Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2019

Đức Thánh Cha Phanxico kêu gọi ‘chủ nghĩa tư bản bao gồm’

Đức Thánh Cha Phanxico kêu gọi ‘chủ nghĩa tư bản bao gồm’
Đức Thánh Cha Phanxico với các Thành viên của Council For Inclusive Capitalism. © Vatican Media

Đức Thánh Cha Phanxico kêu gọi ‘chủ nghĩa tư bản bao gồm’

Sự nguy hiểm của Văn hóa ‘lãng phí’

11 tháng Mười Một, 2019 17:19

Ngày 11 tháng Mười Một năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxico lặp lại lời kêu gọi “một chủ nghĩa tư bản bao gồm” để loại trừ nạn đói và cho phép mọi người được hưởng lợi từ sự phát triển. Và có sự nguy hiểm tiềm ẩn trong một văn hóa “lãng phí.”

Những ý kiến của ngài làm thỏa mãn người nghe trong Điện Tông tòa Vatican trong buổi tiếp kiến các thành viên của Council for Inclusive Capitalism (tạm dịch: Hội đồng Chủ nghĩa Tư bản Bao gồm). Đây là nhóm người ủng hộ thông điệp của ngài.

“Một cái nhìn thoáng qua trong lịch sử gần đây, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cho chúng ta thấy rằng một hệ thống kinh tế khỏe mạnh không thể dựa trên những lợi nhuận ngắn hạn với cái giá phải trả cho sự phát triển và đầu tư thuộc sản xuất, tính bền vững và trách nhiệm xã hội lâu dài,” Đức Thánh Cha nhắc lại. “Các mức độ gia tăng nạn đói trên phạm vi toàn cầu chứng minh cho thấy sự lan tràn của tình trạng bất bình đẳng, hơn là một sự hội nhập hài hòa của con người và các dân tộc.”

Trích dẫn Tông huấn Laudato Si’ của ngài, và những tư tưởng của Thánh Giáo hoàng Phaolo VI, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng sự phát triển không chỉ gồm riêng trong sự phát triển kinh tế. Ngài nói nền kinh tế phải “có đạo đức” và cho phép sự phát triển của mỗi con người.

Đức Phanxico nói, “Như Đấng tiền nhiệm của tôi là Thánh Phaolo VI nhắc nhở chúng ta, sự phát triển đích thực không thể bị giới hạn riêng trong phát triển kinh tế, nhưng phải thúc đẩy sự phát triển của mỗi nhân vị và trọn vẹn nhân vị (x. Populorum Progressio, 14). Điều này có ý nghĩa nhiều hơn việc cân đối ngân sách, cải thiện cơ sở hạ tầng hoặc cung cấp mở rộng lượng hàng hóa tiêu dùng. Nó bao gồm việc phục hồi, làm trong sạch, và củng cố những mô hình kinh tế vững chắc đặt nền tảng trên sự hoán cải và lòng quảng đại của chúng ta đối với những người thiếu thốn.

“Một hệ thống kinh tế tách mình ra khỏi những quan tâm về đạo đức sẽ không mang đến một trật tự xã hội công bằng hơn, nhưng sẽ dẫn đến một văn hóa ‘loại bỏ’ của sự hưởng thụ và lãng phí. Về mặt khác, khi chúng ta chân nhận chiều kích đạo đức của đời sống kinh tế, nó là một trong nhiều khía cạnh của giáo lý xã hội của Giáo hội phải được tôn trọng trọn vẹn, chúng ta có thể hành động trong tình bác ái huynh đệ, khao khát, tìm kiếm và bảo vệ thiện ích của tha nhân và sự phát triển toàn diện của họ.”



Diễn từ của Đức Thánh Cha

Thưa Đức Hồng y,

Thưa anh chị em,

Tôi xin gửi lời chào thân ái đến từng anh chị em tham dự trong buổi họp của các thành viên của Hội đồng Council for Inclusive Capitalism. Tôi xin cảm ơn Đức Hồng y Phê-rô Turkson vì những lời chia sẻ của ngài.

Trong cuộc họp của tôi cách đây ba năm với các tham dự viên trong Diễn đàn Toàn cầu Fortune-Time Global Forum 2016, tôi nói đến sự cần thiết phải có những mô hình kinh tế bao gồm và công bằng cho phép mỗi người được chia sẻ các nguồn tài nguyên của thế giới này và có những cơ hội để thực hiện khả năng tiềm ẩn của mình. Diễn đàn 2016 tạo ra cơ hội trao đổi những ý tưởng và thông tin hướng đến việc tạo ra một nền kinh tế nhân văn hơn và góp phần xóa bỏ nạn đói trên phạm vi toàn cầu.

Hội đồng của quý vị đây là một trong những kết quả của Diễn đàn 2016 đó. Quý vị đã đón nhận lấy thách thức để làm hiện thực tầm nhìn của Diễn đàn bằng cách tìm ra những con đường để xây dựng chủ nghĩa tư bản trở thành một công cụ bao gồm hơn cho sự thịnh vượng toàn diện của con người. Việc này đòi hỏi phải vượt qua một nền kinh tế loại bỏ và giảm bớt khoảng cách tách biệt giữa đa phần dân số với sự thịnh vượng của số ít người được hưởng (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 53-55). Các mức độ gia tăng nạn đói trên phạm vi toàn cầu chứng minh cho thấy sự lan tràn của tình trạng bất bình đẳng, hơn là một sự hội nhập hài hòa của con người và các dân tộc. Một hệ thống kinh tế công bằng, đáng tin cậy và đủ khả năng để giải quyết những thách thức sâu sắc nhất mà nhân loại và hành tinh chúng ta đang phải đối mặt là vô cùng cấp bách. Tôi động viên quý vị hãy kiên trì trên con đường đoàn kết quảng đại và làm việc để đưa ngành kinh tế và tài chính trở lại với bước tiếp cận đạo đức ưu tiên cho con người (x. nt., 58).

Một cái nhìn thoáng qua trong lịch sử gần đây, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cho chúng ta thấy rằng một hệ thống kinh tế khỏe mạnh không thể dựa trên những lợi nhuận ngắn hạn với cái giá phải trả cho sự phát triển và đầu tư thuộc sản xuất, tính bền vững và trách nhiệm xã hội lâu dài.

Sự thật là “kinh doanh là một ơn gọi cao cả, hướng đến việc tạo ra tài sản và cải thiện thế giới của chúng ta. Nó có thể là một nguồn hiệu quả tạo sự phồn vinh cho những khu vực nó hoạt động, đặc biệt nếu nó nhìn đến việc tạo ra việc làm như là một phần quan trọng cho sự phục vụ ích chung” (Tông huấn Laudato Si’, 129). Tuy nhiên, như Như Đấng tiền nhiệm của tôi là Thánh Phaolo VI nhắc nhở chúng ta, sự phát triển đích thực không thể bị giới hạn riêng trong phát triển kinh tế, nhưng phải thúc đẩy sự phát triển của mỗi nhân vị và trọn vẹn nhân vị (x. Populorum Progressio, 14). Điều này có ý nghĩa nhiều hơn việc cân đối ngân sách, cải thiện cơ sở hạ tầng hoặc cung cấp mở rộng lượng hàng hóa tiêu dùng. Nó bao gồm việc phục hồi, làm trong sạch, và củng cố những mô hình kinh tế vững chắc đặt nền tảng trên sự hoán cải và lòng quảng đại của chúng ta đối với những người thiếu thốn. Một hệ thống kinh tế tách mình ra khỏi những quan tâm về đạo đức sẽ không mang đến một trật tự xã hội công bằng hơn, nhưng sẽ dẫn đến một văn hóa “loại bỏ” của sự hưởng thụ và lãng phí. Về mặt khác, khi chúng ta chân nhận chiều kích đạo đức của đời sống kinh tế, nó là một trong nhiều khía cạnh của giáo lý xã hội của Giáo hội phải được tôn trọng trọn vẹn, chúng ta có thể hành động trong tình bác ái huynh đệ, khao khát, tìm kiếm và bảo vệ thiện ích của tha nhân và sự phát triển toàn diện của họ.

Các bạn thân mến, các bạn đã đặt ra trước mặt mình mục tiêu mở rộng những cơ hội và ích lợi của hệ thống kinh tế của chúng ta cho tất cả mọi người. Những nỗ lực của các bạn nhắc chúng ta rằng những người gắn kết trong đời sống kinh doanh và kinh tế đích thực có, hay như thường được nói là mang trong mình, ơn gọi cao quý, ơn gọi phục vụ ích chung qua việc cố gắng gia tăng tài sản cho thế giới này và làm cho chúng trở nên dễ tiếp cận hơn cho tất cả mọi người (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 203). Cuối cùng, nó không đơn giản chỉ là vấn đề “có nhiều hơn,” nhưng là “trở nên nhiều hơn”. Điều cần thiết là một sự đổi mới căn bản của tâm hồn và trí óc để nhân vị luôn có thể được đặt vào trung tâm của đời sống xã hội, văn hóa và kinh tế.

Vì vậy sự hiện diện của các bạn ở đây là một dấu chỉ hy vọng vì các bạn đã nhận ra các vấn đề mà thế giới chúng ta đang đối mặt và mệnh lệnh phải hành động dứt khoát để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Tôi xin bày tỏ lòng tri ân chân thành trước cam kết của các bạn nhằm thúc đẩy một nền kinh tế công bằng và nhân đạo hơn, phù hợp với những nguyên tắc cốt lõi của giáo huấn xã hội của Giáo hội, luôn suy xét đến trọn vẹn nhân vị, cho cả thế hệ hiện tại và những người sẽ đến sau. Một chủ nghĩa tư bản bao gồm không bỏ rơi người nào phía sau, không gạt bỏ bất cứ người anh chị em nào của chúng ta, là một khát khao cao thượng, xứng đáng trong những nỗ lực cao đẹp của các bạn.

Tôi cảm ơn các bạn về cuộc họp này và tôi đồng hành với các bạn trong lời cầu nguyện. Tôi khẩn xin ơn khôn ngoan, sức mạnh, và bình an của Chúa đổ xuống trên tất cả các bạn, gia đình các bạn và đồng nghiệp của các bạn. Và tôi xin các bạn hãy cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn các bạn.

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/11/2019]


Hội nghị quốc tế tại Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học

Hội nghị quốc tế tại Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học
Casina Pio IV, Seat Of The Pontifical Academy Of Sciences © Twitter

Hội nghị quốc tế tại Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học

Giảm lãng phí và thất thoát lương thực

06 tháng Mười Một, 2019 17:45

Từ ngày 11-12 tháng Mười Một, Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học chủ tọa một hội nghị quốc tế tại Biệt thự Casina Pio IV của Vatican về chuyên đề giảm lãng phí và thất thoát lương thực, với sự tham dự của trên 57 chuyên gia đến từ khắp thế giới, đại diện cho các tổ chức liên chính phủ, khu vực tư nhân, và nhiều nền tảng tôn giáo khác nhau.

Hội nghị được khởi đầu từ hai động cơ. Trước hết, giảm thiểu số lương thực giàu dinh dưỡng bị mất đi trong quá trình sản xuất, chế biến và phân phối hoặc lãng phí là một ưu tiên toàn cầu, được trân trọng nêu ra trong Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 12 của Liên Hợp quốc. Thứ hai, trong Tông huấn Laudato si (Chúc tụng Chúa),’ Đức Thánh Cha Phanxico kêu gọi những thay đổi trên toàn cầu để vượt qua được “văn hóa loại bỏ”. Sự lãng phí và thất thoát lương thực là một vấn đề đạo đức. Nó rất có hại cho hành tinh vì những sự phát thải khí nhà kính và lãng phí nước và đất đai như là những nguyên nhân góp phần, và con người – đặc biệt là người nghèo – với sức lao động bị lãng phí và những sinh kế của họ bị thỏa hiệp khi FLW (food loss and waste: lãng phí và thất thoát lương thực) xảy ra.

Thông qua hội nghị này, Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học nhắm đến việc tiếp cận với những cộng đồng khác nhau để có thể mở rộng liên minh cần thiết để giải quyết thách thức về sự lãng phí và thất thoát lương thực.

Những mục tiêu then chốt của hội nghị là:

1) Chia sẻ bằng chứng khoa học mới nhất về cách giảm thiểu sự thất thoát và lãng phí lương thực (FLW) và từ đó góp phần vào an ninh lương thực toàn cầu;

2) Đưa ra những đề xuất cho các hoạt động mở rộng toàn cầu và quốc gia, bao gồm những sự đầu tư công và tư và những sáng kiến của công dân, các tập đoàn, các chính phủ, và những tổ chức quốc tế; và để

3) Mở rộng liên minh những nhân tố cần thiết để thực hiện những cải thiện quan trọng hơn trên toàn thế giới nhằm giảm thiểu FLW.

Để hoàn thành những mục tiêu này, hội nghị tập trung trước hết vào việc xác định rõ sự lãng phí và thất thoát lương thực, đồng thời chấp nhận bước tiếp cận hệ thống. Khi xem xét đến tầm mức rộng lớn của thách thức lãng phí và thất thoát lương thực, tổng kết về số lượng những loại lương thực khác nhau không phù hợp; thì không chỉ khối lượng nhưng cả những chi phí về kinh tế và môi trường của lương thực bị lãng phí và thất thoát cũng phải được cân nhắc. Hội nghị mời gọi các nhà lãnh đạo cấp cao trong các lĩnh vực nghiên cứu những phương pháp mới nhất để đo lường các mặt thuộc kinh tế, nhiệt, hoặc điều chỉnh chất lượng.

Hơn nữa, sự giảm thiểu lãng phí và thất thoát lương thực có những ích lợi khổng lồ và kể cả những chi phí, và không được bỏ qua những chi phí này khi nhắm đến những giải pháp hiệu quả. Những ích lợi và chi phí phải tính toán đến kết quả môi trường và an ninh lương thực. Cũng cần phải nhớ rằng những hiện tượng này phải được gắn chặt trong bối cảnh của các hệ thống lương thực rộng lớn. Để đạt mục tiêu này, phải làm nổi bật mạng lưới Inter-Academy Partnership (tạm dịch: quan hệ đối tác liên viện) để nâng cao sự hiểu biết về việc thay đổi các hệ thống lương thực như là một ưu tiên trong nghiên cứu toàn cầu mới đây của họ, “Những cơ hội và thách thức cho việc nghiên cứu về an ninh lương thực và dinh dưỡng và nông nghiệp” (2018), và đề xuất những điểm ưu tiên cho việc nghiên cứu về thể chế và công nghệ đối với việc giảm thiểu FLW.

Sự thành công trong việc thực hiện được Mục tiêu Phát triển Bền vững 12.3 đòi hỏi những biện pháp thúc đẩy giáo dục và ý thức, thay đổi thái độ, một sự đối thoại toàn cầu được đổi mới, và hành động kết hợp toàn thế giới. Cuối cùng, chúng ta cần phải xây dựng những động cơ để ngành kinh doanh khắc phục được sự lãng phí và thất thoát và chuyển sang những mô hình tiêu dùng bền vững hơn. Hội nghị cung cấp một cơ hội cho các nhà lãnh đạo toàn cầu nhìn thấy những cơ hội đang nổi lên trước và sau mùa thu hoạch và những sự đổi mới khác cần phải được phát triển để hạn chế thách thức của sự lãng phí và thất thoát lương thực. Thời điểm hành động là ngay bây giờ.

Những hoạt động giảm thiểu sự lãng phí và thất thoát lương thực đã được lên kế hoạch hoặc thực hiện ở nhiều quốc gia, nhưng cho đến nay chúng vẫn chưa tạo ra được sức ảnh hưởng đủ rộng toàn cầu và học hỏi chung. Những hoạt động nhiều triển vọng nhất có thể được và phải được thúc đẩy mạnh.

Qua việc tập họp một nhóm các nhà lãnh đạo nổi bật, gắn kết tích cực trong vấn đề này từ giới học viện, các cộng đồng tôn giáo, khu vực tư nhân, chính phủ, xã hội dân sự, và Liên Hợp quốc (UN), Hàn lâm viện Giáo hoàng nhắm đến việc tạo ra một không gian đa học thuật cho việc phân tích và chia sẻ kiến thức và những giải pháp trọng tâm. Hội nghị này sẽ đào sâu cam kết hành động hướng đến việc giảm một nửa khối lượng lãng phí và thất thoát lương thực vào năm 2030. Những hoạt động này sẽ góp phần cải thiện sự sung túc của con người và hành tinh.

Kết quả mong chờ của hội nghị này đưa ra là:

  1. Một tuyên bố kêu gọi chính sách công kết hợp và hoạt động khu vực tư nhân để đưa ra những ưu tiên ở các mức độ toàn cầu, khu vực, quốc gia, và đoàn thể; cam kết đo lường và báo cáo về những số liệu thống kê FLW; và gia tăng, sắp xếp, và phối hợp tốt các đầu tư.
  2. Một nỗ lực truyền thông phối hợp để đẩy mạnh ý thức về vấn đề FLW trên phương tiện truyền thông và huy động xã hội dân sự, các Giáo hội và những cộng đồng tôn giáo để gắn kết những nỗ lực giảm thiểu FLW với các tín đồ và thành viên của họ; và
  3. Một lộ trình hướng đến chương trình hành động toàn cầu và những cam kết then chốt để giải quyết những khoảng trống về kiến thức và nghiên cứu hiện hữu và thúc đẩy những giải pháp thực tiễn và đầu tư để làm hiện thực hóa Mục tiêu Phát triển Bền vững 12.3.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/11/2019]