Thứ Hai, 9 tháng 11, 2020

Đức Thánh Cha trong giờ Kinh Truyền tin phân tích dụ ngôn về các cô phù dâu (Toàn văn)

Đức Thánh Cha trong giờ Kinh Truyền tin phân tích dụ ngôn về các cô phù dâu (Toàn văn)

© Vatican Media

Đức Thánh Cha trong giờ Kinh Truyền tin phân tích dụ ngôn về các cô phù dâu (Toàn văn)

'Chúng ta có thể thanh thản chờ đợi chàng rể đến'

08 tháng Mười Một, 2020 14:10


Chúng ta phải sống hôm nay nhưng luôn hướng về đời sau; đây là trọng tâm bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô hôm nay trước giờ đọc Kinh Truyền tin với đám đông ‘giãn cách xã hội’ trong Quảng trường Thánh Phêrô. ngài phân tích về đoạn Tin mừng trong ngày trích chương 25 Tin mừng Thánh Mátthêu, dụ ngôn về những cô phù dâu.

Đức Thánh Cha nói, “Chúng ta phải sống hôm nay, nhưng hôm nay hướng tới ngày mai, hướng tới điều sắp đến, một hiện tại đầy hy vọng. Mặt khác, nếu chúng ta tỉnh thức và đáp lại ân sủng của Thiên Chúa bằng cách làm việc tốt lành, chúng ta có thể thanh thản chờ chàng rể đến.”

Dưới đây là toàn băn bài giảng của Đức Thánh Cha:


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trích đoạn Tin Mừng Chúa Nhật này (Mt 25: 1-13) mời gọi chúng ta suy tư rộng mở thêm về sự sống trường tồn mà chúng ta đã bắt đầu vào dịp Lễ Các Thánh và Lễ Tưởng nhớ các Tín hữu đã qua đời. Chúa Giêsu kể dụ ngôn mười cô trinh nữ được mời dự tiệc cưới, là biểu tượng của Nước thiên đàng.

Vào thời Chúa Giêsu, truyền thống đám cưới thường được tổ chức vào ban đêm; nên cuộc rước của đoàn khách diễn ra với ánh đèn thắp sáng. Một số cô phù dâu rất khờ dại: họ cầm đèn đi nhưng không mang theo dầu; ngược lại, những cô khôn ngoan mang theo dầu cùng với đèn của họ. Chàng rể đến muộn, đến muộn, nên tất cả họ đều ngủ quên. Khi có tiếng nói báo rằng chàng rể sắp đến, những cô khờ dại ngay lúc đó nhận ra rằng họ không có dầu để thắp đèn; họ hỏi xin những người khôn ngoan cho một ít, nhưng những cô kia trả lời rằng họ không thể cho một chút dầu nào vì sẽ không có đủ cho tất cả mọi người. Trong khi các cô trinh nữ khờ dại đi mua dầu thì chàng rể đến. Các trinh nữ khôn ngoan vào phòng tiệc với chàng rể, và cửa đóng lại. Những cô trinh nữ kia đến quá muộn và không được nhận vào.

Rõ ràng là với dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng chúng ta phải chuẩn bị cho sự tái lâm của Ngài. Không chỉ là cuộc gặp gỡ sau cùng mà còn cho những cuộc gặp gỡ hàng ngày, lớn và nhỏ, với một tầm nhìn về cuộc gặp gỡ đó thì chỉ một ngọn đèn đức tin là không đủ; chúng ta cũng cần có dầu của đức ái và những việc tốt lành. Như Thánh Tông đồ Phaolô nói, đức tin thực sự kết hiệp chúng ta với Chúa Giêsu là “đức tin hành động nhờ đức ái” (Gl 5: 6). Đó là những gì được thể hiện bằng hành động của các cô trinh nữ khôn ngoan. Khôn ngoan và cảnh giác có nghĩa là không đợi đến giây phút cuối cùng mới đáp lại ân sủng của Thiên Chúa, nhưng phải làm điều đó một cách tích cực và ngay lập tức, bắt đầu ngay bây giờ. “Tôi… vâng, tôi sẽ sớm hối cải” … “Hãy hối cải ngay hôm nay! Hãy thay đổi cuộc sống của bạn ngay hôm nay!” “Vâng, vâng, ngày mai”. Và ngày mai cũng sẽ nói điều tương tự, và như vậy nó không bao giờ đến. Hôm nay! Nếu chúng ta muốn sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ cuối cùng với Chúa, chúng ta phải hợp tác với Ngài ngay bây giờ và làm những việc tốt lành được soi dẫn bởi tình yêu của Ngài.

Thật không may, chúng ta biết rằng chuyện xảy đến là chúng ta quên mất mục đích của cuộc đời mình, tức là cuộc gặp gỡ chắc chắn với Chúa, do đó mất đi ý thức mong chờ và biến hiện tại trở thành tuyệt đối. Khi một người coi hiện tại là tuyệt đối thì người đó chỉ nhìn vào hiện tại, mất đi ý thức mong chờ là điều rất tốt đẹp và cần thiết, và cũng đưa chúng ta thoát ra khỏi những mâu thuẫn của thời điểm hiện tại. Khi người ta mất đi cảm giác mong đợi, thái độ này ngăn cản mọi cách nhìn trong tương lai: người ta làm mọi điều như thể họ sẽ không bao giờ chuyển sang một đời sống khác. Và vì vậy người ta chỉ quan tâm đến việc sở hữu, đến việc đi đây đi đó, chứng minh bản thân… Và nhiều nhiều điều khác. Nếu chúng ta cho phép bản thân được dẫn lối bởi những gì có vẻ hấp dẫn nhất đối với chúng ta, bởi những gì chúng ta thích, bằng cách tìm kiếm những thú vui của chúng ta, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên khô cằn; nếu chúng ta không tích trữ những nguồn dầu dự trữ cho ngọn đèn của chúng ta, thì nó sẽ bị lụi tắt trước khi Chúa đến. Chúng ta phải sống hôm nay, nhưng hôm nay hướng tới ngày mai, hướng tới điều sắp đến, một hiện tại đầy hy vọng. Mặt khác, nếu chúng ta tỉnh thức và đáp lại ân sủng của Thiên Chúa bằng cách làm việc tốt lành, chúng ta có thể thanh thản chờ chàng rể đến. Chúa có thể sẽ đến ngay cả khi chúng ta đang ngủ: điều này sẽ không làm chúng ta lo lắng, vì chúng ta có nguồn dầu dự trữ được tích lũy qua các công việc tốt lành mỗi ngày của mình, tích lũy với sự mong đợi Chúa, để Người có thể đến sớm và để Người có thể đến để đưa chúng ta đi với Người.

Chúng ta hãy khẩn xin sự chuyển cầu của Mẹ Maria Rất Thánh, để Mẹ giúp chúng ta sống đức tin tích cực, như Mẹ đã làm: đó là ngọn đèn sáng để chúng ta có thể vượt qua đêm tối, vượt qua cái chết và tiến đến với đại lễ của cuộc đời.

___________________________________________

Sau giờ đọc Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến!

Hôm qua tại Barcelona, Joan Roig y Diggle, một giáo dân, và một vị tử đạo, đã được tuyên phong Chân Phước. Cậu bị giết khi mới mười chín tuổi trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha. Cậu là chứng nhân cho Chúa Giêsu tại nơi làm việc và trung thành với Ngài với món quà tột đỉnh là sự sống. Xin cho tấm gương của Chân phước khơi dậy trong tất cả chúng ta, nhất là trong giới trẻ, ước muốn sống trọn vẹn ơn gọi của người Kitô hữu. Chúng ta hãy dành một tràng pháo tay chúc mừng vị Chân phước trẻ tuổi này, thật dũng cảm!

Cha nhìn thấy một lá cờ ở đằng kia, nó khiến cha liên tưởng đến những người dân ở Trung Mỹ, những ngày gần đây bị ảnh hưởng bởi một cơn bão lốc kinh hoàng, cướp đi sinh mạng của nhiều nạn nhân và gây thiệt hại to lớn, càng trở nên trầm trọng hơn bởi tình hình vốn đã khó khăn của đại dịch. Xin Chúa chào đón những người đã khuất, an ủi gia đình của họ, và nâng đỡ những người khó khăn nhất, cũng như tất cả những người đang làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ họ.

Tôi đang lo lắng theo dõi tin tức đến từ Ethiopia. Tôi kêu gọi rằng sự cám dỗ của một cuộc xung đột vũ trang sẽ bị khước từ, tôi mời mọi người đến với cầu nguyện và tôn trọng tình huynh đệ, đến với đối thoại, và chấm dứt những bất đồng trong hòa bình.

Hôm nay, tại Tunisia, các cuộc họp của “Diễn đàn Đối thoại Chính trị Libya” sẽ bắt đầu với sự tham gia của tất cả các bên. Với tầm quan trọng của sự kiện, tôi rất hy vọng rằng trong thời điểm mong manh này, sẽ tìm ra một giải pháp cho sự đau khổ kéo dài của người dân Libya, và thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn gần đây được tôn trọng và thực hiện. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các đại biểu của Diễn đàn, cho hòa bình và ổn định ở Libya.

Hôm nay ở Ý, chúng ta kỷ niệm ngày Lễ Tạ ơn với chủ đề “Nước, phúc lành của trái đất”. Nước rất quan trọng cho nông nghiệp, và nó cũng rất quan trọng cho cuộc sống! Cha dành tình cảm gần gũi trong lời cầu nguyện với thế giới nông thôn, đặc biệt là với những nhà nông quy mô nhỏ. Công việc của họ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong thời điểm khủng hoảng này. Cha cùng với các giám mục Ý thúc giục việc bảo vệ nước như một ích chung, việc sử dụng nước phải tôn trọng cùng đích chung của nó.

Và bây giờ cha xin gửi lời chào anh chị em, người Roma và những người hành hương từ nhiều quốc gia khác nhau: các gia đình, các nhóm giáo xứ, các hiệp hội và các tín hữu cá nhân. Chúc anh chị em ngày Chúa Nhật an lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/11/2020]


Thiếu niên tử đạo khi bảo vệ Mình Thánh được tuyên phong chân phước ở Tây Ban Nha

Thiếu niên chịu tử đạo khi bảo vệ Mình Thánh được tuyên phong chân phước ở Tây Ban Nha

Chân phước Joan Roig Diggle bị giết vì “thù ghét đức tin” năm 1936 trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha.

Thiếu niên tử đạo khi bảo vệ Mình Thánh được tuyên phong chân phước ở Tây Ban Nha

Lễ tuyên phong Chân phước cho Joan Roig Diggle tại Vương cung Thánh đường Sagrada ở Barcelona ngày 7 tháng Mười Một, 2020. (photo: Screenshot / Archdiocese of Barcelona)

Courtney Mares/CNAWorld

8 tháng Mười Một, 2020


Một vị tử đạo 19 tuổi người Tây Ban Nha, người đã hiến mạng sống của mình khi bảo vệ Mình Thánh, được tuyên phong chân phước hôm thứ Bảy trong một thánh lễ tại Vương cung Thánh đường Sagrada Família ở Barcelona.

Đức Thánh Cha Phanxico nói trong huấn từ Kinh Truyền tin ngày 8 tháng Mười Một, “Hôm qua tại Barcelona, Joan Roig y Diggle, một giáo dân, và một vị tử đạo, bị giết khi mới mười chín tuổi trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha, đã được tuyên phong Chân Phước.”

Đức Thánh Cha nói, “Xin cho tấm gương của Chân phước khơi dậy trong tất cả chúng ta, nhất là trong giới trẻ, ước muốn sống trọn vẹn ơn gọi của người Kitô hữu.”

Chân phước Joan Roig Diggle bị giết vì “sự thù ghét đức tin” năm 1936 trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha. Người thiếu niên nổi tiếng vì lòng sùng kính Thánh Thể trong thời điểm các nhà thờ ở Barcelona bị đóng cửa, bị đốt, và phá hủy, vì vậy một linh mục giao phó cho Joan Roig một bình đựng Mình Thánh Chúa để đi trao Mình Thánh tại nhà cho những người đang rất cần vì không thể tham dự Thánh Lễ.

Trong một lần đi trao Mình Thánh, Joan Roig nói với một gia đình rằng cậu biết những dân quân đang tìm cách giết cậu. “Tôi không sợ gì cả, tôi có Chúa bên mình,” cậu nói. Khi những kẻ tìm cách giết cậu gõ cửa, người thiếu niên chịu (ăn) toàn bộ những bánh Thánh mà cậu đã giữ gìn để bảo vệ tránh sự phạm thượng có thể có.

Đội tuần tra Thanh niên theo chủ nghĩa Tự do sau đó đưa cậu ra nghĩa trang Santa Coloma, là nơi cậu bị giết ngày 11 tháng Chín năm 1936 với 5 phát đạn bắn vào tim và một phát vào đầu. Những lời cuối cùng của Chân phước Joan Roig là: “Xin Chúa tha thứ cho các anh như tôi tha thứ cho các anh.”

Tại lễ tuyên phong chân phước cho Joan Roig ngày 7 tháng Mười Một, Đức Hồng y Juan José Omella, Tổng giám mục Barcelona, đã nói trong bài giảng rằng người thiếu niên này là một “người bảo vệ nhiệt thành cho Giáo lý Xã hội của Giáo hội” và đưa ra cho giới trẻ ngày nay một “chứng tá tình yêu đối với Đức Kitô và anh em.”

Đức Giám mục Bernardito Auza, Khâm sứ Tòa thánh tại Tây Ban Nha, và Đức Tổng Giám mục danh dự Barcelona, Đức Hồng y Lluís Martínez Sistach, đồng tế Thánh lễ, diễn ra với số lượng người tham dự hạn chế để tránh sự lây lan của COVID-19.

Joan sinh tại Barcelona ngày 12 tháng Năm năm 1917. Thân phụ của cậu là ông Ramón Roig Fuente và thân mẫu là bà Maud Diggle Puckering, đến từ nước Anh.

Cậu theo học tại những trường do các Sư huynh Dòng De La Salle và các Cha Dòng Piarist điều hành. Gia đình gặp khó khăn về kinh tế, vì vậy Joan đi làm để phụ giúp trang trải chi phí trong khi vẫn theo đuổi việc học. Trong số các thầy giáo của cậu có Cha Ignacio Casanovas và Chân phước Francisco Carceller, những người cũng sẽ trở thành các vị tử đạo.

Gia đình cậu chuyển đến Masnou và cậu gia nhập Liên đoàn Thanh niên Kitô giáo Catalonia (FJCC), do Albert Bonet thành lập năm 1932 và có 8.000 thành viên trước cuộc Nội chiến Tây Ban Nha. Cậu viết về các vấn đề xã hội trong bản tin FJCC và được chỉ định dạy giáo lý cho thiếu nhi từ 10 đến 14 tuổi.

“Khi đến Masnou không ai biết cậu, nhưng lòng sùng đạo và tình yêu nồng cháy của cậu đối với Bí tích Thánh Thể mau chóng được mọi người thấy. Cậu dành hàng giờ trước Thánh Thể mà không nhận ra điều đó. Tấm gương của cậu đã làm biến đổi nhiều hơn lời nói của cậu”, vị chủ tịch của chi nhánh thanh niên FJCC viết năm 1936.

Cha José Gili Doria, cha sở Masnou, viết vào năm 1936: “Một hôm Joan nói với tôi: ‘Con thường dành ít nhất hai giờ mỗi ngày cho đời sống thiêng liêng: Thánh lễ, rước lễ, suy niệm và viếng Thánh Thể; nó còn ít quá, nhưng công việc của con và việc tông đồ không cho con nhiều thời gian hơn”.

Tháng Bảy năm 1936, Joan nói với một số thành viên của FJCC rằng họ nên chuẩn bị chịu tử đạo với ân sủng và lòng can đảm, cũng như những Kitô hữu tiên khởi.

Trong cuộc đàn áp dữ dội sau đó, ước tính có khoảng 300 thanh niên thuộc tổ chức này đã bị giết ở Catalonia, trong đó có khoảng 40 linh mục. Trụ sở của FJCC bị đốt cháy.

Mẹ của Joan nói rằng trong những ngày đó, con trai bà “xoa dịu những buồn phiền, động viên những người nhát gan, đến thăm những người bị thương, hàng ngày tìm kiếm người trong tổ chức của cậu trong số những người chết trong các bệnh viện.”

Bà nói: “Mỗi đêm, quỳ bên chân giường, với thánh giá nắm chặt trong tay, cháu cầu xin lòng từ nhân, xin sự tha thứ cho người khác, và xin lòng thương xót và sức mạnh cho tất cả mọi người.”

Đức Hồng y Omella nói: “Joan dạy chúng ta rằng tất cả mọi người Kitô hữu được kêu gọi sống đức tin của chúng ta trong cộng đồng. Không ai một mình xây dựng đức tin của riêng mình, đức tin Kitô giáo về bản chất mang tính cộng đoàn”.

Chân phước Joan Roig Diggle hiện được an táng trong một nhà nguyện phụ tại giáo xứ Thánh Phêrô ở El Masnou, Barcelona.

Đức Hồng Y nói, “Chân phước là mẫu gương về đời sống Kitô giáo cho người trẻ và người lớn trong xã hội chúng ta, chứng từ của chân phước có thể khơi dậy niềm khát khao bước theo Đức Kitô với niềm vui và lòng quảng đại. Tình bạn sâu đậm với Chúa, với việc cầu nguyện, với đời sống Thánh Thể và lòng nhiệt thành tông đồ của vị chân phước trẻ hiệp nhất chúng ta với Chúa Kitô và Tin Mừng của Người.”


[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/11/2020]