Thứ Năm, 29 tháng 10, 2020

TOÀN VĂN TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Chúa Giêsu, người cầu nguyện

TOÀN VĂN TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Chúa Giêsu, người cầu nguyện


TOÀN VĂN TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Chúa Giêsu, người cầu nguyện

‘Xin anh chị em thứ lỗi nếu cha đi không xuống để chào anh chị em: cha chào anh chị em từ đây nhưng cha ôm lấy anh chị em trong lòng’

28 tháng Mười, 2020 12:28

STAFF REPORTER


Dưới đây là văn bản tiếng Anh của Vatican những lời của Đức Thánh Cha Phanxico trong buổi Tiếp Kiến Chung hôm nay, 28 tháng Mười năm 2020, trong Khán phòng Phaolô VI:

***

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO
TIẾP KIẾN CHUNG

Khán phòng Phaolô VI
Thứ Tư, 28 tháng Mười 2020


Bài giáo lý về việc cầu nguyện – 12. Chúa Giêsu, người cầu nguyện

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Như chúng ta đã thực hiện trong những buổi tiếp kiến chung trước, trong buổi tiếp kiến chung hôm nay cha sẽ ở lại đây. Cha rất muốn đi xuống và chào từng người trong anh chị em, nhưng chúng ta phải giữ khoảng cách, vì nếu cha đi xuống sẽ tạo thành một nhóm đông người chào đón cha, và việc này trái với các biện pháp và những đề phòng mà chúng ta phải thực hiện để đối phó với “Quý bà Covid”, và nó có hại cho chúng ta. Vì vậy, xin anh chị em thứ lỗi nếu cha đi không xuống để chào anh chị em: cha chào anh chị em từ đây nhưng cha ôm lấy anh chị em trong lòng, tất cả anh chị em. Về phần anh chị em, xin hãy ôm cha vào lòng, và cầu nguyện cho cha. Chúng ta có thể cầu nguyện cho nhau từ xa ... và cảm ơn sự thông cảm của anh chị em.

Trong hành trình giáo lý về cầu nguyện, sau khi đi qua Cựu Ước, bây giờ chúng ta đến với Chúa Giêsu. Và Chúa Giêsu cầu nguyện. Khởi đầu sứ vụ công khai của Ngài diễn ra với phép Rửa tại sông Giođan. Các tác giả Phúc âm đều đồng ý trong cách đặt tầm quan trọng nền tảng cho chương này. Các tác giả thuật lại việc tất cả mọi người đến với nhau trong lời cầu nguyện, và cho thấy rõ rằng sự tụ họp này có tính chất thú tội (xem Mc 1: 5; Mt 3: 8). Dân chúng đến gặp Gioan để được rửa tội, để được tha tội: nó mang tính thú tội, sám hối.

Do đó, hoạt động công khai đầu tiên của Chúa Giêsu là tham dự một buổi cầu nguyện chung của dân chúng, một buổi cầu nguyện của những người đến để chịu phép thánh tẩy, một buổi cầu nguyện sám hối, trong đó mọi người nhìn nhận mình là một tội nhân. Đây là lý do tại sao Gioan Tẩy giả lại phản đối, và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi” (Mt 3,14). Gioan Tẩy giả hiểu rằng đó chính là Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu vẫn khăng khăng: hành động của Ngài là một hành động vâng phục thánh ý của Chúa Cha (c. 5), một hành động liên đới với thân phận con người của chúng ta. Ngài cầu nguyện với những tội nhân của dân Chúa. Chúng ta hãy nhớ thật kỹ điều này: Chúa Giêsu là Đấng Công Chính, Ngài không phải là tội nhân. Nhưng Ngài muốn xuống với chúng ta là những người tội lỗi, và Ngài cầu nguyện với chúng ta, và khi chúng ta cầu nguyện, Ngài ở với chúng ta, cầu nguyện; Ngài ở với chúng ta vì Ngài ở trên trời đang cầu nguyện cho chúng ta. Chúa Giêsu luôn cầu nguyện với dân của Ngài, Ngài luôn cầu nguyện với chúng ta: luôn luôn. Chúng ta không bao giờ cầu nguyện một mình, chúng ta luôn cầu nguyện với Chúa Giêsu. Ngài không dừng lại phía bên kia sông – “Tôi là người công chính, các anh là người có tội” – để đánh dấu sự khác biệt và khoảng cách của Ngài với những người bất tuân, nhưng Ngài bước chân xuống cùng một dòng nước thanh tẩy. Ngài hành động như thể Ngài là một tội nhân. Và đây là sự vĩ đại của Thiên Chúa, Đấng đã sai Con của Người đến và tự hủy chính mình, và thể hiện như một tội nhân.

Chúa Giêsu không phải là một Thiên Chúa xa cách, và Ngài không thể như vậy. Sự nhập thể đã mạc khải Ngài một cách trọn vẹn và không thể tưởng tượng được về mặt con người. Vì vậy, khi bắt đầu sứ vụ của Ngài, Chúa Giêsu đặt bản thân Ngài vào hàng ngũ của một dân tộc sám hối, coi như Ngài chịu trách nhiệm mở một lối đi mà tất cả chúng ta phải can đảm vượt qua, theo sau Ngài. Nhưng con đường, hành trình này, thì khó khăn; nhưng Ngài đi trước mở đường. Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo giải thích rằng đây là sự mới mẻ của thời gian viên mãn. Lời dạy rằng: “Lời cầu nguyện hiếu thảo của Ngài, mà Chúa Cha chờ đợi từ con cái của Người, cuối cùng sẽ được sống thi hành bởi người Con Duy Nhất trong nhân tính của Ngài, sống cùng với con người và cho con người” (số 2599). Chúa Giêsu cầu nguyện với chúng ta. Chúng ta hãy ghi nhớ thật kỹ điều này trong tâm trí và trong tâm hồn của chúng ta: Chúa Giêsu cầu nguyện với chúng ta.

Vào ngày đó, trên bờ sông Giođan, có toàn thể nhân loại, với niềm khát khao cầu nguyện không diễn đạt thành lời. Trên tất cả là những con người tội lỗi: những người nghĩ rằng họ không được Thiên Chúa yêu thương, những người không dám bước qua ngưỡng cửa đền thờ, những người không cầu nguyện vì họ không xem mình là người xứng đáng. Chúa Giêsu đến cho tất cả mọi người, cho cả những người đó, và Ngài bắt đầu chính bằng cách hòa mình vào cùng với họ. Ở hàng đầu.

Đặc biệt, Tin Mừng Thánh Luca làm nổi bật bầu không khí cầu nguyện khi phép rửa của Chúa Giêsu diễn ra: “Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra” (3: 21). Bằng cách cầu nguyện, Chúa Giêsu mở cửa thiên đàng, và Thánh Thần ngự xuống từ đó. Và từ trên cao, một lời công bố sự thật tuyệt vời: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (c. 22). Câu nói đơn giản này chứa đựng một kho tàng vô cùng lớn lao; nó cho phép chúng ta trực cảm được điều gì đó về thừa tác vụ của Chúa Giêsu và trái tim của Ngài, luôn hướng về Chúa Cha. Trong vòng xoáy của cuộc đời và thế gian sẽ đến để kết án Ngài, ngay cả trong những thời khắc khó khăn và đau thương nhất mà Ngài sẽ phải gánh chịu, ngay cả khi Ngài thấy mình không có chỗ tựa đầu (x. Mt 8, 20), ngay cả khi hận thù và bắt bớ bủa vây Ngài, Chúa Giêsu không bao giờ không có nơi nương náu: đời đời Ngài ở trong Chúa Cha.

Đây là sự vĩ đại độc nhất của lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: Thánh Thần bao phủ lấy Ngài và tiếng của Chúa Cha chứng thực rằng Ngài là người Con yêu dấu, là người Con phản ánh trọn vẹn chính Người.

Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trên bờ sông Giođan hoàn toàn riêng tư – và vì thế sẽ là lời cầu nguyện cho toàn bộ đời sống trần thế của Ngài – Lễ Ngũ Tuần trở thành ơn cầu nguyện cho tất cả những ai được thánh tẩy trong Đức Kitô. Chính Ngài đã ban cho chúng ta món quà này, và Ngài mời gọi chúng ta cầu nguyện như Ngài đã cầu nguyện.

Vì vậy, nếu trong một buổi tối cầu nguyện mà chúng ta cảm thấy uể oải và trống rỗng, nếu chúng ta cảm thấy rằng cuộc sống đã hoàn toàn vô ích, thì ngay khi đó chúng ta phải nài xin rằng lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cũng trở thành lời cầu nguyện của riêng chúng ta. “Hôm nay tôi không thể cầu nguyện, tôi không biết phải làm gì: Tôi cảm thấy không thích, tôi không xứng đáng… [...] Và dâng mình cho Chúa, để Ngài cầu nguyện cho chúng ta. Ngay lúc này Ngài đang ở trước mặt Chúa Cha, cầu nguyện cho chúng ta, Ngài là Đấng chuyển cầu; Ngài trình bày những vết thương trước Chúa Cha, cho chúng ta. Chúng ta hãy vững tin vào điều đó, nó rất tuyệt vời. Và rồi chúng ta sẽ nghe thấy, nếu chúng ta đầy lòng tin cậy, thì chúng ta sẽ nghe thấy một tiếng từ trời, lớn hơn cả tiếng nói từ sâu thẳm của chúng ta, và chúng ta sẽ nghe thấy giọng nói này thì thầm những lời dịu dàng: “Con là người được Chúa yêu thương, con là một người con, con là niềm vui của Cha trên trời”. Với chúng ta, với mỗi người chúng ta, vang vọng lời của Chúa Cha: ngay cả khi chúng ta bị từ chối bởi tất cả, những tội nhân nặng nề nhất. Chúa Giêsu không xuống dòng sông Giođan cho riêng Ngài, nhưng cho tất cả chúng ta. Chính là toàn thể dân Chúa đã đến sông Giođan để cầu nguyện, để xin ơn tha thứ, để lãnh nhận phép rửa sám hối đó. Và như một nhà thần học đã nói, họ tiến đến sông Giođan với một “tâm hồn và đôi chân trần”. Đây là sự khiêm tốn. Cần phải khiêm tốn khi cầu nguyện. Ngài đã mở cửa các tầng trời, như ông Môisê mở dòng nước của Biển Đỏ, để tất cả chúng ta có thể đi qua theo sau Ngài. Chúa Giêsu đã ban tặng cho chúng ta lời cầu nguyện của chính Ngài, đó là cuộc đối thoại đằm thắm yêu thương của Ngài với Chúa Cha. Ngài đã ban tặng nó cho chúng ta như một hạt giống của Chúa Ba Ngôi, mà Ngài muốn nó bén rễ trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy chào đón Ngài! Chúng ta hãy chào đón ơn này, ơn cầu nguyện. Luôn luôn ở bên Ngài. Và chúng ta sẽ không lơ đãng. Cảm ơn anh chị em.

______________________________________________

LỜI KÊU GỌI

Cha xin chia sẻ nỗi đau đớn của các gia đình có những học sinh bị sát hại một cách tàn bạo hôm thứ Bảy tuần trước ở Kumba, Cameroon. Tôi thật không hiểu nổi trước một hành động tàn nhẫn và vô nghĩa như vậy, đã cướp đi những đứa trẻ vô tội ra khỏi cuộc sống khi các em đang học ở trường. Xin Chúa soi sáng những tâm hồn, để những hành động tương tự không bao giờ lặp lại, và các khu vực đau khổ thuộc miền tây bắc và tây nam của đất nước cuối cùng có thể tìm được bình yên! Tôi hy vọng rằng vũ khí sẽ im tiếng, và sự an toàn của tất cả mọi người cũng như quyền được học hành của người trẻ và tương lai có thể được đảm bảo. Cha bày tỏ tình thương mến với các gia đình, với thành phố Kumba và toàn thể nước Cameroon và cha khẩn xin sự an ủi mà chỉ Chúa mới có thể ban tặng.

___________________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha xin chào tất cả anh chị em hành hương và du khách nói tiếng Anh cùng tham dự buổi Tiếp kiến chung hôm nay với chúng ta. Xin niềm vui và sự bình an của Chúa Giêsu Kitô đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

[Bản dịch (ND: tiếng Anh) của Vatican]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/10/2020]


CHUYÊN MỤC: ‘Chúng ta cầu xin Thiên Chúa chịu đóng đinh ban cho chúng ta ơn hiệp nhất và huynh đệ hơn’ — Đức Giáo hoàng kêu gọi tại buổi Cầu nguyện cho Hòa bình của Sant’Egidio (3)

CHUYÊN MỤC: ‘Chúng ta cầu xin Thiên Chúa chịu đóng đinh ban cho chúng ơn hiệp nhất và huynh đệ hơn’ — Đức Giáo hoàng kêu gọi tại buổi Cầu nguyện cho Hòa bình của Sant’Egidio (3)

CHUYÊN MỤC: ‘Chúng ta cầu xin Thiên Chúa chịu đóng đinh ban cho chúng ta ơn hiệp nhất và huynh đệ hơn’ — Đức Giáo hoàng kêu gọi tại buổi Cầu nguyện cho Hòa bình của Sant’Egidio (3)

DIỄN TỪ TẠI BUỔI CẦU NGUYỆN CHO HÒA BÌNH – Nghi thức diễn ra an toàn trong Điện Capitol của Ý giữa Đại dịch

20 tháng Mười, 2020 17:02

DEBORAH CASTELLANO LUBOV

 

Trong diễn từ tại Campidoglio, Đức Giáo Hoàng bày tỏ lòng biết ơn của mình, bất kể có những khó khăn trong việc đi lại trong thời gian này, các nhà lãnh đạo đức tin khác, cùng với ngài, đều muốn tham dự vào buổi gặp gỡ cầu nguyện này. Ngài nói, Cuộc Gặp gỡ Assisi và tầm nhìn về hòa bình của nó “chứa đựng một hạt giống tiên tri, mà nhờ ơn Chúa, đã từng bước trưởng thành qua những cuộc gặp gỡ chưa từng có, những hành động xây dựng hòa bình và những sáng kiến mới mẻ của tình huynh đệ”.

CHUYÊN MỤC: ‘Chúng ta cầu xin Thiên Chúa chịu đóng đinh ban cho chúng ơn hiệp nhất và huynh đệ hơn’ — Đức Giáo hoàng kêu gọi tại buổi Cầu nguyện cho Hòa bình của Sant’Egidio (3)

Ngài thừa nhận, mặc dù những năm qua đã chứng kiến các biến cố đau đớn, “bao gồm các cuộc xung đột, khủng bố và chủ nghĩa cấp tiến, đôi khi nhân danh tôn giáo, chúng ta cũng phải công nhận những bước đi hiệu quả đã đạt được trong việc đối thoại giữa các tôn giáo. Đây là một dấu chỉ của hy vọng khuyến khích chúng ta tiếp tục hợp tác như anh chị em”. Đức Giáo hoàng lưu ý, một kết quả của cuộc đối thoại hiệu quả này đã đạt đến trong Văn kiện quan trọng về Tình huynh đệ Nhân loại vì nền Hòa bình Thế giới và Chung sống, mà ngài đã ký vào năm 2019 tại Abu Dhabi với Đức Đại Imam của Đại học Al-Azhar, Ahmad Al-Tayyeb.

Dưới đây là văn bản của Vatican (ND: bản tiếng Anh) toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha tại Buổi Cầu nguyện cho Hòa bình tại Campidoglio:

***

DIỄN TỪ TẠI BUỔI CẦU NGUYỆN CHO HÒA BÌNH – Piazza del Campidoglio

Anh chị em thân mến,

Tôi vui mừng và tạ ơn Chúa vì tại đây trên Đồi Capitoline này, trung tâm của thành phố Roma, tôi có thể gặp gỡ các bạn là những nhà lãnh đạo tôn giáo cao quý, các vị chức trách dân sự và rất nhiều bạn bè yêu chuộng hòa bình. Chúng ta đã cầu nguyện cho hòa bình bên nhau. Tôi xin kính chào ngài Sergio Mattarella đáng kính là Tổng thống nước Cộng hòa Ý. Tôi vô cùng hạnh phúc vì một lần nữa tôi được gặp Đức Thượng phụ Đại kết, là Đức Bartholomewolins. Điều tôi biết ơn nhất đó là cho dù có những khó khăn trong việc đi lại trong những ngày này, ngài và các nhà lãnh đạo khác đều đến tham dự buổi gặp gỡ cầu nguyện này. Theo tinh thần của Cuộc gặp gỡ Assisi do Thánh Gioan Phaolô II kêu gọi vào năm 1986, Cộng đoàn Sant’Egidio tổ chức hàng năm tại các thành phố khác nhau, giờ cầu nguyện và đối thoại cho hòa bình giữa các tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau.

Cuộc Gặp gỡ Assisi và tầm nhìn về hòa bình của nó chứa đựng một hạt giống tiên tri, mà nhờ ơn Chúa, đã từng bước trưởng thành qua những cuộc gặp gỡ chưa từng có, những hành động xây dựng hòa bình và những sáng kiến mới mẻ của tình huynh đệ. Mặc dù những năm qua đã chứng kiến các biến cố đau đớn, bao gồm các cuộc xung đột, khủng bố và chủ nghĩa cấp tiến, đôi khi nhân danh tôn giáo, nhưng chúng ta cũng phải công nhận những bước đi hiệu quả đã đạt được trong việc đối thoại giữa các tôn giáo. Đây là một dấu chỉ của hy vọng khuyến khích chúng ta tiếp tục hợp tác như anh chị em. Theo cách này, chúng tôi đã tiến đến được Tài liệu quan trọng về Tình huynh đệ của Nhân loại vì nền Hòa bình Thế giới và sự Chung sống, mà tôi đã ký với Đức Ahmad Al-Tayyeb, Đại Imam của Đại học Al-Azhar, vào năm 2019.

Thật vậy, “điều răn về hòa bình được khắc sâu trong các truyền thống tôn giáo” (Tông huấn Fratelli Tutti, 284). Các tín đồ đã hiểu rằng sự khác biệt tôn giáo không biện minh cho sự thờ ơ hay thù hằn. Đúng hơn, trên nền tảng niềm tin tôn giáo của mình, chúng ta có khả năng trở thành những người kiến tạo hòa bình, thay vì bị động đứng trước cái ác của chiến tranh và hận thù. Các tôn giáo đứng lên phục vụ cho hòa bình và tình huynh đệ. Vì lý do này, cuộc họp mặt hiện tại của chúng ta cũng thể hiện một sự khích lệ cho các nhà lãnh đạo tôn giáo và tất cả các tín đồ nhiệt thành cầu nguyện cho hòa bình, không bao giờ cam chịu chiến tranh, nhưng làm việc với sức mạnh nhẹ nhàng của đức tin để chấm dứt xung đột.

Chúng ta cần hòa bình! Hòa bình nhiều hơn! “Chúng ta không thể thờ ơ. Ngày nay thế giới vô cùng khát khao hòa bình. Ở nhiều quốc gia, con người đang phải gánh chịu đau khổ do chiến tranh và nó luôn là nguyên nhân của đau khổ và nghèo đói, mặc dù thường bị lãng quên” (Diễn từ trước những người tham gia Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Hòa bình, Assisi, 20 tháng Một năm 2016). Thế giới, đời sống chính trị và công luận đều có nguy cơ ngày càng trở nên quen thuộc với sự ác của chiến tranh, coi nó đơn giản như là một phần của lịch sử nhân loại. “Chúng ta đừng sa lầy vào các cuộc tranh luận mang tính lý thuyết, mà hãy chạm vào da thịt bị thương tổn của các nạn nhân… Chúng ta hãy nghĩ đến những người tị nạn và di tản, những người chịu ảnh hưởng của bức xạ nguyên tử hoặc các cuộc tấn công hóa học, những bà mẹ mất con, và những bé trai và bé gái bị tàn tật hoặc bị tước đoạt mất tuổi thơ” (Tông huấn Fratelli Tutti, 261). Ngày nay, những đau khổ của chiến tranh càng trở nên trầm trọng hơn bởi những đau khổ do coronavirus gây ra, và không có khả năng tiếp cận với sự chăm sóc cần thiết ở nhiều quốc gia.

Trong khi đó, các cuộc xung đột vẫn tiếp diễn, mang đến cho họ đau khổ và cái chết. Chấm dứt chiến tranh là một nhiệm vụ trọng đại trước mặt Chúa đối với tất cả những người nắm giữ trách nhiệm chính trị. Hòa bình là ưu tiên của mọi nền chính trị. Chúa sẽ hỏi trách nhiệm nơi những người thất bại trong việc tìm kiếm hòa bình, hoặc những người tạo ra căng thẳng và xung đột. Người sẽ bắt họ phải giải thích về tất cả những ngày, tháng và năm của chiến tranh mà các dân tộc trên thế giới phải gánh chịu!

Những lời Chúa Giêsu nói với Phêrô thật sâu sắc và đầy khôn ngoan: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26:52). Những ai sử dụng gươm, có thể vì tin rằng nó sẽ giải quyết các tình huống khó khăn một cách nhanh chóng, sẽ biết được cái chết do thanh gươm mang lại trong cuộc sống của chính họ, trong cuộc sống của những người thân, và đời sống của đất nước họ. “Đủ rồi!” Chúa Giêsu nói (Lc 22,38), khi các môn đệ đưa ra hai thanh gươm trước cuộc Khổ nạn. “Đủ rồi!” Đó là phản ứng rất rõ ràng của Ngài trước bất kỳ hình thức bạo lực nào. Một lời duy nhất đó của Chúa Giêsu vang vọng qua nhiều thế kỷ và đến với chúng ta một cách mạnh mẽ trong thời đại của chúng ta: đã đủ gươm giáo rồi, đủ vũ khí, bạo lực và chiến tranh rồi!

Thánh Phaolô VI đã lặp lại lời đó trong lời kêu gọi của ngài tại Liên Hợp Quốc năm 1965: “Chiến tranh đã đủ rồi!” Đây là lời khẩn cầu của chúng tôi, và của tất cả những người nam và nữ thiện chí. Đó là ước mơ của tất cả những ai nỗ lực và làm việc vì hòa bình khi nhận ra rằng “mọi cuộc chiến tranh đều khiến thế giới của chúng ta trở nên tồi tệ hơn trước” (Tông huấn Fratelli Tutti, 261).

Tình huynh đệ, được sinh ra từ nhận thức rằng chúng ta là một gia đình nhân loại duy nhất, phải thấm nhập vào đời sống của các dân tộc, các cộng đồng, các nhà lãnh đạo chính phủ và hội đồng quốc tế. Điều này giúp tất cả mọi người hiểu rằng chúng ta chỉ có thể được cứu thoát cùng nhau thông qua việc gặp gỡ và đối thoại, gạt bỏ những xung khắc và theo đuổi hòa giải, làm dịu bớt ngôn ngữ chính trị và tuyên truyền, và phát triển những con đường hòa bình thực sự (x. Fratelli Tutti, 231).

Chúng ta tập trung tối nay, với tư cách là những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau, để gửi đi một thông điệp hòa bình. Để cho thấy rõ ràng rằng các tôn giáo không muốn chiến tranh, và thực sự không công nhận những kẻ nuôi dưỡng bạo lực. Các tôn giáo yêu cầu mọi người cầu nguyện cho sự hòa giải và cố gắng tạo điều kiện cho tình huynh đệ có thể mở ra những con đường hy vọng mới. Thật vậy, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta sẽ có thể xây dựng một thế giới hòa bình, và nhờ đó được cứu thoát cùng nhau.

***

ON THE NET:
FOLLOW LIVE, on WEBSITE OF COMMUNITY OF SANT’EGIDIO:


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/10/2020]