Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

Tôi có thể làm gì, chúng ta có thể làm gì?: Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ Thánh Phêrô và Phaolô

Tôi có thể làm gì, chúng ta có thể làm gì?: Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ Thánh Phêrô và Phaolô

Tôi có thể làm gì, chúng ta có thể làm gì?: Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ Thánh Phêrô và Phaolô

Antoine Mekary | ALETEIA

Kathleen N. Hattrup 

29/06/22

Trong Giáo Hội, tất cả chúng ta đều được kêu gọi trở thành những người môn đệ truyền giáo và góp phần của mình.

Trong Lễ Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi Giáo hội hãy “đứng dậy mau” và “đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp”, theo gương các Thánh Tông đồ vĩ đại.

Đức Thánh Cha nói trong bài giảng trong Thánh lễ ở Đền thánh Phêrô: “Trong vai trò là những người môn đệ của Chúa và cộng đoàn Kitô hữu, chúng ta cũng được kêu gọi hãy mau đứng dậy, đi vào mầu nhiệm phục sinh, và cho phép Chúa hướng dẫn chúng ta noi theo những con đường Người muốn chỉ ra cho chúng ta”.

Như đã thực hiện trong vài tuần qua khi tiếp tục việc trị liệu đầu gối, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử một vị khác dâng thánh lễ, lần này là Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Trưởng Hồng y đoàn.

Sau đây là bản dịch (ND: tiếng Anh) toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:

Tôi có thể làm gì, chúng ta có thể làm gì?: Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ Thánh Phêrô và Phaolô

Chứng tá của hai Thánh Đại Tông đồ Phêrô và Phaolô hôm nay một lần nữa trở nên sống động trong phụng vụ của Giáo Hội. Phêrô, khi bị vua Hêrôđê cầm tù, được thiên thần của Chúa nói: “Đứng dậy mau đi” (Cv 12:7), còn Phaolô khi nhìn lại toàn bộ cuộc đời mình và hoạt động tông đồ nói rằng: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp” ( 2 Tm 4:7). Chúng ta hãy suy ngẫm về hai câu này – “đứng dậy mau đi” và “đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp” – và tự vấn rằng những lời này muốn nói điều gì với cộng đoàn Kitô giáo hôm nay, đang tham gia vào tiến trình thượng hội đồng.

Trước hết sách Tông đồ Công vụ kể cho chúng ta nghe về đêm Thánh Phêrô được giải thoát khỏi xiềng xích của ngục tù. Một thiên thần của Chúa đập vào cạnh sườn khi ngài đang ngủ, “đánh thức ông và bảo: ‘Đứng dậy mau đi!’” (Cv 12:7). Thiên thần đánh thức Phêrô và bảo ngài hãy đứng dậy. Cảnh này gợi cho chúng ta nhớ đến ngày Phục sinh, bởi vì nó có hai động từ hiện diện trong trình thuật về sự phục sinh: tỉnh giấc và đứng dậy. Thật vậy, thiên thần đánh thức Phêrô khỏi giấc ngủ say và thúc giục ông đứng dậy, trỗi dậy và đi về phía ánh sáng, cho phép mình được Chúa hướng dẫn khi đi qua những cánh cửa đóng kín trên đường đi (x. c. 10).

Hình ảnh này có ý nghĩa rất lớn cho Giáo hội. Trong vai trò là những người môn đệ của Chúa và cộng đoàn Kitô hữu, chúng ta cũng được kêu gọi hãy mau đứng dậy, đi vào mầu nhiệm phục sinh, và cho phép Chúa hướng dẫn chúng ta noi theo những con đường Người muốn chỉ ra cho chúng ta.

Tuy nhiên, chúng ta có nhiều hình thức phản kháng bên trong khiến chúng ta không thể bước ra ngoài. Là Giáo hội, đôi lúc chúng ta bị sự lười biếng kìm hãm; chúng ta thích ngồi và chiêm niệm một số điều chắc chắn mà chúng ta đang sở hữu hơn là đứng dậy và nhìn về những chân trời mới, hướng ra vùng biển rộng mở. Chúng ta thường cũng giống như Phêrô bị xiềng xích, bị giam hãm bởi những thói quen của mình, sợ thay đổi và bị cột chặt vào những ràng buộc của thói quen. Việc này âm thầm dẫn đến tính tầm thường về thiêng liêng: Chúng ta có nguy cơ “chọn cách dễ dàng” và “làm vừa đủ”, kể cả trong công việc mục vụ của chúng ta. Sự nhiệt thành của chúng ta đối với sứ mệnh giảm sút, và thay vì là một dấu hiệu của sức sống và sự sáng tạo, cuối cùng chúng ta lại tỏ vẻ hững hờ và bơ phờ. Rồi Tin mừng là dòng chảy mạnh mẽ của sự mới mẻ và sự sống nằm trong tay chúng ta – lấy lời của Cha de Lubac – một đức tin “rơi vào tính hình thức và thói quen…, một tôn giáo của những lễ nghi và lòng sùng bái, của những trang trí và những lời an ủi nhạt nhẽo … Một Kitô giáo mang tính giáo sĩ trị, hình thức, hời hợt và cứng nhắc” (The Drama of Atheist Humanism).

Thượng Hội đồng mà chúng ta đang cử hành kêu gọi chúng ta trở thành một Giáo hội đứng dậy, một Giáo hội không tự thu mình vào, nhưng có khả năng tiến về phía trước, bỏ lại những nhà tù của chính chúng ta và bước ra ngoài gặp gỡ thế giới, với lòng can đảm mở ra những cánh cửa. Cũng trong đêm đó, có một cám dỗ khác (xem Cv 12:12-17): một cô gái quá đỗi kinh ngạc đến mức thay vì mở cửa thì lại chạy vào kể câu chuyện dường như là một giấc mơ. Chúng ta hãy mở rộng cửa. Chúa đang lên tiếng gọi. Mong rằng chúng ta không trở nên giống như Rôđê chạy ngược vào trong.

Một Giáo hội không có xiềng xích và những bức tường, trong đó mọi người cảm nhận được chào đón và đồng hành, một Giáo hội nơi sự lắng nghe, đối thoại và tham gia được vun đắp dưới quyền năng duy nhất của Chúa Thánh Thần. Giáo hội tự do và khiêm nhường, “mau mắn đứng dậy” và không trì hoãn hoặc lưỡng lự trước những thách đố của thời đại hiện nay. Một Giáo Hội không quanh quẩn trong những đặc khu thánh của mình, nhưng được thúc đẩy bởi lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng và mong muốn gặp gỡ và chấp nhận mọi người. Chúng ta đừng quên chữ đó: mọi người. Tất cả mọi người! Hãy đi đến các ngã tư đường và đưa tất cả mọi người, người mù, người điếc, người què, người bệnh, người công chính và người tội lỗi: tất cả mọi người! Lời này của Chúa phải tiếp tục vang vọng trong tâm hồn và tâm trí của chúng ta: trong Giáo hội có chỗ dành cho tất cả mọi người. Nhiều khi, chúng ta trở thành một Giáo hội với những cánh cửa mở ra, nhưng chỉ để đuổi con người ra ngoài, để kết án con người. Hôm qua, một người trong anh chị em nói với tôi rằng “Đây không phải là lúc để Giáo hội sai đi, đã đến lúc chào đón”. “Họ đã không đến dự tiệc cưới…” – vì vậy hãy đi đến các ngã tư đường. Đem tất cả mọi người, tất cả mọi người! “Nhưng họ là những tội nhân…” – Tất cả mọi người!

Tôi có thể làm gì, chúng ta có thể làm gì?: Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ Thánh Phêrô và Phaolô

Trong bài đọc hai, chúng ta nghe những lời của thánh Phaolô khi nhìn lại toàn bộ cuộc đời mình đã nói rằng: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp” (2 Tm 4:7). Thánh Tông đồ đang đề cập đến không biết bao nhiêu tình huống, một số mang đậm dấu ấn của sự bắt bớ và đau khổ, trong đó ngài đã xả thân trong việc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Giờ đây, vào cuối cuộc đời, ngài nhìn thấy rằng một “cuộc chiến” cao đẹp vẫn đang diễn ra trong lịch sử, vì nhiều người không chấp nhận Chúa Giêsu, thích theo đuổi lợi ích của họ và đi theo các người thầy khác, dễ chịu hơn, dễ dàng hơn, thuận theo ý thích của chúng ta nhiều hơn. Thánh Phaolô đã chiến đấu trong các cuộc chiến của riêng mình và giờ đây khi đến cuối đời, ngài yêu cầu Timôthê và các anh em trong cộng đoàn tiếp tục công việc của ngài với sự thận trọng, rao giảng và dạy bảo. Nói tóm lại, mỗi người hoàn thành sứ mệnh mà họ đã nhận được; mỗi người phải thi hành phần việc của mình.

Lời khuyên của Thánh Phaolô cũng là lời cho cuộc sống của chúng ta; lời đó làm cho chúng ta nhận ra rằng trong Giáo hội tất cả chúng ta đều được kêu gọi trở thành người môn đệ truyền giáo và góp phần của mình. Đến đây hai câu hỏi hiện lên trong đầu tôi. Câu thứ nhất là: Tôi có thể làm gì cho Giáo hội? Không phải phàn nàn về Giáo hội nhưng cam kết dấn thân cho Giáo hội. Tham gia với lòng nhiệt thành và sự khiêm tốn: với lòng nhiệt thành, vì chúng ta không tiếp tục là những khán giả thụ động; với sự khiêm tốn, bởi vì cam kết trong cộng đoàn không bao giờ có nghĩa là chiếm vị trí trung tâm, xem bản thân mình tốt hơn và không để người khác đến gần. Đó là ý nghĩa của một Giáo hội thượng hội đồng: mọi người đều có một vai trò để thực hiện, không có cá nhân nào thay thế vị trí cho người khác hoặc ở trên người khác. Không có người Kitô hữu hạng nhất hay hạng hai; mọi người đều được ơn gọi.

Tham gia cũng có nghĩa là tiếp tục “cuộc chiến cao đẹp” mà Thánh Phaolô đã nói. Vì đó là một “cuộc chiến”, vì việc rao giảng Tin Mừng không bao giờ mang tính trung lập – xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi việc hạ thấp giá trị Tin Mừng để biến Tin mừng thành trung lập – Tin mừng không bao giờ là trung lập, Tin mừng không để mọi thứ theo nguyên trạng của chúng; Tin mừng không chấp nhận thỏa hiệp với lối suy nghĩ của thế gian này, nhưng thay vào đó thắp sáng ngọn lửa của nước Thiên Chúa giữa sự thống trị của quyền lực con người, giữa cái ác, bạo lực, tham nhũng, bất công và tình trạng gạt ra ngoài lề xã hội. Kể từ khi Chúa Giêsu trỗi dậy từ cõi chết, và trở thành đầu nguồn của lịch sử, “đã bắt đầu một cuộc chiến vĩ đại giữa sự sống và cái chết, giữa hy vọng và tuyệt vọng, giữa sự cam chịu những điều tồi tệ nhất và đấu tranh cho những điều tốt nhất. Một cuộc chiến sẽ không có hiệp định đình chiến cho đến khi đánh bại hoàn toàn tất cả các sức mạnh của thù hận và hủy diệt (C.M. MARTINI, Bài giảng Lễ Phục sinh, ngày 4 tháng 4 năm 1999).

Vậy câu hỏi thứ hai là: trong vai trò là Giáo hội, chúng ta có thể cùng nhau làm gì để làm cho thế giới mà chúng ta đang sống trở nên nhân văn hơn, công bình và liên đới hơn, mở lòng hơn với Thiên Chúa và tình huynh đệ giữa mọi người? Chắc chắn chúng ta không được thu mình vào trong những vòng tròn khép kín của chúng ta và tiếp tục một số những tranh luận không dẫn đến kết quả của chúng ta. Chúng ta hãy cẩn thận để không rơi vào chủ nghĩa giáo sĩ, vì chủ nghĩa giáo sĩ là một sự lầm lạc. Một thừa tác viên mang tính giáo sĩ trị, có thái độ giáo sĩ trị, là đã đi lầm đường; tệ hơn nữa là những người giáo dân bị giáo sĩ trị. Chúng ta hãy canh chừng chống lại sự lầm lạc đó là chủ nghĩa giáo sĩ trị. Chúng ta giúp nhau để trở thành men trong thế gian này. Chúng ta phải tiếp tục cùng nhau chăm sóc sự sống con người, bảo vệ tạo vật, phẩm giá của công việc, các vấn đề của gia đình, đối xử với người già và tất cả những người bị bỏ rơi, bị từ chối hoặc bị khinh thường. Nói cách khác, chúng ta được kêu gọi trở thành một Giáo hội cổ vũ cho văn hóa quan tâm, dịu dàng và từ bi đối với những người dễ bị tổn thương. Một Giáo Hội chiến đấu chống lại mọi hình thức hủ hóa và suy đồi, bao gồm cả những thành phố của chúng ta và những nơi chúng ta thường lui tới, để niềm vui của Tin Mừng có thể tỏa sáng trong đời sống của mọi người. Đây là “cuộc chiến” của chúng ta và đây là thách đố của chúng ta. Sự cám dỗ đứng yên là rất lớn; sự cám dỗ tiếc nuối ngày xưa khiến chúng ta nhìn vào những thời đại khác luôn tốt hơn bây giờ. Xin cho chúng con đừng sa vào cám dỗ “nhìn về quá khứ” hiện đang trở thành mốt ngày nay trong Giáo Hội.

Thưa anh chị em, theo truyền thống đẹp, hôm nay tôi làm phép dây Pallium cho các vị Tổng Giám mục vừa được tấn phong, nhiều vị hiện diện trong buổi cử hành của chúng ta. Trong sự hiệp thông với Thánh Phêrô, các ngài được kêu gọi hãy “mau đứng dậy,” đừng ngủ, và phục vụ như những người lính gác đầy cẩn trọng cho đoàn chiên. Mau đứng dậy và “đấu cuộc chiến cao đẹp,” không bao giờ một mình, nhưng cùng với toàn thể dân thánh trung thành của Chúa. Và là những người mục tử nhân lành, luôn đứng trước người dân, ở giữa người dân, và phía sau người dân, nhưng luôn luôn cùng với dân thánh trung thành của Chúa, vì chính các ngài cũng là một phần của dân Thánh trung thành của Chúa.

Tôi có thể làm gì, chúng ta có thể làm gì?: Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ Thánh Phêrô và Phaolô

Tôi thân ái gửi lời chào Phái đoàn Thượng phụ Đại kết do hiền huynh Bartholomew gửi đến. Xin cảm ơn vì sự hiện diện của anh em và vì thông điệp mà anh em mang đến từ Đức Bartholomew! Cảm ơn vì sự đồng hành của anh em bởi vì chỉ khi cùng nhau chúng ta mới có thể trở thành hạt giống của Tin mừng và là những chứng nhân của tình huynh đệ.

Xin Thánh Phêrô và Phaolô cầu bầu cho chúng ta, cho thành Roma của chúng ta, cho Giáo hội và cho toàn thế giới. Amen.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/6/2022]


Thứ Ba, 28 tháng 6, 2022

Nữ tu người Ý bị sát hại ở Haiti cho biết Sơ ở đó rất nghèo phải trông cậy vào ai đó

Nữ tu người Ý bị sát hại ở Haiti cho biết Sơ ở đó rất nghèo phải trông cậy vào ai đó

Nữ tu người Ý bị sát hại ở Haiti cho biết Sơ ở đó rất nghèo phải trông cậy vào ai đó

CEI - Conferenza Episcopale Italiana | Facebook

Kathleen N. Hattrup 

27/06/22


“Có thể trông cậy vào một ai đó là điều vô cùng quan trọng để sống! Và làm chứng rằng bạn có thể cậy dựa vào tình đoàn kết xuất phát từ niềm tin và tình yêu thương của Thiên Chúa là món quà lớn nhất mà chúng ta có thể trao tặng.”

Một nữ tu người Ý hy sinh cả đời để chăm sóc trẻ em nghèo ở Haiti đã bị sát hại hôm thứ Bảy.

Giáo phận Milan quê nhà của Sơ đưa tin rằng vị nữ tu gốc vùng Lombardy, Sơ Luisa Dell’Orto, 64 tuổi, đã bị trọng thương “trong một cuộc tấn công có vũ trang, có thể với mục đích cướp bóc”, tại Port-au-Prince, thủ đô Haiti.

Sơ qua đời tại bệnh viện ngay sau đó, chỉ hai ngày trước sinh nhật lần thứ 65 của Sơ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến cuộc đời anh dũng của Sơ hôm Chúa nhật sau giờ Kinh Truyền tin buổi trưa của ngài:

Cha xin bày tỏ sự gần gũi với những người thân quyến và các nữ tu cùng Dòng với Sơ Luisa Dell’Orto, Dòng Little Sisters of the Gospel của Thánh Charles de Foucauld, đã bị sát hại hôm qua tại Port-au-Prince, thủ đô của Haiti. Trong hai mươi năm, Sơ Luisa đã sống ở đó, hy sinh phục vụ trẻ em đường phố.

Cha phó dâng linh hồn của Sơ cho Chúa, và cha cầu nguyện cho người dân Haiti, đặc biệt cho những người bé mọn nhất, để họ có một tương lai bình yên hơn, không thống khổ và không bạo lực. Sơ Luisa đã trao hiến cuộc đời của mình cho tha nhân đến mức tử vì đạo.

Qua việc đề cập đến Sơ Luisa như một vị tử đạo, Đức Giáo hoàng gợi nhớ lại giáo huấn năm 2017 của ngài về con đường phong thánh.

Theo truyền thống, Giáo hội chỉ coi các vị tử đạo là những người chịu chết dưới bàn tay của một kẻ hung tàn thực hiện hành động “vì thù ghét đức tin”, nhưng vào năm 2017, Đức Thánh Cha đã mở rộng con đường phong thánh trong đó gồm có những người hy sinh mạng sống vì đức ái, như Chúa Giêsu nói rằng không ai có “tình yêu lớn hơn” người hiến mạng sống mình cho người khác.

Con đường mới này giống với con đường tử vì đạo vì nó đề cập đến việc hiến mạng sống của một người, nhưng không phải bởi bạo lực do “thù ghét đức tin” (odium fidei), mà là một “hành động anh dũng của đức ái”.

Trông cậy vào tôi

Năm ngoái, Sơ Luisa đã viết về quyết định của Sơ tiếp tục công việc ở Haiti, quốc gia nghèo nhất thuộc thế giới phương Tây và bị ảnh hưởng nặng nề bởi bạo lực và thiên tai.

“Bạn sẽ nói rằng tôi hơi điên rồ. Tại sao lại ở đây? Tại sao lại phơi mình trước những ‘rủi ro’? Sống trong hoàn cảnh thiếu thốn như vậy để làm gì? Cứ để cho mọi người tự giải quyết vấn đề của họ chẳng phải sẽ tốt hơn sao?

“Có thể trông cậy vào một ai đó là điều vô cùng quan trọng để sống! Và làm chứng rằng bạn có thể cậy dựa vào tình đoàn kết xuất phát từ niềm tin và tình yêu thương của Thiên Chúa là món quà lớn nhất mà chúng ta có thể trao tặng.”

Sơ Luisa là thành viên của Dòng Little Sisters of the Gospel, một cộng đoàn tu trì được truyền cảm hứng bởi Thánh Charles de Foucauld, và đã sống ở Port-au-Prince hơn hai thập niên.

Maria Adele Dell’Orto, người viết tiểu sử của Sơ Luisa nói với Vatican News:

“Sơ biết rằng điều gì đó sẽ có thể xảy ra… bởi vì nó là hiển nhiên, ngay cả trong lá thư cuối cùng Sơ cũng đề cập đến điều đó, rằng tình hình rất khó khăn. Nhưng Sơ rất muốn ở lại và làm chứng tá”.

Maria Adele được an ủi bởi thực tế là em gái chị đã đi theo con đường của Thánh Charles. “Trong lúc này, tôi nghĩ về cách chị luôn sống theo những bước chân của Thánh Charles de Foucauld, và hôm nay tôi nghĩ rằng chị đã chết giống như ngài.”

Những nỗi thống khổ của Haiti

Vào tháng Tám năm 2021, giữa trận đại dịch, Haiti bị ảnh hưởng nặng nề bởi một trận động đất lớn.

Thảm kịch đó xảy ra chỉ một tháng sau khi tổng thống bị ám sát.

Trận động đất năm 2021 mạnh hơn trận động đất năm 2010 khiến hơn 220.000 người thiệt mạng, và hòn đảo này vẫn đang phải chật vật để xây dựng lại.

Các băng nhóm tội phạm càng tăng thêm nỗi thống khổ. Chẳng hạn năm ngoái, một băng đảng đã bắt cóc một số linh mục ở Haiti và sau đó là 17 nhà truyền giáo Kitô giáo Bắc Mỹ và gia đình của họ đang đến thăm một trại trẻ mồ côi bên ngoài thủ đô Port-au-Prince của đất nước.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/6/2022]


Toàn văn: Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các gia đình tại Đại hội Gia đình Thế giới 2022

Toàn văn: Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các gia đình tại Đại hội Gia đình Thế giới 2022

Toàn văn: Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các gia đình tại Đại hội Gia đình Thế giới 2022

Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh Lễ tại Đại hội Gia đình Thế giới 2022 trong Quảng trường Thánh Phêrô. | Daniel Ibanez/CNA


Pope Francis

Vatican City, Jun 25, 2022 / 13:00 pm


Hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một sứ điệp tới các gia đình sau Thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô trong Đại hội Gia đình Thế giới 2022.

Một bản in thông điệp, “được sai đi gửi các gia đình", cũng sẽ được trao cho những người có mặt trong Quảng trường Thánh Phêrô tham dự giờ Kinh truyền tin của Đức Giáo hoàng hôm Chúa nhật.

Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ 10 diễn ra tại Roma từ ngày 22 đến ngày 26 tháng Sáu. Đại hội có sự tham dự của khoảng 2.000 gia đình từ khắp nơi trên thế giới.


Được sai đi gửi các gia đình

Các gia đình thân yêu,

Cha mời gọi các con hãy tiếp tục cuộc hành trình của mình bằng cách lắng nghe Thiên Chúa Cha, Đấng kêu gọi các con: hãy trở thành những người truyền giáo trên các nẻo đường của thế giới! Đừng bước đi một mình! Là những gia đình trẻ, hãy để mình được hướng dẫn bởi những người biết đường đi. Là những gia đình đã trải qua hành trình dài hơn, hãy là những người bạn đồng hành trên hành trình cho các gia đình khác. Là những người bị lạc lối vì khó khăn, đừng để nỗi buồn khuất phục, hãy vững tin vào Tình yêu mà Thiên Chúa đã khắc ghi trong các con, hàng ngày hãy cầu xin Thánh Thần để làm hồi sinh nó.

Hãy hân hoan loan báo vẻ đẹp của gia đình! Loan báo cho trẻ em và thanh thiếu niên về ân sủng của hôn nhân Kitô giáo. Mang đến hy vọng cho những người không có hy vọng. Hãy hành động như thể mọi thứ tùy thuộc vào các con, biết rằng mọi việc phải phó thác cho Chúa. Các con hãy là những người “đan kết” kết cấu của xã hội và của Giáo hội thượng hội đồng, tạo ra các mối quan hệ, làm sinh sôi nảy nở tình yêu và sự sống. Hãy là dấu chỉ của Đức Kitô hằng sống, đừng e ngại những gì Thiên Chúa yêu cầu nơi các con, và hãy quảng đại với Ngài. Hãy mở lòng đón nhận Đức Kitô, lắng nghe Ngài trong sự thinh lặng cầu nguyện. Đồng hành với những người mong manh nhất, hỗ trợ những người cô đơn, người tị nạn, bị bỏ rơi.

Hãy trở thành hạt giống của một thế giới huynh đệ hơn! Hãy là những gia đình có tấm lòng rộng mở! Hãy là khuôn mặt chào đón của Giáo hội! Và xin hãy cầu nguyện, hãy luôn cầu nguyện!

Xin Mẹ Maria, Mẹ của chúng ta, đến trợ giúp các con khi không còn rượu, là người đồng hành trong những thời khắc thinh lặng và thử thách, giúp đỡ các con cùng bước theo Chúa Con Phục sinh của Mẹ.

________________________________

Đức Giáo hoàng Phanxicô tên thật là Jorge Mario Bergoglio, sinh ngày 17 tháng Mười Hai năm 1936 ở Buenos Aires. Sau khi lấy bằng trung học kỹ thuật viên hóa học, Bergoglio cảm nhận tiếng gọi đến với chức tư tế trong Dòng Tên, gia nhập tập viện vào năm 1958 khi 22 tuổi.

Ngài được thụ phong linh mục ngày 13 tháng Mười Hai năm 1969. Năm 1973, ngài khấn trọng trong Dòng Tên và cùng năm đó ngài được bầu làm giám tỉnh Dòng Tên của Argentina. Ngài tiếp tục phục vụ trong vai trò giám đốc chủng viện, là mục tử, giáo sư và một vị linh hướng.

Năm 1992 Cha Bergoglio được phong làm giám mục phụ tá của tổng giáo phận Buenos Aires. Ngài trở thành tổng giám mục đồng giám mục của tổng giáo phận (archdiocese’s coadjutor archbishop) vào năm 1997, và kế nhiệm vị trí tổng giám mục năm sau đó. Thánh Gioan Phaolô II đã tấn phong Đức Tổng Giám mục Bergoglio làm Hồng y vào năm 2001.

Là chủ tịch hội đồng giám mục Argentina từ năm 2005 đến năm 2011, đức Bergoglio đã tham dự Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh lần thứ Năm được tổ chức tại Aparecida, Brazil vào tháng 5 năm 2007.

Ngài phụ trách việc soạn thảo tài liệu đúc kết của cuộc họp, được gọi là tài liệu Aparecida, được xem là tài liệu hướng dẫn quan trọng cho Giáo hội ở Châu Mỹ Latinh và vượt xa hơn nữa.

Ngày 13 tháng Ba năm 2013, Đức Bergoglio được bầu làm giáo hoàng ở tuổi 76. Ngài là tu sĩ Dòng Tên đầu tiên và là người Mỹ Latinh đầu tiên trở thành giáo hoàng.



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/6/2022]


Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

ĐẠI HỘI GIA ĐÌNH THẾ GIỚI X - Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 26 tháng 6, 2022

ĐẠI HỘI GIA ĐÌNH THẾ GIỚI X - Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 26 tháng 6, 2022

ĐẠI HỘI GIA ĐÌNH THẾ GIỚI X

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 26 tháng Sáu, 2022

_____________________________


Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin Mừng cho Phụng vụ Chúa nhật tuần này cho chúng ta biết về một bước ngoặt. Trích đoạn này kể rằng: “Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem” (x. Lc 9:51). Do đó, Ngài bắt đầu “cuộc hành trình vĩ đại” tiến về Thành Thánh, là nơi đòi phải có một quyết định đặc biệt vì đó là quyết định cuối cùng của Ngài. Các môn đệ, tràn đầy nhiệt huyết vì vẫn còn nặng tính thế gian, mơ rằng Thầy sẽ tiến đến cuộc khải hoàn. Thay vào đó, Chúa Giêsu biết rằng sự chối bỏ và cái chết đang chờ đợi Người ở Giêrusalem (x. Lc 9:22, 43b-45); Người biết mình sẽ phải chịu đựng rất nhiều đau khổ. Điều này đòi hỏi một quyết định dứt khoát. Và vì thế, Chúa Giêsu tiến tới những bước quyết định để lên Giêrusalem. Đây cũng là quyết định mà chúng ta phải thực hiện nếu muốn trở thành người môn đệ của Chúa Giêsu. Quyết định này bao gồm những gì? Vì chúng ta phải là những người môn đệ nghiêm túc của Chúa Giêsu, dứt khoát tuyệt đối, không phải là “những Kitô hữu xức nước hoa hồng” như một bà cụ mà tôi quen thường nói. Không, không, không! Phải là người Kitô hữu dứt khoát. Và trích đoạn của Thánh sử Luca thuật lại ngay sau đây giúp chúng ta hiểu rõ.

Họ bắt đầu cuộc hành trình của họ. Một ngôi làng của người Samari không chào đón Chúa Giêsu khi biết rằng Ngài đang tiến về Giêrusalem – là thành của những kẻ thù nghịch với họ. Thấy bị xúc phạm, hai tông đồ Giacôbê và Gioan đề nghị với Chúa Giêsu rằng Ngài nên trừng phạt những người đó bằng cách khiến lửa từ trời xuống thiêu đốt họ. Chúa Giêsu không những không chấp nhận đề nghị này mà còn quở trách hai anh em. Họ muốn lôi kéo Chúa Giêsu vào ước muốn trả thù của họ và Ngài sẽ không có điều đó (xem câu 52-55). “Lửa” mà Chúa Giêsu đến để mang xuống trên mặt đất là một lửa khác (x. Lc 12:49). Đó là Tình yêu thương xót của Chúa Cha. Và cần có sự kiên nhẫn, kiên trì và một tinh thần sám hối để làm cho ngọn lửa này bừng lên.

Thay vào đó, Giacôbê và Gioan để cho sự tức giận chế ngự. Điều này cũng xảy ra với chúng ta, ngay cả khi chúng ta đang làm điều gì đó tốt lành, thậm chí cả với những hy sinh, chúng ta vẫn tìm thấy một cánh cửa khép kín thay vì được chào đón. Và thế là chúng ta nổi giận. Chúng ta thậm chí cố gắng lôi kéo Chúa vào, đe dọa các án phạt của nước trời. Ngược lại, Chúa Giêsu đi con đường khác, không phải con đường của sự tức giận, mà là con đường kiên quyết tiến về phía trước, không hiểu điều này như một sự khắc nghiệt, nhưng bao hàm sự bình tĩnh, kiên nhẫn, nhẫn nại, không chểnh mảng dù chỉ một giây phút trong các việc thiện hảo. Cách sống này không có nghĩa là yếu đuối, mà ngược lại là một sức mạnh nội tâm to lớn. Theo bản năng, rất dễ để cho cơn tức giận chế ngự bản thân chúng ta khi đối mặt với sự chống đối. Thay vào đó, điều khó khăn là phải làm chủ bản thân, làm như Chúa Giêsu đã làm, như Tin Mừng kể rằng Người “đi sang một làng khác” (câu 56). Điều này có nghĩa là khi gặp sự chống đối, chúng ta hãy chuyển hướng làm việc tốt lành ở nơi khác, không tố cáo. Bằng cách này, Chúa Giêsu giúp chúng ta trở thành những con người bình an, hài lòng với những việc thiện đã hoàn thành, và không tìm kiếm sự chấp nhận của con người.

Giờ đây chúng ta hãy tự hỏi mình: chúng ta đang ở điểm nào? Chúng ta đang ở điểm nào? Đứng trước sự chống đối, hiểu lầm, chúng ta có hướng về Chúa không? Chúng ta có xin Người ban cho lòng kiên vững để làm việc tốt lành không? Hay ngược lại chúng ta tìm kiếm sự khẳng định với những tiếng vỗ tay, mà cuối cùng trở thành sự cay đắng và bực bội khi chúng ta không nghe thấy nó? Nhiều lúc, dù có ý thức hay vô thức, chúng ta đi tìm sự tán thưởng, sự tán thành từ người khác, và chúng ta làm mọi việc để được vỗ tay. Không, điều đó không có tác dụng. Chúng ta phải làm việc thiện vì tinh thần phục vụ, không tìm kiếm sự tán thưởng. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng sự nhiệt thành của chúng ta tùy thuộc ý thức công bằng cho một mục đích chính đáng. Nhưng trên thực tế, phần lớn nó không là gì khác ngoài sự kiêu hãnh, kết hợp với tính yếu đuối, nhạy cảm và thiếu kiên nhẫn. Vì vậy, chúng ta hãy xin Chúa Giêsu ban cho sức mạnh để được nên giống như Ngài, quyết tâm đi theo Ngài trên con đường phục vụ, không hận thù, không cố chấp khi gặp khó khăn, khi chúng ta hy sinh để làm việc thiện và người khác không hiểu được điều đó, hoặc thậm chí khi họ loại bỏ chúng ta. Không, cứ im lặng và tiếp tục.

Xin Mẹ Maria Đồng trinh giúp chúng ta đưa ra quyết định dứt khoát như Chúa Giêsu đã làm để giữ vững tình yêu cho đến cùng.

__________________________________

Sau Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Tôi đang lo lắng theo dõi những gì đang xảy ra ở Ecuador. Tôi gần gũi với người dân và khuyến khích tất cả các bên từ bỏ bạo lực và những lập trường cực đoan. Chúng ta hãy học điều này: hòa bình xã hội chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại – tôi hy vọng sẽ sớm đạt được – với sự quan tâm đặc biệt đến các nhóm dân số bị gạt ra bên lề và những người nghèo nhất, nhưng luôn tôn trọng quyền của mọi người và quyền của các tổ chức của đất nước.

Cha xin bày tỏ sự gần gũi với những người thân quyến và các nữ tu cùng dòng với Sơ Luisa Dell’Orto, một nữ tu nhỏ bé của Tin mừng của Thánh Charles de Foucauld, đã bị giết hôm qua tại Port-au-Prince, thủ đô của Haiti. Sơ Luisa đã sống ở đó suốt 20 năm, hy sinh phục vụ trẻ em trên đường phố. Cha phó dâng linh hồn của Sơ cho Thiên Chúa, và tôi cầu nguyện cho người dân Haiti, đặc biệt cho những người bé mọn nhất, để họ có một tương lai bình yên hơn, không có những thống khổ và không bạo lực. Sơ Luisa đã hiến tặng cuộc sống của mình cho tha nhân đến mức tử vì đạo.

Cha xin chào tất cả anh chị em đến từ Roma và anh chị em hành hương đến từ nước Ý và nhiều quốc gia khác. Cha nhìn thấy một lá cờ của Argentina, cha xin chào những người đồng hương của cha. Đặc biệt, cha chào các tín hữu đến từ Lisbon, các sinh viên đến từ Học viện Notre-Dame de Sainte-Croix trong Neuilly ở Pháp, và những sinh viên từ Telfs, nước Áo. Cha gửi lời chào các thành viên của Polyphonic Chorale từ Riesi, nhóm cha mẹ đến từ Rovigo và cộng đồng mục vụ Chân phước Serafino Morazzone từ Maggianico. Tôi nhìn thấy cờ của Ukraine ở đằng kia. Các cuộc ném bom vẫn tiếp tục ở Ukraine gây ra sự chết chóc, tàn phá và đau khổ cho người dân. Xin chúng ta đừng quên những con người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Chúng ta đừng quên điều này trong lòng và trong lời cầu nguyện của chúng ta.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/6/2022]


Cha mẹ của người mẹ trẻ đang được điều tra phong thánh chia sẻ chứng ngôn hùng hồn tại Đại hội Gia đình Thế giới

Cha mẹ của người mẹ trẻ đang được điều tra phong thánh chia sẻ chứng ngôn hùng hồn tại Đại hội Gia đình Thế giới

Cha mẹ của người mẹ trẻ đang được điều tra phong thánh chia sẻ chứng ngôn hùng hồn tại Đại hội Gia đình Thế giới

Tôi tớ Chúa Chiara Corbella Petrillo. 

Francesca Pollio Fenton, Maisy Sullivan

Denver Newsroom, 23 tháng Sáu, 2022 / 16:47 pm


Ngày 13 tháng Sáu năm 2012, chị Chiara Corbella Petrillo, một phụ nữ 28 tuổi người Ý qua đời trong bộ váy cưới ở giữa gia đình và các bạn bè của chị. Trong 10 năm từ ngày chị qua đời, câu chuyện chị để lại đã chạm đến trái tim của nhiều người trên thế giới.

Năm 18 tuổi, Chiara gặp người đàn ông sẽ trở thành chồng của chị, anh Enrico Petrillo. Khi trở thành vợ chồng, họ phải đối mặt với nhiều thử thách. Họ đã phải chịu đựng cái chết của hai đứa con, cả hai con đều chết sau khi chào đời 30 phút.

Chiara lại mang thai đứa con thứ ba Francesco. Tin vui chỉ tồn tại rất ngắn khi chị được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Bệnh ung thư của chị là một tổn thương bất thường ở lưỡi, sau đó được phát hiện là ung thư biểu mô.

Chị từ chối bất kỳ hình thức điều trị nào gây nguy hiểm cho đứa con trai chưa chào đời của mình. Khi bệnh ung thư phát triển, Chiara nói và nhìn rất khó khăn.

Án phong thánh cho Chiara được công bố vào ngày 13 tháng Sáu năm 2017, kỷ niệm 5 năm ngày mất của chị.

Cha mẹ của cô, ông Roberto và bà Maria Anselma Corbella, đã chia sẻ chứng tá đức tin xúc động của con gái họ trong bài chia sẻ tại Lễ hội Gia đình, một phần của Đại hội Gia đình Thế giới, được tổ chức tại Roma từ ngày 22 đến ngày 26 tháng Sáu.

Họ chia sẻ những khó khăn mà họ phải đối mặt trong gia đình, chạm đến cuộc sống của hai người con gái của họ là Elisa và Chiara. Trong khi Elisa sống ở miền bắc nước Ý với ba đứa con, thì cuộc chiến đấu mà Chiara phải đối mặt khiến ông bà trở nên “giống như Mẹ Maria dưới chân thập tự giá”, nhưng đã dạy họ cách ôm lấy thập giá và tin tưởng vào chương trình của Thiên Chúa.

Bà Maria mẹ của chị giải thích rằng Francesco, con trai của chị Chiara, hiện 11 tuổi, mới chỉ được một tuổi khi mẹ của bé qua đời, nhưng trong thời gian đó, chị đã chỉ cho họ thấy rằng “trong mọi hoàn cảnh, chúng ta có thể mong đợi niềm hạnh phúc tột cùng trong cuộc đời này với Thiên Chúa là người dẫn dắt.”

Mẹ chị nói: “Thật khó khăn đối với chúng tôi khi cùng đồng hành với con gái đến ngưỡng cửa Thiên đàng và để nó ra đi, nhưng từ thời điểm đó, ân sủng đã tuôn đổ khiến chúng tôi thoáng nhìn thấy chương trình của Thiên Chúa và giúp chúng tôi không rơi vào tuyệt vọng. Sự thanh thản của Chiara đã mở ra cho chúng tôi cánh cửa dẫn đến cõi trường tồn và tiếp tục làm sáng tỏ điều đó cho đến ngày nay.” Độc giả có thể theo dõi chứng ngôn của hai ông bà về con gái của họ trong video dưới đây:


Trong bài chia sẻ trong Ngày hội của các Gia đình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với cha mẹ của chị Chiara và di sản của chị khi nói rằng: “Ông bà đã làm chứng rằng thánh giá nặng nề của bệnh tật và cái chết của Chiara không phá hủy gia đình ông bà hay làm mất đi sự thanh thản và bình yên trong tâm hồn ông bà. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này trên khuôn mặt của ông bà. Ông bà không chán nản, tuyệt vọng hay nổi giận với cuộc sống. Nhưng hoàn toàn ngược lại! Những gì chúng tôi thấy nơi ông bà là sự thanh thản và niềm tin lớn lao”.

Đức Thánh Cha nói thêm: “Là một người vợ, cùng với người chồng mình, chị đã đi theo con đường Tin mừng của gia đình, cách đơn sơ và tự nhiên. Tâm hồn của Chiara cũng chào đón sự thật của thập giá như một món quà của bản thân: món quà của chị là sự sống được ban tặng cho gia đình chị, cho Giáo hội và cho toàn thế giới”.

Nói về con gái của mình, ông Roberto nói, “Con gái chúng tôi không chạy trốn khi đối mặt với những thử thách của cuộc sống, nó đối mặt với chúng bằng ánh mắt hướng lên trời. … Mỗi bước đi của nó đều hướng đến mục tiêu là sự trợ giúp của Chúa và sự hướng dẫn của Mẹ Maria, con gái chúng tôi đã cam kết đạt được mục tiêu đó, với việc cầu nguyện riêng tư giữ nó trong mối quan hệ với Thiên Chúa mà từ đó con gái chúng tôi đã nhận được ân sủng nuôi dưỡng đức tin của mình.”

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận: “Ước mong rằng Chiara trở thành nguồn cảm hứng trên hành trình nên thánh của chúng ta, và xin Chúa nâng đỡ và làm sinh hoa kết trái cho mọi thập giá mà các gia đình gánh chịu.”




[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/6/2022]


Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2022

ĐẠI HỘI GIA ĐÌNH THẾ GIỚI LẦN THỨ X [22-26 tháng Sáu 2022] HUẤN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

ĐẠI HỘI GIA ĐÌNH THẾ GIỚI LẦN THỨ X [22-26 tháng Sáu 2022] HUẤN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

ĐẠI HỘI GIA ĐÌNH THẾ GIỚI LẦN THỨ X

[22-26 tháng Sáu 2022]

*******

HUẤN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Khán phòng Phaolô VI

Thứ Tư, 22 tháng Sáu, 2022

____________________________________________


Các gia đình thân yêu,

Cha rất vui được có mặt ở đây với các bạn, sau những biến cố đau buồn mà tất cả các bạn đã trải qua trong thời gian gần đây: trước tiên là trận đại dịch và bây giờ là cuộc chiến ở Châu Âu, chưa nói đến những cuộc chiến khác đang làm ảnh hưởng đến gia đình nhân loại chúng ta.

Tôi cảm ơn Đức Hồng Y Farrell, Đức Hồng Y De Donatis, các thành viên của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, cũng như những anh chị em thuộc Giáo phận Roma đã cống hiến hết mình để đại hội này được diễn ra tốt đẹp.

Cha cũng xin cảm ơn các gia đình hiện diện đến từ nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là những gia đình đã chia sẻ chứng tá họ với chúng ta. Cảm ơn các bạn rất nhiều! Thật không dễ để trình bày trước rất đông khán giả về cuộc sống, những khó khăn của các bạn và những ân tứ tuyệt vời nhưng đậm tính cá nhân mà các bạn đã đón nhận từ Thiên Chúa. Chứng tá của các bạn đóng vai trò như những “bộ khuếch đại âm thanh”: các bạn đã nói lên kinh nghiệm của những gia đình khác trên thế giới đang có cùng những niềm vui và mối quan tâm, cùng những khó khăn và hy vọng, giống như chính gia đình các bạn.

Vì lý do này, cha muốn nói đôi điều với các gia đình đang có mặt ở đây và tất cả những đôi vợ chồng và gia đình đang lắng nghe chúng ta trên khắp thế giới. Cha muốn các con cảm nhận được sự gần gũi của cha với các con, dù các con ở đâu và với hoàn cảnh cuộc sống cụ thể của các con. Lời động viên của cha chính là lời sau đây: hãy bắt đầu từ nơi các con đang ở, và từ đó cố gắng cùng nhau bước trên hành trình: cùng với nhau như vợ chồng, cùng với nhau trong gia đình của các con, cùng với những gia đình khác, cùng với Giáo hội. Cha nghĩ đến dụ ngôn về Người Samari nhân hậu gặp một người bị thương đang cần giúp đỡ. Người đó đến gần người bị bạn, chăm sóc và giúp nạn nhân tiếp tục cuộc hành trình của mình. Đó là điều cha muốn Giáo hội dành cho tất cả các con! Một Người Samari nhân hậu đến gần bạn và giúp bạn tiếp tục cuộc hành trình và tiến lên một bước, dù là nhỏ. Đừng bao giờ quên rằng sự gần gũi là “phong cách” của Thiên Chúa, sự gần gũi và tình yêu dịu dàng. Bây giờ cha sẽ phân tích một số “bước tiến tới” cần được thực hiện cùng với nhau, qua sự suy tư về những chứng ngôn mà chúng ta đã nghe.

1. “Một bước tiến” tới hôn nhân. Cảm ơn Luigi và Serena đã kể cho chúng tôi rất trung thực về kinh nghiệm của các con, với những khó khăn và hy vọng trong đó. Cha nghĩ tất cả chúng ta đều cảm thấy đau lòng khi nghe các con nói rằng “Chúng tôi đã không tìm được một cộng đoàn nào có thể giang rộng vòng tay hỗ trợ chúng tôi trong hoàn cảnh thực của chúng tôi.” Thật là đau đớn! Nó khiến tất cả chúng ta phải suy nghĩ. Chúng ta cần được hoán cải và thực hiện hành trình như một Giáo hội chào đón, để các giáo phận và giáo xứ của chúng ta ngày càng có thể trở thành “những cộng đoàn hỗ trợ với vòng tay giang rộng”. Chúng ta rất cần điều này trong cái văn hoá thờ ơ ngày nay của chúng ta! Theo ý quan phòng, các con đã tìm thấy sự hỗ trợ trong các gia đình khác thật sự là “những giáo hội nhỏ bé”.

Cha được an ủi rất nhiều khi các con giải thích lý do dẫn đến việc các con cho con cái được rửa tội. Các con đã nói một câu rất hay: “Bất kể những nỗ lực cao quý nhất của con người, chúng ta vẫn không đủ cho chính mình”. Đúng vậy, chúng ta có thể có những ước mơ đáng yêu nhất, những lý tưởng cao cả nhất, nhưng cuối cùng, chúng ta cũng khám phá ra – và đây là sự khôn ngoan – những giới hạn của bản thân mà chúng ta không thể tự mình vượt qua, nhưng vượt qua bằng cách mở lòng với Chúa Cha, với tình yêu và ân sủng của Người. Đó là ý nghĩa của các bí tích rửa tội và hôn nhân: đó là sự trợ giúp cụ thể mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để không bỏ chúng ta một mình, bởi vì “chúng ta không đủ cho chính bản thân”. Thật tuyệt vời khi nghe những lời đó: “chúng ta không đủ cho chính bản thân”.

Chúng ta có thể nói rằng bất cứ khi nào một người nam và một người nữ yêu nhau, Thiên Chúa sẽ ban tặng cho họ một món quà; món quà đó là hôn nhân. Đó là một món quà tuyệt diệu, chứa đựng chính sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa: mạnh mẽ, bền bỉ, thủy chung, sẵn sàng bắt đầu trở lại sau mỗi lần thất bại hay yếu đuối. Hôn nhân không phải là một thủ tục mà các con phải đi qua. Các con không kết hôn để trở thành người Công giáo “có gắn thẻ”, để tuân theo một quy định, hoặc vì Giáo hội yêu cầu các con làm như vậy, hoặc để tổ chức một bữa tiệc… Không phải, các con kết hôn vì các con muốn xây dựng hôn nhân của mình trên Tình yêu của Đức Kitô, là tình yêu vững chắc như bàn thạch. Trong hôn nhân, Đức Kitô tự hiến chính Người cho các con, để các con có thể tìm thấy sức mạnh dâng hiến cho nhau. Vì vậy, hãy can đảm: đời sống gia đình không phải là “nhiệm vụ bất khả thi”! Nhờ ân sủng của Bí tích, Thiên Chúa làm cho nó trở thành một cuộc hành trình tuyệt vời, được thực hiện cùng với Ngài và không bao giờ cô đơn. Gia đình không phải là một lý tưởng cao cả không thể đạt được trong thực tế. Thiên Chúa hứa ban sự hiện diện của Ngài trong hôn nhân và gia đình của các con, không chỉ riêng vào ngày cưới, nhưng trong suốt cuộc đời của các con. Và Người luôn hỗ trợ các con, mỗi ngày trong hành trình của các con.

2. “Một bước tiến tới” để ôm lấy thập tự giá. Cha cảm ơn Roberto và Maria Anselma, vì các con đã kể cho chúng ta nghe câu chuyện rất cảm động về gia đình các con và đặc biệt là về Chiara. Các con đã nói với chúng ta về thập tự giá, là một phần cuộc sống của mỗi cá nhân và mỗi gia đình. Các con làm chứng rằng thập giá nặng nề là bệnh tật và cái chết của Chiara đã không phá hủy gia đình các con hoặc làm mất đi sự thanh thản và bình an trong tâm hồn các con. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này trên nét mặt của các con. Các con không chán nản, tuyệt vọng hay nổi giận với cuộc sống. Hoàn toàn ngược lại! Những gì chúng ta nhìn thấy nơi các con là sự thanh thản và niềm tin lớn lao. Các con đã nói với chúng ta rằng “Sự thanh thản của Chiara đã mở ra cho chúng tôi cánh cửa vào sự trường tồn”. Chứng kiến cách Chiara trải qua thử thách bệnh tật như thế nào đã giúp các con ngước nhìn lên, không để mình bị giam cầm trong nỗi đau buồn, mà mở ra cho một điều gì đó lớn lao hơn: là chương trình của Thiên Chúa, cõi trường tồn, nước trời.

Cha cảm ơn các con vì chứng tá đức tin này! Các con cũng trích dẫn một điều Chiara đã nói: “Thiên Chúa đặt một sự thật trong mỗi chúng ta và không thể hiểu sai sự thật đó”. Chúa đã đặt sự thật của cuộc sống thánh thiện trong tâm hồn Chiara, và vì vậy chị muốn giữ mạng sống cho đứa con bằng cái giá là chính mạng sống của mình. Là một người vợ, cùng với chồng, chị đã đi theo con đường Tin mừng của gia đình, một cách đơn sơ và tự nhiên. Tâm hồn của Chiara cũng chào đón sự thật của thập tự giá như một món quà của chính bản thân: món quà của chị là sự sống được trao tặng cho gia đình, cho Giáo hội và cho toàn thế giới. Chúng ta luôn cần những tấm gương tuyệt vời để noi theo. Ước mong Chiara trở thành nguồn cảm hứng cho hành trình nên thánh của chính chúng ta, và xin Chúa nâng đỡ và làm trổ sinh hoa trái cho mọi thập giá mà các gia đình đang gánh vác.

3. “Một bước tiến” tới sự tha thứ. Paul và Germaine, các con tìm được sự can đảm để kể cho chúng ta về cuộc khủng hoảng mà hai con đã trải qua trong hôn nhân của mình, và chúng tôi cảm ơn các con vì điều đó, bởi vì cuộc hôn nhân nào cũng có những thời khắc khủng hoảng. Chúng ta cần nói ra điều này, không che giấu nó và thực hiện các bước đi để vượt qua những khủng hoảng đó. Các con đã không cố làm thi vị vấn đề bằng một chút đường ngọt ngào! Các con gọi đích danh nguyên nhân của mọi cuộc khủng hoảng: sự giả dối, không chung thủy, sử dụng tiền bạc không đúng, ngẫu thần quyền lực và sự nghiệp, sự oán giận ngày càng tăng và sự chai đá của con tim. Như các con trình bày, cha tin rằng tất cả chúng ta đều sống lại những kinh nghiệm đau đớn của bản thân trước những hoàn cảnh tương tự của các gia đình bị tan vỡ. Chứng kiến cảnh một gia đình tan vỡ là một bi kịch mà chúng ta không thể giữ thái độ thờ ơ. Tiếng cười của vợ chồng biến mất, con cái khủng hoảng, sự yên bình mất đi. Và gần như mọi lúc, không ai biết phải làm gì.

Đó là lý do tại sao câu chuyện của các con truyền đi niềm hy vọng. Paul nói rằng tại thời điểm u ám nhất của cuộc khủng hoảng, Chúa đã đáp lời cho ước muốn sâu thẳm nhất của tâm hồn anh và cứu cuộc hôn nhân của anh. Đó là những gì đã xảy ra. Sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người là khát vọng yêu thương không bao giờ chấm dứt, khát khao câu chuyện tình yêu chung sống không kết thúc ngắn ngủi, khát khao hoa trái của tình yêu không bị xua tan. Mọi người đều có niềm khát khao này. Không ai muốn một tình yêu chết yểu hoặc bị đánh dấu ngày hết hạn. Vì vậy, chúng ta rất đau khổ mỗi khi những vấp ngã, sự vô tâm và tội lỗi của con người làm đắm tàu một cuộc hôn nhân. Nhưng ngay cả trong cơn thử thách, Thiên Chúa nhìn thấy những gì trong tâm hồn chúng ta. Nhờ sự quan phòng của Chúa, các con đã gặp được một nhóm giáo dân cam kết hỗ trợ các gia đình cách đặc biệt. Đó là bước khởi đầu của hành trình tái tạo và hàn gắn mối quan hệ của các con. Các con bắt đầu nói chuyện với nhau, cởi mở và chân thành với nhau, thừa nhận lỗi lầm của mình, cùng cầu nguyện với các đôi vợ chồng khác, và tất cả những điều đó đã đưa các con tiến đến sự hòa giải và tha thứ.

Anh chị em thân mến, tha thứ chữa lành mọi vết thương. Tha thứ là một món quà tuôn trào từ ân sủng mà Chúa Kitô đổ xuống trên các đôi vợ chồng và toàn thể gia đình bất cứ khi nào chúng ta cho phép Người hành động, bất cứ khi nào chúng ta hướng về Người. Thật tuyệt vời khi các con tổ chức “ngày lễ tha thứ” của chính mình với con cái, và lặp lại lời hứa hôn nhân của các con khi cử hành Thánh lễ. Nó khiến cha nghĩ đến lễ mừng mà người cha trong dụ ngôn của Chúa Giêsu tổ chức cho đứa con hoang đàng của ông (x. Lc 15:20-24). Chỉ có khác là lần này, người có bước đi lầm lạc là cha mẹ chứ không phải là người con! “Cha mẹ hoang đàng”. Tuy nhiên, điều này cũng thật tuyệt vời và có thể trở thành một chứng tá lớn lao cho các con cái. Những đứa con khi bước qua tuổi thơ bắt đầu nhận ra rằng cha mẹ của họ không phải là “siêu nhân”; họ không phải là người toàn năng, càng không phải người hoàn hảo. Con cái của các con nhìn thấy điều quan trọng hơn nhiều nơi các con: chúng nhìn thấy sự khiêm nhường xin được tha thứ và sức mạnh được Chúa ban để tự đứng lên sau khi vấp ngã. Đây là điều mà các con rất cần! Vì chúng cũng sẽ phạm sai lầm trong cuộc sống và nhận ra rằng chúng cũng không hoàn hảo, nhưng các con cũng sẽ nhớ rằng Thiên Chúa nâng chúng ta lên, rằng tất cả chúng ta đều là những tội nhân được tha thứ, rằng chúng ta phải xin sự tha thứ từ người khác đồng thời có thể tha thứ cho chính bản thân. Bài học mà con cái học được nơi các con sẽ đọng mãi trong lòng chúng. Thật tốt cho chúng ta khi nghe được điều này. Cảm ơn các con đã làm chứng kiến về ​​sự tha thứ của mình!

4. “Một bước tiến” tới sự chào đón. Cảm ơn Iryna và Sofia về chứng tá của hai con. Các con đã nói lên tiếng nói của tất cả những người với cuộc sống bị tàn phá bởi chiến tranh ở Ukraine. Ở nơi các con, chúng ta nhìn thấy những khuôn mặt và câu chuyện của rất nhiều người buộc phải rời bỏ quê hương của họ. Chúng ta cảm ơn các con, vì các con đã không đánh mất niềm tín thác vào sự quan phòng và các con đã nhìn thấy cách Chúa hành động trong cuộc sống của mình, cách đặc biệt qua những con người bằng xương bằng thịt mà Ngài đã dẫn đưa các con đến gặp gỡ: những gia đình chủ nhà, các bác sĩ đã giúp đỡ các con, và những người tốt bụng khác. Chiến tranh khiến các con phải đối mặt trực diện với sự nhạo báng và tàn bạo của con người, nhưng các con cũng đã gặp được những con người có lòng nhân cao vời. Những người xấu xa nhất và những người tốt lành nhất! Điều quan trọng đối với tất cả chúng ta là không tiếp tục ngụ lại trong điều xấu xa nhất, mà là làm tăng tối đa điều tốt lành nhất, tính thiện cao cả mà mọi người đều có, và từ đó bắt đầu lại từ đầu.

Cha cũng cảm ơn Pietro và Erika đã kể câu chuyện riêng tư của các con, và lòng quảng đại mà các con đã chào đón Iryna và Sofia vào gia đình vốn đã đông đúc của mình. Các con chia sẻ với chúng ta rằng các con làm như vậy vì tâm tình cảm tạ Thiên Chúa và với tinh thần đức tin, như một tiếng gọi của Chúa. Erika kể với chúng ta rằng chào đón các trẻ là một “ân phúc từ trời”. Thật vậy, chào đón là một “đặc sủng” đích thực của các gia đình, và đặc biệt là các gia đình đông con! Chúng ta có thể nghĩ rằng trong một gia đình đông con việc chào đón người khác trở nên khó khăn hơn; nhưng nó lại không phải như vậy, vì các gia đình đông con được “huấn luyện” để nhường chỗ cho những người khác. Họ luôn có không gian cho người khác.

Cuối cùng, đây là tất cả những gì thuộc về gia đình. Trong gia đình, chúng ta trải nghiệm cảm giác được chào đón. Vợ chồng là những người đầu tiên “chào đón” và chấp nhận lẫn nhau, như họ đã nói trong ngày thành hôn: “Tôi nhận em/anh …” Sau này, khi đưa một đứa trẻ đi vào thế giới, họ sẽ chào đón sự sống mới đó. Trong khi ở những hoàn cảnh lạnh lùng và nặc danh, những người yếu đuối thường bị chối bỏ thì trong các gia đình việc chào đón là điều tự nhiên: chấp nhận một đứa trẻ khuyết tật, một người già cần được chăm sóc, một thành viên gia đình gặp khó khăn không còn ai khác… Điều này mang đến hy vọng. Gia đình là nơi chào đón, và khốn thay nếu gia đình biến mất! Xã hội sẽ trở nên lạnh lùng và không còn chịu nổi nếu không có các gia đình chào đón. Các gia đình chào đón và quảng đại mang đến “hơi ấm” cho xã hội.

5. “Một bước tiến” tới tình huynh đệ. Cha cảm ơn con, Zakia, đã chia sẻ câu chuyện của con với chúng ta. Thật ngạc nhiên và an ủi khi biết rằng những gì con và Luca đã cùng nhau xây dựng vẫn tồn tại. Câu chuyện của con được sinh ra và xây dựng dựa trên những lý tưởng rất cao đẹp mà con đã mô tả khi nói rằng: “Chúng tôi xây dựng gia đình của mình trên tình yêu đích thực, bằng sự tôn trọng, đoàn kết và đối thoại giữa các văn hóa của chúng tôi”. Không có gì trong đó bị mất đi, kể cả sau thảm kịch về cái chết của Luca. Tấm gương và di sản tinh thần của Luca không chỉ tiếp tục sống và nói với lương tâm của nhiều người, nhưng cả tổ chức Zakia đã thành lập cũng thực hiện sứ mệnh của anh theo một cách nào đó. Thật vậy, chúng ta có thể nói rằng sứ mệnh ngoại giao của Luca giờ đây đã trở thành “sứ mệnh hòa bình” với toàn bộ gia đình con. Trong câu chuyện của con, chúng ta thấy rõ ràng cách thức con người và tôn giáo có thể đan quyện với nhau và mang đến hoa trái quý giá. Nơi Zakia và Luca, chúng ta tìm thấy vẻ đẹp của tình người, sự nhiệt thành đối với cuộc sống, lòng vị tha và lòng trung thành với tín ngưỡng và truyền thống tôn giáo của riêng mỗi người, như một nguồn cảm hứng và sức mạnh nội tâm.

Gia đình của con thể hiện lý tưởng của tình huynh đệ. Ngoài việc là vợ chồng, các con còn sống như anh chị em trong lòng nhân ái, trong kinh nghiệm tôn giáo khác biệt và trong cam kết của các con với xã hội. Đây cũng là một bài học được rút ra từ trong gia đình. Sống trong gia đình cùng với những người khác biệt với chính mình, chúng ta học cách trở thành anh chị em. Chúng ta học cách vượt qua sự chia rẽ, định kiến và lòng hẹp hòi, đồng thời cùng nhau xây dựng một điều gì đó lớn lao, một điều gì đó đẹp đẽ, trên cơ sở những điểm chung của chúng ta. Những tấm gương sống tình huynh đệ như của Luca và Zakia cho chúng ta hy vọng; chúng giúp chúng ta nhìn thế giới với lòng vững tin nhiều hơn, một thế giới đang bị giằng xé bởi sự chia rẽ và thù địch. Cảm ơn các con về mẫu gương huynh đệ này!

Cha không muốn kết thúc câu chuyện của Luca và con mà không nhắc đến mẹ của con. Bà có mặt ở đây, và bà luôn ở bên cạnh con. Đây chính là sự tốt lành mà các bà mẹ vợ/chồng mang đến cho gia đình, những người mẹ vợ/chồng tốt và những người mẹ tốt! Cha cảm ơn bà đã đến với con ngày hôm nay.

Các bạn thân mến, mỗi gia đình của các bạn có một sứ mệnh để thực hiện trong thế giới của chúng ta, một chứng tá để thi hành. Chúng ta, những người đã lãnh nhận phép rửa được kêu gọi cách đặc biệt để trở thành “thông điệp mà Chúa Thánh Thần lấy từ sự giàu có của Chúa Giêsu Kitô và ban cho dân của Ngài” (Tông huấn Gaudete et Exsultate, 21). Vì lý do này, cha muốn các bạn hãy tự đặt cho mình câu hỏi này: Lời Chúa muốn nói qua cuộc sống chúng ta với tất cả những người chúng ta gặp gỡ là gì? Hôm nay Ngài đang đòi hỏi “bước tiến tới” nào nơi gia đình chúng ta, nơi gia đình tôi? Mọi người hãy đặt câu hỏi này. Hãy dừng lại và lắng nghe. Hãy để Ngài biến đổi các bạn, để bạn có thể thay đổi thế giới và biến nó thành “nhà” cho tất cả những ai đang cần cảm nhận được chào đón và chấp nhận, cho tất cả những ai cần gặp gỡ Chúa Kitô và biết rằng họ được yêu thương. Chúng ta cần phải sống với đôi mắt ngước lên trời: như Chân phước Maria và Luigi Beltrame Quattrocchi thường nói với con cái của họ, đứng trước những nỗ lực và niềm vui trong cuộc sống, “luôn luôn nhìn từ mái nhà trở lên”.

Cha cảm ơn các bạn đã đến đây. Cha cảm ơn vì những cố gắng trong việc dưỡng dục gia đình. Hãy liên tục tiến tới với lòng can đảm và niềm vui. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/6/2022]


Đôi vợ chồng chân phước đầu tiên được tôn vinh tại Đại hội Gia Đình Thế Giới

Đôi vợ chồng chân phước đầu tiên được tôn vinh tại Đại hội Gia Đình Thế Giới

Đôi vợ chồng chân phước đầu tiên được tôn vinh tại Đại hội Gia Đình Thế Giới

Chân phước Luigi và Maria Beltrame Quattrocchi. 

Courtney Mares

Vatican City, 22 tháng Sáu, 2022 / 09:46 am


Thánh tích của đôi vợ chồng đầu tiên cùng được Giáo hội Công giáo tuyên phong chân phước được tôn kính trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô vào tuần này trong thời gian Đại hội Gia đình Thế giới diễn ra ở Roma.

Chân phước Luigi và Maria Beltrame Quattrocchi là các thánh bổn mạng chính thức của Đại hội Gia Đình Thế Giới lần thứ 10 diễn ra tại Roma từ ngày 22 đến 26 tháng Sáu.

Hai vợ chồng người Ý kết hôn được 45 năm, cùng nhau trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới và nuôi dưỡng ơn gọi phục vụ Giáo hội của bốn người con trong bối cảnh Châu Âu phải đứng trước những khó khăn chưa từng có.

Cả hai người con trai của họ đều trở thành linh mục vào những năm 1930 và đồng tế trong Thánh lễ tuyên phong chân phước cho cha mẹ cùng với Đức Gioan Phaolô II vào năm 2001.

Người con trai lớn là Cha Tarcisio Beltrame, một tu sĩ dòng Biển Đức, và người em là Cha Paolino, tu sĩ dòng Trappist, cả hai đều liều mạng bí mật hoạt động với quân kháng chiến trong thời Đức Quốc xã chiếm đóng nước Ý trong Đệ nhị Thế chiến, đồng thời căn hộ của gia đình Beltrame Quattrocchi ở Roma được dùng làm nơi ẩn náu cho những người chạy trốn và những người Ý với nguồn gốc Do Thái.

Một người họ hàng còn sống của gia đình Beltrame Quattrocchi nói rằng người đó có tài liệu từ Văn phòng Chiến lược Hoa Kỳ (OSS) xác nhận sự hợp tác của hai người con trai trong phong trào Kháng chiến, điều đó khiến mức độ nguy hiểm càng lớn hơn trước thực tế căn hộ của gia đình nằm ngay cạnh trụ sở của Bộ chỉ huy Đức ở Roma.

Ông Francesco Beltrame Quattrocchi nói với EWTN: “Nếu bị phát hiện, tất cả họ sẽ bị bắn ngay lập tức.”

Những người con gái của gia đình Beltrame Quattrocchis cũng nhiệt thành phục vụ Giáo hội. Người con gái lớn, Stefania, gia nhập tu viện Biển Đức trở thành nữ tu năm 1927. Và người con út trong gia đình, Enrichetta Beltrame Quattrocchi, là một phụ nữ tận hiến đã được công bố là bậc đáng kính.

‘Đời sống thiêng liêng phong phú lạ thường’

Nguồn gốc của ơn gọi của những người con và chứng tá anh dũng của gia đình Beltrame Quattrocchi trong thời gian thử thách xuất phát từ nền tảng tinh thần phong phú trong cuộc hôn nhân của ông Luigi và bà Maria.

Khi Thánh Gioan Phaolô II phong chân phước cho ông Luigi và bà Maria năm 2001, ngài nói rằng đôi vợ chồng chân phước đã “sống một cuộc sống bình thường theo cách phi thường.”

Ngài nói: “Giữa những niềm vui và lo lắng của một gia đình bình thường, họ đã biết cách sống một đời sống thiêng liêng phong phú lạ thường. Trung tâm đời sống của họ là Thánh Thể hàng ngày cũng như lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria, Đấng mà hai vị cầu nguyện mỗi tối với chuỗi hạt Mân Côi.”

Ông Luigi và bà Maria đã cùng nhau sống nhân đức anh hùng trong vai trò là vợ chồng và là cha mẹ. Hai người kết hôn tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả ngày 25 tháng Mười Một năm 1905. Ông Luigi 25 tuổi và bà Maria 21 tuổi. Ngày nay, có thể nhìn thấy một tấm bảng kỷ niệm ngày cưới của họ trong nhà nguyện Corsini của vương cung thánh đường.

Sau khi kết hôn tại vương cung thánh đường Đức Mẹ lớn nhất Roma, hai người đã dâng gia đình và tất cả con cái của họ cho Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa.

Đôi vợ chồng chân phước đầu tiên được tôn vinh tại Đại hội Gia Đình Thế Giới

Các con trong gia đình Beltrame Quattrocchi.

Đức Gioan Phaolô II nói: “Hai ngài đã sống tình yêu vợ chồng và phục vụ sự sống dưới ánh sáng của Tin Mừng và với tình người cao cả. Ý thức trọn vẹn trách nhiệm, họ đã đảm nhận nhiệm vụ cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản, quảng đại hy sinh cho con cái, dạy bảo, hướng dẫn và dẫn dắt chúng khám phá chương trình yêu thương của Ngài.”

“Từ mảnh đất thiêng liêng màu mỡ này nảy nở các ơn gọi linh mục và đời sống tận hiến, điều này cho thấy hôn nhân và sự khiết tịnh có thể được kết nối chặt chẽ và soi sáng lẫn nhau xuất phát từ nguồn gốc tình yêu vợ hôn nhân của Thiên Chúa.”

Ông Luigi làm luật sư và bà Maria là một giáo lý viên và viết một số quyển sách về giáo dục trong thời gian nuôi dạy bốn đứa con của họ.

Hai người cũng tổ chức các khóa học chuẩn bị cho hôn nhân Công giáo cho các cặp đính hôn thông qua công việc của họ trong hội Công giáo Tiến hành.

Trong Chiến tranh thế giới I, gia đình cũng hỗ trợ những người bị thương và các gia đình gặp khó khăn. Họ cũng hỗ trợ về tài chính cho một số thanh niên muốn trở thành linh mục hoặc bước vào đời sống tu trì.

Ông Luigi qua đời vì một cơn đau tim năm 1951 ở tuổi 71. Bà Maria sống thêm 14 năm sau khi người chồng yêu quý qua đời và tiếp tục cống hiến phục vụ cho gia đình và Giáo hội.

Đôi vợ chồng chân phước đầu tiên được tôn vinh tại Đại hội Gia Đình Thế Giới

Thánh tích của ông bà Luigi và Maria Beltrame Quattrocchi được trưng bày trong Đền thánh Phêrô.

Ngoài những thánh tích đặc biệt của đôi vợ chồng chân phước có thể chiêm ngắm trước bàn thờ chính ở Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, một số đồ dùng cá nhân khác của hai vị sẽ được trưng bày trong Khán phòng Phaolô VI trong suốt thời gian Đại hội Gia đình Thế giới ở Roma.

Các đồ vật thể hiện đời sống tinh thần của hai vợ chồng được đan kết với tình yêu hôn nhân của họ như thế nào. Trong ảnh là chiếc nhẫn đính hôn mà ông Luigi đã trao cho bà Maria và cuốn Kinh thánh hai người cùng đọc.

Ngoài ra còn có tấm thiệp thánh nhỏ với ảnh Đức Trinh Nữ Maria Mân Côi Pompei mà bà Maria đã tặng ông Luigi trước khi họ cưới, và ông Luigi đã giữ trong ví của mình hơn 40 năm.

Hai vợ chồng chân phước cùng được chôn cất trong Thánh địa Tình yêu Thiên Chúa của Roma.



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/6/2022]


Thứ Tư, 22 tháng 6, 2022

Hướng dẫn của Thánh Gioan Phaolô II cho bậc làm cha

Hướng dẫn của Thánh Gioan Phaolô II cho bậc làm cha

Hướng dẫn của Thánh Gioan Phaolô II cho bậc làm cha

DERRICK CEYRAC | AFP

Philip Kosloski 

19/06/22


Trong Tông huấn Familiaris Consortio, Thánh Gioan Phaolô II đã cung cấp một hướng dẫn ngắn gọn nhưng mạnh mẽ cho tất cả các người làm cha.

Thánh Gioan Phaolô II tin rằng những người cha là nhân tố vô cùng quan trọng cho sự thành công của gia đình, và ngài đưa ra “bản hướng dẫn” cho những người cha trong Tông huấn Familiaris Consortio.

Làm cha không phải luôn dễ dàng, nhưng với sự trợ giúp của Chúa, mọi điều đều có thể.


1. YÊU THƯƠNG VỢ VÀ CON CÁI

Tình yêu dành cho người vợ là mẹ của các con mình và tình yêu đối với các con là cách tự nhiên để người đàn ông hiểu và thực hiện thiên chức làm cha của mình. Quan trọng hơn nữa, ở những nơi mà điều kiện xã hội và văn hóa thường khuyến khích người cha ít quan tâm đến gia đình hoặc ít tham gia vào việc giáo dục thì phải nỗ lực để khôi phục cho xã hội niềm tin rằng vị trí và bổn phận của người cha trong gia đình và đối với gia đình mang tầm quan trọng duy nhất và không thể thay thế.


2. GIỮ VAI TRÒ TÍCH CỰC TRONG VIỆC GIÁO DỤC CON CÁI

Khi thể hiện và sống tình phụ tử của Thiên Chúa trên trần gian, người đàn ông có trách nhiệm bảo đảm sự phát triển hài hòa và hiệp nhất của tất cả các thành viên trong gia đình: người đó thực hiện nghĩa vụ này bằng cách thực thi trách nhiệm cách quảng đại đối với sự sống được hình thành dưới trái tim của người mẹ, với cam kết đầy trách nhiệm đối với việc giáo dục, một công việc mà người đàn ông chia sẻ với vợ mình.


3. ĐỪNG TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI CHA VẮNG MẶT

Kinh nghiệm cho thấy sự vắng mặt của một người cha gây ra sự mất cân bằng về tâm lý và đạo đức và những khó khăn rất lớn trong các mối quan hệ gia đình.


4. HÃY TRỞ THÀNH NGUỒN HIỆP NHẤT CHỨ KHÔNG PHẢI NGUỒN CHIA RẼ

Đừng bao giờ gây sự chia rẽ trong gia đình, nhưng thúc đẩy sự hiệp nhất và ổn định.


5. LÀ MỘT CHỨNG NHÂN KITÔ VỮNG VÀNG

Qua việc làm chứng, người đàn ông thể hiện đời sống người Kitô hữu trưởng thành và điều đó giới thiệu cho con cái đến với kinh nghiệm sống động về Đức Kitô và Giáo hội cách hữu hiệu.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/6/2022]