike Segar | Reuters
Có điều gì đó rất đẹp về một tình bạn giữa hai cá nhân có vẻ khác nhau như ngày và đêm. Liệu vị thánh mới được tuyên phong này, người mang lấy cuộc đời nghèo khó, lại có thể có điểm gì chung với công nương hoàng gia xứ Wales? Và chuyện được hé mở, Công nương Diana cùng có một điểm chung với Mẹ Teresa mà một số tờ báo nhỏ từng tiết lộ: một khát khao mang tình yêu đến cho những người không được yêu.

Một trách nhiệm với người nghèo và người bị lãng quên

Vị nữ tu và công nương lần đầu tiên biết nhau năm 1992 tại một nhà dòng ở Roma, theo Mary C. Johnson, một cựu thành viên dòng Thừa sai Bác ái có mặt tại buổi gặp mặt đó. Mary kể lại rằng Mẹ Teresa dẫn Công nương Diana vào phòng riêng của mẹ, tại đây hai vị nói chuyện riêng gần nửa giờ. Họ nói về chuyện gì thì vẫn còn là một bí mật.
Sau đó, cả hai dành thời gian trong nhà nguyện vì, như Johnson nói, “Mẹ nói với tôi rằng Mẹ và Công nương Diana muốn ở riêng cùng với Chúa Giê-su.” Cả hai cùng tháo giầy trước khi đi vào, như truyền thống của dòng Thừa sai Bác ái, và Johnson nhớ lại, “Tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh của đôi giầy mềm sáng bóng sang trọng bên cạnh đôi xăng-đan mềm của Mẹ … Đôi giầy mềm trông dường như Công nương chỉ đi duy nhất trong dịp này. Mẹ thì đã mang cùng một đôi xăng-đan hơn cả chục năm rồi.”
Tháng 6 năm 1997, hai người lại gặp nhau ở New York. Theo tờ The Independent, Công nương Diana và Mẹ Teresa “bước đi tay trong tay trên các con phố của khu Bronx của New York … Họ ôm nhau, hôn và cùng nhau cầu nguyện trong suốt cuộc gặp gỡ kéo dài 40 phút và Mẹ Teresa chúc lành cho Công nương.” Đó là lần cuối cùng hai vị gặp nhau trước khi họ qua đời.
Tai nạn xe đã lấy đi mạng sống của Công nương 2 tháng sau đó, ngày 31 tháng 8. Mẹ Teresa liền gửi ngay lời chia buồn rằng, “Công nương rất quan tâm đến người nghèo. Công nương rất khắc khoải muốn làm điều gì đó cho họ, và đó là điều thật đẹp. Đó là lý do tại sao Công nương rất thân với tôi.” Mặc dù Công nương Diana, một người Tin lành, được mai táng và cầm theo một cỗ tràng hạt do vị nữ tu tặng, Mẹ Teresa đã không còn sống để tham dự lễ an táng — Mẹ mất chỉ một ngày trước đó.
Tình bạn được mà hai người phụ nữ này chia sẻ là bằng chứng cho thấy rằng tình bạn đích thực và những giá trị chung sẽ vượt ra ngoài phạm vi dáng vẻ hình thức, ý thức của nền giáo dục, và tình trạng xã hội. Mẹ Teresa đã từ bỏ công việc của mình để sống giữa những người nghèo nhất trong những người nghèo suốt hầu hết đời Mẹ. Công nương Diana sinh ra trong một cuộc sống xa hoa và công nương vẫn giữ nó cho đến khi qua đời. Tuy nhiên, công nương chia sẻ niềm đam mê của vị nữ tu là đem tình yêu đến cho những người bị loại bỏ của thế giới. Công nương biết rằng cô không cần phải từ bỏ sự giàu sang hay vị trí hoàng gia của mình để tạo sự khác biệt. Như Mẹ Teresa nói, “Hãy làm việc nhỏ bằng một tình yêu lớn.” Và cùng nhau, theo cách riêng của mỗi người, đó là điều hai người đã làm.

Chia sẻ lòng can đảm và sự kiên cường trước những sự đau khổ quá lớn

Princess of Wales meeting Mother Teresa in Rome.
Công nương xứ Wales gặp Mẹ Teresa trong một lần thăm nhà dòng ở Roma, 1992. PA Archive | Press Association Images
Cả hai người phụ nữ đều không nao núng bởi tình trạng ngặt nghèo ghê gớm của các chứng bệnh mà nhiều người nghèo và người hấp hối đang phải gánh chịu. Mẹ Teresa nổi tiếng về những công việc thường xuyên và ôm lấy những người với những căn bệnh hiểm nghèo nhất. Như tờ USA Today bình luận, “Mẹ không bao giờ lưỡng lự hôn lên đôi bàn tay của những người phong cùi của Ấn độ hay nhặt những con giòi từ những vết thương của những người đang hấp hối tìm thấy trên đường.”
Diana cũng vươn tới theo cách can đảm của riêng công nương, đặc biệt những người đang bị HIV/AIDS. Trong một lần đến thăm Bệnh viện Harlem, công nương đã dừng lại và bế một bệnh nhân AIDS 7 tuổi trong nhiều phút đồng hồ. Việc này diễn ra trong thời điểm hầu hết mọi người còn đang tin rằng loại vi-rút này có thể lây lan quan những tiếp xúc vô tình.
Ngoài ra, Amanda Evinger, một cựu quản trẻ cho dòng Thừa sai Bác ái, tiết lộ rằng Công nương Diana cung cấp một căn nhà đẹp ở thủ đô Washington, D.C., mà các nữ tu của Mẹ Teresa quản lý làm nhà cho các phụ nữ mang thai nhưng chưa cưới cho đến hôm nay.
Họ là hai trong số những phụ nữ nổi tiếng nhất trong lịch sử, sống ở hai thế giới khác biệt hoàn toàn về tài chính và xã hội, đã bị ràng buộc với nhau vì lòng khát khao cùng giống nhau là đem đến lòng trắc ẩn cho một thế giới đang đói khát tình yêu.
Trong quyển sách A Simple Path (Một Con Đường Đơn Giản), Mẹ Teresa nói rằng, “Căn bệnh lớn nhất ở Tây phương ngày nay … là bị bỏ rơi, không được yêu, và không được chăm sóc. Chúng ta có thể chữa trị những căn bệnh thân xác bằng thuốc điều trị, nhưng phương pháp điều trị duy nhất cho sự cô đơn, chán nản và sự tuyệt vọng là yêu thương. Có nhiều người trên  thế giới đang khao khát một miếng bánh ăn nhưng còn có nhiều người hơn đang khao khát một chút tình yêu.”
Những lời nói của Công nương Diana với Martin Bashir của BBC năm 1995 cũng tương tự: “Tôi nghĩ căn bệnh lớn nhất thế giới đang phải gánh chịu ngày nay và trong thời đại này là chứng bệnh người ta cảm thấy không được yêu, và tôi biết tôi có thể cho đi sự yêu thương … Tôi rất hạnh phúc được làm việc đó và tôi muốn làm việc đó.”
Elizabeth Pardi
[Nguồn:  forher.aleteia]
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 15/09/2016]


BÀI GIẢNG KINH TRUYỀN TIN: Không thờ hai chủ

BÀI GIẢNG KINH TRUYỀN TIN: Không thờ hai chủ

‘”Không người hầu nào có thể thờ hai chủ. Anh ta hoặc sẽ ghét người này và yêu người kia, hoặc trung thành với người này và khinh thường người kia.'”‘
18 tháng 9, 2016
Pope Francis during the Angelus of 23 august 2015
PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Dưới đây là bản dịch của ZENIT về bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay trước và sau khi đọc Kinh Truyền Tin giữa trưa với những người có mặt tại Quảng trường Thánh Phê-rô.
__
Trước Kinh Truyền tin:
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Hôm nay, Chúa Giê-su mời chúng ta suy tư về hai lối sống đối chọi nhau: lối sống theo trần gian và lối sống theo Tin mừng. Tinh thần theo trần gian không phải là tinh thần của Chúa Giê-su. Và Người đã làm như vậy qua dụ ngôn người quản lý bất lương, anh ta được Chúa Giê-su khen, bất kể tính bất lương của anh ta (Lc 16.1 to 13). Chúng ta phải phân biệt ngay lập tức rằng người quản lý này không phải là một mẫu gương để chúng ta noi theo, nhưng là một mẫu gương của tính ranh ma quỷ quyệt. Người này bị tố cáo là quản lý gian dối những công việc của ông chủ, và trước khi bị đuổi, cố gắng giành được tình cảm của các con nợ, tha cho một phần  nợ để tạo nên một tương lai. Nhận xét về thái độ này, Chúa Giê-su nói: “Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.” (c. 8).
Giữa sự khôn khéo của trần gian này chúng ta được kêu gọi để đáp lời bằng sự khôn khéo của người Ki-tô hữu, và đó là một ơn sủng của Chúa Thánh Thần. Điều này nói đến thái độ tách biệt khỏi tinh thần và giá trị của trần gian, là những điều ma quỷ rất thích, để có thể sống đúng theo Tin mừng. Và tính thế gian, nó được thể hiện như thế nào? Tính thế gian được thể hiện qua những hành động tham nhũng, mánh khóe lừa bịp, lạm dụng quyền lực, và tạo thành một con đường sai quấy, con đường tội lỗi, vì điều này sẽ tiếp nối sang điều khác! Nó giống như một mắt xích (vòng luẩn quẩn), cho dù – điều này là thật – nó là con đường dễ dàng nhất để đi. Ngược lại, tinh thần Tin mừng đòi hỏi một lối sống nghiêm túc – nghiêm túc nhưng vui mừng, ngập tràn niềm vui! – nghiêm túc và đầy thử thách, được ghi dấu bằng sự chân thực, sự công bình, tôn trọng người khác và phẩm giá của họ, và một ý thức trách nhiệm. Và đây là sự khôn khéo của người Ki-tô hữu!
Hành trình cuộc sống cần thiết phải có sự lựa chọn giữa hai con đường: giữa lương thiện và bất lương, giữa trung tín và bất trung, giữa ích kỷ và vị tha, giữa thiện và ác. Chúng ta không thể lập lờ qua lại giữa điều này và điều kia, vì nó sẽ dẫn đến những logic dị biệt và mâu thuẫn. Ngôn sứ Ê-li-a nói với dân Israel đang đi theo hai con đường này: “Các ngươi nhảy khập khiễng hai chân cho tới bao giờ?” (Xem 1 Các Vua 18:21). Đó là một hình ảnh rất rõ. Điều quan trọng là phải quyết định đi theo hướng nào và rồi, khi đã chọn được con đường đúng, hãy đi theo nó bằng tất cả sức lực và quyết tâm, cậy dựa vào ơn sủng của Thiên Chúa và sự trợ giúp của Thần Khí của Người. Kết luận của đoạn Tin mừng thật mạnh và vô cùng rõ ràng: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.” (Lc 16:13).
Với giáo huấn này, Chúa Giê-su thúc đẩy chúng ta phải đưa ra một lựa chọn rõ ràng giữa Người và tinh thần trần tục, trong đó là lựa chọn giữa tính logic của tham nhũng, lạm quyền và tham lam, và sự logic của tính công bình, nhân hậu và chia sẻ. Thái độ và trạng thái tâm lý của người tham lam cũng tương tự như thái độ và tâm lý của một người sử dụng thuốc phiện: anh ta nghĩ anh ta có thể sử dụng và dừng bất kỳ khi nào anh ta muốn. Nó bắt đầu chỉ là một chút xíu: một khoản bồi dưỡng nho nhỏ ở đây, một tí đút lót ở kia … Và giữa cái này và cái kia, dần dần anh ta mất tự do của mình. Thậm chí tham nhũng cũng là một bệnh nghiện, và sản sinh ra sự nghèo đói, bóc lột, và đau khổ. Và trên thế giới ngày nay có không biết bao nhiêu nạn nhân! Không biết bao người là nạn nhân của sự tham nhũng lan tràn này. Nhưng chúng ta hãy đi theo logic của Tin mừng, chính trực, trong sáng trong ý định và hành vi, huynh đệ, thì chúng ta sẽ là những nhà kiến tạo công bình và mở ra những chân trời hy vọng cho nhân loại. Qua những món quà của chính chúng ta dành cho anh chị em của chúng ta, chúng ta đang phục vụ người chủ chính trực, đó là Thiên Chúa.
Nguyện xin Mẹ Maria Đồng Ttrinh giúp chúng con biết chọn lựa bằng mọi giá, chọn đúng con đường , thậm chí tìm được lòng can đảm để dám đi ngược lại với xu hướng hiện tại, để có thể đi theo Chúa Giê-su và Tin mừng của Người.
[Văn bản gốc: Tiếng Ý] [Bản dịch tiếng Anh của Deborah Castellano Lubov]




Sau Kinh Truyền tin:
Anh chị em thân mến,
Hôm qua ở Codrongianos (Sassari) đã tuyên phong Chân phước Elisabetta Sanna, một người mẹ của một gia đình. Là một góa phụ, Chân phước đã tận hiến suốt cuộc đời cho cầu nguyện và phục vụ người nghèo và người đau bệnh. Chứng tá của Chân Phước là một gương mẫu về bác ái rao giảng tin mừng, được làm cho có sức sống bởi đức tin
Hôm nay, ở Genoa, Đại hội Thánh Thể Quốc gia kết thúc. Cha xin gửi lời chào đặc biệt đế tất cả những tín hữu có mặt ở đó, và cha hy vọng rằng biến cố hồng ân này, sẽ làm hồi sinh đức tin của người dân Ý trong Bí tích Thánh Thiêng nhất là Thánh thể, trong đó chúng ta tôn thờ Đức Ki-tô, nguồn mạch sự sống và hy vọng cho tất cả mọi người.
Thứ Ba cha sẽ đi Assisi để tham dự buổi gặp  gỡ cầu nguyện cho hòa bình, đã 30 năm kể từ lần gặp gỡ lịch sử đó của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II. Cha xin mời gọi các giáo xứ, các hội đoàn giáo xứ và mọi tín hữu trên toàn thế giới hãy sống ngày đó như một ngày cầu nguyện cho hòa bình. Hôm nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần hòa bình, trong cuộc chiến đang có ở khắp nơi trên thế giới. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình! Theo gương Thánh Phanxico, một con người của tình huynh đệ và nhân hậu, chúng ta được kêu gọi để đưa ra cho thế giới một chứng tá mạnh mẽ về cam kết chung của chúng ta về hòa bình và hòa giải giữa các dân tộc. Vì thế Thứ ba, mọi người hãy hiệp nhất trong lời cầu nguyện: mỗi người hãy dành chút thời gian, theo điều kiện mình có thể, để cầu nguyện cho hòa bình. Cùng nhau trên tất cả thế giới.
Cha xin gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em, những người Roma và khách hành hương từ nhiều quốc gia. Đặc biệt, cha xin chào các tín hữu của Địa phận Cologne và địap phận Marianopoli.
Và cha xin chúc mọi người một Chúa nhất tốt lành. Và xin, đừng quên cầu nguyện cho cha. Xin chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt!
[Văn bản gốc: Tiếng Ý] [Bản dịch tiếng Anh của Deborah Castellano Lubov]

[Nguồn:  zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 19/09/2016]