Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018

Toàn Văn Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ Dâng Chúa Giê-su trong Đền Thánh

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ Dâng Chúa Giê-su trong Đền Thánh (Toàn Văn)

Ngày Thế giới Đời sống Tận hiến lần thứ 22

2 tháng Hai, 2018
Toàn Văn Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ Dâng Chúa Giê-su trong Đền Thánh
Vatican Media Screenshot
Ngày 2 tháng Hai, 2018, Đức Thánh Cha Phanxico cử hành Lễ Dâng Chúa Giê-su trong Đền Thánh và Ngày Thế giới Đời sống Tận hiến lần thứ 22. Thánh Lễ được cử hành trong Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô với thành viên của các Dòng tu sống Đời Tận hiến và Hiệp hội Đời sống Tông đồ.


Dưới đây là văn bản bài giảng của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp:

Bốn mươi ngày sau Giáng sinh, chúng ta mừng Chúa đi vào Đền thờ và gặp gỡ dân Người. Trong Giáo hội Ki-tô Đông phương, Lễ này được gọi là “Lễ Gặp gỡ”: đó là sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa, Đấng đã trở thành một Hài nhi để đem những điều mới lạ đến cho thế giới, và nhân loại đang đợi mong, đại diện là hai ông bà già trong Đền thờ.

Trong Đền thờ có một sự gặp gỡ khác giữa hai đôi vợ chồng: Maria và Giu-se trẻ trung, và ông già Si-mê-on và bà An-na. Người già đón nhận người trẻ, và người trẻ học lấy nơi người già. Trong Đền thờ, Maria và Giu-se tìm được những nguồn cội của dân tộc. Điều này rất quan trọng vì lời hứa của Thiên Chúa không hoàn thiện nơi cá nhân con người, không phải một lần cho tất cả, nhưng trong một cộng đoàn và xuyên suốt lịch sử. Cũng ở đó, Maria và Giu-se tìm được những nguồn cội của đức tin, vì đức tin không phải là một điều gì đó học từ sách vở, nhưng là cách sống với Thiên Chúa lấy từ kinh nghiệm của những người đã đi trước chúng ta. Hai người trẻ khi gặp gỡ hai người già đã tìm được chính mình. Và hai người già, đến cuối đời của họ, đón nhận được Chúa Giê-su là ý nghĩa cho cuộc sống của họ. Biến cố này làm trọn vẹn lời tiên tri của Giô-en: “Người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến” (2:28). Trong cuộc gặp gỡ này, người trẻ nhìn thấy sứ mạng của họ và người già tìm thấy được ước mơ của họ. Tất cả vì Chúa Giê-su là trung tâm điểm của cuộc gặp gỡ.

Thưa anh chị em sống đời tận hiến, chúng ta hãy nhìn vào cuộc sống riêng của chúng ta. Mọi sự đều bắt đầu từ việc gặp gỡ với Thiên Chúa. Hành trình đời tận hiến của chúng ta bắt đầu từ một cuộc gặp gỡ và một tiếng gọi. Chúng ta phải ghi nhớ điều này. Và nếu chúng ta nhớ đúng, chúng ta sẽ nhận thấy rằng trong sự gặp gỡ đó chúng ta không chỉ gặp gỡ một mình với Chúa Giê-su; có dân Chúa, có Giáo hội, người trẻ và người già, giống như trong Tin mừng hôm nay. Một điều đáng chú ý là trong khi đôi vợ chồng trẻ Maria và Giu-se trung thành thi hành Lề luật và không nói gì,– Tin mừng kể cho chúng ta điều này bốn lần – thì ông già Si-mê-on và bà An-na hối hả và nói về tương lai. Lẽ ra là phải ngược lại. Thông thường người trẻ hay nói một cách say sưa về tương lai, trong khi người già thì bảo vệ quá khứ. Trong Tin mừng, việc xảy ra ngược lại, vì khi chúng ta gặp gỡ nhau trong Đức Giê-su thì Chúa liền cho những điều ngạc nhiên xảy ra.

Để điều này có thể xảy ra trong đời sống tận hiến, chúng ta phải nhớ rằng chúng ta không thể canh tân lại sự gặp gỡ với Đức Ki-tô mà không có người khác; chúng ta không thể bỏ người khác lại sau lưng, không bao giờ bỏ qua các thế hệ, nhưng phải đồng hành với người khác mỗi ngày, luôn đặt Thiên Chúa ở trung tâm. Vì nếu người trẻ được kêu gọi mở ra những cánh cửa mới, thì người già có chìa khóa. Một dòng tu luôn giữ được sự trẻ trung bằng cách trở về với nguồn cội, bằng cách lắng nghe những thành viên lớn tuổi. Không có một tương lai nào mà không có sự gặp gỡ giữa người già và người trẻ. Sẽ không có sự phát triển nếu không có gốc rễ và sẽ không có hoa nở nếu không có các chồi non. Không bao giờ có lời tiên tri nếu không có sự ghi nhớ, hoặc sự ghi nhớ lại không có tiên tri, và sự gặp gỡ cứ liên tục.


Tốc độ quay cuồng của ngày nay khiến chúng ta đóng chặt nhiều cánh cửa gặp gỡ, thường là vì e sợ người khác. Chỉ có các trung tâm mua sắm và đường truyền internet là luôn luôn mở. Nhưng đó không phải là cách nên làm của đời sống tận hiến: người anh em chị em được Thiên Chúa trao tặng cho tôi là một phần lịch sử của tôi, là những món quà được yêu mến. Mong sao chúng ta đừng bao giờ nhìn vào màn hình điện thoại nhiều hơn là nhìn vào đôi mắt của những anh em chị em của chúng ta, hoặc tập trung nhiều vào các phần mềm vi tính hơn là vào Thiên Chúa. Vì bất cứ khi nào chúng ta đặt ra những dự án riêng cho mình, các phương pháp và tổ chức nằm ở trung tâm điểm, thì đời sống tận hiến không còn cuốn hút nữa: nó không còn muốn chuyện trò với người khác; nó không còn phát triển tốt tươi nữa vì nó quên nền tảng chính của nó, quên nguồn cội của nó.

Đời sống tận hiến sinh và tái sinh trong sự gặp gỡ với chính con người của Chúa Giê-su: nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục. Chúng ta đang trên lối đi có hai làn đường: về một mặt là sáng kiến yêu thương của Thiên Chúa, mà từ đó mọi sự được bắt đầu và đó là điều chúng ta luôn luôn phải trở lại; về mặt khác là sự đáp lời của chúng ta, đó là sự yêu thương thực sự khi nó không có những chữ “nếu” hay “nhưng,” khi nó biết bắt chước Chúa Giê-su trong sự nghèo khó, khiết tịnh, và sự vâng phục của Người. Khi cuộc sống của trần gian này muốn cầm giữ chúng ta, thì đời sống tận hiến biến đổi từ của cải chóng qua tiến đến việc ôm lấy Đấng trường tồn. Đời sống của trần gian này theo đuổi những thú vui và đam mê ích kỷ; đời sống tận hiến giải thoát những khát khao sở hữu để đạt được tình yêu trọn vẹn với Thiên Chúa và tha nhân. Mục tiêu của cuộc sống trần thế là làm bất kỳ điều gì chúng ta muốn; đời sống tận hiến chọn sự vâng phục khiêm nhường như là sự tự do. Và khi cuộc sống trần gian nhanh chóng để lại sự trống rỗng cho đôi tay và tâm hồn chúng ta, thì đời sống trong Chúa Giê-su đổ đầy sự bình an cho đến tận cùng, như trong Tin mừng, khi ông già Si-mê-on và bà An-na bước đến niềm hạnh phúc trong buổi xế chiều của cuộc sống, với Chúa Giê-su trong vòng tay của họ và niềm hân hoan trong tâm hồn.

Thật tốt lành biết bao cho chúng ta khi biết ẵm Chúa “trong vòng tay chúng ta” (Lc 2:28), như ông già Si-mê-on. Không chỉ trong trí óc và trong tâm hồn nhưng cả “trong đôi tay của chúng ta,” trong mọi việc chúng ta làm: trong lời cầu nguyện, tại nơi làm việc, tại bàn ăn, trên điện thoại, tại trường học, với người nghèo, ở mọi nơi. Ẵm Chúa “trong vòng tay của chúng ta” là một liều thuốc giải cho chủ nghĩa thần bí hẹp hòi và chủ nghĩa tích cực điên cuồng vì sự gặp gỡ đích thật với Chúa Giê-su sửa chữa cho cả sự mộ đạo ru ngủ và sự điên cuồng làm đảo lộn mọi thứ. Tận hưởng sự gặp gỡ với Chúa Giê-su cũng là một liều thuốc chữa trị cho chứng tê liệt theo thói quen, vì nó sẽ mở lối cho “sự tàn phá” ơn sủng mỗi ngày. Bí quyết để làm bùng lên ngọn lửa của đời sống thiêng liêng là sự sẵn sàng bản thân đến gặp gỡ Chúa Giê-su và được Người gặp gỡ; nếu không chúng ta sẽ rơi vào đời sống lịm dần, trong đó sự cáu kỉnh, sự cay đắng và những chán nản không tránh khỏi sẽ tận dụng chúng ta. Để gặp gỡ người khác như anh em chị em trong Đức Giê-su, trẻ tuổi và già, từ đó bỏ đi lối nói khô khan “những ngày xưa tốt đẹp ấy” và làm cho những người tin rằng “mọi việc sẽ đi sai đường từ đây” phải im lặng. Nếu chúng ta gặp gỡ Chúa Giê-su và anh chị em chúng ta trong những biến cố hàng ngày của cuộc sống, tâm hồn chúng ta sẽ không còn bị gắn chặt vào quá khứ hay tương lai nhưng sẽ trải nghiệm “ngày hôm nay của Thiên Chúa” trong bình an với mọi người.

Cuối các Tin mừng, có một sự gặp gỡ khác với Chúa Giê-su linh hứng cho đời sống tận hiến. Đó là sự gặp gỡ của những người phụ nữ trước ngôi mộ. Họ đến để gặp một người chết; chuyến đi của họ dường như vô ích. Cũng vậy anh chị em đang lội ngược dòng: cuộc sống trần gian dễ dàng chối bỏ sự nghèo túng, khiết tịnh, và vâng phục. Nhưng giống như những phụ nữ đó vẫn tiếp tục tiến bước, chẳng màng đến những tảng đá lớn cần phải được đẩy ra (x. Mc 16:3). Và như những người phụ nữ đó, hãy là những người đầu tiên đến gặp Đức Ki-tô, phục sinh và đang sống. Bấu víu lấy Ngài (x. Mt 28:9) và ngay lập tức chạy đi báo tin cho anh em chị em, đôi mắt rực sáng niềm vui (x. c. 8). Bằng cách đó, anh chị em là ánh bình minh bất tận của Giáo hội. Cha yêu cầu anh chị em hãy làm mới lại điều này trong lần gặp gỡ ban đầu với Chúa Giê-su, để cùng đồng hành tiến về với Ngài. Và điều này sẽ làm đôi mắt anh chị em rực sáng lên và bước chân anh chị em thêm vững mạnh.

[00191-EN.01] [Văn bản gốc: tiếng Ý]


© Libreria Editrice Vatican

JF


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/2/2018]


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 29 tháng Một đến 02 tháng Hai, 2018

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 29 tháng Một đến 02 tháng Hai, 2018

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 29 tháng Một đến 02 tháng Hai, 2018

29 tháng Một: Qua sự cầu nguyện chúng ta bước vào mối quan hệ vững chắc với Thiên Chúa, nguồn mạch của niềm vui đích thực.

30 tháng Một: Không thể đạt được điều thiện, cùng với tình yêu, công bằng và tình liên đới một lần và cho tất cả; chúng phải được thực hiện mỗi ngày.

31 tháng Một: Chúa Giê-su là Đấng trung gian cho chúng ta, Đấng không những hòa giải chúng ta với Chúa Cha nhưng cả với tha nhân.

1 tháng Hai: Một đức tin không làm chúng ta băn khoăn là một đức tin có vấn đề. Một đức tin không làm chúng ta phát triển là một đức tin cần được phát triển.

2 tháng Hai: Mong sao mọi người đến với Đức Ki-tô, Ánh sáng của Sự thật, và mong sao thế giới thăng tiến trên con đường công bằng và hòa bình.


[Nguồn: twitter]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 3/2/2018]