Thứ Năm, 29 tháng 6, 2023

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha ngày 28.06.2023: Đừng quên rằng: sẽ không có sự nên thánh nếu không quan tâm đến người nghèo bằng cách này hay

Đừng quên rằng: sẽ không có sự nên thánh nếu không quan tâm đến người nghèo bằng cách này hay cách khác

Tiếp kiến chung: Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha ngày 28.06.2023: Đừng quên rằng: sẽ không có sự nên thánh nếu không quan tâm đến người nghèo bằng cách này hay

Vatican Media


*******

Buổi Tiếp kiến chung sáng nay diễn ra lúc 9 giờ sáng tại Quảng trường Thánh Phêrô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về Nhiệt tâm Rao giảng Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu, tập trung suy niệm về chủ đề “Các chứng nhân: Thánh Mary MacKillop” (Bài đọc: Mc 9:33.35-37).

Sau phần tóm lược bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ khác nhau, Đức Thánh Cha ngỏ lời chào đặc biệt đến các tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

__________________________________________________

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Giáo lý. Nhiệt tâm Rao giảng Tin Mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu. 17. Các Chứng nhân: Thánh Mary MacKillop

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta phải kiên nhẫn một chút, với cái nóng này – và cảm ơn anh chị em đã đến, trong cái nóng này, với cái nắng này: cảm ơn anh chị em rất nhiều vì đã đến thăm viếng.

Trong loạt bài giáo lý về lòng nhiệt thành tông đồ – chúng ta đang nói về chủ đề này – chúng ta gặp được một số mẫu gương của những người nam nữ ở mọi thời đại và mọi nơi đã dâng hiến cuộc đời cho Tin Mừng. Hôm nay chúng ta sẽ đến Châu Đại dương – rất xa phải không? – một lục địa được tạo thành bởi nhiều hòn đảo lớn nhỏ. Niềm tin vào Chúa Kitô, mà rất nhiều di dân Châu Âu mang đến những vùng đất này, đã sớm bén rễ và sinh nhiều hoa trái (x. Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Ecclesia in Oceania, 6). Trong số đó có một nữ tu phi thường là chị Mary MacKillop (1842-1909), người sáng lập Dòng Nữ tu Thánh Giuse Thánh Tâm, đã cống hiến cuộc đời cho việc đào tạo kiến thức và tôn giáo cho người nghèo ở vùng nông thôn Úc.

Chị Mary MacKillop chào đời gần vùng Melbourne. Cha mẹ là người di cư đến Úc từ Scotland. Khi còn là thiếu nữ, chị cảm nhận được tiếng gọi của Thiên Chúa phục vụ Người và làm chứng cho Người không chỉ bằng lời nói, nhưng trên hết bằng cuộc đời được biến đổi bởi sự hiện diện của Thiên Chúa (x. Tông huấn Evangelii gaudium, 259). Giống như bà Maria Mađalêna, người đầu tiên được gặp Chúa Giêsu Phục sinh và được Ngài sai đi báo tin cho các môn đệ, chị Mary xác tín rằng mình cũng được sai đi để loan báo Tin Vui và thu hút người khác đến gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống.

Đọc các dấu chỉ của thời đại cách khôn ngoan, chị hiểu rằng đối với chị, cách tốt nhất để làm điều đó là thông qua việc giáo dục lớp người trẻ, hiểu rằng giáo dục Công giáo là một hình thức rao giảng Tin Mừng. Đó là một hình thức rao giảng Tin Mừng tuyệt vời. Theo cách này, nếu chúng ta có thể nói rằng “mỗi vị thánh là một sứ mệnh, được Chúa Cha hoạch định để phản ánh và thể hiện một khía cạnh nào đó của Tin Mừng vào một thời điểm cụ thể trong lịch sử” (Tông huấn Gaudete et Exsultate, 19) thì chị Mary McKillop làm đúng như vậy thông qua việc thành lập các trường học.

Một đặc điểm quan trọng trong lòng nhiệt thành của chị đối với Tin Mừng là quan tâm đến người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Và điều này rất quan trọng: trên con đường nên thánh, tức là con đường Kitô giáo, người nghèo và người bị gạt ra bên lề là những vai chính, và một người không thể tiến tới sự nên thánh nếu người ấy không hy sinh cho họ, bằng cách này hay cách khác. Họ là sự hiện diện của Chúa, những người đang cần sự trợ giúp của Chúa. Có lần cha đọc được một câu nói đánh động cha rất mạnh; câu đó nói: “Những vai chính của Lịch sử là người hành khất. Họ là những người thu hút chú ý đến sự bất công rất lớn, đó là sự nghèo đói quá nhiều trên thế giới”. Tiền được dùng để sản xuất vũ khí, không để cung cấp những bữa ăn. Và đừng quên: sẽ không có sự nên thánh nếu không quan tâm đến người nghèo, người túng thiếu, những người ở bên lề xã hội bằng cách này hay cách khác. Sự quan tâm đến người nghèo và người bị gạt ra bên lề xã hội đã thúc đẩy chị Mary đi đến những nơi mà người khác không muốn hoặc không thể đến. Vào ngày 19 tháng Ba năm 1866, lễ Thánh Giuse, chị khánh thành trường học đầu tiên ở một vùng ngoại ô nhỏ thuộc miền Nam Úc. Chị và các nữ tu của chị tiếp tục thành lập nhiều trường khác tại các cộng đồng nông thôn trên khắp nước Úc và New Zealand. Và họ nhân lên gấp nhiều lần, lòng nhiệt thành tông đồ là như thế: nó nhân công việc lên gấp nhiều lần.

Chị Mary MacKillop vững tin rằng mục đích của giáo dục là sự phát triển toàn diện của con người trong vai trò là một cá nhân và là một thành viên của cộng đồng; và rằng điều này đòi hỏi sự khôn ngoan, kiên nhẫn và đức ái nơi mỗi người thầy.

Thật vậy, giáo dục không phải là việc đổ đầy đầu óc bằng những ý tưởng: không, không chỉ là việc đó, vậy: giáo dục là gì? Đồng hành và khích lệ các em trên con đường trưởng thành nhân bản và tinh thần, cho các em thấy tình bạn với Chúa Giêsu Phục sinh mở rộng tâm hồn và làm cho cuộc sống nhân bản hơn. Giáo dục và giúp suy nghĩ tốt, cảm nhận tốt (ngôn ngữ của trái tim) và làm điều tốt (ngôn ngữ của đôi tay). Tầm nhìn này hoàn toàn phù hợp với ngày nay, khi chúng ta cảm thấy cần có một “hiệp ước giáo dục” có khả năng đoàn kết gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng cho người nghèo của chị Mary MacKillop cũng dẫn chị đến việc đảm nhận một số công cuộc bác ái khác, bắt đầu với “Ngôi nhà Quan phòng” được mở ở Adelaide để tiếp nhận người già và trẻ em bị bỏ rơi. Chị Mary đặt niềm tin vững chắc vào sự Quan Phòng của Chúa: chị luôn vững tin trong bất cứ hoàn cảnh nào Chúa đưa đến. Nhưng điều đó cũng không miễn trừ chị khỏi những lo lắng và khó khăn phát sinh trong công việc tông đồ của mình, và chị Mary có lý do chính đáng cho điều này: chị phải trả các hóa đơn, thương lượng với các giám mục và linh mục địa phương, quản lý trường học và trông nom việc đào tạo nghề nghiệp và tinh thần cho các nữ tu của chị; và rồi chị gặp các vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, trải qua tất cả những điều đó, chị vẫn bình tĩnh, kiên nhẫn vác thập giá là một phần không thể thiếu của sứ vụ.

Có một lần, trong ngày Lễ Suy tôn Thánh Giá, chị Mary nói với một nữ tu của mình: “Con à, Mẹ đã học yêu mến Thánh Giá trong nhiều năm”. Mẹ đã học yêu mến Thánh Giá trong nhiều năm. Chị đã không bỏ cuộc trong những lúc thử thách và tăm tối, khi niềm vui của chị bị dập tắt bởi sự chống đối hoặc khước từ. Hãy chú ý điều này: tất cả các thánh đều phải đối mặt với sự chống đối, ngay cả trong Giáo hội. Điều này thật lạ lùng. Và chị cũng phải đối mặt với nó. Chị vẫn vững tin rằng ngay cả khi Chúa ban cho chị “bánh ăn trong lúc ngặt nghèo và nước uống trong cơn khốn quẫn” (Is 30:20), thì Chúa sẽ nhanh đáp lại tiếng kêu cầu của chị và bao phủ quanh chị bằng ân sủng của Người. Đây là bí mật của lòng nhiệt thành tông đồ: mối tương quan liên tục với Chúa.

Anh chị em thân mến, ước mong cương vị người môn đệ truyền giáo của Thánh Mary MacKillop, sự đáp lời đầy sáng tạo của chị trước những nhu cầu của Giáo hội vào thời của chị, và sự dấn thân của chị trong việc đào tạo toàn diện cho lớp người trẻ, truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta hôm nay, là những người được kêu gọi trở thành men của Tin Mừng trong xã hội thay đổi nhanh chóng của chúng ta. Xin gương sáng và lời chuyển cầu của chị nâng đỡ công việc hàng ngày của các bậc cha mẹ, thầy cô giáo, các giáo lý viên và tất cả những nhà giáo dục, vì lợi ích của người trẻ và vì một tương lai đầy nhân bản và nhiều hy vọng hơn. Cảm ơn anh chị em rất nhiều.

____________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha xin gửi lời chào thân ái đến anh chị em hành hương và du khách nói tiếng Anh tham dự buổi tiếp kiến chung hôm nay, đặc biệt là các nhóm đến từ Anh, Úc, Palestine, Philippines, Canada và Hoa Kỳ. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/6/2023]


Sự rời bỏ của người Đức: Nửa triệu người Công giáo rời bỏ Giáo hội trong cuộc ra đi lịch sử

Sự rời bỏ của người Đức: nửa triệu người Công giáo rời bỏ Giáo hội trong cuộc ra đi lịch sử

Cho dù có sự ra đi này, số liệu thống kê của Giáo hội trong năm 2022 cho thấy gần 21 triệu người ở Đức vẫn chính thức là người Công giáo vào cuối năm, chiếm 24,8% trong dân số 84,4 triệu người của đất nước.

Sự rời bỏ của người Đức: Nửa triệu người Công giáo rời bỏ Giáo hội trong cuộc ra đi lịch sử

Nhà thờ Chánh tòa Công giáo Limburg ở Hessen, Đức. (photo: Mylius / Wikimedia/GFDL 1.2)

AC Wimmer/CNA

28 THÁNG SÁU, 2023



Giáo hội Công giáo ở Đức đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có, với hơn nửa triệu người Công giáo đã rửa tội rời bỏ Giáo hội vào năm 2022, theo số liệu thống kê được công bố bởi Hội đồng Giám mục Đức ngày 28 tháng Sáu.

Theo CNA Deutsch, hãng thông tấn tiếng Đức đối tác của CNA, việc này đánh dấu con số rời bỏ Giáo hội cao nhất từng được ghi nhận, với 522.821 người chọn ra khỏi Giáo hội.

Tổng số người bỏ đạo, kể cả số người chết, vượt quá 708.000 người, con số rất tương phản với 155.173 người chịu phép rửa và 1.447 tín hữu mới được ghi nhận trong cùng thời kỳ. Các số liệu cho thấy một xu hướng tiêu cực trong lịch sử, với số lượng rời bỏ tăng gấp đôi từ hơn 270.000 của năm 2020 lên mức kỷ lục hiện tại.

Cho dù có sự ra đi này, số liệu thống kê của Giáo hội trong năm 2022 cho thấy gần 21 triệu người ở Đức vẫn chính thức là người Công giáo vào cuối năm, chiếm 24,8% trong dân số 84,4 triệu người của đất nước.

Một số vị giám mục Đức bày tỏ sự thất vọng về các con số. Đức Giám mục Stefan Oster của Passau mô tả những con số này là “cao một cách đáng sợ”, trong khi Đức Giám mục Bertram Meier của Augsburg thừa nhận sự cần thiết của Giáo hội phải lấy lại niềm tin bằng “sự kiên nhẫn và tính đáng tin”.

Đức Giám mục Georg Bätzing của Limburg, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, nói trên trang web của giáo phận rằng những con số “đáng báo động” này nhấn mạnh đến nhu cầu phải tiếp tục “thay đổi văn hóa” và thực hiện những quyết tâm Hiệp hành của Đức.

Một báo cáo năm 2021 của CNA Deutsch lưu ý rằng cứ 3 người Công giáo ở Đức thì có 1 người đang cân nhắc rời bỏ Giáo hội. Theo một nghiên cứu trước đó, những lý do rời bỏ rất khác nhau, người lớn tuổi thì viện dẫn cách Giáo hội xử lý khủng hoảng lạm dụng tính dục và người trẻ tuổi nói đến nghĩa vụ đóng thuế của nhà thờ.

Hội đồng Giám mục Đức hiện quy định rằng rời bỏ Giáo hội sẽ tự động bị vạ tuyệt thông, một quy định đã gây tranh cãi giữa các nhà thần học và giáo luật.

Dự báo năm 2019 thuộc một dự án của các nhà khoa học tại Đại học Freiburg tiên đoán rằng số lượng người Kitô hữu nộp thuế nhà thờ ở Đức sẽ giảm một nửa vào năm 2060.

Bất kể có khủng hoảng, Giáo hội chứng kiến sự gia tăng nhẹ số người tham dự Thánh lễ vào năm 2021, tăng từ 4,3% lên 5,7%, sau thời gian khủng hoảng coronavirus ngăn cản việc cử hành nhiều bí tích. Số lượng lễ cưới cử hành trong nhà thờ cũng tăng từ hơn 20.000 của năm trước lên 35.467 vào năm 2022.

Các số liệu không bao gồm dữ liệu về việc xưng tội, vì bí tích không được đưa vào thống kê của hội đồng giám mục.


[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/6/2023]