Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2017

‘Giáo hội lên án Chủ nghĩa bài Do thái dưới mọi hình thức,’ Đức Thánh Cha nói trước Liên đoàn Chống Phỉ Báng

‘Giáo hội lên án Chủ nghĩa bài Do thái dưới mọi hình thức,’ Đức Thánh Cha nói trước Liên đoàn Chống Phỉ Báng

‘Tôi tái khẳng định rằng Giáo hội đặc biệt cảm thấy cần phải làm mọi việc có thể cùng với các bạn Do thái của chúng ta để đẩy lùi những khuynh hướng bài Do thái’ (Toàn văn)
9 tháng 2, 2017
‘Giáo hội lên án Chủ nghĩa bài Do thái dưới mọi hình thức,’ Đức Thánh Cha nói trước Liên đoàn Chống Phỉ Báng
CTV Screenshot - Pope In Assisi During Ecumenical Prayer Gathering
Giáo hội lên án chủ nghĩa bài Do thái dưới mọi hình thức, nhấn mạnh rằng nó “hoàn toàn đi ngược lại những nguyên tắc Ki-tô giáo và mọi cái nhìn xứng đáng về nhân vị.”
Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh điều này trước một phái đoàn từ Liên Đoàn Chống Phỉ Báng (Anti-Defamation League), một tổ chức đã duy trì những mối quan hệ với Tòa Thánh từ Công Đồng Vatican II, ngài đã tiếp trong Điện Tông Truyền của Vatican sáng nay.
Được thành lập năm 1913, mục tiêu của Liên Đoàn Chống Phỉ Báng là “chặn đứng sự phỉ báng người Do thái và bảo đảm công lý và sự đối xử công bằng với tất cả.” Hiện nay, theo website của cơ quan nhân quyền/quan hệ con người, ADL chống lại chủ nghĩa bài Do thái và mọi hình thức cố chấp, bảo vệ những lý tưởng dân chủ và bảo vệ nhân quyền cho tất cả.
Trong diễn từ, Đức Thánh Cha than phiền rằng chủ nghĩa bài Do thái vẫn còn lan rộng, và đề nghị cuộc chiến chống lại nó ‘có thể bằng những văn kiện có hiệu lực, chẳng hạn thông tin và sự đào tạo.”
“Quan tâm chăm sóc ân sủng thánh thiêng của mọi sự sống con người và bảo vệ phẩm giá của nó, từ khi thụ thai đến lúc chết, là cách tốt nhất để ngăn chặn mọi hình thức bạo lực,” ngài nói.
Đức Thánh Cha cũng nhận xét, đối mặt với quá nhiều bạo lực lan tràn trên khắp thế giới, chúng ta được kêu gọi bước đến “một con đường phi bạo lực mạnh mẽ hơn, nó không có nghĩa là sự thụ động, nhưng là sự thúc đẩy tích cực những thiện ích.”
Sau khi gặp gỡ Đức Thánh Cha, họ đã đăng bình luận của họ: “Trên #ADLRomeMission, chúng tôi đang củng cố những mối quan hệ liên tôn  w/@pontifex và cộng đoàn #Catholic.”
Dưới đây là diễn từ của Đức Thánh Cha của Vatican cung cấp:

* * *
Các bạn thân mến,
Tôi xin gửi lời chào nồng hậu đến các bạn, và tôi xin cảm ơn vì những lời chúc mừng tốt lành của các bạn. Những vị tiền nhiệm của tôi, Thánh Gio-an Phao-lô II và ngài Benedict XVI, cũng đã tiếp các phái đoàn từ tổ chức của các bạn, điều này đã duy trì những mối quan hệ với Tòa Thánh từ Công Đồng Vatican II. Tôi rất biết ơn vì những mối quan hệ này đã được củng cố vững mạnh hơn: như các bạn đã nói, cuộc họp của chúng ta ở đây là một chứng tá rộng hơn, vượt xa hơn sự cam kết chung của chúng ta, tiến đến sức mạnh của sự hòa giải, nó chữa lành và biến đổi những mối quan hệ. Vì việc này chúng ta cùng tạ ơn Thiên Chúa, Người chắc chắn vui mừng trong tình bạn chân thành và những tình cảm huynh đệ mà hôm nay khơi gợi lên giữa Do thái giáo và Công giáo. Vì thế cùng với tác giả Thánh vịnh chúng ta cũng có thể nói rằng: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau, nơi đây ân huệ CHÚA ban, chính là sự sống chứa chan muôn đời” (Tv 133: 1, 3b).
Trong khi văn hóa gặp gỡ và hòa giải đem lại sự sống và tạo ra hy vọng, “tính phi văn hóa” của sự hận thù gieo rắc cái chết và gặt lấy sự tuyệt vọng. Năm ngoái tôi đến thăm trại tử thần Auschwitz-Birkenau. Chẳng có một từ ngữ hay ý nghĩ nào diễn tả đủ những sự kinh hoàng của hung tàn và tội ác như vậy; tại đó có lời cầu nguyện được dâng lên xin Đức Chúa rủ lòng thương xót để những thảm kịch như vậy không bao giờ lặp lại nữa. Để được như vậy, chúng ta hãy tiếp tục giúp đỡ nhau, như Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã mong ước, “ký ức đóng vai trò quan trọng của nó trong tiến trình định hình cho một tương lai trong đó những tội lỗi ghê tởm của bộ phim tài liệu Shoah sẽ không bao giờ có thể lặp lại” (Tông thư nhân dịp phát hành bộ phim tài liệu “Chúng ta nhớ lại: suy tư về Shoah, 12 tháng Ba 1998): một tương lai có sự tôn trọng đích thực sự sống và phẩm giá của mọi dân tộc và mọi con người.
Đáng buồn, chủ nghĩa bài Do thái, một lần nữa tôi lên án mọi hình thức của nó đều hoàn toàn đi nghịch lại với những nguyên tắc Ki-tô giáo và mọi cái nhìn xứng đáng về nhân vị, vẫn đang lan tràn hôm nay. Tôi tái khẳng định rằng “Giáo hội Công giáo đặc biệt cảm thấy cần phải làm mọi việc có thể cùng với các bạn Do thái của chúng ta để đẩy lùi những khuynh hướng bài Do thái” (Ủy ban Quan hệ Tôn giáo với Do thái giáo, Những Ân Sủng và Tiếng Gọi của Thiên Chúa là Bất Biến, 47).
Ngày hôm nay hơn bao giờ hết, cuộc chiến chống lại chủ nghĩa bài Do thái có thể thực hiện được qua những văn kiện có hiệu lực, chẳng hạn như thông tin và đào tạo. Về vấn đề này, tôi cảm ơn những công việc của các bạn và sự kết hợp những nỗ lực để chống lại sự phỉ báng bằng giáo dục, thúc đẩy sự tôn trọng tất cả, và bảo vệ những người hèn mọn nhất. Quan tâm chăm sóc ân sủng thánh thiêng của mọi sự sống con người và bảo vệ phẩm giá của nó, từ khi thụ thai đến lúc chết, là cách tốt nhất để ngăn chặn mọi hình thức bạo lực. Đối mặt với quá nhiều bạo lực lan tràn trên khắp thế giới, chúng ta được kêu gọi bước theo “một con đường phi bạo lực mạnh mẽ hơn, nó không có nghĩa là sự thụ động, nhưng là sự thúc đẩy tích cực những thiện ích. Quả thật, nếu việc nhổ những hạt cỏ lùng tội lỗi là quan trọng, thì việc gieo những hạt giống tốt lành thậm chí còn quan trọng hơn nhiều: gieo cấy sự công bình, thúc đẩy sự hòa hợp, duy trì sự thống nhất, không mệt mỏi; chỉ bằng cách này chúng ta  mới có thể gặt hái được những hoa trái hòa bình. Tôi xin khuyến khích các bạn trong công việc này, trong sự vững tin rằng những phương thuốc tốt nhất chống lại sự gia tăng lòng thù hận luôn có trong việc tạo ra những điều kiện cần thiết cho một sự sống đúng phẩm giá, trong việc thúc đẩy văn hóa và ủng hộ sự tự do tôn giáo ở mọi nơi, cũng như trong việc bảo vệ các tín hữu và các tôn giáo khỏi mọi hình thức bạo lực và bóc lột.
Tôi cũng chân thành cảm ơn các bạn vì sự đối thoại mà các bạn duy trì với Giáo hội Công giáo ở nhiều cấp độ khác nhau. Với những cam kết chung của chúng ta và hành trình tình bạn và sự tin tưởng huynh đệ của chúng ta, tôi khẩn cầu những phúc lành của Đấng Toàn năng: với lòng quảng đại của Người nguyện xin Người đồng hành với chúng ta và trợ giúp chúng ta trổ sinh những hoa trái của sự tốt lành. Shalom alechem!
[Văn bản gốc: tiếng Ý]
© Copyright 2017 — Libreria Editrice Vaticana
***
On the NET:
Website chính thức của Liên Đoàn chống Phỉ Báng: http://www.adl.org/
[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 10/02/2017]



Caritas: tình hình ở miền đông Aleppo bị chiến tranh tàn phá như cảnh “hậu khải huyền”

Caritas: tình hình ở miền đông Aleppo bị chiến tranh tàn phá như cảnh “hậu khải huyền”

Caritas: tình hình ở miền đông Aleppo bị chiến tranh tàn phá như cảnh “hậu khải huyền”
Cư dân ở Aleppo bước qua đống đổ nát của những tòa nhà bị tàn phá trong vùng miền đông của thành phố. - AP
09/02/2017 17:12
(Vatican Radio) Một nhân viên cấp cao của Caritas vừa trở về từ thành phố Aleppo của Syria nói rằng sự tàn phá và cuộc khủng hoảng nhân đạo ở đó “vượt ra ngoài sự tưởng tượng của con người” với rất nhiều khu vực thuộc miền đông trông giống như đã bị bom nguyên tử tấn công. Patrick Nicholson là trưởng phòng truyền thông của Caritas Quốc tế và vừa trở về từ thành phố bị chiến tranh tàn phá. Trong một cuộc phỏng vấn với Susy Hodges ông miêu tả những cảnh tượng, đặc biệt ở miền đông Aleppo, như cảnh “hậu khải huyền” vì mức độ trải rộng của sự tàn phá và chia sẻ với bà một câu chuyện thật kinh hoàng về việc ông tìm được 6 đứa trẻ, trong đó có một em bé, tự sống với nhau giữa đống đổ nát của căn nhà của các em bị bom tàn phá.
Caritas và những cơ quan cứu trợ khác đang tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự khủng hoảng nhân đạo tuyệt vọng ở thành phố Apello của Syria đã và đang là một trong những chiến trường chính trong cuộc nội chiến của đất nước. Gần 1,8 triệu người trong thành phố không có nguồn cấp nước trong miền đông Aleppo trước đây bị phiến quân chiếm đóng cho đến tháng Mười Hai, tình hình chung còn tồi tệ hơn rất nhiều vì có rất ít thực phẩm, không có điện hay sưởi ấm và toàn bộ các khu vực chỉ còn lại những đống đổ vụn vì sự tàn bạo của những cuộc chiến.
Nicholson đã chứng kiến những hậu quả sau các thảm họa thiên nhiên như Sóng thần 2006 và một số trận động đất, nhưng ông nói cho chúng tôi về mức độ thiệt hại và tàn phá ông nhìn thấy ở Aleppo, đặc biệt vùng miền đông của thành phố, là “kinh khủng nhất” mà ông đã từng chứng kiến. Mô tả sự phá hủy ở đó như là “hoang tàn” và “vượt ngoài sức tưởng tượng của con người,” ông nói rằng nhiều cư dân của thành phố thiếu những nhu yếu phẩm căn bản để sinh tồn như thức ăn, nước sạch, sưởi ấm, nơi trú ẩn, y tế và đang cần sự cứu trợ nhân đạo khẩn cấp. Khi đang đi thăm từ nhà này sang nhà khác ở miền đông Aleppo với những nhân viên Caritas khác, Nicholson thuật lại ông đã tìm thấy một gia đình gồm 6 trẻ em tuổi từ 12 đến 9 tháng đang tự sống với nhau, không có cha mẹ, giữa đống hoang tàn của căn nhà bị bom phá hủy của các em.
Nicholson nói rằng thật là “một phép lạ” khi đặc biệt là em bé vẫn xoay sở cách sống sót trong hoàn cảnh mà ông gọi là “quá kinh khủng” cho các trẻ em không có sự bảo vệ như vậy. Cùng buổi sáng hôm đó họ tình cờ gặp nhóm 3 trẻ em cũng tự sống với nhau trong cùng hoàn cảnh như vậy và cảnh báo rằng có nguy cơ rất nhiều trẻ em bị bắt buộc phải tự kiếm sống giữa cảnh hoang tàn của những căn nhà đổ nát của các em ở miền đông Aleppo. Cho dù tình hình “vô cùng ảm đạm” như vậy, ông Nicholson nói rằng ông vô cùng cảm kích bởi sự cống hiến của rất nhiều người ở Aleppo đang cố gắng giúp đỡ những người chẳng còn gì và thúc đẩy một không khí hòa bình và hòa giải trong thành phố này, nó đã trở thành một biểu tượng hàng đầu của sự cay đắng và tàn ác của cuộc nội chiến ở Syria.

[Nguồn: radiovaticana]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 11/02/2017]