Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2020

Người phụ nữ từ chối phá thai; sinh cặp song sinh trở thành linh mục

Người phụ nữ từ chối phá thai; sinh cặp song sinh trở thành linh mục

Người phụ nữ từ chối phá thai; sinh cặp song sinh trở thành linh mục

felipe_lizama_silva | Instagram | Fair Use

 

Matthew Green

04 tháng Chín, 2020


Kết quả siêu âm có vẻ xấu, nhưng bà muốn chấp nhận bất cứ điều gì Chúa gửi cho bà.

Bạn sẽ làm gì nếu được thông báo rằng bạn đang mang thai một đứa trẻ có hai đầu và các chi thừa? Điều gì sẽ xảy ra nếu các bác sĩ nói với bạn rằng bạn nên phá thai vì một thai kỳ khó khăn như vậy có thể khiến bạn gặp nguy hiểm?

Rosa Silva đã phải đối mặt với tình huống này ở Chile vào năm 1984; chị quyết định từ chối phá thai và chấp nhận “bất cứ điều gì Chúa gửi đến cho tôi.” Giáo phận Valparaíso của Chile có được hai linh mục nhờ quyết định đó — anh em song sinh là Cha Paulo và Cha Felipe Lizama.

Câu chuyện lạ thường của cặp song sinh này lên bản tin vào năm 2013, một năm sau khi hai người thụ phong linh mục, và được đăng trong các bài báo trên các tờ báo Công giáo AciprensaReligión en Libertad (ReL), cùng các trang web khác. Hôm nay, tám năm trong thiên chức linh mục, họ nhiệt thành với thừa tác vụ của mình và đang sử dụng mạng xã hội để truyền giáo.




Y ¿cuál es tu Buena Nueva? @Felipe_Twin @CurasOnline

Người phụ nữ từ chối phá thai; sinh cặp song sinh trở thành linh mục

36 năm trước đây, thân phụ mẫu của hai cha, Rosa và Humberto, không thể ngờ rằng hôm nay họ lại có hai người con trai linh mục song sinh dâng Lễ và truyền trực tiếp trên Facebook. Khi Rosa đi kiểm tra sức khỏe sau khi biết mình mang thai, bác sĩ tiến hành siêu âm và cho rằng những gì họ nhìn thấy trên màn hình là một đứa trẻ bị dị tật nghiêm trọng (theo mô tả, có lẽ là một cặp song sinh dính liền không thể sống được), một thai kỳ có thể khiến mạng sống Rosa gặp nguy hiểm. Bác sĩ đề nghị giải pháp “trị liệu” là phá thai.

“Họ bảo mẹ tôi phá thai ... nhưng bà ấy không muốn. Bà đã chọn sự sống mặc dù khi đó bà có thể [phá thai], vì bà được cho là có nguy hiểm,” Cha Paulo nói với ReL. (Phá thai “trị liệu” là hợp pháp ở Chile vào thời điểm đó; nó bị xem là bất hợp pháp năm 1989, nhưng được hợp pháp hóa trở lại năm 2017.)

Cha Felipe nói với Aciprensa rằng họ không chắc là bác sĩ có giải thích sai bản siêu âm hay không, hay Chúa đã can thiệp vào thai kỳ để cặp song sinh khỏe mạnh được sinh ra. Cha Paulo nói, dù thế nào đi nữa: “Tôi luôn cảm nhận sự trìu mến và dịu dàng đặc biệt khi nghĩ đến trái tim của mẹ tôi, người đã sẵn sàng hy sinh sự sống cho tôi; cho chúng tôi.”

Cặp song sinh chào đời khỏe mạnh vào ngày 10 tháng Chín năm 1984, cách nhau 17 phút (Felipe là anh). Họ còn có một chị gái, Paola, lớn hơn 4 tuổi.

Con đường từ khi chào đời đến khi trở thành linh mục không hề suôn sẻ và dễ dàng. Mặc dù cả Felipe và Paulo đều trưởng thành là người Công giáo ngoan đạo, nhưng có thời gian, niềm đam mê chơi bóng đá của họ đã cản trở việc tham dự Thánh lễ Chủ nhật của họ. Sau đó, khi các cậu lên 14 tuổi, cha mẹ các cậu ly thân, Felipe và Paulo bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho Giáo hội; họ nói với ReL rằng không có nhiều việc gì khác để làm trong thị trấn của họ.

Đến năm 16 tuổi, các cậu ngừng chơi bóng đá và tham gia vào Giáo hội nhiều hơn bao giờ hết (mặc dù ngày nay hai cha vẫn tiếp tục là những người hâm mộ nhiệt tình của môn thể thao này). Hai cậu vào chủng viện năm 18 tuổi.

Người ta có thể nghĩ rằng việc theo đuổi chức tư tế là một quyết định mà họ cùng nhau phân định; các cặp song sinh nổi tiếng về việc chia sẻ những bí mật của họ. Tuy nhiên, hai cha nói rằng cả hai đều giữ kín sự phân định ơn gọi của mình, vì họ không muốn làm ảnh hưởng đến các quyết định trong cuộc sống của nhau. Mỗi người được cuốn hút theo đuổi chức tư tế theo cách riêng của mình, mặc dù kết quả cuối cùng là như nhau. Cha Paulo nói với Aciprensa, “Tôi không biết ai trong hai chúng tôi cảm nhận được tiếng gọi trước. Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa làm mọi việc rất tuyệt vời, để bảo vệ sự tự do cho câu trả lời của chúng tôi ”. Vào ngày thụ phong linh mục, Cha Paulo nói, “Chúng tôi chia sẻ cùng những kinh nghiệm và cùng một tiếng gọi từ Chúa Giêsu để chia sẻ Ngài với những người khác.”



por una alegría para mi país #ConTodaLaFeEnLaRojaMG

Người phụ nữ từ chối phá thai; sinh cặp song sinh trở thành linh mục

Nói về ơn gọi linh mục, Cha Felipe nói với Aciprensa, “Chúa không đùa giỡn với chúng tôi. Ngài muốn chúng tôi hạnh phúc, và thiên chức linh mục là một ơn gọi cao đẹp giúp chúng tôi hạnh phúc trọn vẹn”.

Cha Pablo nói, “Chúa Giêsu, Giáo hội và Thế giới cần chúng tôi. Nhưng không phải là họ cần bất kỳ người trẻ nào: họ cần những người trẻ được ban sức mạnh bởi chân lý của Chúa, theo cách mà chính cuộc sống của họ tỏa lan sự sống, nụ cười của họ thể hiện niềm hy vọng, ánh mắt của họ thể hiện niềm tin, và hành động của họ thể hiện tình yêu.”

Hai anh em sinh đôi chỉ biết được câu chuyện về lòng dũng cảm của mẹ trong thời kỳ mang thai hai người khi họ học năm thứ sáu chủng viện. Họ coi những biến cố ban đầu đó là sự quan phòng: Thiên Chúa đã gọi họ từ muôn thuở, và tình yêu thương cùng với lòng quảng đại của thân mẫu đã biến điều đó thành hiện thực, hai cha nói với Aciprensa. Cha Paulo nói, “Làm sao chúng tôi không bảo vệ sự sống? Làm sao chúng tôi không rao giảng về Thiên Chúa của sự sống? Sự kiện này đã tạo ra một sự thôi thúc ơn gọi của tôi, nó mang đến một sức sống đặc biệt … Tôi bị thuyết phục về những gì tôi tin, về con người của tôi và về những gì tôi nói, rõ ràng là nhờ ân sủng của Chúa.”

Sau 10 năm học và chuẩn bị, hai người cùng được thụ phong linh mục vào ngày 28 tháng Tư năm 2012, tại nhà thờ chính tòa Valparaíso.

Cha Paulo nói rằng ngay cả khi là linh mục, họ vẫn chơi những trò vui điển hình của các cặp sinh đôi. “Mọi người nhầm lẫn giữa chúng tôi và tôi thường giả làm anh trai của mình. Điều hài hước nhất là cách mọi người phản ứng. Đó là sự tinh nghịch của các cặp song sinh, một “điểm cộng” mà chúng tôi không thể không tận dụng.” Cha nói rằng hầu hết mọi người không nhận ra rằng một người thuận tay trái và người kia thuận tay phải.

Ngày nay, mạng xã hội là một phần thừa tác vụ của họ. Các bài đăng của hai cha trên Facebook, Instagram và Twitter phản ánh niềm vui của họ trong thiên chức linh mục, khiếu hài hước, sự gần gũi với nhau và với gia đình, và tình yêu bóng đá của họ.

Đường lối của Chúa không phải là của chúng ta. Rosa và Humberto Lizama đã phải đối mặt với một quyết định khó khăn, trong đó họ có thể chọn một con đường dễ dàng hơn nhưng đi ngược lại luật pháp của Chúa (phá thai), nhưng thay vì vậy họ đã chọn tín thác Chúa, tôn trọng và đón nhận sự sống, tuy rằng sự sống đó có thể “bị thương tổn”. Trong trường hợp này, Thiên Chúa muốn ban phúc cho lòng trung thành đó bằng một món quà cho cha mẹ và cho Hội Thánh. Cầu mong cho họ và chúng ta đón nhận được ân sủng và sức mạnh để hiểu được và luôn đưa ra những lựa chọn đúng đắn; rõ ràng, Chúa sẽ luôn ban phúc cho chúng ta, cho dù không phải lúc nào chúng ta cũng thấy được ngay thời điểm đó.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/9/2020]


Chúng ta phải chữa lành tâm hồn con người, lời của Đức Thánh Cha với những người Pháp cam kết với sinh thái

Chúng ta phải chữa lành tâm hồn con người, lời của Đức Thánh Cha với những người Pháp cam kết với sinh thái

Chúng ta phải chữa lành tâm hồn con người, lời của Đức Thánh Cha với những người Pháp cam kết với sinh thái học

Những động lực lớn của người Kitô hữu cho Hành tinh

03 tháng Chín, 2020 11:23

ANNE KURIAN-MONTABONE

 
Đức Thánh Cha Phanxico khẳng định với một nhóm khoảng 15 người Pháp nổi tiếng đến để trao đổi về vấn đề sinh thái học với ngài ngày 3 tháng Chín năm 2020 tại Vatican, rằng cần “một con đường mới để làm người,” vì “chỉ bằng cách chữa lành tâm hồn con người thì chúng ta mới hy vọng chữa lành sự hỗn loạn của thế giới, cả về xã hội và môi trường.”

Nhóm bao gồm nữ diễn viên Juliette Binoche, nhà nghiên cứu Pablo Servigne, giám đốc Collège des Bernardins Laurent Landete, và được tháp tùng bởi Đức Giám mục Eric de Moulins-Beaufort, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp.

Trong buổi họp, Đức Thánh Cha không đọc bài phát biểu được chuẩn bị trước, nhưng trao cho họ văn bản chính thức, trong đó ngài khen ngợi “ý thức từng bước một về tính khẩn cấp của tình hình,” trong khi sinh thái học “bắt đầu có ảnh hưởng đến những lựa chọn chính trị và kinh tế, cho dù còn rất nhiều điều phải làm và cho dù chúng ta đang chứng kiến quá nhiều sự chậm chạp và sự thoái lui.”

Ngài khẳng định rằng mọi thứ đều được liên kết: “Cùng một sự thờ ơ như vậy, cùng một chủ nghĩa vị kỷ, cùng một lòng tham, cùng một sự kiêu ngạo, cùng một khuynh hướng tin rằng chính mình là ông chủ và ông vua của thế giới, là những thứ đưa con người đến: một mặt là tiêu diệt các chủng loài và cướp bóc tài nguyên thiên nhiên, và mặt khác là bóc lột sự nghèo đói, lạm dụng sức lao động của phụ nữ và trẻ em, đảo lộn luật lệ của gia đình, không còn tôn trọng quyền sống của con người từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên.”

Đức Giáo Hoàng cũng cho thấy “niềm xác tín của đức tin” cung cấp cho người Kitô hữu “những động lực to lớn để bảo vệ thiên nhiên, cũng như những anh chị em mong manh nhất”. Và khẳng định: “Khoa học và đức tin, vốn đưa ra những cách tiếp cận thực tế khác nhau, có thể phát triển một cuộc đối thoại sôi nổi và đầy hiệu quả.”

Cho dù có tình trạng “thê thảm” của hành tinh, nhưng Đức Thánh Cha Phanxico bày tỏ “niềm hy vọng” của các Kitô hữu: “Đôi mắt chúng ta hướng về Chúa Giêsu Kitô. Ngài là Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hóa trở thành người phàm, đã đến thăm tạo vật của Ngài và sống giữa chúng ta, để chữa lành chúng ta, làm cho chúng ta tìm lại sự hòa hợp mà chúng ta đã đánh mất, hòa hợp với anh em chúng ta, hòa hợp với thiên nhiên.”


Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxico

Thưa quý ngài,

Thưa quý ông quý bà,

Tôi hân hạnh được đón tiếp quý vị, và tôi thân ái chào mừng quý vị đến Roma. Và tôi xin cảm ơn Đức ông de Moulins Beaufort, đã có sáng kiến về cuộc họp này theo sau những phản ánh mà Hội đồng Giám mục Pháp đã thảo luận xoay quanh Tông huấn Laudato si’, những phản ánh trong đó nhiều diễn giả nhiệt thành tham gia về vấn đề sinh thái.

Chúng ta là một phần của gia đình nhân loại, được kêu gọi sống trong ngôi nhà chung, sự xuống cấp đáng lo ngại mà chúng ta cùng nhìn thấy. Cuộc khủng hoảng sức khỏe nhân loại hiện đang trải qua nhắc nhở chúng ta về sự mong manh của mình. Chúng ta hiểu rằng chúng ta được liên kết với nhau tới mức độ nào, được đưa vào một thế giới trong đó chúng ta cùng chia sẻ tương lai, và việc đối xử tệ bạc với nó chỉ có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, không chỉ về môi trường, nhưng cả xã hội và con người.

Thật may mắn khi nhận thức về tính cấp bách của tình hình đang được nâng lên ở khắp nơi, rằng chủ đề sinh thái ngày càng thấm sâu vào tinh thần ở mọi cấp độ, và bắt đầu có ảnh hưởng đến các lựa chọn chính trị, và kinh tế, cho dù vẫn còn nhiều việc phải làm, và cho dù chúng ta đang chứng kiến quá nhiều sự chậm chạp và sự thoái lui. Về phần mình, Giáo hội Công giáo muốn tham gia trọn vẹn vào cam kết bảo vệ ngôi nhà chung. Giáo hội không có giải pháp soạn sẵn để đề xuất và Giáo hội không phải là không biết về những khó khăn về mặt kỹ thuật, kinh tế và chính trị, cũng như tất cả những nỗ lực mà cam kết này đòi hỏi. Nhưng Giáo hội muốn hành động cụ thể khi có thể, và trên hết Giáo hội muốn giáo dục lương tâm để thúc đẩy sự chuyển đổi sinh thái sâu sắc và lâu dài.

Về vấn đề chuyển đổi sinh thái này, tôi muốn chia sẻ với quý vị cách mà những xác tín của đức tin mang lại cho người Kitô hữu những động lực to lớn để bảo vệ thiên nhiên, cũng như những người anh chị em mong manh nhất, bởi vì tôi chắc chắn rằng khoa học và đức tin, cung cấp những cách tiếp cận thực tế khác nhau, có thể phát triển một cuộc đối thoại sôi nổi và đầy hiệu quả (x. Laudato si’, n. 62).

Kinh thánh dạy chúng ta rằng thế giới được sinh ra không phải do những hỗn độn hay do tình cờ, nhưng do quyết định của Thiên Chúa, Đấng đã gọi nó và luôn luôn gọi nó tồn tại, vì tình yêu. Vũ trụ thì xinh đẹp và tốt lành, chiêm ngắm nó cho phép chúng ta nhìn thấy vẻ đẹp và sự tốt lành vô cùng của Đấng Tác tạo nó. Mỗi sinh vật, ngay cả những sinh vật phù du nhất, đều là khách thể của lòng nhân từ của Chúa Cha, Đấng đã ban cho nó một vị trí trên thế giới. Người Kitô hữu chỉ có thể tôn trọng công trình mà Cha của mình đã trao phó như một khu vườn để canh tác, bảo vệ, để phát triển trong tiềm năng của nó. Và nếu con người có quyền sử dụng thiên nhiên cho các mục đích của mình, thì họ không được phép tin rằng họ là ông chủ hay là ông vua dưới bất kỳ hình thức nào, mà chỉ là người quản lý chịu trách nhiệm về việc quản lý của mình. Trong khu vườn Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta, con người được mời gọi sống hòa thuận trong công bằng, hòa bình và tình huynh đệ, lý tưởng phúc âm do Chúa Giêsu đề nghị (x. LS, s. 82). Và khi người ta chỉ xem thiên nhiên là đối tượng của lợi nhuận và lợi ích – một tầm nhìn củng cố sự độc đoán của kẻ mạnh nhất – thì sự hài hòa bị phá vỡ và những sự bất bình đẳng, những sự bất công và đau khổ nghiêm trọng xuất hiện.

Thánh Gioan Phaolô II khẳng định: “Không chỉ trái đất được Thiên Chúa ban cho con người, và con người phải sử dụng nó với sự tôn trọng ý định tốt đẹp ban đầu mà nó đã được ban tặng, mà con người cũng được Thiên Chúa ban tặng cho chính mình, do đó con người phải tôn trọng cấu trúc tự nhiên và luân lý mà người đó đã được ban tặng” (Thông điệp Centesimus annus, s. 38). Do đó, mọi thứ đều được liên kết. Cùng một sự thờ ơ như vậy, cùng một chủ nghĩa vị kỷ, cùng một lòng tham, cùng một sự kiêu ngạo, cùng một khuynh hướng tin rằng chính mình là ông chủ và ông vua của thế giới, là những thứ đưa con người đến: một mặt là tiêu diệt các chủng loài và cướp bóc tài nguyên thiên nhiên, và mặt khác là bóc lột sự nghèo đói, lạm dụng sức lao động của phụ nữ và trẻ em, đảo lộn luật lệ của gia đình, không còn tôn trọng quyền sống của con người từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên.

Do đó, “Nếu cuộc khủng hoảng sinh thái hiện tại là một dấu chỉ nhỏ về cuộc khủng hoảng đạo đức, văn hoá, và tinh thần của thời hiện đại, thì chúng ta không thể chữa lành được mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên nếu không chữa lành tất cả các mối quan hệ nền tảng của con người.” (LS, s. 119). Vì thế, sẽ không có mối tương quan mới với thiên nhiên nếu không có con người mới, và chính bằng cách chữa lành tâm hồn con người, chúng ta mới có thể hy vọng chữa lành thế giới khỏi những rối loạn về xã hội và môi trường.

Các bạn thân mến, tôi xin lặp lại lời động viên các bạn hãy cố gắng cứu lấy môi trường. Cho dù tình trạng của hành tinh này có vẻ thê thảm và thậm chí một số tình hình dường như không thể cứu vãn được, nhưng người Kitô hữu chúng ta luôn nuôi dưỡng hy vọng, vì đôi mắt chúng ta hướng về Chúa Giêsu. Ngài là Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hóa, đã đích thân đến thăm tạo vật của Ngài và sống giữa chúng ta (xem LS số 96-100), để chữa lành chúng ta, khôi phục chúng ta trở về sự hòa hợp mà chúng ta đã đánh mất, sự hòa hợp với anh em của chúng ta, hòa hợp với thiên nhiên. “Người không bỏ rơi chúng ta, Người không để chúng ta một mình, vì Người đã hoàn toàn kết hiệp với đất đai của chúng ta, và tình yêu của Người luôn dẫn dắt chúng ta đi tìm những con đường mới” (LS, n. 245).

Tôi khẩn xin Thiên Chúa chúc phúc cho quý vị, và tôi xin quý vị hãy cầu nguyện cho tôi.

Bản dịch (ND: tiếng Anh) của Zenit từ văn bản tiếng Pháp của Vatican


[Nguồn: zenit]

Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/9/2020]