Thứ Năm, 10 tháng 1, 2019

TIẾP KIẾN CHUNG: Kinh Lạy Cha – ‘Anh em cứ gõ thì sẽ mở cho’ (TOÀN VĂN)

TIẾP KIẾN CHUNG: Kinh Lạy Cha – ‘Anh em cứ gõ thì sẽ mở cho’ (TOÀN VĂN)
Vatican Media Copyright

TIẾP KIẾN CHUNG: Kinh Lạy Cha – ‘Anh em cứ gõ thì sẽ mở cho’ (TOÀN VĂN)

‘Chúng ta vững tin rằng Thiên Chúa sẽ trả lời. Điều duy nhất không chắc chắn đó là thời gian, chúng ta không được hoài nghi rằng Người sẽ không trả lời. Có thể chúng ta phải kêu xin cả đời, nhưng Người sẽ đáp lời. Người đã hứa điều đó’

09 tháng Một, 2019 15:41

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:20 trong Sảnh đường Phaolô VI, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ những người hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục những bài giáo lý về “Kinh Lạy Cha,” trong huấn từ của ngài bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung suy niệm về chủ đề: “Anh em cứ gõ thì sẽ mở cho” (Trích đoạn sách Thánh: trích Tin mừng theo Thánh Luca 11:9-13).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu có mặt.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


* * *


Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Bài giáo lý hôm nay sẽ phân tích về trích đoạn Tin mừng theo Thánh Luca. Quả thật, chính Tin mừng này mô tả hình ảnh Chúa Giê-su luôn chìm đắm trong bầu khí cầu nguyện, ngay từ những trình thuật của tuổi thơ. Tin mừng này có chứa đựng ba bài thánh thi in dấu cho lời cầu nguyện của Giáo hội mỗi ngày: bài ca Chúc tụng (Benedictus), kinh Ngợi khen (Magnificat) và bài ca vịnh Si-mê-on (Nunc dimittis). Và trong bài giáo lý hôm nay tiếp tục về Kinh Lạy Cha, chúng ta tìm thấy Chúa Giê-su là một con người cầu nguyện. Chúa Giê-su cầu nguyện. Chẳng hạn trong trình thuật theo Thánh Luca, chương mô tả về sự biến cố Biến Hình bắt đầu từ giây phút cầu nguyện. Đoạn đó miêu tả như sau: “Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà” (9:29). Tuy nhiên, từng bước đi trong đời của Chúa Giê-su đều được dẫn dắt bởi hơi thở của Thần Khí, Đấng luôn hướng dẫn Người và mọi hành động của Người. Chúa Giê-su cầu nguyện khi nhận Phép Rửa tại sông Gio-đan, Ngài thưa chuyện với Chúa Cha trước khi đưa ra những quyết định quan trọng; Ngài thường lui vào chỗ thanh vắng để cầu nguyện, Ngài nói đỡ cho Phê-rô người chẳng bao lâu sau đó đã chối Ngài. Người nói như vầy: “Si-môn, Si-môn ơi, kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22:31-32). Điều này thật an ủi biết bao vì biết rằng Chúa Giê-su cầu nguyện cho chúng ta, Ngài cầu nguyện cho tôi, cho từng người chúng ta để đức tin của chúng ta được vững mạnh, và điều này là đúng. “Nhưng thưa Cha, Người vẫn làm như vậy chứ? Đúng, Người vẫn làm như vậy trước mặt Chúa Cha. Chúa Giê-su cầu nguyện cho tôi. Mỗi người chúng ta có thể khẳng định điều này. Và chúng ta cũng có thể thưa với Chúa Giê-su: “Người đang cầu nguyện cho con, xin hãy tiếp tục cầu nguyện vì con rất cần điều đó,” — như vậy đấy, hãy can đảm.

Ngay cả cái chết của Đấng Mê-xi-a cũng lặng trong trong khí cầu nguyện, quá nhiều đến mức những giờ trôi qua trong Cuộc Khổ Nạn dường như được ghi dấu bằng sự bình lặng đáng ngạc nhiên: Chúa Giê-su an ủi những người phụ nữ, cầu nguyện cho những kẻ đóng đinh Người, hứa ban Thiên đàng cho kẻ trộm lành, và cuối cùng là lời: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha!” (Lc 23:46). Sự cầu nguyện của Chúa Giê-su dường như làm nhẹ bớt đi những cảm xúc khủng khiếp nhất, những khao khát muốn nuôi hận và báo thù, hòa giải con người với kẻ thù hung tợn nhất, hòa giải con người với kẻ thù này, đó là cái chết.

Chúng ta tìm thấy trong Tin mừng Luca một lời thỉnh cầu của một trong các môn đệ xin với Chúa, để xin Chúa Giê-su dạy cho cách cầu nguyện. Và lời thỉnh cầu đó như sau: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (11:1). Họ nhìn thấy Người cầu nguyện. “Xin dạy chúng con — và chúng ta cũng hãy thưa lên với Chúa — Lạy Chúa, con biết Chúa cầu nguyện cho con, nhưng xin hãy dạy con cầu nguyện, để cả con nữa cũng biết cầu nguyện.”

Chính từ lời thỉnh cầu này mà một loạt giáo huấn lớn gửi đến, qua đó Chúa Giê-su giải thích cho các môn đệ của Người phải sử dụng những từ ngữ và tình cảm như thế nào để thưa lên với Chúa Cha.

Phần đầu tiên của bài giáo huấn này chính là Kinh Lạy Cha. Lời kinh như vầy: “Lạy Cha chúng con ở trên Trời.” “Lạy Cha,” một lời thật dễ thương để thưa lên. Chúng ta có thể chìm đắm suốt bao thời gian trong cầu nguyện chỉ với lời thưa đó. “Lạy Cha,” và với tâm tình rằng chúng ta có một người cha: không phải là một ông chủ hay một người cha dượng — không phải vậy mà là một người cha. Một Ki-tô hữu thưa lên với Thiên Chúa trước hết bằng lời “Lạy Cha.”

Trong bài giảng Chúa Giê-su dạy các môn đệ, thật thú vị khi dừng lại một chút ở những chỗ hướng dẫn làm nổi bật lời cầu nguyện. Chúa Giê-su giải thích một đôi điều để làm cho chúng ta vững tin. Đó là những đoạn nhấn mạnh đến thái độ của người đang cầu nguyện. Chẳng hạn, có dụ ngôn của người bạn sang nhà hàng xóm quấy rầy khi cả gia đình người kia đang ngủ, vì có một người khách đến thăm bất chợt và nhà không còn bánh để tiếp khách đó. Chúa Giê-su nói gì với người đàn ông đến gõ cửa và đánh thức người bạn?: “Thầy nói cho anh em biết — Chúa Giê-su giải thích — dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần” (Lc 11:8). Với những lời này Người muốn dạy cho chúng ta biết cầu nguyện và phải kiên trì trong lời cầu nguyện. Và liền sau đó người cho ví dụ về một người cha có đứa con đang đói. Tất cả anh chị em là những người cha và người ông ở đây, khi con cái hoặc cháu của anh chị em xin một điều gì đó, đang đói và hỏi và xin, rồi khóc, rồi kêu lên vì đói: “Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó?” (c. 11). Và tất cả anh chị em đều có kinh nghiệm khi con cái của anh chị em xin, anh chị em cho nó ăn món mà nó xin, vì muốn tốt cho nó. Bằng những lời này Chúa Giê-su cho chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa luôn luôn đáp lời, rằng không có một lời cầu nguyện nào không được nghe thấy. Tại sao? — vì Người là Cha, và không quên những đứa con đang đau khổ của Người.

Dĩ nhiên, những sự khẳng định này làm chúng ta rơi vào khủng hoảng, vì rất nhiều lời cầu nguyện của chúng ta dường như chẳng đi đến đâu. Đã bao nhiêu lần chúng ta xin điều gì đó mà không được, — tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm này — đã bao nhiêu lần chúng ta gõ cửa và chỉ tìm thấy một cánh cửa đóng kín? Trong những lúc như vậy, Chúa Giê-su đề nghị rằng chúng ta cứ kiên trì và đừng bỏ cuộc. Lời cầu nguyện luôn luôn biến đổi thực tại — luôn luôn. Nếu những điều chung quanh chúng ta không thay đổi, thì ít nhất chính chúng ta thay đổi, tâm hồn chúng ta thay đổi. Chúa Giê-su đã hứa ban Thánh Thần cho mọi người cầu xin.

Chúng ta vững tin rằng Thiên Chúa sẽ trả lời. Điều duy nhất không chắc chắn đó là thời gian, chúng ta không được hoài nghi rằng Người sẽ không trả lời. Có thể chúng ta phải kêu xin cả đời, nhưng Người sẽ đáp lời. Người đã hứa điều đó. Người không phải là một người cha cho con mình con rắn thay vì con cá. Không điều gì chắc chắn hơn điều này: khát khao hạnh phúc mà tất cả chúng ta đều khắc khoải trong lòng sẽ trở nên trọn vẹn một ngày nào đó. Chúa Giê-su nói: “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?” (Lc 18:7). Đúng vậy, Người sẽ thực hiện sự công bình; Người sẽ lắng nghe chúng ta. Sẽ đến một ngày vinh quang và sự phục sinh chiếu tỏa rạng ngời! Hãy cầu nguyện từ bây giờ cho vinh quang chiến thắng sự cô đơn và tuyệt vọng. Hãy cầu nguyện. Cầu nguyện sẽ thay đổi thực tại; chúng ta đừng quên điều đó. Nó sẽ thay đổi mọi sự hoặc thay đổi tâm hồn chúng ta, nhưng nó luôn luôn biến đổi. Hãy cầu nguyện từ bây giờ cho vinh quang chiến thắng sự cô đơn và tuyệt vọng. Nó giống như việc nhìn thấy từng phần của tạo vật lững lờ trôi trong lịch sử mà đôi khi chúng ta chẳng hiểu được nguyên lý. Nhưng nó vẫn chuyển động, nó vẫn di chuyển, và tại điểm cuối mỗi con đường, và đâu là điểm cuối của con đường của chúng ta? Và cuối lời cầu nguyện, cuối thời gian chúng ta cầu nguyện, cuối cuộc đời, vậy nó là ở đâu? Luôn có một người Cha đang chờ đợi mọi sự và mọi con người với vòng tay rộng mở. Chúng ta hãy hướng về người Cha này.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


Tiếng Ý

Xin gửi lời chào mừng và chúc mừng nồng ấm đến anh chị em hành hương nói tiếng Ý.

Cha rất vui được đón tiếp các anh em linh mục từ Giáo phận Trapani, có Đức Giám mục là Đức ông Pietro Maria Fragnelli đi cùng và các chủng sinh của Chủng viện Tuyên úy Military Ordinariate của Ý, cùng Đức Tổng Giám mục là Đức ông Santo Marciano.

Cha gửi lời chào các giáo xứ, đặc biệt giáo xứ các Thánh Cosmas và Damian of Terracina; Hiệp hội “Thiếu nhi Ánh sáng” và Học viện Vassalluzzo của Roccapiemonte.

Đặc biệt cha xin chào các bạn trẻ, những người lớn tuổi, bệnh nhân và những đôi uyên ương mới. Hôm nay có nhiều đôi quá!

Chúa nhật tới chúng ta sẽ mừng Lễ Chúa Chịu Phép Rửa. Lễ này kết thúc phụng vụ mùa Giáng sinh, mời gọi chúng ta tái khám phá ơn sủng của Bí tích Rửa tội. Bí tích Rửa tội làm cho chúng ta trở thành người Ki-tô hữu, kết hiệp chúng ta trong Đức Ki-tô và Hội Thánh của Người. Tất cả chúng ta đều nhớ ngày sinh của chúng ta, nhưng không phải mọi người đều nhớ ngày Rửa tội, đó là ngày sinh nhật trong Giáo hội, khi Thánh Thần ngự vào tâm hồn chúng ta. Vì vậy, cha mời gọi anh chị em, hãy bắt đầu từ hôm nay, chuẩn bị sẵn sàng tâm hồn mừng Lễ Chúa nhật tới, hãy hỏi – những ai biết, những ai nhớ ngày rửa tội –, và những người không biết ngày rửa tội của mình, thì hãy hỏi bà con họ hàng, cha mẹ đỡ đầu, cha mẹ, ông bà: “Con được sinh ra trong đức tin ngày nào?” Hay cụ thể là, “Con được rửa tội ngày nào?” Và luôn ghi nhớ trong lòng ngày rửa tội của mình. Anh chị em sẽ làm như vậy chứ? Mừng ngày rửa tội của chúng ta là rất quan trọng. Chúng ta tạ ơn Chúa về món quà đức tin và chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần ban cho sức mạnh để làm những chứng nhân anh dũng của Chúa Giê-su.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/1/2019]


Linh mục Phi Châu bị bắt cóc kể lại những ngày đau khổ bị bắt giữ

Linh mục Phi Châu bị bắt cóc kể lại những ngày đau khổ bị bắt giữ

Linh mục Phi Châu bị bắt cóc kể lại những ngày đau khổ bị bắt giữ


Jan 04, 2019

Hai linh mục bị bắt cóc đã sống sót nhờ một nửa ổ bánh mỳ và một chút nước trong suốt bốn ngày.

Cha Cajetan Apeh được truyền chức linh mục bốn tháng trước khi cha và một linh mục khác trong giáo xứ bị bắt làm con tin bởi những người nuôi gia súc có vũ trang ở Anam trong Tiểu bang Anambra của Nigeria. Hai cha bị bắt giữ bốn ngày, trong suốt thời gian đó tường thuật cho biết hai cha chỉ có một nửa ổ bánh mỳ và một chút nước để duy trì mạng sống.

Hôm thứ Tư, ngay sau khi dâng Lễ mừng Năm mới tại Nhà thờ Thánh Giu-se, Cha Apeh kể lại câu chuyện cha bị bắt giữ với cộng đoàn. Cha kể rằng vào đêm Vọng Giáng sinh, cha lái xe chở một cha cùng xứ đang bị bệnh đến nhà thương. Trên đường trở về hai cha dừng lại tại một cửa hàng để mua một số thứ cần thiết chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Đức Hồng y Francis Arinze từ Roma đến.

Vanguard tường thuật, hai cha đang trên đường về thì bị những người chăn nuôi địa phương có vũ trang tiến lại gần:

“Một người chăn nuôi thuộc bộ tộc Fulani cầm khẩu AK 47, từ trong bụi cây lao ra và chĩa súng vào chúng tôi, đe dọa nổ súng nếu chúng tôi không dừng. Đúng là một cuộc phục kích.

“Ban đầu, chúng tôi nghĩ đó chỉ là vụ cướp, nhưng sau khi lục soát và lấy đi tất cả mọi thứ của chúng tôi, kể cả một vài ổ bánh mỳ; họ đưa chúng tôi vào trong các lùm cây và ở đó cả hai chúng tôi được cho một nửa ổ bánh mỳ họ lấy của chúng tôi và sống trong suốt bốn ngày trước khi họ thả chúng tôi về với bề trên, ngài lái xe từ Enugu đến Anam theo sự hướng dẫn của những người chăn nuôi.”

Cha Apeh kể rằng cha không được phép nói chuyện với cha bạn trong suốt thời gian bị bắt giữ, nơi đó ở giữa rừng hoang và hai cha bị bỏ giữa môi trường tự nhiên và chịu những cuộc tấn công của muỗi.

Khi những người chăn nuôi ấm áp trong các áo khoác thì Cha Apeh chỉ được mặc một quần dài và một áo thun. Cha nói những người bắt giữ có đốt một đống lửa cho hai cha trong ngày Giáng sinh, nhưng ngày hôm sau tình trạng của linh mục bị bệnh bắt đầu xấu đi:

“Ngày 26 tháng Mười Hai, tình trạng của cha bạn tôi suy sụp, vì chúng tôi dù được cho một số thuốc ở nhà thương, nhưng cha lại không được phép uống thuốc. Áp huyết của cha rất cao và cha rất yếu.

“Họ liên lạc với các bề trên của chúng tôi, nói rằng họ muốn số tiền rất, rất lớn như là tiền chuộc nhưng sau những ngày bị bắt cóc, không ai mang một đồng nào đến cho họ nên họ bắt đầu thất vọng.

Những người chăn nuôi sau đó đòi lấy thông tin tài khoản ngân hàng của linh mục, nhưng chẳng ai có tài khoản ngân hàng, vì tất cả mọi thứ đều thuộc về nhà thờ. Những người bắt giữ hỏi hai cha có kết hôn không và khi các cha trả lời rằng không, họ bảo Cha Apeh “rằng nếu tôi cưới vợ, vợ của tôi hoặc các thành viên của gia đình tôi chắc đã gọi cho họ và chạy vạy đây đó để kiềm tiền chuộc.”

Hai cha cuối cùng được thả khi bề trên của họ từ Enugu đi đến Anam để đàm phán về việc thả hai cha, và không có bất kỳ cảnh sát hay nhân viên an ninh nào đi theo. Cha Apeh kể với cộng đoàn, “Nhờ những lời cầu nguyện của anh chị em và của những người trên khắp thế giới, chúng tôi đã được trả về với bề trên của mình …”

Cha Apah nói nói rằng thức ăn duy nhất của hai cha là một nửa ổ bánh mỳ được cho lúc ban đầu. Hai người cầm cự với lượng bánh mỳ ít ỏi này, cùng với bình nước học sinh hai người chia nhau. Trong suốt thời gian bị bắt giữ hai cha chỉ được đứng dậy để vươn vai, còn lại đều bị buộc phải ngồi hoặc nằm suốt thời gian.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/1/2019]