Thứ Tư, 5 tháng 10, 2022

Chuyện gì đã xảy ra với nửa còn lại của Hý trường Colosseum?

Chuyện gì đã xảy ra với nửa còn lại của Hý trường La Mã?

Chuyện gì đã xảy ra với nửa còn lại của Hý trường Colosseum?

FeaturedPics|Wikipedia|CC BY-SA 4.0

Daniel Esparza

05/09/22


Hý trường Flavian ban đầu rộng gấp đôi so với ngày nay. Đức Giáo hoàng Piô VIII bắt đầu công việc bảo tồn những gì còn lại của nó, vì nó đã được sử dụng như một mỏ đá trong nhiều thế kỷ.

Công việc xây dựng Hý trường Flavian (tên chính thức của Đấu trường Colosseum, được đặt theo tên của triều đại Flavian) bắt đầu vào năm 70, dưới sự cai trị của hoàng đế Vespasianus. Quân đội La Mã vừa cướp phá thành Giêrusalem theo lệnh của hoàng đế, và số vàng họ mang về được dùng để chi trả cho hý trường mới mà hoàng đế dự định xây dựng.

Một số nhà sử học cho rằng hầu hết các nô lệ bị buộc phải làm việc trong công trình xây dựng hý trường là những người Do Thái bị tống ngục mà hoàng đế Vespasianus đã bắt làm nô lệ trước khi rời bỏ Giuđêa và giao lại cho con trai của ông ta là Titus trách nhiệm bao vây thành. Nhưng hý trường gần hai ngàn năm tuổi, khi hoàn thành, lớn gần gấp đôi so với di tích còn lại của nó ngày nay: Sân vận động hình bầu dục với kích thước vòng quanh khoảng một phần ba dặm (nửa cây số), với kích thước bên ngoài là 620 x 513 feet (190 x 155 mét). Mặt tiền cao khoảng 160 foot (48 mét) có ba dãy 80 khung cửa hình vòm chồng lên nhau và một tầng áp mái.


Chuyện gì đã xảy ra với nửa còn lại của di tích Hý trường La Mã?

Lịch sử của Hý trường La Mã (Colosseum - biệt danh được cho là bắt nguồn từ một bức tượng hoàng đế Nero khổng lồ mà hoàng đế Hadrianus dựng bên cạnh hý trường), như mong chờ, thì dài và phức tạp.

Chuyện gì đã xảy ra với nửa còn lại của Hý trường Colosseum?

Thánh Inhaxiô thành Antioch, người Kitô hữu đầu tiên chịu tử đạo tại Hý trường Flavian PD

Ban đầu, Hý trường La Mã được sử dụng như một rạp xiếc trong gần 500 năm: các màn trình diễn cuối cùng được ghi lại vào thế kỷ thứ 6 ­– gần hai thế kỷ sau ngày sụp đổ của Đế quốc La Mã phương Tây (theo truyền thống nhưng còn nhiều tranh luận) vào năm 476.

Các trận chiến của võ sĩ giác đấu, những cuộc săn thú, hành quyết, những màn tái hiện lại các trận chiến huyền thoại, và thậm chí cả các vở kịch dựa trên thần thoại cổ điển cũng diễn ra trong đó. Nhưng khi hý trường không còn được sử dụng cho những mục đích này, nó được dùng như một nơi ẩn náu, một nhà máy, làm trụ sở của một dòng tu, một pháo đài và cuối cùng là một mỏ đá: như đã xảy ra với không biết bao nhiêu tu viện trên khắp Châu Âu, vật liệu thường được lấy từ các phế tích để xây dựng những tòa nhà khác.

Bằng chứng lịch sử cho thấy chính Đức Giáo hoàng Piô VIII (triều đại giáo hoàng của ngài chỉ kéo dài một năm, từ 1829 đến 1830) đã bắt đầu công việc bảo tồn các di tích Hý trường La Mã, ngài biến chuyển nó thành một thánh địa của Kitô giáo để tôn vinh những người bị giam cầm chịu tử vì đạo trong những năm đầu của Kitô giáo.

Sự thật là vào cuối thế kỷ thứ 6, một nhà nguyện nhỏ đã được xây dựng trong tòa Hý trường La Mã, nhưng sự tôn vinh khiêm tốn này dành cho những người Kitô tử đạo tiên khởi không mang lại nét đặc thù tôn giáo quan trọng nào cho tòa nhà.

Trong khi sân đấu trường được sử dụng như một nghĩa trang, các khu vực khán đài và những vòm ngầm bên dưới được biến thành nhà ở và xưởng sản xuất mãi đến thế kỷ 12, khi một gia đình người La Mã giàu có mua nó và biến nó thành một lâu đài của riêng họ. Việc này đã cho tòa thành nó hình dạng trông giống như ngày nay, cho đến khi trận động đất lớn năm 1349 khiến mặt phía nam của rạp xiếc bị sụp đổ.

Ngoài ra, phần lớn tàn tích của Hý trường La Mã đã được tái sử dụng để xây dựng nhiều tòa nhà ở những nơi khác trong thành phố.

Chuyện gì đã xảy ra với nửa còn lại của Hý trường Colosseum?

Trong khi sân đấu trường được sử dụng như một nghĩa trang, các khu vực khán đài và những vòm ngầm bên dưới được biến thành nhà ở và xưởng sản xuất mãi đến thế kỷ 12 Shutterstock

Một dòng tu, dòng Arciconfraternita del SS. Salvatore ad Sancta Sanctorum, được chuyển đến một phần phía bắc của Hý trường La Mã sau trận động đất, và tiếp tục sử dụng nó cho đến thế kỷ 19. Nhưng việc đó không giúp ngăn chặn phần còn lại của tòa thành bị phá, sử dụng tùy tiện như một mỏ khai thác đá.

Các giáo hoàng và các nhà hữu trách của Giáo hội đã cố gắng sử dụng tòa thành cho các mục đích khác nhau để giúp bảo tồn nó, từ việc xây dựng các nhà máy len để cung cấp việc làm cho những cô gái mại dâm ở Roma, đến việc sử dụng nó như một trường đấu bò.

Một số sử gia khẳng định rằng chính Đức Giáo hoàng Benedict XIV, vào năm 1749 coi Hý trường La Mã là một địa điểm thánh thiêng, đã cấm sử dụng nó như một mỏ khai thác đá, và thánh hiến tòa thành, tuyên bố nó được thánh hóa bằng máu của các vị tử đạo. Tuy nhiên, không có bằng chứng lịch sử nào chứng minh cho tuyên bố này.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/10/2022]


Đức Thánh Cha: “Hãy cho mọi người biết đến vẻ đẹp của các con!"

Đức Thánh Cha: “Hãy cho mọi người biết đến vẻ đẹp của các con!"

Thông điệp nhân dịp “Công ước Giáo dục Toàn cầu Orsolino”

Đức Thánh Cha: “Hãy cho mọi người biết đến vẻ đẹp của các con!"

© Vatican Media



*******

Sau đây chúng tôi đăng lại Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi tới các tham gia viên của Dự án “Công ước Giáo dục Toàn cầu” Orsolino, bắt đầu ngày 15 tháng Mười năm 2021 và có sự tham gia của các sinh viên và các nhà giáo dục từ 19 quốc gia thuộc 5 châu lục:

Thông điệp của Đức Thánh Cha

_______________________________

Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô

gửi các tham dự viên “Công ước Giáo dục Toàn cầu Ursuline”

30 tháng Chín, 2022

Các con sinh viên thân yêu!

Cha thật vui gửi lời chào các con và những lời chúc tốt đẹp nhất cho thời gian các con nhóm họp với nhau. Cha khuyến khích các con hãy thực hiện những dự án của mình cách hăng hái. Cha luôn mong được nói chuyện với sinh viên các con, vì cha xem những trải nghiệm của cha ở trường học, trong vai trò là sinh viên và một giáo viên, là một trong những giai đoạn đẹp và quan trọng nhất của cuộc đời của cha. Nhưng đây không phải là những ký ức mang tính hoài niệm! Trên thực tế, trong suốt cuộc đời chúng ta liên tục học hỏi và chia sẻ những gì chúng ta đã trải nghiệm.

Cha đã nghe về những sáng kiến mà các con đã thực hiện cũng như những sáng kiến các con đang thực hiện, liên quan đến việc bảo vệ môi trường, tính bền vững, tình huynh đệ của con người và sự quan tâm đến những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. Điều này nhờ công lao của các con rất nhiều, và cho thấy rằng người trẻ các con đang tỉnh thức hơn là ngủ. Cha cũng biết rằng các con đang tích cực tham gia vào Công ước Giáo dục Toàn cầu, mà cha đã đưa ra cách đây ba năm như một liên minh mở cho tất cả mọi người và nhằm mục đích giáo dục bản thân và những người khác trong tình huynh đệ phổ quát.

Chắc chắn ở đây cha không muốn đưa ra cho các con một bài học, nhưng đơn giản muốn nói với các con hai điều mà cha tin rằng rất quan trọng: một liên quan đến con người và hai là hành động. Cha làm như vậy bằng cách lấy gợi ý từ một người mà các con biết rõ: cô gái xinh đẹp tên là Ursula. Theo những người viết tiểu sử, cô là một phụ nữ trẻ có vẻ đẹp mặn mà, được các hoàng tử và hiệp sĩ vô cùng ngưỡng mộ, và là người đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người trẻ. Trong đó có Thánh Angela Merici, là người khởi đầu công cuộc giáo dục với cái tên “Ursulines”, cùng với những người bạn đồng hành của mình.

Các bạn trẻ thân yêu, điều đầu tiên cha muốn nói với các con là hãy để vẻ đẹp của các con được tỏa sáng! Vẻ đẹp thực sự, không giống như cái đẹp của thời trang thế gian. Trong xã hội của chúng ta, bị ngột ngạt bởi quá nhiều điều khó chịu, ước mong các con hãy thể hiện ra vẻ đẹp luôn thuộc về chúng ta, từ giây phút đầu tiên được tạo dựng, khi Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài và thấy rằng điều đó là rất tốt đẹp. Vẻ đẹp này phải được chia sẻ và bảo vệ. Vì nếu đúng là cái đẹp sẽ cứu thế giới – như Hoàng tử Myshkin đã nói trong tác phẩm The Idiot của văn hào Dostoevsky – thì chúng ta phải luôn cảnh giác để thế giới cũng cứu được cái đẹp. Để đạt được điều này, cha mời gọi các con hãy đón nhận một “hiệp ước toàn cầu về cái đẹp” cùng với tất cả những người trẻ trên thế giới, vì không có nền giáo dục nào mà không có cái đẹp. “Chúng ta không thể giáo dục nếu không dẫn đưa một người đến với cái đẹp, nếu không hướng tâm hồn đến cái đẹp. Nói rộng hơn một chút, cha muốn nói rằng một nền giáo dục sẽ không thành công nếu bạn không biết cách tạo ra những nhà thơ. Con đường của cái đẹp là một thách đố cần phải giải quyết” (Diễn từ gửi những tham dự viên Hội thảo “Giáo dục: Công ước Toàn cầu”, ngày 7 tháng Hai năm 2020).

Cái đẹp mà chúng ta đang nói đến không được biến thành cái đẹp của nhân vật Narcissus, người quá yêu hình ảnh của bản thân và đã chết chìm trong hồ nước mà anh ta nhìn thấy bóng phản chiếu của mình. Cũng không có vẻ đẹp nào thỏa hiệp với cái ác, như Dorian Gray thấy khuôn mặt mình bị biến dạng sau khi lời nguyền được hóa giải. Ngược lại, chúng ta đang nói đến vẻ đẹp không bao giờ phai nhạt vì nó là sự phản ánh của vẻ đẹp nước Trời. Thật vậy, Thiên Chúa của chúng ta là chân, thiện, mỹ. Và cái đẹp là một trong những cách đặc biệt để tìm được Ngài (xem Tông huấn Evangelii Gaudium, 167).

Điều thứ hai cha muốn nói với các con liên quan đến hành động. Cái đẹp mà Chúa Giêsu đã bày tỏ cho chúng ta là một vẻ đẹp rạng ngời thể hiện qua hành động; một vẻ đẹp hóa thân để được chia sẻ; một vẻ đẹp không sợ bàn tay bị lấm bẩn, trở nên biến dạng để chung thủy với tình yêu đã tạo dựng nên nó. Vì vậy, các con đừng trở thành những “người đẹp ngủ trong rừng”: các con được kêu gọi hãy hành động, hãy làm một điều gì đó. Vẻ đẹp đích thực luôn có kết quả, nó thúc đẩy chúng ta lên đường và khiến chúng ta chuyển động. Ngay cả việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa cũng không thể dừng lại ở niềm vui thú được nhìn thấy Ngài, như ba môn đệ trên Núi Tabo suy nghĩ khi Chúa Giêsu Biến Hình: “Chúng con ở đây, thật là hay! Con xin dựng tại đây ba cái lều…” (x. Mt 17:4). Không, các con phải xuống núi và xắn tay áo lên.

Vì vậy, cha cầu chúc cho mỗi người các con một sự thao thức lành mạnh trong những mong muốn và dự án của mình, một sự thao thức luôn thúc đẩy các con tiếp tục tiến bước, và không bao giờ có cảm giác “đã đến nơi”. Đừng tách mình ra khỏi thế giới bằng cách nhốt mình trong phòng như một Peter Pan, người không muốn lớn, hay như những hikikomori trẻ sợ đối mặt với thế giới. Hãy luôn rộng mở và can đảm như Thánh Ursula, “gấu con”, người can đảm dấn bước trên một hành trình dài với những người bạn đồng hành của mình và không sợ đối mặt với những cuộc tấn công đến mức chịu tử vì đạo. Ước mong các con cũng hãy trở thành những “chú gấu con” không bao giờ trốn tránh trách nhiệm của mình. Nếu những người trẻ không thay đổi thế giới, thì ai sẽ làm?

Các con sẽ nói với cha: vâng, nhưng bằng cách nào? Bằng cách bảo vệ vẻ đẹp đầy sẹo của rất nhiều người bị xã hội ruồng bỏ trên thế giới; bằng cách mở lòng chào đón người khác, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất và người bị gạt ra bên lề xã hội; bằng cách nhìn đến những người khác biệt với chúng ta không như một mối đe dọa mà như một kho tàng. Và bằng cách bảo vệ vẻ đẹp bị tổn thương của tạo vật, bảo vệ các tài nguyên của ngôi nhà chung của chúng ta, đón nhận lối sống tiết độ và thân thiện hơn với môi trường. Về vấn đề này, cha mời các con hãy đọc với các bạn cùng trường thông điệp mà cha gửi đến các bạn trẻ nhóm họp tại Praha cho “Hội nghị Thanh niên EU” vào tháng Bảy năm nay. Cha chắc chắn các con cũng sẽ tìm thấy ở đó sự khích lệ hơn nữa cho những cam kết của các con.

Các con tuổi trẻ thân yêu, cha hy vọng sẽ gặp lại các con tại Ngày Giới trẻ Thế giới năm tới ở Lisbon, hứa hẹn sẽ là một dấu chỉ tuyệt vời của hy vọng và vẻ đẹp cho tất cả thanh niên trên thế giới.

Nhờ lời cầu bầu của Thánh nữ Ursula xinh đẹp và luôn thao thức, xin Chúa ban phúc lành cho tất cả các con, cho các thầy cô giáo và những nỗ lực của các con; và cũng chúc phúc cho các sinh viên trên thế giới để họ không ngừng ước mơ về một thế giới tốt đẹp hơn, và cố gắng xây dựng nó từng chút từng chút mỗi ngày với lòng can đảm và kiên trì.


Roma, Đền Thánh Gioan Lateran, 21 tháng Chín, 2022, Lễ Thánh Matthêu Tông đồ

PHANXICÔ


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/10/2022]