Thứ Năm, 3 tháng 6, 2021

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 02 tháng 06, 2021

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 02 tháng 06, 2021

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 02 tháng 06, 2021


Buổi Tiếp Kiến chung sáng nay diễn ra tại sân San Damaso của Điện Tông tòa Vatican. Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về cầu nguyện, tập trung vào chủ đề: “Chúa Giêsu, gương mẫu của linh hồn và mọi lời cầu nguyện” (Bài đọc Kinh Thánh: Lc 22: 28-29, 31-32).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu.

Buổi Tiếp Kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

*****

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Các sách Phúc âm cho chúng ta thấy cầu nguyện là căn bản như thế nào trong mối tương quan giữa Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài. Điều này đã xuất hiện trong việc lựa chọn ai sẽ trở thành Tông đồ sau đó. Luca đặt việc tuyển chọn các ông trong chính bối cảnh cầu nguyện, và Thánh Tông đồ nói: “Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ” (6: 12-13). Chúa Giêsu chọn các Tông đồ sau một đêm cầu nguyện. Dường như không có tiêu chuẩn nào trong sự lựa chọn này ngoài lời cầu nguyện, là cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với Chúa Cha. Đánh giá về cách cư xử của những con người đó sau này, dường như sự tuyển chọn không phải là tốt nhất, vì tất cả họ đều chạy trốn, họ bỏ mặc Ngài đơn độ trước cuộc Khổ nạn; nhưng chính điều này, đặc biệt là sự có mặt của Giuđa, là kẻ phản bội trong tương lai, chứng tỏ rằng những cái tên đó đã được ghi trong chương trình của Thiên Chúa.

Lời cầu nguyện thay cho những người bạn của Ngài liên tục tái hiện trong cuộc đời Chúa Giêsu. Các Tông đồ đôi khi trở thành lý do để Ngài lo lắng, nhưng với Chúa Giêsu, vì Ngài đón nhận họ từ Chúa Cha sau khi cầu nguyện, do đó Ngài mang họ trong lòng, ngay cả khi họ sai lầm, ngay cả khi họ vấp ngã. Trong tất cả những điều này, chúng ta khám phá thấy cách Chúa Giêsu vừa là người thầy vừa là người bạn, luôn sẵn lòng kiên nhẫn chờ đợi sự hoán cải của người môn đệ. Đỉnh điểm của sự chờ đợi kiên nhẫn này là “mạng lưới” tình yêu mà Chúa Giêsu dệt quanh Phêrô. Trong Bữa Tiệc Ly, Ngài nói với ông: “Simon, Simon,” - lời chúng ta đã nghe khi bắt đầu buổi tiếp kiến ​​- “kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22,31-32). Thật xúc động biết bao khi biết rằng vào lúc đó, trong giây phút yếu đuối, tình yêu của Chúa Giêsu vẫn không dừng lại. “Nhưng thưa cha, nếu con phạm tội trọng, Chúa Giêsu có yêu con không?” - “Có” - “Và Chúa Giêsu có tiếp tục cầu nguyện cho con không?” - “Có” - “Nhưng nếu con đã làm những điều xấu xa nhất, và hơn thế nữa, phạm quá nhiều tội lỗi… Chúa Giêsu có tiếp tục [cầu nguyện] không?” - “Có”. Tình yêu của Chúa Giêsu, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho mỗi người chúng ta không ngừng, không dừng lại, mà còn trở nên mạnh mẽ hơn, và chúng ta ở trung tâm lời cầu nguyện của Ngài! Chúng ta phải luôn ghi nhớ điều này: Chúa Giêsu cầu nguyện cho tôi, bây giờ Ngài đang cầu nguyện trước mặt Chúa Cha và cho Người xem thấy những vết thương mà Ngài mang trên mình, để cho Chúa Cha thấy cái giá của ơn cứu chuộc chúng ta, đó là tình yêu mà Ngài dành cho chúng ta. Nhưng trong giờ phút này, mỗi người chúng ta, chúng ta hãy suy nghĩ: trong giây phút này, có phải Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho tôi không? Đúng. Đây là một sự chắc chắn lớn lao mà chúng ta phải có.

Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trở lại đúng lúc tại một thời điểm quan trọng trong hành trình của Ngài, đó là lúc khẳng định đức tin của các môn đệ Ngài. Chúng ta hãy nghe lại thánh sử Luca viết: “Hôm ấy, Đức Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: "Dân chúng nói Thầy là ai?" Các ông thưa: "Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại. Và Ngài hỏi các ông, ‘Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?’ Ông Phêrô thưa: ‘Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.’ Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai” (9: 18-21). Có nghĩa là, những bước ngoặt lớn trong sứ mệnh của Chúa Giêsu luôn có lời cầu nguyện đi trước, nhưng không chỉ là cầu nguyện thoáng qua, mà bằng lời cầu nguyện mãnh liệt và liên tục. Luôn luôn có sự cầu nguyện trong những thời khắc đó. Cuộc kiểm tra đức tin này dường như có một mục đích, nhưng thay vào đó, nó là một điểm khởi đầu mới cho các môn đệ, bởi vì từ đó trở đi dường như Chúa Giêsu có cách nói mới về sứ mệnh của Ngài, nói một cách công khai với họ về cuộc khổ nạn, cái chết, và sự phục sinh của Ngài.

Với viễn cảnh này, theo bản năng nó làm gia tăng sự ghê sợ đối với các môn đệ và với cả chúng ta là những người đọc Tin Mừng, cầu nguyện là nguồn ánh sáng và sức mạnh duy nhất. Cần phải cầu nguyện một cách mãnh liệt hơn, mỗi khi con đường có những khúc quanh ngược dốc.

Và quả thật, sau khi loan báo cho các môn đệ biết những gì đang chờ đợi Ngài ở Giêrusalem thì biến cố Biến hình diễn ra. Chúa Giêsu “đem theo các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê lên núi cầu nguyện. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Êlia. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem” (9: 28-31), tức là Cuộc Thương Khó. Do đó, sự tỏ lộ vinh quang được mong đợi này của Chúa Giêsu đã diễn ra trong khi cầu nguyện, trong khi Chúa Con đắm mình trong sự hiệp thông với Chúa Cha và hoàn toàn tuân theo ý định yêu thương của Người, theo chương trình cứu độ của Người. Và từ sự cầu nguyện đó, có một tiếng phán rõ ràng cho ba người môn đệ ở đó: “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn; hãy vâng nghe Người” (Lc 9, 35). Từ sự cầu nguyện đến lời mời gọi hãy lắng nghe Chúa Giêsu, luôn luôn xuất phát từ cầu nguyện.

Từ hành trình nhanh chóng qua Phúc âm này, chúng ta biết được rằng Chúa Giêsu không những muốn chúng ta cầu nguyện như Ngài cầu nguyện, nhưng bảo đảm với chúng ta rằng chúng ta luôn có thể trông cậy vào lời cầu nguyện của Ngài, ngay cả khi những cố gắng cầu nguyện của chúng ta hoàn toàn không có kết quả và vô hiệu. Chúng ta phải ý thức điều này: Chúa Giêsu cầu nguyện cho tôi. Có một lần, một đức giám mục tốt lành kể với cha rằng trong thời điểm rất tồi tệ trong cuộc đời của ngài, một thử thách rất, rất, rất, rất lớn, trong đó tất cả đều chìm trong bóng tối, ngài ngước lên Vương cung thánh đường và nhìn thấy câu này viết rằng: “Tôi, Phêrô, sẽ cầu nguyện cho bạn”. Và điều này đã tiếp thêm sức mạnh và niềm an ủi cho ngài. Và điều này xảy ra bất cứ khi nào mỗi người trong chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho mình. Chúa Giêsu cầu nguyện cho chúng ta. Trong thời gian này, trong chính giây phút này. Hãy thực hiện bài luyện trí nhớ đó, lặp đi lặp lại nó. Khi gặp khó khăn, khi anh chị em cảm thấy vòng xoáy lôi kéo làm xao lãng: Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho tôi. Nhưng thưa cha, điều này có thật không? Nó là thật! Chính Ngài đã nói điều đó. Chúng ta đừng quên rằng những gì nâng đỡ trong cuộc sống từng người chúng ta chính là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho mỗi người chúng ta, với tên gọi và tên họ của chúng ta, trước mặt Cha, cho Người nhìn thấy những vết thương là giá cứu chuộc của chúng ta.

Ngay cả khi những lời cầu nguyện của chúng ta chỉ là lắp bắp, nếu những lời cầu nguyện bị giảm giá trị bởi một đức tin nao núng, chúng ta đừng bao giờ mất tin cậy nơi Ngài: tôi không biết cầu nguyện như thế nào nhưng Ngài cầu nguyện cho tôi. Được trợ giúp bởi lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, những lời cầu nguyện rụt rè của chúng ta được nằm trên đôi cánh đại bàng và bay lên Thiên đường. Xin đừng quên: Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho tôi. Có phải ngay lúc này? Ngay lúc này. Trong giây phút thử thách, trong giây phút tội lỗi, ngay cả trong tội lỗi đó, Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho tôi với với tình yêu thương vô ngần. Cảm ơn anh chị em.

____________________________________________________


Lời chào bằng tiếng Anh

Cha thân ái chào các tín hữu nói tiếng Anh. Ước mong ngày Đại Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô sắp tới sẽ củng cố mạnh mẽ thêm ý thức của chúng ta về sự hiện diện thật của Chúa Giêsu giữa chúng ta trong Bí tích Thánh Thể. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa tuôn đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc phúc cho anh chị em!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/6/2021]


Đức Thánh Cha Phanxicô nói với nhà hoạt động khí hậu bị liệt: ‘Hãy cầu nguyện cho cha ở Bắc cực’

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với nhà hoạt động khí hậu bị liệt: ‘Hãy cầu nguyện cho cha ở Bắc cực’

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với nhà hoạt động khí hậu bị liệt: ‘Hãy cầu nguyện cho cha ở Bắc cực’

Đức Thánh Cha Phanxicô chào vận động viên Michael Haddad trong buổi tiếp kiến chung trong sân San Damaso của Điện Tông tòa, 2 tháng Sáu, 2021./ Vatican Media.


Courtney Mares

CNA Staff, 2 tháng 6, 2021 / 12:00 pm


Hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ một người thanh niên bị liệt có kế hoạch đi đến Vòng Bắc Cực để nâng cao ý thức về môi trường.

Sau khi bị tổn thương tủy sống do tai nạn mô tô nước khiến Michael Haddad bị liệt từ ngực trở xuống, anh được cho biết sẽ không bao giờ đi lại được nữa.

Nhưng người vận động viên và nhà mạo hiểm đến từ Li Băng đã tìm được một con đường không chỉ để đi bộ, mà là một hành trình dài hơn 60 dặm (hơn 96,5 km) trong Vòng Bắc Cực sử dụng cột sống thép và nẹp ống chân chỉnh hình.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với nhà hoạt động khí hậu bị liệt: ‘Hãy cầu nguyện cho cha ở Bắc cực’

Haddad chào Đức Giáo hoàng Phanxicô tại buổi tiếp kiến chung ngày 2 tháng Sáu và xin ngài ban phép lành cho sứ mệnh Bắc Cực, là chuyến đi anh thực hiện với một nhóm các nhà khoa học với tư cách là đại sứ thiện chí của Liên hợp quốc về môi trường.

“Khi tôi kể câu chuyện của mình với Đức Thánh Cha, ngài đã đặt tay lên đầu tôi. Tôi nói với ngài rằng chúng tôi cố gắng mang đến một thông điệp nhân loại về trái đất và môi trường. Ngài đã ban phép lành cho tôi và tôi nói: ‘Thưa Cha, xin cầu nguyện cho con’, Haddad nói với Vatican News sau cuộc gặp gỡ.

Ngài trả lời, “‘Hãy cầu nguyện cho cha tại Bắc Cực. Tôi không thể quên câu này. Nó đã cho tôi sức mạnh và nhiều điều để suy nghĩ. Tôi cảm thấy quyết tâm hơn, không còn cô đơn nữa, mà cùng với Đức giáo hoàng cố gắng tạo ra sự thay đổi này”.

Haddad dự định thực hiện chuyến đi Bắc Cực của mình vào tháng Hai hoặc tháng Ba năm 2022 sau khi nó đã bị hoãn lại do đại dịch COVID-19. Anh đã đi bộ trên cao nguyên Kim tự tháp Giza, trèo lên mỏm đá Raouche Rock ở Beirut, đi bộ trên tuyết ở Black Summit và hoàn thành hai cuộc chạy marathon sử dụng công nghệ khung xương ngoài.

Anh nói, “Là một người không thể tự đi lại, đứng lên và ngồi xuống, tôi quyết định khám phá tiềm năng của mình. Tôi đã thấy rằng không có gì là không thể”.

“Làm được như vậy là nhờ vào hai điều: niềm tin và sự quyết tâm. Niềm tin vào Đấng Tạo Hóa của chúng ta, niềm tin vào chính bản thân chúng ta. Sự quyết tâm, chắc chắn rằng trong chúng ta có những sức mạnh vô hạn để tiến lên và phá vỡ mọi bức tường,” anh nói.

Anh là đại sứ thiện chí cho Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc từ năm 2019 ủng hộ việc bảo vệ môi trường, bởi vì theo anh, “trái đất đang ngồi trong xe lăn”.

Anh giải thích: “Đi 100 km ở Bắc Cực không chỉ là một thông điệp mà còn là một sự đóng góp cho khoa học.”

“Tôi làm việc với một nhóm khoa học lớn và được coi là một trong số ít người trên thế giới có khả năng làm được điều như vậy trong điều kiện của tôi. Vì vậy, tất cả những gì chúng tôi đang lên kế hoạch trước, trong, và sau chuyến đi bộ này sẽ đóng góp vào nghiên cứu khoa học để giúp những người khác một lần nữa bước qua hệ thống mới”.

Haddad, một người Kitô hữu, đã tặng đức giáo hoàng một cành cây tuyết tùng, một biểu tượng trong kinh thánh của Li Băng, và một bức ảnh chụp nhà thờ trong rừng tuyết tùng già.

Anh nói, “Gỗ của những cây tuyết tùng đó đã có mối liên kết với trái đất trong 10.000 năm. Vì vậy, nó có một ý nghĩa kép: lịch sử và mối liên hệ chặt chẽ của con người với hành tinh. Chúng ta đã sống trong những khu rừng, đã đến lúc phải nhắc nhở chúng ta, vì không có hành tinh khỏe mạnh thì không có nhân loại khỏe mạnh. Chúng tôi phải gửi thông điệp này đến thế giới”.




[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/6/2021]