Thứ Hai, 4 tháng 3, 2024

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 3.3.2024: “Mối tương quan với Thiên Chúa phải mật thiết và đầy tin cậy”

“Mối tương quan với Thiên Chúa phải mật thiết và đầy tin cậy”

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 3.3.2024: “Mối tương quan với Thiên Chúa phải mật thiết và đầy tin cậy”

*******

Trưa Chúa Nhật thứ ba Mùa Chay hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông Tòa Vatican để đọc Kinh Truyền Tin cùng với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Dưới đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ:

________________________________________________


Trước Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy một cảnh tượng gay gắt: Chúa Giêsu đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ (x. Ga 2:13-25), Chúa Giêsu xua đuổi những người bán hàng, lật đổ bàn của những người đổi tiền và quở mắng mọi người rằng: “Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (c. 16). Chúng ta hãy dành chút thời gian chú ý vào sự tương phản giữa ngôi nhà và nơi buôn bán: quả thực, đây là hai cách khác nhau để đến gần với Thiên Chúa.

Trong đền thờ được hiểu như một nơi buôn bán, để trở nên chính trực trước mặt Thiên Chúa, tất cả những gì người ta phải làm là mua một con cừu non, trả tiền và thiêu nó trên bàn thờ. Người ta mua của lễ, trả tiền, thiêu của lễ và sau đó mọi người về nhà. Ngược lại, trong đền thờ được hiểu như một ngôi nhà thì xảy ra điều ngược lại: chúng ta đến đó để gặp gỡ Chúa, để gần gũi với Ngài, gần gũi với anh chị em của chúng ta, để chia sẻ niềm vui nỗi buồn. Hơn nữa: ở nơi buôn bán mọi giá cả đều được thương lượng, còn ở nhà thì không có sự tính toán; ở chợ búa người ta tìm kiếm lợi ích riêng, ở nhà người ta cho đi cách tự do. Và hôm nay Chúa Giêsu rất gay gắt vì Ngài không chấp nhận việc thay thế đền thờ-nhà trở thành đền thờ-nơi buôn bán, Ngài không chấp nhận rằng mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa là xa cách và mang tính thương mại thay vì là mật thiết và tin cậy, Chúa không chấp nhận các quầy bán hàng thay thế cho bàn ăn gia đình, giá cả thay thế cho những cái ôm, các đồng xu thay thế cho sự âu yếm. Và tại sao Chúa Giêsu không chấp nhận điều này? Bởi vì theo cách đó, một rào cản được tạo ra giữa Thiên Chúa và con người và giữa anh em với nhau, trong khi Chúa Kitô đến để mang lại sự hiệp thông, mang đến lòng thương xót, nghĩa là sự tha thứ và mang lại sự gần gũi.

Lời mời gọi hôm nay, cũng là lời mời gọi cho hành trình Mùa Chay của chúng ta, là xây dựng một ý thức sâu sắc hơn về ngôi nhà và giảm bớt đi ý thức về nơi buôn bán trong chính chúng ta và xung quanh chúng ta. Trước hết là hướng về Thiên Chúa bằng việc cầu nguyện nhiều, như những đứa con vững tin gõ cửa nhà Cha không mệt mỏi, chứ không như những người buôn bán tham lam và ngờ vực. Vì vậy, trước hết bằng việc cầu nguyện. Và sau đó bằng cách lan tỏa tình huynh đệ: rất cần có tình huynh đệ!

Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi bản thân: trước hết việc cầu nguyện của tôi như thế nào? Đó có phải là một cái giá phải trả, hay đó là khoảnh khắc của sự từ bỏ đầy lòng tin tưởng, không cần nhìn vào đồng hồ? Và mối quan hệ của tôi với tha nhân như thế nào? Tôi có khả năng cho đi mà không mong chờ được đền đáp không? Tôi có thể thực hiện bước đi đầu tiên để phá vỡ những bức tường im lặng và sự trống trải của những khoảng cách không? Chúng ta phải tự hỏi mình những câu hỏi này.

Xin Mẹ Maria giúp chúng ta “xây dựng một ngôi nhà” với Thiên Chúa, ở giữa chúng ta và xung quanh chúng ta.

______________________________________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Với sự đau buồn, mỗi ngày tôi mang trong lòng nỗi đau khổ của người dân Palestine và Israel do tình trạng thù địch đang diễn ra. Hàng ngàn người chết, bị thương, di tản và sự tàn phá quá lớn dẫn đến đau khổ, và điều này gây ra những hậu quả rất lớn đối với những người bé mọn và không có khả năng tự vệ, họ nhìn thấy tương lai của mình bị tổn hại. Tôi tự hỏi: chúng ta có thật sự nghĩ rằng chúng ta có thể xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn theo cách này không? Chúng ta thật sự nghĩ rằng chúng ta có thể đạt được hòa bình chăng? Đủ rồi, xin làm ơn! Tất cả chúng ta hãy nói lên điều đó: đủ rồi, xin làm ơn! Hãy dừng lại! Tôi khuyến khích tiếp tục đàm phán ngừng bắn ngay lập tức ở dải Gaza và trên toàn khu vực, để các con tin có thể được phóng thích ngay lập tức và trở về với những người thân yêu đang nóng lòng mong chờ họ, và người dân thường có thể được tiếp cận an toàn với sự viện trợ nhân đạo đang rất cần thiết. Và xin chúng ta đừng quên Ukraine đang bị hành hạ, nơi có rất nhiều người chết mỗi ngày. Có rất nhiều sự đau đớn ở đó.

Ngày 5 tháng Ba đánh dấu Ngày Quốc tế Nhận thức về Giải trừ Quân bị và Không phổ biến vũ khí hạt nhân lần thứ hai. Không biết bao nhiêu tài nguyên đã bị lãng phí cho sự chi tiêu quân sự mà hậu quả là tình hình như hiện nay, đáng buồn là tiếp tục gia tăng! Tôi tha thiết hy vọng cộng đồng quốc tế hiểu rằng giải trừ quân bị trước hết là một nghĩa vụ: giải trừ quân bị là một nghĩa vụ đạo đức. Chúng ta hãy ghi nhớ điều này thật rõ trong tâm trí. Và điều này đòi hỏi lòng can đảm của tất cả các thành viên trong đại gia đình các quốc gia để chuyển từ trạng thái cân bằng nỗi sợ hãi sang trạng thái cân bằng lòng tin.

Cha chào tất cả anh chị em, người Rome và anh chị em hành hương từ nhiều quốc gia khác nhau. Đặc biệt, Cha chào các sinh viên của Đại học Universidade Sénior Vila Pouca de Aguiar ở Bồ Đào Nha, các sinh viên của Học viện “Rodríguez Moñino” của Badajoz, và các nhóm giáo xứ đến từ Ba Lan.

Cha chào các con lớp Thêm sức đến từ Rosolina, thuộc giáo phận Chioggia, cùng với các thành viên trong gia đình; các tín hữu đến từ Padua, Azzano Mella, Capriano và Fenili, Taranto, và giáo xứ Sant’Alberto Magno ở Rome.

Cha thân mến chào các con giới trẻ Ukraine được Cộng đoàn Sant’Egidio tập hợp lại với chủ đề “Hãy chiến thắng sự dữ bằng việc thiện. Cầu nguyện, người nghèo, hòa bình”. Các con giới trẻ thân yêu, cám ơn các con vì sự dấn thân của các con cho những người đau khổ nhất vì chiến tranh. Cảm ơn các con!

Và cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/3/2024]


Trang web mới mời gọi du khách trải nghiệm Rome với tư cách là người hành hương, không chỉ là khách du lịch

Trang web mới mời gọi du khách trải nghiệm Rome với tư cách là người hành hương, không chỉ là khách du lịch

Trang web mới mời gọi du khách trải nghiệm Rome với tư cách là người hành hương, không chỉ là khách du lịch

jfergusonphotos | Shutterstock

Daniel Esparza

02/03/24


Sáng kiến này hy vọng sẽ làm sống lại câu chuyện xoay quanh truyền thống xa xưa của cuộc hành hương đến Rome trước Năm Thánh 2025.

Một sáng kiến mới mang tên “Từ du khách đến người hành hương” nhằm mục đích đào sâu sự nối kết thiêng liêng cho các du khách đến viếng bốn vương cung thánh đường giáo hoàng ở Rome. Được phát động bởi Bộ Truyền thông, sáng kiến này bao gồm một trang web đa ngôn ngữ và một loạt các podcast đi kèm.

Dự án dựa trên kinh nghiệm của 16 nhà làm truyền thông trẻ tuổi đã khám phá các vương cung thánh đường không chỉ như những kỳ quan kiến trúc, mà còn là những chứng tá sống động về đức tin. Trang web đăng tải những suy tư cá nhân của họ về các tác động của những không gian thánh thiêng này đối với họ như thế nào.

Theo thông cáo báo chí của Vatican, các nhà truyền thông trẻ tuổi cho biết: “Chúng tôi mong muốn các du khách có sự trải nghiệm tương tự. Chúng ta càng hiểu đức tin của chúng ta đến từ đâu thì chúng ta càng có thể chia sẻ thông điệp đó và chạm đến tâm hồn mọi người tốt hơn.”

Du khách đến viếng những địa điểm này sẽ được chào đón bằng hình ảnh của các vị thánh và nghệ sĩ đã định hình cho những địa điểm mang tính biểu tượng này. Trang web mời họ “ngồi vào bàn” với những nhân vật này, tạo ra một không gian để suy ngẫm và chia sẻ.

Để làm phong phú thêm trải nghiệm, trang web cung cấp hướng dẫn bằng âm thanh được đọc bởi những người làm việc hàng ngày trong vương cung thánh đường – những người phụ trách nghệ thuật, các chuyên gia phục hồi và nhân viên tôn giáo. Qua tiếng nói của họ, những “chứng nhân” này chia sẻ cảm xúc của họ đối với tầm quan trọng của các Vương cung thánh đường.

Bổ sung cho trang web, podcast “Từ du khách đến người hành hương” đưa người nghe vào cuộc hành trình từng bước đi qua các Vương cung thánh đường và những điểm hành hương lớn của Rome. Mỗi chương trình bày tỏ vẻ đẹp ẩn giấu và tính biểu tượng được bộc lộ qua lăng kính hành hương.

Du khách được khuyến khích chia sẻ trải nghiệm hành hương của riêng họ, dù là thực tế trực tiếp hay thực tế ảo, trên mạng xã hội bằng cách sử dụng hashtag #FromTouristToPilgrim. Sáng kiến này hy vọng sẽ làm sống lại câu chuyện xoay quanh truyền thống xa xưa của cuộc hành hương đến Rome trước Năm Thánh 2025.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/3/2024]