Thứ Hai, 7 tháng 11, 2022

Chuyến tông du của ĐTC đến Bahrain - Thánh Lễ tại sân vận động Quốc gia Bahrain - “Luôn luôn yêu thương và yêu thương mọi người”

“Luôn luôn yêu thương và yêu thương mọi người”

Bài giảng Lễ của Đức Thánh Cha tại Sân vận động Quốc gia Bahrain

Chuyến tông du của ĐTC đến Bahrain - Thánh Lễ tại sân vận động Quốc gia Bahrain - “Luôn luôn yêu thương và yêu thương mọi người”

Vatican Media


*******

Thánh Lễ trong Sân Vận động Quốc gia Bahrain

Sáng nay, Đức Thánh Cha Phanxicô rời nơi ở của Giáo hoàng và đi xe đến Sân vận động Quốc gia Bahrain để dâng Lễ.

Khi đến nơi, sau khi chuyển sang xe giáo hoàng và chạy vài vòng giữa các tín hữu để vẫy chào, lúc 8:30 sáng (6:30 sáng theo giờ Roma), Đức Thánh Cha chủ tế Thánh Lễ cầu nguyện cho Hòa bình và Công lý.

Trong Thánh Lễ, sau phần công bố Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có bài giảng.

Cuối Thánh lễ, sau lời chào mừng của vị Giám quản Tông Tòa thuộc Khu Tông tòa Bắc Arabia là Đức cha Paul Hinder, O.F.M. Cap., Giám mục Hiệu tòa của Macon, và ban phép lành cuối Lễ, Đức Thánh Cha trở về Nơi ở của Giáo hoàng bằng xe hơi, tại đây ngài dùng bữa trưa riêng.

Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ:

______________________________________________________

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Tiên tri Isaia nói về Đấng Mêsia mà Thiên Chúa sẽ cho trỗi dậy, “Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận” (Is 9:6). Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn: trong bối cảnh thế giới, chúng ta thường thấy rằng quyền lực càng được tìm kiếm thì nền hòa bình càng bị đe dọa. Thay vào đó, ngôn sứ loan báo tin phi thường: Đấng Mêsia đến sẽ thực sự đầy quyền năng, không phải theo cách của một người tướng gây chiến và cai trị người khác, nhưng như là “vị Hoàng tử của Hòa bình” (câu 5), người hòa giải con người với Thiên Chúa và với nhau. Quyền bính lớn lao của Người không đến từ sức mạnh của bạo lực, mà đến từ sự yếu đuối của tình yêu. Và đây là quyền bính của Đức Kitô: đó là tình yêu. Chúa Giêsu ban cho chúng ta cùng một sức mạnh đó, sức mạnh để yêu, yêu nhân danh Chúa, yêu như Chúa yêu. Như thế nào? Một cách vô điều kiện. Không chỉ khi mọi thứ diễn ra tốt đẹp và chúng ta cảm thấy yêu thương, mà là luôn luôn. Không chỉ đối với bạn bè và người thân cận của chúng ta, mà đối với tất cả mọi người, kể cả kẻ thù của chúng ta. Luôn luôn và với tất cả mọi người.

Luôn luôn yêu thương và yêu thương mọi người: chúng ta cùng dừng lại và suy tư về điều này.

Trước hết, lời của Chúa Giêsu hôm nay (x. Mt 5:38-48) mời gọi chúng ta luôn yêu thương, nghĩa là luôn ở trong tình yêu của Người, vun đắp tình yêu ấy và đem ra thực hành, dù chúng ta đang sống trong hoàn cảnh nào. Tuy vậy, hãy lưu ý rằng tầm nhìn của Chúa Giêsu là hoàn toàn thực tế; Chúa không nói rằng điều đó sẽ dễ dàng, và Ngài không nói về thứ tình cảm ủy mị hay tình yêu lãng mạn, như thể trong những mối quan hệ của con người chúng ta sẽ không có bất kỳ giây phút xung khắc nào hoặc không có sự thù địch giữa các dân tộc. Chúa Giêsu không lý tưởng hóa, nhưng là thực tế: Ngài nói cách dứt khoát về “sự dữ” và “kẻ thù” (câu 38, 43). Chúa biết rằng trong các mối quan hệ của chúng ta, có một cuộc đấu tranh hàng ngày giữa yêu thương và thù hận. Trong lòng chúng ta cũng vậy, có một cuộc đụng độ hàng ngày giữa ánh sáng và bóng tối: giữa nhiều điều quyết tâm và ước muốn của chúng ta, và sự yếu đuối tội lỗi thường lấn lướt và lôi kéo chúng ta làm điều xấu. Chúa cũng biết rằng, trước tất cả những nỗ lực quảng đại của chúng ta, không phải chúng ta luôn nhận lại được điều tốt đẹp mà chúng ta mong đợi, nhưng quả thật đôi khi, theo cách không thể hiểu được, chúng ta phải chịu đựng những sự dữ. Hơn thế nữa, Chúa đau khổ khi nhìn thấy những cách thực thi quyền lực dựa trên sự áp bức và bạo lực trong thời đại của chúng ta và ở nhiều nơi trên thế giới, tìm cách mở rộng không gian riêng của họ bằng cách hạn chế không gian của người khác, áp đặt sự thống trị của họ và hạn chế những quyền tự do căn bản, và áp bức những người yếu thế theo cách này. Và như vậy, Chúa Giêsu nói, xung đột, áp bức và thù địch tồn tại giữa chúng ta.

Vì vậy, câu hỏi quan trọng cần đặt ra là: Chúng ta phải làm gì trong những tình huống như vậy? Câu trả lời của Chúa Giêsu thật đáng ngạc nhiên, táo bạo và dũng cảm. Chúa nói với các môn đệ hãy tìm lòng can đảm để mạo hiểm một điều gì đó có vẻ như chắc chắn sẽ thất bại. Chúa yêu cầu họ luôn luôn trung tín ở trong tình yêu, bất chấp mọi điều, cho dù phải đối mặt với sự dữ và kẻ thù của chúng ta. Phản ứng thuần túy mang tính con người sẽ giới hạn chúng ta trong việc tìm cách “mắt đền mắt, răng đền răng”, nhưng đó sẽ là việc giành công lý bằng cách sử dụng cùng một loại vũ khí độc ác đã được sử dụng đối với chúng ta. Chúa Giêsu mạnh dạn đề xuất một điều gì đó mới mẻ, khác biệt, không thể tưởng tượng được, một điều gì đó theo cách riêng của Chúa. “Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (c. 39). Đó là điều Chúa yêu cầu nơi chúng ta: không mơ mộng cách lý tưởng về một thế giới huynh đệ, nhưng hãy chọn thực hành tình huynh đệ phổ quát cách cụ thể và can đảm, bắt đầu từ chính chúng ta, kiên trì làm việc thiện ngay cả khi chúng ta gặp những điều ác, phá vỡ vòng xoáy của sự báo thù, giải giáp bạo lực, phi quân sự tâm hồn. Thánh Tông đồ Phaolô nhắc lại lời Chúa Giêsu khi ngài viết, “Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12:21).

Những gì Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta thực hiện không liên quan chủ yếu đến những vấn đề lớn của nhân loại, mà là những tình huống cụ thể trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta: các mối quan hệ của chúng ta trong gia đình và trong cộng đoàn Kitô hữu, nơi làm việc và ngoài xã hội. Sẽ có những trường hợp xích mích và những lúc căng thẳng, sẽ có những xung đột và quan điểm đối lập, nhưng những ai đi theo vị Thái tử Hòa bình phải luôn nỗ lực vì hòa bình. Và hòa bình không thể được phục hồi nếu một lời nói cay nghiệt được đáp trả bằng một lời còn thậm tệ hơn, nếu một cái tát này dẫn đến một cái tát khác. Không, chúng ta phải “giải giáp”, phải phá vỡ xiềng xích của cái ác, phá vỡ vòng xoáy của bạo lực, và chấm dứt sự phẫn uất, phàn nàn và tự thán. Chúng ta cần phải tiếp tục yêu thương, luôn luôn. Đây là cách Chúa Giêsu mang vinh quang đến cho Thiên Chúa và xây dựng hòa bình trên mặt đất. Luôn luôn yêu thương.

Bây giờ chúng ta đến với khía cạnh thứ hai: yêu thương mọi người. Chúng ta có thể cam kết yêu thương, nhưng vẫn chưa đủ nếu chúng ta hạn chế cam kết này trong khuôn khổ của những người yêu thương chúng ta, những người bạn, những người giống như chúng ta hoặc những người thân trong gia đình của chúng ta. Một lần nữa, những gì Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta làm thật đáng kinh ngạc vì nó vượt qua những ranh giới của luật pháp và lẽ thường. Yêu thương người lân cận, những người thân thiết, dù là hợp lý, cũng là đủ mệt. Nói chung, đây là điều mà một cộng đồng hoặc một dân tộc cố gắng làm để giữ gìn hòa bình nội bộ của mình. Nếu mọi người thuộc cùng một gia đình hoặc một dân tộc, hoặc có cùng ý tưởng hoặc sở thích và tuyên bố cùng một niềm tin, thì việc họ cố gắng giúp đỡ và yêu thương nhau là điều bình thường. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu những người từ rất xa đến với chúng ta, nếu những người nước ngoài, những người khác biệt hoặc có niềm tin khác, trở thành hàng xóm của chúng ta? Chính mảnh đất này là một hình ảnh sống động của việc chung sống trong sự đa dạng, và thực sự là một hình ảnh của thế giới chúng ta, ngày càng được ghi đậm dấu bởi sự di cư liên tục của các dân tộc và bởi sự đa dạng về ý tưởng, phong tục và truyền thống. Vậy, điều quan trọng là phải chấp nhận thử thách của Chúa Giêsu: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 5:46). Nếu chúng ta muốn trở thành con cái của Chúa Cha và xây dựng một thế giới của những người anh chị em, thì thách đố thực sự đó là học cách yêu thương mọi người, ngay cả với kẻ thù của chúng ta: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (câu 43-44). Nói một cách cụ thể, điều này có nghĩa là chọn cách không có kẻ thù, chọn cách nhìn người khác không phải là một trở ngại cần vượt qua, mà là một người anh em hoặc chị em để được yêu thương. Yêu kẻ thù của chúng ta là làm cho trái đất này trở thành hình ảnh phản chiếu của nước trời; đó là thu hút ánh mắt và trái tim của Chúa Cha bao trùm trên thế giới chúng ta. Người là Đấng không phân biệt hay kỳ thị, nhưng “cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (v. 45).

Thưa anh chị em, sức mạnh của Chúa Giêsu là tình yêu. Chúa Giêsu ban cho chúng ta sức mạnh để yêu thương theo cách này, điều mà đối với chúng ta dường như là siêu phàm. Tuy nhiên, khả năng này không đơn thuần là kết quả của những nỗ lực của chúng ta; nó chính là hoa trái ân sủng của Thiên Chúa. Một ân sủng cần phải được cầu xin tha thiết: “Lạy Chúa Giêsu, Người yêu thương con, xin dạy con biết yêu như Chúa yêu. Lạy Chúa Giêsu, Người tha thứ cho con, xin dạy con biết tha thứ như Chúa. Xin hãy sai Thần Khí của Người, Thần Khí yêu thương, ngự xuống trên con.” Chúng ta hãy cầu xin ân sủng này. Chúng ta rất thường xuyên dâng lên những lời cầu xin trước mặt Chúa, nhưng điều cần thiết đối với người Kitô hữu chúng ta là biết yêu thương như Chúa Kitô. Món quà lớn nhất của Chúa là khả năng yêu thương, và đó là những gì chúng ta nhận được khi dành không gian cho Chúa trong lời cầu nguyện, khi chúng ta chào đón sự hiện diện của Chúa trong lời biến đổi của Ngài và trong sự khiêm nhường mang tính cách mạng của tấm Bánh bẻ ra của Ngài. Từ đó, những bức tường làm chai cứng tâm hồn chúng ta sẽ dần dần sụp đổ, và chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui khi thực hiện những công việc của lòng thương xót đối với mọi người. Để rồi chúng ta nhận ra rằng hạnh phúc trong cuộc sống có được nhờ các Mối Phúc và bao hàm trong việc chúng ta trở thành những người kiến ​​tạo hòa bình (x. Mt 5:9).

Anh chị em thân mến, hôm nay cha cảm ơn anh chị em đã làm chứng tá cách dịu dàng và vui tươi cho tình huynh đệ, vì anh chị em đã là hạt giống của tình yêu và hòa bình trên mảnh đất này. Đó là thách đố mà Tin Mừng đưa ra mỗi ngày cho các cộng đoàn Kitô hữu chúng ta và cho mỗi người chúng ta. Gửi đến anh chị em, đến tất cả những ai tham dự Thánh lễ này từ bốn quốc gia thuộc Hạt Đại diện Tông Tòa Bắc Arabia – Bahrain, Kuwait, Qatar, Ả Rập Xê-út và các quốc gia khác trong Vùng Vịnh, và từ những nơi khác – hôm nay cha mang đến tình cảm và sự gần gũi của Giáo hội hoàn vũ hướng về anh chị em và ôm lấy anh chị em, yêu thương và động viên anh chị em. Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đức Mẹ Ả Rập, đồng hành với anh chị em trong cuộc hành trình và luôn gìn giữ anh chị em trong tình yêu đối với tất cả mọi người.


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/11/2022]


Chuyến tông du của ĐTC đến Bahrain = Đức Thánh Cha: “Thượng Đế Hòa bình không bao giờ dẫn đến chiến tranh”

Đức Thánh Cha: “Thượng Đế Hòa bình không bao giờ dẫn đến chiến tranh”

Gặp gỡ các Thành viên Hội đồng Trưởng lão Hồi giáo

Chuyến tông du của ĐTC đến Bahrain = Đức Thánh Cha: “Thượng Đế Hòa bình không bao giờ dẫn đến chiến tranh”

Vatican Media


*******

Chiều nay, lúc 4:00 chiều. (2:00 chiều giờ Roma), Đức Thánh Cha Phanxicô có cuộc gặp riêng Đức Ahmad Al-Tayyeb, Đại Imam của ĐH Al-Azhar, Chủ tịch Hội đồng Trưởng lão Hồi giáo tại một hội trường trong nơi ở của Giáo hoàng. Sau đó, lúc 4:30 chiều (2h30 tối giờ Roma), họ cùng di chuyển đến Đền thờ Cung điện Hoàng gia Sakhir để tham dự cuộc họp với các thành viên của Hội đồng Trưởng lão Hồi giáo.

Khi đến, Đức Thánh Cha và Đức Đại Imam của ĐH Al-Azhar được chào đón tại lối vào của Đền thờ bởi Chủ tịch Hội đồng Tối cao về Các vấn đề Hồi giáo và Thành viên của Hội đồng Trưởng lão Hồi giáo và Tổng thư ký, Ủy viên Hội đồng Mohamed Abdelsalam.

Sau khi tiến vào Đền thờ và chào các Phái đoàn, hai trích đoạn ngắn trong Kinh Koran và Sách Sáng thế được đọc lên. Tiếp theo sau lời giới thiệu của Tổng thư ký Hội đồng Trưởng lão Hồi giáo, các bài phát biểu của Đại diện Phái đoàn Vatican, Đức Hồng y Miguel Ángel Ayuso Guixot, M.C.J., Tổng trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn, và Đại diện Hội đồng Trưởng lão Hồi giáo, Tiến sĩ Muhammad Quraish Shihab và là Đại Imam của ĐH Al-Azhar, Đức Thánh Cha đã đọc bài diễn từ của ngài.

Cuối buổi gặp gỡ, sau lời chào mừng các Thành viên của Hội đồng Trưởng lão Hồi giáo, Đức Thánh Cha di chuyển bằng xe hơi đến Nhà thờ Đức Bà Arabia để dự buổi Họp Đại kết và Cầu nguyện cho Hòa bình.

Sau đây là diễn từ của Đức Thánh Cha trong buổi gặp gỡ với các thành viên của Hội đồng Trưởng lão Hồi giáo:

__________________________________________________

Diễn từ trước các Thành viên của Hội đồng Trưởng lão Hồi giáo

Thưa Hiền huynh, Tiến sĩ Ahmad Al-Tayyeb, Đại Imam của ĐH Al-Azhar,

Thưa quý Thành viên của Hội đồng Trưởng lão Hồi giáo,

Thưa các bạn,

As-salamu alaikum!

Tôi xin gửi đến quý vị lời chào thân ái và bày tỏ niềm hy vọng cầu nguyện rằng hòa bình của Đấng Tối Cao tuôn đổ xuống trên từng người quý vị: trên quý vị là những người mong muốn thúc đẩy sự hòa giải để tránh những chia rẽ và xung đột trong các cộng đồng Hồi giáo; trên quý vị là những người nhìn thấy trong chủ nghĩa cực đoan một mối nguy hiểm làm mục ruỗng tôn giáo chân chính; trên quý vị là những người cam kết xóa bỏ những cách diễn giải sai lầm mà qua đó bạo lực đã bị hiểu sai, bị khai thác và làm trái với niềm tin tôn giáo. Cầu mong hòa bình sẽ đến và ngự trị trên quý vị: trên quý vị là những người mong muốn truyền bá hòa bình bằng cách làm thấm nhuần trong tâm hồn mọi người các giá trị của sự tôn trọng, khoan dung và tiết độ; trên quý vị là những người tìm cách khuyến khích các mối quan hệ bạn bè, tôn trọng và tin tưởng những người, như tôi, là tín đồ của một truyền thống tôn giáo khác; thưa anh chị em, trên quý vị là những người cố gắng cung cấp cho lớp người trẻ một nền giáo dục đạo đức và trí tuệ chống lại mọi hình thức thù hận và bất khoan dung. As-salamu alaikum!

Thượng Đế là nguồn cội của hòa bình. Cầu xin Người làm cho chúng ta trở thành những kênh truyền tải hòa bình của Người ở khắp mọi nơi! Ở đây, trước sự hiện diện của quý vị, một lần nữa tôi muốn khẳng định rằng Thượng Đế Hòa bình không bao giờ mang đến chiến tranh, không bao giờ kích động hận thù, không bao giờ ủng hộ bạo lực. Chúng ta, những người tin tưởng vào Người, được kêu gọi thúc đẩy hòa bình bằng những công cụ hòa bình, chẳng hạn như gặp gỡ, kiên nhẫn đàm phán và đối thoại, đó là dưỡng khí của sự chung sống hòa bình. Trong các mục tiêu của quý vị là việc truyền bá văn hóa hòa bình dựa trên công lý. Tôi muốn nói với quý vị rằng đây thực sự là đường đi, là con đường duy nhất để đi, vì hòa bình “‘là kết quả của sự công bình’ (Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 78). Hòa bình được sinh ra từ tình huynh đệ; nó phát triển thông qua sự đấu tranh chống lại bất công và bất bình đẳng; nó được xây dựng bằng cách chung tay giúp đỡ những người khác ”(Diễn từ tại buổi Đọc Tuyên ngôn sau cùng và Kết luận của Đại hội VII các nhà Lãnh đạo Tôn giáo Thế giới và Truyền thống, ngày 15 tháng Chín năm 2022). Hòa bình không thể đơn thuần ở việc công bố nó; nó phải được trợ giúp để bén rễ. Và điều này có thể thực hiện được bằng cách loại bỏ những hình thức bất bình đẳng và phân biệt đối xử làm phát sinh những bất ổn và thù địch.

Tôi cảm ơn quý vị vì những nỗ lực của quý vị trong vấn đề này, vì sự chào đón dành cho tôi, và vì những lời quý vị nói. Tôi đến giữa các quý vị với tư cách là một người tin Thượng Đế, như một người anh em và như một người hành hương hòa bình. Tôi đến giữa quý vị để chúng ta có thể cùng nhau hành trình, theo tinh thần của Thánh Phanxicô Assisi, là người từng nói: “Khi bạn công bố hòa bình bằng miệng, hãy chắc chắn rằng sự hòa bình lớn hơn đang ngự trị trong tâm hồn bạn” (The Legend of Saint Francis by the Three Companions, XIV, 58: FF 1469). Tôi rất ấn tượng khi nhìn thấy ở những miền đất này, phong tục chào đón khách không chỉ là cái bắt tay mà còn đặt tay lên trái tim của bạn như một biểu hiện của tình cảm. Dường như muốn nói: “Bạn không rời xa tôi, bạn đi vào trái tim tôi, đi vào cuộc sống của tôi”. Tôi cũng đặt tay lên trái tim của tôi với sự tôn trọng và tình cảm, khi tôi nhìn từng người trong quý vị và chúc tụng Đấng Tối Cao đã cho chúng ta có thể gặp gỡ nhau.

Tôi tin rằng chúng ta ngày càng cần phải gặp gỡ nhau, hiểu biết và quý trọng nhau, đặt thực tế lên trước ý tưởng và đặt con người lên trước ý kiến, mở rộng cho thiên đàng trước những khác biệt trên trái đất. Chúng ta cần đặt một tương lai của tình huynh đệ trước một quá khứ đối kháng, vượt qua những định kiến ​​và hiểu lầm của lịch sử nhân danh Đấng là cội nguồn của hòa bình. Quả thật, làm sao tín đồ của các tôn giáo và văn hóa khác nhau có thể sống cạnh nhau, chấp nhận và tôn trọng lẫn nhau nếu chúng ta vẫn giữ khoảng cách và tách biệt? Chúng ta hãy để mình được hướng dẫn bởi câu nói của Đức Imam Ali: “Con người có hai loại: hoặc họ là anh chị em trong tôn giáo hoặc đồng loại trong nhân loại”, và từ đó cảm nhận được tiếng gọi quan tâm đến tất cả những người mà kế hoạch nước trời đã đặt cùng với chúng ta trên thế giới. Chúng ta hãy động viên nhau “quên đi quá khứ và hiểu biết lẫn nhau cách chân thành, đồng thời giữ gìn và thúc đẩy hòa bình, tự do, công bằng xã hội và các giá trị đạo đức vì lợi ích của tất cả mọi người” (Tuyên ngôn Nostra Aetate, 3). Đây là những nhiệm vụ mà chúng ta phải gánh vác trong vai trò là những nhà lãnh đạo các tôn giáo: trong một thế giới ngày càng bị tổn thương và chia rẽ, mà bên dưới bề mặt của sự toàn cầu hóa là sự cảm nhận được những lo lắng và sợ hãi, thì các truyền thống tôn giáo lớn phải là trái tim hiệp nhất các thành viên của thân xác, linh hồn mà mang lại hy vọng và sự sống cho những khát vọng cao nhất của nó.

Trong những ngày này, tôi đã nói về sức mạnh của sự sống tồn tại trong những sa mạc khô cằn nhất bằng cách hút các dòng nước của sự gặp gỡ và chung sống hòa bình. Hôm qua tôi làm việc đó bằng cách đề cập đến “Cây sự sống” rất đặc biệt được tìm thấy ở Bahrain. Trong bài đọc Kinh Thánh mà chúng ta vừa nghe, cây sự sống được đặt ở trung tâm của khu vườn nguyên thủy, trung tâm của kế hoạch tuyệt vời của Thiên Chúa dành cho nhân loại, một thiết kế hài hòa bao trùm mọi tạo vật. Tuy nhiên, loài người đã quay lưng lại với Đấng Tạo Hóa và trật tự mà Ngài đã thiết lập, và đó là khởi đầu của những vấn đề và sự mất cân bằng nhanh chóng nối tiếp nhau, theo trích đoạn trong Kinh thánh. Những cuộc cãi vã và sát hại giữa anh em (x. St 4); những biến động và thảm họa môi trường (x. St 6-9), lòng kiêu ngạo và xung đột xã hội (x. St 11)… Nói một cách ngắn gọn, một trận lũ của sự dữ và chết chóc bùng lên từ trái tim con người, từ ngọn lửa độc ác do sự dữ rình nấp tại cánh cửa tâm hồn chúng ta (x. St 4:7), để phá hủy khu vườn hài hòa của thế giới. Tất cả những sự dữ này đều bắt nguồn từ việc chúng ta chối bỏ Thượng Đế và anh chị em của chúng ta, từ việc chúng ta không còn nhìn thấy Tác giả của sự sống và không còn xem chúng ta là người canh giữ anh em của chúng ta nữa. Do đó, hai câu hỏi mà chúng ta đã nghe vẫn còn nguyên giá trị. Một người dù tuyên xưng thuộc bất kỳ truyền thống tôn giáo nào thì hai câu hỏi đó vẫn là một thách thức đối với mọi sự sống và mọi thời đại: “Ngươi ở đâu?” (St 3:9); “Em ngươi đâu rồi?” (St 4:9).

Thưa các bạn, những người anh em trong tổ phụ Abraham và những người tin vào một Chúa duy nhất: những tội ác xã hội, quốc tế, kinh tế và cá nhân, cũng như cuộc khủng hoảng môi trường trầm trọng của thời đại mà chúng ta đã phản ánh ở đây hôm nay, cuối cùng bắt nguồn từ sự ghẻ lạnh đối với Thiên Chúa và người lân cận của chúng ta. Do đó, nhiệm vụ duy nhất và không thể bỏ qua của chúng ta là: giúp cho nhân loại khám phá lại các nguồn sống đã bị lãng quên, dẫn dắt con người uống từ những suối nguồn của sự khôn ngoan cổ xưa, và đưa các tín hữu đến gần hơn với sự thờ phượng Thượng Đế và gần gũi hơn với anh chị em của chúng ta, mà Người đã tạo dựng trái đất vì họ.

Và chúng ta có thể làm điều này bằng cách nào? Về bản chất, có hai phương tiện: cầu nguyện và tình huynh đệ. Đây là những vũ khí của chúng ta, khiêm tốn nhưng hiệu quả. Chúng ta đừng để mình bị cám dỗ bởi những phương tiện khác, bởi những con đường tắt không xứng đáng với Đấng Tối Cao, Đấng mà danh Người là Hòa bình bị làm ô nhơ bởi những kẻ đặt niềm tin vào quyền lực và nuôi dưỡng bạo lực, chiến tranh và buôn bán vũ khí, “ngành thương mại của cái chết”, thông qua các khoản chi ngày càng tăng, đang biến ngôi nhà chung của chúng ta thành một kho vũ khí khổng lồ. Có bao nhiêu mưu đồ mờ ám và những sự mâu thuẫn đáng lo ngại nằm sau tất cả những điều này! Chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ về tất cả những người buộc phải di cư ra khỏi miền đất quê hương của họ do những cuộc xung đột được trợ cấp bởi việc mua các loại vũ khí lỗi thời với giá cả phải chăng, để rồi bị nhận diện và bị quay lưng ở các biên giới khác thông qua các thiết bị quân sự ngày càng tinh vi. Bằng cách này, niềm hy vọng của họ bị giết chết hai lần! Giữa những viễn cảnh bi thảm này, trong khi thế giới đang theo đuổi các ảo tưởng về sức mạnh, quyền lực và tiền bạc, chúng ta được kêu gọi để công bố rằng Đức Chúa Trời và người lân cận đứng trước tất cả, rằng chỉ có tính siêu việt và tình huynh đệ sẽ cứu thoát chúng ta, với sự khôn ngoan của các bậc tiền bối và cha ông của chúng ta. Việc khám phá những suối nguồn sự sống này là tùy thuộc vào chúng ta; nếu không, sa mạc của nhân loại sẽ ngày càng khô cằn và chết chóc. Trên hết, chúng ta phải làm chứng nhiều hơn bằng những việc làm của chúng ta chứ không chỉ bằng lời nói, rằng chúng ta tin vào điều này, vào hai sự thật này. Trách nhiệm của chúng ta trước Chúa và trước nhân loại là rất lớn. Chúng ta phải là những tấm gương mẫu mực về những gì chúng ta rao giảng, không chỉ trong cộng đồng và trong nhà của chúng ta – vì như vậy không còn đủ nữa – mà còn trước một thế giới hiện đã hợp nhất và toàn cầu hóa. Chúng ta, những hậu duệ của tổ phụ Abraham, tổ phụ của các dân tộc trong đức tin, không thể chỉ quan tâm đến những người là “của riêng chúng ta”, nhưng khi chúng ta ngày càng hợp nhất hơn, chúng ta phải nói với toàn thể cộng đồng nhân loại, với tất cả những ai sống trên trái đất này.

Tất cả mọi con người, ước chi trong sâu thẳm tâm hồn của họ đặt những câu hỏi lớn tương tự. Là con người có ý nghĩa là gì? Tại sao có đau khổ, sự dữ, cái chết và bất công? Điều gì đang chờ đợi chúng ta sau đời sống này? Đối với nhiều người, đắm chìm trong thế giới của chủ nghĩa duy vật thực dụng và chủ nghĩa tiêu dùng làm tê liệt, những câu hỏi này ngủ im. Đối với những người khác, chúng bị đè nén bởi những tai họa của đói nghèo làm mất nhân tính. Chúng ta hãy nhìn vào cái đói và cái nghèo của ngày hôm nay. Trong số những lý do dẫn đến sự lãng quên các vấn đề thực sự quan trọng này, chúng ta phải kể đến tính lơ đễnh của chính mình, gương xấu của con người chúng ta bị cuốn vào những việc khác mà không phải là công bố Đức Chúa là Đấng ban sự bình an cho cuộc sống và sự bình an ban sự sống cho con người. Thưa anh chị em, chúng ta hãy hỗ trợ lẫn nhau trong vấn đề này; chúng ta hãy theo dõi cuộc họp của chúng ta ngày hôm nay; chúng ta hãy cùng nhau hành trình! Chúng ta sẽ được chúc phúc bởi Đấng Tối Cao và bởi những thụ tạo nhỏ bé và dễ bị tổn thương nhất mà Ngài dành tình yêu thương cách đặc biệt: đó là người nghèo, trẻ em và thanh thiếu niên, những người đang chờ đợi buổi bình minh của ánh sáng và hòa bình mọc lên sau bao đêm đen. Xin cảm ơn các bạn.


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/11/2022]