Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

Kinh Truyền Tin: Dụ ngôn những kẻ tá điền gian ác

Kinh Truyền Tin: Dụ ngôn những kẻ tá điền gian ác

“Tính mới lạ vĩ đại của Ki-tô giáo”: “Tuy thất vọng vì những sai phạm và tội lỗi của chúng ta, Thiên Chúa vẫn không quên lời của Người, Người không trả thù!”
8 tháng Mười, 2017
Kinh Truyền Tin: Dụ ngôn những kẻ tá điền gian ác
Angelus / Foto: Francesco Sforza - © PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico trước và sau Kinh Truyền Tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.
* * *
Trước Kinh Truyền tin:
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Phụng vụ Chúa nhật này đưa ra cho chúng ta dụ ngôn về những người tá điền, những người được ông chủ trao phó vườn nho mà ông đã trồng rồi đi xa (x. Mt 21:33-43). Rồi lòng trung thành của những người tá điền này được thử thách: vườn nho được trao phó cho họ, họ phải chăm sóc nó, làm cho nó trổ sinh hoa trái và trả phần thu hoạch về cho ông chủ. Thời gian của vụ thu hoạch đến, ông chủ sai những người hầu của ông đến hái trái. Tuy nhiên, những người tá điền lại có thái độ chiếm hữu: họ không coi mình là những người quản lý, nhưng là những ông chủ sở hữu, và họ từ chối trao lại vụ mùa. Họ ngược đãi những người hầu, đến mức giết chết họ. Ông chủ vẫn kiên nhẫn với họ: ông lại sai những người  hầu khác đến, đông hơn lần trước; tuy nhiên, kết quả vẫn như nhau. Cuối cùng, vẫn với lòng kiên nhẫn, ông quyết định sai con trai của ông đến, nhưng những kẻ tá điền kia, những tù nhân của thái độ chiếm hữu, cũng giết chết con trai của ông, vì nghĩ rằng họ sẽ được thừa hưởng.
Câu chuyện này minh họa theo phương pháp ẩn dụ những lời trách mắng mà các Ngôn sứ đã nói về lịch sử của Israel Đó là một câu chuyện của chúng ta: nó nói về giao ước mà Thiên Chúa mong muốn thiết lập với con người và qua đó Người cũng kêu gọi chúng ta đóng góp vào. Tuy nhiên, câu chuyện về giao ước, cũng như mọi câu chuyện về tình yêu, đều có những giây phút đẹp đẽ nhưng cũng đầy những phản bội và chối bỏ. Để làm cho người ta hiểu được cách Chúa Cha đáp lại trước những sự từ chối chống lại tình yêu của Người và chống lại giao ước Người đặt ra, trích đoạn phúc âm đặt một câu hỏi từ môi miệng của người chủ vườn nho: “Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?” (c. 40). Câu hỏi này cho thấy rằng sự thất vọng của Thiên Chúa đối với thái độ tội lỗi của con người không phải là lời nói cuối cùng! Đây là sự mới lạ của Ki-tô giáo: Một Thiên Chúa, cho dù thất vọng vì những sai phạm và tội lỗi của chúng ta, Thiên Chúa vẫn không quên lời của Người, Người không trả thù!
Thưa anh chị em, Thiên Chúa không trả thù! Thiên Chúa yêu thương, Người không trả thù, Người chờ đợi để tha thứ cho chúng ta, để ôm ẵm lấy chúng ta. Qua “những viên đá bị loại bỏ” — và Đức Ki-tô là viên đá đầu tiên mà các thợ xây loại bỏ — qua những hoàn cảnh yếu đuối và tội lỗi –, Người vẫn tiếp tục phân phát “rượu mới” cho vườn nho của Người, cụ thể đó là lòng thương xót; đây là rượu mới của vườn nho của Thiên Chúa: lòng thương xót. Chỉ có một trở ngại trước ý định trung kiên và nhân hậu của Người: sự kiêu căng và ngạo mạn của chúng ta, mà đôi khi nó biến thành bạo lực! Trước những thái độ này và ở nơi không trổ sinh được hoa trái, Lời Chúa quở mắng nặng nề: “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi” (c. 43).
Tính cấp bách phải có thái độ đáp lời sinh hoa kết quả tốt lành cho tiếng gọi của Thiên Chúa, Đấng gọi chúng ta trở thành vườn nho của Người, giúp chúng ta hiểu được đâu là điều mới mẻ và đâu là cội nguồn trong Ki-tô giáo. Những mệnh lệnh và những nguyên tắc đạo đức chưa hẳn là vấn đề then chốt, nhưng trước hết chính lời mời gọi yêu thương mà Thiên Chúa đề nghị qua Chúa Giê-su, và vẫn tiếp tục đề nghị với nhân loại. Đó là một lời mời gọi đi vào câu chuyện tình yêu này, trở thành một vườn nho mãi xanh tươi và rộng mở, với hoa trái sum suê và tràn đầy hy vọng cho tất cả mọi người. Một vườn nho đóng kín sẽ trở nên hoang dại và trổ sinh những trái nho dại. Chúng ta được kêu gọi biết bước ra khỏi vườn nho và đặt mình vào vị trí phục vụ anh em không ở cùng chúng ta, để nắm lấy tay nhau và động viên nhau, để nhắc nhở chúng ta là vườn nho của Chúa trong mọi môi trường, kể cả nơi xa xôi nhất và thiếu thốn nhất.
Anh chị em thân mến, chúng ta khẩn cầu sự can thiệp của Mẹ Maria Rất Thánh giúp chúng ta ở mọi nơi, đặc biệt ở những vùng ngoại vi của xã hội, vườn nho mà Chúa đã trồng vì ích lợi cho tất cả, và mang đến rượu mới của lòng thương xót của Chúa.
[Văn bản chính: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT - Virginia m. Forrester]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 09/10/2017]


Đức Thánh Cha: Ưu tiên hàng đầu là bảo vệ trẻ em trong thời đại kỹ thuật số này

Đức Thánh Cha: Ưu tiên hàng đầu là bảo vệ trẻ em trong thời đại kỹ thuật số này

Đức Thánh Cha đọc diễn từ tại Hội nghị “Phẩm Giá Trẻ Em Trong Thế Giới Số,” một Hội nghị đầu tiên về lĩnh vực này, được tổ chức tại Roma để giúp bảo vệ trẻ em
6 tháng Mười, 2017
Đức Thánh Cha: Ưu tiên hàng đầu là bảo vệ trẻ em trong thời đại kỹ thuật số này
Pope © L'Osservatore Romano
Đức Thánh Cha Phanxico nói chúng ta không thể đánh giá thấp những nguy hại nhắm vào trẻ em trong thời đại kỹ thuật số này và ngài nói rằng chúng ta phải hành động.
Đức Phanxico nhấn mạnh điều này khi đọc diễn từ sáng nay, 6 tháng Mười, 2017, trong Hội nghị “Phẩm Giá Trẻ Em Trong Thế Giới Số,” được tổ chức bởi Trung tâm Bảo vệ Trẻ em của Đại học Giáo hoàng Gregorian của Roma, và được tổ chức tại Đại học Gregorian, ngày 3-6 tháng Mười, 2017. Mục tiêu của Hội nghị là làm nổi rõ lên những mối nguy hiểm của Internet và thúc đẩy những hành động bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên.
Theo Trung tâm, trẻ em và thiếu niên chiếm hơn một phần tư trong số trên 3,2 tỷ người sử dụng Internet trên thế giới. Trên 800 triệu người sử dụng trẻ tuổi của thế hệ này đang trong nguy cơ trở thành nạn nhân của sextortion (bóc lột tình dục), sexting (tình dục qua mạng bằng tin nhắc hoặc hình ảnh), cyberbullying (bạo lực internet) và harassment (sự quấy rối).
Trong diễn từ, Đức Thánh Cha nói rằng ngài ủng hộ mạnh mẽ những cam kết mà các tham dự viên của Hội nghị đã đồng ý đưa ra để giúp bảo vệ trẻ em.
Đức Phanxico nhận xét, “Những việc này bao gồm nâng cao nhận thức về tính nghiêm trọng của vấn đề, ban hành pháp chế phù hợp, theo dõi những phát triển về công nghệ, nhận dạng các nạn nhân và truy tố những người phạm vào những tội ác. Trong đó cũng bao gồm việc trợ giúp những trẻ đã bị ảnh hưởng và giúp phục hồi cho các em, hỗ trợ các nhà giáo dục và các gia đình, và tìm ra những phương cách sáng tạo để huấn luyện lớp người trẻ biết sử dụng internet theo những cách lành mạnh cho bản thân và cho những trẻ em khác. Và chúng cũng bao gồm việc thúc đẩy tính nhạy cảm mạnh mẽ hơn và đưa ra sự huấn luyện về đạo đức, cũng như tiếp tục những nghiên cứu khoa học trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến thách đố này.”
Đức Thánh Cha Phanxico cũng bảo đảm sự cam kết và sẵn sàng trợ giúp của Giáo hội Công giáo với những người tham dự.
“Tất cả chúng ta đều biết, trong những năm gần đây Giáo hội đã nhận ra được những thất bại của mình trong việc đưa ra sự bảo vệ cho trẻ em: những sự thật vô cùng đen tối đã được đưa ra ánh sáng, và vì nó chúng tôi phải nhận trách nhiệm của  mình trước Chúa, trước các nạn nhân và trước công luận.”
Ngài tiếp tục, “Vì lý do này, từ hậu quả của những kinh nghiệm đau đớn và những kỹ năng đã đạt được trong tiến trình hoán cải và thanh tẩy, Giáo hội ngày nay đặc biệt cảm thấy sự ràng buộc vào những hoạt động tích cực và tiên liệu trong việc bảo vệ trẻ em và phẩm giá của các em, không chỉ trong phạm vi của Giáo hội, nhưng trong toàn xã hội nói chung và trên khắp thế giới.”
Đức thánh Cha kết luận bằng câu hỏi đặt ra cho những người có mặt hãy làm một bài kiểm tra lương tâm: “Chúng ta đang làm gì để bảo đảm rằng những trẻ em đó có thể tiếp tục mỉm cười với chúng ta, bằng đôi mắt sáng ngời và những khuôn mặt đầy tràn tin tưởng và hy vọng? Chúng ta đang làm gì để bảo đảm rằng các em không bị cướp mất ánh sáng này, để bảo đảm rằng những đôi mắt đó sẽ không bị mờ tối đi và bị làm hư đi vì những gì các em tìm thấy trên internet, những điều chẳng bao lâu nữa sẽ trở nên không thể thiếu và là phần quan trọng của cuộc sống thường ngày của các em?”
Dưới đây là bản dịch văn bản bài diễn từ của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp:
* * *
Kính thưa ngài Chủ tịch Thượng viện, Bà Bộ trưởng
Kính thưa các Đức Hồng y, Kính thưa Cha Tổng quyền,
Các vị Đại sứ và Giới chức Dân sự,
Kính thưa các Giáo sư,
Kính thưa quý vị
Tôi cảm ơn ngài Hiệu trưởng Đại học Gregorian, là Cha Father Nuno da Silva Gonçalves, và cô gái đại diện cho giới trẻ về những lời giới thiệu trịnh trọng và đầy đủ thông tin cho buổi họp của chúng ta. Tôi cảm ơn tất cả quý vị đã có mặt ở đây sáng hôm nay và thông báo cho tôi biết những kết quả công việc của quý vị. Trước hết, tôi xin cảm ơn vì sự chia sẻ những quan tâm và cam kết của quý vị để cùng nhau chống lại một vấn đề đen tối mới trong thời đại của chúng ta vì thế hệ trẻ trên toàn thế giới. Một vấn đề chưa bao giờ được nghiên cứu và thảo luận trên phạm vi rộng của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực và phạm vi trách nhiệm như quý vị đã làm trong những ngày qua: vấn đề về sự bảo vệ hiệu quả phẩm giá của trẻ em trong thế giới số.
Sự thừa nhận và bảo vệ phẩm giá của nhân vị là cội nguồn và căn bản của mọi mệnh lệnh về quyền thuộc xã hội và chính trị, và Giáo hội lấy Tuyên Ngôn Toàn Cầu về Nhân Quyền (1948) như là “một cột mốc thực sự trên con đường tiến bộ đạo đức của nhân loại” (x. GIO-AN PHAO-LÔ II, Diễn từ tại Liên Hợp quốc, 1979 và 1995). Cũng vậy, chúng ta biết rằng trẻ em nằm trong số những người cần phải được chăm sóc và bảo vệ nhất, Tòa Thánh bám chặt lấy Tuyên Ngôn về Quyền của Trẻ em (1959) và thông qua Quy Ước (1990) và hai dự thảo của Quy ước (2001). Phẩm giá và quyền của trẻ em phải được bảo vệ bởi những hệ thống luật pháp như là những sự tốt lành vô giá cho toàn thể gia đình nhân loại (x. Trích yếu Giáo lý Xã hội của Giáo hội, cs. 244-245).
Khi đã hoàn toàn và tuyệt đối tán thành những nguyên tắc này, chúng ta phải cùng nhau hoạt động trên căn bản của nó. Chúng ta cần phải làm việc này một cách dứt khoát và với niềm đam mê thật sự, nhìn ngắm tất cả những trẻ em mỗi ngày và ở mọi nơi đi vào thế giới này với lòng yêu thương trìu mến. Các trẻ cần sự tôn trọng của chúng ta, và cả sự chăm sóc và yêu thương của chúng ta, để các em có thể lớn lên và đạt được tất cả những tiềm năng phong phú của chúng.
Sách Thánh kể rằng người đàn ông và người phụ nữ được tạo dựng bởi Thiên Chúa theo hình ảnh của Người. Còn có lời tuyên bố nào mạnh mẽ hơn nói về nhân phẩm? Kinh Thánh kể cho chúng ta biết về sự yêu thương mà Chúa Giê-su dành cho trẻ nhỏ; Người đón chúng trong vòng tay và chúc lành cho chúng (x. Mc 10:16), vì “nước Trời là của những ai giống như chúng” (Mt 19:14). Lời nói gay gắt nhất dành cho những người gây ra tội lỗi với các trẻ nhỏ: “Nhưng ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn” (Mt 18:6). Tiếp theo đó là chúng ta phải hoạt động để bảo vệ phẩm giá của trẻ nhỏ, nhẹ nhàng nhưng kiên quyết, đối lại với lẽ phải của chúng ta là một văn hóa loại bỏ của ngày nay đang hiện diện ở khắp nơi, gây phương hại đặc biệt đến những người cô thế và những người yếu đuối nhất, chẳng hạn trẻ nhỏ.
Chúng ta đang sống trong một thế giới mới, và khi chúng ta còn trẻ, chúng ta khó lòng hình dung ra nó. Chúng ta chỉ định nghĩa nó bằng ba từ đơn giản “thế giới số,” nhưng nó là kết quả của những thành tựu phi thường của khoa học và kỹ thuật. Chỉ trong vài thập kỷ, nó đã thay đổi cách chúng ta sống và giao tiếp. Thậm chí bây giờ, theo một ý nghĩa nào đó nó đang thay đổi cách chúng ta suy nghĩ và tình trạng của chúng ta, và ảnh hưởng mạnh đến những khả năng và giá trị của chúng ta.
Về một mặt, nếu chúng ta đầy choáng ngợp và thán phục với những chân trời mới đầy kỳ diệu mở ra trước mắt chúng ta, thì về mặt khác, chúng ta cảm thấy lo lắng và thậm chí lo sợ khi chúng ta cân nhắc về tốc độ quá nhanh của sự phát triển này, những vấn đề mới và không dự phòng trước được đặt ra trước mắt chúng ta, và những hậu quả tiêu cực mà nó gây ra. Những hậu quả đó ít khi được ý thức, nhưng chúng lại là thật. Chúng ta có lý khi tự hỏi rằng liệu chúng ta có khả năng dẫn dắt những tiến trình mà chính chúng ta đã đưa vào hoạt động, liệu chúng có vuột ra khỏi sự kiểm soát của chúng ta, và liệu chúng ta có nỗ lực đủ để giữ quyền kiểm soát chúng.
Đây là câu hỏi hiện hữu lớn nhân loại đang đối mặt hôm nay, trước một sự khủng hoảng toàn cầu liên quan đến môi trường, xã hội, kinh tế, chính trị, đạo đức và tinh thần.
Là đại diện của nhiều ngành khoa học khác nhau và trong các lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số, luật pháp và đời sống chính trị, quý vị nhóm họp với nhau chính vì quý vị đã nhận thấy được tính nghiêm trọng của những thách đố này có liên quan đến sự tiến bộ khoa học và kỹ thuật. Với tầm nhìn thật xa, quý vị đã tập trung và những gì là thách đố cốt lõi cho tương lai của gia đình nhân loại: việc bảo vệ cho phẩm giá của thế hệ trẻ, sự phát triển lành mạnh của các em, niềm vui và niềm hy vọng của các em.
Chúng ta biết rằng trẻ em hiện tại chiếm hơn một phần tư của trên 3 tỷ người sử dụng internet; điều đó có nghĩa là hơn 800 triệu trẻ em đang truy cập internet. Chúng ta cũng biết rằng trong hai năm tới, chỉ riêng ở Ấn độ, hơn 500 triệu người sẽ truy cập internet, và một nửa con số đó sẽ là trẻ nhỏ. Các bé sẽ tìm thấy gì trên net? Và làm sao các em được quan tâm để ý đến bởi những người đang thực hiện nhiều hình thức gây ảnh hưởng trên net?
Chúng ta phải giữ đôi mắt mở rộng và đừng quay mặt đi để né tránh một sự thật khó chịu rằng chẳng thà chúng ta không nhìn thấy. Vì vấn đề đó, trong những năm gần đây chắc chắn chúng ta đã nhận thức đủ rằng che giấu thực tại của nạn lạm dụng tình dục là một sai lầm nghiêm trọng và là một nguồn gốc của nhiều tội ác khác. Vì thế chúng ta hãy đối mặt với thực tế, như quý vị đã làm trong những ngày qua. Chúng ta đã nhìn thấy những điều vô cùng đen tối trên net, trong đó có sự lan tràn của nạn khiêu dâm khoái lạc hơn bao giờ hết, vì thói quen sử dụng làm tăng cao sự kích thích; hiện tượng sexting (tin nhắn và hình ảnh tình dục) ngày càng nhiều giữa nam nữ thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội; và sự phát triển của bạo lực trên mạng, một hình thức tấn công đạo đức và thể lý nhắm thẳng vào phẩm giá của người trẻ. Ở mức độ này có thể kể đến nạn sextortion (bóc lột tình dục); sự gạ gẫm trẻ em cho những mục đích tình dục, hiện nay được báo cáo rộng khắp trên truyền thông; chưa kể đến những tội ác kinh hoàng của việc buôn bán người qua mạng, mại dâm, và thậm chí đặt mua một cảnh xem trực tiếp những hành động cưỡng dâm và bạo lực chống lại trẻ em ở những nơi khác trên thế giới. Net có góc tối của nó (“net đen”), nơi cái ác tìm được những ngóc ngách thâm nhập mới và hiệu quả để hoạt động và mở rộng. Sự lan tràn của tranh ảnh khiêu dâm in trong quá khứ là một hiện tượng khá nhỏ so với sự lan tràn nạn khiêu dâm trên net. Quý vị đã trình bày vấn đề này rất rõ, dựa trên các tài liệu và nghiên cứu chắc chắn, và chúng tôi rất tri ân về điều này.
Đứng trước những con số này, theo tự nhiên chúng ta phải giật mình. Nhưng đáng tiếc, chúng ta cũng vẫn bị hoang mang. Như quý vị biết rất rõ, và đang dạy cho chúng tôi đặc điểm riêng của net chính là độ phủ rộng toàn cầu; nó bao phủ khắp hành tinh, phá vỡ mọi rào cản, lan tràn mạnh hơn bao giờ hết, tiếp cận tới mọi nơi và mọi lớp người sử dụng, kể cả trẻ em, nhờ những thiết bị di động ngày càng nhỏ hơn và dễ sử dụng hơn. Vì thế, ngày nay không một ai trên thế giới, hay bất kỳ một nhà cầm quyền quốc gia nào, cảm thấy đủ khả năng giám sát và điều khiển độ lan rộng và sự phát triển của những hiện tượng này, chúng được liên kết và kết nối với những vấn đề đen tối khác trên net, chẳng hạn buôn lậu, những tội phạm về kinh tế và tài chính, và khủng bố quốc tế. Cũng từ quan điểm giáo dục, chúng ta cảm thấy hoang mang, vì tốc độ phát triển của nó đẩy thế hệ lớn tuổi ra bên lề, làm cho sự đối thoại liên thế hệ cùng với việc chuyển giao những nguyên tắc và sự khôn ngoan đạt được sau những năm tháng của cuộc sống và kinh nghiệm trở nên vô cùng khó khăn, nếu không nói là không thể.
Nhưng chúng ta không được để cho bản thân bị nỗi sợ hãi chế ngự, nó là một nhà cố vấn vô cùng tệ hại. Nhưng cũng đừng để cho bản thân bị tê liệt bởi cảm giác bất lực bao trùm lấy chúng ta trước sự khó khăn của trách nhiệm chúng ta. Ngược lại, chúng ta được kêu gọi để cùng kết hợp sức mạnh, thừa nhận rằng chúng ta cần có nhau để tìm kiếm và tìm ra được những cách thức đúng đắn và những cách tiếp cận cần thiết cho những câu trả lời hiệu quả. Chúng ta phải vững tin rằng “chúng ta có thể mở rộng tầm nhìn của chúng ta. Chúng ta có sự tự do cần thiết để đặt giới hạn và hướng dẫn công nghệ; chúng ta có thể đưa nó vào phục vụ cho một hình thức khác của sự tiến bộ, một sự tiến bộ lành mạnh hơn, nhân bản hơn, xã hội tính hơn, và toàn diện hơn” (Tông huấn Laudato Si’, 112).
Để sự huy động này đạt hiệu quả, tôi khuyến khích quý vị hãy mạnh mẽ chống lại những cách tiếp cận sai lầm. Trong phạm vi giới hạn của mình tôi xin nêu ra ba điểm.
Thứ nhất là đánh giá thấp sự nguy hại của những hiện tượng này tác động trên trẻ em. Sự khó khăn trong việc chống lại những hiện tượng này có thể làm cho chúng ta buông ra câu nói: “Thật vậy à, tình hình chắc cũng chẳng quá xấu như vậy đâu …” Nhưng sự phát triển của sinh học thần kinh (neurobiology), tâm lý (psychology) và tâm thần (psychiatry) đã đưa ra ánh sáng những tác động nặng nề trên bộ óc non nớt của trẻ em với các hình ảnh bạo lực và tình dục, các vấn đề về tâm lý nổi lên khi chúng lớn lên, những hành vi và hoàn cảnh bị lệ thuộc, và tình trạng nô lệ thật sự mà hậu quả của nó xuất phát từ những hình ảnh khêu gợi và bạo lực. Những vấn đề này chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng và dài lâu trên trẻ nhỏ hôm nay.
Đến đây tôi muốn thêm vào một nhận xét. Chúng ta có lý khi chú trọng đến tính nghiêm trọng của các vấn đề này đối với trẻ em. Nhưng chúng ta cũng có thể đánh giá thấp hoặc không nhận thấy rằng tình trạng này cũng là những vấn đề đối với người lớn. Xác định độ tuổi của nhóm thiểu số và đa số là quan trọng cho những hệ thống luật pháp, nhưng nó không đủ để xử lý trong các vấn đề khác. Sự lan tràn của nạn khiêu dâm khoái lại và những cách sử dụng net sai lạc khác không chỉ gây ra những rối loạn, tình trạng bị lệ thuộc và sự nguy hại nghiêm trọng đối với người lớn, nhưng nó cũng có ảnh hưởng thật sự đến cách nhìn của chúng ta đối với tình yêu và những mối quan hệ giới tính. Chúng ta sẽ bị đánh lừa khi chúng ta nghĩ rằng một xã hội có mức độ tiêu thụ khác thường đối với tình dục trên internet lan rộng giữa những người lớn tuổi vẫn có khả năng bảo vệ trẻ em hiệu quả.
Bước tiếp cận sai lầm thứ hai là nghĩ rằng những giải pháp kỹ thuật tự động, những bộ lọc theo thuật toán được đặt ra để nhận dạng và chặn sự lan tràn những hình ảnh lạm dụng và nguy hại, là đủ để đối lại với những vấn đề này. Chắc chắn những biện pháp này là cần thiết. Chắc chắn những doanh nghiệp cung cấp truyền thông xã hội và phần mềm ngày càng mạnh hơn, nhanh hơn cho hàng triệu người phải đầu tư một phần lợi tức khổng lồ của họ trong lĩnh vực này. Nhưng cũng có một sự khẩn thiết khác, đối với tất cả những người gắn kết vào việc quan tâm và giải quyết những vấn đề đạo đức mà sự phát triển này tạo ra, trong tất cả mọi chiều kích và những hậu quả khác nhau của nó.
Đến đây chúng ta thấy mình lại phải xem xét đến một bước tiếp cận sai lầm tiềm ẩn thứ ba, nó nằm trong một tầm nhìn mang tính ý thức hệ và hoang đường cho rằng net là một địa hạt của sự tự do vô giới hạn. Thật chính đáng khi cuộc họp của quý vị lại có đại diện của những cơ quan lập pháp và chấp pháp với trách nhiệm cung cấp và bảo vệ thiện ích chung và sự tốt đẹp cho mỗi con người. Net mở ra một diễn đàn khổng lồ mới cho sự tự do bày tỏ và trao đổi ý tưởng và thông tin. Điều này chắc chắn rất hữu ích, nhưng như chúng ta đã chứng kiến, nó cũng tạo ra những phương tiện mới cho những hoạt động phi pháp ghê tởm, và trong lĩnh vực mà chúng ta đang quan tâm, là sự lạm dụng tình dục đối với trẻ nhỏ và xúc phạm đến phẩm giá của các em, là sự tàn phá tâm trí của các em và bạo lực nhắm vào thân xác các em. Điều này chẳng có gì liên quan đến vấn đề thi hành quyền tự do; nó là tội ác phải bị chống lại bằng trí óc và sự quyết tâm, qua sự hợp tác mở rộng giữa các chính phủ và những cơ quan chấp pháp trên mức độ toàn cầu, vì bản thân net bây giờ đã mang tính toàn cầu.
Quý vị đã thảo luận tất cả những vấn đề này, và trong “Tuyên ngôn” mà quý vị trình lên cho tôi, quý vị đã đề ra một loạt những cách thức khác nhau để thúc đẩy sự hợp tác hữu hiệu giữa tất cả các bên liên quan cùng hoạt động chống lại thách đố lớn để bảo vệ phẩm giá của trẻ em trong thế giới số. Tôi hoàn toàn ủng hộ những cam kết mà quý vị đã đưa ra.
Những việc này bao gồm nâng cao nhận thức về tính nghiêm trọng của vấn đề, ban hành pháp chế phù hợp, theo dõi những phát triển về công nghệ, nhận dạng các nạn nhân và truy tố những người phạm vào những tội ác. Trong đó bao gồm việc trợ giúp những trẻ đã bị ảnh hưởng và giúp phục hồi cho các em, hỗ trợ các nhà giáo dục và các gia đình, và tìm ra những phương cách sáng tạo để huấn luyện lớp người trẻ biết sử dụng internet theo những cách lành mạnh cho bản thân và cho những trẻ em khác. Và chúng cũng bao gồm việc thúc đẩy tính nhạy cảm mạnh mẽ hơn và đưa ra những huấn luyện về đạo đức, cũng như tiếp tục nghiên cứu khoa học trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến thách đố này
Thật vô cùng thích đáng khi quý vị bày tỏ sự hy vọng rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo và các cộng đoàn tín hữu cùng chia sẻ nỗ lực chung này, rút ra những kinh nghiệm của họ, của các giới chức và các nguồn tài liệu để giáo dục và huấn luyện đạo đức và tinh thần. Trong thực tế, chỉ ánh sáng và sức mạnh từ Thiên Chúa mới có thể giúp chúng ta đối mặt được với những thách đố mới này. Về phần Giáo hội Công giáo, tôi xin bảo đảm với quý vị lời cam kết và sự sẵn sàng trợ giúp. Tất cả chúng ta đều biết, trong những năm gần đây Giáo hội đã nhận ra được những thất bại của mình trong việc đưa ra được sự bảo vệ cho trẻ em: những sự thật vô cùng đen tối đã được đưa ra ánh sáng, và vì nó chúng tôi phải nhận trách nhiệm của  mình trước Chúa, trước các nạn nhân và trước công luận. Vì lý do đó, từ hậu quả của những kinh nghiệm đau đớn này và những kỹ năng đã đạt được trong tiến trình hoán cải và thanh tẩy, Giáo hội ngày nay đặc biệt cảm thấy sự ràng buộc vào những hoạt động tích cực và tiên liệu trong việc bảo vệ trẻ em và phẩm giá của các em, không chỉ trong phạm vi của Giáo hội, nhưng trong toàn xã hội nói chung và trên khắp thế giới. Giáo hội không cố gắng làm việc này một mình – vì rõ ràng như vậy là không đủ – nhưng bằng cách đưa ra sự hợp tác hiệu quả và nhanh chóng cho tất cả những cá nhân và các nhóm trong xã hội cam kết hoạt động cho cùng một mục tiêu. Theo ý nghĩa này, Giáo hội bám chặt vào mục tiêu chấm dứt “nạn lạm dụng, bóc lột, buôn bán và mọi hình thức bạo lực chống lại và ngược đãi trẻ em” được Liên Hợp quốc đề ra trong Chương trình Nghị sự 2030 cho sự Phát triển Bền vững (Mục tiêu 16.2).
Trong nhiều dịp khác nhau, và ở nhiều quốc gia khác nhau, tôi được nhìn vào ánh mắt của trẻ em, giàu và nghèo, mạnh khỏe và bệnh tật, vui mừng và đau khổ. Được nhìn thấy trẻ em ngắm nhìn thẳng vào đôi mắt của chúng ta là một trải nghiệm tất cả mọi người đều có. Nó chạm đến trái tim của chúng ta và đòi hỏi chúng ta phải kiểm tra lại lương tâm của chúng ta. Chúng ta đang làm gì để bảo đảm rằng những trẻ em đó có thể tiếp tục mỉm cười với chúng ta, bằng đôi mắt sáng ngời và những khuôn mặt đầy tràn tin tưởng và hy vọng? Chúng ta đang làm gì để bảo đảm rằng các em không bị cướp mất ánh sáng này, để bảo đảm rằng những đôi mắt đó sẽ không bị mờ tối đi và làm hư đi vì những gì các em tìm thấy trên internet, những điều chẳng bao lâu nữa sẽ trở nên không thể thiếu và là phần quan trọng của cuộc sống thường ngày của các em?
Vậy thì, chúng ta hãy cùng nhau hành động để chúng ta sẽ luôn có quyền, có sự can đảm và niềm vui để nhìn vào đôi mắt của trẻ thơ trong thời đại của chúng ta.
[Văn bản chính: tiếng Ý]
© Libreria Editrice Vaticana

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 07/10/2017]