Thứ Hai, 17 tháng 4, 2023

Kinh Lạy Nữ Vương ngày 17.04.2023: “Những dấu thương trên tay và chân của Chúa là bằng chứng về tình yêu của Ngài”


“Những dấu thương trên tay và chân của Chúa là bằng chứng về tình yêu của Ngài”

Huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc Kinh Lạy Nữ Vương

Kinh Lạy Nữ Vương ngày 17.04.2023: “Những dấu thương trên tay và chân của Chúa là bằng chứng về tình yêu của Ngài”

© Vatican Media

********

Vào lúc 12 giờ trưa hôm nay, Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh hay Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông Tòa để đọc Kinh Lạy Nữ Vương với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh kính Đức Mẹ:

______________________________________________________


Trước Kinh Lạy Nữ Vương

Anh chị em thân mến, Buongiorno!

Hôm nay, Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót, Tin Mừng thuật lại hai lần Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, và đặc biệt là với ông Tôma, “tông đồ cứng lòng” (x. Ga 20:24-29).

Trên thực tế, Tôma không phải là người duy nhất phải đấu tranh để tin. Thật ra, phần nào đó ông đại diện cho tất cả chúng ta. Thật vậy, không phải lúc nào cũng dễ dàng để tin tưởng, nhất là như trong trường hợp của ông, ông đã phải chịu một sự thất vọng ghê gớm. Và sau sự thất vọng lớn như vậy, thật khó để tin. Ông đã theo Chúa Giêsu trong nhiều năm, chấp nhận rủi ro và chịu đựng những khó khăn. Nhưng Thầy đã bị đóng đinh trên thập giá như một tên tội phạm, và chẳng một ai giải cứu Thầy. Không ai đã làm bất cứ điều gì! Thầy đã chết và mọi người đều sợ hãi. Làm sao ông có thể tin tưởng trở lại? Làm sao ông có thể tin được những thông tin nói rằng Thầy còn sống? Có một sự nghi ngờ trong ông.

Tuy nhiên, Tôma cho thấy ông rất can đảm. Trong khi những người khác đóng cửa ẩn mình trong Phòng Tiệc Ly vì sợ hãi, thì ông ra ngoài, có nguy cơ bị ai đó nhận ra, báo cáo và bắt giữ ông.

Thậm chí chúng ta có thể nghĩ rằng, với lòng can đảm đó, ông xứng đáng được gặp Chúa Phục Sinh hơn những người khác. Thay vì vậy, chính vì ra ngoài nên Tôma đã không có mặt khi Chúa Giêsu hiện ra lần đầu tiên với các môn đệ vào buổi tối Phục Sinh, do đó đã đánh mất cơ hội đó. Ông đã rời bỏ cộng đoàn. Làm thế nào ông có thể lấy lại cơ hội? Chỉ bằng cách trở lại với những người khác, trở lại gia đình mà ông đã bỏ lại phía sau, sợ hãi và buồn bã. Khi đó, khi ông trở lại, họ nói với ông rằng Chúa Giêsu đã đến, nhưng khó mà tin được – ông muốn nhìn thấy những vết thương của Chúa. Và Chúa Giêsu đã làm ông thỏa mãn: tám ngày sau, Người lại hiện ra giữa các môn đệ và cho họ thấy những vết thương của Người, ở tay, ở chân của Người, những dấu thương này là bằng chứng tình yêu của Người, là những kênh luôn rộng mở của lòng thương xót của Chúa.

Chúng ta hãy suy tư về những sự thật này. Để tin, Tôma muốn có một dấu hiệu phi thường – chạm vào những vết thương. Chúa Giêsu chỉ cho ông thấy những vết thương đó, nhưng theo cách bình thường, đến trước mặt mọi người, trong cộng đoàn chứ không phải bên ngoài. Như thể Chúa nói với ông: nếu con muốn gặp Ta, đừng tìm kiếm đâu xa, hãy ở lại trong cộng đoàn, với những người khác. Đừng bỏ đi… hãy cầu nguyện với họ… bẻ bánh với họ. Và Chúa cũng nói điều này với chúng ta. Đó là nơi con sẽ tìm thấy Ta; đó là nơi Ta sẽ chỉ cho con thấy những dấu thương đã ghi dấu trên thân thể Ta: những dấu chỉ của Tình Yêu chiến thắng thù ghét, của Sự Tha Thứ giải trừ hận thù, những dấu chỉ của Sự Sống chiến thắng sự chết. Chính ở đó, con sẽ khám phá ra khuôn mặt của Ta trong cộng đoàn, khi con chia sẻ những giây phút hoài nghi và sợ hãi với anh chị em của mình, thậm chí bám chặt lấy họ hơn. Không có cộng đoàn thì khó tìm gặp được Chúa Giêsu.

Anh chị em thân mến, lời mời gọi đối với Tôma cũng có giá trị đối với chúng ta. Chúng ta, chúng ta tìm Đấng Phục Sinh ở đâu? Trong một sự kiện đặc biệt nào đó, trong một sự thể hiện tôn giáo ngoạn mục hay đáng kinh ngạc nào đó, nhưng thuần túy chỉ ở mức độ cảm xúc hay giật gân? Hay đúng hơn là ở trong cộng đoàn, trong Giáo hội, chấp nhận thách đố ở lại đó, cho dù nó không hoàn hảo? Mặc dù có tất cả những hạn chế và thất bại của nó, đó là những hạn chế và thất bại của chúng ta, Giáo hội Mẹ của chúng ta là Thân thể của Chúa Kitô. Và chính ở đó, trong Thân Thể của Chúa Kitô, bây giờ và mãi mãi, những dấu chỉ vĩ đại nhất về tình yêu của Người được tìm thấy ở đó. Tuy nhiên, chúng ta tự hỏi, nếu nhân danh tình yêu này, nhân danh những vết thương của Chúa Giêsu, liệu chúng ta có sẵn sàng rộng mở vòng tay đón nhận những người bị tổn thương bởi cuộc sống, không loại trừ một ai ra khỏi lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng đón nhận tất cả mọi người – mỗi người như một người anh em, như một người chị em, như Chúa chào đón mọi người. Chúa chào đón tất cả mọi người.

Xin Mẹ Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, giúp chúng ta yêu mến Giáo hội và biến Giáo hội thành ngôi nhà chào đón mọi người.

______________________________________________________


Sau Kinh Lạy Nữ Vương

Anh chị em thân mến,

Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi với tất cả những anh chị em của chúng ta, đặc biệt là ở Đông phương, đang cử hành lễ Phục sinh hôm nay: Anh chị em thân mến, xin Chúa Phục sinh ở cùng anh chị em và đổ đầy Chúa Thánh Thần cho tất cả anh chị em! Chúc mừng lễ Phục sinh đến tất cả các bạn!

Và thật không may, trái ngược hoàn toàn với thông điệp Phục sinh, chiến tranh vẫn tiếp diễn và chúng tiếp tục gieo rắc cái chết theo những cách khủng khiếp. Chúng ta đau buồn trước những hành động tàn ác này và chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân, cầu xin Chúa cho thế giới không bao giờ phải trải qua sự kinh hoàng về cái chết bạo lực do bàn tay con người gây ra, mà là sự quý trọng sự sống mà Ngài ban cho và đổi mới bằng ân sủng của Ngài!

Tôi đang quan tâm theo dõi các sự kiện đang diễn ra ở Sudan. Tôi gần gũi với người dân Sudan, đã chịu thử thách quá lớn, và tôi mời gọi anh chị em hãy cầu nguyện để họ có thể hạ vũ khí và chọn con đường hòa bình và hòa hợp.

Và tôi đang nghĩ đến những anh chị em của chúng ta ở cả Nga và Ukraine đang cử hành lễ Phục sinh. Xin Chúa ở bên họ và giúp họ tạo hòa bình!

Cha xin chào tất cả anh chị em đến từ Rôma và những anh chị em hành hương, đặc biệt là các nhóm cầu nguyện đang nuôi dưỡng linh đạo Lòng Chúa Thương Xót, hôm nay tập trung tại Đền Thờ Chúa Thánh Thần ở Sassia. Và, để hiểu rõ cảm xúc của các tín hữu trên khắp thế giới, cha xin hướng lòng tri ân đến Thánh Gioan Phaolô II, mục tiêu của những suy luận xúc phạm và vô căn cứ trong những ngày qua.

Cha xin chào các nhóm đến từ Pháp, Brazil, Tây Ban Nha, Ba Lan, Litva; các thiếu nhi trường Cao đẳng Saint-Jean de Passy từ Paris, cùng các thầy cô giáo và gia đình của các em. Cha xin chào các tín hữu đến từ Pescara, các sinh viên đến từ Scuola Santa Maria ad Nives từ Genoa, và các thiếu nhi đến từ Marcheno, Brescia.

Tôi xin chào những người lính cứu hỏa từ nhiều quốc gia Châu Âu, tập trung tại Rôma cho một cuộc thao diễn lớn trước công chúng. Xin cảm ơn sự phục vụ của các bạn! Và tôi muốn nói với bạn một điều: khi tôi cầu nguyện cho các bạn, tôi xin một ơn: rằng các bạn không có việc làm!

Cha chúc mọi người Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/4/2023]


Vị Linh mục kể chuyện bị trục xuất khỏi Nicaragua trong Tuần Thánh: bị bỏ ở biên giới

Vị Linh mục kể chuyện bị trục xuất khỏi Nicaragua trong Tuần Thánh: bị bỏ ở biên giới

Vị Linh mục kể chuyện bị trục xuất khỏi Nicaragua trong Tuần Thánh: bị bỏ ở biên giới


Diego Lopez Marina

ACI Prensa Staff, 11 tháng Tư, 2023 / 04:00 am


Cha Donaciano Alarcón, một nhà truyền giáo dòng Claret bị chế độ độc tài trục xuất khỏi Nicaragua, đã mô tả cách thức chính quyền đưa ra những cáo buộc vô căn cứ chống lại Cha, đưa Cha đến biên giới với Honduras, và bỏ mặc Cha cho số phận.

“Họ bỏ tôi vào một chiếc xe tuần tra cùng với hai sĩ quan cảnh sát và đưa tôi đến biên giới. Họ bắt tôi vượt qua biên giới và nói rằng tôi hiện đang ở nước ngoài và không thể quay lại được nữa,” Cha Alarcón nói với Đài phát thanh Hogar của Tổng giáo phận Panama.

Hiện tại, vị linh mục người Panama đã an toàn tại thành phố San Pedro Sula ở Honduras sau khi bị cảnh sát của chế độ bắt giữ vào ngày 3 tháng Tư, nhằm ngày Thứ Hai Tuần Thánh, khi kết thúc Thánh Lễ Truyền Dầu.

Nhà truyền giáo làm việc tại Giáo xứ Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu ở thị trấn San José de Cusmapa thuộc Giáo phận Estelí.

Cha Ismael Montero Toyos, bề trên tỉnh dòng Claret ở Trung Mỹ, nói với Đài phát thanh Hogar rằng Cha Alarcón “đã bị theo dõi nhiều ngày trước đó” và vào ngày 3 tháng Tư, lợi dụng việc “Cha đi dự Thánh lễ và không có mặt tại nhà, họ bắt Cha và đưa Cha đến biên giới với Honduras.”

“Tạ ơn Chúa, chúng tôi có những người mà chúng tôi quen biết ở đó và Cha ngủ ngon ở San Marcos de Colón và đi đến San Pedro de Sula, nơi chúng tôi có một cộng đồng truyền giáo Claret khác. Cha ổn về mặt thể chất, nhưng tình hình hơi khó khăn vì họ đã đưa Cha đi mà không báo trước,” Cha Montero giải thích.

Theo một báo cáo do tổ chức phi chính phủ Blue and White Monitoring (màu cờ Nicaragua) công bố ngày 7 tháng 4, ít nhất 15 người Nicaragua, chủ yếu là những người chống đối chế độ và những tín hữu Công giáo cũng như một nhà báo, đã bị cảnh sát bắt giữ tại Nicaragua trong Tuần Thánh.

Cha Alarcón nói rằng các linh mục đã “ở trong hoàn cảnh không thoải mái vì họ không thể nói về bất cứ điều gì.”

Vị linh mục Dòng Claret cam đoan rằng Cha chưa bao giờ nói “về chính trị” bởi vì ngài không quan tâm đến nó, nhưng “tôi không ngần ngại nói về vấn đề công bằng trong Thánh lễ vào các ngày Chúa nhật.”

Vị linh mục người Panama phủ nhận một số báo cáo nói rằng Cha bị trục xuất vì tổ chức một cuộc rước kiệu ngoài trời hoặc Chặng Đàng Thánh Giá, những cách thể hiện lòng đạo đức bình dân bị chế độ độc tài Daniel Ortega cấm vào tháng Hai năm nay.

Cha nói: “Tôi không tổ chức rước kiệu vì bị cấm và tôi là người đầu tiên nói với mọi người rằng những cuộc rước kiệu đó sẽ không diễn ra.”


Cha bị trục xuất

Cha Alarcón kể lại rằng cảnh sát đến nhà xứ vào buổi sáng và cảnh báo rằng Cha phải “nhớ những quy định” về Tuần Thánh do chế độ đưa ra.

Cha nói: “Tôi đưa cho họ một chương trình về nơi tôi sẽ có mặt trong Tuần Thánh. Nhưng tại hầu hết các nhà thờ nơi tôi đến, họ đều ở bên ngoài nhà thờ.”

Vị linh mục giải thích rằng một ngày trước khi bị trục xuất, Cha đã không cử hành Thánh lễ vào Chúa nhật Lễ Lá mà thay vào đó Cha đã đi đến một nhà nguyện khác. Thay thế cho ngài, có một linh mục khác giúp ngài Tuần Thánh và phụ trách cử hành Thánh Lễ.

“Tôi đi lấy áo chùng trắng dự Thánh Lễ Truyền Dầu (vào Thứ Hai của Tuần Thánh) ở Estelí và sau đó tôi nhận được một video trong đó mọi người trông có vẻ lo lắng. Có vẻ như vị linh mục ở đó đã ra ngoài để làm phép những cành lá tại cửa nhà thờ và người cảnh sát nói với Cha rằng ngài không thể làm việc đó. Khi vị linh mục vào trong, mọi người trở nên lo lắng và bắt đầu nói với cảnh sát,” Cha nói.

Cha tiếp tục nói: “Sáng hôm sau, khi chúng tôi đi dự Lễ Truyền Dầu, họ đột ngột ngăn chúng tôi lại và nói với tôi rằng họ sẽ trục xuất tôi ra khỏi đất nước. Họ nói rằng họ sẽ bỏ tù tôi vì tôi đã xúi giục mọi người, rằng tôi đang dành tất cả các bài giảng nói về Đức Giám mục Álvarez của chúng tôi, người đang ở trong tù và tôi đang tổ chức đi Chặng Đàng Thánh Giá.”

Tuy nhiên, Cha Alarcón đã chỉ ra cho chính quyền thấy rằng mọi điều chống lại Cha đều là “dối trá”. Tuy nhiên, cảnh sát buộc tội Cha kích động một cuộc “bạo loạn” trong nhà thờ.

“Tất cả chỉ là dối trá, tôi chỉ đi tìm áo chùng trắng của tôi và quay lại,” Cha nhấn mạnh.

“Viên cảnh sát nói với tôi rằng ông ta đưa ra một cảnh báo. Nhưng chúng tôi đã đi dự Thánh Lễ Truyền Dầu, chúng tôi sẽ ăn trưa với linh mục đồng nghiệp của tôi và hai người khác, và họ hỏi giấy tờ của tôi và nói với tôi rằng tôi phải đi cùng họ,” Cha kể lại.

Sau đó, Cha nói rằng họ bắt Cha lên xe tuần tra với hai cảnh sát và đưa Cha đến biên giới.

Cha kể: “Họ bắt tôi vượt qua biên giới và nói rằng tôi đã ra nước ngoài và không thể quay lại nữa. Tôi không biết phải làm gì, nên tôi tìm một chỗ ngồi xuống. Một số phụ nữ nhìn thấy tôi và tôi kể cho họ về điều đó. Họ ôm tôi, tôi mủi lòng một chút và họ giúp tôi gọi điện thoại cho cha tôi và tôi được một gia đình ở San Marcos de Colón đón về nhà.”

Cha Alarcón lưu ý rằng mặc dù cảnh sát không sử dụng vũ lực, nhưng cách họ trục xuất ngài thật là “đáng xấu hổ”.

Theo một báo cáo gần đây do luật sư và nhà nghiên cứu Martha Patricia Molina chuẩn bị, hơn 3.000 cuộc rước trong Tuần Thánh đã bị cấm bởi chế độ độc tài ở Nicaragua trong năm nay.

Daniel Ortega, người đứng đầu Mặt trận Giải phóng Quốc gia Sandinista (FSLN), một nhóm du kích trở thành đảng chính trị, đã nắm quyền từ năm 2007.

Tay trong tay với vợ là bà Rosario Murillo và là phó tổng thống, ông Ortega thi hành chế độ chuyên chế với bàn tay sắt trừng phạt mọi sự chỉ trích và bất đồng chính kiến.

Nhà độc tài Nicaragua đang đàn áp mạnh mẽ Giáo hội Công giáo vì Giáo hội này đi đầu trong việc bảo vệ nhân quyền. Một trong những mục tiêu gần đây nhất của ông Ortega là Đức Cha Rolando Álvarez của giáo phận Matagalpa, bị chế độ kết tội “phản quốc” và bị kết án 26 năm 4 tháng tù.



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/4/2023]