Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018

Đức Thánh Cha giảng Lễ: ‘sự thật thì khiêm nhường, sự thật thì giữ thinh lặng’

Đức Thánh Cha giảng Lễ: ‘sự thật thì khiêm nhường, sự thật thì giữ thinh lặng’Đức Thánh Cha giảng trong nhà nguyện Thánh Marta


Đức Thánh Cha giảng Lễ: ‘sự thật thì khiêm nhường, sự thật thì biết giữ thinh lặng’

Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxico dâng Lễ trong nhà nguyện Marta sau kỳ nghỉ hè, phân tích về bài Tin mừng trong ngày nói rằng “sự thật thì khiêm nhường, sự thật thì biết giữ thinh lặng”.

Sr Bernadette Mary Reis, fsp
Hôm thứ Hai trong nhà nguyện Thánh Marta Đức Thánh Cha Phanxico tập trung bài giảng phân tích bài Tin mừng trong ngày theo thánh Luca (4:16-30) khi Chúa Giê-su trở về Nadarét và gặp phải sự chống đối trong hội đường sau khi giảng về trích đoạn của ngôn sứ Isaia. Đức Thánh Cha làm nổi bật sự điềm tĩnh thinh lặng của Chúa Giê-su không chỉ trong hoàn cảnh này nhưng cả trong Cuộc Thương Khó của Ngài.


Không tiên tri nào được chấp nhận … 

Đức Thánh Cha nói rằng khi Chúa Giê-su vào hội đường, Ngài đã gợi lên sự tò mò. Người ta muốn nhìn xem con người mà họ đã nghe nói làm những phép lạ ở các nơi khác. Đức Thánh Cha nói, thay vì làm thỏa mãn sự tò mò của họ, Con của Chúa Cha trên Trời chỉ dùng “Lời của Chúa.” Đây cũng là thái độ của Chúa Giê-su khi Người đối mặt với ma quỷ. Sau đó Đức Thánh Cha nói rằng sự khiêm nhường của Chúa Giê-su mở ra cánh cửa cho những lời đầu tiên của Người với ý muốn xây dựng một cầu nối nhưng ngay lập tức lại gieo những hoài nghi làm thay đổi không khí “từ hòa bình sang chiến tranh,” từ “sự kinh ngạc sang giận dữ.”


Sự im lặng của Chúa Giê-su

Chúa Giê-su trả lời bằng sự im lặng trước những người “muốn quăng Ngài ra khỏi thành,” Đức Thánh Cha nói.

Họ không suy nghĩ, họ chỉ la hét. Chúa Giê-su thì giữ im lặng … Trích đoạn Tin mừng kết thúc bằng câu: ‘Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.’


Phẩm giá của Chúa Giê-su

Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng phẩm giá của Chúa Giê-su chiếu tỏa qua “sự im lặng chiến thắng” những kẻ tấn công Người. Đức Thánh Cha nói chuyện tương tự cũng xảy ra trong ngày Thứ Sáu Thánh.

Những con người hét toáng lên ‘đóng đinh nó đi’ thì trước đó đã tung hô Chúa Giê-su trong Ngày Chúa nhật Lễ Lá rằng, ‘Chúc tụng Con Vua Đavít.’ Họ đã thay lòng đổi dạ.


Phẩm giá của chúng ta

Đức Thánh Cha tiếp tục nói rằng sự thật thì khiêm nhường và giữ im lặng chứ không phải là sự huyên náo, nhưng ngài công nhận rằng những gì Chúa Giê-su đã làm không hề dễ dàng. Tuy nhiên, “phẩm giá của người Ki-tô hữu được gắn chặt trong quyền năng của Thiên Chúa.” Ngài nói ngay cả trong một gia đình, sẽ có những lúc khi sự chia rẽ xảy ra vì “những tranh cãi về chính trị, thể thao, tiền bạn.” Đức Thánh Cha đề nghị hãy giữ im lặng và cầu nguyện trong những tình huống như vậy:

Với những người thiếu thiện chí, với những người chỉ đi tìm những sự xấu xa, những người chỉ đi tìm sự chia rẽ, những người chỉ đi tìm sự tàn phá, ngay cả trong gia đình: hãy giữ im lặng, cầu nguyện.


Đức Phanxico kết luận bằng lời cầu nguyện,

Xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết phân định khi nào chúng ta nên nói và khi nào chúng ta nên giữ im lặng. Điều này áp dụng trong mọi góc cạnh cuộc sống: trong công việc, trong gia đình, trong xã hội … Từ đó chúng ta ngày càng trở thành những người môn đệ noi gương Chúa Giê-su nhiều hơn.


[Nguồn: vaticannews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/9/2018]


Đức Thánh Cha kêu gọi chăm sóc công trình tạo dựng

Đức Thánh Cha kêu gọi chăm sóc công trình tạo dựng
© Vatican Media

Đức Thánh Cha kêu gọi chăm sóc công trình tạo dựng

Sứ điệp Ngày Thế giới Cầu nguyện cho sự Chăm sóc Công trình Tạo dựng Thường niên lần Thứ Tư

01 tháng Chín, 2018 17:00

Đức Thánh Cha Phanxico kêu gọi nhân loại chăm sóc tốt hơn cho “ngôi nhà chung” của chúng ta trong sứ điệp Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Công trình Tạo dựng Thường niên lần Thứ Tư, 2 tháng Chín, 2018.

Đức Thánh Cha nói, “Trong Ngày Cầu nguyện này, trước hết tôi cảm tạ Chúa vì ơn sủng Người ban cho ngôi nhà chung của chúng ta và cho tất cả những người thiện chí cam kết bảo vệ nó. Cũng vậy, tôi xin tri ân nhiều dự án nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu và bảo vệ hệ sinh thái, tri ân những nỗ lực nhằm phát triển nền nông nghiệp bền vững hơn và nguồn dinh dưỡng tốt hơn, và tri ân nhiều sáng kiến giáo dục, tinh thần và phụng vụ khác nhau để người Ki-tô hữu trên toàn thế giới tham gia chăm sóc cho công trình tạo dựng.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng ngày này được kỷ niệm trong tình hiệp nhất với Giáo hội Chính thống và các Giáo hội khác. Và ngài gặp gỡ 100 doanh nhân họp tại Roma trong “Diễn đàn Roma” thảo luận về những cách làm thương mại bền vững hơn.

Đức Phanxico nói, “Phải thừa nhận rằng chúng ta chưa thành công trong trách nhiệm bảo vệ công trình tạo dựng. Tình hình môi trường, cả ở tầm mức toàn cầu và ở nhiều nơi, không thể xem là thỏa đáng. Ý thức về sự cần thiết phải có một mối quan hệ đổi mới và sâu sắc giữa con người và tạo vật đang ngày càng phát triển, và sự vững tin rằng chỉ có một tầm nhìn chân chính và toàn diện của nhân loại mới cho phép chúng ta chăm sóc tốt hơn cho hành tinh của chúng ta vì ích lợi của các thế hệ hiện tại và tương lai. Vì “sẽ không có sinh thái học nếu không có một ngành nhân chủng học đầy đủ” (Tông huấn Laudato Si’, 118).

Đức Thánh Cha kêu gọi chăm sóc công trình tạo dựng

Toàn văn sứ điệp của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến,

Trong Ngày Cầu nguyện này, trước hết tôi cảm tạ Chúa vì ơn sủng Người ban cho ngôi nhà chung của chúng ta và cho tất cả những người thiện chí cam kết bảo vệ nó. Cũng vậy, tôi xin tri ân nhiều dự án nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu và bảo vệ hệ sinh thái, tri ân những nỗ lực nhằm phát triển nền nông nghiệp bền vững hơn và nguồn dinh dưỡng tốt hơn, và tri ân nhiều sáng kiến giáo dục, tinh thần và phụng vụ khác nhau để người Ki-tô hữu trên toàn thế giới tham gia chăm sóc cho công trình tạo dựng.

Phải thừa nhận rằng chúng ta chưa thành công trong trách nhiệm bảo vệ Công trình Tạo dựng. Tình hình môi trường, cả ở tầm mức toàn cầu và ở nhiều nơi, không thể xem là thỏa đáng. Ý thức về sự cần thiết phải có một mối quan hệ đổi mới và sâu sắc giữa con người và tạo vật đang ngày càng phát triển, và sự vững tin rằng chỉ có một tầm nhìn chân chính và toàn diện của nhân loại mới cho phép chúng ta chăm sóc tốt hơn cho hành tinh của chúng ta vì ích lợi của các thế hệ hiện tại và tương lai. Vì “sẽ không có sinh thái học nếu không có một ngành nhân chủng học đầy đủ” (Tông huấn Laudato Si’, 118).

Trong Ngày Thế giới Cầu nguyện cho sự Chăm sóc Công trình Tạo dựng này, mà Giáo hội Công giáo trong những năm vừa qua đã cùng kỷ niệm trong tình hiệp nhất với các anh chị em Chính Thống giáo của chúng ta, cùng với sự tham gia của các Giáo hội và Cộng đồng Ki-tô giáo khác, tôi muốn tập trung vào vấn đề nước. Nó là một nguyên tố vô cùng quý giá và căn bản, nhưng đáng buồn, đối với nhiều người sự tiếp cận với nó trở nên quá khó khăn hay thậm chí không thể được. Tuy nhiên, “việc được sử dụng nguồn nước uống an toàn là quyền căn bản của con người và mang tính toàn cầu, vì nó vô cùng quan trọng cho sự tồn tại của con người, như thế nó là một điều kiện cho việc thực thi những quyền con người khác. Thế giới của chúng ta đang mang một món nợ xã hội nặng nề đối với người nghèo là những người đang thiếu nguồn nước uống, bởi vì họ bị khước từ quyền được sống một cuộc sống đúng với phẩm giá bất biến của họ” (nt., 30).

Nước mời gọi chúng ta suy tư về những nguồn cội của mình. Cơ thể con người được cấu thành phần lớn bởi nước, và nhiều nền văn minh trong suốt chiều dài lịch sử xuất hiện bên những dòng sông lớn đánh dấu cho giá trị đặc thù của chúng. Bằng một hình ảnh vẽ lên, khởi đầu của sách Sáng Thế ký trình bày rằng, ngay từ đầu Thần khí Thiên Chúa “bay lượn trên mặt nước (1:2)”.

Khi suy tư về vai trò nền tảng của nước trong sự phát triển công trình tạo dựng và con người, tôi không biết bày tỏ gì hơn ngoài tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban cho “Chị Nước”, rất đơn sơ nhưng vô cùng thiết yếu cho sự sống mà không một thứ gì trên hành tinh có thể so sánh được. Chính vì lý do này, chăm sóc cho những nguồn nước và hồ chứa nước là một mệnh lệnh cấp thiết. Ngày nay hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải có cái nhìn vượt ra ngoài những quan tâm tức thời (x. Tông huấn Laudato Si’, 36) và vượt ra ngoài một cái nhìn thực tại mang thuần tính vị lợi, “trong đó tính hiệu quả và hiệu năng hoàn toàn hướng đến lợi ích cá nhân của chúng ta” (nt., 159). Chúng ta đang rất cần những dự án chung và những hành động thiết thực biết thừa nhận rằng mọi sự tư hữu hóa nguồn nước tự nhiên tốt lành, với cái giá phải trả bằng nhân quyền để có được sự tiếp cận với nó, là không thể chấp nhận được.

Đối với chúng ta là những người Ki-tô hữu, nước đại diện cho một yếu tố quan trọng của sự thanh tẩy và sự sống. Chúng ta nghĩ đến phép rửa tội, bí tích tái sinh của chúng ta. Nước trở nên thánh thiêng bởi Thần Khí nhờ đó Thiên Chúa ban cho chúng ta sự sống và đổi mới chúng ta; nó là một nguồn phúc lành của sự sống đời đời. Đối với người Ki-tô hữu thuộc nhiều tôn phái khác nhau, phép rửa tội cũng đại diện cho bước khởi đầu thật sự và duy nhất để trải nghiệm một tình huynh đệ đích thực trên con đường tiến đến sự hiệp nhất trọn vẹn. Chúa Giê-su, trong hành trình sứ mạng của Ngài, hứa ban một nguồn nước có thể làm thỏa mãn mãi mãi cho con người (x. Ga 4:14). Người tuyên sấm, “Ai khát, hãy đến với tôi và uống (Ga 7:37). Uống nguồn nước từ Chúa Giê-su có nghĩa là gặp gỡ riêng tư với Ngài là Thiên Chúa, kín múc từ Lời của Ngài ý nghĩa của sự sống. Ước mong rằng lời Ngài kêu lên trên thập giá – “Ta khát” (Ga 19:28) – mãi vang lên trong tâm hồn chúng ta. Chúa tiếp tục kêu gọi chúng ta làm thỏa cơn khát của Người; Người khát tình yêu. Người kêu gọi chúng ta cho Người uống nơi tất cả những người đang khát trong thời đại của chúng ta, và nói với họ, “Ta khát và ngươi đã cho Ta uống” (Mt 25:35). Cho nước uống, trong ngôi làng toàn cầu, không chỉ là những hành động bác ái cá nhân, nhưng cũng là những chọn lựa cụ thể và là một cam kết bảo đảm cho tất cả mọi người nguồn nước tốt lành.

Tôi cũng muốn đề cập đến vấn đề biển và đại dương. Bổn phận của chúng ta là cảm tạ Đấng Tạo Hóa về món quà quá lớn lao và kỳ diệu của những vùng nước khổng lồ và tất cả mọi loài sống trong đó (x. St 1:20-21; Tv 146:6), và ca khen Người vì Người đã lấy những đại dương để bao phủ trái đất (x. Tv 104:6). Suy tư về những vùng biển rộng bao la và những hoạt động liên tục của chúng cũng là một cơ hội để hướng suy nghĩ của chúng ta về Thiên Chúa, Đấng liên tục đồng hành với tạo vật của Người, hướng dẫn cho đường đi của nó và duy trì cho sự tồn tại của nó (x. Thánh Gioan Phaolo II, Giáo lý ngày 7 tháng Năm 1986).

Ngày nay sự chăm sóc cho gia tài vô giá này thể hiện một trách nhiệm bắt buộc và một thách đố thật sự. Đang rất cần một sự hợp tác hiệu quả giữa những người thiện chí để hỗ trợ công cuộc đang diễn ra của Đấng Tạo Hóa. Thật đáng buồn, quá nhiều nỗ lực đã thất bại do thiếu những quy định có hiệu lực và những biện pháp kiểm soát, đặc biệt liên quan đến việc bảo vệ những vùng biển bên ngoài các phạm vi quốc gia (x. Tông huấn Laudato Si’, 174). Chúng ta không thể cho phép các biển và đại dương của chúng ta trở thành những bãi rác thải nhựa vô tận. Cả trong vấn đề này, cần phải có cam kết tích cực của chúng ta để đương đầu với tình hình khẩn cấp này. Chúng ta cần phải cầu nguyện như thể mọi việc đều phải lệ thuộc vào sự quan phòng của Thiên Chúa, và làm việc như thể mọi việc phải lệ thuộc vào chúng ta.

Chúng ta hãy cầu xin rằng các nguồn nước không trở thành một dấu chỉ của sự chia rẽ giữa các dân tộc, nhưng là sự gặp gỡ cho cộng đồng loài người. Chúng ta hãy cầu xin rằng những người đang phải liều mạng sống trên biển để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn được gìn giữ an toàn. Chúng ta hãy xin Chúa và những người có trách nhiệm phục vụ cao cả trong lĩnh vực chính trị rằng các vấn đề nhạy cảm trong thời đại của chúng ta, chẳng hạn những người có liên quan đến các hoạt động di cư, biến đổi khí hậu và quyền của mọi người được hưởng những nguồn tài nguyên cơ bản tốt lành, phải được giải quyết với tính trách nhiệm quảng đại và với tầm nhìn xa và trong tinh thần hợp tác, đặc biệt đối với những quốc gia có khả năng giúp đỡ nhiều nhất.

Cả chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho tất cả những người cống hiến cho công tác tông đồ biển, cho những người giúp phản ánh lại các vấn đề của hệ sinh thái biển, cho những người góp phần vào sự phát triển và áp dụng các quy định quốc tế trên biển để bảo vệ cho các cá nhân, các quốc gia, những điều tốt lành, những tài nguyên thiên nhiên – ví dụ, tôi nghĩ đến những quần thể động thực vật biển, và các dải san hô (x. nt., 41) hoặc thềm biển hoặc đáy đại dương – và để bảo đảm một sự phát triển toàn diện phù hợp với thiện ích chung của toàn thể gia đình nhân loại chứ không thuộc lợi ích nhóm. Chúng ta cũng cầu cho tất cả những người đang hoạt động để bảo vệ các vùng biển và bảo vệ các đại dương và toàn bộ hệ sinh thái của chúng, để họ có thể thực hiện trách vụ này với tinh thần trách nhiệm và sự chính trực.

Cuối cùng, chúng ta phải quan tâm đến thế hệ trẻ và cầu nguyện cho họ, để họ có thể trưởng thành trong kiến thức và biết tôn trọng ngôi nhà chung của chúng ta và khao khát chăm sóc cho sự trong lành của nước, vì lợi ích của tất cả mọi người. Tôi cầu nguyện và hy vọng rằng các cộng đồng Ki-tô hữu có thể góp phần nhiều hơn để giúp đỡ mọi người được hưởng nguồn tài nguyên vô cùng thiết yếu này, bằng sự chăm sóc đầy lòng tôn trọng những món quà đón nhận từ Đấng Tạo Hóa, và đặc biệt là các con sông, biển và đại dương.

Viết từ Vatican, 1 tháng Chín 2018

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/9/2018]