Thứ Tư, 4 tháng 1, 2017

5 câu hỏi bạn cần tự hỏi mình mỗi ngày

5 câu hỏi bạn cần tự hỏi mình mỗi ngày


Bạn đã quên những dự định và quyết tâm trong ngày Đầu Năm cho năm nay; đây là cách bạn đạt được những mục tiêu bằng cách sống biết quan tâm hơn

5 Questions you need to ask yourself every day

Yana Paskova/GETTY IMAGES NORTH AMERICA/AFP
“Tương lai bắt đầu từ hôm nay, không phải ngày mai.”
– Thánh Gioan Phaolo II
Bây giờ chúng ta bắt đầu ...
Đây là năm thứ 43 của đời tôi và có lẽ là năm thứ 33 đặt ra những quyết tâm cho Năm Mới. Và tôi đã tìm ra được gì?
Năm này sang năm khác tôi đều đưa ra những quyết tâm tương tự nhau – một danh sách dài – được viết một cách say sưa và cam kết một cách hăng hái. Và rồi, khi những ngày của tháng 1 nhường chỗ cho tháng 2, quyết tâm của tôi đuối dần. Những mục tiêu đầy lý tưởng trong kỳ nghỉ Giáng sinh ngọt ngào và yên bình nhường chỗ cho lịch công việc dày đặc với những trách nhiệm đầy tính chuyên môn, giúp bài tập về nhà, thay đổi các hoạt động, sáng sớm và đêm khuya. Chủ nghĩa lý tưởng bị hạ bệ một chút bởi tay võ sĩ so găng có tên gọi là Thực tại. Chẳng mấy chốc, tháng Sáu đến và tôi cầm đến cái danh sách nhàu nát hoặc ghi chú iPhone bị lãng quên những điều nhắc nhở tôi, mới chỉ vài tháng trước thôi, tôi đã quyết tâm làm cuộc cách mạng cho cuộc đời.
*thở dài*
Nhưng năm nay, tôi sẽ thay đổi khác (à, ồ – nghe lại giống một quyết tâm năm mới nữa rồi …). Và tôi đến với Bí tích Hòa giải. Tôi là một tội nhân. Tôi sẽ luôn là một tội nhân. Bất kể tôi có cố gắng thế nào. Khi tôi đến tòa Cáo giải với một linh mục hay âm thầm đến với Chúa xin tha thứ, tôi cảm thấy (và được làm) sạch.
Nhưng tôi biết rồi tôi sẽ quay lại đường cũ.
Cho dù những ý định của tôi có tốt bao nhiêu, tội lỗi vẫn len lỏi vào trong cuộc sống của tôi. Một người bạn thân có lần nói với tôi, “Mỗi ngày tôi phải thăng cấp một vị thánh và cho về vườn một tội nhân.” Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi chán nản và bỏ cuộc. Thay vì vậy, tôi phải tăng gấp nhiều lần những nỗ lực của tôi trong khi khiêm nhường và đơn sơ đứng trong sự tôn kính Hồng Ân bao la của Thiên Chúa cho một kẻ “lộn xộn” như tôi.
Vì vậy năm nay, thay vì làm một loạt các quyết tâm rồi-sẽ-quên, mục tiêu duy nhất của tôi là phải quan tâm hơn đến những mối quan hệ và trách nhiệm của tôi. Nhưng đầu tiên tôi phải làm gì? Trước hết tôi phải có một sự cân nhắc thật trung thực về những ưu tiên của tôi là gì, sau đó, tôi phải đưa ra một sự đánh giá thành thực về cách tôi đã sống những sự ưu tiên đó hàng ngày ra sao.
Và đây là những sự ưu tiên của tôi: Đức tin, Gia đình, Sức khỏe, Sự nghiệp, Sự hoàn thiện.
Và, nếu tôi nghiêm túc với những sự ưu tiên của mình, dưới đây là 5 câu hỏi tôi phải đặt ra cho tôi mỗi ngày:
1. Tôi đã làm gì cho Đức tin của tôi?
C.S. Lewis đã có một nhận xét thật khôn ngoan, “Ki-tô giáo, nếu không là chân lý, thì không có một chút gì quan trọng, và nếu là chân lý, phải là sự quan trọng muôn đời. Điều duy nhất Ki-tô giáo không thể mang trên mình là sự quan trọng tạm thời.” Tôi tin vào chân lý của Ki-tô giáo, vì vậy hôm nay tôi đã sống đúng theo Ki-tô giáo chưa? Tôi đã cầu nguyện chưa? Tôi có cầu xin sự trợ giúp, xin sự tha thứ, tỏ lòng cảm tạ tri ân hay chỉ đơn giản gắn tên Chúa vào trong cuộc đối thoại? Tôi có đọc Kinh Thánh không, Giáo  lý, các thánh hoặc các nhà hộ giáo? Tôi có sống sự yêu thương của Đức Ki-tô trong những mối quan hệ với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, người lạ, và cả kè thù của tôi? Tôi có hướng mắt mình về Chân, Thiện, Mỹ và chia sẻ điều đó với người khác bằng lời nói và việc làm không? Tôi có lớn lên cùng Thiên Chúa, làm việc với Thiên Chúa và nghỉ ngơi với Thiên Chúa?
2. Hôm nay tôi đã làm gì cho Gia đình của tôi?
Thánh Teresa Calcutta có lần nói, “Bạn có thể làm gì để góp phần vào nền hòa bình thế giới? Hãy về nhà và yêu thương gia đình của bạn.” Tôi có biết dừng lại trên vòng xoáy đời tôi để ngắm nhìn vợ và con tôi và sững sờ trước phúc lành không gì sánh được của họ trong cuộc đời của tôi? Tôi có biết giúp đỡ, động viên, hỗ trợ và yêu thương họ trong những thời điểm tốt đẹp nhất cũng như tồi tệ nhất của họ? Tôi có xin sự tha thứ cho những lúc tồi tệ nhất của tôi? Tôi có lắng nghe họ – lắng nghe thực sự – giữa một thế giới liên tục làm tôi xao lãng? Tôi có phải là một mẫu gương của đức tin, của thanh danh, của sự chăm chỉ và hài hước cho con cái của tôi? Tôi có dành đủ thời gian và đủ quý giá với họ? Tôi có hỗ trợ cho những ước mơ và mục tiêu của họ để họ trở nên tốt nhất theo đúng mong ước của họ? Tôi có trải nghiệm niềm vui trong những giây phút chóng qua mà rất dễ bị coi như sự nhàm chán?
3. Hôm nay tôi đã làm gì cho Sức khỏe của tôi?
Trong thư gửi giáo đoàn Cô-rinh-tô, Thánh Phaolo nhắc nhở, “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Tôi có biết chăm sóc cho bản thân? Tôi có ăn uống tốt và phù hợp? Tôi có tập thể dục không? Tôi có tránh những thói quen có hại cho tôi (hút thuốc, nhai kẹo, uống rượu bia quá mức, ăn quá mức)? Tôi có đi bộ nhiều hơn khi có thể và tham gia vào nhiều hoạt động tích cực?
4. Hôm nay tôi đã làm gì cho Sự nghiệp của tôi?
Thánh Gioan Phaolo II nói, “Chính Chúa Giê-su đã khơi gợi lên trong bạn khao khát làm được điều gì đó lớn lao trong đời, ý chí bước theo một lý tưởng, từ chối buông mình đi theo những sự tầm thường, can đảm cam kết một cách đơn sơ và khiêm nhường để thăng tiến bản thân và xã hội, làm cho thế giới nhân bản hơn và huynh đệ hơn.” Tôi có biết lắng nghe, lao động và bảo vệ cho các bệnh nhân, đồng nghiệp và nhân viên? Tôi có luôn giữ bên mình công trình khoa học mới nhất trong lĩnh vực của tôi? Tôi có làm mẫu gương của sự nhận xét đúng mực và lòng nhân cho các sinh viên và người xung quanh tôi? Nghề nghiệp của tôi là một ơn gọi hay chỉ đơn giản là một công việc?
5. Hôm nay tôi đã làm gì cho sự Hoàn Thiện của tôi?
Đức Thánh Cha Benedict XVI động viên, “Thế giới cho bạn cơ hội của sự tiện nghi, nhưng bạn không được sinh ra cho sự tiện nghi. Bạn được sinh ra cho những điều lớn lao.” Đâu là điều mà tôi cảm thấy được kêu gọi để thực hiện trong thế giới này và bằng cách nào, cùng hòa nhịp với Đức tin, Gia đình và Sự nghiệp, để tôi đạt được điều này? Tôi có dành thời gian để đọc, để viết, để chuyện trò, để học từ những người thông thái? Điều này có phù hợp với mối quan hệ của tôi với Thiên Chúa, với gia đình và giúp tôi thăng tiến trong sự nghiệp?
Năm nay, tôi sẽ không làm những quyết định nhưng bắt đầu sống biết quan tâm hơn.
Tôi sẽ bắt đầu và kết thúc mỗi ngày suy tư tôi đã sống những điều ưu tiên hàng đầu của tôi thế nào trong đời sống. Nếu đây thực sự là những ưu tiên của tôi, tôi có thể nói rằng tôi đã lưu tâm đến mỗi điều trong đó. Bây giờ, mọi việc bận rộn hơn, tôi có thể bị phân tâm. Và tôi là một tội nhân. Vì vậy, chắc chắn có lúc tôi sẽ thất bại. Hãy nhớ, mỗi ngày tôi thăng cấp một vị thánh và cho về vườn một tội nhân. Nhưng tôi sẽ cố gắng. Và bằng cách sống biết quan tâm hơn, tôi muốn tận hưởng hương vị của những khoảng thời gian trôi qua của cuộc đời để chúng sẽ dẫn đến kết cuộc của một đời sống trọn vẹn hơn và trung tín hơn.
Và như vậy. Bây giờ là lúc bắt đầu.
“Tương lai bắt đầu từ hôm nay, không phải từ ngày mai.”

[Nguồn: aleteia]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 03/01/2017]



Một vài chi tiết thú vị về Đức Thánh Cha Phanxico

Một vài chi tiết thú vị về Đức Thánh Cha Phanxico
Một vài chi tiết thú vị về Đức Thánh Cha Phanxico

  • Khi còn là Tổng giám mục Buenos Aires, sống trong một căn hộ chung cư, tự nấu ăn và đi xe buýt
  • Khi còn là Tổng giám mục hàng năm trong Tuần Thánh, ngài rửa chân cho các tầng lớp người sống ngoài lề xã hội, trong đó có các bệnh nhân AIDS và tù nhân, theo Bloomberg News.
  • Khi lên ngôi Giáo hoàng, ngài không đi đôi giày đỏ được đóng đặc biệt cho ngài, nhưng ngài vẫn chọn đi đôi giày đen cũ sờn da từ Buenos Aires
  • Sau khi được bầu lên ngôi Giáo hoàng, ngài quyết định trở về khách sạn nơi ngài đang ở và tự trả hóa đơn, và quyết định đi xe buýt cùng với các Hồng y khác, chứ không đi xe limo sang trọng dành cho ngài
  • Ngài dâng Lễ Thứ Năm Tuần Thánh đầu tiên trong một nhà giam tuổi vị thành niên ở Roma, và cấm mọi giới truyền thông tham dự, ngài nói Thánh lễ này dành riêng
  • Trong suốt triều đại của ngài, Đức Thánh Cha Phanxico sống trong nhà Thánh Marta (Casa Santa Marta) cùng với các nhân viên Vatican chứ không ở trong Cung điện Giáo hoàng theo thông lệ

[Nguồn: catholicnewsagency]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 04/01/2017]


Đức Thánh Cha thúc giục các đức giám mục bảo vệ sự sống của trẻ em

Đức Thánh Cha thúc giục các đức giám mục bảo vệ sự sống của trẻ em

Pope Francis holds a statue of the Baby Jesus during the Christmas "Mass during the Night" - REUTERS
Đức Thánh Cha Phanxico bồng tượng Hài Nhi Giê-su trong “Lễ Đêm” Giáng sinh - REUTERS
02/01/2017 16:01
(Vatican Radio) Đức Thánh Cha Phanxico đã viết gửi đến các giám mục trên thế giới lên án mọi hình thức đàn áp và bóc lột trẻ em. Lời của ngài trong lá thư ký vào ngày Lễ Các Thánh Anh Hài, kỷ niệm hàng năm ngày 28 tháng Mười Hai, trong suốt tuần Bát Nhật Giáng Sinh.
Trong thư, Đức Thánh Cha kêu gọi các Giám mục hãy làm bừng dậy niềm vui nơi tâm hồn người Ki-tô hữu qua việc loan báo sự giáng sinh của Đức Ki-tô. Nhưng bằng những từ ngữ rất cảm động, ngài nói rằng câu truyện Giáng sinh cũng kèm theo nước mắt. “Cả ngày nay nữa,” Đức Thánh Cha nói, chúng ta nghe thấy những tiếng khóc đau đớn làm nhói tim, mà chúng ta không thể nào làm ngơ cũng không thể im lặng.” Ngài tiếp tục. “Trong thế giới của chúng ta – tôi viết điều này với một tâm hồn trĩu nặng – chúng ta vẫn tiếp tục nghe thấy tiếng than khóc của quá nhiều người mẹ, quá nhiều gia đình, vì cái chết của những đứa con của họ, những đứa trẻ vô tội.”
Đức Thánh Cha Phanxico nói đến hàng triệu trẻ em bị tước mất cơ hội được học tập và sự ngây thơ của các em bị xé nát bởi chiến tranh và di cư cưỡng bức. Ngài cũng một lần nữa cầu xin sự tha thứ vì những đau khổ của các trẻ em đã bị lạm dụng tính dục bởi các linh mục, ngài nói “đó là một tội lỗi làm ô danh Giáo hội.”
Ngài nói, niềm vui của người Ki-tô hữu “được xuất phát từ một tiếng gọi – cùng một tiếng gọi mà Thánh Giu-se đã nhận được – để ôm ẵm lấy vào bảo vệ sự sống con người, đặc biệt sự sống của các trẻ thơ thánh của thời đại của chúng ta.” Đức Thánh Cha Phanxico nói rằng các Giám mục phải tìm được sự can đảm mới để bảo vệ trẻ em và phải trở nên nhạy cảm hơn trước những gì đang xảy ra trong thế giới quanh ta.

Dưới đây là toàn văn lá thư của Đức Thánh Cha:

Anh em thân mến,
Hôm nay, trong ngày lễ các Thánh Anh Hài, như lời của thiên sứ gọi các mục đồng vẫn còn vang vọng trong tim của chúng ta – “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít” (Lc 2: 10-11) – tôi cảm thấy cần phải viết gửi đến anh em. Chúng ta hãy chăm chú lắng nghe đi nghe lại lời loan báo đó; để được nghe lặp đi lặp lại rằng Thiên Chúa đang ở giữa dân tộc của chúng ta. Sự xác tín này mà chúng ta kỷ niệm mừng hàng năm, là nguồn vui hân hoan và hy vọng.
Trong những ngày qua chúng ta trải qua nghi thức phụng vụ dẫn đưa chúng ta về trọng tâm của Giáng sinh, đi vào Mầu nhiệm qua đó kéo chúng ta dần dần trở về nguồn cội của niềm vui của người Ki-tô hữu.
Là các mục tử, chúng ta được kêu gọi để loan truyền niềm vui này cho các tín hữu. Chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ niềm vui này. Tôi một lần nữa yêu cầu anh em rằng chúng ta không được để mình bị cướp mất niềm vui này, vì có đôi lúc chúng ta có thể bị ngã lòng, cũng không phải là vô cớ, vì thế giới chung quanh  chúng ta, vì Giáo hội, hay thậm chí vì chính bản thân chúng ta, và cảm thấy bị lôi cuốn thuận theo một nỗi sầu muộn nào đó, thiếu vắng sự cậy trông, mà nó có thể đè nặng tâm hồn chúng ta (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng 83).
Cho dù chúng ta có thích hay không thích, Giáng sinh vẫn kèm theo những giọt lệ. Các tác giả Tin Mừng đã không che giấu thực tại nhằm làm cho nó trở nên dễ tin hơn và lôi cuốn hơn. Các ngài không làm thỏa mãn bằng những từ ngữ vỗ về nhưng chẳng lột tả được thực tại. Với các ngài, Giáng sinh không phải là một chuyến bay đưa đến sự ảo tưởng, một con đường để giấu đi những thách thức và bất công của thời đại của các ngài. Ngược lại, các ngài đã thuật lại sự hạ sinh của Con Thiên Chúa như là một biến cố đầy bi kịch và đau thương. Trích dẫn lời của ngôn sứ Giê-rê-mi-a, Thánh Mát-thêu trình bày bằng những cụm từ thẳng thắn: “Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình” (2:18). Đó là những tiếng thổn thức của những người mẹ khóc thương trước cái chết của con mình vì sự bạo ngược của Hê-rô-đê và sự khát khao quyền lực vô lối.
Cả ngày nay nữa, chúng ta nghe thấy những tiếng khóc đau đớn làm nhói tim, mà chúng ta không thể nào làm ngơ cũng không thể im lặng. Trong thế giới của chúng ta – tôi viết điều này với một tâm hồn trĩu nặng – chúng ta vẫn tiếp tục nghe thấy tiếng than khóc của quá nhiều người mẹ, quá nhiều gia đình, vì cái chết của những đứa con của họ, những đứa trẻ vô tội.
Suy ngẫm về máng cỏ cũng có nghĩa là suy ngẫm về những tiếng kêu khóc đau thương này, để đôi mắt và đôi tai chúng ta mở ra trước những gì đang xảy ra quanh ta, và để cho con tim của chúng ta biết chú ý và mở ra trước những nỗi đau khổ của tha nhân, đặc biệt những nơi có trẻ em. Nó cũng có nghĩa chúng ta phải nhận ra rằng một chương buồn trong lịch sử vẫn đang được viết ngày hôm nay. Suy ngẫm về máng cỏ trong sự tách biệt với thế giới chung quanh chúng ta có thể làm cho Giáng sinh trở thành một câu chuyện dễ thương khơi gợi nên những cảm giác ấm áp dễ chịu nhưng lại lấy mất của chúng ta sức mạnh sáng tạo của Tin Mừng mà Ngôi Lời Nhập Thể muốn tặng ban cho chúng ta. Sự quyến rũ đó là có thật.
Liệu chúng ta có thể thực sự trải nghiệm niềm vui của người Ki-tô hữu khi chúng ta quay lưng lại với những thực tại này? Liệu niềm vui của người Ki-tô hữu có còn khi chúng ta làm ngơ trước những tiếng khóc thương của anh chị em chúng ta, những tiếng kêu khóc của các trẻ em?
Thánh Giu-se là người đầu tiên chịu trách nhiệm bảo vệ niềm vui ơn cứu độ. Đối mặt với những tội ác hung tàn đang xảy ra, Thánh Giu-se – mẫu gương của một người vâng nghe và trung tín – có khả năng nhận ra được tiếng nói của Thiên Chúa và sứ mạng mà Chúa Cha trao phó cho ngài. Vì ngài có thể nghe thấy tiếng của Thiên Chúa, và vâng nghe theo ý định của Người, Thánh Giu-se trở nên ý thức hơn về những gì đang diễn ra xung quanh và có thể hiểu được những biến cố này một cách rất thực tế.
Một trách vụ tương tự cũng được đòi hỏi đối với chúng ta là những mục tử hôm nay: phải là những con người biết quan tâm chú ý, và không trở nên điếc, trước tiếng nói của Thiên Chúa, và từ đó trở nên nhạy cảm hơn với những gì xảy ra chung quanh chúng ta. Ngày nay, lấy Thánh Giu-se là mẫu gương cho chúng ta, chúng ta không được để cho chính mình bị cướp mất niềm vui. Chúng ta phải bảo vệ niềm vui này thoát khỏi những Hê-rô-đê của thời đại của chúng ta. Cũng như Thánh Giu-se, chúng ta cần có lòng can đảm để trả lời cho thực tại này, để đứng dậy và nắm chắc nó trong bàn tay (Mt 2:20). Lòng can đảm để bảo vệ niềm vui này thoát khỏi những Hê-rô-đê mới của thời đại chúng ta, những kẻ tàn phá sự thơ ngây vô tội của trẻ thơ. Một tuổi thơ đã bị cướp mất bởi những đàn áp của lao động nô lệ bất hợp pháp, của mại dâm và bóc lột. Một tuổi thơ bị xé nát bởi chiến tranh và di cư cưỡng bức, với sự mất mát quá lớn mà các bé buộc phải gánh chịu. Hàng ngàn trẻ em của chúng ta bị rơi vào tay của các băng nhóm, những tổ chức tội phạm và những kẻ buôn cái chết, những kẻ tham tàn và bóc lột đến tận đáy sự khốn cùng của các em.
Để minh chứng cho điểm này, có ít nhất 75 triệu trẻ em, vì những tình hình khẩn cấp và khủng hoảng kéo dài, đã phải bỏ dở việc học hành. Năm 2015, 68% tổng số những người là nạn nhân của sự bóc lột tình dục là trẻ em. Đồng thời một phần ba số trẻ em phải sống xa quê hương của mình cũng phải làm việc đó vì bị buộc phải tản cư. Chúng ta sống trong một thế giới với gần phân nửa số trẻ em chết trước 5 tuổi là do nguyên nhân suy dinh dưỡng. Những con số ước tính rằng năm 2016 có 150 triệu trẻ em lao động, rất nhiều trong số đó phải sống trong những hoàn cảnh nô lệ. Theo một báo cáo gần đây nhất được UNICEF trình bày, nếu tình hình thế giới không có gì thay đổi, vào năm 2030 sẽ có 167 triệu trẻ em sống dưới vực sâu của nghèo khổ cùng cực, 69 triệu trẻ em dưới 5 tuổi sẽ chết trong khoảng từ năm 2016 đến 2030, và 16 triệu trẻ em sẽ không được học hành ở bậc căn bản nhất.
Chúng ta nghe thấy những trẻ này và những tiếng kêu đau thương của các em; chúng ta cũng nghe thấy tiếng kêu của Mẹ Giáo Hội, Người phải bật khóc lên không chỉ vì những đau thương gây ra cho những đứa con nhỏ tuổi nhất của Mẹ, nhưng cũng còn vì Mẹ nhận biết tội lỗi của một số những người con của Mẹ: những nỗi đau, những sự chịu đựng và những đau đớn của các em bị lạm dụng tính dục bởi các linh mục. Đó là một tội lỗi làm chúng ta xấu hổ. Những người chịu trách nhiệm bảo vệ những trẻ em đó lại tàn phá phẩm giá của các em. Chúng ta thật vô cùng hối tiếc về điều này và chúng ta cầu xin sự tha thứ. Chúng ta hãy mang lấy nỗi đau của các nạn nhân và khóc vì tội này. Tội vì những gì đã xảy ra, tội vì không trợ giúp được, tội vì che đậy và chối bỏ, tội vì lạm dụng quyền bính. Giáo hội cũng khóc thật nhiều vì tội này của những đứa con của mình và cầu xin sự tha thứ. Hôm nay, khi chúng ta kính nhớ lễ các Thánh Anh Hài, tôi muốn chúng ta hãy ôn nhắc lại những cam kết trọn vẹn của chúng ta để bảo đảm rằng những tội ác này sẽ không còn xảy ra ở giữa chúng ta nữa. Chúng ta hãy tìm lấy sự can đảm cần thiết để đưa ra được những biện pháp quan trọng và để bảo vệ cuộc sống của trẻ em trong mọi cách, để những tội ác như vậy không bao giờ có thể lặp lại. Trong phạm vi này, chúng ta hãy cùng quyết chí, một cách rõ ràng và trung tín, “không khoan nhượng.”
Niềm vui của người Ki-tô hữu không rộn lên ở ngoài vòng của thực tại, bằng cách làm ngơ hoặc hành động coi như nó không tồn tại. Niềm vui của người Ki-tô hữu được xuất phát từ một tiếng gọi – cùng một tiếng gọi mà Thánh Giu-se đã nhận được – để ôm ẵm lấy vào bảo vệ sự sống con người, đặc biệt sự sống của các trẻ thơ thánh của thời đại của chúng ta. Giáng sinh là một thời gian thách thức chúng ta đứng ra bảo vệ sự sống, giúp nó được sinh ra và lớn lên. Đó là một thời gian thách thức chúng ta là những giám mục tìm được lòng can đảm mới. Lòng can đảm tạo ra những tiến trình giúp đủ khả năng nhận biết được thực tại mà rất nhiều trẻ em của chúng ta đang phải trải qua hôm nay và hoạt động để bảo đảm cho các bé mức tối thiểu cần thiết để phẩm giá làm con Thiên Chúa của các bé không chỉ được tôn trọng mà, trên hết, còn được bảo vệ.
Chúng ta đừng để cho các em bị cướp mất niềm vui. Chúng ta đừng để chính chúng ta bị cướp mất niềm vui, nhưng hãy bảo vệ nó và nuôi dưỡng cho nó được lớn lên.
Nguyện xin để chúng ta thực hiện việc này bằng sự trung tín phụ tử của Thánh Giu-se và được soi sáng bởi Mẹ Maria, Mẹ của tình yêu dịu hiền, để con tim chúng ta không bao giờ bị trịu nặng.
Chào thân ái,
FRANCIS
Viết từ Vatican, 28 tháng 12, 2016
Lễ các Thánh Anh Hài Tử Đạo

[Nguồn: radiovaticana]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 03/02/2017]