Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Đại diện của Đức Thánh Cha: Tại sao hàng năm có quá nhiều người đến Mễ-du?

Đại diện của Đức Thánh Cha: Tại sao hàng năm có quá nhiều người đến Mễ-du?

24 tháng Bảy, 2018
MEDJUGORJE
Shutterstock-Hieronymus

Đức Tổng Giám mục Hoser người Ba lan, người đã tố giác “những hành động ma quỷ” của mafia tại địa điểm hành hương về Mẹ Maria, bắt đầu thi hành sứ mạng làm phái viên Tòa Thánh của ngài.

Sứ mạng được Đức Thánh Cha Phanxico trao phó cho ngài “để bảo đảm sự đồng hành liên tục và điểm tựa vững chắc cho người tín hữu,” để họ không đi theo những hình thức của hiện tượng gọi là “hiện ra,” Đức Tổng Giám mục Henryk Hoser nói trong Thánh Lễ hôm Chúa nhật vừa rồi ngày 22 tháng Bảy, 2018, ngài là phái viên Tòa Thánh của Giáo xứ Mễ-du (Bosnia-Herzegovina).

Nhiều người hành hương và tín hữu tham dự Thánh Lễ bắt đầu sứ mạng mục vụ của Đức Tổng Giám mục Hoser, ngài đã làm thính giả ở Ba lan ngạc nhiên với bài giảng ngày 4 tháng Bảy, 2018, khi ngài nói rằng địa điểm được cho là có những lần hiện ra của Đức Mẹ bị thao túng bởi “những hành động ma quỷ” của mafia (Vatican Insider, 10 tháng Bảy, 2018).

Theo ước tính mỗi năm có trên 2,5 triệu người đến viếng nơi này. “Tại sao có quá nhiều người đến Mễ-du hàng năm?” vị đại diện của Giáo hoàng đặt câu hỏi. Và dưới đây là câu trả lời:

Con đường đến với hạnh phúc

Người ta đến để “khám phá ra con đường dẫn đưa đến hạnh phúc cuộc sống trong nhà của Cha và của Mẹ, để cuối cùng tìm ra được rằng con đường của Mẹ Maria là con đường thật nhất và chắc chắn nhất,” Đức Tổng Giám mục người Ba lan nói trong Đền Thánh Giacôbê, đấng bảo trợ những người hành hương, và được giao cho các cha dòng Capuchin thuộc tỉnh Herzegovina quản lý, theo Vatican News tường thuật.

Đức Tổng Hoser khẳng định rằng con đường đưa hàng ngàn người hành hương đến với Mễ-du mỗi ngày là con đường “sùng kính Mẹ Maria” đã trở nên vô cùng sống động tại đây suốt hơn 37 năm qua.

Đó là lòng sùng kính pha lẫn giữa “sự tôn thờ thánh” và “những cách bày tỏ đức khôn ngoan” cao nhất tiềm ẩn trong “Dân Chúa”.

Mễ-du thu hút những người ở xa

Đức Tổng Giám mục nói, “Ở Mễ-du, người hành hương đến từ rất xa, đến từ 80 quốc gia khác nhau trên thế giới.”

Họ vượt qua hàng ngàn cây số, và như vậy họ “phải có một động lực vững vàng và cụ thể,” và nó cũng cho thấy “hoàn cảnh sống của nhiều người đã xa rời Thiên Chúa, xa rời Đức Ki-tô, xa rời Giáo hội của Người, và xa rời ánh sáng đem lại ý nghĩa cho cuộc sống.”

Vì thế, ngài nhấn mạnh rằng sứ mạng mục vụ của ngài không những hướng trực tiếp đến “những người đến từ rất xa, nhưng cả những người ở gần [...]; những người ở gần vì họ là giáo dân của Mễ-du; người ở gần vì họ đã chứng kiến quá nhiều sự kiện trong vùng này.” Và cũng là hướng đến “tất cả những người đang sống một đức tin nồng cháy.”

Đừng làm chia rẽ đàn chiên ở Mễ-du

Mặt khác, chia rẽ đàn chiên là một tội. “Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác!” ngài trích câu trong bài đọc của Chúa nhật đó.

“Đức Thánh Cha, vị cha chung của toàn Giáo hội, đã ghi nhớ những lời này của ngôn sứ (Giêrêmia 23:1). Ngài gửi chúng tôi tới đây, nơi dân Chúa đang sống, nơi các tín hữu đến để tìm ánh sáng cứu độ,” ngài nói thêm.

Và phân tích Tin mừng, ngài nói rằng “Chính Chúa tặng ban cho chúng ta một tấm gương độc nhất và một mẫu gương thừa sai.”

Vị đại diện của Đức Thánh Cha giải thích rằng Mễ-du “cung cấp cho chúng ta thời gian và không gian của ơn sủng nước trời qua sự can thiệp của Mẹ Maria Đồng trinh [...] được tôn kính ở đây dưới tước hiệu ‘Nữ vương Hòa bình.’”

Tước hiệu này vô cùng quan trọng đối với “những người đã phải gánh chịu những hậu quả của cuộc chiến trong vùng Balkan.”

Ngài nói, “Thúc đẩy hòa bình có nghĩa là xây dựng một nền văn minh đặt nền tảng trên sự yêu thương, hiệp nhất, trên tình huynh đệ, trên công bình, và đặt nền tảng trên hòa bình và tự do.”

“Những thế lực hiểm độc” chống lại lòng sùng kính Mẹ Maria

Ngày 4 tháng Bảy ở (Ba lan), nói về cuộc chiến giữa thiện và ác trong bài giảng, Đức ông Hoser cho biết rằng “những thế lực ác” đang hoạt động trong thành phố này của Herzegovina. Những lời của ngài nói gây ra một sự đụng chạm trên truyền thông Công giáo khắp thế giới.

Đức Tổng Giám mục hưu của Warsaw-Prague nói, “Ở đó, tại một nơi có rất nhiều người hoán cải, ở một nơi với những đám đông khổng lồ xưng tội, một nơi không bao giờ có đủ linh mục giải tội, thì tại nơi đó cũng có những hoạt động ma quỷ đang cố làm mọi điều để phá hoại nơi đó.”

Theo Đức Tổng Giám mục Hoser, “mafia đã thâm nhập” vào nơi hành hương đó, đặc biệt là mafia của Naples.

Theo Vatican Insider tường thuật, Đức Hoser có thể ám chỉ về một cuộc điều tra đang được thực hiện ở Naples về những cáo buộc có sự móc nối giữa tổ chức mafia Camorra và ban quản trị các chuyến hành hương.

Đức Tổng Giám mục người Ba lan được chỉ định làm đại diện đặc biệt của Đức Thánh Cha tại Mễ-du. Ngày 31 tháng Năm, thẩm quyền của ngài được mở rộng để tiếp tục sứ mạng “mục vụ” tại Mễ-du.

Đó không phải là sứ mạng công bố tính xác thực của những lần hiện ra, nhưng để bảo đảm “sự đồng hành liên tục và điểm tựa vững chắc” cho người tín hữu.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/7/201]


Đền Vua Solomon được tái hiện 3D

Đền Vua Solomon được tái hiện 3D

23 tháng Bảy, 2018
Đền Vua Solomon được tái hiện 3D


Ngôi đền đầu tiên được tái xây dựng trên không gian ảo dựa theo sự miêu tả trong Sách Các Vua Quyển thứ Nhất.

Có phải những phế tích hơn 3.000 năm tuổi của Đền Salomon thật sự bị chôn giấu dưới Thành Thánh? Theo truyền thống kinh thánh, cũng như những truyện kể liên quan đến Sách Thánh khác — mà thường bị đối nghịch nhau, chẳng hạn trường hợp của Josephus và các nguồn của các học giả Do thái — ngôi đền khổng lồ nơi đặt Hòm Bia Giao Ước đã được xây dựng khoảng năm 960 trước Chúa Giáng sinh, có lẽ theo phong cách Phoenician. Các nhà khảo cổ học đương thời chưa có thể thu thập được nhiều bằng chứng về sự hiện hữu của Ngôi Đền được xây dựng ban đầu trên Núi Thánh. Nơi những cung điện của Vua Salomon đã từng đứng sừng sững, cũng như Đền thờ Thứ hai to lớn hơn đã bị phá hủy bởi người Roma khi chiếm đóng Giêrusalem, hiện nay là một trong những thánh địa quan trọng nhất trên thế giới của Hồi giáo. Đền thờ Dome of the Rock (Qubbat As-Sakhrah) được xây dựng trên một tảng đá thánh thiêng đối với cả người Do thái và Hồi giáo, mà theo cả hai truyền thống cho rằng Abraham đã trói con trai của ông trên đó để hiến tế (Isaac theo truyền thống Do thái, Ismail theo truyền thống Hồi giáo).




Việc khai quật trong một khu vực thuộc nhiều tôn giáo, phức tạp, và gây tranh cãi hầu như là không thể, vì thế bản thiết kế 3D của Daniel Smith - ông rộng lòng chia sẻ với chúng ta - có thể là hình ảnh gần gũi nhất để tái hiện lại Đền Salomon trong thời hoàng kim của nó. Smith sử dụng SketchUp2016 và theo những kích thước mô tả trong Sách Các Vua Quyển Một, Chương 6 và 7, để tái tạo.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/7/2018]