Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018

Đức Benedict XVI nhắc lại niềm hy vọng của Thánh Maximilian Kolbe

Đức Benedict XVI nhắc lại niềm hy vọng của Thánh Maximilian Kolbe
Benedict XVI - CTV Screenshot

Đức Benedict XVI nhắc lại niềm hy vọng của Thánh Maximilian Kolbe

Hôm nay là ngày giỗ thứ 77 của Thánh nhân thời hiện đại

14 tháng Tám, 2018 15:14

Nhân lễ giỗ thứ 77 của Thánh Maximilian Kolbe, chúng tôi gửi đến quý vị suy tư của Đức Benedict XVI về vị thánh của thời hiện đại, trích trong bộ lưu trữ của Zenit:

***

CASTEL GANDOLFO, Ý, 18 tháng Tám, 2008 (Zenit.org). - Đức Benedict XVI nói rằng những mẫu gương của thánh nhân cho thấy việc cầu nguyện giúp giữ vững niềm hy vọng, cả trong những hoàn cảnh tuyệt vọng của con người.

Đức Thánh Cha nói đến niềm hy vọng của các thánh trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư vừa rồi, ngay sau khi ngài trở về từ kỳ nghỉ ở Bắc Ý. Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến hai thánh nhân của thời hiện đại: Thánh Teresa Benedicta Thánh Giá và Thánh Maximilian Kolbe.

Ngài bắt đầu bài huấn từ trong khu nghỉ hè của giáo hoàng tại lâu đài Castel Gandolfo, phía nam Roma, cảm ơn tất cả những người đã giúp ngài trong kỳ nghỉ hè, và hứa cầu nguyện cho những người đã viết thư xin ngài nhớ đến họ trong lời cầu nguyện.

Ngài nói: “[Có những anh chị em đã gửi thư cho cha] bày tỏ niềm vui của họ với cha, nhưng trong đó có cả những nỗi lo lắng, những kế hoạch của cuộc sống, và kể cả những vấn đề của gia đình và việc làm, những mong chờ và hy vọng cũng như những lo toan vì tính bấp bênh mà nhân loại đang phải trải qua hôm nay. Cha hứa rằng cha sẽ nhớ đến từng người trong anh chị em, đặc biệt trong những Thánh Lễ mỗi ngày và trong giờ lần hạt Kinh Mân Côi.

“Quả thật, cha biết rất rõ rằng sự phục vụ đầu tiên mà cha có thể làm cho Giáo hội và nhân loại đó là cầu nguyện, vì qua việc cầu nguyện cha hoàn toàn vững tâm phó thác vào bàn tay của Chúa sứ mạng mà chính Người đã trao phó cho cha, cùng với vận mệnh của toàn thể hội thánh và cộng đoàn nhân loại.”

Đức Thánh Cha khẳng định rằng “những ai năng cầu nguyện sẽ không bao giờ mất niềm hy vọng, ngay cả khi họ ở trong những hoàn cảnh khó khăn hay tuyệt vọng của con người.”

Những tấm gương

Ngài tiếp tục, “Quả thật, chúng ta có thể nhắc lại không biết bao nhiêu hoàn cảnh trong đó chính sự cầu nguyện duy trì vững vàng cho hành trình của các thánh. Trong số những chứng nhân của thời đại chúng ta, cha muốn nhắc lại hai vị thánh mà chúng ta kính nhớ trong những ngày này: Thánh Teresa Benedicta Thánh giá, mà chúng ta kính nhớ ngày 9 tháng Tám, và Thánh Maximilian Mary Kolbe, vị thánh chúng ta sẽ kính nhớ vào ngày mai, 14 tháng Tám, đêm vọng Lễ trọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

“Cả hai thánh nhân đều chấm dứt cuộc sống dương thế bằng phúc tử đạo trong trại tập trung Auschwitz. Dường như sự sống của các ngài được xem như một sự thất bại, nhưng chính trong phúc tử đạo của các ngài mà ánh sáng chói lòa của tình yêu chiếu tỏa chế ngự bóng đêm đen của sự ích kỷ và thù hận.”

Đức Benedict XVI nhắc lại một câu nói của Thánh Maximilian: “Thù hận không phải là một sức mạnh sáng tạo: chỉ có tình yêu mới có sức mạnh đó.”

Ngài nói thêm, “Tấm gương yêu thương anh dũng của ngài đó là sự hy sinh quảng đại thay cho một bạn tù, sự hy sinh mà đỉnh điểm là cái chết vì bị bỏ đói trong ngục ngày 14 tháng Tám năm 1941.”

Đức Thánh Cha giải thích rằng chứng tá mà Thánh Teresa Benedicta đưa ra cũng tương tự như vậy.

“Những nhân chứng đã thoát thân thành công khỏi sự thảm sát kinh hoàng kể lại rằng Thánh Teresa Benedicta Thánh giá, trong khi vẫn mặc bộ áo Dòng Carmelite, và bước đến cái chết một cách dứt khoát, thể hiện sự bình thản và thanh thoát, và thái độ bình tĩnh và chú ý đến nhu cầu của tất cả mọi người.” Và ngài nói thêm rằng “sự cầu nguyện là bí mật của thánh nữ, thánh đồng bổn mạng của Châu Âu.”

Thật vô cùng xúc động khi nhìn thấy được sự cậy trông tín thác và khiêm nhường vào Đức Mẹ luôn luôn là một nguồn mạch của lòng can đảm và bình an,” Đức Benedict XVI kết luận. “Chúng ta hãy tín thác vào Mẹ là Đấng từ trên thiên đàng luôn dõi theo chúng ta từng giây từng phút bằng tình yêu của một người mẹ. Thật vậy, chúng ta nói lên điều này trong lời kinh Kính Mừng quen thuộc, xin mẹ cầu cho chúng con ‘khi nay và trong giờ lâm tử’.”


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/8/2018]


10 điểm tương đồng đáng kinh ngạc giữa Đức Phaolo VI và Đức Phanxico

10 điểm tương đồng đáng kinh ngạc giữa Đức Phaolo VI và Đức Phanxico

10 tháng Tám, 2018
10 điểm tương đồng đáng kinh ngạc giữa Đức Phaolo VI và Đức Phanxico
Antoine Mekary | ALETEIA


Vui mừng, hy vọng, khó nghèo, đối thoại, giáo dục ...

L’Osservatore Romano gần đây xuất bản những trích dẫn từ quyển sách Đức Phaolo VI và cội rễ huấn quyền của Thánh Phanxico (Paul VI and The Roots of the Magisterium of Francis) (“Paolo VI alle radici del magistero di Francesco”) bằng tiếng Ý do nhà xuất bản Libreria Editrice Vaticana năm 2018. Tác giả của tác phẩm, Cha Dòng Tên Pierre De Charentenay, trong một chương tựa đề “Tin mừng và Niềm vui,” khẳng định rằng có một “mối liên hệ đặc biệt” giữa hai vị giáo hoàng này, được thể hiện trong các từ ngữ then chốt chẳng hạn Phúc âm hóa, rao giảng, hy vọng, và sự phân định, v.v..

Thật vậy, Đức Thánh Cha Phanxico đã hơn một lần nói đến những ảnh hưởng của triều đại của Đức Phaolo VI tác động trên đời sống của ngài khi còn là linh mục. (Đức Phaolo VI là giáo hoàng từ năm 1963 đến 1978, khi đó Đức Giáo hoàng Phanxico tương lai đang trong độ tuổi gần 30 đến ngoài 40.)

Thật vậy, vị giáo hoàng đã bế mạc Công đồng Vatican II sẽ được tuyên phong hiển thánh bởi Đức Phanxico ngày 14 tháng Mười, trong một nghi thức tại Quảng trường Thánh Phê-rô trong thời gian Giáo hội hoàn vũ tổ chức Thượng Hội đồng Giám mục về ơn gọi của giới trẻ hôm nay.

Trong bức hình chụp của trang bìa sách, chúng ta nhìn thấy Đức Bergoglio trong Vatican, thầm lặng cầu nguyện trước mộ của Đức Giáo hoàng Montini, xin sự chuyển cầu cho Giáo hội.

Không mang khuôn mặt đưa đám

“Vì vậy, một người rao giảng không bao giờ được mang khuôn mặt của một người vừa đưa đám tang về!” Tác giả của quyển sách mới trích lời của Đức Phanxico trong Tông huấn Evangelii gaudium (Niềm vui của Tin mừng), 10. Ngài dùng cách nói thu hút sự chú ý để thúc đẩy lòng nhiệt huyết và động lực trong công cuộc rao giảng phúc âm – tác giả cho biết đây là quan điểm cũng được diễn đạt bằng một cách nói tương tự của ngài Montini và Bergoglio, cả hai vị đều nói rằng việc rao giảng Phúc âm không phải là kết quả của những kỹ thuật, nhưng là đặt sự rao giảng vào trung tâm của sứ mạng rao giảng.

Làm chứng nhân

Không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên tác giả trích dẫn Tông huấn Evangelii nuntiandi (Loan báo Tin mừng) của Đức Giáo hoàng Phaolo VI và trong Tông huấn Evangelii gaudium Đức Phanxico nói: “Ngày nay, con người thích lắng nghe những chứng nhân: ‘khát sự xác thực’ và ‘muốn các nhà rao giảng phúc âm nói đến một Thiên Chúa mà chính họ biết và quen thuộc, như là họ đã nhìn thấy Ngài’” [Tông huấn Evangelii nuntiandi (8 tháng Mười Hai, 1975)]. “Vì vậy Giáo hội rao giảng phúc âm cho thế giới chính bằng đức hạnh và đời sống của mình, nói cách khác đó chính là sống chứng nhân đích thật của Chúa Giê-su – chứng nhân của sự nghèo khó và siêu thoát, của sự tự do trước những quyền lực của trần gian, chung quy đó là chứng nhân của sự thánh thiện.” (Tông huấn Evangelii nuntiandi 41).

Ngôn ngữ dễ hiểu

Tác giả quyển sách mới chia sẻ về việc Đức Phaolo VI đã nghiên cứu nhiều cách và phương thức khác nhau cho công cuộc rao giảng phúc âm (Evangelii nuntiandi, 40) và Đức Montini nhấn mạnh rằng ngôn ngữ rao giảng phải “đơn giản, dễ hiệu, thẳng thắn, dễ tiếp cận” – và Đức Phaolo VI nói thêm, “luôn phải dựa trên lời dạy của Tin mừng và trung thành với quyền giáo huấn” (Evangelii nuntiandi, 43) vì, đức giáo hoàng quả quyết, “người tín hữu tập họp trở thành một Giáo hội Vượt qua, cử hành Thánh Lễ của Chúa hiện hữu, mong đợi đón nhận thật nhiều ích lợi từ bài giảng,” đặc biệt nếu việc đó được hun đúc thêm sức sống bởi một nhiệt huyết tông đồ, tràn đầy hy vọng, củng cố niềm tin, và xây dựng hòa bình và hiệp nhất.”

Còn sự tương đồng nào khác? Quyển sách cho thấy rằng Đức Phanxico cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giáo dục, việc chuẩn bị bài giảng, và một thái độ tinh thần và ngôn ngữ dễ hiểu.

Mệnh lệnh yêu thương

Cả hai vị giáo hoàng đều cho thấy các ngài rất hăng hái trong việc thực thi mệnh lệnh của Chúa Giê-su, “Yêu thương anh em,” và tác giả làm nổi bật điều ông gọi là một chiều kích xã hội mà ông thấy đó như một “yếu tố không thể thiếu được cho cả hai giáo hoàng” trong sứ mạng của Giáo hội.

Hơn 40 năm đã trôi qua từ khi Đức Phaolo VI viết Tông huấn của ngài và tác giả thừa nhận rằng thời đại đã thay đổi từ Đức Phaolo VI đến thế kỷ 21 của Đức Phanxico.

Tuy nhiên, “sự thay đổi này đưa ra một cầu nối giữa hai triều đại giáo hoàng: tiếng gọi chung của hai ngài về “việc loan báo Tin mừng, sự truyền đạt đức tin, sự thăng tiến con người, bác bỏ sự loại trừ và bạo lực, và chứng tá đời sống.”

Chủ nghĩa tiêu dùng, chủ nghĩa vô thần, và quyền lực

Tác giả tìm ra thêm những điểm tương đồng giữa hai vị giáo hoàng, trong đó có những chỉ trích về xã hội tiêu dùng, “những kết quả cực đoan của sự tiến bộ hiện đại.” Đức Phaolo VI mô tả thế giới ngày nay bằng cách vạch ra “sự gia tăng tính hoài nghi” và lên án “thảm họa của học thuyết nhân văn vô thần” (Evangelii nuntiandi, 77.) Như vậy, dấu ấn đặc trưng nhất của thế giới hiện đại là “trào lưu tục hóa,” loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi thế giới để “thừa nhận quyền lực của con người.”

Như vậy, nó được thể hiện dưới “những hình thức đa dạng nhất, với một xã hội tiêu dùng, việc theo đuổi lạc thú được đặt ra như giá trị tối thượng, một khát khao quyền lực và sự thống trị, và sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức: là những khuynh hướng phi nhân của học thuyết nhân văn này” (Evangelii nuntiandi, 55.)

Sự thành công của Giáo hội?

Tác giả giải thích rằng Đức Phaolo VI mở ra những sự thay đổi, nhưng Giáo hội không đi tìm công thức cho sự thành công, cũng như Chúa Giê-su không tự hỏi rằng Ngài có thành công hay không, nhưng điều duy nhất là Ngài muốn thi hành trọn vẹn ý định của Chúa Cha. Vì vậy ngài nói, Giáo hội tập trung vào việc đào sâu ơn gọi của mình và việc thực hành Tin mừng. Chẳng hạn, ngài nói, trong một thế giới đang ngả theo hướng chính thống cực đoan, thì ngài kiên quyết nhấn mạnh đến “tầm quan trọng của đối thoại,” là điều được cả hai vị giáo hoàng đề cập đến ở mọi nơi.

Đối thoại và sự thật

Trong Thông điệp Ecclesiam suam, Đức Phaolo VI lấy đối thoại làm chìa khóa cho đời sống giáo hội, trong khi Đức Phanxico xem nó là một con đường cần thiết để tiến đến sự thật. Đặc biệt ngài trình bày nó trong Tông huấn Evangelii gaudium như là một phương tiện để xây dựng hòa bình, qua đối thoại giữa đức tin và lý trí, đối thoại đại kết, đối thoại liên tôn, và đối thoại xã hội. “Đối thoại, nền tảng của Công đồng Vatican II, là nền tảng cho Giáo hội. Nó là một bước tiếp cận đối với nhân vị, một con đường để đến gần và hiểu được người khác.”

Sự phân định

Tác giả, cũng thuộc Dòng Tên, giải thích rằng Đức Thánh Cha Phanxico rèn luyện “sự phân định” như là một cách để hiểu được ý định của Thiên Chúa tùy theo sự nhận thức của một người về các hoạt động của Chúa Thánh Thần trong chính con người đó. Tác giả nói thêm, “Đức Phaolo VI cũng cùng chung một quan điểm như vậy trong việc lắng nghe và phân định. Ngài xem việc đọc những dấu chỉ của thời đại như là một yếu tố không thể thiếu được cho ‘sự hiện thực hóa’ (Ecclesiam suam, 52) và canh tân hoạt động của Giáo hội.”

Bác ái và khó nghèo

Cũng như Đức Phaolo VI (Ecclesiam suam, 54, 55 và 56), Đức Phanxico thúc giục sự hoán cải và tinh thần khó nghèo và bác ái. Đức Phaolo VI lấy đó là một trong những điểm chính để canh tân Giáo hội với sự tập trung vào sự khó nghèo và bác ái. Người Ki-tô hữu phải từ bỏ luận lý của “trần gian.”

Niềm vui

Cuối cùng, tác giả cho thấy rằng mục tiêu của chuyến hành trình dài này cho Đức Phaolo VI và Đức Phanxico là niềm vui – “niềm vui của Tin mừng.” Vị giáo hoàng người Argentina chỉ ra những yếu tố của niềm vui của người Ki-tô hữu: đó là tính đơn sơ của Kinh Thánh và sự khó nghèo Phúc âm. Chiều sâu của nó là tinh thần siêu thoát của người tín hữu và khả năng giữ được tâm hồn quảng đại và đơn sơ.

Ngài nói, chúng ta nhìn thấy mẫu gương này trong những hành động của “Ba Vua, của các tông đồ, của những phụ nữ phát hiện ra sự phục sinh của Chúa và vội chạy đi báo tin vui.”

Cuối cùng, niềm vui là nguồn sức mạnh của người Ki-tô hữu vì “chính niềm vui chỉ cho thấy con đường tiến tới, đối nghịch lại với những dấu chỉ tối tăm và buồn bã xuất phát từ ác thần.”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/8/2018]