Thứ Hai, 11 tháng 11, 2019

Toàn văn Huấn từ Kinh Truyền tin: Sự sống sau khi Chết

Toàn văn Huấn từ Kinh Truyền tin: Sự sống sau khi Chết
Vatican Media Screenshot

Toàn văn Huấn từ Kinh Truyền tin: Sự sống sau khi Chết

Chúa Giê-su mời gọi chúng ta ‘biết suy nghĩ rằng chiều kích trần thế này’ không phải là chiều kích duy nhất, ‘nhưng có một chiều kích khác, không còn lệ thuộc vào cái chết, trong đó nó sẽ tỏ lộ trọn vẹn rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa’

10 tháng Mười Một, 2019 15:17

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay trước và sau giờ Kinh Truyền Tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.


* * *

Trước Kinh Truyền tin:

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Trang phúc âm hôm nay (x. Lc 20:27-38) cho chúng ta một bài giáo huấn thú vị về sự phục sinh sau khi chết. Chúa Giê-su bị một số người thuộc nhóm Xa-đốc chất vấn, họ không tin vào sự sống lại và do đó khiêu khích Ngài bằng một câu hỏi xảo quyệt: sau khi sống lại, người phụ nữ này sẽ là vợ của ai khi bà ta đã từng có bảy đời chồng liên tiếp, tất cả họ đều là anh em của nhau, và đã lần lượt chết. Chúa Giê-su không rơi vào cái bẫy và trả lời rằng người sống lại trong cuộc sống đời sau “thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa” (cc. 35-36). Chúa Giê-su trả lời như vậy.

Với câu trả lời này, Chúa Giê-su mời gọi những người lắng nghe — và tất cả chúng ta — trước hết hãy suy nghĩ về chiều kích trần thế này, chiều kích mà chúng ta bây giờ đang sống, không phải là chiều kích duy nhất, nhưng có một chiều kích khác không còn lệ thuộc vào cái chết, trong đó nó sẽ được tỏ lộ trọn vẹn rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Nó cho sự an ủi và niềm hy vọng rất lớn khi nghe thấy lời ngắn gọn và đơn sơ này của Chúa Giê-su về sự sống sau cái chết; chúng ta rất cần nó, đặc biệt trong thời đại của chúng ta, rất giàu có trong kiến thức về vũ trụ nhưng lại rất nghèo nàn trong sự khôn ngoan về sự sống đời đời.

Điều quả quyết rõ ràng này của Chúa Giê-su về sự phục sinh hoàn toàn dựa trên lòng trung tín của Thiên Chúa, Đấng là Chúa của sự sống. Quả thật, ẩn sau câu hỏi của những người thuộc phái Xa-đốc là một câu hỏi sâu xa hơn: không chỉ là người đàn bà góa kia sẽ là vợ của ai với bảy người chồng, nhưng sự sống của bà ta sẽ là ai. Nó là một sự hoài nghi chạm đến con người của mọi thời đại và kể cả chúng ta: sau cuộc lữ hành nơi dương thế này, sự sống của chúng ta sẽ như thế nào? Nó có sẽ thuộc về hư không, thuộc về cái chết không?

Chúa Giê-su trả lời rằng sự sống thuộc về Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta và vô cùng quan tâm đến chúng ta, tới mức độ liên kết Danh của Người với chúng ta: Ngài là “Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham,Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống" (cc. 37-38). Sự sống tồn tại ở nơi có một mối dây ràng buộc, sự kết hiệp, tình anh em; và chính sự sống mạnh hơn sự chết khi nó được xây dựng trên những mối quan hệ và những mối ràng buộc thật sự của lòng trung thành. Ngược lại, sẽ không có sự sống ở nơi đâu nổi lên ý muốn mọi sự thuộc về riêng bản thân mình và sống như ốc đảo: sự chết chiến thắng trong những thái độ như vậy. Nó là sự ích kỷ. Nếu tôi sống cho bản thân tôi, là tôi đang gieo rắc cái chết trong tâm hồn mình.

Xin Mẹ Maria Đồng trinh giúp chúng ta mỗi ngày sống theo cách nhìn về tất cả mọi người như chúng ta đã xác tín trong phần cuối của Kinh Tin Kính: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy,” đang chờ đợi ở bên kia.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


Sau Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến,

Hôm qua tại Granada, Tây Ban nha, diễn ra lễ tuyên phong Chân phước cho chị Maria Emilia Riquelme y Zayas, nhà sáng lập Dòng Nữ tu Truyền giáo Bí tích Cực Thánh và Mẹ Maria Vô nhiễm. Và hôm nay tại Braga ở Bồ Đào nha là Thánh Lễ tạ ơn được cử hành cho sự Tuyên phong Thánh hữu hiệu Tương đương cho Thánh Bartolomeo Fernandes. Tân Chân phước là một mẫu gương cho sự sùng kính Thánh Thể và quảng đại trong việc phục vụ cho những người nghèo khó nhất; và vị tân Thánh là một nhà Truyền giáo và Mục tử vĩ đại cho dân của ngài — chúng ta cùng vỗ tay chào mừng hai vị tân Chân phước!

Cha xin gửi một tình cảm đặc biệt tới dân tộc Nam Sudan, là dân tộc cha phải đến thăm trong năm nay. Với kỷ niệm vẫn còn sống động về kỳ tĩnh tâm tinh thần cho các nhà Chức trách của đất nước, được tổ chức tại Vatican vào tháng Tư vừa rồi, tôi mong muốn lặp lại lời mời gọi của tôi đến tất cả các bên trong tiến trình chính trị của dân tộc, hãy tìm kiếm những gì tạo sự hiệp nhất và vượt qua được những gì chia rẽ, trong một tinh thần huynh đệ thật sự. Người dân Nam Sudan đã chịu đau khổ quá nhiều trong những năm vừa qua và họ mong chờ với niềm hy vọng lớn về một tương lai tốt đẹp hơn, đặc biệt là sự chấm dứt hoàn toàn những xung đột và nền hòa bình dài lâu. Vì vậy, tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo hãy tiếp tục cam kết không mệt mỏi trong sự đối thoại bao dung để tìm kiếm sự đồng thuận cho ích lợi của dân tộc. Ngoài ra, tôi bày tỏ hy vọng rằng Cộng đồng Quốc tế sẽ không sao lãng sự đồng hành với Nam Sudan trong con đường hòa giải dân tộc. Tôi mời gọi tất cả mọi người cùng cầu nguyện cho đất nước đó, là đất nước tôi đặc biệt yêu mến.

[Kính mừng Maria...]

Cha cũng phó dâng tình hình của Bolivia thân yêu trong lời cầu nguyện, là đất nước láng giềng của quê hương cha. Cha mời gọi mọi người dân Bolivia, đặc biệt là các nhà hoạt động chính trị và xã hội, tìm kiếm hòa bình bằng tinh thần xây dựng, và bỏ qua điều kiện đặt trước, trong không khí hòa bình và bình an, vì kết quả của tiến trình duyệt xét trước các kỳ bầu cử hiện đang diễn ra.

Hôm nay Ngày Tạ ơn Quốc gia được tổ chức tại nước Ý vì những hoa trái của trái đất và sự lao động. Tôi cùng hòa chung với các đức Giám mục trong việc lặp lại mối liên kết mạnh mẽ giữa lương thực và việc làm, mong đợi những chính sách về việc làm đầy can đảm cân nhắc đến phẩm giá và tình đoàn kết và tránh những rủi ro của sự hủ hóa. Ước mong rằng người lao động không bị bóc lột; ước mong rằng sẽ có việc làm cho tất cả mọi người nhưng là công việc thật sự, không phải làm việc như những nô lệ.

Cha cảm ơn tất cả anh chị em đến từ Roma, từ nước Ý và từ rất nhiều miền trên thế giới. Cha gửi lời chào anh chị em hành hương đến từ Haaren (Đức), từ Darwin (Úc) và các sinh viên của Neuilly (Pháp), cũng như tín hữu của Giáo phận Piacenza-Bobbio, của Bianze và Burano.

Cha chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Cảm ơn anh chị em. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/11/2019]


Tòa Thánh kêu gọi LHQ tập trung vào sự phát triển toàn diện

Tòa Thánh kêu gọi LHQ tập trung vào sự phát triển toàn diện
Laudato Si' / © PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO

Tòa Thánh kêu gọi LHQ tập trung vào sự phát triển toàn diện

Đức Tổng Giám mục Auza trích dẫn Tông huấn Laudato Si’ (Chúc tụng Chúa)

29 tháng Mười, 2019 00:30

Ngày 15 tháng Mười, Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc, có bài phát biểu trước Ủy ban Thứ Hai của Phiên họp thứ 74 của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc về Chương trình Hành động Mục 19, nói về “Sự Phát triển Toàn diện.” Bài phát biểu được đọc bởi Đức ông Fredrik Hansen.

Trong bài phát biểu, Đức Tổng Giám mục Auza trích dẫn Tông huấn Laudato Si’ của Đức Giáo hoàng, chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta, trong đó Đức Thánh Cha Phanxico kêu gọi suy tư về tình trạng hiện tại của thế giới và suy xét về một thế giới mà chúng ta muốn để lại cho những thế hệ đến sau chúng ta. Để bảo vệ phẩm giá của mỗi con người và để thúc đẩy ích chung, ngài nói, chúng ta phải bảo đảm rằng những đòi hỏi về sự phát triển phải đi đôi với những đòi hỏi về nhân phẩm và những nguồn tài nguyên thiên nhiên của hành tinh không bị đối xử như những nguồn tài nguyên vô tận. Ngài nói, chúng ta không chỉ cân nhắc đến bản thân môi trường nhưng còn về ý nghĩa và những giá trị nhân loại của chúng ta,” chúng đòi hỏi việc thực thi sự phát triển bền vững theo con đường tổng thể và đạo đức, điều mà Đức Giáo hoàng Phanxico gọi là “sự hoán cải môi sinh.” Đức Tổng Giám mục Auza cũng nói về tầm quan trọng của tình đoàn kết liên thế hệ trong sự phát triển toàn diện và bảo đảm rằng những lời nói của chúng ta về tầm quan trọng của việc bảo vệ ngôi nhà chung được biến thành hành động.


Toàn văn phát biểu của Đức Tổng Giám mục Auza

Thưa ông Chủ tịch,

Chương trình Hành động cho sự Phát triển Bền vững 2030 chỉ ra rằng “tương lai của nhân loại và của hành tinh chúng ta nằm … trong bàn tay của thế hệ hôm nay là những người trao ngọn đuốc cho các thế hệ tương lai.” Chia sẻ cùng một ý tưởng đó, trong Tông huấn Laudato Si’ (Chúc tụng Chúa): Chăm sóc Ngôi nhà chung của Chúng ta, Đức Giáo hoàng Phanxico làm nổi bật lên sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã cho thấy rõ rằng “chúng ta không thể nói về sự phát triển bền vững tách biệt khỏi tình đoàn kết liên thế hệ.”[1] Ngài thúc giục chúng ta hãy tự hỏi bản thân rằng “chúng ta muốn để lại cho những người đến sau chúng ta, cho con cái chúng ta đang lớn lên” một loại thế giới như thế nào?[2] Một câu hỏi như vậy không chỉ liên quan đến vấn đề môi trường nhưng là phương hướng chung, ý nghĩa, và những giá trị của con người chúng ta. Trả lời cho câu hỏi đó đòi hỏi một sự tiếp cận toàn diện và đạo đức, đặt nền tảng trong điều mà Đức Giáo hoàng Phanxico gọi là “sự hoán cải môi sinh.”[3] Thật vậy, sự chăm sóc đích thực cho hành tinh của chúng ta không thể giới hạn đơn thuần trong việc thay đổi những mô hình sản xuất và tiêu dùng của chúng ta. Trên tất cả, nó đòi hỏi sự chú ý đến những anh chị em của chúng ta là những người cùng chia sẻ ngôi nhà chung với chúng ta, cũng như những người sẽ đến sau chúng ta. Sự suy thoái môi trường chúng ta đang trải qua từng ngày liên quan đến sự suy sụp về con người, đạo đức và xã hội.

Thưa ông Chủ tịch,

Việc bảo vệ hành tinh và suy nghĩ về những thế hệ tương lai có sự liên kết sâu sắc với chủ đề của chúng ta hôm nay. Đón nhận lấy thách thức của sự phát triển toàn diện, bền vững đòi hỏi một sự chuyển đổi lớn trong các mô hình phát triển của chúng ta. Chúng ta không thể chọn bước tiếp cận theo phân khu hạn hẹp sự phát triển toàn diện nghiêng về phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và tiến bộ công nghệ. Điều chúng ta phải giữ ở hàng đầu và luôn ở vị trí trung tâm là phẩm giá vốn có của mỗi con người cũng như thúc đẩy ích chung. Điều này đòi hỏi phải vượt qua việc theo đuổi lợi nhuận tối đa bằng bất cứ giá nào, văn hóa thỏa mãn trong chốc lát, chủ nghĩa tiêu dùng vô độ, và xem thiên nhiên như một nguồn cung cấp vô tận cho những người có tiền. Sự phát triển toàn diện cũng đồng nghĩa với việc làm giảm bớt những khuynh hướng đó với những đòi hỏi nền tảng cấp bách về nhân phẩm và ích chung. Tình đoàn kết giữa các thế hệ không những vô cùng cần thiết để đạt được sự phát triển toàn diện, nhưng cũng là một câu hỏi căn bản về tính công bằng trong sự chân nhận rằng thế giới của chúng ta là “gia sản của toàn nhân loại và trách nhiệm của mọi người.”[4]

Trong ít năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều dấu hiệu đầy khích lệ trong cuộc chiến chống lại sự suy giảm môi trường và những hậu quả bất lợi của sự biến đổi khí hậu. Chương trình hành động cho sự Phát triển Bền vững 2030, Chương trình Khung Sendai về Giảm nhẹ Rủi ro Thiên tai, Hiệp ước Paris, và Katowice Climate Package cho thấy ý thức ngày càng lớn rằng việc bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta đòi hỏi nỗ lực có sự phối hợp, phù hợp với những nguyên tắc về sự công bằng và những trách nhiệm chung tuy có khác nhau, và những khả năng tương ứng.

Cho dù có sự tiến bộ trong việc thi hành những hiệp định và hiệp ước hiện nay,[5] nhưng nhiều thách thức vẫn còn đó khiến cho cam kết của chúng ta phải mang tính toàn cầu và hiệu quả. Trong khi sự biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn dự đoán, đồng thời những hậu quả của nó được nhìn thấy trên khắp thế giới, Hiệp định Paris vẫn còn đang chờ đợi để áp dụng.

Để bảo vệ cho hành tinh chúng ta và tránh đặt gánh nặng cho các thế hệ tương lai với những vấn đề của các thế hệ đã qua và hiện tại gây ra, thật không đủ nếu chỉ đơn thuần nói rằng chúng ta phải quan tâm đến môi trường cho những người đến sau chúng ta. Chúng ta cần phải kết hợp những nỗ lực để thúc đẩy một sự tiến bộ “khỏe mạnh hơn, nhân văn hơn, xã hội tính hơn, toàn diện hơn,”[6]

Xin cảm ơn ông Chủ tịch.

______________________________

1. Đức Thánh Cha Phanxico, Tông huấn Laudato Si’, 160.

2. Laudato Si’, 162.

3. Laudato Si’, 160.

4. Laudato Si’, 95.

5. Áp dụng những hiệp ước về môi trường của Liên Hợp quốc. Lưu ý của Tổng Thư ký, A/74/207.

6. Đức thánh Cha Phanxico, thông điệp video gửi Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu, Phiên họp thứ 74 của Đại Hội đồng.

Copyright © 2019 Permanent Observer Mission of the Holy See to the United Nations, All rights reserved.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/11/2019]