Thứ Ba, 20 tháng 10, 2020

Đức Thánh Cha chia sẻ cách ngài bắt đầu ngày làm việc vào mỗi buổi sáng

Đức Thánh Cha chia sẻ cách ngài bắt đầu ngày làm việc vào mỗi buổi sáng

Đức Thánh Cha chia sẻ cách ngài bắt đầu ngày làm việc vào mỗi buổi sáng

HANDOUT | AFP

 

VaticanNews.va

17/10/20


Trong một phản ánh thân tình với đội chấp pháp của Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo hoàng nói về những phút đầu tiên mỗi ngày của ngài trong văn phòng.

Ngày 17 tháng Mười Đức Giáo hoàng Phanxico đã chia sẻ một phản ánh thân tình khi ngài tiếp các thành viên của đội chấp pháp “Carabinieri” Thánh Phêrô, là đội giữ an ninh tại Quảng trường Thánh Phêrô và trong toàn khu Vatican thuộc Roma.

Mỗi buổi sáng khi cha đến đây để làm việc trong Thư viện Tông tòa, cha cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria và sau đó cha đến cửa sổ để nhìn xuống Quảng trường, nhìn ra thành phố, và ở đó, ở phía cuối Quảng trường, cha thấy các con. Mỗi sáng, cha đều chào các con trong lòng và cha cảm ơn các con.

Thật cảm động khi biết rằng mỗi buổi sáng, Đấng kế vị Thánh Phêrô ra cửa sổ để nhìn xuống Quảng trường và Thành phố và ban phép lành cho chúng ta, dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại. Ngài nhìn ra Quảng trường mà không ai nhìn thấy ngài, từ cùng một cửa sổ nơi các ngày Chúa nhật ngài xuất hiện để xướng đọc Kinh Truyền tin buổi trưa.

Thật an ủi khi nghĩ đến việc vị Đại diện của Đức Kitô đang cầu nguyện cho chúng ta — và đó cũng là lời kêu gọi thực hiện ước nguyện mà ngài bày tỏ ở cuối mỗi buổi tiếp kiến chung: “Xin đừng quên cầu nguyện cho cha.”

Có nhiều lúc chúng ta được hé mở những cái nhìn thoáng qua về đời sống cầu nguyện riêng tư của các vị giáo hoàng, các đấng được Chúa Kitô giao phó trách nhiệm của toàn thế giới. Chắc chắn, chúng ta cần phải cầu nguyện cho các ngài trong sứ vụ quan trọng của mình.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/10/2020]


Đức Thánh Cha thúc giục hành động về biến đổi khí hậu trong chương trình TED Talk

Đức Thánh Cha thúc giục hành động về biến đổi khí hậu trong chương trình TED Talk

TED Talk Screenshot

Đức Thánh Cha thúc giục hành động về sự biến đổi khí hậu trong chương trình TED Talk

Đề xuất ba bước hành động

12 tháng Mười Hai, 2020 00:29

JIM FAIR

 
Hôm thứ Bảy, ngày 10 tháng Mười năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxico tiếp tục lời kêu gọi đến toàn thế giới để hành động về vấn đề biến đổi khí hậu.

Những bình luận của ngài đưa ra trong một buổi nói chuyện của TED được truyền đi từ Vatican City đến TED Countdown, một sáng kiến toàn cầu để bảo vệ và đẩy mạnh các giải pháp cho cuộc khủng hoảng về khí hậu, biến những ý tưởng thành hành động. Đây là lần nói chuyện thứ hai tại TED của Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách chúng ta hành động. Ngài đề xuất ba bước hành động để giải quyết những vấn đề môi trường và những bất bình đẳng về kinh tế ngày càng tăng mạnh, minh họa cách mà tất cả chúng ta có thể cùng nhau hành động, gồm tất cả các tôn giáo và xã hội, để bảo vệ Trái đất và thăng tiến phẩm giá của mọi người. Ngài nói, “Tương lai được xây dựng từ hôm nay. Và nó không được xây dựng trong sự cô lập, nhưng hơn thế là xây dựng trong cộng đồng và trong sự hòa hợp.”

Ba bước bao gồm:
  • giáo dục trong việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta
  • tập trung vào nước dinh dưỡng
  • chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạnh sang năng lượng sạch
Bạn có thể theo dõi bài nói chuyện dài 12 phút của ngài theo đường dẫn dưới đây với phụ đề tiếng Anh:



[His Holiness Pope Francis Filmed in Vatican City First shown at TED Countdown Global Launch, October 2020] 

Xin chào! Chúng ta đang sống trong một thời khắc lịch sử, được đánh dấu bằng những thử thách khó khăn, như tất cả chúng ta đều biết. Thế giới bị chấn động bởi cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra, nó làm nổi bật một thách đố còn lớn hơn: khủng hoảng môi trường xã hội. Và điều này đòi hỏi chúng ta, tất cả chúng ta, phải đứng trước một sự lựa chọn. Sự lựa chọn giữa những gì quan trọng và những gì không. Sự lựa chọn giữa việc tiếp tục làm ngơ trước nỗi đau khổ của những người nghèo nhất và bóc lột ngôi nhà chung của chúng ta, hành tinh của chúng ta, hoặc tham gia để thay đổi cách chúng ta hành động ở mọi cấp độ.

Khoa học nói với chúng ta, với độ chính xác cao hơn mỗi ngày, rằng cần phải có hành động khẩn cấp - và tôi không bi kịch hóa, đây là những gì khoa học nói - nếu chúng ta nuôi hy vọng tránh được sự biến đổi khí hậu hoàn toàn và thảm khốc. Và vì điều này, chúng ta phải hành động ngay bây giờ. Đây là một sự thật khoa học.

Lương tâm của chúng ta nói với chúng ta rằng chúng ta không thể thờ ơ trước sự đau khổ của những người túng thiếu, trước những bất bình đẳng về kinh tế và bất công xã hội ngày càng tăng. Và bản thân nền kinh tế không thể chỉ giới hạn trong việc sản xuất và phân phối. Nó cũng phải cân nhắc đến các tác động của nó đối với môi trường và phẩm giá con người. Chúng ta có thể nói rằng tự thân nền kinh tế phải có sáng tạo trong chính nó và trong các phương pháp của nó, trong cách nó hoạt động. Tính sáng tạo.

Tôi mời gọi các bạn cùng nhau đồng hành, một hành trình biến đổi và hành động. Không nói quá nhiều nhưng bằng những hành động cụ thể và cấp thiết. Tôi gọi đó là một hành trình vì nó đòi hỏi một sự chuyển đổi, một sự thay đổi. Từ cuộc khủng hoảng này, không ai trong chúng ta thoát ra giống nhau - chúng ta không thể thoát ra giống nhau: từ một cuộc khủng hoảng, chúng ta không bao giờ thoát ra như nhau - và sẽ cần có thời gian, và sự chăm chỉ để vượt qua nó. Chúng ta sẽ phải thực hiện từng bước một; giúp đỡ những người cô thế; thuyết phục những người hoài nghi; hình dung ra các giải pháp mới; và cam kết thực hiện chúng.

Mục tiêu của chúng ta rất rõ ràng: trong vòng một thập kỷ tới, xây dựng một thế giới là nơi chúng ta có thể đáp ứng cho nhu cầu của các thế hệ hiện tại, gồm tất cả mọi người, mà không làm ảnh hưởng đến những cơ hội của các thế hệ tương lai. Tôi muốn mời tất cả những người có tín ngưỡng, là người Kitô giáo hoặc không, và tất cả những người thiện chí, hãy khởi động hành trình này, bắt đầu từ tôn giáo của chính bạn, hoặc nếu bạn không theo tín ngưỡng nào, thì bắt đầu từ ý định của riêng bạn, từ thiện chí của chính bạn. Mỗi người trong chúng ta, là những cá nhân, hoặc thành viên của một nhóm - các gia đình, các cộng đồng tín ngưỡng, những doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức - đều có thể đưa ra những đóng góp lớn lao.

Năm năm trước, tôi đã viết tông thư “Laudato Si’,” nói riêng về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Nó đưa ra khái niệm “hệ sinh thái toàn diện”, để cùng nhau đáp lại tiếng khóc của Trái đất, cũng như tiếng khóc của người nghèo. Hệ sinh thái toàn diện là lời mời gọi có một tầm nhìn toàn diện về sự sống, bắt đầu từ niềm tin rằng mọi thứ trên thế giới đều được kết nối, như đại dịch chắc chắn đã nhắc nhở chúng ta, và rằng chúng ta phải phụ thuộc lẫn nhau, cũng như phụ thuộc vào Trái Đất Mẹ của chúng ta.

Từ một tầm nhìn như vậy tạo ra nhu cầu để tìm ra những cách thức mới nhằm xác định sự tiến bộ và đo lường nó, không giới hạn bản thân riêng về các khía cạnh kinh tế, công nghệ, tài chính và tổng sản phẩm, nhưng thay vào đó, đặt trong tâm thích đáng vào các khía cạnh đạo đức, xã hội và giáo dục của nó.

Hôm nay tôi muốn đề xuất ba giai đoạn hành động. Như tôi đã viết trong “Laudato Si’,” sự thay đổi và định hướng đúng đắn cho hành trình của chúng ta đối với hệ sinh thái toàn diện đòi hỏi trước hết chúng ta phải thực hiện một bước tiến giáo dục.

Vì vậy, đề nghị đầu tiên của tôi là thúc đẩy, ở mọi cấp độ, một nền giáo dục hướng tới việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, nâng cao sự hiểu biết rằng các vấn đề về môi trường có liên quan chặt chẽ đến nhu cầu của con người. Chúng ta phải hiểu được điều này ngay từ đầu: các vấn đề về môi trường gắn chặt với nhu cầu của con người. Một nền giáo dục dựa trên dữ liệu khoa học và cách tiếp cận đạo đức. Điều này rất quan trọng: cả hai cách. Tôi thấy phấn chấn trước thực tế rằng nhiều người trẻ đã thể hiện một nhận thức mới về sinh thái và xã hội, và nhiều người trong số họ đấu tranh một cách quảng đại để bảo vệ môi trường và công lý.

Theo đề xuất thứ hai, chúng ta phải tập trung vào nước và dinh dưỡng. Tiếp cận với nguồn nước sạch và an toàn là quyền căn bản và phổ quát của con người. Nó là căn bản vì nó quyết định sự sống còn của con người và do đó là điều kiện để thực hiện mọi quyền và trách nhiệm khác. Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho tất cả mọi người, thông qua các phương pháp canh tác không tàn phá, cần phải trở thành mục đích chính của toàn bộ chu trình sản xuất và phân phối thực phẩm.

Gợi ý thứ ba là về sự chuyển đổi năng lượng: dần dần, nhưng không được trì hoãn, thay thế những nhiên liệu hóa thạch bằng các nguồn năng lượng sạch. Chúng ta chỉ có ít năm. Các nhà khoa học ước tính khoảng dưới 30 năm - chúng ta có ít năm, không đầy 30 năm - để giảm bớt đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào khí quyển. Quá trình chuyển đổi này không những cần phải nhanh chóng và có khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng cho hiện tại và tương lai, mà còn phải chú ý đến tác động đối với người nghèo, người dân địa phương, cũng như với những người làm việc trong các lĩnh vực sản xuất năng lượng.

Một cách để khuyến khích sự thay đổi này là chỉ dẫn các doanh nghiệp hướng tới nhu cầu cấp thiết phải cam kết chăm sóc toàn diện cho ngôi nhà chung của chúng ta, loại bỏ những đầu tư của các công ty không đáp ứng đủ các thông số của hệ sinh thái toàn diện, đồng thời khen thưởng những công ty hoạt động cụ thể bằng cách đặt tính bền vững, công bằng xã hội và thúc đẩy ích chung vào trung tâm các hoạt động của họ, trong giai đoạn chuyển đổi này.

Nhiều tổ chức của Công giáo và các tín ngưỡng khác, đã nhận lấy trách nhiệm hành động theo hướng này. Trên thực tế, Trái đất phải được canh tác và chăm sóc, trồng trọt và bảo vệ. Chúng ta không thể tiếp tục vắt kiệt nó như một quả cam. Và chúng ta có thể nói rằng điều này - tức là sự chăm sóc Trái đất - là một quyền của con người.

Ba đề xuất này phải được coi là một phần trong nhóm nhiều những hành động hơn nữa mà chúng ta phải thực hiện một cách tổng hợp để tìm ra giải pháp lâu dài cho các vấn đề này.

Hệ thống kinh tế hiện tại không bền vững. Chúng ta đang đối mặt với mệnh lệnh đạo đức, và tính cấp bách thực tế, phải suy nghĩ lại nhiều vấn đề: cách chúng ta sản xuất; cách chúng ta tiêu dùng; văn hóa lãng phí của chúng ta; tầm nhìn ngắn hạn của chúng ta; sự bóc lột người nghèo và sự thờ ơ của chúng ta đối với họ; sự bất bình đẳng ngày càng nhiều và sự lệ thuộc của chúng ta vào các nguồn năng lượng có hại. Chúng ta cần suy nghĩ về tất cả những thách thức này.

Hệ sinh thái toàn diện gợi mở một quan niệm mới về mối tương quan giữa con người chúng ta và Thiên nhiên. Điều này sẽ dẫn đến một nền kinh tế mới, trong đó sự sản xuất của cải hướng đến niềm hạnh phúc toàn vẹn của con người và sự cải thiện ngôi nhà chung của chúng ta - chứ không phải là phá hủy.

Nó cũng hàm ý về một nền chính trị đổi mới, được coi là một trong những hình thức bác ái cao nhất. Đúng, tình yêu là giữa các cá nhân, nhưng tình yêu cũng là chính trị. Nó liên quan đến tất cả các dân tộc và nó liên quan đến Thiên nhiên. Vì vậy, tôi mời gọi tất cả các bạn hãy tham gia vào hành trình này, hành trình mà tôi đã trình bày trong tông thư “Laudato Si’” và cũng có trong tông thư “Fratelli Tutti” mới của tôi.

Như thuật ngữ của Countdown gợi ý, chúng ta phải hành động khẩn cấp. Mỗi người trong chúng ta đều có thể đóng một vai trò quý báu, nếu tất cả chúng ta bắt đầu hành trình của mình ngay hôm nay - chứ không phải ngày mai - ngay hôm nay. Tương lai được xây dựng từ hôm nay. Và nó không được xây dựng trong sự cô lập, nhưng hơn thế là xây dựng trong cộng đồng và trong sự hòa hợp.

Cảm ơn các bạn.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/10/2020]