Thứ Ba, 31 tháng 3, 2020

‘Cha tạ ơn Chúa vì mẫu gương anh dũng của họ,’ Đức Thánh Cha nhắc đến các bác sĩ & linh mục đã hy sinh mạng sống (Toàn văn bài giảng Lễ sáng)

‘Cha tạ ơn Chúa vì mẫu gương anh dũng của họ,’ Đức Thánh Cha nhắc đến các bác sĩ & linh mục đã hy sinh mạng sống (Toàn văn bài giảng Lễ sáng)
© Vatican Media

‘Cha tạ ơn Chúa vì mẫu gương anh dũng của họ,’ Đức Thánh Cha nhắc đến các bác sĩ & linh mục đã hy sinh mạng sống (Toàn văn bài giảng Lễ sáng)

Đức Phanxico cũng cảnh báo chống lại những con đường của ma quỷ tiêu diệt đời sống thiêng liêng của chúng ta

24 tháng Ba, 2020 15:58

“Cha tạ ơn Chúa vì những mẫu gương anh dũng của họ.”

Đức Thánh Cha Phanxico bày tỏ điều này trong Thánh Lễ riêng hàng ngày tại Nhà nguyện Thánh Marta, một lần nữa dâng cho các nạn nhân và những người bị ảnh hưởng bởi Coronavirus, hôm nay cầu nguyện đặc biệt cho các bác sĩ và nhân viên y tế, những người đã hy sinh mạng sống của họ.

Cho đến nay, hơn 5.000 đã chết ở Ý vì COVID19, trong đó có các bác sĩ, chuyên gia y tế, và các linh mục ở miền bắc.

Đức Thánh Cha nhắc lại, “Cha nhận được bản tin trong những ngày vừa qua rằng một số bác sĩ và linh mục đã chết, cha không biết là có các y tá không. Họ đã bị nhiễm … vì họ phục vụ người bệnh. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, cho gia đình họ. Cha tạ ơn Chúa vì mẫu gương anh dũng họ đã đưa ra cho chúng ta qua việc chăm sóc cho người bệnh.”

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha phân tích chủ đề về nước, lấy ý từ những bài đọc trong ngày Thứ Ba của tuần thứ Tư Mùa Chay (Ezekiel 47:1-9, 12; Gioan 5 1-16), theo bản tin của Vatican Media.

Khuyến khích các tín hữu đọc lại Chương 5 Tin mừng Thánh Gioan, Đức Phanxico cảm thán về việc người đàn ông đã chờ đợi 38 năm để được chữa lành, chẳng làm điều gì để tự giúp mình, và khi Chúa Giê-su chữa lành cho ông ta, ông ta vẫn vô ơn bạc nghĩa và đau khổ.

Đức Giáo hoàng Dòng Tên than phiền việc ông ta cứ tiếp tục phàn nàn, không bao giờ thể hiện niềm vui hoặc lòng cảm kích thậm chí khi ông ta được chữa lành.

Đức Phanxico nói, “Nhiều người Ki-tô hữu chúng ta sống trong tình trạng hờ hững này,” ngài nhấn mạnh: “họ không có khả năng làm được nhiều việc nhưng họ kêu ca phàn nàn về mọi thứ.”

Ngài nhấn mạnh, “Sự hờ hững là thuốc độc. Nó là đám cỏ dại mọc chung quanh linh hồn và không cho phép linh hồn sống. Nó cũng là một liều thuốc phiện vì nếu anh chị em thường xuyên nếm nó, anh chị em sẽ thích nó. Cuối cùng anh chị em sẽ bị nghiện đối với sự buồn bã, bị nghiện sự hờ hững … Đây là một tội theo thói quen của chúng ta. Sự buồn bã, sự hờ hững … Cha không nói là u sầu, nhưng nó cũng tương tự như vậy … Đó là một cuộc sống u ám, u ám vì tinh thần nặng nề của sự hờ hững, buồn bã, của u sầu.”

Nhắc lại rằng nước là tượng trưng cho sức mạnh và sự sống của chúng ta, Đức Phanxico động viên tín hữu hãy suy nghĩ về cách thức Chúa Giê-su sử dụng nó để tái sinh chúng ta trong Bí tích Rửa tội.

“Chúng ta hãy suy nghĩ về bản thân mình – nếu có nguy cơ một người trong chúng ta rơi vào sự hờ hững này, vào cái tội “lừng khừng” này – không đen cũng không trắng …,” Đức Phanxico nói rằng: “Đây là một tội mà quỷ có thể sử dụng để nhận chìm đời sống thiêng liêng và đời sống riêng của chúng ta.”

Đức Thánh Cha kết luận bằng lời cầu nguyện: “Xin Chúa giúp chúng ta hiểu được tội này thì kinh khủng và hiểm độc như thế nào.”


***

TOÀN VĂN BÀI GIẢNG

Phụng vụ hôm nay cho chúng ta suy tư về nước, nước như là biểu tượng của ơn cứu độ, vì nó là một phương tiện để cứu thoát; tuy nhiên, nước cũng là một phương tiện của sự tàn phá: chúng ta hãy nghĩ đến Đại hồng thủy … Tuy nhiên, trong các Bài đọc này, nước là sự cứu rỗi. Trong Bài đọc Một có mạch nước dẫn đến sự sống, mạch nước chữa lành các dòng nước của biển cả, một mạch nước mới chữa lành. Và trong Tin mừng, hồ nước, hồ nước đó tràn đầy nước, nơi những người bệnh đi tới để được chữa lành, vì người ta nói rằng mỗi khi các dòng nước bị khuấy động lên, nó trở nên như một con sông, khi một Thiên thần từ Trời đi xuống để khuấy chúng lên, và người đầu tiên, hoặc những người đầu tiên lao xuống hồ nước đều được chữa lành. Và có rất nhiều, rất nhiều người bệnh, như Chúa Giê-su nói “nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại” nằm la liệt ở đó, chờ để được chữa lành, chờ khi dòng nước bị khuấy động lên. Ở đó có một người đàn ông bị bệnh đã ba mươi tám năm – 38 năm ở đó, chờ để được chữa lành. Điều này bắt người ta suy nghĩ, thật ư? Hơi quá nhiều … vì muốn được chữa lành thì hãy tìm ai đó có thể giúp ông ta, ông ta di chuyển, có ai đó nhanh nhẹn, người nào đó thông minh … nhưng người đàn ông này, ở đó đã 38 năm, đến mức người ta không biết là ông ta bệnh tật hay đã chết … Nhìn thấy ông ta nằm ở đó và biết được thực tế rằng ông ta đã ở đó một thời gian dài, Chúa Giê-su nói với ông: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” Và câu trả lời thật thú vị: ông ta không trả lời là có, ông ta chỉ than phiền — về bệnh tật của ông ta? Không. Người bệnh trả lời: “Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi” — một người luôn luôn đến sau. Chúa Giê-su nói với ông ta: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi.” Ngay lập tức người đàn ông được chữa lành.

Thái độ của người đàn ông này làm chúng ta suy nghĩ. Ông ta có thật sự bị bệnh không? Đúng, có thể ông ta bị liệt; dù vậy, có vẻ như ông ta vẫn có thể bước đi một chút. Tuy nhiên, ông ta bị bệnh trong lòng; ông ta bị bệnh trong linh hồn; ông ta bị bệnh vì tính bi quan; ông ta bị bệnh vì buồn bã; ông ta bị bệnh vì sự hờ hững. Đây là căn bệnh của con người này: “Vâng, tôi muốn sống, nhưng … ông ta ở đó. Tuy nhiên, câu trả lời của ông ta đáng lẽ phải là: “Vâng, tôi muốn được chữa lành!” Thì câu trả lời của ông ta cho lời đề nghị của Chúa Giê-su lại là một sự phàn nàn chỉ trích những người khác. Và như vậy, ông ta đã dành ra 38 năm để kêu ca về người khác, và chẳng làm gì để được chữa lành.

Đó là ngày Sa-bát: chúng ta đã nghe biết các Luật sĩ làm gì. Tuy nhiên, điểm then chốt là sự gặp gỡ sau đó với Chúa Giê-su. Ngài tìm thấy người đàn ông trong Đền thờ và nói với ông ta: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước.” Người đàn ông đó đã ở trong tội, nhưng ông ta không đến đó vì đã làm điều gì ghê gớm – không. Tội của ông ta là kêu ca than phiền về đời sống của người khác: tội buồn bã, mà đó là hạt giống của ma quỷ, tội vì có khả năng đưa ra quyết định về đời sống của mình, và nhìn vào đời sống của người khác để than phiền. Không chỉ trích họ nhưng là than phiền: “Họ xuống trước, tôi là nạn nhân của cuộc sống này”: những sự than phiền, những người này hít thở bằng những lời kêu ca than phiền.

Nếu chúng ta đưa ra so sánh với người thanh niên mù từ lúc sinh, mà chúng ta đã nghe Chúa nhật tuần trước: với niềm vui lớn, với sự quyết tâm mà anh đã nhận được sự chữa lành, và cũng với sự cương quyết anh đến để tranh luận với những người Luật sĩ! Anh chỉ đến và thông báo với họ: “Đúng, chính là Ngài.” Chấm hết. Không thỏa hiệp với cuộc sống … Điều này làm cha nghĩ đến rất nhiều người trong chúng ta, rất nhiều người Ki-tô hữu sống trong tình trạng hờ hững, không đủ khả năng để làm công việc gì đó nhưng lại kêu ca phàn nàn về mọi điều. Sự hờ hững là thuốc độc. Nó là đám cỏ dại mọc chung quanh linh hồn và không cho phép linh hồn sống. Nó cũng là một liều thuốc phiện vì nếu anh chị em thường xuyên nếm nó, anh chị em sẽ thích nó. Cuối cùng anh chị em sẽ trở thành một “người nghiện sự buồn bã, một người nghiện sự hờ hững” … Nó giống như không khí. Và đây là một tội theo thói quen của chúng ta: sự buồn bã, sự hờ hững, cha không nói là u sầu, nhưng nó bước gần tới đó.

Thật tốt cho chúng ta khi đọc lại Chương 5 của Thánh Gioan để để thấy căn bệnh này có thể làm chúng ta rơi vào tình trạng gì. Nước là để cứu sống chúng ta. “Nhưng tôi không được cứu” – “Tại sao?” “Vì lỗi của người khác.” Và tôi đã ở đó 38 năm … Chúa Giê-su chữa lành tôi: chẳng nhìn thấy phản ứng của những người khác được chữa lành, những người đứng dậy, vác chõng và nhảy múa, hát ca tạ ơn, công bố với toàn thế giới? Không: ông ta bỏ đi. Những người khác nói với ông ta không được làm như vậy, nhưng ông ta nói: “Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi,” và ông ta bỏ đi, Và rồi, thay vì đến với Chúa Giê-su, cảm ơn Ngài và mọi người, ông ta chỉ thông báo: “Chính là người đó.” Một đời sống u ám, nhưng là u ám vì tinh thần xấu xa đó là sự hờ hững, buồn bã, u sầu.

Chúng ta hãy nghĩ nếu nước; về nước là tượng trưng cho sức mạnh và sự sống của chúng ta, nước mà Chúa Giê-su sử dụng nó để tái sinh chúng ta trong Bí tích Rửa tội. Chúng ta hãy suy nghĩ về bản thân mình – nếu có nguy cơ một người trong chúng ta rơi vào sự hờ hững này, vào cái tội lừng khừng này: tội của sự lừng khừng đó là không đen cũng không trắng. Người ta chẳng biết đó là gì nữa. Đây là một tội mà quỷ có thể sử dụng để nhận chìm đời sống thiêng liêng và đời sống riêng của chúng ta.

Xin Chúa giúp chúng ta hiểu được tội này thì kinh khủng và hiểm độc như thế nào.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha kết thúc Thánh Lễ bằng nghi thức tôn thờ Thánh Thể và Phép lành, mời gọi các tín hữu Chịu Lễ Thiêng Liêng.

[Bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico tại Nhà nguyện Thánh Marta]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/3/2020]


Diaconia of Beauty : Philippe và Đức Thánh Cha, ‘Cái hôn đã thay đổi đời tôi’

Diaconia of Beauty : Philippe và Đức Thánh Cha, ‘Cái hôn đã thay đổi đời tôi’
© Vatican Media

Diaconia of Beauty : Philippe và Đức Thánh Cha, ‘Cái hôn đã thay đổi đời tôi’

Đối thoại nhân dịp Hội nghị Diaconia 2020

02 tháng Ba, 2020 00:14

Cuộc gặp gỡ của Philippe Naudin với Đức Thánh Cha Phanxico “đã thay đổi cuộc đời ông”.

Với các độc giả của Zenit, Anne Facérias tổng hợp chứng ngôn của ông tại phần kết của Tiếp Kiến chung Thứ Tư ngày 19 tháng Hai năm 2020, diễn ra trong Khán phòng Phaolo VI của Vatican nơi ông tham dự như một phần của Hội nghị Chuyên đề 2020 của Diaconia of Beauty.

Philippe Naudin, mười ngày sau khi chào đời, bị viêm màng não khiến ông bị bại liệt. Lên bảy tuổi, trong một chuyến hành hương đến Lộ Đức, ông bắt đầu đi được, rồi bắt đầu nói và cuối cùng đã có thể đến trường.

Trong chứng ngôn này, ông nhắc lại cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxico.



Anne Facérias – Ông là người đã hôn trán Đức Thánh Cha, vậy ông là ai?

Ph. N. – Tôi là Philippe Naudin, tôi bị khuyết tật từ khi còn bé.

Mặc dù nói chung chẳng ai muốn tôi và hầu hết mọi người đều từ chối tôi, tôi rất may mắn có nhiều bạn bè riêng!

Tôi bắt đầu đi từ cuối lên và giờ đây tôi thấy mình ở cạnh Đức Thánh Cha! Chúa nói với tôi rằng Người yêu tôi nhiều lắm. Tấm ảnh của tôi với Đức Thánh Cha truyền đi khắp thế giới để trao hy vọng cho những người giống như tôi không được cuộc sống ưu ái.


Ông đang làm gì ở Roma?

Tôi đang tham dự “Diaconia of Beauty, một phong trào cho các nghệ sĩ, tập trung vào nghệ thuật và đức tin.

Chúng tôi cùng nhau chia sẻ tình yêu của mình với Thiên Chúa và tôi đã tham dự từ khi nó bắt đầu với Michael Lonsdale.

Ngày 11 tháng Hai, 2020, ngày Lễ Đức Mẹ Lộ Đức và là Ngày Quốc tế Bệnh nhân, tôi nhận được cuộc điện thoại từ Anne Facerias, chủ tịch của Diaconia of Beauty. Bà mời tôi đến Hội nghị Chuyên đề ở Roma mà bà tổ chức hàng năm ngày 18 tháng Hai nhân ngày lễ Chân phước Fra Angelico và Thánh Bernadette. Tôi đồng ý và đến đây.

Ngày 19 tháng Hai, 2020, tất cả các tham dự viên Hội nghị Chuyên đề đến tham dự buổi tiếp kiến giáo hoàng. Cùng với bà Anne Facerias, Michael Lonsdale và Yann Konopka (nghệ sĩ piano khuyết tật), được chuyển lên hàng trên đầu.

Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần chào Đức Thánh Cha bằng một lời nguyện nhỏ:

“Lạy Chúa, hãy biến chúng con thành khí cụ hòa bình của Người, xin thánh ý Người được thể hiện, xin dẫn đưa chúng con vào ân sủng của Chúa Thánh Thần để truyền cái Đẹp cho thế giới.”

Michael và Anne dâng lên Đức Thánh Cha quyển sách về sự thành lập của Diaconia of Beauty: “Trên hành trình của cái đẹp và tình yêu” (http://www.librairietequi.com/A-66501-sur-la-voie-de-la-beaute-et-de-l-amour.aspx), một quyển sách những phỏng vấn giữa Hồng y Phaolo Poupard và Michael Lonsdale.

Rồi đến lượt tôi. Tôi đứng lên và hôn lên trán Đức Thánh Cha như thể tôi đang hôn Chúa Giê-su. Cái hôn đó đã thay đổi đời tôi.

Đức Thánh Cha xin tôi cầu nguyện cho ngài và tôi thưa, “Vâng, tôi sẵn sàng, hiền huynh của tôi. Giữa tôi và ngài, không có sự khác biệt vì cả hai chúng ta đều có chung tâm hồn cầu nguyện với CHúa.” Với Anne và Michael đứng cạnh bên tôi, tôi mời Đức Thánh Cha đến Lộ Đức vào ngôi nhà Diaconia of Beauty của các nghệ sĩ chúng tôi. Ngài cười vì ngài yêu Lộ Đức và tôi nghĩ ngài muốn đến!


Đó có phải là lần đầu tiên ông gặp Đức Thánh Cha Phanxico?

Không, tôi đã đến Roma trong một lần Hội nghị khác cũng do Diaconia of Beauty tổ chức.

Chúng tôi có một buổi tiếp kiến riêng vào thứ Bảy, ngày 24 tháng Hai năm 2018, với Đức ông Le Gall, Don Pietro d ‘Angelo, Michaël Lonsdale, Big Flo và Oli, Filippo Velardi… và các nghệ sĩ: nhạc sĩ, thi sĩ, ca sĩ, họa sĩ, kiến trúc sư, điêu khắc gia, diễn viên, vũ công … Bất kể chuyên môn chúng tôi là gì, chúng tôi đều tìm kiếm cách chia sẻ niềm đam mê và sự miệt mài tìm kiếm chân lý.

Anne Facerias giới thiệu 50 người tham dự và các nhóm khác nhau của Diaconia với Đức Thánh Cha: Paris, Lyon, Toulouse, Albi, Nantes, Roma, Venice, Mauritius… Đó là giây phút ân ban khi mọi người cảm nhận sự trung gian giữa trời và đất.

Khi đến lượt tôi, tôi rất cảm động, Đức Thánh Cha hôn tôi và ngài xin tôi ba lần: “Hãy chúc phúc cho ta, con trai của ta.” Vì thế tôi chúc lành cho ngài và ngài tặng tôi một tràng chuỗi mân côi và một tấm hình mà tôi vẫn còn giữ.


Ông làm gì để sống?

Tôi là một diễn viên nhưng với tôi rất khó để sống được, vì vậy tôi là người mà anh có thể gọi là “ăn xin” ở Lộ Đức.

Với Daniel Facérias và các bạn ở Lộ Đức (Cité Saint Pierre, Cénacolo, Thánh địa, tòa thị chính, giáo xứ) chúng tôi sẽ tổ chức các buổi họp và nơi ở cho nghệ sĩ trong nhà nghệ sĩ cho những người khuyết tật hoặc những người khác trong các hoàn cảnh bấp bênh. Hiện tại chúng tôi đang sắp xếp lại tầng trệt để biến thành xưởng làm việc với một nhà hát thử nghiệm nhỏ.


Và bây giờ, ông tiếp tục hành trình như thế nào?

Tôi đã nhận được nhiều sự chúc lành tất cả trong tuần này ở Roma và tôi muốn chứng minh cho người khác về tất cả những gì tôi đã trải nghiệm. Rao giảng phúc âm qua nghệ thuật và cái đẹp là vô cùng quan trọng.

Tôi muốn chuẩn bị cho buổi diễn tương lai của mình kể về cuộc sống của hai chú gấu Bắc cực, “Bouba” và “Boumboum”, chúng sẽ đến gặp Đức Thánh Cha. Hai chú gấu kể câu chuyện cuộc đời tôi. Anh có thể vào website của tôi để xem: http://philippe-alias-bouba.com/. Trong thời gian Mùa Chay này, chúng ta hãy bước vào hành trình cầu nguyện sẽ dẫn đến Phục sinh, đến với cái đẹp thật sự!

Phỏng vấn của Anne Facérias



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/3/2020]