Thứ Hai, 13 tháng 2, 2023

Kinh Truyền tin của Đức thánh Cha Phanxicô: Trong các điều răn của Chúa, cần phải vượt xa hơn câu chữ, cần sống theo ý nghĩa của chúng

Trong các điều răn của Chúa, cần phải vượt xa hơn câu chữ, cần sống theo ý nghĩa của chúng

Huấn từ của Đức Thánh Cha trước Kinh Truyền tin

Kinh Truyền tin của Đức thánh Cha Phanxicô: Trong các điều răn của Chúa, cần phải vượt xa hơn câu chữ, cần sống theo ý nghĩa của chúng

Vatican Media


*******

Lúc 12 giờ trưa hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong Điện Tông tòa Vatican để đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha sau Kinh Truyền tin:

__________________________________________


Trước Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Trong bài Tin Mừng của phụng vụ hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5:17). Để kiện toàn: đây là từ khóa để hiểu Chúa Giêsu và sứ điệp của Người. Nhưng sự kiện toàn này có nghĩa là gì? Để giải thích, Chúa bắt đầu bằng cách nói về những gì chưa kiện toàn. Kinh thánh nói “Chớ giết người”, nhưng đối với Chúa Giêsu điều này là chưa đủ nếu sau đó người anh em bị làm tổn thương bằng lời nói; Kinh thánh nói “Chớ ngoại tình”, nhưng điều này vẫn chưa đủ nếu một người sau đó sống một tình yêu nhơ nhuốc bởi tính hai lòng và giả dối; Kinh thánh nói “chớ làm chứng gian”, nhưng thề thì chưa đủ nếu một người sau đó có thái độ giả hình (x. Mt 5:21-37). Đây là chưa kiện toàn.

Để đưa ra một ví dụ cụ thể, Chúa Giêsu tập trung vào “nghi thức dâng của lễ”. Việc dâng của lễ lên Thiên Chúa là để đáp đền những ân tứ ban cách nhưng không của Người. Đó là một nghi thức rất quan trọng – dâng của lễ đáp đền cách tượng trưng, chúng ta tạm nói như vậy, cho tính nhưng không của những ân tứ của Người – quan trọng đến mức việc làm gián đoạn nó là bị nghiêm cấm trừ những lý do nghiêm trọng.

Nhưng Chúa Giêsu nói rằng nghi thức phải bị gián đoạn nếu một người anh em có điều gì đó chống lại chúng ta, để đi làm hòa với người anh em đó trước (x. cc. 23-24): chỉ bằng cách này thì nghi thức mới được kiện toàn. Thông điệp rất rõ ràng: Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước, yêu thương cách tự do, bước những bước đầu tiên về phía chúng ta mà không cần chúng ta phải xứng đáng; và vì vậy chúng ta không thể cử hành tình yêu của Người mà không thực hiện bước đầu tiên, về phần chúng ta, để hòa giải với những người đã làm tổn thương chúng ta. Bằng cách này mới có sự kiện toàn trước mặt Thiên Chúa, nếu không, việc tuân giữ bề ngoài, thuần túy theo nghi thức là vô nghĩa, nó trở thành hình thức. Nói cách khác, Chúa Giêsu làm cho chúng ta hiểu rằng các luật tôn giáo là cần thiết, chúng là tốt, nhưng chúng mới chỉ là khởi đầu: để kiện toàn chúng, cần phải vượt xa hơn khuôn khổ chữ nghĩa và sống theo ý nghĩa của chúng. Các điều răn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta không được giam hãm trong các hầm kín của việc tuân thủ theo hình thức; nếu không, chúng ta bị giới hạn vào một thứ tôn giáo hình thức, tách biệt, là những người tôi tớ của “Thiên Chúa là Chủ” hơn là những người con cái của “Thiên Chúa là Cha”. Chúa Giêsu muốn điều này: không có ý tưởng phục vụ một Thiên Chúa là ông Chủ, nhưng là Thiên Chúa là Cha; và đây là lý do tại sao cần phải vượt xa hơn chữ nghĩa.

Thưa anh chị em, vấn đề này không chỉ xuất hiện vào thời Chúa Giêsu; nó cũng có trong thời đại hôm nay. Chẳng hạn, đôi khi chúng ta nghe nói: “Thưa Cha, con không giết người, con không trộm cắp, con không làm hại ai cả…”, dường như muốn nói rằng: “Con là tốt lành”. Đây là sự tuân giữ theo hình thức, tức là hài lòng với mức tối thiểu, trong khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta khao khát mức tối đa có thể. Đó là: Chúa không lý luận bằng những phép tính và bảng biểu; Người yêu thương chúng ta như một người mê đắm: không ở mức tối thiểu, nhưng đến mức tối đa! Người không nói, “Ta yêu con đến một chừng mực nào đó”. Không, tình yêu đích thực không bao giờ giới hạn ở một chừng mực nào đó, và không bao giờ là thỏa mãn; tình yêu luôn vượt xa hơn, người ta không thể làm mà không có nó. Chúa đã cho chúng ta thấy điều đó bằng cách hiến mạng sống Ngài trên thập tự giá và tha thứ cho những kẻ giết mình (x. Lc 23:34). Và Người để lại cho chúng ta điều răn mà Người yêu quý nhất: rằng chúng ta phải yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta (x. Ga 15:12). Đây là tình yêu làm kiện toàn Lề luật, đức tin, sự sống đích thực!

Vì vậy, thưa anh chị em, chúng ta hãy tự hỏi bản thân: tôi sống đức tin như thế nào? Đó có phải là vấn đề tính toán, theo hình thức hay một câu chuyện tình yêu với Thiên Chúa? Có phải tôi chỉ bằng lòng với việc không làm hại, giữ cho “mặt tiền” được ngăn nắp, hay tôi cố gắng phát triển trong tình yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân? Và thỉnh thoảng, tôi có kiểm điểm mình về điều răn trọng đại của Chúa Giêsu không, tôi có tự hỏi mình yêu người thân cận như Chúa yêu tôi không? Vì có lẽ chúng ta cứng nhắc trong việc xét đoán người khác mà quên đi lòng thương xót, như Chúa xót thương chúng ta.

Xin Mẹ Maria, Đấng đã tuân giữ Lời Chúa cách trọn vẹn, giúp chúng ta làm cho đức tin và đức ái của chúng ta nên kiện toàn.

________________________________________________


Sau Kinh truyền tin

Anh chị em thân mến!

Chúng ta hãy tiếp tục gần gũi, bằng lời cầu nguyện và sự hỗ trợ cụ thể, cho các nạn nhân động đất ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi đã xem trên chương trình truyền hình “A Sua Immagine” những hình ảnh về thảm họa này, nỗi đau của những dân tộc đang phải gánh chịu hậu quả của trận động đất. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, đừng quên họ, hãy cầu nguyện và suy nghĩ về những gì chúng ta có thể làm cho họ. Và chúng ta đừng quên đất nước Ukraine đang bị hành hạ: xin Chúa mở ra những con đường hòa bình và giúp cho những người có trách nhiệm lòng can đảm bước theo những con đường đó.

Tin tức từ Nicaragua đã làm tôi rất buồn, và tôi không thể không nhớ đến với sự lo lắng cho Đức Giám mục Rolando Álvarez của Matagalpa, người mà tôi vô cùng quan tâm, đã bị kết án 26 năm tù, và cả những người bị trục xuất sang Hoa Kỳ. Tôi cầu nguyện cho họ và cho tất cả những người đang đau khổ trong quốc gia thân yêu đó, và tôi xin anh chị em hãy cầu nguyện. Chúng ta cũng hãy cầu xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, mở rộng tâm hồn của các nhà lãnh đạo chính trị và mọi người công dân biết chân thành tìm kiếm hòa bình được sinh ra từ sự thật, công lý, tự do và yêu thương, và đạt được qua sự kiên trì theo đuổi đối thoại. Chúng ta cùng cầu nguyện với Đức Mẹ. [Kính mừng Maria]

Cha chào tất cả anh chị em, người dân Rôma và anh chị em hành hương từ nước Ý và các quốc gia khác. Cha xin chào các nhóm đến từ Ba Lan, Cộng hòa Séc và Peru. Cha chào các công dân Congo đang hiện diện ở đây. Đất nước của anh chị em là rất đẹp, nó rất đẹp! Hãy cầu nguyện cho đất nước! Cha chào các sinh viên đến từ Badajoz, Tây Ban Nha, và các sinh viên của Viện Gregorian Lisbon.

Cha chào các bạn trẻ của Amendolara-Cozenza và nhóm AVIS từ Villa Estense-Padua.

Và cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/2/2023]


Sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân của Đức Thánh Cha

Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Bệnh nhân của Đức Thánh Cha

Sứ điệp  Ngày Thế giới Bệnh nhân của Đức Thánh Cha

Pascal Deloche | GoDong

Kathleen N. Hattrup

11/02/23


“Không chỉ những gì hoạt động tốt hay những người làm việc hiệu quả mới quan trọng”

Sau đây là sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 31, được cử hành vào ngày 11 tháng Hai, lễ Đức Mẹ Lộ Đức:

*******

Anh chị em thân mến!

Bệnh tật là một phần của tình trạng con người chúng ta. Tuy nhiên, nếu trải qua bệnh tật trong sự cô đơn và bị bỏ rơi, không có sự quan tâm và lòng trắc ẩn, thì nó có thể trở thành tình trạng bất nhân.

Khi chúng ta đồng hành với những người khác, không có gì lạ khi có người cảm thấy đau bệnh, phải dừng lại vì mệt mỏi hoặc vì một số việc không may trên đường đi. Chính trong những thời khắc như vậy, chúng ta thấy mình đang đồng hành với nhau như thế nào: chúng ta có thực sự là người bạn đồng hành trên hành trình hay chỉ là những cá nhân trên cùng một đường đi, chăm lo cho lợi ích bản thân và để mặc người khác “tự xoay sở”. Vì lý do này, vào Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 31, khi toàn thể Giáo hội đang hành trình trên con đường thượng hội đồng, tôi mời gọi tất cả chúng ta hãy suy nghĩ về sự thật rằng chính qua kinh nghiệm về tình trạng dễ bị tổn thương và bệnh tật mà chúng ta có thể cùng nhau học bước đi theo phong cách của Thiên Chúa, đó là sự gần gũi, lòng trắc ẩn và dịu dàng.

Trong Sách Tiên tri Êdêkien, Thiên Chúa phán những lời này đại diện cho một trong những điểm cao trong Mặc khải của Thiên Chúa: “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ - sấm ngôn của Đức Chúa … Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; [...] Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.” (34:15-16). Những kinh nghiệm về lo âu, bệnh tật và yếu đuối là một phần của hành trình con người. Chúng không loại trừ chúng ta ra khỏi dân Chúa, mà chúng đưa chúng ta đến trung tâm sự chú ý của Chúa, vì Người là Cha của chúng ta và không muốn bất kỳ một người con nào của Người trên đường đi bị mất đi. Vậy chúng ta hãy học nơi Chúa cách trở thành một cộng đoàn thực sự đồng hành với nhau, có khả năng chống lại văn hóa vứt bỏ.

Tông huấn Fratelli Tutti khuyến khích chúng ta đọc lại dụ ngôn Người Samari Nhân hậu, mà tôi đã chọn để minh họa cách chúng ta có thể chuyển từ “những đám mây đen” của một thế giới khép kín sang “hình dung và tạo ra một thế giới rộng mở” (x. Số 56). Có một mối liên hệ sâu sắc giữa dụ ngôn này của Chúa Giêsu và nhiều cách thức qua đó tình huynh đệ bị phủ nhận trong thế giới ngày nay. Đặc biệt, sự kiện người đàn ông bị đánh đập và bị cướp, bị bỏ lại bên vệ đường tượng trưng cho tình trạng của quá nhiều anh chị em chúng ta bị bỏ rơi ngay khi họ cần được giúp đỡ nhất. Không còn dễ dàng để phân biệt những cuộc tấn công vào sự sống và phẩm giá con người phát sinh từ những nguyên nhân tự nhiên với những cuộc tấn công do bất công và bạo lực gây ra. Trên thực tế, các mức độ bất bình đẳng ngày càng tăng và lợi ích phổ biến của một số ít hiện nay ảnh hưởng đến mọi môi trường của con người đến mức khó có thể cân nhắc một kinh nghiệm trải qua là thuần túy do nguyên nhân “tự nhiên” hay không. Tất cả sự đau khổ xảy ra trong bối cảnh của một “văn hóa” và những mâu thuẫn khác nhau của nó.

Vấn đề đặc biệt quan trọng ở đây là phải nhận biết tình trạng cô đơn và bị bỏ rơi. Hình thức tàn nhẫn này có thể bị đánh bại dễ dàng hơn bất kỳ sự bất công nào khác, bởi vì – như câu chuyện dụ ngôn cho chúng ta biết – chỉ cần chúng ta chú ý một chút, đánh động lòng trắc ẩn trong chúng ta, để loại bỏ nó. Hai người đi qua, được coi là sùng đạo và đạo đức, nhìn thấy người bị thương nhưng không dừng lại. Tuy nhiên, người khách qua đường thứ ba, một người Samari, một người ngoại quốc bị khinh bỉ, đã động lòng trắc ẩn và chăm sóc người lạ mặt trên đường, coi người đó như một người anh em. Khi làm như việc đó, thậm chí không suy nghĩ về nó, ông ta đã tạo ra sự khác biệt, ông làm cho thế giới trở nên huynh đệ hơn.

Thưa anh chị em, chúng ta hiếm khi sẵn sàng trước bệnh tật. Thông thường, chúng ta thậm chí còn không thừa nhận rằng mình đang già đi. Tính dễ bị tổn thương khiến chúng ta sợ hãi và văn hóa hiệu quả đang lan rộng thúc đẩy chúng ta phủi nó xuống dưới tấm thảm, không dành chỗ cho sự yếu đuối của con người chúng ta. Theo cách này, khi sự dữ tấn công và làm chúng ta bị tổn thương, chúng ta bị choáng váng. Ngoài ra, người khác có thể bỏ rơi chúng ta vào những lúc như vậy. Hoặc, trong những lúc yếu đuối, chúng ta có thể thấy rằng chúng ta nên bỏ rơi người khác để tránh trở thành gánh nặng. Đây là cách thức sự cô đơn bắt đầu, và chúng ta có thể bị đầu độc bởi cảm giác cay đắng của sự bất công, như thể chính Chúa bỏ rơi chúng ta. Thật vậy, chúng ta có thể thấy khó giữ được bình an với Chúa khi mối tương quan của chúng ta với người khác và với chính bản thân bị tổn hại. Do đó, điều quan trọng là ngay cả trong lúc bệnh tật, toàn thể Giáo hội phải noi theo tấm gương của người Samari Nhân hậu trong Tin Mừng, để Giáo hội có thể trở thành một “nhà thương dã chiến” thực sự, vì sứ mệnh của Giáo hội được thể hiện qua những hành động chăm sóc, đặc biệt là trong hoàn cảnh lịch sử của thời đại chúng ta. Tất cả chúng ta đều mong manh và dễ bị tổn thương, và cần lòng trắc ẩn biết dừng lại, tiếp cận, chữa lành và nâng đỡ. Như vậy, hoàn cảnh khó khăn của người bệnh là một tiếng gọi cắt đứt sự thờ ơ và làm chậm bước chân của những người tiếp tục bước đi như thể họ không có người anh chị em nào.

Ngày Thế giới Bệnh nhân kêu gọi cầu nguyện và gần gũi với những người đau khổ. Tuy nhiên, nó cũng nhằm mục đích nâng cao nhận thức của dân Chúa, các tổ chức chăm sóc sức khỏe và xã hội dân sự về một phương thức mới để cùng nhau tiến về phía trước. Lời tiên tri được trích dẫn ở trên của ngôn sứ Êdêkien phán xét gay gắt các sự ưu tiên của những người nắm giữ quyền lực kinh tế, văn hóa và chính trị đối với những người khác: “Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc” (34:3-4).

Lời Chúa luôn soi sáng và hợp thời; không chỉ trong những gì Lời tố cáo, mà còn trong những gì Lời đề xuất. Thật vậy, phần kết của dụ ngôn người Samari nhân hậu gợi ý cách thực thi tình huynh đệ, bắt đầu từ sự gặp gỡ trực tiếp, có thể mở rộng thành sự chăm sóc có tổ chức. Những yếu tố của quán trọ, chủ quán trọ, tiền và lời hứa báo tin về tình hình (x. Lc 10:34-35) tất cả đều chỉ đến cam kết của các nhân viên y tế và xã hội, các thành viên trong gia đình và các thiện nguyện viên, qua họ người tốt đứng lên đương đầu với sự dữ mỗi ngày, ở mọi nơi trên thế giới.

Những năm vừa qua của đại dịch đã làm tăng thêm lòng biết ơn của chúng ta đối với những người làm việc hàng ngày trong lĩnh vực chăm sóc và nghiên cứu sức khỏe. Tuy nhiên, thoát ra khỏi một thảm kịch chung to lớn như vậy chỉ bằng cách tôn vinh các anh hùng là không đủ. Covid-19 đã làm căng thẳng những mạng lưới chuyên môn lớn và sự liên đới, đồng thời phơi bày các giới hạn thuộc cấu trúc của những hệ thống phúc lợi công hiện có. Do đó, lòng biết ơn cần phải được đi đôi với việc tích cực tìm kiếm các chiến lược và nguồn lực, ở mọi quốc gia, để đảm bảo quyền cơ bản của mỗi người đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe căn bản và xứng đáng.

Người Samari gọi người chủ quán “nhờ bác chăm sóc cho người này” (Lc 10:35). Chúa Giêsu cũng nói lời này với mỗi người chúng ta. Ngài khuyên chúng ta “hãy đi và làm như vậy” (Lc 10:37). Như tôi đã nhấn mạnh trong tông huấn Fratelli Tutti, “Dụ ngôn này cho ta thấy cách mà một cộng đoàn có thể được xây dựng lại bởi những con người nam cũng như nữ đồng hóa mình với sự yếu đuối của những người khác, khước từ việc xây dựng một xã hội có tính loại trừ, và thay vào đó, hành động như những người thân cận, nâng dậy và cấp cứu những người gục ngã, vì thiện ích chung” (số 67). Thật vậy, “chúng ta được tạo dựng cho một sự viên mãn vốn chỉ được tìm thấy trong tình yêu. Chúng ta không thể dửng dưng trước đau khổ” (số 68).

Vào ngày 11 tháng Hai năm 2023, chúng ta hãy hướng suy nghĩ về Đền thờ Lộ Đức, một bài học tiên tri được giao phó cho Giáo hội trong thời hiện đại của chúng ta. Không chỉ những gì hoạt động tốt hay những người làm việc hiệu quả mới quan trọng. Trên thực tế, người bệnh thì ở trung tâm của dân Chúa, và Giáo hội cùng với họ thăng tiến như dấu chỉ của nhân loại trong đó mọi người đều quý giá và không ai bị vứt bỏ hoặc bỏ lại phía sau.

Nhờ sự chuyển cầu của Đức Maria, Đấng là Sức khỏe của Người bệnh, tôi phó dâng tất cả anh chị em bệnh nhân; anh chị em chăm sóc người bệnh trong gia đình, hoặc thông qua công việc, nghiên cứu và phục vụ thiện nguyện; và những người cam kết đan dệt các mối tương quan huynh đệ thuộc cá nhân, hội thánh và công dân. Tôi ban phép lành cho tất cả anh chị em.

Rome, Đền thánh Gioan Lateran, 10 tháng Một, 2023

PHANXICÔ


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/2/2023]