Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2021

Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước các tham dự viên của cuộc họp do Mạng lưới các Nhà Lập pháp Công giáo Quốc tế tổ chức

Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước các tham dự viên của cuộc họp do Mạng lưới các Nhà Lập pháp Công giáo Quốc tế tổ chức

Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô
Trước các tham dự viên của cuộc họp do Mạng lưới các Nhà Lập pháp Công giáo Quốc tế tổ chức

Khán phòng Clementine

Thứ Sáu, 27 tháng Tám, 2021

___________________________


Sáng nay, trong Điện Tông tòa của Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp các tham dự viên của cuộc họp của Mạng lưới các Nhà Lập Pháp Công giáo Quốc tế và có bài phát biểu mà chúng tôi đăng lại sau đây:

*****

Diễn từ của Đức Thánh Cha


Tôi xin lỗi vì không đứng phát biểu được, vì tôi vẫn đang trong thời gian hậu phẫu nên tôi phải ngồi phát biểu. Xin lỗi quý vị.

Thưa quý ông quý bà!

Tôi thật vui mừng được gặp gỡ lại quý vị, là những nghị sĩ từ các quốc gia khác nhau, vào thời điểm quan trọng này trong lịch sử: một thời điểm quan trọng trong lịch sử. Tôi cảm ơn Đức Hồng y Schönborn và ngài Alting von Geusau đã có những lời chào mừng và giới thiệu. Và tôi thật vui vì có sự hiện diện của Đức Thượng Phụ Ignatius Aphrem II của Giáo hội Chính thống Syria.

Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước các tham dự viên của cuộc họp do Mạng lưới các Nhà Lập pháp Công giáo Quốc tế tổ chức

Kể từ khi thành lập Mạng lưới các Nhà Lập pháp Công giáo Quốc tế vào năm 2010, quý vị đã đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy công việc của Tòa Thánh như là các chứng nhân cho Tin Mừng trong việc phục vụ các quốc gia của quý vị và cộng đồng quốc tế nói chung. Tôi xin tri ân vì lòng yêu mến của quý vị dành cho Giáo hội và sự cộng tác của quý vị trong sứ mệnh của Giáo hội.

Cuộc họp của chúng ta diễn ra hôm nay trong một thời điểm vô cùng khó khăn. Đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Chắc chắn chúng ta đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc chế tạo và phân phối các loại vaccine hiệu quả, nhưng chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Đã có hơn hai trăm triệu trường hợp nhiễm bệnh và bốn triệu người chết vì bệnh dịch khủng khiếp này, nó cũng đã gây ra sự tàn phá rất lớn về kinh tế và xã hội.

Vì vậy, vai trò của quý vị là những nghị sĩ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Được chuẩn bị để phục vụ cho ích chung, giờ đây quý vị được kêu gọi để cộng tác trong việc đổi mới toàn diện các cộng đồng của quý vị và của toàn xã hội nói chung, thông qua hoạt động chính trị của mình. Không chỉ để đánh bại virus, cũng không phải để trở lại nguyên trạng như trước đại dịch, không, việc đó sẽ là một sự thất bại, mà để giải quyết những nguyên nhân gốc rễ mà cuộc khủng hoảng đã bộc lộ và lan rộng: nghèo đói, bất bình đẳng xã hội, thất nghiệp tràn lan và thiếu sự tiếp cận giáo dục. Thưa anh chị em, kết thúc một cuộc khủng hoảng không giống nhau: chúng ta sẽ trở nên tốt hơn hoặc xấu hơn. Bạn không thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng một mình: chúng ta sẽ cùng nhau thoát ra hoặc chúng ta sẽ không thể thoát ra khỏi nó.

Trong thời kỳ chính trị xáo trộn và phân cực, các nghị sĩ và chính trị gia nói chung không phải luôn luôn giữ được sự trọng vọng. Điều này không phải là mới đối với quý vị. Tuy nhiên, có tiếng gọi nào cao cả hơn tiếng gọi phục vụ ích chung và ưu tiên phúc lợi cho tất cả mọi người vượt trên lợi ích cá nhân? Đây luôn phải là mục tiêu của quý vị, bởi vì đời sống chính trị tốt đẹp là không thể thiếu cho tình huynh đệ phổ quát và hòa bình xã hội (xem Tông huấn Brothers All, 176).

Đặc biệt, trong thời đại của chúng ta, một trong những thách thức lớn nhất ở chân trời này là việc quản lý công nghệ vì ích chung. Những điều kỳ diệu của khoa học và công nghệ hiện đại đã nâng cao chất lượng cuộc sống của chúng ta. “Thật đúng đắn để vui hưởng những tiến bộ này và được phấn khích bởi muôn vàn khả năng mà chúng có thể tiếp tục mở ra trước mắt chúng ta, vì “khoa học và công nghệ là những sản phẩm kỳ diệu của sự sáng tạo mà Thiên Chúa ban tặng cho con người” (Tông huấn Laudato si', 102). Tuy nhiên, nếu chỉ phó mặc cho chúng và cho các sức mạnh của thị trường, mà không có những hướng dẫn thích hợp được đặt ra bởi các hội đồng lập pháp và những cơ quan công quyền được soi dẫn bởi ý thức trách nhiệm xã hội, thì những đổi mới này có thể đe dọa phẩm giá của con người.

Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trước các tham dự viên của cuộc họp do Mạng lưới các Nhà Lập pháp Công giáo Quốc tế tổ chức

Đây không phải là vấn đề kìm hãm sự tiến bộ của công nghệ. Tuy nhiên, những công cụ chính trị và quy định cho phép các nghị sĩ bảo vệ nhân phẩm khi nó bị đe dọa. Chẳng hạn, tôi đang nghĩ đến tai họa của nội dung khiêu dâm trẻ em, việc khai thác dữ liệu cá nhân, các cuộc tấn công vào những cơ sở hạ tầng quan trọng như bệnh viện, sự lừa dối lan truyền qua mạng xã hội, v.v... Luật pháp cẩn trọng có thể hướng dẫn và phải hướng dẫn sự phát triển và việc ứng dụng của công nghệ vì ích chung. Vì vậy thưa anh chị em, tôi khuyến khích anh chị em hãy nhiệt tâm đảm trách nhiệm vụ phản ánh đạo đức một cách nghiêm túc và sâu sắc trước những rủi ro và cơ hội vốn có trong sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, để luật pháp và các tiêu chuẩn quốc tế chi phối chúng có thể tập trung vào việc thúc đẩy sự phát triển của con người, toàn diện và hòa bình, chứ không phải sự tiến bộ là mục tiêu duy nhất.

Các nghị sĩ chắc chắn phản ánh những điểm mạnh và điểm yếu của những lĩnh vực mà họ đại diện, mỗi người đều có nét đặc thù để phục vụ lợi ích cho tất cả mọi người. Sự cam kết của người công dân tham gia trong các lĩnh vực xã hội, dân sự và chính trị là điều cần thiết. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi thúc đẩy tinh thần đoàn kết, bắt đầu từ nhu cầu của những người yếu thế nhất và thiệt thòi nhất. Tuy nhiên, để chữa lành thế giới đã chịu thử thách nghiêm trọng bởi trận đại dịch, và xây dựng một tương lai bền vững và bao gồm hơn, trong đó công nghệ phục vụ nhu cầu của con người và không cách ly chúng ta với nhau, chúng ta không chỉ cần những người công dân có trách nhiệm mà còn cần những nhà lãnh đạo được chuẩn bị và được truyền cảm hứng bởi nguyên tắc của ích chung.

Các bạn thân mến, xin Chúa ban ơn cho các bạn để trở thành men tái sinh cho trí óc, cho con tim và cho tinh thần, là những chứng nhân của tình yêu chính trị dành cho người dễ bị tổn thương nhất, để khi phục vụ họ là các bạn phục vụ Chúa trong mọi công việc các bạn làm.

Tôi cầu Chúa chúc phúc cho các bạn, tôi cầu Chúa chúc phúc cho gia đình các bạn và tôi cầu Chúa chúc phúc cho công việc của các bạn. Và tôi cũng xin các bạn hãy cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn các bạn.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/8/2021]


Lý do tại sao tượng ông Môsê của Michelangelo có sừng

Lý do tại sao tượng ông Môsê của Michelangelo có sừng

Lý do tại sao tượng ông Môsê của Michelangelo có sừng
Jörg Bittner Unna | CC BY 3.0

Daniel Esparza

23/08/21


Như chuyện thường xảy ra, tất cả là do vấn đề của bản dịch.

Việc đọc Kinh Thánh (và hiểu đúng) thường cho thấy là một nhiệm vụ khó khăn. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn và được rèn luyện, chú ý đến từng chi tiết, một số kiến thức chung về bối cảnh mà các văn bản này được viết, và sự khiêm nhường về trí tuệ để thừa nhận rằng con người thường xuyên bị sai lỗi. Nhưng có lẽ, trước hết và quan trọng nhất, Kinh Thánh cần được đọc với tinh thần mạo hiểm, sẵn sàng đối phó với nhiều “sự khác thường” của nó. Đối với nghệ thuật tôn giáo cũng vậy. Chúng ta thường bị bối rối trước một số tác phẩm nghệ thuật trong các nhà thờ chính tòa, vương cung thánh đường hoặc các bản viết tay, đòi hỏi (hoặc thậm chí thách đố) sự chú giải.

Một trong số những tác phẩm đó là tượng ông Môsê của Michelangelo. Được Đức Giáo hoàng Julius II ủy thác làm năm 1505, tác phẩm điêu khắc khổng lồ khắc họa một cách kỳ lạ người làm luật trong Kinh thánh với hai chiếc sừng trên đầu. Cho dù khi nhìn thấy lần đầu tiên thì bức tượng có vẻ kỳ dị, nhưng sự mô tả này hoàn toàn không phải là một sự lập dị. Thật vậy, mô-típ Môsê Có Sừng có thể được tìm thấy một cách khá dễ dàng trong các bản thảo có ảnh minh họa thời Trung cổ. Đó là kết quả — trường hợp thường xảy ra — của một bản dịch sai lúc đầu từ tiếng Do Thái sang tiếng Latinh được phổ biến rộng rãi. Một lần nữa, đó là do bản dịch Vulgata của Thánh Giêrônimô.

Lý do tại sao tượng ông Môsê của Michelangelo có sừng

Trong tiếng Do Thái từ được sử dụng với nghĩa là “sáng chói” hoặc “tỏa sáng” là qaran. Nó có cùng một gốc (qrn) của từ được dùng với nghĩa “sừng” là qeren. Anna Pakutina | Shutterstock

Văn bản đọc được trong Sách Xuất hành (Xem Xh 34:29-30) như sau:

“Ông Môsê từ trên núi Xinai xuống, tay cầm hai tấm bia Chứng Ước, khi xuống núi, ông Môsê không biết rằng da mặt ông sáng chói bởi đã đàm đạo với Thiên Chúa.”

Trong tiếng Do Thái từ được sử dụng để với nghĩa là “sáng chói” hoặc “tỏa sáng” là qaran. Nó có cùng một gốc (qrn) của từ được sử dụng với nghĩa “sừng” là qeren. Thật vậy, trong tiếng Do Thái hiện đại, từ dùng để chỉ về những tia nắng mặt trời là qeren, như thể nói về “những chiếc sừng của mặt trời”. Vì vậy, cũng không có gì lạ khi khi bản dịch Kinh Thánh sang tiếng Latinh, Thánh Giêrônimô đã mô tả khuôn mặt của ông Môsê là cornuta, “có sừng”, thay vì “sáng chói”. Lựa chọn biên dịch này dẫn đến việc các nghệ sĩ đọc nguyên văn văn bản về sau, trong đó bao gồm cả Michelangelo, tin rằng ông Môsê có sừng khi ông từ núi Sinai đi xuống.

Nhưng bản dịch của Thánh Giêrônimô cũng có thể không hoàn toàn là sai. Trong thế giới cổ đại, sừng được coi là biểu tượng của sức mạnh và uy quyền. Thật vậy, hầu hết các vị thần của thế giới cổ đại đều có sừng, liên quan đến loài thú mạnh mẽ nhất trên trái đất — bò tót, bò hoang, loài Bơhêmốt trong Kinh thánh. Hồi đó, sừng vẫn chưa được coi là độc quyền thuộc về ma quỷ, cũng như không liên quan gì đến sự dữ. Một số học giả thậm chí còn cho rằng Thánh Giêrônimô đang cố truyền đạt quan điểm rằng ông Môsê đã được thấm đẫm sức mạnh như thần thánh sau khi từ trên núi xuống.

Tuy nhiên, hầu hết các học giả đều khẳng định Thánh Giêrônimô đã mắc lỗi. Trên thực tế, đây không phải là lỗi duy nhất được tìm thấy trong bản dịch của ngài. Bản dịch Bảy Mươi — bản dịch tiếng Hy Lạp từ Kinh thánh tiếng Do Thái — đề cập đến khuôn mặt của ông Môsê như được “tôn vinh” — một bản dịch có vẻ gần hơn với bản gốc tiếng Do Thái “sáng chói”. Thánh Phaolô dường như lặp lại bản dịch này trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô (xem 2 Cr 3:7), ngài viết rằng “dân Israel không thể nhìn mặt của ông Môsê được, vì mặt ông chói lọi vinh quang”.

Quý vị xem các ảnh dưới để khám phá 5 tác phẩm điêu khắc của Công giáo đẹp nhất mọi thời đại.

Lý do tại sao tượng ông Môsê của Michelangelo có sừng

Giuseppe Sammartino - The Veiled Christ (Đức Kitô được phủ khăn)

Tác phẩm Cristo Velato (Veiled Christ - Đức Kitô được phủ khăn) là một tác phẩm điêu khắc được hoàn thành vào năm 1753, ban đầu bị nhầm lẫn được cho là của điêu khắc gia Antonio Corradini, và được coi là một trong những tác phẩm nghệ thuật đáng chú ý nhất thế giới. Mặc dù thực tế ông Corradini đã được trao phó công việc này ngay từ đầu, nhưng ông qua đời khi mới làm xong một mô hình bằng đất sét cho bức tượng mà sau này trở thành một tác phẩm điêu khắc hoàn chỉnh trên đá cẩm thạch. Chính nhà điêu khắc Giuseppe Sammartino đã hoàn tất việc tạo ra tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ mô tả thân xác đã chết của Chúa Giêsu, được bao phủ bởi một tấm vải liệm “trong suốt” được điêu khắc trên chính khối đá cẩm thạch cho toàn thế bức tượng.

Lý do tại sao tượng ông Môsê của Michelangelo có sừng

Marco D'Agrate - St. Bartholomew Flayed

Trong số tất cả các tác phẩm điêu khắc mà bạn có thể tìm thấy trong Nhà thờ Chính tòa Milan, tác phẩm “St. Bartholomew Flayed” (Thánh Batôlômêô bị lột da) của điêu khắc gia Marco D'Agrate có thể là bức nổi tiếng nhất. Được thực hiện vào năm 1562 cho tổ chức Veneranda Fabbrica, tác phẩm điêu khắc mô tả vị tử đạo mang một dải trông giống như một miếng vải trên vai và quấn quanh cơ thể. Nhưng đó là da của ngài, mô tả cụ thể sự tử đạo mà ngài phải chịu.

Lý do tại sao tượng ông Môsê của Michelangelo có sừng

Michelangelo Buonarroti - Pietà

Pietà là tác phẩm duy nhất mà Michelangelo từng ký tên. Tượng hiện đang được đặt tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican, ban đầu nó được Đức Hồng y người Pháp, Jean de Bilhères, vị đại diện ở Rôma, đặt làm. Tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch Carrara ban đầu nhằm mục đích làm đài kỷ niệm tang lễ của Hồng y, nhưng đã được chuyển đến vị trí hiện tại vào thế kỷ 18.

Lý do tại sao tượng ông Môsê của Michelangelo có sừng

Gian Lorenzo Bernini - The Ecstasy of Saint Teresa

Santa Maria Della Vittoria, một vương cung thánh đường nhỏ trên đường Via XX Settembre, gần quảng trường Piazza della Repubblica ở Rôma, thuộc dòng Camêlô Đi Chân Đất. Họ nhiệt thành bảo vệ tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ của Bernini, “The Ecstasy of Saint Teresa” (Sự xuất thần của Thánh Têrêsa) thánh bổn mạng của họ. Đây là một tác phẩm có từ giữa thế kỷ 17 và được coi là đỉnh cao của thiên tài nghệ thuật Bernini.

Lý do tại sao tượng ông Môsê của Michelangelo có sừng

Giovanni Strazza - The Veiled Virgin

Có thể không nổi tiếng như tác phẩm Veiled Christ năm 1753 của Sammartino, tác phẩm The Veiled Virgin (Đức Trinh nữ che khăn) của nhà điêu khắc Giovanni Strazza là một tác phẩm điêu khắc đặc biệt khác, mô tả một người được che một tấm vải phủ trong suốt chạm khắc trên cùng một khối đá cẩm thạch của toàn bức tượng. Kỹ năng điêu khắc bậc thầy của nhà điêu khắc, có thể làm cho tấm mạng che đầu của Đức Trinh Nữ có vẻ “trong suốt” như thật, làm cho tác phẩm này được xếp vào vị trí xứng đáng trong lịch sử điêu khắc phương Tây.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/8/2021]