Thứ Sáu, 5 tháng 3, 2021

5 điều cần biết về người Kitô giáo của Iraq

5 điều cần biết về người Kitô giáo của Iraq

5 điều cần biết về người Kitô giáo của Iraq

Zaid AL-OBEIDI | AFP

Agence I.Media

03/03/21

Trong khi số lượng của họ đang giảm, người Kitô hữu đã sinh sống ở Iraq từ thế kỷ thứ nhất sau Chúa Giáng sinh.

Trong chuyến tông du thứ 33 ra ngoài nước Ý, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm cộng đoàn Kitô giáo của Iraq, nơi đã phải hứng chịu những cuộc chiến tranh liên miên. Chúng ta tìm hiểu về các đặc điểm của cộng đoàn chiếm dưới 2% dân số này.


1. Họ đã có mặt trước người Hồi giáo

Chúng ta phải ghi nhớ cội nguồn kinh thánh của vùng đất này. Abraham — tổ phụ của những tín đồ độc thần — ban đầu đến từ miền Ur ở Chaldea. Sau đó, việc truyền giáo ở vùng Lưỡng Hà, là vùng đất ngày nay thuộc Iraq, bắt đầu từ thế kỷ thứ nhất sau Chúa Giáng sinh. Một trong những cộng đoàn Kitô giáo quan trọng nhất — ngày nay được gọi là Giáo hội Canđê — được thành lập bởi Thánh Tôma. Vào khoảng năm 90, cộng đoàn Công giáo này, còn được gọi là Giáo hội Đông Phương, dần dần phát triển cho đến khi đạt đến đỉnh cao vào thế kỷ thứ sáu, lúc này cộng đoàn gửi những nhà truyền giáo đến Ấn Độ và Trung Quốc. Trong khi sự có mặt của một số nhà thờ Kitô giáo nhỏ được giải thích là do các cuộc di cư gần đây, thì phần lớn tín hữu Iraq là hậu duệ của những người sống ở vùng Lưỡng Hà trước kỷ nguyên Kitô giáo.


2. Có một bức tranh khảm của những người Kitô giáo ở Iraq

Thực tại của người Kitô giáo Đông phương rất đa dạng. Giáo hội Canđê là giáo hội lớn nhất, ngày nay được dẫn dắt bởi Đức Hồng Y Louis Raphael Sako. Giáo hội trở lại với Roma vào năm 1553 khi tu sĩ John Simon Soulaka được công nhận là Thượng phụ của người Canđê. Giáo hội Assyria Đông phương hiện nay được tạo thành từ những người Kitô hữu không công nhận Roma. Ngoài ra còn có Giáo hội Syriac, ngày nay được gọi là Giáo hội Chính thống Syriac, giáo hội này đã tách khỏi Roma và Constantinople từ rất sớm vì có liên kết với giáo phái Nestorius. Giáo hội này còn được gọi là Giáo hội Jacobite. Với đức Ignatius Andrew Akhidjan, thượng phụ được bầu vào năm 1662, một phần của Giáo hội này đã trung thành với Roma và lấy tên là Giáo hội Công giáo Syria. Ngoài bốn cộng đoàn chính này, chúng tôi ghi nhận sự hiện diện của một cộng đoàn Armenia được phân chia giữa Chính thống giáo và Công giáo, một Giáo hội Latinh nhỏ của Iraq, một số tín hữu Cốp và Tin lành, và cuối cùng là các Kitô hữu thuộc các Giáo hội Chính thống Hy Lạp và Melkite.


3. Số người Kitô giáo ít hơn mười lần so với hai mươi năm trước.

Bạo lực, phân biệt đối xử và tình hình kinh tế đã khiến hàng trăm ngàn người Iraq phải rời bỏ đất nước của họ. Trong khi có gần một triệu rưỡi người Kitô hữu vào năm 2000, ngày nay chỉ còn dưới 300.000. Một số ý kiến thậm chí cho rằng chỉ còn 150.000. Tuy nhiên, vẫn có những lý do để hy vọng. Đồng bằng Ninivê đã hoàn toàn vắng bóng người Kitô giáo từ năm 2014 đến năm 2017, ngày nay nhiều người tị nạn đã bắt đầu quay trở lại — theo một số ước tính là 40%. Qaraqosh, một thành phố có 50.000 người Kitô giáo trước thời Daesh, ngày nay đã lấy lại hơn một nửa dân số của nó. Tuy nhiên, dù một số gia đình tị nạn từ nước ngoài đã trở lại Đồng bằng Ninivê, nhưng phong trào này khó có khả năng lan rộng.


4. Người Công giáo có sự ảnh hưởng văn hóa đáng kể trong nước.

Quốc gia này vẫn được cho là có 250.000 tín hữu Công giáo hiệp nhất với Roma và hơn 150.000 tín hữu không theo Công giáo. Theo đó, Tòa thánh cho biết trong một thông cáo được công bố vào ngày 2 tháng Ba năm 2021 là tỷ lệ người Công giáo trên 100 người dân là 1,5. Các Giáo hội Công giáo Iraq chỉ có 19 giám mục, 113 linh mục triều, 40 linh mục dòng và 20 phó tế. Cuối cùng, 32 chủng sinh đang chờ thụ phong. Mặc dù số giáo dân tương đối ít, nhưng Đức ông Pascal Gollnisch nhấn mạnh về tầm ảnh hưởng văn hóa của họ trong nước. Nhiều học viện phụ thuộc vào Giáo hội Công giáo, Giáo hội điều hành không dưới 55 trường tiểu học và mẫu giáo, 4 trường trung học và 9 trường đại học.


5. Người Kitô giáo đã phải chịu đau khổ trong hai thập kỷ

Những lời kêu gọi hòa giải và hữu nghị từ phía các nhà lãnh đạo hiện tại của các giáo hội ở Iraq đang khai mở khi người ta biết được những đau khổ mà họ đã phải chịu đựng, đặc biệt là trong hai thập kỷ qua. Sau sự sụp đổ của Saddam Hussein vào năm 2003, một làn sóng bất an lớn đã làm rung chuyển đất nước. Theo một báo cáo gần đây của ACN, năm 2006 có 36 nhà thờ bị tấn công,. Hai năm sau, Đức Tổng giám mục Canđê của Mosul bị ám sát. Năm 2010, một vụ tấn công vào Nhà thờ Chính tòa Công giáo Syriac ở Baghdad giết chết 58 người. Năm 2014, tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã xâm chiếm Đồng bằng Ninivê, nơi có gần 150.000 người Kitô giáo sinh sống. Tất cả họ đều phải chạy sang Kurdistan thuộc Iraq.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/3/2021]


Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Iraq

Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Iraq

5-8 tháng Ba 2021
Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Iraq

Thứ Sáu, 5 Tháng Ba, 2021

ROME - BAGHDAD

Sáng

7:30:     Khởi hành từ Sân bay Quốc tế Rome/Fiumicino đi Baghdad

Chiều

14:00:    Đáp sân bay Quốc tế Baghdad

14:00:    Nghi thức chào đón chính thức tại Sân bay Quốc tế Baghdad

14:10:    Gặp gỡ Thủ tướng trong Khán phòng VIP của Sân bay Quốc tế                  Baghdad

15:00:    Nghi thức chào đón trọng thể tại Dinh Tổng thống ở Baghdad

15:15:    Thăm ngoại giao Tổng thống nước Cộng hòa trong văn phòng                  riêng của Dinh Tổng thống ở Baghdad

15:45:     Gặp gỡ các nhà chức trách, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn                   trong khán phòng của Dinh Tổng thống ở Baghdad

16:40:     Gặp gỡ các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, người sống đời tận hiến,                các chủng sinh, giáo lý viên tại Nhà thờ Chính tòa Công giáo                       Syro-Catholic “Đức Bà Cứu rỗi” ở Baghdad


Thứ Bảy, 6 Tháng Ba, 2021

BAGHDAD - NAJAF - UR - BAGDHAD

Sáng

7:45:     Khởi hành bằng máy bay đi Najaf

8:30:    Đáp sân bay Najaf

9:00:    Thăm ngoại giao Đức Grand Ayatollah Sayyid Ali Al-Husayni Al-                   Sistani ở Najaf

10:00:    Khởi hành bằng máy bay đi Nassiriya

10:50:    Đáp sân bay Nassiriya

11:10:    Gặp gỡ liên tôn tại Đồng bằng Ur

12:30:    Lên máy bay về Baghdad

13:20:    Hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Baghdad


Chiều

18:00:     Thánh lễ tại Nhà thờ Chính tòa Canđê “Thánh Giuse” ở Baghdad


Chủ nhật, 7 tháng Ba, 2021

BAGHDAD - ERBIL - MOSUL - QARAQOSH - ERBIL - BAGHDAD

Sáng

7:15:    Khởi hành bằng máy bay đi Erbil

8:20:    Đáp sân bay Erbil

8:20:     Đón tiếp của Chủ tịch Vùng Tự trị Kurdistan thuộc Iraq và các nhà              chức trách tôn giáo và dân sự tại Sân bay Erbil

8:30:    Gặp gỡ Chủ tịch và Thủ tướng Vùng tự trị tại Đại sảnh VIP của Sân             bay Erbil

9:00:    Lên máy bay trực thăng đi Mosul

9:35:    Đến khu đáp máy bay ở Mosul

10:00:  Cầu nguyện cho các nạn nhân chiến tranh tại Hosh al-Bieaa                        (quảng trường Nhà thờ) ở Mosul

10:55:    Lên máy bay trực thăng đến Qaraqosh

11:10:    Hạ cánh tại khu vực đáp ở Qaraqosh

11:30:    Thăm cộng đoàn Qaraqosh tại Nhà thờ “Vô nhiễm Nguyên tội” ở                  Qaraqosh

12:15:    Đi Erbil


Chiều

16:00:    Thánh Lễ tại Sân vận động “Franso Hariri” ở Erbil

18:10:    Lên máy bay về Baghdad

19:15:    Hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Baghdad


Thứ Hai, 8 tháng Ba, 2021

BAGHDAD - ROME

Sáng

9:20:    Nghi thức tạm biệt tại Sân bay Quốc tế Baghdad

9:40:    Khởi hành máy bay về Roma

12:55:  Hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Rome/Ciampino

__________________________________________

Các múi giờ

Roma         +1h UTC
Baghdad    +3h UTC
Najaf          +3h UTC
Nassiriya    +3h UTC
Erbil            +3h UTC
Mosul          +3h UTC
Qaraqosh    +3h UTC



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/3/2021]