Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 12.10.2022



Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 12.10.2022

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 12.10.2022

*******

Buổi Tiếp kiến chung sáng nay diễn ra lúc 9:00 sáng trong Quảng trường Thánh Phêrô, nơi Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về Sự Phân định, tập trung vào chủ đề: “Những yếu tố của phân định. Khao khát.” (Bài đọc Kinh thánh: Ga 5:2, 5-9).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu có mặt. Sau đó ngài kêu gọi cầu nguyện cho Ukraine.

Buổi Tiếp Kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa thánh.

__________________________________

Bài Giáo lý về sự Phân định: 5. Các yếu tố của phân định. Khao khát

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong các bài giáo lý về sự phân định này, chúng ta đang xét đến những yếu tố của sự phân định. Sau yếu tố cầu nguyện, và yếu tố khác là sự hiểu biết chính mình, tức là cầu nguyện và hiểu biết bản thân, hôm nay cha muốn nói về một yếu tố không thể thiếu, có thể gọi nó là “thành phần”: hôm nay cha muốn nói về sự khát khao. Quả thật, phân định là một hình thức tìm kiếm, và việc tìm kiếm luôn bắt nguồn từ một điều mà chúng ta thiếu thốn nhưng bằng cách nào đó chúng ta biết, là điều chúng ta trực cảm được.

Sự hiểu biết này là gì? Các bậc thầy tinh thần gọi nó bằng thuật ngữ “khát khao”, về gốc rễ, đó là nỗi nhớ về sự sung mãn không bao giờ tìm được sự viên mãn, và là dấu chỉ của sự hiện diện của Chúa trong chúng ta. Khao khát không phải là sự thèm muốn nhất thời, không. Chữ tiếng Ý, desiderio, phát xuất từ một thuật ngữ tiếng rất hay của tiếng Latinh, từ này gây sự tò mò: de-sidus, nghĩa đen là “thiếu vắng ngôi sao”. Khao khát là sự thiếu vắng ngôi sao bắc cực, thiếu điểm quy chiếu để định hướng cho hành trình cuộc sống; nó gợi lên một sự chịu đựng, một sự thiếu thốn, đồng thời là sự căng thẳng để vươn tới những điều tốt đẹp mà chúng ta bỏ lỡ. Vì vậy, khao khát là chiếc la bàn để hiểu tôi đang ở đâu và tôi đang đi đâu, hay đúng hơn nó là chiếc la bàn để biết rằng tôi đang đứng yên hay tôi đang di chuyển; một người không bao giờ ham muốn là người ở trong tình trạng tĩnh, có lẽ bị bệnh, gần như đã chết. Nó là chiếc la bàn để biết tôi đang di chuyển hay tôi đang đứng im. Và làm cách nào để có thể nhận ra điều đó?

Chúng ta hãy nghĩ đi, niềm khát khao chân thành biết cách đánh đúng vào tình cảm sâu sâu thẳm của con người chúng ta, đó là lý do nó không bị dập tắt khi phải đối mặt với khó khăn hoặc thất bại. Nó giống như khi chúng ta khát nước: nếu chúng ta không tìm thấy thứ gì để uống, chúng ta không bỏ cuộc; trái lại, niềm mong mỏi ngày càng chiếm trọn suy nghĩ và hành động của chúng ta, cho đến khi chúng ta sẵn sàng hy sinh bất cứ điều gì để làm dịu cơn khát, gần như bị ám ảnh. Những trở ngại và thất bại không dập tắt được khát khao, không; trái lại, chúng càng làm cho nó sống động hơn trong chúng ta.

Không giống như sự thèm muốn hay cảm xúc nhất thời, khao khát tồn tại theo thời gian, thậm chí rất lâu và có khuynh hướng biến thành hiện thực. Chẳng hạn, nếu một người trẻ tuổi muốn trở thành bác sĩ, người đó sẽ bắt đầu một khóa học và làm việc chiếm mất một số năm tháng trong cuộc đời của họ, và người đó sẽ phải đặt ra các giới hạn, nói “không”, nói“ không” trước hết là đối với các khóa học khác, nhưng kể cả những điều có thể làm chuyển hướng và phân tán, đặc biệt là trong những giai đoạn học tập căng thẳng nhất. Tuy nhiên, khao khát đưa ra định hướng cho cuộc sống và đạt được mục tiêu đó – trở thành bác sĩ là ví dụ – giúp người đó vượt qua những khó khăn. Khao khát làm cho bạn trở nên mạnh mẽ, nó làm cho bạn can đảm, nó khiến bạn tiếp tục tiến về phía trước, bởi vì bạn muốn đạt được điều đó: “Tôi khát khao điều đó”.

Trên thực tế, một giá trị trở nên đẹp và dễ đạt được hơn khi nó hấp dẫn. Như một số người nói, “khát khao nên tốt lành thì quan trọng hơn là người tốt lành”. Trở nên tốt lành là một điều gì đó hấp dẫn, tất cả chúng ta đều muốn là người tốt lành, nhưng liệu chúng ta có mong muốn trở nên tốt lành không?

Điều đáng chú ý là trước khi thực hiện một phép lạ, Chúa Giêsu thường hỏi người kia về ước muốn của họ: “Anh có muốn được chữa lành không?”. Và nhiều khi câu hỏi này có vẻ lạc lõng, rõ ràng là người đó đang bị bệnh! Chẳng hạn, khi gặp người bại liệt tại hồ Bếtdatha đã nằm ở đó nhiều năm và chưa bao giờ nắm bắt được thời điểm thích hợp để xuống nước, Chúa Giêsu hỏi anh ta: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” (Ga 5:6). Nhưng bằng cách nào? Trên thực tế, câu trả lời của người bại liệt tiết lộ một loạt những điều chống lại việc chữa lành, không chỉ liên quan riêng đến anh ta. Câu hỏi của Chúa Giêsu là một lời mời gọi làm sáng tỏ lòng người đó, mời gọi thực hiện một bước nhảy vọt khả thi: không còn xem bản thân và cuộc sống của mình “như một kẻ bại liệt”, được người khác khiêng đi. Nhưng người đàn ông nằm trên chõng dường như không tin vào điều này cho lắm.

Bằng cách đối thoại với Chúa, chúng ta học cách hiểu được những gì chúng ta thực sự muốn trong cuộc sống. Người bại liệt này là ví dụ điển hình của những người nói “Vâng, vâng, tôi muốn, tôi muốn, tôi muốn”, nhưng sau đó lại nói “Tôi không muốn, tôi không muốn, tôi không muốn, tôi sẽ không làm bất cứ điều gì”. Muốn làm điều gì đó sẽ trở thành một ảo ảnh khi người ta không cất công thực hiện điều đó. Những con người muốn và không muốn. Thật tệ, và người đàn ông bệnh tật đó, đã nằm ở đó ba mươi tám năm, và chỉ luôn luôn càm ràm; “Không, Lạy Chúa, Chúa thấy đấy, khi nước động – là thời điểm phép lạ xảy ra – Chúa biết đấy, một ai đó khỏe hơn tôi tiến lên, họ bước xuống nước, và tôi đến đó thì đã quá muộn”, và anh ta kêu ca và than thở. Nhưng hãy cẩn thận, vì những lời phàn nàn là một liều thuốc độc, một độc dược cho linh hồn, một độc dược đối với cuộc sống, bởi vì chúng cản trở niềm khát khao tiếp tục phát triển. Hãy cẩn thận với những lời phàn nàn. Khi chúng ta phàn nàn trong gia đình, các cặp vợ chồng phàn nàn, người này phàn nàn về người kia, con cái phàn nàn về cha mình, linh mục phàn nàn về giám mục, hoặc giám mục phàn nàn về nhiều điều khác… Không, nếu anh chị em thấy mình đang cằn nhằn thì hãy coi chừng, nó gần như là một tội, bởi vì nó ngăn chặn lòng khát khao phát triển.

Thường thường, chính lòng khát khao đích thực tạo nên sự khác biệt giữa một dự án thành công, vững chắc và lâu dài, với hàng ngàn những điều ước và ý định tốt, như người ta nói, “Ước muốn là không đủ”: “Vâng, tôi muốn, tôi muốn, tôi muốn… ”, nhưng rồi bạn chẳng làm gì cả. Thời đại mà chúng ta đang sống dường như thúc đẩy quyền tự do lựa chọn tối đa, nhưng đồng thời nó cũng làm hao mòn sự khao khát, bạn muốn được thỏa mãn mọi lúc là điều hầu như bị đẩy xuống trở thành lòng khát khao nhất thời. Và chúng ta phải cẩn thận để không làm hao mòn lòng khát khao. Chúng ta bị tấn công bởi hàng ngàn những đề xuất, dự án, cơ hội, có nguy cơ khiến chúng ta mất tập trung và không cho phép chúng ta bình tĩnh đánh giá những gì chúng ta thực sự muốn. Rất nhiều lần, rất nhiều lần, chúng ta nhìn thấy mọi người, chẳng hạn các bạn trẻ, với chiếc điện thoại trên tay, nhìn chằm chằm vào nó… “Nhưng bạn có dừng lại để suy nghĩ không?” – “Không”. Luôn hướng ra ngoài, hướng tới điều khác. Lòng khát khao không thể phát triển theo cách này, bạn sống giây phút hiện tại, thỏa mãn trong hiện tại, và niềm khao khát không phát triển.

Nhiều người đau khổ vì họ không biết họ muốn gì từ cuộc sống của họ, rất nhiều người; có lẽ họ chưa bao giờ chạm đến niềm khát khao sâu thẳm nhất của họ, họ chưa bao giờ biết: “Bạn muốn gì từ cuộc sống của bạn?” – “Tôi không biết”. Do đó, nguy cơ là cuộc sống của một người trôi qua giữa những cố gắng và toan tính khác nhau, mà chẳng bao giờ đi đến đâu, và lãng phí những cơ hội quý giá. Và do đó, những thay đổi nhất định, mặc dù trên lý thuyết là điều mong muốn, nhưng khi cơ hội xuất hiện thì không bao giờ được thực hiện, khát khao mạnh mẽ theo đuổi điều gì đó bị thiếu.

Chẳng hạn, nếu hôm nay Chúa hỏi bất kỳ ai trong chúng ta câu hỏi mà Ngài đã hỏi người mù ở Giêrikhô: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (Mc 10:51) – chúng ta hãy nghĩ rằng hôm nay Chúa hỏi mỗi người chúng ta câu này: “Con muốn Ta làm gì cho con?” – thì chúng ta sẽ trả lời như thế nào? Có lẽ cuối cùng chúng ta xin Ngài giúp chúng ta biết được niềm khao khát sâu thẳm nhất của mình, mà chính Thiên Chúa đã đặt trong lòng chúng ta: “Lạy Chúa, xin cho con biết những khao khát của con, xin cho con trở thành một người có những khát khao lớn lao”; Chúa có thể sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để biến điều đó thành sự thật. Đó là một ân sủng bao la, là nền tảng của tất cả những ân sủng khác: như trong Tin Mừng, cho phép Chúa thực hiện những phép lạ cho chúng ta: “Lạy Chúa, xin ban cho chúng con niềm khát khao và làm cho nó lớn lên”.

Bởi vì Chúa cũng có một mong mỏi lớn lao đối với chúng ta: làm cho chúng ta được chung phần vào cuộc sống viên mãn của Ngài. Cảm ơn anh chị em.

________________________________________

Lời chào bằng tiếng Anh

Cha chào anh chị em hành hương nói tiếng Anh tham dự buổi Tiếp Kiến chung hôm nay, đặc biệt là anh chị em đến từ nước Anh, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Hà Lan, Ghana, Việt Nam và Hoa Kỳ. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Đức Kitô, Chúa chúng ta tuôn đổ xuống trên tất cả anh chị em. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

________________________________________

Lời kêu gọi

Trong những ngày này, lòng cha luôn hướng về người dân Ukraine, đặc biệt là cư dân của những nơi đã và đang bị oanh tạc. Cha mang trong lòng nỗi đau của họ và nhờ sự chuyển cầu của Thánh Mẫu Thiên Chúa, cha dâng nó lên Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Chúa luôn lắng nghe tiếng kêu của những người nghèo khó đang khẩn cầu Ngài: xin Thần Khí của Chúa biến đổi tâm hồn những người nắm trong tay kết cục của cuộc chiến, để cơn cuồng phong của bạo lực được chấm dứt, và sự chung sống hòa bình, trong công bình, được xây dựng lại.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/10/2022]


Tiếp kiến các bạn trẻ tham gia cuộc hành hương của giới trẻ Bỉ, 10.10.2022

Tiếp kiến các bạn trẻ tham gia cuộc hành hương của giới trẻ Bỉ, 10.10.2022

Tiếp kiến các bạn trẻ tham gia cuộc hành hương của giới trẻ Bỉ, 10.10.2022

*******

Sáng nay, trong Điện Tông tòa của Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến những người tham gia trong cuộc hành hương của giới trẻ đến từ Bỉ, và ngài có huấn từ sau đây:

_____________________________________

Huấn từ của Đức Thánh Cha

Các con giới trẻ thân yêu, cha chào các con!

Cha rất vui được gặp các con. Cha gửi lời chào trìu mến đến các con và qua các con, cha bày tỏ sự gần gũi tinh thần với tất cả các bạn trẻ tham gia phục vụ trong các giáo xứ và cộng đoàn Kitô giáo ở Bỉ.

Cha rất thán phục sự dũng cảm trong đức tin của các con, sự cam kết và chứng tá Kitô hữu của các con trong một xã hội ngày càng trở nên tục hóa nhiều hơn, như chúng ta biết. Thật đẹp khi nhìn thấy những người trẻ tuổi các con sẵn sàng cống hiến cho các dự án loan báo Tin mừng và sống sứ điệp của Đức Kitô trong môi trường công việc hàng ngày của mình. Các con không chỉ là tương lai của Giáo hội, không, không chỉ là vậy, mà trên hết các con là hiện tại; Giáo hội cần các con, bởi vì Giáo hội thì trẻ trung: Giáo hội thì trẻ trung, Giáo hội cần lòng quảng đại, niềm vui, ý chí của các con để xây dựng một thế giới khác, thấm nhuần các giá trị của tình huynh đệ, hòa bình và hòa giải.

Các con trải qua niềm vui và nhiệt huyết, nhưng đôi khi cũng là những sợ hãi, khó khăn, thương tổn, đối mặt với những giới hạn của bản thân, khủng hoảng. Đừng sợ những khủng hoảng, vì khủng hoảng làm cho chúng ta phát triển. Chúng gây ra điều này, điều này, điều này và điều này cho các con, nhưng các con vẫn phải tiến tới và giải quyết các vấn đề. Đừng nhầm lẫn khủng hoảng với xung đột: xung đột làm các con khép kín, khủng hoảng làm cho các con lớn lên. Vì lý do này, mối tương quan của các con với Đức Kitô phải thật vững chắc. Ngài là người bạn tín trung không bao giờ làm các con thất vọng. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu giúp các con có cái nhìn mới về các tình huống, tìm ra câu trả lời cho câu hỏi của mình, khám phá ra rằng các con có khả năng đảm nhận trách nhiệm, tiến bước trong cuộc sống và củng cố đức tin thông qua cuộc đối thoại về niềm tin của mình. Ngoài ra đừng e ngại chấp nhận sự mong manh, yếu đuối của mình và hãy làm điều này với lòng khiêm nhường. Đây là những giới hạn của tôi, nhưng chúng ta hãy tiến bước. “Cha ơi, con bị lo lắng thái quá, con lo lắng thái quá”, nhưng hãy vui lên vì con lo lắng thái quá và hãy tiến bước, không sợ hãi. Các con không cần phải là những siêu nhân, mà là những con người chân thành, chân chính và tự do.

Với tư cách là những đại sứ cho giới trẻ của Bỉ chuẩn bị cho Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 tại Bồ Đào Nha, cha mời gọi các con hãy xây dựng sự gần gũi với tất cả các bạn trẻ, đặc biệt là những người đang sống trong những hoàn cảnh bấp bênh, những bạn trẻ di dân và tị nạn, những bạn trẻ đường phố, và không quên những người khác, đặc biệt là những người trải qua cuộc sống cô đơn và buồn chán. [Có tiếng một em bé khóc lớn:] Ngài Đại sứ đã đến! Xin chào ngài Đại sứ!

Cha biết các con khát khao một Giáo hội đích thực, gồm những người với đức tin sống động và lan truyền. Và vì thế, cha mời từng người các con hãy tự hỏi mình câu hỏi này, mỗi người các con, được chứ? Cá nhân tôi đã có những gì để đưa chúng ta đến gần hơn với mục tiêu đó? Đóng góp của tôi cho một cộng đoàn Kitô hữu và hân hoan là gì? Luôn phải có niềm vui, bởi vì, các con biết đấy, những người Kitô hữu mang khuôn mặt như đang đưa đám sẽ không làm như vậy, họ không phải là người Kitô hữu. Nếu bạn là một người Kitô hữu, bạn sẽ có niềm vui.

Các con giới trẻ thân mến, có một điều rất quan trọng là hãy để cho bản thân được soi sáng bằng những lời khuyên và chứng tá ​​của người cao tuổi. Quả thật, “Có một tương lai trong đó người trẻ nói chuyện với người già. Nếu cuộc đối thoại này giữa người già và người trẻ không diễn ra thì không thể thấy rõ tương lai ”(Bài Giáo lý, 17 tháng 8 năm 2022). Tham gia đối thoại với cội nguồn, với người già, với tổ tiên của các con, và chúng ta sẽ tiến về phía trước. Chính bằng cách đối thoại với người cao tuổi, chúng ta có thể hình thành một nhân cách vững vàng cho những cuộc đấu tranh hàng ngày, và họ cũng truyền lại cho chúng ta niềm tin và những niềm xác tín tôn giáo của họ. Một trong những cuộc đấu tranh này là đấu tranh cho hòa bình. Như các con biết rõ, chúng ta đang trải qua những thời khắc khó khăn đối với nhân loại, đang bị đe dọa nghiêm trọng. Đây là sự thật; chúng ta đang gặp nguy hiểm rất lớn. Vì vậy, cha nói với các con rằng hãy là những nghệ nhân của hòa bình, đối với môi trường xung quanh và trong lòng các con; hãy là những đại sứ của hòa bình, để thế giới có thể khám phá vẻ đẹp của tình yêu, của sự chung sống, của tình anh em và tình đoàn kết. Cuộc sống của các con là “một cam kết cụ thể và dựa trên niềm tin để xây dựng một xã hội mới. Đó là việc sống ở giữa xã hội và giữa thế giới để mang Tin mừng đến muôn nơi, hoạt động để phát triển hòa bình, hòa hợp, công bình, nhân quyền và lòng thương xót, và từ đó mở rộng nước Thiên Chúa trên trần gian này” (Tông Hiến hậu Thượng Hội đồng Christus vivit, 168).

Đứng trước tất cả những thách đố này, có thể các con cảm thấy chán nản, không tương xứng, không được trang bị và bất lực: đó là sự thật. Đừng sợ! Hãy sáng tạo, hãy tưởng tượng; hãy ngước mắt nhìn lên để đối mặt với những thử thách của cuộc sống! Được đầy tràn ân sủng của Thiên Chúa và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, “đừng đợi đến ngày mai mới đóng góp sức lực, sự táo bạo và sự sáng tạo của các con để thay đổi thế giới” (nt., 178).

Các chàng trai và các cô gái thân yêu, xin đừng bao giờ chán nản trở thành những người mang Tin Mừng đến bất cứ nơi nào các con tới. Cha biết các con là những người quảng đại; cha biết các con tràn đầy nhiệt huyết và sẵn sàng chinh phục thế giới. Đừng để bị mình phân tâm bởi những điều tầm thường trong cuộc sống, và chúng thì có rất nhiều, phải không các con? Hãy tập trung vào điều gì là thiết yếu, xuất phát từ tình bạn với Chúa Giêsu Kitô.

Cha động viên các con và chúc mừng các con về những công việc các con đang thực hiện trong cộng đoàn của mình. cha phó thác các con cho sự chăm sóc từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria – Kinh Mân Côi của Mẹ là một trường học cầu nguyện và sự sống – và cho sự chuyển cầu của các vị thánh trẻ. Cha đồng hành với tất cả các con bằng lời chúc lành của cha, cùng với gia đình của các con và tất cả thanh niên nước Bỉ. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Cảm ơn các con!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/10/2022]