Thứ Năm, 26 tháng 8, 2021

Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 25 tháng 8, 2021

Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 25 tháng 8, 2021

Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha Phanxicô


Khán phòng Phaolô VI

Thứ Tư, 25 tháng Tám, 2021

__________________________________


Buổi Tiếp kiến chung sáng nay diễn ra trong Khán phòng Phaolô VI. Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục các bài giáo lý về Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát, tập trung vào chủ đề: “Những mối nguy hiểm của Lề Luật” (Bài đọc Kinh Thánh: Gl 2:11,14).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu. Sau đó ngài đưa ra lời kêu gọi cho Thế vận hội người Khuyết tật, khai mạc ngày hôm qua.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

*****

Giáo lý về Thư gửi tín hữu Galát: 6. Những mối nguy hiểm của Lề Luật

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Thư gửi tín hữu Galát kể lại một sự việc khá ngạc nhiên. Như chúng ta đã nghe, Thánh Phaolô nói rằng ngài đã chỉ trích ông Kêpha, tức là Thánh Phêrô, trước mặt cộng đoàn ở Antiôkia, vì hành động của Thánh Phêrô không được tốt lắm. Điều gì đã xảy ra nghiêm trọng đến mức Thánh Phaolô cảm thấy phải đối xử với Thánh Phêrô bằng những lời lẽ gay gắt như vậy? Có thể Thánh Phaolô đang cường điệu hóa, để cho tính cách của mình bột phát mà không biết kiểm soát bản thân chăng? Chúng ta sẽ thấy rằng đây không phải là vấn đề, nhưng lại một lần nữa, điều bị đe dọa là mối tương quan giữa Lề Luật và tự do. Và chúng ta phải thường xuyên quay lại việc này.

Khi viết thư gửi cho các tín hữu Galát, Thánh Phaolô cố ý nhắc đến sự kiện đã xảy ra vài năm trước tại Antiôkia. Ngài muốn nhắc nhở các Kitô hữu của cộng đoàn đó rằng họ tuyệt đối không được nghe lời những người đang rao giảng rằng cần phải cắt bì, và do đó phải sống “theo Lề Luật” với tất cả các quy định của luật lệ. Chúng ta nhớ lại rằng những người thuyết giảng theo chủ nghĩa chính thống này đã đến đó và gây ra sự hoang mang, và thậm chí đã cướp đi sự bình yên của cộng đoàn đó. Đối tượng bị chỉ trích là Thánh Phêrô do hành vi của ngài khi ngồi xuống bàn ăn. Đối với một người Do Thái, Luật cấm không được ăn uống với những người không phải là người Do Thái. Nhưng chính Thánh Phêrô, trong một hoàn cảnh khác, đã đến nhà của viên đại đội trưởng Conêliô ở Xêdarê, dù biết rằng mình đang vi phạm Luật. Vì thế, ngài khẳng định: “Thiên Chúa đã cho tôi thấy là không được gọi ai là ô uế hay không thanh sạch” (Cv 10:28). Khi ngài trở về Giêrusalem, những người Kitô hữu đã chịu cắt bì, những người trung thành với Luật Môsê, đã chỉ trích Thánh Phêrô về hành vi của ngài. Tuy nhiên, ngài biện minh rằng: “Tôi sực nhớ lại lời Chúa nói rằng: "Ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì sẽ được rửa trong Thánh Thần. Vậy, nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ như Người đã ban cho chúng ta, vì chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa?” (Cv 11: 16-17). Chúng ta nhớ rằng lúc đó Chúa Thánh Thần đã ngự đến trong nhà của Conêliô khi Thánh Phêrô đến đó.

Một điều tương tự cũng đã xảy ra tại Antiôkia khi Thánh Phaolô có mặt. Đầu tiên, Thánh Phêrô dùng bữa với những người Kitô hữu có nguồn gốc ngoại giáo mà không gặp khó khăn gì; tuy nhiên, khi một số người Kitô hữu đã cắt bì từ Giêrusalem đến thành – họ gốc là người Do Thái – thì ngài không còn làm như vậy nữa, vì ngài không muốn bị họ tiếp tục chỉ trích. Và điều này – hãy cẩn thận – sai lầm của ngài là đặt sự chú ý nhiều hơn đến những lời chỉ trích, chú ý đến việc tạo ấn tượng tốt. Điều này là nghiêm trọng trong mắt của Thánh Phaolô, vì các môn đệ khác sẽ bắt chước Thánh Phêrô, đặc biệt đối với Banaba là người thậm chí đã truyền giáo cho người Galát (xem Gl 2:13). Khi làm như vậy, dù không hề muốn, nhưng trên thực tế Thánh Phêrô, người có một chút ở bên này một chút ở bên kia, không rõ ràng, không minh bạch, đã tạo ra một sự chia rẽ không đúng trong cộng đoàn: “Tôi thanh sạch… Tôi đi theo con đường này… Tôi phải làm điều này… không được làm điều này…”

Trong lời chỉ trích của mình – và đây là trọng tâm của vấn đề – Thánh Phaolô sử dụng một thuật ngữ cho phép chúng ta đi sâu vào phản ứng của ngài: thói giả hình (xem Gl 2:13). Đây là một từ ngữ được lặp đi lặp lại một vài lần: thói giả hình. Cha nghĩ tất cả chúng ta đều hiểu ý nghĩa của nó…. Việc tuân giữ Lề Luật của những người Kitô hữu đã dẫn đến thái độ giả hình mà Thánh Tông đồ muốn chống lại một cách mạnh mẽ và thuyết phục. Thánh Phaolô là một người thẳng tính, ngài có những khuyết điểm của ngài – nhiều khuyết điểm… tính cách của ngài thì bộc trực – nhưng ngài là người chính trực. Giả hình là gì? Khi chúng ta nói, “Hãy cẩn thận, người đó là một kẻ giả hình”, là chúng ta đang muốn nói điều gì? Giả hình là gì? Có thể gọi nó là sự sợ hãi sự thật. Kẻ giả hình sợ sự thật. Giả vờ thì dễ hơn là con người thật của mình. Nó giống như việc trang điểm cho linh hồn, giống như trang điểm cho hành vi của bạn, trang điểm cho cách làm: đây không phải là sự thật. “Không, tôi sợ phải làm việc với con người thật của tôi…”, tôi phải làm cho mình trông tốt đẹp bằng hành vi này. Sự giả vờ bóp nghẹt lòng can đảm để công khai nói lên sự thật; và do vậy, có thể dễ dàng tránh được nghĩa vụ phải nói sự thật mọi lúc, mọi nơi cho dù như thế nào. Sự giả tạo dẫn đến điều này: một nửa sự thật. Và một nửa sự thật là một sự giả dối, bởi vì sự thật là sự thật hoặc nó không phải là sự thật. Một nửa sự thật là cách hành động không đúng sự thật. Như cha đã nói, chúng ta thích giả vờ hơn là con người thật của mình, và sự giả vờ này bóp nghẹt lòng can đảm để công khai nói ra sự thật. Và bằng cách đó, chúng ta thoát khỏi nghĩa vụ – rằng đây là một điều răn: luôn luôn phải nói sự thật; phải trung thực: phải nói sự thật ở mọi nơi bất kể như thế nào. Và trong một môi trường nơi mối tương quan giữa các cá nhân được sống dưới ngọn cờ của chủ nghĩa hình thức, thì virus của thói giả hình dễ dàng lây lan. Nụ cười kia phải trông như thế này, nó không xuất phát từ con tim. Để ra vẻ như nhã nhặn với tất cả mọi người, nhưng lại chẳng nhã nhặn với ai.

Trong Kinh Thánh, có một số ví dụ chống lại thói giả hình. Một minh chứng đẹp chống lại thói giả hình là của cụ Eleda, cụ được yêu cầu cứ giả vờ ăn thịt cúng cho các thần ngoại giáo để cứu được mạng sống: cứ giả bộ như ông ăn thịt trong khi chẳng ăn gì. Hoặc giả vờ như ông ăn thịt và bạn bè của ông sẽ chuẩn bị một thứ khác cho ông. Nhưng con người kính sợ Chúa đó – người không phải là một thanh niên hai mươi tuổi – trả lời: “Ở tuổi chúng ta, giả vờ là điều bất xứng, e rằng có nhiều thanh niên sẽ nghĩ là ông già Elada đã chín mươi tuổi đầu, mà còn theo những lề thói dân ngoại.”Rồi bởi tôi đã giả vờ và ham sống thêm một ít lâu nữa, nên họ bị lầm lạc vì tôi, còn tôi thì chuốc lấy vết nhơ và ô nhục cho tuổi già” (2 Mcb 6: 24-25). Một người rất chân thật: ông không chọn con đường giả hình! Một câu chuyện hay để suy gẫm nhằm tránh xa thói giả hình! Các Tin Mừng cũng kể lại nhiều tình huống mà Chúa Giêsu mạnh mẽ quở trách những kẻ chuộng bề ngoài, nhưng bên trong lại chứa đầy sự giả dối và gian ác (xem Mt 23, 13-29). Nếu hôm nay anh chị em có chút thời gian, hãy đọc chương 23 của Tin Mừng theo Thánh Matthêu và xem Chúa Giêsu bao nhiêu lần nói: “Những kẻ giả hình, những kẻ giả hình, những kẻ giả hình”, đây là cách thức sự giả hình thể hiện.

Những kẻ giả hình là những người giả vờ, xu nịnh và lừa dối vì họ sống với một chiếc mặt nạ che mặt và không có can đảm để đối mặt với sự thật. Vì lý do này, họ không có khả năng yêu thương thực sự: một kẻ giả hình không biết cách yêu thương. Họ giới hạn bản thân sống theo chủ nghĩa vị kỷ và không có sức mạnh để thể hiện tấm lòng của họ một cách minh bạch. Có rất nhiều tình huống trong đó tính giả hình diễn ra. Nó thường ẩn nấp trong nơi làm việc, nơi có người tỏ ra là bầu bạn với đồng nghiệp, trong khi ngay lúc đó lại đâm sau lưng vì sự ganh đua. Trong đời sống chính trị, không có gì lạ khi thấy có những người giả hình sống theo cách này ở nơi công cộng và theo cách khác ở chỗ riêng tư. Đặc biệt, sự giả hình trong Giáo hội thật đáng ghê tởm; và thật đáng buồn, sự giả hình tồn tại trong Giáo hội, và có nhiều người Kitô hữu và thừa tác viên giả hình. Chúng ta đừng bao giờ quên lời của Chúa: “Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37). Thưa anh chị em, hôm nay chúng ta hãy suy nghĩ về thói giả hình mà Thánh Phaolô lên án, và Chúa Giêsu kết án: thói giả hình. Và chúng ta đừng sợ sự trung thực, đừng sợ nói sự thật, nghe sự thật, tuân theo sự thật, để chúng ta có thể yêu thương. Một người giả hình không biết yêu thương. Hành động khác với sự thật có nghĩa là gây nguy hiểm cho sự hiệp nhất của Giáo hội, sự hiệp nhất mà chính Chúa Giêsu đã cầu nguyện. Cảm ơn anh chị em.

______________________

Lời chào đặc biệt

Cha thân ái chào các tín hữu nói tiếng Anh. Cha cầu nguyện rằng những ngày nghỉ hè này sẽ là một thời gian để nghỉ ngơi và làm mới lại tinh thần cho anh chị em và gia đình. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa Giêsu đổ xuống trên tất cả anh chị em. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

_____________________________

LỜI KÊU GỌI

Hôm qua, Thế vận hội người Khuyết tật đã diễn ra tại Tokyo. Tôi gửi lời chúc mừng đến các vận động viên và tôi cảm ơn họ vì họ đã mang đến cho mọi người sự minh chứng của niềm hy vọng và lòng can đảm. Thật vậy, họ cho thấy rằng cam kết với thể thao đã giúp vượt qua được những khó khăn dường như không thể vượt qua.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/8/2021]


Nhà tạm Thánh Thể cổ xưa nhất là một hộp bằng vàng

Nhà tạm Thánh Thể cổ xưa nhất là một hộp bằng vàng

Nhà tạm Thánh Thể cổ xưa nhất là một hộp bằng vàng

stockcreations | Shutterstock

Philip Kosloski

23/08/21


Người Kitô hữu thời sơ khai mang Mình Thánh về nhà trong một chiếc hộp nhỏ gọi là “arca”.

Các Giáo hội Công giáo ngày nay sử dụng một hộp lớn gọi là nhà tạm, nơi cất giữ Bánh Thánh đã truyền phép sau Thánh lễ.

Phải mất nhiều thế kỷ thì truyền thống này mới được hình thành, vì những người Kitô hữu tiên khởi không có nhà thờ cố định riêng. Thay vào đó, họ thường xuyên phải di chuyển và cử hành Thánh Lễ trong nhà của người dân hoặc trong những nơi bí mật.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi không có nhà tạm cố định để lưu giữ các bánh thánh đã được truyền phép, mà chỉ có các hộp di động.

James Monti, trong cuốn sách được xuất bản bởi Our Sunday Visitor có tựa đề In the Presence of Our Lord (tạm dịch: Sự hiện diện của Chúa Giêsu), ghi lại truyền thống ban đầu này.

Có những ví dụ còn sót lại về arca trong các hang toại đạo của Vatican, đó là một chiếc hộp nhỏ được Giáo hội sơ khai sử dụng để đựng Mình Thánh, chiếc hộp được làm bằng vàng và được cho là có niên đại từ thế kỷ thứ hai hoặc thứ ba.

Đây là một cách thức để người Kitô hữu bảo vệ Thánh Thể khỏi sự xúc phạm của người ngoại giáo ở Rôma, và cũng là để đưa Mình Thánh cho những bệnh nhân và người tàn tật không thể ra khỏi nhà.

Bách khoa Tòa thư Công giáo khẳng định thêm về việc thực hành thời sơ khai này, và kể lại một trong những phép lạ Thánh Thể đầu tiên xảy ra trong lịch sử của Giáo hội.

Arca: Một chiếc hộp đựng Mình Thánh được những người Kitô hữu ban đầu cất giữ trong nhà của họ. Thánh Cyprian (De lapsis, 26) kể về một người phụ nữ “có đôi tay bất xứng” đã cố gắng “mở chiếc hộp của chị ta, trong đó có (Mình) Thánh của Chúa Giêsu,” nhưng không thể thực hiện được vì lửa từ đó phát ra khi chị ta chạm vào hộp. Wilpert tin rằng hình ảnh của Arca Thánh Thể có trong một bức bích họa trong mộ các Thánh Phêrô và Thánh Marcellinus. Cảnh này mô tả Chúa Kitô đang ngồi, đọc sách từ một cuộn sách mở; bên phải Người là ba tấm bánh, và bên trái là một chiếc hộp vuông đựng đầy bánh, biểu tượng của Thánh Thể.

Cuối cùng, khi người Kitô hữu có thể xây dựng các công trình kiên cố cho phụng vụ, họ cũng tạo ra các mẫu nhà tạm khác nhau để lưu giữ bánh thánh đã được truyền phép.

Điều này cho thấy rằng ngay từ ban đầu, người Kitô hữu đã biết rằng “bánh” này là hoàn toàn khác biệt và là sự hiện diện của chính Thiên Chúa.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/8/2021]