Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 16.06.2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 16.06.2021

Tiếp kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 16.06.2021


Buổi Tiếp kiến chung sáng nay được tổ chức trong sân San Damaso của Điện Tông tòa Vatican.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha kết thúc các bài giáo lý về cầu nguyện, tập trung vào chủ đề: “Lời cầu nguyện vượt qua của Chúa Giêsu cho chúng ta” (Mc 14, 32-36).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


*****

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Giáo lý về cầu nguyện: 37. Lời cầu nguyện Vượt qua của Chúa Giêsu cho chúng ta

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta đã nhắc lại nhiều lần trong loạt bài giáo lý này rằng cầu nguyện là một trong những điểm đặc trưng rõ ràng nhất trong cuộc đời của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu cầu nguyện, và Ngài cầu nguyện rất nhiều. Trong suốt quá trình thi hành sứ vụ của Ngài, Chúa Giêsu đã đắm mình trong cầu nguyện, bởi vì sự đối thoại với Chúa Cha là cốt lõi sâu sắc của toàn bộ cuộc sống của Ngài.

Các sách Tin Mừng làm chứng rằng lời cầu nguyện của Chúa Giêsu càng trở nên mãnh liệt và nhiều hơn vào giờ thương khó và cái chết của Ngài. Những biến cố đỉnh điểm trong cuộc đời của Ngài tạo nên cốt lõi trung tâm cho sự rao giảng Kitô giáo: những giờ phút cuối cùng mà Chúa Giêsu sống tại Giêrusalem là trung tâm của Tin Mừng không chỉ vì các Thánh sử dành không gian rộng rãi hơn cho câu chuyện này, mà còn vì biến cố của cái chết và sự phục sinh của Ngài - như một tia chớp - làm sáng tỏ phần đời còn lại của Chúa Giêsu. Chúa không phải là một nhà từ thiện chăm lo cho những đau khổ và bệnh tật của con người: Chúa đã làm như vậy và còn hơn thế nữa. Trong Ngài không chỉ có sự tốt lành: còn có điều gì đó hơn thế nữa, đó là ơn cứu độ, và không phải là ơn cứu độ rải rác từng lúc - như kiểu có thể cứu tôi khỏi một căn bệnh hoặc một khoảnh khắc tuyệt vọng - nhưng là ơn cứu độ toàn diện, ơn cứu độ của Đấng thiên sai, mang lại hy vọng chiến thắng hoàn toàn của sự sống trên sự chết.

Do đó, trong những ngày của Lễ Vượt Qua cuối cùng của Chúa, chúng ta thấy Chúa Giêsu hoàn toàn đắm mình trong cầu nguyện.

Như chúng ta đã nghe, Ngài cầu nguyện rất nhiều trong vườn Ghếtsêmani, bị dằn vặt bởi nỗi thống khổ của thân xác. Tuy nhiên, chính trong giây phút đó, Chúa Giêsu đã gọi Thiên Chúa là “Abba”, là cha (xem Mc 14, 36). Trong tiếng Aram, từ này là ngôn ngữ của Chúa Giêsu, thể hiện sự mật thiết, nó thể hiện sự tin tưởng. Ngay khi Ngài cảm thấy bóng tối bao trùm quanh Ngài, Chúa Giêsu phá vỡ nó bằng từ ngữ nhỏ bé đó: Abba, cha ơi.

Chúa Giêsu cũng cầu nguyện trên thập giá, bị bao trùm trong sự im lặng của Thiên Chúa. Và một lần nữa từ “Cha ơi” lại phát ra từ môi Ngài. Đó là lời cầu nguyện thống thiết nhất, vì trên thập giá, Chúa Giêsu là Đấng chuyển cầu tuyệt đối: Ngài cầu nguyện cho người khác, Ngài cầu nguyện cho mọi người, ngay cả cho những người đã kết án Ngài, mặc dù chẳng một ai ngoài một kẻ du côn tội nghiệp là đứng về phía Ngài. Mọi người đều chống lại Chúa hoặc dửng dưng, chỉ có tên tội phạm đó nhận ra quyền năng. “Lạy Cha, xin tha cho họ; vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Giữa bi kịch, trong nỗi đau đớn tột cùng của tâm hồn và thể xác, Chúa Giêsu cầu nguyện bằng những lời của thánh vịnh; với những người nghèo khổ trên thế giới, đặc biệt là những người bị mọi người lãng quên, Ngài kêu lên những lời thống thiết của Thánh vịnh 22: “Lạy Chúa, lạy Chúa của con, sao Chúa lại bỏ rơi con?” (câu 2). Ngài cảm thấy bị bỏ rơi, và Ngài đã cầu nguyện. Thập giá là sự kiện toàn ân sủng của Chúa Cha, Đấng ban tặng tình yêu, tức là ơn cứu độ của chúng ta được thực hiện. Và cũng có lần, Ngài kêu lên cùng Thiên Chúa Cha “Lạy Thiên Chúa của con”, “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”: nghĩa là mọi sự, mọi sự đều là lời cầu nguyện, trong ba giờ trên Thập giá.

Vì vậy, Chúa Giêsu cầu nguyện trong những giờ quyết định của cuộc thương khó và cái chết của Ngài. Và Chúa Cha nhận lời cầu nguyện bằng sự phục sinh. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu rất mãnh liệt, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là duy nhất, và cũng trở thành kiểu mẫu cho lời cầu nguyện của chúng ta. Chúa Giêsu cầu nguyện cho mọi người: Ngài thậm chí còn cầu nguyện cho tôi, cho từng người trong anh chị em. Mỗi người trong anh chị em có thể nói: “Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho tôi trên thập giá”. Ngài đã cầu nguyện. Chúa Giêsu nói với mỗi người chúng ta: “Ta đã cầu nguyện cho con trong Bữa Tiệc Ly, và trên gỗ của Thập giá”. Ngay cả trong những lúc đau khổ nhất của chúng ta, chúng ta không bao giờ cô đơn. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu ở với chúng ta. “Và bây giờ, thưa Cha, tại đây, với chúng con là những người đang lắng nghe điều này, Chúa Giêsu có cầu nguyện cho chúng con không?” Có, Ngài tiếp tục cầu nguyện để Lời Ngài có thể giúp chúng ta tiếp tục tiến bước. Nhưng hãy cầu nguyện, và nhớ rằng Ngài cầu nguyện cho chúng ta.

Và với cha dường như đây là điều đẹp nhất để ghi nhớ. Đây là bài giáo lý cuối cùng của loạt giáo lý về cầu nguyện: hãy ghi nhớ ân sủng rằng chúng ta không chỉ cầu nguyện, nhưng có thể nói rằng chúng ta được “cầu nguyện cho”, chúng ta đã được đón nhận trong cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với Chúa Cha, trong sự hiệp thông với Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu cầu nguyện cho tôi: mỗi người chúng ta hãy ghi nhớ điều này. Chúng ta không được quên. Ngay cả trong những khoảnh khắc tồi tệ nhất. Chúng ta đã được đón nhận trong cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với Chúa Cha trong sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần. Chúng ta được Chúa Giêsu Kitô yêu thương, và ngay cả trong giờ khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Ngài, mọi thứ đều được hiến dâng vì chúng ta. Và như vậy, với lời cầu nguyện và với cuộc sống, chỉ cần duy trì can đảm và hy vọng, và với sự can đảm và hy vọng này, để cảm nhận lời cầu nguyện của Chúa Giêsu một cách mạnh mẽ và tiếp tục tiến bước: để cuộc đời chúng ta có thể trở thành cuộc sống làm vinh danh Thiên Chúa khi biết rằng Ngài cầu nguyện với Chúa Cha cho tôi, rằng Chúa Giêsu cầu nguyện cho tôi.

_______________________________________________

Lời chào bằng tiếng Anh

Cha thân ái chào các tín hữu nói tiếng Anh. Trong sự kết hiệp với Chúa Giêsu, Đấng chuyển cầu của chúng ta trước mặt Chúa Cha, chúng ta hãy kiên trì cầu nguyện cho sự hoán cải của các tâm hồn và cho ơn cứu độ thế giới.

Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc phúc cho anh chị em!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/6/2021]


Câu chuyện về lần hiện ra duy nhất được công nhận của Thánh Antôn Padua

Câu chuyện về lần hiện ra duy nhất được công nhận của Thánh Antôn Padua

Câu chuyện về lần hiện ra duy nhất được công nhận của Thánh Antôn Padua

Đền thờ Thánh Antôn, Radecznica, Ba Lan/ EWTN News Nightly

Katie Yoder

Washington D.C., 14 tháng Sáu, 2021 / 13:59 pm



Người Công giáo biết đến Thánh Antôn thành Padua là một tu sĩ dòng Phanxicô, một Tiến sĩ Hội Thánh, và là vị thánh bảo trợ cho những món đồ thất lạc - nhưng chỉ có một người từng nhìn thấy Thánh Antôn trong một lần hiện ra được công nhận.

Năm 1664, người thợ dệt tên Szymon - đến từ ngôi làng Radecznica nhỏ của Ba Lan - đã gặp Thánh Antôn trong một lần hiện ra. Một trong những điều thánh nhân yêu cầu là xây dựng một đền thờ gần đó. Hơn ba thế kỷ sau, đền thờ đó vẫn tồn tại, và vào ngày lễ Thánh Antôn – ngày 13 tháng Sáu – những người hành hương mừng kính bằng một cuộc rước Thánh Thể.

Mặc dù sinh ở Lisbon, Bồ Đào Nha năm 1195, Thánh Antôn đã chuyển đến Padua, nước Ý, sau khi gia nhập dòng Phanxicô. Tuy nhiên, lần hiện ra của ngài lại xảy ra ở một nước thứ ba là Ba Lan. Cha Teofil Czarniak, thừa tác viên tỉnh dòng của Dòng Anh Em Hèn mọn, đã gọi sự hiện ra của thánh nhân là một “biến cố đặc biệt”.

Szymon “đã có thị kiến về Thánh Antôn và Thánh Antôn đã trao cho ông ta một số thông điệp,” Cha Czarniak nói với EWTN News Nightly vào ngày 11 tháng Sáu. “Một trong những thị kiến đó là yêu cầu xây dựng một đền thờ trên [một] ngọn đồi gần đó.”

Vì vậy, Cha nói thêm, “một trong những lời hứa của Thánh Antôn là bất cứ ai đến nơi này – vì ngài đã hiện ra gần mạch nước – bất cứ ai rửa sạch vết thương của mình hoặc uống nước này với lòng tin sẽ được ban cho các ơn.”

Tin tức về thị kiến lan truyền khắp Ba Lan và ngay sau đó các nhà xây dựng đã xây Đền thờ Thánh Antôn bên cạnh hồ nước gần đó.

Ngôi đền sau đó đã thu hút sự chú ý của Vatican. Năm 2015, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đặt danh hiệu cho đền thờ là một tiểu vương cung thánh đường.

Cha Teofil Czarniak nói, “Đây là lần hiện ra đầu tiên của Thánh Antôn được công nhận trên thế giới. Hiện nay, ngày nay, bạn có thể nhìn thấy ngôi đền thờ tuyệt đẹp” được trang trí với một bức ảnh của Thánh Antôn. Ngôi đền được trang trí bằng nghệ thuật tôn giáo đầy màu sắc và được dát vàng.

Cha nói thêm, khi người hành hương đến viếng ngôi nhà thờ xinh đẹp, họ nhận được các ơn “nhờ sự chuyển cầu của Thánh Antôn”. Họ tề tựu cách đặc biệt vào ngày lễ của thánh nhân, khi đó các tín hữu tham dự cuộc rước Thánh Thể với tượng Thánh Antôn.

Cha Czarniak kết luận, “Chúng tôi xin mời mọi người hành hương, tất cả những ai cần sự trợ giúp của Thiên Chúa qua lời cầu bầu của Thánh Antôn – một vị đại thánh trên trời – hãy đến và viếng. Hãy đến và cầu nguyện. Hãy đến và trở thành một trong những người hành hương tại thánh địa này.”




[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/6/2021]