Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2017

CEO của Apple nói, ‘Tôi có cuộc gặp gỡ thú vị nhất trong đời với Đức Giáo hoàng Phanxico.’

CEO của Apple nói, ‘Tôi có cuộc gặp gỡ thú vị nhất trong đời với Đức Giáo hoàng Phanxico.’

Ông Cook giải thích lý do Đức Thánh Cha Phanxico lại tạo ra được một ấn tượng tuyệt vời như vậy
20 tháng Sáu, 2017
CEO của Apple nói, ‘Tôi có cuộc gặp gỡ thú vị nhất trong đời với Đức Giáo hoàng Phanxico.’
Đức Thánh Cha Phanxico đã tạo một ấn tượng với CEO của tập đoàn toàn cầu đầu tiên.
Tim Cook, CEO của Apple, đã tiết lộ những gì ông cảm nhận trong lần gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxico năm ngoái trong bài diễn văn tốt nghiệp tại trường MIT ngày 8 tháng Sáu, 2017.
Ông nói: “Một mình công nghệ không phải là giải pháp. Có đôi lúc, nó là một phần của vấn đề. Năm ngoái tôi có dịp gặp gỡ Đức Giáo hoàng Phanxico. Đó là cuộc gặp gỡ thú vị nhất trong đời tôi. Đây là một con người dành nhiều thời gian an ủi những người đau khổ trong các khu ổ chuột hơn là thời gian dành cho các nguyên thủ quốc gia. Điều này có thể làm các bạn ngạc nhiên, nhưng quả thật lượng kiến thức ngài biết về công nghệ lớn không thể tưởng tượng được.”
“Đối với tôi rõ ràng là ngài suy nghĩ rất kỹ về nó — những cơ hội, những nguy cơ, tính đạo đức của nó. Những gì ngài nói chuyện với tôi trong buổi gặp gỡ đó — những điều ngài giảng giải, thực sự — là một chủ đề mà chúng tôi quan tâm rất nhiều ở Apple. Nhưng ngài bày tỏ sự quan tâm chung theo một cách hoàn toàn mới và rất mạnh mẽ. ‘Nhân loại chưa bao giờ có được một sức mạnh lớn như vậy cho mình, tuy nhiên chẳng có gì bảo đảm rằng nó sẽ được sử dụng một cách khôn ngoan,’ ngài nói.”
Trong suốt bài diễn văn dài 14 phút, ông Cook trình bày một đoạn ngắn về cách ông đã tìm ra được mục đích cho cuộc sống:  “Tôi có thể phục vụ cho nhân loại như thế nào.”
“Đừng nghe những kẻ lừa phỉnh, và vì Chúa, đừng trở nên một người như vậy. Hãy đánh giá ảnh hưởng của bạn đối với những người, không đặt trên những người thích bạn, nhưng đặt trên những cuộc đời bạn đụng chạm đến; không đặt trên sự nổi tiếng, nhưng đặt trên những người mà bạn phục vụ.”
Dưới đây là toàn văn bài diễn văn lễ tốt nghiệp của ông Tim Cook, và video trên YouTube, https://youtu.be/3NXjUpo-1q8?t=7m4s
Dưới đây là văn bản diễn văn lễ tốt nghiệp của ông Cook:
***
Xin chào MIT!
Cảm ơn mọi người! Và chúc mừng, Khóa năm ‘17!
Tôi đặc biệt xin gửi lời cảm ơn ông Chủ tịch Millard, Chủ tịch hội đồng quản trị Reif, phân khoa, các ủy viên quản trị, và các thành viên của lớp 1967. Thật vinh dự được đến đây với các bạn và gia đình và bạn bè của các bạn trong một ngày quá tuyệt diệu và quan trọng như vầy.
MIT và Apple có rất nhiều điểm chung. Chúng ta đều yêu những vấn đề hóc búa. Chúng ta thích thú tìm những ý tưởng mới. Và chúng ta đặc biệt vô cùng quan tâm đến việc tìm ra những ý tưởng đó — những ý tưởng thật sự lớn — những ý tưởng có thể thay đổi thế giới.
Tôi biết MIT có một truyền thống đáng tự hào về những trò tinh nghịch — như các bạn gọi là ‘hacks’ — và các bạn đã thành công một số vụ lớn trong những  năm qua. Tôi không thể nào hình dung nổi làm sao mà sinh viên MIT lại gửi được rô-bốt Mars Rover đến Kresge Oval, hay làm sao lại gắn chiếc mũ propeller trên đỉnh nóc chính Great Dome. Hay bằng cách nào mà các bạn lại lấy được tài khoản Twitter của Tổng thống. Tôi có thể nói là các sinh viên đại học đứng đàng sau chuyện đó vì hầu hết những câu bình luận đều đăng lúc 3 giờ sáng.
Tôi rất vui được ở đây. Hôm nay là lễ mừng. Các bạn có nhiều điều để tự hào.
Khi các bạn rời bỏ chỗ này để bắt đầu bước đi tiếp theo trong hành trình cuộc sống, sẽ có những ngày các bạn tự hỏi: Tất cả mọi việc như vầy đang dẫn về đâu? Mục đích để làm gì? Mục đích của tôi là gì?
Tôi xin thú thật, tôi đã tự hỏi mình câu hỏi đó và tôi đã mất gần 15 năm để trả lời nó. Có lẽ việc kể về hành trình của tôi hôm nay có thể giải thoát cho các bạn một lúc nào đó. Cuộc chiến đấu đối với tôi bắt đầu rất sớm.
Ở trung học, tôi nghĩ là mình đã khám phá ra mục đích của cuộc sống khi tôi trả lời được cho câu hỏi của người lớn, “Cháu muốn làm gì khi cháu lớn lên?” Không. Trong đại học, tôi lại nghĩ mình đã khám phá ra nó khi tôi trả lời được câu, “Chuyên ngành của bạn là gì?” Không hẳn như vậy. Tôi lại nghĩ tôi sẽ khám phá ra nó khi tôi tìm được một việc làm tốt. Rồi tôi lại nghĩ tôi chỉ cần một vài sự cất nhắc.
Việc đó cũng chẳng đi đến đâu. Tôi tiếp tục tự thuyết phục mình rằng nó ở góc đâu đó bên kia chân trời. Chẳng có gì — và nó thực sự làm tôi rối bời. Một phần của con người tôi vẫn thúc đẩy tôi đạt đến thành tựu tiếp theo.
Và phần kia của con người vẫn cứ tiếp tục hỏi “tất cả chỉ có vậy thôi sao? Tôi đến lớp tốt nghiệp ở Duke để tìm câu trả lời. Tôi cố gắng suy tư. Tôi tìm sự hướng dẫn nơi tôn giáo. Tôi tìm đọc các triết gia và tác giả lớn. Và trong một giây phút thiếu khôn ngoan của tuổi trẻ, tôi thậm chí đã thử thí nghiệm với một chiếc máy vi tính Windows. Hiển nhiên, nó chẳng có kết quả.
Sau vô vàn những lần vắt óc và bước ngoặt, cuối cùng, hai mươi năm trước, sự tìm tòi đưa tôi đến với Apple. Lúc đó, công ty đang phải gồng mình để tồn tại. Steve Jobs vừa từ Apple trở về và khởi động chiến dịch Suy Nghĩ Khác Biệt.
Ông muốn khơi nguồn cảm hứng cho những bộ óc điên rồ. Những người không phù hợp, những người nổi loạn, những người gây rắc rối, những người dị biệt, để làm công việc tốt nhất của họ. Nếu chúng ta có thể làm được điều đó, Steve biết rằng chúng ta có thể thay đổi thế giới.
Trước thời điểm đó, tôi chưa bao giờ gặp được một nhà lãnh đạo với sự đam mê như vậy — hay gặp được một công ty với một mục tiêu rõ ràng và hấp dẫn như vậy — để phục vụ nhân loại. Nó chỉ đơn giản vậy thôi. Phục vụ nhân loại.
Và chính trong giây phút đó, sau 15 năm tìm tòi, vấn đề đã được ngã ngũ. Cuối cùng tôi cảm thấy phù hợp. Phù hợp với công ty mang đến sự thử thách, công việc tiên phong với mục tiêu cao hơn. Phù hợp với một nhà lãnh đạo tin rằng công nghệ chưa hiện hữu có thể tái định hình lại thế giới ngày mai. Phù hợp với bản thân, và với nhu cầu sâu thẳm của tôi là phục vụ một điều gì đó lớn lao hơn.
Dĩ nhiên, lúc đó tôi không hiểu được tất cả mọi điều như vậy. Tôi chỉ cảm thấy biết ơn vì cất được gánh nặng tâm lý đó. Nhưng, với sự giúp đỡ của sự nhận thức muộn bước đi của tôi đã có ý nghĩa hơn nhiều. Tôi không bao giờ để mình làm việc ở một nơi nào đó mà không có ý thức rõ ràng về mục đích riêng của nó.
Ông Steve và Apple để tôi tự do thả mình vào công việc, để ôm lấy sứ mạng của họ và biến nó thành của riêng tôi: tôi phục vụ nhân loại như thế nào?
Đây là câu hỏi lớn nhất và quan trọng nhất của cuộc sống. Khi các bạn làm công việc hướng đến điều gì đó vượt trên bản thân mình, các bạn sẽ tìm được ý nghĩa, các bạn sẽ tìm được mục tiêu. Vì vậy câu hỏi mà tôi hy vọng từ bây giờ các bạn sẽ mang theo bên mình là: các bạn sẽ phục vụ nhân loại như thế nào?
Tin vui là, vì hôm nay các bạn có mặt ở đây, tức là các bạn đã ở trên một con đường lớn. Ở MIT các bạn đã biết được sức mạnh của khoa học và công nghệ phải thay đổi thế giới thành nơi tốt đẹp hơn. Nhờ vào chính những khám phá đã được thực hiện ngay tại đây, hàng tỷ người đang có được cuộc sống khỏe mạnh hơn, hữu ích hơn, trọn vẹn hơn.
Và nếu các bạn sẽ giải quyết một vài vấn đề trong số những vấn đề hóc búa nhất mà thế giới đang đối mặt hôm nay — mọi thứ từ bệnh ung thư, đến biến đổi khí hậu, sự bất bình đẳng giáo dục — thì công nghệ sẽ giúp chúng ta làm việc đó.
Nhưng một mình công nghệ không phải là giải pháp. Có đôi lúc, nó lại là một phần của vấn đề. Năm ngoái tôi có dịp gặp gỡ Đức Giáo hoàng Phanxico. Đó là cuộc gặp gỡ thú vị nhất trong đời tôi. Đây là một con người dành nhiều thời gian an ủi những người đau khổ trong các khu ổ chuột hơn là thời gian dành cho các nguyên thủ quốc gia. Điều này có thể làm các bạn ngạc nhiên, nhưng quả thật lượng kiến thức ngài biết về công nghệ lớn không thể tưởng tượng được.
Đối với tôi rõ ràng là ngài suy nghĩ rất kỹ về nó — những cơ hội, những nguy cơ, tính đạo đức của nó. Những gì ngài nói chuyện với tôi trong buổi gặp gỡ đó — thực sự là những điều ngài giảng giải — là một chủ đề mà chúng tôi quan tâm rất nhiều ở Apple. Nhưng ngài bày tỏ sự quan tâm chung theo một cách hoàn toàn mới và rất mạnh mẽ. ‘Nhân loại chưa bao giờ có được một sức mạnh lớn như vậy cho mình, tuy nhiên chẳng có gì bảo đảm rằng nó sẽ được sử dụng một cách khôn ngoan,’ ngài nói.
Công nghệ ngày nay không thể thiếu trong hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống, và quan trọng nhất, nó là một sức mạnh cho điều tốt lành. Tuy nhiên, những hậu quả tiềm ẩn ngược lại đang lan tràn nhanh hơn và tạo vết cắt sâu hơn bao giờ hết. Những đe dọa cho an ninh của chúng ta. Những đe dọa sự riêng tư, những tin tức giả. Và truyền thông xã hội trở thành phi xã hội. Nhiều khi bản chất công nghệ là để kết nối chúng ta thì lại chia rẽ chúng ta.
Công nghệ có khả năng làm được những điều vĩ đại, nhưng nó lại không muốn làm những điều vĩ đại. Nó không muốn bất cứ điều gì. Phần đó thuộc về chúng ta. Nó lấy những giá trị của chúng ta, cam kết của chúng ta đối với gia đình, hàng xóm, cộng đồng. Tình yêu của chúng ta trước cái đẹp và tin rằng mọi vận mệnh của chúng ta có sự tương quan với nhau. Tính nhã nhặn của chúng ta. Sự tử tế của chúng ta.
Tôi không lo lắng rằng bộ óc nhân tạo cho máy vi tính khả năng suy nghĩ giống con người. Điều tôi lo lắng hơn là người ta suy nghĩ giống như máy vi tính: không có giá trị hoặc không có sự đam mê, không quan tâm đến những hậu quả.
Đó là những gì chúng tôi cần các bạn giúp để bảo vệ chống lại nó. Vì nếu khoa học là một sự tìm kiếm trong bóng tối, thì nhân loại là một ánh nến chỉ cho chúng ta biết chúng ta đã đi đâu và sự nguy hiểm gì đang chờ ở phía trước. Như ông Steve đã từng nói, “Một mình công nghệ là không đủ. Chính công nghệ phải lập hôn ước với giáo dục đại cương, lập hôn ước với nhân loại mới làm cho con tim của chúng ta cất lên lời ca.”
Khi các bạn đặt con người vào trung tâm mọi việc các bạn làm, nó có thể tạo ra một sức ảnh hưởng khổng lồ. Nó có nghĩa là một chiếc iPhone cho phép một người mù chạy marathon. Nó có nghĩa là một chiếc Đồng hồ Apple nắm bắt được tình trạng của tim trước khi nó chuyển thành bệnh tim. Nó có nghĩa là một chiếc iPad giúp một đứa trẻ tự kỷ kết nối với thế giới của bé. Tóm lại, nó có nghĩa là công nghệ mang lấy những giá trị của các bạn — biến sự tiến bộ thành điều có thể cho mọi người.
Bất kể các bạn làm gì trong cuộc sống — và bất kể bạn làm gì tại Apple — chúng ta đều phải truyền cho nó tính nhân văn mà mỗi chúng ta khi sinh ra đã mang lấy. Trách nhiệm đó rất lớn, nhưng nó cũng là một cơ hội. Tôi rất lạc quan vì tôi tin vào thế hệ của các bạn, niềm đam mê của các bạn, hành trình của các bạn phục vụ nhân loại. Chúng tôi đang trông chờ vào các bạn. Ngoài kia có quá nhiều điều đang hiệp lực với nhau nhằm làm cho các bạn trở nên hoài nghi.
Internet đã tạo điều kiện quá lớn và trao quyền vào tay quá nhiều người. Nhưng nó cũng có thể trở thành một nơi để những nguyên tắc căn bản của sự nhã nhặn bị chặn lại và tính nhỏ nhen và tiêu cực phát triển lên. Dĩ nhiên đừng để những tiếng ồn ào đó hạ gục các bạn. Đừng để mình bị tóm bởi những khía cạnh tầm thường của cuộc sống. Đừng nghe những kẻ lừa phỉnh, và vì Chúa, đừng trở nên một người như vậy. Hãy đánh giá ảnh hưởng của bạn đối với con người, không đặt trên những người thích bạn, nhưng đặt trên những cuộc đời bạn đụng chạm đến; không đặt trên sự nổi tiếng, nhưng đặt  trên những người mà bạn phục vụ.
Tôi khám phá ra rằng cuộc sống của tôi trở nên lớn lao hơn khi tôi không quan tâm đến những gì người khác nghĩ về tôi. Các bạn cũng sẽ thấy cuộc sống của các bạn như vậy. Hãy tập trung vào những gì thực sự là quan trọng. Sẽ có những lúc sự quyết tâm phục vụ nhân loại của các bạn bị thử thách. Hãy sẵn sàng. Người ta sẽ cố thuyết phục các bạn rằng bạn nên gạt bỏ sự thấu cảm ra khỏi sự nghiệp của bạn. Đừng chấp nhận những lập luận sai lệch này.
Tại một cuộc họp cổ đông một vài năm trước, có người chất vấn về sự tập trung của Apple đối với môi trường. Ông ta yêu cầu tôi hứa rằng Apple chỉ đầu tư vào những sáng kiến xanh có thể được sự đền đáp cho đầu tư.
Tôi thể hiện tính ngoại giao. Tôi cho thấy rằng Apple làm nhiều điều — như những tính năng truy cập cho người khuyết tật — chúng không lệ thuộc vào ROI (ND: Return on Investment: (tạm dịch: tỷ lệ lợi nhuận so với chi phí đầu tư). Chúng tôi làm những điều này vì chúng là những điều đúng mà chúng ta phải làm — và việc bảo vệ môi trường là một ví dụ chính. Ông ấy không đồng ý quan điểm đó, và nó làm tôi nổi nóng lên. Và tôi bảo ông ta, “Nếu ông không chấp nhận lập trường của chúng tôi, ông không nên sở hữu cổ phần Apple.”
Khi các bạn tin rằng lý của các bạn là đúng, hãy có đủ can đảm để đứng vững.
Nếu bạn gặp một vấn đề, hay một sự bất công, hãy nhớ rằng không ai khác giải quyết nó mà phải chính là bạn.
Khi ngày hôm nay các bạn tiến bước về phía trước, hãy sử dụng trí óc và đôi tay của mình — và con tim của mình — để xây dựng một cái gì đó vượt lên trên bản thân các bạn. Luôn luôn nhớ rằng không có tư tưởng nào lớn hơn tư tưởng này: như Tiến sĩ Martin Luther King nói, “Mọi sự sống đều có quan hệ hỗ tương.” Tất cả chúng ta đều có sự gắn kết với nhau, “vào trong một tấm áo duy nhất của vận mệnh.”
Nếu các bạn luôn đặt tư tưởng đó ở phía trước tất cả mọi việc bạn làm. Nếu bạn chọn cách sống cuộc đời mình ở điểm giao nhau giữa công nghệ và những người mà nó phục vụ. Nếu bạn phấn đấu để tạo ra những điều tốt nhất, cho đi những điều tốt nhất, làm những điều tốt nhất cho mọi người, không chỉ cho một số người. Thì, hôm nay, toàn thể nhân loại có nguồn hy vọng rất lớn.
Cảm ơn rất các bạn rất nhiều. Và chúc mừng, Khóa năm 2017!

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 21/06/2017]



Bài giảng của Đức Thánh Cha: Hãy trở nên nhỏ bé để nghe thấy tiếng Thiên Chúa

Bài giảng của Đức Thánh Cha: Hãy trở nên nhỏ bé để nghe thấy tiếng Thiên Chúa

Bài giảng của Đức Thánh Cha: Hãy trở nên nhỏ bé để nghe thấy tiếng Thiên Chúa
Tại nhà nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha dâng Lễ trọng Kính Thánh Tâm Chúa Giê-su
23/06/2017 12:36
(Vatican Radio) Để có thể nghe thấy tiếng Thiên Chúa, anh chị em hãy làm cho mình trở nên nhỏ bé. Đó là thông điệp của Đức Thánh Cha trong bài giảng Lễ thường ngày tại nhà nguyện Thánh Marta sáng thứ Sáu, là ngày Giáo hội mừng trọng thể Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su.
Thiên Chúa đã chọn chúng ta, Người đã “hòa mình cùng với chúng ta vào trong hành trình cuộc sống,” và đã ban tặng “Người Con của Người, và sự sống của Con Người, vì yêu thương chúng ta.” Trong Bài đọc Một, trích sách Đệ nhị luật, ông Môi-sê nói rằng Thiên Chúa đã chọn chúng ta “từ giữa muôn dân trên mặt đất, làm một dân thuộc quyền sở hữu của Người.” Đức Thánh Cha Phanxico diễn giải cách chúng ta phải tán dương Thiên Chúa vì “trong Thánh Tâm Chúa Giê-su Người đã tặng ban cho chúng ta ơn sủng để mừng vui vì mầu nhiệm ơn cứu độ của chúng ta, vì tình yêu của Người cho chúng ta”; nghĩa là, mừng “đức tin của chúng ta.” Đặc biệt, Đức Thánh Cha chú ý vào hai cụm từ trong bài đọc: “chọn,” và “bé mọn.” Liên quan đến việc chọn, Đức Thánh Cha nói rằng không phải chúng ta chọn Thiên Chúa, nhưng hơn thế, Thiên Chúa đã biến chính Người thành một “tù nhân của chúng ta”:
“Ngài đã gắn chặt ngài vào cuộc sống của chúng ta; Ngài không thể tách rời. Ngài đã bị ràng buộc thật chặt! Và Ngài luôn giữ tín trung trong thái độ này. Chúng ta được chọn vì yêu thương và đây là giá trị của chúng ta. ‘Tôi đã chọn tôn giáo này, tôi đã chọn …’ [chúng ta có thể nói như vậy]. Không, không phải anh chị em đã chọn. Chính Ngài là người chọn anh chị em, Người đã gọi anh chị em, và Ngài hòa mình vào với anh chị em. Và đây là đức tin của chúng ta. Nếu chúng ta không tin điều này là chúng ta không hiểu được thông điệp của Đức Ki-tô, chúng ta không hiểu Tin mừng.”
Với cụm từ thứ hai, “sự bé mọn,” Đức Thánh Cha Phanxico nhắc lại việc ông Môi-sê nói rằng Thiên Chúa đã chọn dân Israel vì đó là “dân tộc nhỏ bé nhất trong các dân”:
“Người yêu thích sự nhỏ bé của chúng ta, và vì lý do này Người đã chọn chúng ta. Và Người chọn những người bé nhỏ: không chọn những người vĩ đại nhưng là người bé nhỏ. Và Ngài mặc khải cho những người bé nhỏ: ‘Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.’ Người mặc khải cho những người bé mọn: nếu anh chị em muốn hiểu một chút về mầu nhiệm của Chúa Giê-su, hãy hạ mình xuống: làm cho mình thành nhỏ bé. Hãy nhớ mình chẳng là gì. Và Ngài không chỉ chọn và mặc khải cho những người bé mọn; Người gọi những người bé mọn: ‘Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.’ Chính anh em những người bé mọn nhất – vì đau khổ, vì lao khổ – Người chọn những người bé nhỏ nhất, Người mặc khải cho những người bé mọn nhất, và Người gọi những người bé mọn. Còn những người vĩ đại, Người không gọi họ sao? Trái tim Người rộng mở, nhưng người vĩ đại không nhận ra được tiếng nói của Ngài vì họ không thể nghe thấy, vì họ quá tự hào về họ. Để nghe thấy tiếng Thiên Chúa, anh chị em phải làm mình trở nên nhỏ bé.”
Và từ đó chúng ta đến được với mầu nhiệm của Thánh Tâm Chúa Ki-tô, đây không phải là một “tấm thiệp thánh” cho lòng thành kính: Trái tim bị đâm thâu của Chúa Ki-tô là “trái tim của sự mặc khải, trái tim của đức tin của chúng ta, vì Ngài đã biến mình trở nên bé nhỏ, Ngài đã chọn con đường này”: con đường hạ mình, con đường trút bỏ mình “thậm chí đến với cái chết trên Thập giá.” Đức Thánh Cha nói, “Đó là sự lựa chọn cho tính bé nhỏ, để vinh quang của Thiên Chúa được tỏ lộ.” Từ cạnh sườn của Đức Ki-tô bị đâm thâu bởi mũi giáo của tên lính, “máu và nước” chảy ra, Đức Thánh Cha nhắc chúng ta; và “đây là mầu nhiệm của Đức Ki-tô” trong ngày lễ hôm nay kính “một trái tim yêu thương, trái tim đã chọn, trái tim tín trung,” và “trái tim hòa nhập với chúng ta, mặc khải cho những người bé mọn, gọi những người nhỏ bé, trái tim làm cho nó trở nên nhỏ bé”:
“Chúng ta tin Thiên Chúa, đúng, đúng, tin Chúa Giê-su, đúng … ‘Giê-su có phải Thiên Chúa không?’ [có thể ai đó hỏi như vậy.] ‘Phải,’ [chúng ta trả lời]. Đây là sự tỏ lộ, đây là vinh quang của Thiên Chúa. Trung tín trong việc chọn, trong việc hòa mình vào và làm cho mình trở nên nhỏ bé, ngay cả với chính bản thân Người: để trở nên nhỏ bé, để trút bỏ hết bản thân. Vấn đề của đức tin là cốt lõi của đời sống chúng ta: chúng ta có thể rất đạo đức, nhưng chỉ với rất ít hay chẳng có đức tin; chúng ta phải bắt đầu từ đây, từ mầu nhiệm của Đức Giê-su Ki-tô, Người đã cứu chúng ta bằng sự trung tín của Người.”
Đức Thánh Cha Phanxico kết luận bài giảng với lời nguyện xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn sủng biết mừng kính Trái tim Cực Thánh Chúa Giê-su, “những hành động vĩ đại, những công cuộc vĩ đại của ơn cứu độ, những công cuộc vĩ đại của sự chuộc tội.”

[Nguồn: radiovaticana]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 24/06/2017]