Thứ Năm, 3 tháng 11, 2016

Bản dịch đầy đủ: Họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha trên đường từ Thụy Điển về

Bản dịch đầy đủ: Họp báo trên máy bay của Đức Thánh Cha trên đường từ Thụy Điển về

(Phần 1)

“Khi Chúa Giê-su cầu nguyện cho tất cả chúng ta tại Bữa tiệc Ly, Người đã cầu xin với Chúa Cha một điều cho tất cả mọi người: không phải đưa chúng ta thoát ra khỏi thế gian này nhưng bảo vệ chúng ta trong thế gian này, thoát khỏi tính trần tục của thế gian”
2 tháng 11, 2016
Francis journalists, media, plane to Sweden
© PHOTO.VA - Osservatore Romano
Trên chuyến bay thứ Ba từ Malmo về Roma sau chuyến Tông du đến Thụy Điển, Đức Thánh Cha Phanxico trả lời các nhà báo trên máy bay trong buổi họp báo kéo dài 40 phút.
Dưới đây là bản dịch của ZENIT ghi chép đầy đủ cuộc họp báo.
* * *
Greg Burke: Cảm ơn Đức Thánh Cha. Chúc mừng cha. Cha đã nói rất nhiều đến việc “cùng chung bước”, đề cập đến các tôn giáo khác nhau. Chúng ta thực tế cũng đã có một số bước đi cùng nhau, một số trong lần đầu tiên. Chúng ta có một nhà báo Thụy Điển ở đây. Con nghĩ chắc cũng hơi lâu rồi vắng mặt một nhà báo Thụy Điển trên máy bay. Bây giờ chúng ta bắt đầu với anh, Elen Swedenmark, từ cơ quan Truyền Thông Thụy Điển TT.
Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxico: Trước hết, tôi xin chào và cảm ơn về công việc quý vị đã làm và cả cái lạnh mà quý vị chịu đựng, may là chúng ta về kịp lúc chứ họ nói là tối nay nhiệt độ sẽ xuống thêm 5 độ nữa. Chúng ta về quá đúng lúc. Cảm ơn rất nhiều … cảm ơn về sự cộng tác và công việc của quý vị.
Elin Swedenmark: Xin cảm ơn. Xin chào cha. Hôm qua, Đức Thánh Cha có nói đến cuộc cách mạng của lòng nhân hậu. Đồng thời, chúng ta nhìn thấy ngày càng nhiều người từ các nước như Syria hay Iraq tìm cách tị nạn sang các quốc gia Châu Âu, nhưng một số phản ứng bằng thái độ sợ hãi hoặc thậm chí có người nghĩ rằng việc những người tị nạn này đến có thể đe dọa văn hóa Ki-tô giáo của Châu Âu. Thông điệp của cha cho những người sợ hãi sự phát triển của tình hình này là gì? Và cha cho Thụy Điển thông điệp gì, một đất nước sau truyền thống lâu dài đón nhận người tị nạn nay đang đóng cửa các biên giới?
ĐTC Phanxico: Trước hết, tôi với tư cách là một người Argentina và là một người Nam Mỹ cảm ơn Thụy Điển rất nhiều về lòng hiếu khách này … vì có rất nhiều người Argentina, người Chi-lê, người Uruguay, dưới thời các nhà độc tài quân sự đã được chào đón ở Thụy Điển. Thụy Điển có một truyền thống hiếu khách lâu đời. Và không chỉ tiếp nhận, nhưng ngay lập tức hòa nhập, tìm nhà ở, trường học, việc làm ... để họ có thể hội nhập vào một dân tộc mới. Tôi có được các con số thống kêcó lẽ tôi bị lầm, tôi không chắc lắmnhững gì tôi có thể nhớ đượcnhưng có thể tôi lầm … Thụy Điển có bao nhiêu dân số? Chín triệu … trong số 9 triệu này, họ nói với tôi … 850.000 là người “Thụy Điển mới,” nghĩa là những người di cư hay tị nạn và con cái của họ. Đây là điều đầu tiên.
Thứ hai, chúng ta phải phân biệt giữa một người di cư và một người tị nạn, đúng không? Người di cư phải được đối xử bằng những luật định chắc chắn, vì di cư là một quyền, nhưng nó là một quyền bị kiểm soát. Về mặt khác, là một người tị nạn tức là người đến từ một hoàn cảnh chiến tranh, thống khổ, đói kém, đến từ một hoàn cảnh kinh khủng. Và tình trạng của người tị nạn cần sự chăm sóc nhiều hơn, nhiều công việc hơn. Và cũng trong vấn đề này, Thụy Điển đã luôn đưa ra một tấm gương về sự ổn định, giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa cho họ, cũng như hội nhập vào văn hóa. Trong vấn đề hòa nhập văn hóa này, chúng ta không nên e sợ. Vì Châu Âu được hình thành bằng sự hội nhập văn hóa liên tục, quá nhiều nền văn hóa ... Tôi tin rằng - tôi không nói điều này theo cách công kích, không không không, nhưng theo sự tò mò - sự thật là ngày nay ở Iceland, một người dân Iceland, bằng ngôn ngữ của Iceland hôm nay  có thể đọc được cổ ngữ từ cả ngàn năm trước không gặp khó khăn gì, điều đó có nghĩa đây là một dân tộc với rất ít sự di cư hay ít “làn sóng di cư” hơn như Châu Âu đã từng có. Châu Âu được hình thành bằng những đợt di cư ...
Vậy, quý vị nghĩ thế nào về những quốc gia đóng cửa biên giới? Tôi nghĩ rằng về mặt lý thuyết, người ta không thể đóng cửa lòng trước một người tị nạn. Nhưng sự thận trọng của những người lãnh đạo cũng rất cần thiết: họ phải rất cởi mở trong việc tiếp nhận, nhưng cũng còn phải tính toán những cách để ổn định cho họ, vì không phải chỉ là tiếp nhận một người tị nạn, mà còn phải cho người đó được hòa nhập. Và, nếu một quốc gia chỉ có khả năng cho 20 người được hòa nhập, chúng ta cứ giả sử như vậy, thì hãy làm đến giới hạn con số đó thôi — thêm một nữa là quá nhiều. Nhưng luôn luôn có trái tim rộng mở: không phải là vấn đề người ta đóng cửa! Không phải là vấn đề người ta đóng cửa lòng, và về lâu về dài, người ta phải trả giá cho việc này. Ở đây, người ta phải trả giá về mặt chính trị; vì người ta cũng có thể phải trả giá về mặt chính trị cho một sự thiếu khôn ngoan trong những cách tính toán, trong việc tiếp nhận quá số người có thể hòa nhập được. Bởi vì, đâu là sự nguy hiểm khi một người tị nạn hay một người di cư – và điều này đúng cho cả hai trường hợpkhông hội nhập được, không hòa nhập được. Cho phép tôi sử dụng từ này, có lẽ đó là một chủ nghĩa thực dân mới, một người bị “bần cùng hóa”, anh ta đi vào một khu ổ chuột bần cùng. Và khi một văn hóa không phát triển hài hòa với một nền văn hóa khác - điều này rất nguy hiểm. Tôi tin rằng sự cố vấn tồi tệ nhất cho các quốc gia là khuynh hướng đóng cửa biên giới vì sợ hãi, và cố vấn tốt nhất là sự khôn ngoan.
Tôi có nói chuyện với một nhân viên chính phủ Thụy Điển trong những ngày vừa qua, và ông ta cho tôi biết một số khó khăn trong thời gian này - và đây là câu trả lời cho câu hỏi cuối của anh - một số khó khăn vì có quá nhiều người đến nên họ không có thời gian để ổn định cho họ, tìm được trường học, nhà ở, việc làm, học ngôn ngữ. Sự khôn ngoan là phải tính toán đến những điều này. Tôi không tin là khi Thụy Điển giảm bớt năng lực của sự hiếu khách là vì họ không còn khả năng, chứ không phải họ hành động theo chủ nghĩa thực dân mới. Nếu có điều gì giống như vậy, thì nó là vì lý do sau mà tôi đã nói đến: ngày nay nhiều người tìm đến Thụy Điển vì họ biết tính hiếu khách của đất nước này, nhưng không có đủ thời gian cần thiết để ổn định cho tất cả. Tôi không biết đã trả lời được câu hỏi của anh chưa. Cảm ơn.
Greg Burke: Xin cảm ơn Đức Thánh Cha. Bây giờ, một câu hỏi từ đài truyền hình Thụy Điển, Christina Kaplan, từ Sveriges TV.
Kristina Kappellin: Xin chào cha. Thụy Điển, nước đã chủ trì cuộc gặp gỡ đại kết quan trọng này, có một phụ nữ đứng đầu Giáo hội của đất nước. Cha nghĩ sao về điều này? Liệu ý nghĩ về linh mục nữ cũng có trong Giáo hội Công giáo trong những thập niên sắp tới có thành hiện thực không? Và nếu không, tại sao? Có phải các linh mục Công giáo e sợ sự cạnh tranh?
ĐTC Phanxico: Đọc một chút lịch sử của vùng này, nơi chúng ta đã đến, tôi thấy có một nữ hoàng góa ba đời chồng; và tôi nói: “Người phụ nữ này mạnh mẽ thật!” Và họ bảo tôi: “Phụ nữ Thụy Điển rất mạnh mẽ, rất giỏi, Và vì lý do này một số đàn ông Thụy Điển đi tìm một người phụ nữ thuộc quốc tịch khác.” Tôi chả biết chuyện này có thật không! … Về việc phong chức phụ nữ trong Giáo hội Công giáo, câu trả lời cuối cùng rất rõ ràng là của Thánh Gioan Phaolo II và nó vẫn còn đó. Về sự cạnh tranh, tôi không biết ...
[Nữ ký giả này hỏi thêm một câu ngoài chủ đề]
ĐTC Phanxico: Nếu chúng ta đọc kỹ Tuyên ngôn của Thánh Gioan Phaolo II, nói về vấn đề đó. Đúng, nhưng phụ nữ cũng có thể làm được nhiều điều tốt hơn đàn ông, thậm chí trong lãnh vực tín lý. Trong môn giáo hội học Công giáo có hai chiều kích cần suy nghĩ: chiều kích Phê-rô, tức là chiều kích của các Tông đồ - Thánh Phê-rô và Tông đồ Đoàn, tức là mục vụ của các giám  mụcvà chiều kích Maria, đó là chiều kích nữ tính của Giáo hội. Và tôi đã hơn một lần nói về điều này. Tôi tự hỏi, ai quan trọng hơn trong thần học và trong mầu nhiệm của Giáo hội: các tông đồ hay Mẹ Maria trong ngày lễ Ngũ Tuần? Đó là Mẹ Maria! Còn gì nữa: Giáo hội là một người nữ. Giáo hội là “She” (ND: tiếng Anh: đại từ chỉ phái nữ) không phải “He” (ND: tiếng Anh: đại từ chỉ phái nam). Giáo hội là “She”, và Giáo hội là Hiền thê của Chúa Giê-su Ki-tô. Đây là một mầu nhiệm phu thê. Và dưới ánh sáng của mầu nhiệm này chúng ta hiểu được lý do cho hai chiều kích này. Chiều kích Phê-rô, cụ thể là các giám mục, và chiều kích Maria, đó là tư cách làm mẹ của Giáo hội … nhưng theo ý nghĩa sâu xa nhất. Giáo hội không tồn tại mà không có chiều kích nữ tính này, vì chính Giáo hội là nữ.

(Xin quý vị đọc phần 2 ngày mai)

[Văn bản gốc: đa ngữ]  [Bản dịch tiếng Anh của ZENIT]

[Nguồn:  zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 03/11/2016]


Đức Thánh Cha và Chủ tịch của Liên đoàn Luther Quốc tế (LWF) ký tuyên bố chung

Đức Thánh Cha và Chủ tịch của Liên đoàn Luther Quốc tế (LWF) ký tuyên bố chung

Pope Francis and Bishop Mounib Younan sign the Joint Statement in Lund's Cathedral - AP
Đức Thánh Cha Phanxico và Đức Giám mục Mounib Younan ký Tuyên bố chung trong Thánh đường của Lund - AP
31/10/2016 16:49
(Vatican Radio) Đức Thánh Cha Phanxico và Đức Giám mục Mounib Younan, Chủ tịch Liên đoàn Luther Quốc tế đã ký Tuyên bố chung hôm Thứ Hai trong đó Công giáo và Tin lành Luther cam kết theo đuổi đối thoại để tháo bỏ được những rào cản còn tồn tại làm ngăn cản bước tiến đến hiệp nhất trọn vẹn. Cả hai vị cũng nhấn mạnh đến cam kết cho làm chứng tá chung thay mặt cho người nghèo, người thiếu thốn và những nạn nhân của bất công. Tuyên ngôn được ký trong nghi thức cầu nguyện đại kết tổ chức trong Thánh đường Luther của Lund trong ngày đầu tiên của chuyến thăm viếng của Đức Thánh Cha đến Thụy Điển.

Dưới đây  là toàn văn của Tuyên Ngôn:
TUYÊN NGÔN CHUNG
nhân dịp Kỷ niệm chung Công giáo-Tin lành Luther Cải cách
Lund, 31 tháng 10, 2016
Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (Ga 15:4).
Với những tâm tình tri ân
Với Tuyên ngôn chung này, chúng tôi xin bày tỏ lòng cảm tạ vui mừng lên Thiên Chúa trong giây phút cầu nguyện chung trong Thánh đường Lund, khi chúng tôi bắt đầu năm kỷ niệm 500 năm Giáo hội Cải cách. Năm mươi năm đối thoại đại kết kiên trì và có kết quả giữa Công giáo và Tin lành Luther đã giúp chúng tôi vượt qua được nhiều điểm khác biệt, và đã đào sâu thêm sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau. Đồng thời chúng tôi đã đến gần nhau hơn qua việc chung tay phục vụ anh em tha nhân - thường ở trong những hoàn cảnh đau khổ và bị bách hại. Qua đối thoại và chia sẻ những chứng tá, chúng tôi không còn là những người xa lạ với nhau. Hơn thế nữa, chúng tôi đã học được rằng những gì hiệp nhất chúng tôi còn lớn hơn những gì chia rẽ chúng tôi.
Từ xung khắc đến hiệp nhất
Trong khi chúng tôi vô cùng tri ân những hồng ân tu đức và thần học đã được đón nhận qua Cải cách, chúng tôi cũng cáo mình và van nài trước Chúa Ki-tô rằng Tin lành Cải cách và Công giáo đã làm tổn thương tình hiệp nhất hữu hình của Giáo hội. Những khác biệt về thần học đã tạo ra những thiên kiến và xung khắc, và tôn giáo đã bị biến thành công cụ cho mục tiêu chính trị. Niềm tin chung của chúng tôi vào Đức Giê-su Ki-tô và phép rửa tội đòi hỏi chúng tôi sự hoán cải mỗi ngày, nhờ đó chúng tôi bỏ đi được những bất đồng và xung khắc lịch sử làm trở ngại cho thừa tác vụ hòa giải. Trong khi quá khứ không thể thay đổi, thì những điều cần ghi nhớ và cách ghi nhớ có thể thay đổi được. Chúng tôi cầu nguyện cho sự chữa lành những vết thương của chúng ta và những ký ức đã là bóng mây che phủ lên tầm nhìn của chúng tôi về nhau. Chúng tôi dứt khoát từ bỏ hận thù và bạo lực, trong quá khứ và hiện tại, đặc biệt được diễn tả nhân danh tôn giáo. Hôm nay, chúng tôi nghe thấy lệnh truyền của Thiên Chúa phải bỏ qua tất cả những xung khắc. Chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi được tự do nhờ ơn sủng để tiến bước đến sự hiệp nhất mà Thiên Chúa liên tục kêu gọi chúng tôi.
Sự cam kết của chúng tôi với chứng tá chung
Khi chúng tôi đã vượt qua được những chương trong lịch sử là gánh nặng đè lên chúng tôi, chúng tôi cam kết cùng chung sức làm chứng tá cho lòng thương xót của Thiên Chúa, được thể hiện hữu hình qua Đức Ki-tô chịu đóng đinh và phục sinh. Ý thức được con đường đó chúng tôi liên kết với nhau để định hình những chứng tá của chúng tôi cho Tin mừng, chúng tôi cam kết sẽ tiến thêm những bước tiến trong tình hiệp nhất lấy cội nguồn trong Phép Thánh Tẩy, khi chúng tôi tìm cách tháo bỏ những cản trở còn tồn tại ngăn cản chúng tôi bước tới sự hiệp nhất trọn vẹn. Đức Ki-tô khao khát rằng chúng tôi trở nên một, để trần gian này có thể tin theo (Ga 17:21).
Nhiều anh em trong các cộng đoàn của chúng tôi mong mỏi được rước Thánh Thể trên cùng một bàn tiệc, như là cách trình bày cụ thể của tình hiệp nhất trọn vẹn. Chúng tôi hiểu được nỗi đau của những người chia sẻ cả cuộc sống của họ, nhưng không thể chia sẻ sự hiện hữu cứu chuộc của Thiên Chúa tại bàn tiệc Thánh Thể. Chúng tôi thừa nhận trách nhiệm mục vụ chung phải trả lời cho sự đói và khát tinh thần của anh em của chúng tôi muốn nên một trong Đức Ki-tô. Chúng tôi mong mỏi vết thương này trên Thân Thể của Đức Ki-tô được chữa lành. Đây là mục tiêu của những nỗ lực đại kết của chúng tôi, điều mà chúng tôi muốn thúc đẩy, kể cả việc làm mới lại cam kết của chúng tôi về đối thoại thần học.
Chúng tôi cầu xin Thiên Chúa cho Công giáo và Tin lành Luther sẽ có thể cùng nhau làm chứng tá Tin mừng của Đức Giê-su Ki-tô, mời gọi nhân loại lắng nghe và đón nhận tin vui của công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa. Chúng tôi cầu xin Thiên Chúa ban cho sự linh hứng, khuyến khích và sức mạnh để chúng tôi có thể đứng bên nhau trong sự phục vụ, bảo vệ nhân phẩm và quyền con người, đặc biệt cho những ngươi nghèo, hoạt động cho công bằng, và loại bỏ tất cả mọi hình thức bạo lực. Thiên Chúa kêu gọi chúng tôi đến gần với tất cả những người đang khao khát có phẩm giá, công bằng, hòa bình và hòa giải. Đặc biệt ngày nay, chúng tôi lên tiếng kêu gọi chấm dứt bạo lực và chủ nghĩa cực đoan đang ảnh hưởng đến rất nhiều quốc gia và cộng đồng, và không biết bao nhiêu anh chị em trong đức Ki-tô. Chúng tôi thúc giục những người Tin lành Luther và Công giáo cùng chung sức với nhau để chào đón người lạ, cùng cứu trợ cho những người bị buộc phải di tản vì chiến tranh và bách hại, và cùng bảo vệ cho quyền của những người tị nạn và những người đang tìm nơi nương náu.
Hơn bao giờ hết, chúng tôi nhận ra rằng sự phục vụ chung của chúng tôi trong thế giới này phải vươn ra với mọi tạo vật của Thiên Chúa, mọi tạo vật đang chịu sự bóc lột và hậu quả của lòng tham vô độ. Chúng tôi ý thức được quyền của những thế hệ tương lai phải được an hưởng một thế giới của Thiên Chúa với tất cả mọi tiềm năng và vẻ đẹp của nó. Chúng tôi cầu xin cho sự hoán cải những con tim và trí óc được dẫn dắt đến một con đường yêu thương và trách nhiệm chăm sóc cho tạo vật.
Nên một trong Đức Ki-tô
Nhân dịp đầy triển vọng này, chúng tôi xin bày tỏ lòng tri ân đến những anh chị em đại diện cho nhiều Cộng đoàn Hiệp nhất Ki-tô hữu khác nhau trên Thế giới cùng hiện diện và hiệp thông trong lời cầu nguyện. Khi chúng tôi cam kết chuyển từ sự xung khắc sang hiệp nhất, chúng tôi thực hiện điều này như là một phần của Một Thân Thể của Đức Ki-tô, trong đó chúng ta được kết hợp chặt chẽ qua Phép Thánh Tẩy. Chúng tôi kêu mời những anh chị em đại kết luôn nhắc chúng tôi nhớ những cam kết của chúng tôi và khuyến khích chúng tôi. Chúng tôi kêu mời họ tiếp tục cầu nguyện cho chúng tôi, cùng đồng hành với chúng tôi, ủng hộ chúng tôi trong cách sống theo những cam kết cầu nguyện mà chúng tôi bày tỏ hôm nay.
Lời kêu gọi người Công giáo và Tin lành Luther trên toàn thế giới
Chúng tôi kêu gọi tất cả các giáo xứ và cộng đoàn Tin lành Luther và Công giáo phải dũng cảm và sáng tạo, vui mừng và hy vọng trong sự cam kết tiếp tục hành trình to lớn ở phía trước chúng ta. Gạt qua mọi xung khắc trong quá khứ, hồng ân hiệp nhất của Thiên Chúa giữa chúng ta sẽ hướng dẫn sự hợp tác và đào sâu tình đoàn kết của chúng ta. Bằng cách tiến lại gần nhau trong niềm tin vào Đức Ki-tô, bằng cách cầu nguyện chung, bằng cách lắng nghe nhau, bằng cách sống tình yêu của Đức Ki-tô trong những mối quan hệ của chúng ta, chúng ta, người Tin lành Luther và Công giáo, mở lòng ra trước quyền năng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đặt nền tảng trong Đức Ki-tô và làm chứng tá cho Người, chúng ta hãy làm mới lại quyết tâm của chúng ta là những sứ giả trung tín của tình yêu vô biên của Thiên Chúa cho nhân loại.

[Nguồn:  radiovaticana]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 01/11/2016]