Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

Đức Thánh Cha tạm hoãn Đại hội Gia đình Thế giới, Ngày Giới trẻ Thế giới

Đức Thánh Cha tạm hoãn Đại hội Gia đình Thế giới, Ngày Giới trẻ Thế giới

Đức Thánh Cha Phanxico trong Ngày Giới trẻ Thế giới ở Panama, Tháng Một năm 2019 - © Vatican Media

Đức Thánh Cha tạm hoãn Đại hội Gia đình Thế giới, Ngày Giới trẻ Thế giới

Tạm hoãn do Đại dịch Coronavirus

20 tháng Tư, 2020 17:56

Ngày 20 tháng Tư năm 2020, Vatican thông báo hai sự kiện quốc tế lớn của hội thánh sẽ được hoãn lại.

Trong một thông cáo phát hành chiều thứ Hai, Giám đốc Văn phòng Báo chí Toà Thánh khẳng định rằng Đức thánh Cha Phanxico, cùng với Bộ Giáo dân, Gia đình, và Sự sống, đã quyết định tạm hoãn Ngày Đại hội các Gia đình Thế giới và Ngày Giới trẻ Thế giới.

Đại hội Gia đình Thế giới, được dự định sẽ diễn ra tại Roma vào Tháng Sáu năm 2021, đã được lùi lại vào tháng Sáu năm 2022.

Tương tự như vậy, Ngày Giới Trẻ Thế giới, được dự định diễn ra tại Lisbon vào năm 2022, sẽ được lùi lại một năm sau, vào tháng Tám năm 2023.

Theo thông cáo báo chí, quyết định được đưa ra do tình hình sức khỏe hiện tại và những hậu quả của nó đối với việc di chuyển và tụ họp của giới trẻ và các gia đình.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/4/2020]


Toàn văn bài giảng Lễ sáng: Đức Thánh Cha nói, ‘Cầu nguyện là chìa khóa mở ra cánh cửa’

Toàn văn bài giảng Lễ sáng: Đức Thánh Cha nói, ‘Cầu nguyện là chìa khóa mở ra cánh cửa’
Copyright: Vatican Media

Toàn văn bài giảng Lễ sáng: Đức Thánh Cha nói, ‘Cầu nguyện là chìa khóa mở ra cánh cửa’

Giữa đại dịch COVID19, Đức Phanxico cầu nguyện cho các chính trị gia


20 tháng Tư, 2020 18:25

Cầu nguyện là chìa khóa mở ra cánh cửa … 

Theo Vatican News, Đức thánh Cha Phanxico nhấn mạnh điều này trong bài giảng hôm nay, 20 tháng Tư, trong Thánh Lễ hàng ngày không có người tham dự của ngài trong nhà nguyện Thánh Marta, khi ngài suy tư về Tin mừng trong ngày theo Thánh Gioan (Ga 21: 1-14).

Bắt đầu Thánh Lễ, khi nhớ đến tất cả các nạn nhân đại dịch coronavirus, Đức Phanxico cầu nguyện cho các nhà chính trị trong cuộc khủng hoảng COVID.

Đức Thánh Cha nói, “Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện cho những người nam và nữ có ơn gọi về chính trị. Chính trị là một hình thức bác ái cao cả.”

Đức Thánh Cha cũng cầu nguyện rằng các đảng chính trị có thể “cùng nhau tìm kiếm ích lợi cho đất nước chứ không phải ích lợi cho riêng đảng phái của họ.”

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha suy tư về tầm quan trọng của việc cầu nguyện, và để cho Chúa Thánh thần hoạt động và giúp chúng ta trong cuộc sống.

Khi các môn đệ đang sợ hãi, đứng trước những khó khăn và các cửa đóng kín, “không biết phải tiến tới như thế nào, họ liền đến với Chúa, họ mở rộng tâm hồn và Thần Khí tiến vào và ban cho họ điều họ cần và họ bước ra ngoài để rao giảng, với sự mạnh dạn, và tiến bước.”

Khi suy tư về cách chúng ta có thể có một khởi đầu mới với Thiên Chúa, Đức Thánh Cha động viên cầu nguyện.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh, “cầu nguyện” là cách chúng đón nhận và khởi đầu trở lại.

“Cầu nguyện là chìa khóa mở ra cánh cửa đến với Thần Khí và ban tặng cho con người sự tự do, sự mạnh dạn, lòng can đảm của Chúa Thánh Thần, điều mà con người sẽ không bao giờ biết Ngài dẫn đưa tới đâu, nhưng đó chính là Thần Khí.

Đức Thánh Cha Phanxico kết luận bằng lời cầu nguyện: “Xin Chúa giúp chúng ta luôn luôn mở lòng trước Thần Khí, vì chính Ngài sẽ là người dẫn đưa chúng ta tiến bước trong cuộc sống phục vụ Thiên Chúa.”

***



***

TOÀN VĂN BÀI GIẢNG [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia Forrester của ZENIT]

Người đàn ông này, Nicôđêmô, là một thủ lãnh người Do Thái, một con người có thẩm quyền. Ông cảm thấy cần phải đến gặp Chúa Giêsu. Ông phải đến vào ban đêm vì ông cần phải có chút cân bằng, vì những người đến nói chuyện với Chúa Giêsu đều không được tôn trọng. Ông là một người Biệt phái công chính, vì không phải tất cả mọi người Biệt phái đều xấu. Không, không, cũng có những người Biệt phái công chính, và đây là một người Biệt phái công chính. Ông cảm thấy bứt rứt, vì ông là một người đã đọc các tiên tri và biết rằng các tiên tri đã loan báo về những việc Chúa Giêsu làm. Ông cảm thấy bứt rứt và đến nói chuyện với Chúa Giêsu. “Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến” — đó là một lời tuyên xưng, tới một mức độ. “chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy.” Và ông dừng lại. Ông dừng trước chữ “vì thế.” Nếu tôi nói điều này … vì thế! … Và Chúa Giêsu trả lời. Ngài trả lời một cách khó hiểu, không như Nicôđêmô mong đợi. Ngài trả lời bằng hình ảnh của sự sinh ra một lần nữa: nếu một người không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên, thì người đó không thể thấy Nước Thiên Chúa. Và ông ta, Nicôđêmô, cảm thấy lúng túng; ông không hiểu và nắm được ý nghĩa câu trả lời của Chúa Giêsu. Nhưng làm sao một người có thể được sinh lại một lần nữa khi người đó đã lớn, một người trưởng thành? Được sinh ra lần nữa bởi ơn trên, được sinh ra bởi Thần Khí là một bước nhảy vọt của sự tuyên xưng mà Nicôđêmô phải thực hiện và ông ta không biết cách nào để làm điều đó, vì Thần Khí thì không thể đoán trước được. Định nghĩa về Thần Khí mà Chúa Giêsu đưa ra ở đây thật thú vị: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy,” nghĩa là tự do. Một người cho phép bản thân mình được đem đi từ nơi này đến nơi khác bởi Chúa Thánh Thần: đây là sự tự do của Thần Khí. Và người thực hiện điều này là một người biết vâng phục và ở đây chúng ta nói đến sự vâng nghe Thần Khí.

Là một người Kitô không chỉ tuân giữ các Điều Răn: đúng, chúng ta phải thực hiện điều đó; đây là sự thật. Tuy nhiên, nếu anh chị em dừng lại ở đó thì anh chị em chưa phải là một người Kitô hữu tốt. Là một người Kitô hữu tốt tức là để cho Thần Khí đi vào trong anh chị em và thúc đẩy anh chị em, đưa anh chị em đến nơi Người muốn. Rất nhiều lần trong đời sống Kitô hữu của chúng ta, như Nicôđêmô chúng ta dừng lại trước chữ “vì thế,” chúng ta không biết bước đi tiếp theo là gì, chúng ta không biết phải làm như thế nào, hoặc là chúng ta không có niềm tin vào Thiên Chúa để thực hiện bước đi này và để Thần Khí đi vào. Được sinh ra một lần nữa tức là để cho Thần Khí đi vào trong tôi và chính Thần Khí sẽ dẫn đưa tôi chứ không phải là tôi, và ở đây, sự tự do, với sự tự do của Thần Khí thì chúng ta không bao giờ biết được nó sẽ dừng ở đâu.

Khi có Thần Khí, các Tông đồ đang ở trong Phòng Tiệc ly, liền bước ra để rao giảng với lòng can đảm, với sự dũng cảm đó … họ chẳng biết rằng việc này sẽ xảy đến, và các ông làm việc đó vì Thần Khí đang hướng dẫn các ông. Một người Kitô hữu không bao giờ được dừng lại ở việc tuân giữ các Điều Răn: đúng, người Kitô hữu phải làm như vậy, nhưng người đó phải đi xa hơn, đến với sự tái sinh này, đó là sự sinh ra trong Thần Khí, điều sẽ tặng ban cho con người sự tự do của Thần Khí. Đó là những gì đã xảy ra cho cộng đoàn Kitô hữu trong Bài Đọc một, sau khi Gioan và Phêrô trở về từ cuộc chất vấn của các thượng tế với các ngài. Các ngài đến với những anh em trong cộng đoàn và thuật lại tất cả những gì các ngài đã nói với các thượng tế và kỳ lão. Và khi cộng đoàn nghe được tất cả mọi điều, tất cả họ đều phần nào đó sợ hãi. Và các ông làm gì? Họ cầu nguyện. Họ không dừng lại ở các biện pháp thận trọng. “Không, bây giờ chúng ta làm điều này, chúng ta đi lặng lẽ hơn một chút …” Không. Họ cầu nguyện, để chính Thần Khí nói cho họ phải làm gì. Họ cất cao tiếng dâng lên Chúa rằng: “Lạy Chúa!” và họ cầu nguyện. Lời cầu nguyện rất đẹp này trong thời khắc đen tối, trong giây phút họ phải đưa ra những quyết định mà lại chẳng biết phải làm gì. Họ muốn được tái sinh bởi Thần Khí; họ mở rộng lòng cho Thần Khí, để Người có thể nói với họ. Và họ xin: “Lạy Chúa, Hêrôđê, Phongxiô Philatô, cùng với chư dân và dân Israel đã toa rập trong thành này, chống lại tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giêsu,” các ngài nhắc lại lịch sử và thưa: “Lạy Chúa, xin hãy thực hiện dấu lạ điềm thiêng! Và bây giờ, lạy Chúa, xin hãy để ý đến những lời ngăm đe của họ,” những lời ngăm đe của nhóm các tư tế, “và cho các tôi tớ Ngài đây được nói lời Ngài với tất cả sự mạnh dạn” — họ xin sự mạnh dạn, xin sự can đảm để không e sợ — “Xin giơ tay chữa lành, và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, nhân danh tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giêsu.” “Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa.” Một lễ Ngũ Tuần thứ hai xảy ra ở đây.

Đứng trước những khó khăn, đứng trước một cánh cửa đóng kín, các ông không biết phải tiến tới như thế nào, các ông liền đến với Chúa, các ông mở rộng tâm hồn và Thần Khí tiến vào và ban cho các ông điều các ông cần và các ông bước ra ngoài để rao giảng, với sự mạnh dạn, và tiến bước. Đây là được tái sinh trong Thần Khí; nó không phải là dừng lại trước chữ “vì thế,” dừng tại chữ “vì thế” của tất cả những điều tôi đã làm, dừng tại chữ “vì thế” sau các Điều Răn, dừng tại chữ “vì thế” sau bộ tu phục: không! Đó không phải là được tái sinh. Và chúng ta chuẩn bị để được sinh ra một lần nữa như thế nào? Bằng lời cầu nguyện — cầu nguyện là chìa khóa mở ra cánh cửa đến với Thần Khí và ban tặng cho con người sự tự do, sự mạnh dạn, lòng can đảm của Chúa Thánh Thần, điều mà con người sẽ không bao giờ biết Ngài dẫn đưa tới đâu, nhưng đó chính là Thần Khí.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn luôn mở lòng trước Thần Khí, vì chính Ngài sẽ là người dẫn đưa chúng ta tiến bước trong cuộc sống phục vụ Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha kết thúc Thánh Lễ với nghi thức Tôn thờ Thánh Thể, mời gọi tín hữu Rước Lễ Thiêng Liêng.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/4/2020]