Thứ Năm, 7 tháng 5, 2020

TOÀN VĂN Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: Cầu nguyện

TOÀN VĂN Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: Cầu nguyện
© Vatican Media

TOÀN VĂN Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: Cầu nguyện

Loạt giáo lý mới về chủ đề cầu nguyện

06 tháng Năm, 2020 11:56

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:30 sáng trong Thư viện của Điện Tông tòa Vatican.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha bắt đầu loạt giáo lý mới về chủ đề cầu nguyện (Mc 10:46-52).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các tín hữu. Sau đó ngài đưa ra lời kêu gọi liên quan đến thế giới việc làm, và đặc biệt là những người lao động bị bóc lột.

Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

* * *

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta bắt đầu những bài giáo lý mới về chủ đề cầu nguyện. Cầu nguyện là hơi thở của đức tin, nó là cách bày tỏ thích đáng nhất, như là một tiếng kêu phát ra từ tâm hồn của người tin tưởng và phó thác cho Chúa. Chúng ta hãy nghĩ đến câu chuyện của Batimê, một nhân vật nổi tiếng trong Tin mừng (x. Mc 10:46-52 and par.) và cha thú thật với anh chị em rằng, đối với cha đó là một nhân vật cha thích nhất. Anh bị mù, ngồi bên vệ đường xin ăn bên ngoài thành Giêrikhô. Anh không phải là một người vô danh; anh có khuôn mặt một cái tên: Batimê, tức là “con của Timê.” Một ngày kia anh nghe người ta nói rằng Chúa Giêsu sẽ đi ngang qua đó. Quả thật. Giêrikhô là một điểm giao của mọi người, là nơi các khách hành hương và thương buôn liên tục đi qua. Vì thế, Batimê nằm đó chờ đợi: anh làm đủ mọi cách để gặp gỡ Chúa Giêsu. Rất nhiều người cũng làm giống như vậy: chúng ta nhớ lại chuyện Dakêu đã trèo lên một cái cây. Có quá nhiều người muốn nhìn thấy Chúa Giêsu, ông cũng vậy.

Do đó, con người này xuất hiện trong các Tin mừng như là một tiếng kêu lớn. Anh ta không thể nhìn thấy; anh ta không biết là Chúa Giêsu ở gần hay xa, nhưng anh biết được đám đông ồn ào tăng lên tới một mức độ nào đó khi Ngài tiến đến … Tuy nhiên, anh hoàn toàn cô đơn và chẳng ai quan tâm đến anh. Và Batimê làm gì?

Anh la lớn lên, và kêu lớn và tiếp tục kêu. Anh sử dụng vũ khí duy nhất anh có: giọng nói. Anh bắt đầu kêu lớn: “Lạy con Vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (c. 47). Và anh tiếp tục như vậy, kêu lớn tiếng. Tiếng kêu lớn lặp đi lặp lại của anh gây phiền, chẳng có vẻ lịch sự, và nhiều người quở mắng anh và bắt anh phải im lặng. “Này lịch sự chút đi chứ, đừng làm vậy nữa!” Tuy nhiên, Batimê chẳng im lặng, thay vì vậy anh còn la lớn hơn: “Lạy con Vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (c. 47). Đó là một sự bướng bỉnh tốt lành của những người tìm kiếm ân huệ và gõ cửa, gõ cửa lòng của Thiên Chúa. Anh kêu lớn, gõ cửa. Cách xưng hô “Con vua Đavít” vô cùng quan trọng, nó có nghĩa là “Đấng Mêxia”, — anh tuyên xưng Đấng Mêxia –, đó là một sự tuyên xưng niềm tin phát ra từ môi miệng của một con người bị mọi người khinh miệt. Và Chúa Giêsu nghe thấy tiếng kêu của anh. Lời cầu xin của Batimê đã chạm đến trái tim của Ngài, trái tim của Chúa, và cánh cửa ơn cứu độ đã mở ra cho anh. Chúa Giêsu cho người gọi anh lại. Anh ta bật dậy trên đôi chân và những người trước đây bảo anh im lặng bây giờ dẫn anh tới với Thầy. Chúa Giêsu nói chuyện với anh, Ngài bảo anh bày tỏ ý muốn — điều này rất quan trọng — và rồi tiếng kêu trở thành một lời cầu xin: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được!” (x. c. 51). Chúa Giêsu nói với anh: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” (c. 52). Ngài nhìn thấy toàn bộ sức mạnh của niềm tin trong con người nghèo đó, không ai giúp đỡ, bị khinh miệt, niềm tin đã cuốn hút lòng thương xót và quyền năng của Chúa. Đức tin là đôi bàn tay giơ lên, là một tiếng nói kêu lên khẩn xin ơn cứu độ. Giáo lý khẳng định rằng “sự khiêm nhường là nền tảng của việc cầu nguyện” (Giáo lý Giáo hội Công giáo, CCC, 2559).

Lời cầu nguyện sinh ra từ mặt đất, từ humus, từ đó “lòng khiêm nhường” bộc lộ ra – “sự khiêm nhường” –; nó xuất phát từ tình trạng mỏng giòn của chúng ta, từ sự liên tục khát khao Thiên Chúa (x. nt., 2560-2561).

Chúng ta nhìn thấy nơi Batimê niềm tin là một tiếng kêu lớn, không có niềm tin thì bóp nghẹt tiếng kêu đó, thái độ mà những người kia thực hiện khi bắt anh ta im lặng. Họ không phải là những con người có lòng tin, nhưng anh thì có. Bóp nghẹt tiếng kêu đó là một hình thức của “omerta” [“luật im lặng”]. Niềm tin là sự phản đối chống lại tình trạng đau khổ mà chúng ta không hiểu được động cơ của nó; không có niềm tin là bó khuôn mình chịu đựng một hoàn cảnh mà chúng ta đã bị thích nghi. Niềm tin là hy vọng được giải thoát; không có niềm tin là trở nên quen với sự dữ đè nặng chúng ta, và tiếp tục theo cách này.

Anh chị em thân mến, chúng ta bắt đầu loạt giáo lý này với tiếng kêu của Batimê, vì có lẽ qua hình ảnh của con người này, mọi sự đã được viết lên. Batimê là một con người kiên trì. Có những người chung quanh ta giải thích rằng có kêu xin cũng chỉ là vô ích, rằng đó chỉ là tiếng kêu không được trả lời, rằng anh ta là người ồn ào, rằng anh ta chỉ làm phiền toái, rằng anh ta làm ơn đừng kêu la nữa. Tuy nhiên, anh không giữ im lặng, và cuối cùng anh đã đạt được điều anh muốn.

Có một tiếng nói trong tâm hồn con người kêu lên, còn lớn hơn bất kỳ những tranh cãi đối nghịch nào. Tất cả chúng ta đều có tiếng nói này trong lòng, một tiếng nói tự phát, chẳng có ai ra lệnh cho nó, một tiếng nói chất vấn ý nghĩa hành trình của chúng ta dưới thế này, đặc biệt khi chúng ta thấy mình đang ở trong bóng tối. “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con! Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con!” Đây là một lời cầu nguyện rất đẹp. Nhưng có phải những lời này đã được khắc sâu vào trong toàn thể công trình tạo dựng? Mọi sự đều cầu khẩn và nài xin rằng mầu nhiệm lòng thương xót sẽ được kiện toàn. Người Kitô hữu không phải là những người duy nhất cầu xin: họ cùng chung tiếng kêu cầu với tất cả mọi người nam và nữ. Tuy nhiên, chân trời có thể vẫn được mở rộng hơn: Thánh Phaolô khẳng định rằng toàn thể tạo vật đều “rên xiết và quằn quại” (Rm 8:22). Những người nghệ sĩ thường là người giải thích tiếng kêu thầm lặng này của tạo vật, nó đè nặng lên mọi tạo vật và bật lên trong tâm hồn con người, vì con người là “kẻ hành khất trước mặt Chúa” (x. CCC, 2559). Một cách diễn tả rất đẹp về con người: “kẻ hành khất trước mặt Chúa”. Cảm ơn anh chị em.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha

Ngày 1 tháng Năm, tôi nhận được nhiều tin nhắn liên quan thế giới việc làm và những vấn đề của nó. Tôi sững sờ về thông tin của những người lao động trên nông trại, trong đó có nhiều người di cư, họ làm việc trong vùng miền quê nước Ý. Thật đáng buồn, nhiều người bị bóc lột thậm tệ. Đúng là cuộc khủng hoảng hiện tại làm ảnh hưởng đến mọi người, nhưng phẩm giá của con người phải luôn luôn được tôn trọng. Đó là lý do tại sao tôi góp thêm tiếng nói của mình vào với lời kêu cầu khẩn khoản của những người lao động này và tất cả những người lao động bị bóc lột. Ước mong rằng cuộc khủng hoảng cho chúng ta cơ hội để làm cho phẩm giá con người và phẩm giá của công việc trở thành trung tâm của những điều chúng ta quan tâm.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Tòa Thánh]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/5/2020]


Kẻ sát nhân nói rằng chủng sinh người Nigeria bị sát hại vì rao giảng tin mừng

Kẻ sát nhân nói rằng chủng sinh người Nigeria bị sát hại vì rao giảng tin mừng

Kẻ sát nhân nói rằng chủng sinh người Nigeria bị sát hại vì rao giảng tin mừng
Chủng sinh người Nigeria, Michael Nnadi. Courtesy photo.

CNA Staff, 2 tháng Năm, 2020 / 04:30 chiều MT (CNA). - Một người đàn ông khẳng định đã giết Michael Nnadi, chủng sinh người Nigeria, đã có cuộc phỏng vấn qua đó anh ta nói rằng anh ta hành quyết người linh mục tương lai vì chủng sinh đó không chịu ngừng loan báo niềm tin Kitô ngay cả khi bị giam cầm.
Mustapha Mohammed, hiện đang bị giam trong tù, có cuộc phỏng vấn qua điện thoại với tờ báo Nigeria, Daily Sun hôm thứ Sáu. Theo Daily Sun, anh ta nhận trách nhiệm vụ sát hại, vì Nnadi, 18 tuổi, “tiếp tục rao giảng tin mừng của Chúa Giêsu Kitô” cho những người bắt giữ.

Theo tờ báo, Mustapha khen ngợi “lòng can đảm tuyệt vời” của Nnadi, và nói cho biết người chủng sinh “nói thẳng vào mặt anh ta rằng phải thay đổi con đường sự dữ hoặc sẽ bị diệt vong.”

Nnadi bị bắt cóc bởi những tay súng từ Chủng viện Mục tử Nhân lành ở Kaduna ngày 8 tháng Một, cùng với ba chủng sinh khác. Chủng viện có khoảng 270 chủng sinh, nằm gần đường cao tốc Abuja-Kaduna-Zaria. Theo AFP, vùng này “khét tiếng về những băng nhóm tội phạm bắt cóc du khách để tống tiền.”

Mustapha, 26 tuổi, nhận mình là người cầm đầu của một băng gồm 45 thành viên “săn mồi” dọc theo đường cao tốc. Anh ta được phỏng vấn trong một nhà tù ở Abuja, Nigeria, là nơi anh ta bị giam bởi cảnh sát.

Trong buổi tối bị bắt cóc, các tay súng, ngụy trang trong quân phục của lính, phá hàng rào bao quanh khu nhà ở của các chủng sinh và nổ súng. Chúng lấy đi các máy tính xách tay và điện thoại trước khi bắt cóc bốn người thanh niên.

Mười ngày sau vụ bắt cóc, một trong bốn chủng sinh được tìm thấy nằm bên vệ đường, còn sống nhưng bị thương rất nặng. Ngày 31 tháng Một, một nhân viên tại Chủng viện Mục tử Nhân lành thông báo rằng hai chủng sinh khác đã được thả, nhưng Nnadi vẫn còn mất tích và được cho là vẫn bị bắt giữ.

Ngày 1 tháng Hai, Đức Giám mục Mátthêu Hassan Kukah của Giáo phận Sokoto, Nigeria, thông báo rằng Nnadi đã bị giết.

“Với tâm hồn nặng trĩu, tôi xin thông báo với anh chị em rằng người con thân yêu của chúng ta, thầy Michael đã bị sát hại bởi những kẻ cướp vào một ngày mà chúng tôi chưa thể xác định được,” đức giám mục nói và khẳng định rằng vị giám đốc chủng viện đã nhận dạng được thi thể của Nnadi.

Tờ báo tường thuật rằng từ “ngày đầu tiên Nnadi bị bắt cóc cùng với ba bạn cùng chủng viện, thầy đã không để cho [Mustapha] được yên,” vì thầy cứ quyết tâm loan báo tin mừng cho anh ta.

Theo tờ báo, Mustapha “không thích sự tự tin của người thanh niên và quyết định sớm tiễn hắn xuống mồ.”

Theo Daily Sun, Mustapha nhắm mục tiêu vào chủng viện vì biết rằng đó là một trung tâm đào tạo linh mục, và một thành viên trong băng đảng sống gần đó đã giúp theo dõi trước khi tấn công. Mohammed tin rằng đó sẽ là một mục tiêu béo bở cho vụ cướp và đòi tiền chuộc.

Mohammed cũng cho biết rằng băng nhóm đã dùng điện thoại của Nnadi để đưa ra những mức giá tiền chuộc, đòi hơn 250.000$, sau đó giảm xuống còn 25.000$, để bảo đảm việc thả ba chủng sinh còn sống, Pius Kanwai, 19 tuổi; Peter Umenukor, 23 tuổi; và Stephen Amos, 23 tuổi.

Vụ sát hại Nnadi là một trong hàng loạt những vụ tấn công và sát hại người Kitô hữu trong nước trong vòng ba tháng gần đây.

Đức Tổng giám mục Ignatius Kaigama thuộc giáo phận Abuja kêu gọi Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari xử lý vấn đề bạo lực và bắt cóc trong một bài giảng ngày 1 tháng Ba trong Thánh Lễ với Hội đồng Giám mục Nigeria.

Đức Giám mục Kaigama nói, “Chúng tôi cần được tiếp cận với các nhà lãnh đạo; tổng thống, phó tổng thống. Chúng ta cần phải chung sức làm việc để xóa bỏ nghèo đói, giết người, sự lãnh đạo yếu kém và tất cả những thách thức mà quốc gia chúng ta đang phải đối mặt.”

Hôm Thứ Tư Lễ Tro, trong một lá thư gửi người Công giáo Nigeria, Đức Tổng Giám mục Augustine Obiora Akubeze thuộc thành phố Benin kêu gọi người Công giáo mặc trang phục màu đen trong tình liên đới với các nạn nhân và cầu nguyện, để đối phó với những vụ hành hình người Kitô “lặp đi lặp lại” bởi nhóm Boko Haram và những vụ bắt cóc “liên tục” “có sự liên kết của cùng các nhóm.”

Những ngôi làng Kitô giáo khác cũng bị tấn công, nông trang bị thiêu rụi, các xe chở người Kitô hữu bị tấn công, đàn ông và phụ nữ bị giết và bắt cóc, và phụ nữ bị đem làm nô lệ tình dục và tra tấn — một “kiểu mẫu” nhằm mục tiêu vào người Kitô hữu.

Ngày 27 tháng Hai, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Sam Brownback nói với CNA rằng tình hình ở Nigeria ngày càng xấu đi.

Ông nói với CNA: “Có rất nhiều người bị giết ở Nigeria, và chúng tôi lo ngại rằng sẽ có sự lan rộng rất lớn trong vùng đó. Nó là một vùng hiện rõ trên màn hình radar của tôi - trong vài năm qua, nhưng đặc biệt là năm ngoái.”

Ông nói: “Tôi nghĩ chúng tôi phải thúc giục chính quyền của [Tổng thống Nigeria Muhammadu] nhiều hơn. Họ có thể làm nhiều hơn. Họ không đưa những kẻ sát hại các tín đồ tôn giáo ra công lý. Họ dường như không có ý thức về tính khẩn cấp để hành động.”



[Nguồn: catholicnewsagency]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/5/2020]