Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2020

Đức Thánh Cha Phanxico sẽ không đi tông du cho đến khi nào có vaccine Covid

Đức Thánh Cha Phanxico sẽ không đi tông du cho đến khi nào có vaccine Covid

Đức Thánh Cha Phanxico sẽ không đi tông du cho đến khi nào có vaccine Covid

Antoine Mekary | ALETEIA

 

I.Media for Aleteia

02 tháng Chín, 2020


Theo các bản tin, Đức Thánh Cha sẽ không rời khỏi nước Ý trong năm 2020 hoặc 2021.

Tờ nhật báo La Repubblica của Ý ngày 31 tháng Tám đưa tin rằng Đức Thánh Cha Phanxico sẽ không rời khỏi nước Ý trong năm 2020, hoặc năm 2021. Đại dịch coronavirus được cho là đã khiến Tòa Thánh tạm hoãn tất cả những chuyến tông du cho đến khi vaccine đáng tin cậy được tìm ra.

Chuyến đi cuối cùng của Đức Thánh Cha trong nước Ý đến Bari ngày 23 tháng Hai, trong khi chuyến đi quốc tế gần đây nhất là đến Thái Lan và Nhật Bản từ ngày 19 đến 26 tháng Mười Một năm 2019. Lịch trình cho chuyến đi đến Malta ngày 31 tháng Năm, 2020, nhưng đã bị hủy.

Không có chuyến đi nào được lên lịch cho suốt thời gian còn lại của năm 2020 và tình hình được cho là sẽ tương tự như vậy trong suốt năm 2021.

Việc bổ nhiệm người chịu trách nhiệm tổ chức những chuyến tông du là Đức Giám mục Maurizio Rueda làm Sứ thần tại Bồ Đào Nha làm vững thêm cho giả thuyết này, đặc biệt khi chưa có ai thay thế ngài.

Đại hội các Gia đình Thế giới và Ngày Giới trẻ Thế giới đã được hoãn lại đến năm 2022 và 2023 – và nếu tình hình sức khỏe thế giới cho phép.

Ngày Giới trẻ Thế giới được dự kiến diễn ra vào tháng Tám năm 2022, ở Lisbon, Bồ Đào Nha. Hiện nay được lên kế hoạch vào tháng Tám năm 2023.

Đại hội các Gia đình Thế giới dự kiến diễn ra vào tháng Sáu năm 2021 ở Roma. Hiện được lên kế hoạch vào tháng Sáu năm 2022.

Vì vậy tính đến cuối năm 2021 sẽ là tròn hai năm từ khi Tòa Thánh tổ chức chuyến đi của giáo hoàng. Lần tạm hoãn gần đây nhất kéo dài thời gian như vậy là giữa triều đại Đức Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô II.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/9/2020]


Sứ điệp Ngày Thế giới Cầu nguyện cho sự Chăm sóc Tạo vật của Đức Thánh Cha

Sứ điệp Ngày Thế giới Cầu nguyện cho sự Chăm sóc Tạo vật của Đức Thánh Cha

Vatican Media Screenshot

Sứ điệp Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Tạo vật của Đức Thánh Cha

‘Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với (các) ngươi, đó là thời kỳ toàn xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình’ (Lv 25:10)

01 tháng Chín, 2020 10:25

ZENIT STAFF

 

Dưới đây là sứ điệp Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Tạo vật lần thứ 6 của Đức Thánh Cha Phanxico sáng nay.

***

"Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với (các) ngươi, đó là thời kỳ toàn xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình” (Lv 25:10)

Anh chị em thân mến,

Hằng năm, đặc biệt từ khi công bố Tông huấn Laudato Si’ (LS, ngày 24 tháng Năm năm 2015), ngày đầu tiên của tháng Chín được gia đình Kitô giáo cử hành như là Ngày Thế giới Cầu nguyện cho việc Chăm sóc Công trình Tạo dựng, và khởi đầu Mùa Tạo vật, kết thúc vào ngày ngày 4 tháng Mười là lễ Thánh Phanxico Assisi. Trong thời gian này, người Kitô hữu trên toàn thế giới đổi mới đức tin của họ vào Thiên Chúa của công trình tạo dựng, cùng kết hiệp trong lời cầu nguyện và làm việc để chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.

Cha rất vui mừng vì chủ đề được gia đình đại kết chọn cho lễ kỷ niệm Mùa Tạo vật 2020 là Năm Thánh cho Trái đất, năm nay chính là năm đánh dấu kỷ niệm lần thứ 50 Ngày Trái đất.

Trong Kinh Thánh, Năm Thánh là thời gian thánh thiêng để ghi nhớ, trở về, nghỉ ngơi, phục hồi và vui mừng.

1. Thời gian để ghi nhớ

Trên hết, chúng ta được mời gọi để ghi nhớ rằng vận mệnh cuối cùng của tạo vật là bước vào ngày Sabát đời đời của Thiên Chúa. Tuy nhiên, hành trình này diễn ra trong thời gian, trải dài theo nhịp điệu bảy ngày trong tuần, theo chu kỳ bảy năm, và Đại Năm Thánh diễn ra vào cuối của bảy năm Sabát.

Năm Thánh thực sự là thời gian của ân sủng để ghi nhớ ơn gọi ban đầu của tạo vật là tồn tại và phát triển như một cộng đồng yêu thương. Chúng ta chỉ tồn tại trong các mối tương quan: với Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, với các anh chị em của mình như là thành viên của một gia đình chung, và với tất cả mọi thụ tạo của Thiên Chúa trong ngôi nhà chung của chúng ta. “Mọi thứ đều có liên quan, và tất cả loài người chúng ta hiệp nhất như anh chị em trong một cuộc hành hương tuyệt vời, được gắn kết bởi tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi thụ tạo của Người; và tình yêu đó cũng liên kết chúng ta trong tình yêu thương với anh mặt trời, chị mặt trăng, anh sông và mẹ trái đất” (LS, 92)

Như vậy, Năm Thánh là thời gian để ghi nhớ, trong đó chúng ta trân trọng ký ức về sự hiện hữu liên tương quan của chúng ta. Chúng ta cần liên tục ghi nhớ rằng “mọi thứ đều được liên kết với nhau, và việc quan tâm thật sự đến cuộc sống của chúng ta và các mối tương quan của chúng ta với thiên nhiên không thể tách rời khỏi tình huynh đệ, sự công bằng và trung tín với người khác” (LS, 70).

2. Thời gian trở về

Năm Thánh là thời gian để ăn năn trở lại. Chúng ta đã phá vỡ sự ràng buộc trong mối tương quan của chúng ta với Đấng Tạo Hóa, với anh em đồng loại, và với tạo vật. Chúng ta cần chữa lành những mối quan hệ bị tổn thương, là những mối quan hệ cần thiết để hỗ trợ chúng ta và toàn bộ cấu trúc cuộc sống.

Năm Thánh là thời gian để trở về với Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa yêu thương của chúng ta. Chúng ta không thể sống hòa thuận với tạo vật nếu chúng ta không hòa bình với Đấng Tạo hóa, Đấng là nguồn cội và khởi đầu của mọi loài. Như Đức Giáo hoàng Benedict đã nhận xét, “sự tiêu thụ ngấu nghiến tạo vật bắt đầu từ nơi thiếu vắng Thiên Chúa, từ nơi vật chất trở thành vật chất tuyệt đối đối với chúng ta, nơi bản thân chúng ta là thước đo tột bực, nơi mọi thứ chỉ đơn giản là tài sản của chúng ta” (Gặp gỡ các linh mục, phó tế, và chủng sinh của Giáo phận Bolzano-Bressanone, 6 tháng Tám năm 2008).

Thời gian Năm Thánh kêu gọi chúng ta một lần nữa hãy nghĩ đến đồng loại, đặc biệt là những người nghèo và người dễ bị tổn thương nhất. Chúng ta được yêu cầu phải điều chỉnh lại chương trình sáng tạo ban đầu và đầy yêu thương của Thiên Chúa như một di sản chung, một yến tiệc mà tất cả anh chị em của chúng ta cùng chia sẻ trong tinh thần hòa đồng, không tranh giành ganh đua nhưng trong tình bằng hữu vui vẻ, hỗ trợ và bảo vệ lẫn nhau. Năm Thánh là thời gian để giải phóng những người bị áp bức và tất cả những người bị xiềng xích trong gông cùm của nhiều hình thức nô lệ hiện đại, bao gồm nạn buôn bán người và lao động trẻ em.

Một lần nữa chúng ta cũng cần phải lắng nghe chính đất đai mà Kinh thánh gọi là adamah, đất mà từ đó con người, Ađam, được tạo dựng. Ngày nay, chúng ta nghe thấy tiếng của tạo vật khiển trách chúng ta hãy trở về đúng vị trí của mình theo trật tự được tạo dựng theo tự nhiên – hãy nhớ rằng chúng ta là một phần của mạng lưới sự sống liên kết này, không phải là những chủ nhân của nó. Sự tan rã của đa dạng sinh học, những thảm họa khí hậu ngày càng tăng dần lên, và tác động bất công của đại dịch hiện nay đối với người nghèo và người dễ bị tổn thương: tất cả những điều này là lời cảnh tỉnh khi đối mặt với lòng tham và sự tiêu dùng vô độ của chúng ta.

Đặc biệt là trong Mùa Tạo vật, chúng ta hãy chú ý đến nhịp điệu của thế giới được tạo dựng này. Vì thế giới được tạo ra để thông truyền vinh quang của Thiên Chúa, để giúp chúng ta khám phá ra Thiên Chúa của tất cả mọi loài trong vẻ đẹp của nó, và trở về với Người (xem THÁNH BONAVENTURE, In II Sent., I, 2, 2, q. 1 , kết luận; Breviloquium, II, 5.11). Vì vậy, từ đất đai mà chúng ta được tạo dựng nên là nơi cầu nguyện và suy ngẫm. “Chúng ta hãy đánh thức óc thẩm mỹ và chiêm niệm của mình do Chúa ban cho” (Querida Amazonia, 56). Khả năng ngạc nhiên và suy ngẫm là điều mà chúng ta có thể học hỏi đặc biệt từ những anh chị em người bản địa của chúng ta, những người sống hòa hợp với đất đai và nhiều dạng sống của nó.

3. Thời gian nghỉ ngơi

Theo sự khôn ngoan của mình, Thiên Chúa dành riêng ngày Sabát để đất đai và cư dân của nó được nghỉ ngơi và được đổi mới. Tuy nhiên, cách sống của chúng ta trong thời đại ngày nay đang đẩy hành tinh này vượt quá giới hạn của nó. Nhu cầu tăng trưởng liên tục và chu kỳ sản xuất và tiêu dùng vô tận của chúng ta đang làm kiệt quệ thế giới tự nhiên. Những cánh rừng bị phát quang, lớp đất mặt bị xói mòn, đồng ruộng hư hỏng, sa mạc nở rộng, biển bị axit hóa và các cơn bão tăng sức mạnh. Tạo vật đang rên xiết!

Trong Năm Thánh, dân Chúa được mời gọi nghỉ ngơi sau việc lao động bình thường của họ và để cho đất đai được phục hồi và trái đất tự sửa chữa, khi các cá nhân tiêu thụ ít hơn bình thường. Ngày nay, chúng ta cần phải tìm ra những lối sống công bằng và bền vững để có thể cho Trái đất sự nghỉ ngơi mà nó cần, những cách để đáp ứng đủ nhu cầu của mọi người, mà không phá hủy các hệ sinh thái gìn giữ chúng ta.

Ở một khía cạnh nào đó, đại dịch hiện nay đã khiến chúng ta tái khám phá những lối sống đơn giản hơn và bền vững hơn. Khủng hoảng, theo một ý nghĩa nào đó, đã cho chúng ta cơ hội để phát triển những cách sống mới. Chúng ta đã nhìn thấy trái đất có thể phục hồi như thế nào nếu chúng ta cho phép nó nghỉ ngơi: không khí trở nên sạch hơn, nước trong hơn, và động vật đã quay trở lại nhiều vùng là nơi trước đây chúng đã biến mất. Đại dịch đã đưa chúng ta đến ngã ba đường. Chúng ta phải sử dụng thời điểm quyết định này để chấm dứt các mục tiêu và những hoạt động thừa và phá hoại của mình, đồng thời nuôi dưỡng các giá trị, những kết nối và các hoạt động mang lại sự sống. Chúng ta phải kiểm tra lại thói quen sử dụng năng lượng, tiêu thụ, vận chuyển và chế độ ăn uống. Chúng ta phải loại bỏ những khía cạnh thừa và phá hoại của nền kinh tế của chúng ta, và nuôi dưỡng những phương thức mang lại sự sống để buôn bán, sản xuất và vận chuyển hàng hóa.

4. Thời gian để phục hồi

Năm Thánh là thời gian để khôi phục sự hài hòa ban đầu của tạo vật và hàn gắn các mối quan hệ căng thẳng giữa con người với nhau.

Nó mời gọi chúng ta thiết lập lại các mối quan hệ xã hội bình đẳng, khôi phục sự tự do và thiện hảo của chúng cho tất cả mọi người và bỏ qua những khoản nợ cho nhau. Chúng ta không quên sự bóc lột miền Nam toàn cầu trong lịch sử đã tạo ra một món nợ sinh thái khổng lồ, chủ yếu là do cướp bóc tài nguyên và sử dụng quá mức không gian môi trường chung để xử lý chất thải. Đây là thời gian để phục hồi công bằng. Trong bối cảnh này, tôi nhắc lại lời kêu gọi hủy bỏ nợ cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, để thừa nhận những tác động nghiêm trọng của các cuộc khủng hoảng y tế, xã hội và kinh tế mà họ phải đối mặt do hậu quả của Covid-19. Chúng ta cũng cần bảo đảm rằng các gói phục hồi đang được phát triển và triển khai ở các cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia phải là các gói tái tạo. Chính sách, luật pháp và sự đầu tư phải được tập trung vào ích chung và bảo đảm rằng các mục tiêu xã hội và môi trường toàn cầu được đáp ứng.

Chúng ta cũng cần phải phục hồi lại đất đai. Phục hồi khí hậu là điều quan trọng hàng đầu, vì chúng ta đang ở trong tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Chúng ta sắp hết thời gian, như trẻ em và những người trẻ tuổi đã nhắc nhở chúng ta. Chúng ta cần làm mọi việc trong khả năng của mình để hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới ngưỡng 1,5°C được quy định trong Thỏa thuận Khí hậu Paris, vì nếu vượt ra ngoài mức đó sẽ gây ra thảm họa, đặc biệt đối với các cộng đồng nghèo trên thế giới. Chúng ta cần đứng lên vì sự liên đới trong các thế hệ và giữa các thế hệ tại thời điểm quan trọng này. Tôi mời gọi tất cả các quốc gia thông qua các mục tiêu quốc gia nhiều tham vọng hơn để giảm mức phát thải, để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh khí hậu quan trọng (COP 26) tại Glasgow, Vương quốc Anh.

Phục hồi đa dạng sinh học cũng vô cùng quan trọng trong bối cảnh các chủng loài bị mất mát và suy thoái hệ sinh thái chưa từng có. Chúng ta cần phải ủng hộ lời kêu gọi của Liên Hợp quốc để bảo vệ 30% trái đất là môi trường sống được bảo vệ vào năm 2030 để ngăn chặn tốc độ mất mát đa dạng sinh học đáng báo động. Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhau làm việc để bảo đảm rằng Hội nghị Thượng đỉnh về Đa dạng Sinh học (COP 15) tại Côn Minh, Trung Quốc sẽ trở thành một bước ngoặt trong việc khôi phục trái đất trở thành ngôi nhà của sự sống dồi dào, như ý muốn của Tạo hóa.

Chúng ta phải khôi phục tính công bằng trong tâm trí, bảo đảm rằng những người đã sống trên miền đất này qua các thế hệ có thể lấy lại quyền kiểm soát việc sử dụng đất đai. Các cộng đồng người bản địa phải được bảo vệ khỏi các công ty, đặc biệt là những công ty đa quốc gia, “hoạt động ở các nước kém phát triển hơn theo cách thức mà họ không bao giờ có thể làm ở nhà” (LS, 51), thông qua việc khai thác tận diệt nhiên liệu hóa thạch, khoáng sản, gỗ và các sản phẩm công nông nghiệp. Hành vi sai trái tập thể này là một “phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân” (THÁNH PHAOLÔ II, Diễn từ trước Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội, ngày 27 tháng Tư năm 2001, được trích dẫn trong Querida Amazonia, 14), một hành vi bóc lột đáng xấu hổ đối với các quốc gia và cộng đồng nghèo hơn đang phiêu lưu tìm kiếm sự phát triển kinh tế. Chúng ta cần phải củng cố luật pháp quốc gia và quốc tế để điều chỉnh hoạt động của các công ty khai thác và đảm bảo quyền tiếp cận công lý cho những người bị ảnh hưởng.

5. Thời gian để mừng vui 

Theo truyền thống Kinh thánh, Năm Thánh là một thời gian vui mừng, được khai mạc bằng tiếng kèn trumpet vang dội khắp vùng đất. Chúng ta biết rằng những tiếng khóc của trái đất và của người nghèo ngày càng lớn hơn và đau đớn hơn trong những năm gần đây. Đồng thời, chúng ta cũng chứng kiến cách thức Chúa Thánh Thần đang thôi thúc các cá nhân và cộng đồng trên khắp thế giới đến với nhau để xây dựng lại ngôi nhà chung của chúng ta, và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất giữa chúng ta. Chúng ta nhận thấy sự lớn dần của một cuộc huy động những người từ bên dưới và từ các vùng ngoại vi đang quảng đại làm việc để bảo vệ đất đai và người nghèo. Chúng ta rất vui khi thấy giới trẻ và các cộng đồng, đặc biệt là những cộng đồng người bản địa, đang đi đầu trong việc ứng phó với khủng hoảng sinh thái. Họ đang kêu gọi một Năm Thánh cho trái đất và một khởi đầu mới, với ý thức rằng “mọi thứ có thể thay đổi” (LS, 13).

Chúng ta cũng vui mừng khi thấy Năm Kỷ niệm Đặc biệt Tông huấn Laudato Si’ đang truyền cảm hứng cho nhiều sáng kiến ở cấp địa phương và toàn cầu đối với việc chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta và cho người nghèo. Năm nay phải dẫn đến các kế hoạch hành động dài hạn để thực hiện sinh thái toàn diện trong gia đình, giáo xứ và giáo phận, các dòng tu, trường học và đại học, các cơ sở chăm sóc sức khỏe, kinh doanh và nông nghiệp của chúng ta, cùng nhiều cơ sở khác.

Chúng ta cũng vui mừng vì các cộng đoàn đức tin đang xích lại gần nhau để tạo ra một thế giới công bằng, hòa bình và bền vững hơn. Chúng ta đặc biệt vui mừng vì Mùa Sáng tạo đang trở thành một sáng kiến mang tính đại kết thật sự. Chúng ta hãy tiếp tục phát triển trong nhận thức rằng tất cả chúng ta đều sống trong một ngôi nhà chung với tư cách là các thành viên của một gia đình duy nhất.

Tất cả chúng ta hãy vui mừng vì Đấng Tạo Hóa kính yêu nâng đỡ những nỗ lực khiêm tốn của chúng ta để chăm sóc trái đất, đó cũng là nhà của Thiên Chúa, nơi Ngôi Lời “đã trở nên xác phàm và ở giữa chúng ta” (Ga 1:14) và không ngừng được đổi mới nhờ sự tuôn đổ của Chúa Thánh Thần.

“Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (x. Tv 104:30).

Roma, Đền Thánh Gioan Lateran, ngày 1 tháng Chín, 2020

PHANXICO

© Copyright – Libreria Editrice Vaticana


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/9/2020]