Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

Đức Thánh Cha ca ngợi chứng tá của Thánh Stêphanô tại giờ Kinh Truyền tin (Toàn văn)

Đức Thánh Cha ca ngợi chứng tá của Thánh Stêphanô tại giờ Kinh Truyền tin (Toàn văn)

© Vatican Media

Đức Thánh Cha ca ngợi chứng tá của Thánh Stêphanô tại giờ Kinh Truyền tin (Toàn văn)

Ngày Lễ vị Tử đạo tiên khởi

26 tháng Mười Hai, 2020 16:32

JIM FAIR


Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi chứng tá của Thánh Stêphanô — vị tử đạo tiên khởi của Giáo hội — trong ngày Lễ kính Thánh nhân, 26 tháng Mười Hai năm 2020.

Giảng huấn từ Thư viện của Điện Tông tòa trước giờ đọc Kinh Truyền tin buổi trưa, Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu đang lắng nghe qua phương tiện truyền thông xã hội trên toàn thế giới rằng “người làm chứng cho Chúa Giêsu chiếu soi bằng ánh sáng của Ngài, không bằng ánh sáng của riêng họ.”

Đức Thánh Cha tiếp tục nhắc lại rằng Thánh Stêphanô là người vô tội, một nạn nhân của lòng thù hận. Ngài chịu đựng cái chết khủng khiếp do bị ném đá, nhưng vẫn để ánh sáng của Chúa Giêsu chiếu tỏa.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Ngài cầu nguyện cho những kẻ giết ngài và tha thứ cho họ, như Chúa Giêsu trên thập giá. Ngài là vị tử đạo đầu tiên, tức là chứng nhân đầu tiên, là người đầu tiên trong số rất nhiều anh chị em, những người cho đến tận ngày nay, vẫn tiếp tục mang ánh sáng vào trong bóng tối – những người đáp trả sự dữ bằng sự thiện, những người không khuất phục bạo lực và những dối trá, nhưng đã phá vỡ vòng xoáy của thù hận bằng sự nhân từ và yêu thương. Trong đêm đen của thế gian, những chứng nhân này mang đến bình minh của Thiên Chúa.”


Dưới đây là toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha, văn bản của Vatican (ND: bản tiếng Anh).


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin mừng hôm qua nói về Chúa Giêsu, là “ánh sáng thật” đến thế gian, ánh sáng “chiếu soi trong bóng tối” và “bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1:9, 5). Hôm nay, chúng ta nhìn thấy con người làm chứng cho Chúa Giêsu, Thánh Stêphanô, người đã chiếu soi trong bóng tối. Những người làm chứng cho Chúa Giêsu chiếu soi bằng ánh sáng của Ngài, không bằng ánh sáng của riêng họ. Ngay cả Giáo hội cũng không có ánh sáng của riêng mình. Vì điều này mà các giáo phụ xưa gọi Giáo hội là: “sự huyền diệu của mặt trăng.” Giống như mặt trăng, bản thân nó không có ánh sáng, những chứng nhân này cũng không có ánh sáng của riêng họ, họ có khả năng mặc lấy ánh sáng của Chúa Giêsu và phản chiếu lại. Thánh Stêphanô đã bị cáo gian và bị ném đá một cách tàn ác, nhưng trong bóng tối của sự thù hận (chính là sự thống khổ của việc ném đá ngài), ngài cho phép ánh sáng của Chúa Giêsu chiếu soi: ngài cầu nguyện cho những kẻ giết ngài và tha thứ cho họ, như Chúa Giêsu trên thập giá. Ngài là vị tử đạo đầu tiên, tức là chứng nhân đầu tiên, là người đầu tiên trong số rất nhiều anh chị em, những người cho đến tận ngày nay, vẫn tiếp tục mang ánh sáng vào trong bóng tối – những người đáp trả sự dữ bằng sự thiện, những người không khuất phục bạo lực và những dối trá, nhưng đã phá vỡ vòng xoáy của thù hận bằng sự nhân từ và yêu thương. Trong đêm đen của thế gian, những chứng nhân này mang đến bình minh của Thiên Chúa.

Nhưng họ trở thành những chứng nhân như thế nào? Bằng cách noi gương Chúa Giêsu, đón nhận ánh sáng từ Chúa Giêsu. Đây là con đường cho mọi người Kitô hữu: noi gương Chúa Giêsu, đón nhận ánh sáng của Chúa Giêsu. Thánh Stêphanô cho chúng ta tấm gương: Chúa Giêsu đã đến để phục vụ, không đến để được phục vụ (xem Mc 10:45), và Ngài sống để phục vụ, không sống để được phục vụ, và Ngài đến để phục vụ: Stêphanô đã được chọn trở thành một phó tế, ngài trở thành một phó tế, nghĩa là một người phục vụ, và trợ giúp người nghèo tại bàn ăn (xem Cv 6:2). Ngài cố gắng noi gương Chúa hằng ngày và ngài đã làm như vậy cho đến phút cuối cùng: như Chúa Giêsu, ngài bị bắt, bị kết án, và bị giết bên ngoài thành, và cũng như Chúa Giêsu, ngài cầu nguyện và tha thứ. Khi ngài đang bị ném đá, ngài thưa: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (7:60). Thánh Stêphanô là một chứng nhân vì ngài đã noi gương Chúa Giêsu.

Một câu hỏi có thể được đặt ra: những chứng nhân cho sự tốt lành này có thật sự cần thiết khi thế gian chìm trong sự gian ác? Cầu nguyện và tha thứ có ích gì? Chỉ để đưa ra một tấm gương tốt lành thôi sao? Nhưng việc đó phục vụ cho điều gì? Không, có nhiều hơn thế. Chúng ta khám phá ra điều này từ một chi tiết. Văn bản kể rằng trong số những người mà Thánh Stêphanô cầu nguyện và tha thứ, có “một thanh niên tên là Saolô” (c. 58), là người đã “tán thành việc giết Stêphanô” (8:1). Chẳng bao lâu sau, nhờ ơn Chúa, Saolô đã hối cải, đón nhận ánh sáng của Chúa Giêsu, chấp nhận ánh sáng, trở lại, và trở thành Phaolô, nhà truyền giáo vĩ đại nhất trong lịch sử. Phaolô được sinh ra nhờ ân sủng của Chúa, nhưng qua sự tha thứ của Stêphanô, qua chứng tá của Stêphanô. Đó chính là hạt giống cho sự trở lại của ông. Đây là bằng chứng cho thấy những hành động yêu thương làm thay đổi lịch sử: ngay cả những hành động nhỏ bé, thầm kín, mỗi ngày. Vì Thiên Chúa hướng dẫn lịch sử qua sự can đảm khiêm nhường của những người cầu nguyện, yêu thương, và tha thứ. Có quá nhiều vị thánh thầm lặng, những vị thánh hàng xóm, những chứng nhân thầm lặng của cuộc sống, những người làm thay đổi lịch sử bằng các hành động yêu thương nhỏ bé.

Để trở thành những chứng nhân cho Chúa Giêsu – điều này cũng đúng với chúng ta. Chúa muốn chúng ta làm cho đời sống của mình trở thành những kiệt tác qua các điều bình thường, những điều chúng ta làm hàng ngày. Chúng ta được kêu gọi làm chứng cho Chúa Giêsu ngay tại nơi chúng ta sống, trong gia đình, tại nơi làm việc, mọi nơi, thậm chí chỉ bằng cách trao tặng ánh sáng của một nụ cười, một ánh sáng không phải của riêng chúng ta – nó xuất phát từ Chúa Giêsu – và thậm chí chỉ bằng cách thoát khỏi bóng đen của câu chuyện đồn thổi và nói hành nói xấu. Và rồi, khi chúng ta nhìn thấy điều gì đó không nên không phải, thay vì chỉ trích, nói hành nói xấu, và kêu ca than phiền, chúng ta hãy cầu nguyện cho người đã phạm sai lỗi và cho hoàn cảnh khó khăn. Và khi sự cãi vã nổ ra trong nhà, thay vì cố tìm cách chiếm phần thắng, thì chúng ta hãy cố bỏ qua nó; và bắt đầu trở lại, tha thứ cho người đã xúc phạm. Những điều nhỏ bé, nhưng chúng thay đổi lịch sử vì chúng mở ra cánh cửa, chúng mở cánh cửa đón ánh sáng của Chúa Giêsu. Thánh Stêphanô, khi ngài đang nhận những hòn đá của lòng thù hận, đã đáp lại bằng những lời tha thứ. Do đó ngài đã thay đổi lịch sử. Chúng ta cũng có thể biến đổi sự dữ thành điều tốt lành mỗi lần giống như một câu châm ngôn đẹp nói rằng: “Hãy trở nên giống cây cọ: họ ném đá vào nó và nó rơi những quả ngon xuống.”

Hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho những người đang chịu bắt bớ vì danh Chúa Giêsu. Họ có rất nhiều, nhiều hơn cả lúc ban đầu của Giáo hội. Chúng ta hãy phó dâng những anh chị em này lên Đức Mẹ, để họ có thể đáp trả sự áp bức bằng lòng nhân từ, và để làm những chứng nhân thật sự cho Chúa Giêsu, họ có thể chiến thắng sự dữ bằng điều thiện.

_________________________________________

Sau Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Cha gửi lời chào tất cả anh chị em, các gia đình, các nhóm, và những cá nhân tín hữu đang theo dõi giờ cầu nguyện này qua phương tiện truyền thông xã hội. Chúng ta phải làm như thế này để tránh mọi người đến Quảng trường. Nhờ đó, chúng ta cộng tác với những quy định mà các nhà chức trách đã đưa ra, để giúp tất cả chúng ta tránh được đại dịch.

Ước mong không khí hân hoan của Giáng sinh hôm nay tiếp tục đổ đầy tâm hồn chúng ta, nhóm lên trong lòng mọi người niềm khát khao chiêm ngắm Chúa Giêsu trong Máng cỏ, để phục vụ Ngài và yêu mến Ngài nơi những người gần bên chúng ta.

Trong những ngày này, cha đã nhận được các lời chúc Giáng sinh từ Roma và những nơi khác trên thế giới. Thật không thể trả lời được tất cả, nhưng cha muốn nhân cơ hội này bày tỏ lòng cảm kích, đặc biệt về món quà cầu nguyện mà anh chị em đã dâng lên cho cha, và cha cũng sẽ dâng lời cầu nguyện cho anh chị em.

Chúc anh chị em Ngày Lễ Thánh Stêphanô hạnh phúc. Xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho cha.

Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/12/2020]


Những lời khuyên đơn giản của Đức Benedict XVI về cách để trở thành người cha người mẹ tốt hơn

Những lời khuyên đơn giản của Đức Benedict XVI về cách để trở thành người cha người mẹ tốt hơn

Những lời khuyên đơn giản của Đức Benedict XVI về cách để trở thành người cha người mẹ tốt hơn

Franco Oliglia | Getty Images

Kathleen N. Hattrup

31/12/17

Ơn gọi yêu thương là một ơn gọi tuyệt vời … 

“Thường xuyên cầu nguyện xin sự trợ giúp của Đức Maria Đồng trinh, và Thánh Giuse, để các ngài dạy cho anh chị em biết đón nhận tình yêu của Thiên Chúa như các ngài.”

Đây là một lời kêu gọi trong bài giảng của Đức Giáo hoàng Benedict XVI tại Đại hội Gia đình Thế giới năm 2012. Nó đáng để chúng ta đọc lại.

Cầu xin ơn biết học tập — không phải là cách làm những điều vĩ đại hay hoàn thành những kế hoạch một cách hoàn hảo hoặc dạy cho con cái cách đứng đầu lớp, hoặc căn nhà sạch sẽ nhất hay là giấc ngủ ngon nhất — nhưng là cách đón nhận tình yêu của Thiên Chúa.

Đơn giản, nhưng có tác dụng biến đổi.

Ngài tiếp tục nói: “Không dễ để sống ơn gọi của anh chị em, đặc biệt là ngày nay, nhưng ơn gọi yêu thương là một ơn gọi tuyệt vời — nó là sức mạnh duy nhất có thể thật sự làm biến đổi vũ trụ, thế giới.”

Phát triển trong tình yêu

Đức Giáo hoàng cũng đưa ra một số “con đường để phát triển trong tình yêu”:

— duy trì một mối tương quan liên tục với Thiên Chúa và tham gia vào đời sống của Giáo hội.

— nuôi dưỡng đối thoại,

— tôn trọng quan điểm của người khác,

— sẵn sàng phục vụ và kiên nhẫn với những vấp ngã của người khác,

— tha thứ và tìm kiếm sự tha thứ,

— vượt qua bất kỳ xung khắc nào có thể nảy sinh bằng sự khôn ngoan và lòng khiêm nhường,

— đồng thuận về những nguyên tắc giáo dục,

— cởi mở với các gia đình khác, chú ý đến người nghèo, và có trách nhiệm với xã hội dân sự.

“Đây là tất cả các yếu tố xây dựng nên một gia đình. Hãy can đảm sống những yếu tố đó, và chắc chắn rằng với mức độ anh chị em sống yêu thương nhau và yêu thương tất cả mọi người cùng với sự trợ giúp của ơn Chúa, anh chị em trở thành một Tin mừng sống, một Giáo hội tại gia thật sự.”

Các bạn đọc toàn văn bài giảng ở đây.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/12/2020]