Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2021

Cúp Châu Âu: Chủ tịch UEFA cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì đã khuyến khích bóng đá

Cúp Châu Âu: Chủ tịch UEFA cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì đã khuyến khích bóng đá

Cúp Châu  u: Chủ tịch UEFA cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì đã khuyến khích bóng đá

10/06/2021

*****


Vào đêm trước trận khai mạc Giải vô địch bóng đá Châu Âu diễn ra tại Roma, ông Aleksander Čeferin, chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Châu Âu UEFA, đã tặng Đức Thánh Cha một bản sao của Cúp và phần thưởng.

“Cảm tạ Đức Thánh Cha đã mời chúng con, cảm ơn cha vì yêu môn bóng đá. Và xin cảm ơn cha vì những gì cha đang làm. Chúng con vô cùng kính trọng cha, tất cả chúng con, tất cả tổ chức.”

“Đây là món quà tặng cha.... Và chúng con xin được ban phép lành.”

Ông Gabriele Gravina, chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Ý, đã tận dụng cơ hội để bắt đầu mùa thi đấu với một lợi thế: phép lành của giáo hoàng. Đội bóng của ông sẽ khai mạc Cúp Châu Âu bằng trận đấu với Thổ Nhĩ Kỳ trên sân vận động Olympic của Rôma.

Trong số những người có mặt cũng có các cựu cầu thủ như Luis Figo của Bồ Đào Nha.

Đức Thánh Cha tặng họ quyển sách tựa đề “Thể thao dưới cái nhìn của Đức Thánh Cha Phanxico.”

Cúp Châu Âu đã bị dừng lại vì đại dịch. Bây giờ, với chuyến thăm này, các nhà tổ chức hy vọng sẽ cậy dựa vào sự can thiệp đặc biệt của Giáo hoàng để tránh bất kỳ sự thất bại nào khác.

Javier Romero


[Nguồn: romereports]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/6/2021]



Tiếp phái đoàn của Liên đoàn Bóng rổ Ý, 31.05.2021

Tiếp phái đoàn của Liên đoàn Bóng rổ Ý, 31.05.2021

Tiếp phái đoàn thuộc Liên đoàn Bóng rổ Ý, 31.05.2021


Khán phòng Clementine

Thứ Hai, 31 tháng Năm, 2021

Hôm nay, trong Điện Tông Tòa Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp phái đoàn của Liên đoàn Bóng rổ Ý nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày khai sinh Liên đoàn.

Sau đây là diễn từ của Đức Thánh Cha với những người có mặt:


*****


Anh chị em thân mến, chào (buổi sáng) anh chị em!

Tôi vui mừng chào đón anh chị em. Tôi cùng chia sẻ với anh chị em nhân kỷ niệm một trăm năm ngày ra đời của Liên đoàn Bóng rổ Ý. Tôi xin cảm ơn ông Chủ tịch Giovanni Petrucci vì những lời chào mừng của ông, và tôi cũng cảm ơn người kế nhiệm của ông. Trong ký ức lịch sử của ông, ký ức về trận cầu chơi vào năm 1955 tại Quảng trường Thánh Phêrô trước Đức Giáo hoàng Piô XII vẫn còn sống động; và cũng trong những năm sau đó, mối tương quan giữa Giáo hội và thế giới thể thao luôn được vun đắp trong nhận thức rằng cả hai đều phục vụ sự phát triển toàn diện của con người và có thể đưa ra sự đóng góp rất giá trị cho xã hội của chúng ta, theo những cách khác nhau.

Tôi muốn nhấn mạnh đến hai khía cạnh quan trọng của hoạt động thể thao. Tôi luôn nhắc nhở mình về điều này… Có lẽ tôi nên thêm một khía cạnh thứ ba, để tôi xem.

Đầu tiên là tính đồng đội. Có một số môn thể thao mang tính “cá nhân”; tuy nhiên, thể thao luôn giúp mọi người tiếp xúc với nhau, tạo ra những mối tương quan ngay cả giữa những con người khác nhau, thường thường không quen biết nhau, những con người dù đến từ những nền tảng khác biệt nhưng đến với nhau và thi đấu vì một mục tiêu chung. Đây là hai điều quan trọng: đoàn kết và có mục tiêu. Theo ý nghĩa này, thể thao là liều thuốc cho chủ nghĩa cá nhân trong xã hội chúng ta, nó là chủ nghĩa tạo ra một cái tôi cô lập và buồn bã, khiến chúng ta không có khả năng “chơi như một đội” và nuôi dưỡng đam mê cho một lý tưởng cao đẹp. Vì vậy, qua sự cam kết của anh chị em với thể thao, anh chị em nhắc nhở chúng ta về giá trị của tình huynh đệ, và đó cũng là trọng tâm của Tin Mừng.

Khía cạnh thứ hai, thái độ của một vận động viên thể thao, là tính kỷ luật. Nhiều người trẻ và người lớn đam mê thể thao đều theo dõi, cổ vũ anh chị em, thường không thể hình dung được phải mất bao nhiêu công sức và sự luyện tập để chuẩn bị cho trận thi đấu. Và việc này đòi hỏi rất nhiều kỷ luật, không chỉ về thể chất, mà còn cả kỷ luật về tinh thần: liên tục rèn luyện, phải chú ý đến một đời sống có trật tự về thời gian sinh hoạt và chế độ ăn uống, nghỉ ngơi xen kẽ việc tập luyện với cường độ cao. Kỷ luật này là một trường đào tạo và giáo dục, đặc biệt là cho trẻ em và thanh thiếu niên. Nó giúp các em hiểu rằng điều vô cùng quan trọng là phải học cách - và thứ lỗi cho tôi được trích dẫn câu của Thánh Ignatio Loyola - “sắp xếp cuộc sống của bạn theo trật tự”. Kỷ luật này không nhằm làm cho chúng ta trở nên cứng nhắc, nhưng làm cho chúng ta có trách nhiệm: đối với bản thân, đối với những việc được giao phó cho chúng ta, đối với người khác, đối với cuộc sống nói chung.

Nó cũng giúp ích cho đời sống tinh thần, là khía cạnh không thể phó mặc cho cảm xúc, cũng không thể sống theo kiểu tùy hứng, theo kiểu “chỉ khi nào tôi cảm thấy thích”. Đời sống tinh thần cũng cần có kỷ luật tâm hồn được xây dựng từ lòng trung thành, kiên định và cam kết cầu nguyện hàng ngày. Nếu không có sự rèn luyện tâm hồn liên tục, đức tin có nguy cơ bị phai nhạt.

Tiếp phái đoàn của Liên đoàn Bóng rổ Ý, 31.05.2021

Tôi muốn ra nói một suy nghĩ trong đầu tôi về bóng rổ. Môn thể thao của anh chị em là một môn nâng bạn lên thiên đường, vì như một cựu cầu thủ nổi tiếng đã từng nói, nó là một môn thể thao ngước nhìn lên, hướng lên về phía cái rổ, và vì vậy nó là một thử thách thật sự cho tất cả những ai đã quen một đời sống với đôi mắt luôn hướng xuống đất. Tôi cũng muốn đây là một nhiệm vụ cao cả đối với các bạn: khuyến khích một lối chơi lành mạnh cho thiếu nhi và thanh thiếu niên, giúp các bạn trẻ ngước nhìn lên, không bao giờ bỏ cuộc, để khám phá thấy rằng cho dù cuộc đời là một hành trình bao gồm những thất bại và chiến thắng, điều quan trọng là không đánh mất đam mê “thi đấu”. Và để giúp họ hiểu rằng trong cuộc sống khi bạn không được “ném bóng ghi bàn” thì bạn cũng không mất cơ hội mãi mãi. Bạn luôn có thể quay lại sân đấu, bạn vẫn có thể kết hợp với những người khác, và bạn có thể thực hiện một cú ném bóng khác.

Và ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến thái độ khi đứng trước thất bại. Họ kể với tôi một câu chuyện trong những ngày này - tôi không biết ở đâu - có một người chiến thắng và một người về thứ nhì, người không giành chiến thắng. Và người về nhì hôn huy chương. Thông thường, khi chúng ta về thứ hai, chúng ta mang khuôn mặt dài thườn thượt, chúng ta rất buồn, và tôi không muốn nói rằng chúng ta sẽ vứt luôn cái huy chương kia nhưng chúng ta cảm thấy muốn làm điều đó. Và người này đã hôn huy chương. Điều này dạy chúng ta rằng ngay cả trong thất bại, vẫn có chiến thắng. Hãy đón nhận thất bại với sự trưởng thành, bởi vì nó giúp anh chị em phát triển, nó làm cho anh chị em hiểu rằng trong cuộc sống không phải lúc nào mọi thứ cũng ngọt ngào, không phải điều gì cũng phải là chiến thắng. Đôi khi chúng ta có kinh nghiệm thất bại này. Và khi một vận động viên nam hay nữ biết cách “chiến thắng thất bại” theo cách này, với tình người, với tấm lòng bao dung thì đây mới là một vinh quang thật sự, một chiến thắng thực sự của con người.

Tôi cảm ơn anh chị em và ban phép lành cho anh chị em. Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi! Cảm ơn anh chị em.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/6/2021]