Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

Tòa Thánh kêu gọi tính trách nhiệm phải đi kèm với sự tự do truyền thông

Tòa Thánh kêu gọi tính trách nhiệm phải đi kèm với sự tự do truyền thông

Tòa Thánh kêu gọi tính trách nhiệm phải đi kèm với sự tự do truyền thông
Đức Ông Janusz Urbańczyk đọc diễn văn tại OSCE - RV
10/03/2017 14:51
(Vatican Radio)  Đại diện của Tòa Thánh tại Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu (OSCE) hôm thứ Năm nói về sự tự do truyền thông đòi hỏi “trách nhiệm rất lớn.”
Đức ông Janusz S. Urbańczyk nói tại OSCE rằng điều “quan trọng là nhấn mạnh đến vai trò rất lớn của truyền thông phải được đi kèm với trách nhiệm cao. Vì, với mỗi quyền – chẳng hạn sự tự do bày tỏ – đều có những bổn phận phải theo.”
Diễn văn của ngài tiếp sau phần trình bày báo cáo của đại diện OSCE về tự do truyền thông.
Đức ông Urbańczyk trích dẫn diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxico trước các nhà báo vào tháng Sáu năm 2016: “Trong cuộc sống không phải mọi việc đều là trắng hoặc đen. Ngay cả trong ngành báo chí, quý vị phải biết cách nhận ra được những bóng mờ của màu xám của những sự việc mà quý vị được yêu cầu tường thuật … Đây là công việc – chúng ta cũng có thể nói rằng sứ mạng, khó khăn và đồng thời cần thiết – của một nhà báo: phải đến càng gần với sự thật của sự việc càng tốt và đừng bao giờ nói hay viết bất cứ điều gì, theo lương tâm, biết là không đúng sự thật.”

Dưới đây là toàn văn diễn văn của Đức ông Urbańczyk:

Thưa ông Chủ tịch,
Cùng với những diễn giả trước, tôi xin cảm ơn Bà Dunja Mijatović về báo cáo mới nhất và rất chi tiết trước Hội Đồng Thường Trực liên quan đến những hoạt động của Văn phòng của Đại diện OSCE về Tự do Truyền thông.
Phái đoàn của tôi đặc biệt chia sẻ sự quan tâm của Đại Diện Tự Do Truyền Thông (RFoM) về sự tự do bày tỏ, tự do truyền thông và tự do thông tin. Đồng thời, Tòa Thánh tin rằng, như Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh trong buổi tiếp kiến với Hội đồng các Nhà Báo Quốc Gia Ý ngày 22 tháng Chín năm 2016, rằng, “nhà báo có một vai trò mang tầm quan trọng rất lớn, đồng thời, một vai trò mang tính trách nhiệm rất cao. Về một mặt nào đó quý vị [các nhà báo] viết bản nháp đầu tiên cho lịch sử, xây dựng chương trình hành động của bản tin và cũng là giới thiệu cho mọi người hiểu được các sự kiện.” (1).
Theo đó, điều quan trọng là phải nhấn mạnh rằng vai trò lớn của truyền thông phải được đi đôi với trách nhiệm cao. Vì, với mỗi quyền – chẳng hạn sự tự do bày tỏ – đều có những bổn phận phải theo. Quả thật, những tiêu chuẩn chuyên môn và đạo đức giữa các nhà báo không hạn chế hoặc làm suy yếu ngành truyền thông, nhưng hơn thế làm cho nó có thể thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, sự phục vụ quan trọng của nó vì sự tốt lành cho mọi người, một số điểm RFoM đã thu hút sự chú ý trong suốt nhiệm kỳ của bà.
Trong buổi họp đã đề cập ở trên với các nhà báo Đức Giáo hoàng làm nổi bật thêm rằng: “Trong cuộc sống không phải mọi việc đều là trắng hoặc đen. Ngay cả trong ngành báo chí, quý vị phải biết cách nhận ra được những bóng mờ của màu xám của những sự việc mà quý vị được yêu cầu tường thuật. Nhiều cuộc tranh luận chính trị, và thậm chí nhiều tình hình xung đột, hiếm khi là kết quả của những động lực trong sáng minh bạch, để mọi người có thể nhận ra nó theo một cách rõ ràng và khẳng định được ai đúng ai sai. Cuối cùng, sự đối đầu và có những lúc là xung đột, xuất phát chính từ sự khó khăn đạt đến được sự tổng hợp từ nhiều vị trí khác nhau. Đây là công việc – chúng ta cũng có thể nói rằng sứ mạng, khó khăn và đồng thời (1) cần thiết – của một nhà báo: phải đến càng gần với sự thật của sự việc càng tốt và đừng bao giờ nói hay viết bất cứ điều gì, theo lương tâm, biết là không đúng sự thật” (2)
Hơn nữa, chạm đến được sứ mạng quan trọng của các nhà báo –  phục vụ như là một khí cụ của sự hòa giải và của sự gặp gỡ –  Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh: “Tôi hy vọng rằng ngành báo chí có thể ngày càng trở nên một khí cụ của sự xây dựng ở khắp nơi, một người xây dựng thiện ích chung, một động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho những tiến trình hòa giải; cầu xin để nó vượt qua được cám dỗ kích động những bất đồng bằng một ngôn ngữ thổi bùng lên ngọn lửa của sự chia rẽ; thay vì vậy cầu xin để nó biết vun đắp cho một văn hóa gặp gỡ.” (3)
Vì đây là bản báo cáo cuối cùng mà Bà Mijatović trình bày trước Hội đồng Thường Trực trong vai trò là Đại Diện về Tự do Truyền thông của OSCE, Tòa Thánh nhân dịp này tỏ lòng tri ân về sự cam kết và những việc đã hoàn thành mà bà đem lại cho OSCE và cho những chính phủ tham gia, không chỉ về sự tự do truyền thông nói chung, nhưng đặc biệt còn cho các nhà báo và sự an toàn của họ. Thay mặt cho phái đoàn của tôi, tôi cũng xin nói lời cảm ơn bà Mijatović, về kiến thức rộng, khả năng chuyên môn và công việc khó khăn đã thể hiện qua bảy năm phục vụ của bà trong Tổ chức này, và tôi xin chúc bà mọi điều tốt đẹp nhất cho những cố gắng trong tương lai của bà.
Thêm nữa, tôi muốn nhân cơ hội này để chuyển đến sự tri ân của Tòa Thánh tới quyền Chủ tịch của nước Áo, vì những nỗ lực liên tục để bảo đảm sự bổ nhiệm cho một Đại diện Tự Do Truyền Thông mới cũng như bày tỏ hy vọng rằng sự bổ nhiệm này có thể diễn ra càng sớm càng tốt, và vị Đại diện trong tương lai sẽ thực hiện sứ mạng quan trọng của Văn phòng sẽ đem lại lợi ích cho tất cả những Chính phủ tham gia.
Xin cảm ơn ông Chủ tịch.

[1] Đức Thánh Cha Phanxico, Diễn văn Hội đồng các Nhà báo Quốc gia, 22 tháng Chín, 2016.
[2] Nt.
[3] Nt.

[Nguồn: radiovaticana]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 11/03/2017]


Cuộc nói chuyện của Đức Thánh Cha với thiếu nhi xứ Thánh Maddalena di Canossa

Cuộc nói chuyện của Đức Thánh Cha với thiếu nhi xứ Thánh Maddalena di Canossa

‘Tung tin đồn là như vầy nè: giống như quăng quả bom rồi bỏ đi.’
14 tháng Ba, 2017
Cuộc nói chuyện của Đức Thánh Cha với thiếu nhi xứ Thánh Maddalena di Canossa
PHOTO.VA - L'OSSERVATORE ROMANO
Chiều Chủ nhật, 12 tháng Ba, 2017, Chúa Nhật thứ Hai mùa Chay, Đức Thánh Cha có chuyến thăm mục vụ đến giáo xứ Thánh Maddalena di Canossa, trong vùng ngoại vi Ottavia của Rome.
Khi ngài đến, khoảng 3:50 chiều, Đức Thánh Cha gặp gỡ các thiếu nhi và các bạn trẻ lớp giáo lý trong sân thể thao của giáo xứ. Sau đó Đức Thánh Cha chào thăm người lớn tuổi và các bệnh nhân trong tầng hầm và, trong nhà hát của giáo xứ, ngài gặp gỡ các cặp vợ chồng đã có con rửa tội năm 2016. Ngoài ra, ngài chào chào các thừa tác viên, các linh mục của Quận 36, thuộc giáo xứ, và một số Nữ tu Nữ tử Bác ái (Canossians), cùng với Bề Trên Tổng Quyền. Cuối cùng, Đức Thánh Cha giải tội cho một số hối nhân.
Lúc 6 giờ tối, ngài dâng Lễ trong nhà thờ giáo xứ. Sau Bài Tin mừng, Đức Thánh Cha có bài giảng ứng khẩu. Cuối chuyến thăm, Đức Thánh Cha trở về Vatican lúc 7:45 tối.
Dưới đây là bản dịch của Zenit buổi nói chuyện trực tiếp không chuẩn bị trước của Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm khác nhau trong giáo xứ:
***
Gặp gỡ thiếu nhi và các bạn trẻ Giáo lý viên
Elisabetta: Con tên là Elisabetta. Thưa Đức Thánh Cha, lần gặp gỡ đầu tiên của cha với Chúa Giê-su là khi nào?
Patrizio: Con tên là Patrizio. Thưa Đức Thánh Cha Phanxico, cha có hạnh phúc được làm Giáo hoàng không? Hay cha thích làm một linh mục đơn sơ trong một giáo xứ nhỏ?
Sara: Con tên là Sara.Thưa Đức Thánh Cha Phanxico, có điều gì làm cha sợ hãi hay làm cha e ngại không?
Edoardo: Con tên là Edoardo. Thưa Đức Thánh Cha Phanxico, đâu là những giây phút đẹp nhất trong đời của cha?
Cha xứ: Edoardo trong nhóm thiếu niên sống đạo (post-Confirmation: sau thêm sức):
Camilla: Con tên là Camilla. Thưa Đức Thánh Cha, chúng con biết là đôi khi chúng con sử dụng điện thoại quá nhiều, hoặc chúng con luôn ngồi trước truyền hình. Nhưng chúng con cũng thích ra ngoài với bạn bè; tuy nhiên, nhiều khi chúng con không thể lắng nghe người khác và lắng nghe chính mình. Làm sao để chúng con giải quyết được vấn đề này?
ĐTC Phanxico: Câu hỏi đầu tiên là: cha đến với Chúa Giê-su khi nào? Bạn đó, đúng không? Thay vì vậy, cha sẽ hỏi một câu: mỗi khi chúng con ở gần bên Chúa Giê-su, làm sao chúng con nhận ra rằng Người đã đến gần chúng con trước? Nếu chúng ta có thể đến gần được với Chúa Giê-su, đó là vì Người đã đến gần chúng ta trước. Người luôn bước đi trước. Chúng con hiểu không? Chúa Giê-su có từ chối ở bên chúng ta không? Cha hỏi tất cả chúng con …
Thiếu nhi: Thưa không!
ĐTC Phanxico: Vậy đó, Chúa Giê-su có chờ đợi chúng ta không? Người có chờ đợi chúng ta hay Người không chờ đợi chúng ta?
Thiếu nhi: Thưa có!
ĐTC Phanxico: Nhưng Người chờ đợi chúng ta, hay Người bận làm việc khác? [có thiếu nhi nói: “Ngài đến gặp chúng ta”] Ngài đến gặp chúng ta! Nói giỏi quá! Bạn nào vừa nói? Con rất giỏi! Tốt! Chúa Giê-su luôn luôn đến để gặp gỡ chúng ta. Và nếu chúng con thấy Chúa Giê-su đến từ phía này, và chúng con hơi vụng về lại nhìn về phía khác, Chúa Giê-su có bỏ đi không?
Thiếu nhi: Thưa không! Người sẽ giúp chúng con!
ĐTC Phanxico: Lớn hơn nữa nào!
Thiếu nhi: Thưa không!
ĐTC Phanxico: Con, Chúa Giê-su làm gì? Con nói rất đúng …
Thiếu nhi: Người sẽ giúp chúng con!
ĐTC Phanxico: Người sẽ kéo tai chúng con và làm như vầy đúng không? [ĐTC làm một cử chỉ]
Thiếu nhi: Không! Người làm cho chúng con hiểu chúng con phạm lỗi ở đâu.
ĐTC Phanxico: Đúng. Người nói vào tâm hồn chúng con; Người làm cho chúng con hiểu mọi điều của tình yêu. Và nếu chúng con không muốn lắng nghe Người, Người làm gì? Người có bỏ đi không?
Thiếu nhi: Thưa không.
ĐTC Phanxico: Người ở lại. Người ở lại. Người có lòng kiên nhẫn. Chúa Giê-su luôn luôn chờ đợi. Và đây là câu trả lời cho câu hỏi của con. Chúng ta đến gần Chúa Giê-su, nhưng chúng ta lại khám phá ra rằng Người đến với chúng ta trước. Chính tại nơi đó Người chờ đợi chúng ta. Và Người chờ đợi. Và Người nói chuyện với chúng ta, nhưng Người luôn ở đó, Người luôn ở đó, Người luôn ở đó. Và nếu chúng con làm điều gì xấu, Người có quăng chúng con ra ngoài không?
Thiếu nhi: Thưa không!
ĐTC Phanxico: Không?
Thiếu nhi: Người tha thứ cho chúng con.
ĐTC Phanxico: À, … đây là một câu nói rất đẹp, câu chúng con nói là ...
ĐTC Phanxico: Người tha thứ cho chúng con.
ĐTC Phanxico: Và nếu chúng con … nếu chúng con phải nói với Người rằng chúng con không vui khi làm những điều này, được không?
Thiếu nhi: Thưa được.
ĐTC Phanxico: Và Người tha thứ cho chúng con. Chúng con xin lỗi và Người tha thứ cho chúng con, nhưng Chúa Giê-su luôn luôn là người đến gần chúng ta trước.
Thiếu nhi: Người luôn ở trong tâm hồn chúng ta.
ĐTC Phanxico: Lớn hơn nữa, cha không nghe thấy …
Thiếu nhi: Người luôn ở trong tâm hồn chúng ta.
ĐTC Phanxico: Người luôn ở trong tâm hồn chúng ta. Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Người luôn ở với chúng ta. Người có ở với chúng ta trong những lúc vui vẻ không, khi chúng ta chơi, khi chúng ta hạnh phúc? … Lớn hơn nữa!
Thiếu nhi: Thưa có!
ĐTC Phanxico: Và cả trong những lúc buồn của cuộc sống?
Thiếu nhi: Người an ủi chúng ta. Người ở bên chúng ta và an ủi chúng ta.
ĐTC Phanxico: Đúng. Người an ủi chúng ta. Đúng đấy, Chúa Giê-su là vậy. Cảm ơn chúng con, câu trả lời rất hay, câu trả lời rất hay. Cảm ơn câu trả lời của chúng con! Câu hỏi thứ hai là ...
Cha xứ: Là giáo hoàng hay cha xứ trong một giáo xứ nhỏ ...
ĐTC Phanxico: Nhưng … chúng con biết là không ai học để trở thành Giáo hoàng cả. Có ai học để trở thành giáo hoàng không?
Thiếu nhi: Thưa không!
ĐTC Phanxico: Không! Cũng là câu hỏi này: có ai trả tiền để trở thành Giáo hoàng không?
Thiếu nhi: Thưa không!
ĐTC Phanxico: Người ta không trả tiền? Nếu chúng con có cả một đống tiền và đến đó, và đưa tiền cho các Đức Hồng y, các Hồng y có bầu chúng con làm Giáo hoàng vì điều này không?
Thiếu nhi: Thưa không!
ĐTC Phanxico: Không bao giờ. Nhưng nếu chẳng ai học cũng chẳng trả tiền, vậy ai chọn người làm Giáo hoàng?
Thiếu nhi: Thiên Chúa.
ĐTC Phanxico: Thiên Chúa. Và cho cha biết, tất cả chúng con, nói cho cha biết: ai là Giáo hoàng đầu tiên, tên của ngài là gì?
Thiếu nhi: Phê-rô.
ĐTC Phanxico: Phê-rô là Thánh, đúng không?
Thiếu nhi: Thưa đúng!
ĐTC Phanxico: Có phải lúc nào ngài cũng là thánh không?
Thiếu nhi: Thưa không!
ĐTC Phanxico: Không à? Ngài có làm gì xấu không?
Thiếu nhi: Thưa có!
ĐTC Phanxico: Ngài làm gì — điều xấu nhất ấy? …
Thiếu nhi: Ngài nói ngài không biết Chúa Giê-su!
ĐTC Phanxico: Ngài nói ngài không biết Chúa Giê-su, ngài đã chối Chúa Giê-su – một tội xấu, xấu! Vậy làm sao người ta lại chọn tội nhân này làm Giáo hoàng? Chúa Giê-su chọn người Ngài muốn đặt làm Giáo hoàng vào lúc đó; lúc khác Ngài chọn người khác, và người khác, rồi người khác nữa… Nhưng câu hỏi cho cha, ai được chọn để làm công việc này, cha có thích nó hay không? Cha thích, và cha cũng thích khi làm một linh mục xứ trong một giáo xứ, Trưởng khoa của một Phân khoa và cũng là linh mục, cả hai: cha rất thích. Cha cũng thích dạy lớp giáo lý, dâng Lễ cho thiếu nhi … Cha thích nó. Làm linh mục là một điều cha luôn luôn thích. Vậy điều gì đẹp hơn, là một Giáo hoàng hay một linh mục? Nghĩ kỹ nhé, cái nào đẹp hơn?
Thiếu nhi: Đức Giáo hoàng ...
ĐTC Phanxico: Các con chưa hiểu à?
Thiếu nhi: Cả hai …
ĐTC Phanxico: Cả hai: việc gì theo ý của Chúa. Việc gì theo ý của Chúa. Những gì Thiên Chúa ban cho các con là rất tốt, vì khi Chúa trao cho chúng con một công việc để làm, một nghề nghiệp, là một linh mục của giáo xứ, hay một giáo phận hay là Giáo hoàng, một linh mục, đó, Người trao cho chúng con một công việc. Và Thiên Chúa yêu cầu con điều gì khi Người chọn con làm một linh mục hay một giám mục? Người yêu cầu con điều gì? Làm gì?
Thiếu nhi: Đem đến hòa bình.
ĐTC Phanxico: Đem đến hòa bình. Hơn thế nữa …
Thiếu nhi: Mang Lời Chúa …
ĐTC Phanxico: Giảng dạy Lời Chúa, giảng dạy giáo lý … còn gì nữa không? Con, nói lớn lên! [có thiếu nhi nói: “để yêu thương”] Để yêu thương, để yêu thương, để xây dựng những cộng đoàn yêu thương, để mọi người yêu thương nhau.
Thiếu nhi: Để giúp đỡ anh em … để mang hòa bình đến thế giới …
ĐTC Phanxico: Để mang hòa bình đến cho thế giới: nhưng điều này thì Đức Giáo hoàng làm một mình hay tất cả chúng ta cùng phải làm?
Thiếu nhi: Tất cả!
ĐTC Phanxico: Tất cả! Và người ta bắt đầu đem hòa bình đến cho thế giới như thế nào? Trong gia đình, trong trường học, với bạn bè, khi chúng con chơi với nhau … luôn luôn phải có hòa bình. Và khi người ta tức giận với bạn bè, với bạn trong trường, đây có phải là đem lại hòa bình không?
Thiếu nhi: Thưa không.
ĐTC Phanxico: Chúng con phải làm gì khi chúng con tức giận?
Một thiếu nhi: Trong bất cứ trường hợp nào cũng không được tức giận, nếu mình giận bạn mình, phải đi làm hòa và mọi việc phải kết thúc ở đó!
ĐTC Phanxico: Quá giỏi! Trong trường hợp nào cũng không được, nếu mình giận bạn mình, như con nói, hãy làm hòa và tiến bước. Con giỏi quá! Cảm ơn con. Đồng ý không? Câu hỏi thứ ba … Nhưng trước khi qua câu hỏi thứ ba, cha có điều nói về hòa bình. Khi những đôi vợ chồng cãi nhau … Thỉnh thoảng chúng con nghe bố và mẹ cãi nhau về chuyện gì đó: đây là điều bình thường, chuyện này phải xảy ra. Vẫn luôn có những điều phải cãi nhau, đúng không? Nhưng chúng ta phải làm gì sau đó?
Thiếu nhi: Họ phải làm hòa!
ĐTC Phanxico: Làm hòa. và chúng con, chúng con phải nói gì với cha mẹ …
Môt thiếu nhi: … nói rằng họ không được cãi nhau nữa.
ĐTC Phanxico: Không. “Nếu cha mẹ cãi nhau, phải làm hòa trước khi ngày kết thúc.” Đồng ý không? Đây là lời khuyên chúng con phải nói với cha mẹ. Để xem chúng con nhớ kỹ chưa: lời khuyên là gì? Nếu cha mẹ cãi nhau …
Thiếu nhi: … phải làm hòa trước khi ngày kết thúc!
ĐTC Phanxico: Trước khi ngày kết thúc.
Một thiếu nhi: Vì cãi nhau là xấu lắm.
ĐTC Phanxico: Nó xấu, nó xấu … cái gì xấu nhỉ?
Thiếu nhi: Cãi nhau.
ĐTC Phanxico: Cãi nhau là xấu, nhưng nó vẫn xảy ra, luôn luôn, vì tất cả chúng ta là những tội nhân, đúng không? Nhưng ...
Một thiếu nhi: … nói những lời xấu xa và báng bổ …
ĐTC Phanxico: À, những lời báng bổ, những lời báng bổ còn xấu hơn. Những lời nói xấu là không tốt, nhưng một mặt nào đó đỡ hơn, nhưng chúng không tốt! Nhưng những lời báng bổ: đừng bao giờ báng bổ! Đừng bao giờ, đừng bao giờ! Những lời xấu xa là kinh khủng rồi, nhưng vẫn chưa nghiêm trọng bằng sự báng bổ. Và khi cãi nhau, lời khuyên là gì rồi nhỉ? … Tất cả cùng nhau: [cùng với tất cả thiếu nhi] Làm hòa trước khi ngày kết thúc. Đồng ý không?
ĐTC Phanxico: Câu hỏi thứ ba: có điều gì đó làm cha khiếp sợ hay e sợ … Và khi con – Sara – hỏi cha câu hỏi đó, bạn ấy đến gần cha và nói: “Nhưng cha biết không? Con sợ các phù thủy!” . . . [Ngài cười, và thiếu nhi cười] Nhưng có phù thủy không?
Thiếu nhi: Thưa có …
ĐTC Phanxico: Thật hả? Và khi chúng con nghe thấy bà gì đó nói “Không, tôi sẽ đi đến phù thủy vì tôi bị bệnh, và bà ấy sẽ chỉ cần làm ba hay bốn cử chỉ gì đó và sẽ chữa tôi khỏi bệnh” … Cái này gọi là gì nhỉ?
Thiếu nhi: Nói dối.
ĐTC Phanxico: Nói dối. Ồ, đúng, nó được gọi là một điều ngu ngốc, vì các phù thủy không có quyền năng. Đồng ý không? Cha nói câu này cho bạn đã nói “phù thủy làm con sợ hãi.” Điều gì làm cha hoảng sợ hay e sợ? Cha rất sợ khi một người trở nên hiểm độc: sự hiểm độc của con người. Tuy nhiên, khi một người — vì tất cả chúng ta đều có hạt giống của sự hiểm độc, bên trong, vì nó là tội ác dẫn con người đến điều này — nhưng khi một con người chọn cách trở nên hiểm độc, điều này làm cha rất sợ, vì một con người hiểm độc có thể làm rất nhiều điều hại; và nó cũng làm cho cha sợ khi có tin đồn thổi trong gia đình, trong khu xóm, trong chỗ làm việc, trong giáo xứ, ngay cả trong Vatican, điều này làm cha sợ. Để cha kể cho chúng con điều này, nghe kỹ. Chúng con có nghe hay xem trên truyền hình những gì mà những kẻ khủng bố làm không? Họ quăng một trái bom và thoát đi nơi khác, họ làm việc này, đó là một trong những việc họ làm. Tung tin đồn cũng giống như vậy: đó là quăng quả bom rồi bỏ đi chỗ khác. Và tin đồn phá hoại; nó phá hoại. Nó phá hoại một gia đình, nó phá hoại một khu xóm, nó phá hoại một giáo xứ, nó phá hoại tất cả, nhưng trên hết, tin đồn phá hủy tâm hồn con người. Vì, nếu tâm hồn chúng con có thể ném được một trái bom, con là một kẻ khủng bố, con làm điều hiểm độc theo cách giấu giếm và tâm hồn con trở nên xấu xa, đừng bao giờ tung tin đồn. Chúng con đồng ý hay không?
Thiếu nhi: Thưa có!
ĐTC Phanxico: Sợ tin đồn thổi! Đừng bao giờ! “Nhưng cha muốn nói với chúng con về vấn đề này … Hãy cắn lưỡi! Hãy cắn lưỡi trước khi nói nó ra. “Nhưng nó làm con đau!” Đúng, nó sẽ làm con đau, nhưng nó không làm người khác đau! Chúng con hiểu chưa? Quả thật, cha rất sợ khả năng tàn phá của tin đồn, nói chuyện này về người khác theo cách lén lút; phá hủy người đó, theo cách lén lút. Và điều này rất xấu. Điều này, đúng, sẽ “trở thành một phù thủy”: Nó giống như người ta là một phù thủy. Người ta làm một người khủng bố, đồng ý không?
Cha xứ: Những khoảng thời gian đẹp nhất trong đời của cha, thưa Đức Thánh Cha …
ĐTC Phanxico: Nhưng, có quá nhiều, quá nhiều thời gian đẹp … Một thời gian đẹp trong đời của cha khi cha còn là một cậu bé, cha đến sân vận động với bố của cha; mẹ của cha cũng thỉnh thoảng đến, để xem thi đấu. Lúc đó chẳng có vấn đề gì xảy ra ở sân vận động, và điều này rất đẹp. Vào các ngày Chủ nhật, sau giờ trưa, sau cơm trưa, đến sân vận động rồi về nhà … Nó rất đẹp, rất đẹp. Nó là một thời gian đẹp. Một khoảng thời gian đẹp nữa của cha là …
Một thiếu nhi: nghe cha nói trên TV …
ĐTC Phanxico: Không, cha không thích nó: TV làm cha hồi hộp! [Ngài cười, thiếu nhi cười] Chúng con có thấy rằng TV làm thay đổi khuôn mặt của chúng con không? Nó làm cho chúng con hơi … không còn là chúng con nữa. Cha thích mọi việc thẳng thắn. Cha không thích điều đó; nó là sự lãng phí thời gian. Một khoảng thời gian đẹp khác trong đời của cha là gặp gỡ bạn bè. Trước khi trở về Roma, cứ hai tháng một lần mười người bạn gặp nhau, bạn cùng trường, học hết trung học với nhau; cha và các bạn xong trung học lúc 17 tuổi, và vẫn tiếp tục họp mặt, đúng, mỗi người có gia đình … Nó rất đẹp – một khoảng thời gian đẹp. Và một khoảng thời gian rất đẹp cho cha – mà cha rất thích – là lúc cha có thể cầu nguyện trong thinh lặng, đọc Lời Chúa: điều đó làm cha thoải mái, cha rất thích. Có rất nhiều khoảng thời gian đẹp, rất nhiều … Cha không biết … Cha có thể nói thêm những khoảng thời gian đẹp nào nữa, nhưng có rất nhiều, rất nhiều trong đời của cha … và cha tạ ơn Chúa — và chúng con cũng có những khoảng thời gian đẹp, đúng không?
Thiếu nhi: Thưa có …
ĐTC Phanxico: Có … Dường như chúng con chưa chắc chắn lắm … Chúng con có những khoảng thời gian đẹp hay không?
Thiếu nhi: Thưa có!
ĐTC Phanxico: Có, một ví dụ …
Thiếu nhi: Hôm nay.
ĐTC Phanxico: Trước khi chuyển sang câu hỏi của bạn thiếu nhi nữ … Cha xứ có nói tới các anh chị giáo lý viên. Anh chị giáo lý viên, giơ tay lên nào … cha cảm ơn chúng con rất nhiều. Giáo hội sẽ ra sao nếu không có chúng con? Chúng con là những trụ cột trong đời sống của một giáo xứ, trong đời sống của một giáo phận. Một giáo phận, một giáo xứ không thể lớn lên nếu không có các giáo lý viên. Và điều này bắt đầu từ những thời gian đầu tiên, từ thời gian sau Phục sinh của Chúa Giê-su: chính những người phụ nữ đã giúp đỡ cho bạn bè của họ và là những giáo lý viên. Đó là ơn gọi rất đẹp; đó là ơn gọi rất đẹp. Là một giáo lý viên không hề dễ, vì người giáo lý viên không chỉ dạy “nhiều điều,” giáo lý viên còn phải dạy những thái độ, giáo lý viên phải dạy những giá trị, rất nhiều điều, lối sống của một con người … Đó là một công việc khó khăn. Cha cảm ơn chúng con rất nhiều, những anh chị giáo lý viên, vì công việc của chúng con. Cảm ơn chúng con rất nhiều, cảm ơn.
Cha xứ: [nhắc lại câu hỏi của em thiếu nhi nữ] Quá nhiều công nghệ, cho phép người ta giao tiếp, nhưng quá nhiều khó khăn trong đối thoại …
ĐTC Phanxico: Điều này là tốt, vì ngày nay chúng ta có thể giao tiếp khắp mọi nơi, nhưng lại thiếu đối thoại. Hãy nghĩ về điều này … Các con nhắm mắt vào, tưởng tượng hình ảnh này: ngồi tại bàn, mẹ, cha, tôi, anh của tôi, chị của tôi, mỗi người cầm điện thoại riêng và nói chuyện … Tất cả họ đều nói nhưng nói với người ngoài; họ không nói chuyện với nhau. Đây là vấn đề, thiếu sự đối thoại, và thiếu sự lắng nghe. Hôm qua cha có buổi gặp gỡ – một nhóm  người rất tốt lành đến Vatican – họ có đâu 400 người hơn hay kém gì đó – họ thuộc về Hiệp hội “Help Line”, chúng con có nghe nói về Hiệp hội này chưa? Đó là một Hiệp hội sẵn sàng lắng nghe: nếu chúng con buồn, nếu chúng con lo âu và có vấn đề gì đó hay là một sự nghi ngờ, các con có thể gọi điện và luôn luôn có một người ở đó sẵn sàng lắng nghe. Lắng nghe là bước đầu tiên của đối thoại, và cha tin rằng đây là một vấn đề chúng ta phải giải quyết. Một trong những căn bệnh nặng nhất của ngày nay là rất thiếu khả năng lắng nghe … Có chứ, “Tôi đang giao tiếp qua điện thoại,” nhưng mà chúng con lại không lắng nghe những người đang ở ngay cạnh chúng con, chúng con không đối thoại, chúng con đang giao tiếp với một người khác mà có lẽ không phải là một sự giao tiếp thực sự, nó không phải là sự đối thoại: cha nói điều này, và con nói điều khác, nhưng mọi thứ đều là ảo. Chúng ta phải giành lại sự đối thoại thực sự, và cha nói với chúng con, những người trẻ tuổi. Và người ta phải bắt đầu đối thoại như thế nào? — bằng cái tai. Mở tai ra. Mở tai ra để nghe thấy những gì đang diễn ra. Ví dụ: cha đến thăm một người bệnh và cha bắt đầu nói ào ào: “Đừng lo, bạn sẽ sớm khỏi bệnh thôi, blablablablabla …, thôi chào tạm biệt, xin Chúa chúc lành cho bạn.” Nhưng người ấy đang có nhu cầu được lắng nghe! Khi chúng con đi thăm một người bệnh, hãy giữ thinh lặng. Hãy hôn người đó, quan tâm đến họ, đặt câu hỏi: “Ông/Bà thấy sức khỏe thế nào rồi?” và rồi để cho người đó nói. Người đó cần phải kể ra, người đó cần phải phàn nàn, người đó cũng chẳng cần phải nói cho ra đầu ra đuôi như cần cảm nhận được sự quan tâm và được lắng nghe. Cái lưỡi phải nằm ở vị trí thứ hai. Vậy cái gì đứng ở vị trí thứ nhất?
Thiếu nhi: Cái tai.
ĐTC Phanxico: Cha không nghe thấy …
Thiếu nhi: Đôi tai!
ĐTC Phanxico: Và cái lưỡi đứng ở vị trí nào? — ở vị trí thứ hai, luôn luôn như vậy — lắng nghe, và từ lắng nghe đi đến đối thoại. Và cũng là sự đối thoại thực sự, vì những gì làm được qua điện thoại chỉ là ảo, nó là “chất lỏng:, nó không cụ thể – tính cụ thể của đối thoại. Điều này rất quan trọng. Chúng con hiểu chưa?
Cha xứ: Thưa Đức Thánh Cha, ngay ở đằng trước kia là nhóm mấy em hỏi câu hỏi vừa rồi: mấy em đó.
ĐTC Phanxico: Giỏi. Hãy làm điều này: học cách đặt câu hỏi: Ồ, bạn khỏe không?” – “Chà . . .  – “Hôm qua bạn làm gì? . . . Đặt câu hỏi và để người khác nói, và thế là cuộc đối thoại bắt đầu. Nhưng người khác luôn là người nói trước, và chúng con phải lắng nghe kỹ. Điều này được gọi là “tông đồ của đôi tai.” Chúng con hiểu không? Đối thoại diễn ra như vậy. Ở đất nước của cha, người ta nói rằng nhiều khi các linh mục phải “nói với người con dâu để cô ấy nghe thấy mẹ chồng nói”; và cha nói điều này với thiếu nhi chúng con, để những người lớn cũng nghe thấy! Tất cả chúng ta đều cần học những điều này.
Cha xứ: Thưa Đức Thánh Cha, đây là quyển sách có tất cả những câu hỏi, những lá thư và hình vẽ các em thiếu nhi và bạn trẻ gửi cho cha.
ĐTC Phanxico: Cảm ơn chúng con về việc này, vì cha biết rằng từng người chúng con làm điều này bằng cả trái tim, bằng tình yêu. Cảm ơn chúng con rất nhiều. Cảm ơn chúng con rất nhiều. Và cha xin cảm ơn những bạn mang nó đến: nó rất có giá trị đối với cha, vì thực sự đây là một cầu nối của sự đối thoại, vài vì đối thoại luôn là một chiếc cầu nối. Cảm ơn các con. Trong bưu điện, luôn có một món đồ cuối cùng: đây là món đồ cuối cùng. Nó đến muộn, nhưng rất tốt.
Cha cảm ơn tất cả rất nhiều. Bây giờ, tất cả, cha mời mọi người cùng cầu nguyện với Mẹ Maria trên Thiên Đàng, Mẹ Maria. “Kính mừng Maria …”
[Phép lành]

[Văn bản gốc: tiếng Ý] [ Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 15/03/2017]