Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2022

4 người phụ nữ được phong thánh cuối tuần này là ai?

4 người phụ nữ được phong thánh cuối tuần này là ai?

4 người phụ nữ được phong thánh cuối tuần này là ai?

Lễ phong thánh Thánh John Henry Newman trong Quảng trường Thánh Phêrô, 13 tháng Mười, 2019. | Daniel Ibáñez/CNA.

Courtney Mares

Vatican City, 10 tháng Năm, 2022 / 06:00 am


Cuối tuần này Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ tế Thánh Lễ phong thánh đầu tiên trong hơn hai năm qua.

Mười vị sẽ được Giáo hội Công giáo chính thức công nhận là thánh vào ngày 15 tháng Năm. Trong số đó có một số nhân vật khá nổi tiếng, như Cha Charles de Foucauld, tu sĩ Titus Brandsma, và giáo dân Devasahayam Pillai.

Ít được biết đến hơn đó là bốn vị nữ lãnh đạo Công giáo sẽ được phong thánh cùng với họ. Đây là các người phụ nữ đã thành lập các dòng tu phát triển trên toàn thế giới và có sức ảnh hưởng lâu dài đến Giáo hội.

Dưới đây là những câu chuyện về bốn người phụ nữ thánh thiện này, tất cả đều được đặt tên của Đức Trinh Nữ Maria.

4 người phụ nữ được phong thánh cuối tuần này là ai?

Một ảnh chi tiết trên cửa sổ kính màu mô tả nữ tu Marie Rivier ở vùng Bourg-Saint-Andéol, Pháp. Public Domain.


Nữ tu Marie Rivier

Khi Cách mạng Pháp buộc các tu viện và đan viện trên khắp nước Pháp phải đóng cửa và các linh mục và nữ tu chịu tử đạo dưới thời Reign of Terror (Triều đại Kinh hoàng), người phụ nữ Pháp 28 tuổi này đã thành lập một dòng tu vào năm 1796.

Chị Marie Rivier thành lập Dòng Nữ tu Đức Mẹ Dâng mình, chuyên chăm lo việc giáo dục đức tin cho các thiếu nữ. Dòng được sự phê chuẩn chính thức vào năm 1801 và mở rộng trên khắp nước Pháp.

Rivier đã phải chiến đấu trong suốt thời thơ ấu của chị do căn bệnh suy nhược khiến các khớp bị sưng tấy và tay chân bị teo lại. Theo Bộ Phong thánh của Vatican cho biết chị hầu như không thể đứng vững nếu không có sự trợ giúp của đôi nạng. Vấn đề sức khỏe cũng cản trở khả năng gia nhập đời sống tu trì của chị, nhưng Rivier vẫn kiên trì và giúp dạy học cho những phụ nữ thất nghiệp trong giáo xứ trước khi thành lập dòng tu.

Trong vòng vài thập kỷ sau khi chị Rivier qua đời vào năm 1838, Dòng Nữ tu Đức Mẹ Dâng mình đã lan rộng sang Canada và Hoa Kỳ. Ngày nay các nữ tu đã có mặt khắp năm châu.

4 người phụ nữ được phong thánh cuối tuần này là ai?

Nữ tu Maria Francesca Giêsu (Anna Maria Rubatto). Public Domain.


Nữ tu Maria Francesca Giêsu (Anna Maria Rubatto)

Mẹ Maria Francesca Giêsu là một vị nữ truyền giáo thế kỷ 19 đã vượt Đại Tây Dương bảy lần bằng thuyền để thành lập Dòng Nữ tu Capuchin ở Uruguay, Argentina và Brazil.

Vị nữ tu người Ý, gốc ở tỉnh Turin, sinh năm 1844 và được đặt tên là Anna Maria Rubatto. Chị mất mẹ khi mới 4 tuổi và mất cha năm 19 tuổi.

Chị làm người giúp việc và vun đắp đời sống thiêng liêng sâu sắc, đến nhà thờ hàng ngày để cầu nguyện. Nhưng mãi đến năm chị 40 tuổi mới khám phá ra ơn gọi của mình.

Một ngày kia khi chị đang từ trong một nhà thờ đi ra, chị nghe thấy tiếng kêu khóc của một công nhân xây dựng bị thương do một hòn đá rơi từ giàn giáo xuống đầu anh ta. Maria giúp rửa và điều trị vết thương cho người đó. Chị phát hiện ra rằng tòa nhà anh ta đang làm việc là một tu viện. Vị tu sĩ Dòng Capuchin đang giám sát việc xây dựng công trình mời chị tham gia với tư cách là thành viên sáng lập và sau đó là bề trên đầu tiên của Dòng Nữ tu Capuchin ở Loano.

Chỉ trong vòng bảy năm, Mẹ Maria đã đi đến Nam Mỹ để thành lập những nhà mới khi dòng của mẹ ngày càng phát triển. Ngày nay, các nữ tu được gọi là Nữ tu Capuchin của Mẹ Rubatto và có mặt ở Eritrea, Ethiopia, Kenya, và các quốc gia khác trên khắp Nam Mỹ, Châu Âu và Châu Phi.

4 người phụ nữ được phong thánh cuối tuần này là ai?

Nữ tu Maria Domenica Mantovani, ảnh vẽ trong một nhà thờ ở Castelletto di Brenzone, Ý. Threecharlie via Wikimedia (CC BY-SA 3.0).


Nữ tu Maria Domenica Mantovani

Nữ tu Maria Domenica Mantovani từng là Bề trên Tổng quyền đầu tiên của Dòng Tiểu muội Thánh gia thất, do chị đồng sáng lập để phục vụ người nghèo, trẻ mồ côi và người bệnh.

Năm 24 tuổi, chị đã tuyên khấn khiết tịnh vào ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội trước tượng đài Đức Mẹ Lộ Đức ở quê hương Castelletto di Brenzone của chị thuộc miền bắc nước Ý.

Năm 29 tuổi, chị đồng sáng lập Dòng Tiểu muội Thánh Gia năm 1892 với Chân phước Giuseppe Nascimbeni, một linh mục linh hướng cho chị từ năm 15 tuổi.

Phục vụ trong cương vị là bề trên cả của dòng trong hơn 40 năm, chị Mantovani đã viết hiến pháp dòng và giám sát việc mở nhiều nhà dòng khác.

Trước khi chị qua đời năm 1934, Dòng Tiểu Muội Thánh Gia đã phát triển lên con số 1.200 nữ tu hiện diện trong 150 nhà dòng ở Ý và ở nước ngoài.

4 người phụ nữ được phong thánh cuối tuần này là ai?

Nữ tu Maria Giêsu Santocanale. Public Domain.


Nữ tu Maria Giêsu Santocanale


Sinh tại Palermo vào năm 1852, chị Carolina Santocanale cảm nhận lòng khát khao được dâng mình cho Chúa ngay từ khi còn nhỏ bất chấp những mong muốn của phụ thân. Dưới sự hướng dẫn thiêng liêng của Cha Mauro Venuti, cô thiếu nữ đã quyết định cống hiến đời mình cho việc bác ái cho người nghèo hơn là gia nhập dòng kín.

Năm 32 tuổi, chị bắt đầu gặp những vấn đề đáng quan tâm về sức khỏe. Chân bị đau dữ dội khiến chị phải nằm liệt giường hơn một năm. Sau khi khỏi bệnh, chị đã ôm lấy tinh thần tu đức dòng Phanxicô thậm chí triệt để hơn.

Sau khi khấn đơn ở tuổi 39, chị đã dành hầu hết những giây phút rảnh rỗi của mình trước nhà tạm, dù ngày hay đêm. Chị giám sát việc thành lập một viện mồ côi và một trường mẫu giáo, đồng thời nuôi dưỡng nhiều ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến.

Ngày nay, các nữ tu của chị Santocanale hiện diện ở Albania, Brazil, Ý và Madagascar. Chị viết rằng sứ mệnh của các nữ tu Capuchin của chị là “trở thành tấm bánh bẻ ra cho cơn đói và sự sống của anh chị em chúng ta, theo hình ảnh của Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội trong mầu nhiệm cứu độ”.



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/5/2022]


Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 11.05.2022

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 11.05.2022

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 11.05.2022

*****

Buổi Tiếp kiến chung sáng nay diễn ra trong Quảng trường Thánh Phêrô, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới. Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về tuổi già, tập trung vào chủ đề: “Bà Giuđitha: tuổi trẻ đáng ngưỡng mộ, tuổi già độ lượng” (Bài đọc Sách Thánh: Gđt 16: 21,23-24). Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha ngỏ lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu tham dự. Sau đó ngài lên tiếng kêu gọi cho Sri Lanka.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

_______________________________________

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta sẽ nói về bà Giuđitha, một người nữ anh hùng trong Kinh thánh. Phần kết của quyển sách mang tên bà – chúng ta đã nghe một trích đoạn – tóm tắt phần cuối cùng trong cuộc đời của người phụ nữ này, người đã bảo vệ Israel khỏi kẻ thù. Bà Giuđitha là một góa phụ trẻ và tiết hạnh người Do Thái, nhờ đức tin, sắc đẹp và sự khéo léo của mình, đã cứu thành Baitylua và người dân Giuđa khỏi cuộc bao vây của Hôlôphécnê, tướng của Nabucôđônôxo vua nước Át-sua, một kẻ thù hống hách và khinh thường của Đức Chúa. Và như vậy, với cách hành động khôn ngoan của mình, bà đã có thể chặt đầu kẻ độc tài tấn công đất nước. Bà là người phụ nữ dũng cảm, nhưng bà có niềm tin…

Sau cuộc phiêu lưu tuyệt vời của mình, bà Giuđitha trở về sống ở quê nhà là Baitylua, nơi bà sống tuổi già hạnh phúc cho đến khi bà thọ một trăm lẻ năm tuổi. Điều đó đến với nhiều người: đôi khi sau một đời sống làm việc căng thẳng, đôi khi sau một cuộc đời phiêu lưu mạo hiểm, hoặc một cuộc đời với những cống hiến lớn lao. Đức tính anh hùng không chỉ bao gồm những biến cố vĩ đại dưới ánh đèn vinh quang, chẳng hạn như bà Giuđitha đã giết chết được kẻ độc tài; đức tính anh hùng này thường được tìm thấy trong tình yêu trung kiên tuôn chảy trong một gia đình khó khăn và thay mặt cho một cộng đồng bị đe dọa.

Bà Giuđitha sống hơn một trăm tuổi, một phúc lành đặc biệt. Nhưng ngày nay việc sống thọ nhiều năm sau khi nghỉ hưu không phải là hiếm. Làm cách nào để chúng ta thể hiện, làm thế nào để chúng ta tận dụng tối đa khoảng thời gian mà chúng ta có? Tôi sẽ nghỉ hưu hôm nay, và trước mắt tôi sẽ còn nhiều năm tháng, và tôi có thể làm gì trong những năm tháng này? Làm thế nào tôi có thể phát triển – về tuổi tác thì tự nó; nhưng làm sao tôi có thể tăng thêm quyền bính, sự thánh thiện, sự khôn ngoan?

Viễn cảnh nghỉ hưu đối với nhiều người trùng với viễn cảnh được nghỉ ngơi xứng đáng và được chờ đợi từ lâu sau các hoạt động đòi hỏi nhiều cố gắng và mệt mỏi. Nhưng vấn đề cũng xảy ra đó là sự kết thúc công việc có thể là nguồn gốc cho những lo lắng kèm theo một số dao động. “Tôi sẽ làm gì, bây giờ khi cuộc sống của tôi trở nên trống rỗng thiếu những gì đã lấp đầy nó quá lâu nay?”: đây là câu hỏi. Công việc hàng ngày cũng có nghĩa là một tập hợp các mối quan hệ, sự thỏa mãn trong việc kiếm sống, kinh nghiệm có được một vai trò, sự công nhận xứng đáng, một công việc toàn thời gian vượt ngoài những giờ làm việc.

Chắc chắn là có công việc trông cháu, vui và mệt mỏi, và ngày nay ông bà có vai trò rất quan trọng trong gia đình đối với việc giúp đỡ nuôi dạy cháu chắt; nhưng chúng ta biết rằng ngày nay trẻ em được sinh ra ngày càng ít, và cha mẹ thường ở xa hơn, phải di chuyển nhiều hơn, với điều kiện công việc và nhà ở không thuận lợi. Đôi khi, người ta cũng thấy miễn cưỡng hơn trong việc dành không gian giáo dục cho ông bà, chỉ chấp nhận những gì liên quan chặt chẽ đến nhu cầu hỗ trợ. Có người đã nói với tôi, với một nụ cười mỉa mai, “Ngày nay, trong hoàn cảnh kinh tế xã hội như hiện nay, ông bà càng quan trọng hơn vì họ có lương hưu”. Họ nghĩ theo cách này. Có những đòi hỏi mới buộc chúng ta phải định hình lại mối liên hệ truyền thống giữa các thế hệ, kể cả trong lĩnh vực giáo dục và các mối tương quan gia đình.

Tuy nhiên, chúng ta hãy tự hỏi bản thân: có phải chúng ta đang nỗ lực để “định hình lại” không? Hay đơn giản là chúng ta chịu đựng sự trì trệ của các điều kiện kinh tế và vật chất? Trên thực tế, sự chung sống của các thế hệ đang ngày càng kéo dài. Có phải chúng ta đang cùng nhau cố gắng làm cho những điều kiện này trở nên nhân văn hơn, yêu thương hơn, công bằng hơn, theo những điều kiện mới của xã hội hiện đại? Đối với ông bà, một phần quan trọng trong ơn gọi của họ là hỗ trợ con cái của họ trong việc nuôi dạy các cháu. Các trẻ nhỏ sẽ học được sức mạnh của sự dịu dàng và tôn trọng sự yếu đuối: những bài học không thể thay thế được dễ dàng truyền đạt và tiếp nhận hơn với ông bà. Về phần mình, ông bà học được rằng sự dịu dàng và yếu đuối không chỉ là dấu hiệu của sự sa sút: đối với lớp người trẻ, chúng là những điều kiện làm cho tương lai trở nên nhân tính.

Bà Giuđitha đã sớm góa bụa và không có con, nhưng khi trở về già, bà đã có thể sống một mùa dư đầy và thanh thản, vì biết rằng bà đã sống trọn vẹn với sứ mệnh mà Chúa đã giao phó cho bà. Đã đến lúc bà để lại di sản tốt đẹp của sự khôn ngoan, sự dịu dàng và những ân tứ cho gia đình và cộng đồng của bà: di sản của sự tốt lành chứ không chỉ là của cải. Khi chúng ta nghĩ về một di sản, đôi khi chúng ta nghĩ đến của cải, chứ không nghĩ đến những điều tốt đẹp đã được thực hiện trong tuổi già, và những gì đã được gieo trồng, sự tốt lành là di sản tốt nhất mà chúng ta có thể để lại.

Chính khi đến tuổi già, bà Giuđitha đã “trả tự do cho người hầu gái yêu quý của bà.” Đây là một dấu hiệu của cách tiếp cận ân cần và nhân văn đối với những người đã từng thân thiết với bà. Người hầu gái này đã đồng hành với bà tại thời điểm của cuộc phiêu lưu đó, để chiến thắng kẻ độc tài và cắt cổ hắn. Khi chúng ta già, chúng ta mất đi một phần thị giác, nhưng cái nhìn bên trong của chúng ta trở nên thấu suốt hơn – chúng ta nhìn bằng trái tim. Chúng ta có khả năng nhìn thấy những thứ trước đây đã lẩn tránh chúng ta. Người già biết cách nhìn, họ biết cách nhìn thấy… Chúa không chỉ trao những nén bạc của Ngài cho những người trẻ và khỏe mạnh. Ngài có những nén bạc cho tất cả mọi người, phù hợp với từng người, cả người già. Cuộc sống của cộng đồng chúng ta phải biết cách hưởng ích lợi từ tài năng và ân tứ của rất nhiều người cao tuổi đã về hưu, nhưng là một tài sản đáng được trân quý. Về phía bản thân những người cao tuổi, điều này đòi hỏi một sự quan tâm sáng tạo, một sự quan tâm mới, một sự sẵn sàng quảng đại. Những kỹ năng trước đây của cuộc sống năng động mất đi sự ràng buộc và trở thành nguồn lực cần được cho đi: dạy học, tư vấn, xây dựng, quan tâm, lắng nghe ... ưu tiên dành cho những người thua thiệt nhất không có đủ điều kiện để học tập hoặc những người bị bỏ rơi trong cô đơn.

Bà Giuđitha đã giải phóng cho người hầu của bà và khiến mọi người chú ý. Khi còn là một thanh niên, bà đã giành được sự kính trọng của cộng đồng bằng lòng gan dạ của mình. Khi là một bà cụ, bà nhận được lòng kính trọng vì sự dịu dàng mà bà làm phong phú cho sự tự do và tình cảm của họ. Bà Giuđitha không phải là một người hưu trí sống trong sự trống rỗng nó mang đến một cách u sầu: bà là một người phụ nữ trưởng thành đầy nhiệt huyết và luôn lấp đầy thời gian Chúa ban cho bà với những ân tứ. Trong những ngày này, hãy nhớ cầm lấy quyển Kinh thánh và đọc Sách bà Giuđitha: nó rất ngắn, anh chị em có thể đọc nó… nó dài mười trang, không hơn. Hãy đọc câu chuyện về một người phụ nữ can đảm với kết cục theo con đường này, với sự dịu dàng, độ lượng, một người phụ nữ đáng kính trọng. Và đây là cách mà tôi muốn tất cả những người bà của chúng ta trở nên: can đảm, khôn ngoan, và để lại cho chúng ta không phải là tiền bạc, mà là di sản của sự khôn ngoan, gieo trồng nơi con cháu của họ. Cảm ơn anh chị em.

______________________________________

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha

Tôi xin gửi suy nghĩ đặc biệt tới người dân Sri Lanka, đặc biệt là các bạn trẻ trong thời gian gần đây đã nói lên tiếng nói của mình khi đối mặt với những thách thức cũng như các vấn đề kinh tế và xã hội của đất nước. Tôi cùng với các nhà lãnh đạo tôn giáo kêu gọi tất cả các bên liên quan duy trì cách tiếp cận hòa bình, không nhượng bộ bạo lực. Tôi kêu gọi tất cả những người có trách nhiệm hãy lắng nghe nguyện vọng của người dân, bảo đảm việc tôn trọng đầy đủ các quyền con người và quyền tự do công dân.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/5/2022]