Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022

Đức Thánh Cha Phanxicô nói vui rằng có thể là chính ngài hoặc là Đức Gioan XXIV sẽ tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới năm tới

Đức Thánh Cha Phanxicô nói vui rằng có thể là chính ngài hoặc là Đức Gioan XXIV sẽ tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới năm tới

Đức Thánh Cha Phanxicô nói vui rằng có thể là chính ngài hoặc là Đức Gioan XXIV sẽ tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới năm tới

Đức Thánh Cha Phanxicô tháng Tư 2022 | Daniel Ibáñez / CNA

Courtney Mares

Rome Newsroom, 5 tháng Chín, 2022 / 07:59 am

Với Ngày Giới trẻ Thế giới sắp tới chỉ còn chưa đầy một năm nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô hứa sẽ có một vị giáo hoàng tham dự, nhưng ngài nói vui rằng đó có thể là “Đức Giáo hoàng Gioan XXIV”.

Đức Giáo hoàng Phanxicô nói với CNN Bồ Đào Nha trong một cuộc phỏng vấn truyền hình phát sóng ngày 4 tháng Chín rằng ngài có kế hoạch tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới 2023, cuộc họp mặt thanh niên Công giáo quốc tế lớn nhất dự kiến diễn ra tại Lisbon vào tháng Tám năm tới.

Ngài hài hước: “Tôi dự định đi. Giáo hoàng sẽ đi — hoặc là ngài Phanxicô hoặc là ngài Gioan XXIV — nhưng giáo hoàng sẽ đi.”

Lời nói dí dỏm này được đưa ra sau nhiều tháng với sự đồn đoán trên các phương tiện truyền thông rằng vị giáo hoàng 85 tuổi có thể sắp nghỉ hưu. Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các nhà báo khi từ Canada trở về vào tháng Bảy rằng ngài “để ngỏ” khả năng nghỉ hưu nếu ngài nhận thấy đó là ý Chúa muốn.

Đức Giáo hoàng Phanxicô không giải thích lý do tại sao ngài dự đoán người kế vị của ngài có thể chọn tước hiệu là Giáo hoàng Gioan XXIV. Đức Thánh Cha đã một vài lần đưa ra câu nói đùa này từ khi ngài tuyên phong thánh cho Thánh Gioan XXIII, vị giáo hoàng gần đây nhất lấy tước hiệu Gioan, và cai quản từ năm 1958 đến năm 1963.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha cho biết Ngày Giới trẻ Thế giới năm tới sẽ là một cơ hội tuyệt vời “để giới trẻ từ mọi miền trên thế giới kết nối với nhau”.

Cuộc gặp gỡ kéo dài nhiều ngày, do Thánh Gioan Phaolô II thiết lập vào năm 1985, thường được tổ chức ba năm một lần ở một lục địa khác nhau với sự hiện diện của giáo hoàng. Tại một số Ngày Giới trẻ Thế giới trong quá khứ, số người tham dự đã lên đến hàng triệu.

Cuộc họp mặt tại thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha được lên kế hoạch từ ngày 1 đến 6 tháng Tám năm 2023.

Nói về Ngày Giới trẻ Thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Khi bạn đến dự một cuộc họp mặt với những người trẻ, bạn phải chuẩn bị để nghe một ngôn ngữ khác. Người trẻ có ngôn ngữ riêng của họ. Và điều đó xuất phát từ văn hóa của riêng họ, vì có văn hóa giới trẻ. Và điều đó cũng xuất phát từ tính sáng tạo của họ”.

Ngài nói thêm: “Chúng ta phải nói chuyện với ngôn ngữ của giới trẻ… Họ có văn hóa của họ và một ngôn ngữ tiến bộ để tiến lên, phải không? Vì vậy, bạn phải lắng nghe họ theo cách họ diễn giải mọi thứ và trả lời họ theo cách mà họ có thể hiểu được. Tôi không thể trả lời cho một người trẻ đang gặp khó khăn bằng một quyển sách thần học cổ… Họ sẽ không hiểu… bạn phải trả lời họ bằng ngôn ngữ mà họ hiểu được và tùy theo kinh nghiệm họ đang sống, đúng không?”

Cuộc phỏng vấn của CNN Bồ Đào Nha, được ghi hình ngày 11 tháng Tám, cũng đề cập đến sự lạm dụng của giáo sĩ và cuộc chiến ở Ukraine. Phần sau của cuộc phỏng vấn dự kiến sẽ được phát sóng vào đêm ngày 5 tháng Chín.




[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/9/2022]


“Đức Kitô kêu gọi chúng ta hiệp thông với Thiên Chúa và với anh em của mình”

“Đức Kitô kêu gọi chúng ta hiệp thông với Thiên Chúa và với anh em của mình”

Đức Thánh Cha chia sẻ với Phái đoàn Caritas Tây Ban Nha, kỷ niệm 75 năm

“Đức Kitô kêu gọi chúng ta hiệp thông với Thiên Chúa Trời và với anh em của mình”

© Vatican Media

 

Sáng nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Phái đoàn Caritas Tây Ban Nha tại Điện Tông tòa Vatican.

Sau đây chúng tôi đăng lại huấn từ của ngài (ND: tiếng Anh) cho những người có mặt tại buổi tiếp kiến:

_______________________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào mừng anh chị em.

Tôi thật vui mừng được tiếp anh chị em là những người đại diện của Caritas Tây Ban Nha là cơ quan thuộc hội thánh, nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập tổ chức này, một tổ chức đã nhận được sự tôn trọng của toàn xã hội Tây Ban Nha, vượt ra ngoài khuôn khổ của niềm tin và ý thức hệ, bởi vì Bác ái, Yêu thương được viết hoa, là đặc điểm cốt lõi của con người, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, và do đó là ngôn ngữ gần gũi nhất với chúng ta.

Tôi nghĩ điều này rất quan trọng, vì nó cho phép chúng ta nhìn thấy cách yêu thương của Chúa trở thành kim chỉ nam cho công việc của Caritas. Thật vậy, nếu Chúa Kitô kêu gọi chúng ta hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em của chúng ta, thì những nỗ lực của anh chị em chính là nhằm mục đích tái lập sự hiệp nhất này, một điều có lúc bị đánh mất trong con người và trong cộng đồng. Và đối với tôi, dường như đây là điều anh chị em đang đề ra, khi anh chị em xác định được một số thách đố trong nỗ lực này. Chẳng hạn, thách đố đầu tiên là nhu cầu “làm việc dựa trên năng lực và tiềm năng, các tiến trình đồng hành.” Thật vậy, không phải những kết quả là động lực thúc đẩy chúng ta để đạt được các mục tiêu đã được lên kế hoạch, mà là đặt mình trước con người đã bị tan vỡ, người không tìm được vị trí của mình, chào đón người đó, mở ra cho họ những con đường phục hồi, để họ có thể thấy mình có năng lực, bất kể những giới hạn của người đó và của chúng ta, để tìm được vị trí của người đó và mở lòng ra với tha nhân và với Thiên Chúa. Và có thể anh chị em không nhìn thấy điều này vào lúc đó, nhưng cuối cùng anh chị em sẽ thấy. Có một quyển sách ra mắt khoảng hai năm trước ở Tây Ban Nha, một cuốn sách mất vài giờ để đọc, tên là “Hermanito”. Nó nói về cuộc sống của một người di cư từ Trung Phi đến Tây Ban Nha – tôi nghĩ anh ta đã mất hai năm rưỡi để đến đó, hoặc ba năm. Nó nói về tất cả những gì anh ta đã phải chịu đựng, và cách anh ấy đón nhận được tình bác ái ở đó, và con đường anh ấy có thể đứng dậy trên đôi chân của mình, và kể lại trải nghiệm của anh. Tôi giới thiệu cuốn sách này cho anh chị em; nó rất ngắn, nó dễ đọc, và trên hết là nó truyền cảm hứng.

“Đức Kitô kêu gọi chúng ta hiệp thông với Thiên Chúa Trời và với anh em của mình”

Để mở lòng với người khác, chúng ta phải đối mặt với thách thức thứ hai được đặt ra, đó là “hành động có ý nghĩa”. Những hành động nhằm tìm cách “tạm đủ sống”, nhưng không thúc đẩy sự thay đổi thực sự nơi con người, là chưa đủ. Tại một giáo xứ ở Tây Ban Nha, người dân đã hỏi cha xứ rằng cha có phát “quà tiếp tế” hay không, tức là liệu họ có thể tận dụng tình trạng “phúc lợi” này hay không, mà thực ra khiến họ bị trói buộc vào sự trợ cấp, ngăn cản sự phát triển của họ. Người nghèo phải luôn được đón nhận, đồng hành và hòa nhập. Một công tác trọn vẹn. Nhưng bằng cuộc đời và việc làm của mình, Chúa Giêsu nói rõ với chúng ta rằng “cho đi” thôi chưa đủ, mà cần phải “cho đi chính mình”. Bác ái luôn hàm ý một sự dâng hiến cuộc sống của chính mình. Và điều này sẽ rất có ý nghĩa, vượt xa hơn hành động cụ thể, khi nó mở ra cho người đó một cánh cửa tiến tới một đời sống mới. Để diễn giải Phúc âm theo Thánh Gioan, nếu chúng ta được tìm kiếm và được khen ngợi chỉ vì cho người ta có bánh ăn, và vì lý do đó mà chúng ta cảm thấy mình giống như ông hoàng, là chúng ta phản bội sứ điệp của Chúa Giêsu. Chúa đề nghị chúng ta trở thành men của một vương quốc công bình, yêu thương và hòa bình. Người yêu cầu chúng ta trở thành người nuôi dưỡng dân Người bằng tấm bánh bẻ ra là chính Người, dạy chúng ta rằng ai muốn trở nên vĩ đại thật sự thì phải trở thành người phục vụ của mọi người.

Và thách đố cuối cùng có mối liên kết với thách đố trước, hướng tới việc “trở thành một kênh cho hoạt động của cộng đoàn hội thánh”. Giáo hội, là nhiệm thể của Chúa Kitô, mở rộng hoạt động của mình trong suốt dòng lịch sử, và do đó Caritas thể hiện cho chúng ta thấy như bàn tay dang rộng của Chúa Kitô khi chúng ta trao nó cho những người cần chúng ta, đồng thời cho phép chúng ta bám chặt vào Đức Kitô khi Người kêu cầu chúng ta trong sự đau khổ của anh chị em chúng ta. Nhìn vào người anh em, chị em đã vấp ngã, chúng ta đừng quên rằng thời điểm hợp lý duy nhất để nhìn xuống một người từ trên cao là giúp họ đứng dậy trở lại; và ngoài ra là không bao giờ nữa. Là một kênh không đơn giản chỉ là quản lý các nguồn tài nguyên cách trật tự hơn, hoặc một không gian để thực hiện trách nhiệm của sứ mệnh giáo hội này. Trên hết, cần phải hiểu rằng trở thành một kênh tức là cơ hội – mà tất cả chúng ta cần phải nắm bắt – để có được kinh nghiệm duy nhất và cần thiết mà Chúa mời gọi chúng ta khi Ngài nói: “Ngươi có muốn biết người lân cận của ngươi là ai không? Hãy đi và làm tương tự”. Hãy gần gũi hơn, gần gũi hơn. Tôi vừa nói về việc quản lý các nguồn tài nguyên cách trật tự. Những gì tôi đang nói đây, tôi không nói vì tôi có thông tin về Caritas Tây Ban Nha. Không, vì vậy tôi nói một cách tự do. Xin hãy chú ý đến các nguồn tài nguyên, nhưng đừng hạ xuống hạng mục của hình thức tổ chức từ thiện lớn, trong đó bốn mươi, năm mươi, sáu mươi phần trăm nguồn tài nguyên dành để trả lương cho những người làm việc ở đó. Có những công ty ở Châu Âu, tôi xin lỗi, có những phong trào của các tổ chức từ thiện lên đến sáu mươi phần trăm; tôi nghĩ rằng như vậy là quá nhiều. Nhưng bốn mươi phần trăm trở lên dành để trả lương. Không. Nên có càng ít người điều phối càng tốt. Và trong chừng mực có thể, chúng phải là ơn gọi, chứ không là việc làm. “Hãy đến, và tôi sẽ giao cho bạn một việc làm tại Caritas…”. Không không. Điều này sẽ không có hiệu quả. Xin lưu ý rằng tôi không nói điều này vì hôm nay tôi đang nói về anh chị em; Tôi nói từ kinh nghiệm tôi có được khi thấy các tổ chức viện trợ khác rơi vào tình trạng này.

Xin Chúa chúc lành cho anh chị em… và xin Chúa đừng cất khỏi anh chị em sự dí dỏm tốt đẹp, luôn là sự dí dỏm tốt lành; nó là một phần của Chúa Thánh Thần. Và tôi xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi, vì công việc này có những khó khăn nhỏ của nó [cười]. Cảm ơn anh chị em.


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/9/2022]