Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2021

Bài giảng của Đức Thánh Cha Thánh Lễ trong Sân vận động Franso Hariri ở Erbil, Iraq

Bài giảng của Đức Thánh Cha Thánh Lễ trong Sân vận động Franso Hariri ở Erbil, Iraq

Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Iraq

[5-8 tháng Ba 2021]

Thánh Lễ

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Sân vận động “Franso Hariri” ở Erbil

Chúa nhật, 7 tháng Ba, 2021



Thánh Phaolô đã nói với chúng ta rằng “Đức Kitô là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cr 1,22-25). Chúa Giêsu đã cho thấy sức mạnh và sự khôn ngoan đó trên hết bằng cách ban ơn tha thứ và thể hiện lòng thương xót. Ngài chọn làm như vậy không phải bằng việc phô trương uy lực hay bằng cách nói với chúng ta từ trên cao, bằng những bài diễn văn dài dòng và uyên bác. Ngài làm điều đó bằng cách hiến mạng sống mình trên thập giá. Ngài đã mạc khải sự khôn ngoan và sức mạnh của Ngài bằng cách cho chúng ta thấy sự trung tín của tình yêu thương của Thiên Chúa cho đến cùng; sự trung tín của Thiên Chúa của giao ước, Đấng đã đưa dân Người ra khỏi ách nô lệ và dẫn dắt họ trên hành trình tự do (xem Xh 20, 1-2).

Thật dễ dàng rơi vào cạm bẫy khi nghĩ rằng chúng ta phải chứng tỏ cho người khác thấy rằng chúng ta là mạnh mẽ hoặc khôn ngoan, rơi vào cái bẫy của việc tạo ra những hình ảnh giả tạo về Thiên Chúa có thể mang lại cho chúng ta sự an toàn (xem Xh 20, 4-5). Tuy nhiên, sự thật là tất cả chúng ta cần sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa được Chúa Giêsu mạc khải trên thập giá. Trên đồi Canvê, Người đã dâng lên Chúa Cha những vết thương mà chỉ nhờ những vết thương đó chúng ta mới được chữa lành (xem 1 Pr 2:24). Ở Iraq đây, biết bao nhiêu anh chị em, bạn bè và đồng bào của anh chị em đang mang những vết thương của chiến tranh và bạo lực, những vết thương cả hữu hình và vô hình! Sự cám dỗ thúc đẩy đáp trả lại những điều này và những kinh nghiệm đau đớn khác bằng sức mạnh của con người, bằng sự khôn ngoan của con người. Thay vì vậy, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta con đường của Thiên Chúa, con đường mà Ngài đã đi, con đường mà Ngài kêu gọi chúng ta đi theo Ngài.

Trong bài đọc Tin Mừng chúng ta vừa nghe (Ga 2,13-25), chúng ta thấy cách Chúa Giêsu đuổi những kẻ đổi tiền và tất cả những kẻ mua bán ra khỏi Đền thờ ở Giêrusalem. Tại sao Chúa Giêsu lại làm điều rất mạnh tay và khiêu khích như vậy? Ngài làm điều đó bởi vì Chúa Cha đã sai Ngài đến để thanh tẩy đền thờ: không chỉ là Đền thờ bằng đá, nhưng trên hết là đền thờ của tâm hồn chúng ta. Chúa Giêsu không thể chấp nhận việc nhà của Cha Ngài trở thành chốn chợ búa (xem Ga 2,16); Ngài cũng không muốn tâm hồn chúng ta trở thành nơi hỗn loạn, lộn xộn và rối ren. Tâm hồn chúng ta phải được tẩy sạch, trật tự và tinh sạch. Về những điều gì? Về những sự giả dối làm vấy bẩn nó, về tính hai mặt giả hình. Tất cả chúng ta đều có những thứ này. Chúng là những căn bệnh gây hại cho tâm hồn, làm nhơ bẩn cuộc sống của chúng ta và khiến chúng trở nên thiếu chân thành. Chúng ta cần phải được tẩy sạch những sự an toàn lừa bịp có thể đánh đổi niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa bằng những điều chóng qua, với những lợi thế tạm thời. Chúng ta cần phải quét sạch khỏi tâm hồn chúng ta và khỏi Giáo hội những cám dỗ tầm thường về quyền lực và tiền bạc. Để làm sạch lòng mình, chúng ta cần phải làm bẩn đôi bàn tay của mình, cảm thấy có trách nhiệm chứ không chỉ đơn giản khoanh tay đứng nhìn khi anh chị em của chúng ta đang đau khổ. Làm thế nào để chúng ta thanh tẩy tâm hồn của chúng ta? Bằng nỗ lực của riêng mình, chúng ta không thể; chúng ta cần Chúa Giêsu. Ngài có sức mạnh để chiến thắng những sự dữ của chúng ta, để chữa lành bệnh tật của chúng ta, để xây dựng lại đền thờ tâm hồn của chúng ta.

Bài giảng của Đức Thánh Cha Thánh Lễ trong Sân vận động Franso Hariri ở Erbil, Iraq

Để cho thấy điều này, và như một dấu hiệu quyền năng của Ngài, Chúa Giêsu tiếp tục nói: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (câu 19). Chỉ một mình Chúa Giêsu Kitô có thể rửa sạch chúng ta khỏi những công việc của sự dữ. Chúa Giêsu, Đấng đã chết và đã sống lại! Chúa Giêsu, là Chúa! Thưa anh chị em, Chúa không để chúng ta chết trong tội lỗi của mình. Ngay cả khi chúng ta quay lưng lại với Ngài, Ngài cũng không bao giờ rời bỏ chúng ta với những mưu chước của riêng mình. Người tìm kiếm chúng ta, đi theo chúng ta, để kêu gọi chúng ta ăn năn và tẩy rửa tội lỗi của chúng ta. Chúa phán: “Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống” (Ed 33:11). Chúa muốn chúng ta được cứu thoát và trở thành đền thờ sống động cho tình yêu của Người, trong tình huynh đệ, trong sự phục vụ, trong lòng thương xót.

Chúa Giêsu không chỉ rửa sạch tội lỗi cho chúng ta, mà còn ban cho chúng ta sức mạnh và sự khôn ngoan của Ngài. Ngài giải phóng chúng ta khỏi những quan niệm hẹp hòi và bất đồng về gia đình, đức tin và cộng đồng gây chia rẽ, chống đối và loại trừ, để chúng ta có thể xây dựng một Giáo hội và một xã hội rộng mở cho mọi người và quan tâm đến những anh chị em thiếu thốn nhất. Đồng thời, Ngài tăng sức mạnh cho chúng ta để chống lại cám dỗ tìm cách trả thù, là điều chỉ đẩy chúng ta vào vòng xoáy không dứt của những cuộc trả thù. Trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, Người sai chúng ta ra đi, không phải với tư cách là những người chiêu mộ tín đồ, nhưng với tư cách là những môn đệ rao giảng, những người nam và người nữ được gọi để làm chứng cho sức mạnh thay đổi đời sống của Tin Mừng. Thiên Chúa Phục sinh làm cho chúng ta trở thành khí cụ của lòng thương xót và hòa bình của Chúa, trở thành những nghệ nhân kiên trì và can đảm của một trật tự xã hội mới. Bằng cách này, nhờ quyền năng của Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần, những lời tiên tri của Thánh Tông đồ Phaolô gửi tín hữu Côrintô được ứng nghiệm: “Cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 1: 25). Các cộng đoàn Kitô giáo gồm những con người đơn sơ và thấp hèn trở thành dấu chỉ cho thấy vương quốc của Ngài sắp đến, một vương quốc của tình yêu, công lý và hòa bình.

Bài giảng của Đức Thánh Cha Thánh Lễ trong Sân vận động Franso Hariri ở Erbil, Iraq

“Cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19). Chúa Giêsu nói về đền thờ là thân thể của Ngài, và cùng là về Giáo hội. Chúa hứa với chúng ta rằng, nhờ sức mạnh phục sinh, Ngài có thể nâng chúng ta, và các cộng đoàn của chúng ta, vượt lên khỏi đống đổ nát do những bất công, chia rẽ và hận thù để lại. Đó là lời hứa mà chúng ta cử hành trong Thánh Lễ này. Với con mắt đức tin, chúng ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa bị đóng đinh và phục sinh ở giữa chúng ta. Và chúng ta học cách đón nhận sự khôn ngoan giải thoát của Ngài, để nghỉ ngơi trong những vết thương của Ngài, và tìm thấy sự chữa lành và sức mạnh để phục vụ cho vương quốc của Ngài đến trong thế giới của chúng ta. Nhờ những vết thương của Ngài, chúng ta đã được chữa lành (xem 1 Pr 2:24). Trong những vết thương đó, thưa anh chị em, chúng ta tìm thấy sự xoa dịu của tình yêu thương xót của Ngài. Với Ngài, giống như người Samari nhân hậu của nhân loại, muốn xức dầu cho mọi vết thương, để chữa lành mọi ký ức đau đớn và truyền cảm hứng cho một tương lai hòa bình và huynh đệ trên vùng đất này.

Giáo hội ở Iraq, nhờ ơn Chúa, đã liên tục làm rất nhiều để công bố sự khôn ngoan tuyệt vời này của thập giá bằng cách loan truyền lòng thương xót và sự tha thứ của Đức Kitô, đặc biệt là đối với những người thiếu thốn nhất. Ngay cả trong bối cảnh nghèo khổ và khó khăn, nhiều người trong anh chị em đã rộng rãi giúp đỡ cụ thể và thể hiện tình liên đới với người nghèo và người đau khổ. Đó là một trong những lý do khiến tôi đến đây như một người hành hương ở giữa anh chị em, để cảm ơn và củng cố anh chị em trong đức tin và chứng tá của mình. Hôm nay, trước hết tôi có thể nhìn thấy Giáo hội ở Iraq đang sống, thấy Đức Kitô đang sống và đang hoạt động qua điều này, trong dân tộc thánh thiện và trung thành của Ngài.

Bài giảng của Đức Thánh Cha Thánh Lễ trong Sân vận động Franso Hariri ở Erbil, Iraq

Anh chị em thân mến, tôi phó thác anh chị em, gia đình và cộng đoàn của anh chị dưới sự bảo vệ theo tình mẫu tử của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã kết hợp với Con của Mẹ trong cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài, và là Đấng đã chia sẻ niềm vui phục sinh của Ngài. Xin Mẹ cầu bầu cho chúng ta và dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Kitô, là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Bài giảng của Đức Thánh Cha Thánh Lễ trong Sân vận động Franso Hariri ở Erbil, Iraq

Lời chào của Đức Thánh Cha Phanxicô cuối Thánh Lễ ở Erbil

Tôi xin gửi lời chào thân ái đến Đức Giáo chủ Mar Gewargis III, Thượng phụ Giáo hội Phương Đông Assyria, người cư ngụ trong thành phố này và cho chúng ta niềm vinh hạnh bằng sự hiện diện của ngài. Thưa hiền huynh, xin cảm ơn hiền huynh! Cùng với ngài, tôi ôm lấy những người Kitô hữu thuộc các giáo phái khác nhau: rất nhiều người trong số họ đã đổ máu của mình trên đất này! Tuy nhiên các vị tử đạo của chúng ta cùng nhau tỏa sáng như những vì sao trên cùng một bầu trời! Từ trên cao họ kêu gọi chúng ta cùng nhau bước đi, không ngại ngần, hướng tới sự hiệp nhất trọn vẹn.

Kết thúc Thánh Lễ này, tôi xin cảm ơn Đức Tổng Giám mục Bashar Matti Warda cũng như Đức Cha Nizar Semaan và các huynh đệ Giám mục khác của tôi, những người đã làm việc rất nhiều cho chuyến Tông du này. Tôi xin cảm ơn tất cả anh chị em đã chuẩn bị và đồng hành cùng chuyến thăm của tôi bằng lời cầu nguyện và sự chào đón rất nồng nhiệt. Tôi xin gửi lời chào những người Kurd yêu quý một cách đặc biệt. Tôi đặc biệt cảm ơn chính quyền và các cơ quan dân sự vì sự đóng góp không thể thiếu của họ, và tôi cảm ơn tất cả những người bằng nhiều cách khác nhau đã hợp tác tổ chức toàn bộ Hành trình ở Iraq, các giới chức của Iraq – tất cả họ – và nhiều thiện nguyện viên. Tôi xin chân thành cảm ơn tất cả các bạn!

Trong thời gian của tôi ở giữa các bạn, tôi đã nghe thấy những tiếng nói đau buồn và mất mát, nhưng cũng có những tiếng nói của hy vọng và an ủi. Điều này phần lớn là do hoạt động từ thiện được thực hiện không mệt mỏi bởi các tổ chức tôn giáo của mọi nền tảng tuyên xưng, các Giáo hội địa phương của các bạn, và các tổ chức bác ái khác nhau hỗ trợ người dân của đất nước này trong công cuộc tái thiết và tái sinh xã hội. Đặc biệt, tôi cảm ơn các thành viên của tổ chức ROACO và các cơ quan mà họ đại diện.

Giờ đây, sắp đến lúc tôi phải trở lại Roma. Tuy nhiên, Iraq sẽ luôn ở trong tôi, trong trái tim của tôi. Thưa anh chị em, tôi xin tất cả các anh chị em hãy cùng nhau làm việc trong tình hiệp nhất vì một tương lai hòa bình và thịnh vượng, không bỏ rơi một ai và không phân biệt đối xử người nào. Tôi sẽ dâng lời cầu nguyện cho đất nước thân yêu này. Đặc biệt, tôi nguyện xin rằng thành viên của các cộng đồng tôn giáo khác nhau, cùng với tất cả những người thiện chí, có thể chung sức làm việc để xây dựng những mối dây ràng buộc của tình huynh đệ và tình đoàn kết để phục vụ lợi ích và hòa bình salam, salam, salam! Sukrán [Cảm ơn các bạn]! Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em! Xin Chúa chúc lành cho Iraq! Allah ma’akum! [Chúa ở cùng anh chị em!]



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/3/2021]


Cầu nguyện trước áo choàng của Thánh Giuse tại Vương cung Thánh đường Thánh Anastasia

Cầu nguyện trước áo choàng của Thánh Giuse tại Vương cung Thánh đường Thánh Anastasia

Cầu nguyện trước áo choàng của Thánh Giuse tại Vương cung Thánh đường Thánh Anastasia

Chiara V | Shutterstock

Marinella Bandini

23/02/21


Nhà thờ Chặng đàng Ngày 7: Đây có lẽ là một trong những nhà thờ lâu đời nhất của Roma, và có những thánh tích từ Đất Thánh.


Aleteia mời bạn thực hiện một chuyến hành hương Mùa Chay qua mạng internet đi qua 42 nhà thờ chặng đàng của Roma: mỗi ngày một nhà thờ, từ 17 tháng Hai đến 11 tháng Tư.


Ngày 7

Vương cung Thánh đường Thánh Anastasia có lẽ là một trong những nhà thờ lâu đời nhất ở Roma (được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 4). Danh tính Anastasia không rõ ràng: một số người tin rằng đó là em gái của Hoàng đế Constantine, những người khác thì cho là một vị tử đạo của Sirmium, và những người khác cho đến nay vẫn tin là một người phụ nữ La Mã giàu có sở hữu khu đất mà nhà thờ được xây dựng trên nó.

Theo truyền thống, vương cung thánh đường có liên quan đến việc rao giảng của Thánh Giêrônimô (thế kỷ thứ 4), ngài có lẽ đã sống ở đây và được cho là đã mang những thánh tích quan trọng từ Đất Thánh về. Trong hơn 1.600 năm, tấm áo choàng của Thánh Giuse và một phần khăn che mặt của Đức Mẹ đã được lưu giữ ở đây.

Tại vương cung thánh đường này, Đức Giáo hoàng cử hành Thánh Lễ Rạng đông của ngày Giáng sinh, và Nghi thức Xức tro vào ngày đầu tiên của Mùa Chay. Từ đây (cho đến những năm 1700), đoàn rước sẽ khởi hành đến Vương cung thánh đường Thánh Sabina. Đây là nhà thờ lưu giữ thánh giá và phù hiệu của các nhóm giáo hội khác nhau đã tham dự viếng chặng đàng Mùa Chay.

Vào ngày này, trong nhà thờ lưu giữ thánh tích của dưỡng phụ Chúa Giêsu, Ngài mời gọi chúng ta thưa với Chúa Trời bằng tên “Cha”.

Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,” (Mt 6:9)

* Phối hợp với Văn phòng Truyền thông Xã hội của Khu Tông tòa Roma.

Cầu nguyện trước áo choàng của Thánh Giuse tại Vương cung Thánh đường Thánh Anastasia

Vương cung thánh đường Thánh Anastasia. Tên gọi có lẽ chỉ về thánh Anastasia của thành Sirmium, chịu tử đạo trong thời bách hại của hoàng đế Diocletianus

© Chiara V | Shutterstock

Cầu nguyện trước áo choàng của Thánh Giuse tại Vương cung Thánh đường Thánh Anastasia

Vương cung thánh đường Thánh Anastasia (bên trong)

© Massimo Salesi | Shutterstock

Cầu nguyện trước áo choàng của Thánh Giuse tại Vương cung Thánh đường Thánh Anastasia

Bức tranh “Sự tử đạo của Thánh Anastasia,” được vẽ bởi Michelangelo Cerruti, ở trung tâm trần nhà thờ. Thánh Anastasia bị thiêu sống.

© Stefano_Valeri | Shutterstock

Cầu nguyện trước áo choàng của Thánh Giuse tại Vương cung Thánh đường Thánh Anastasia

Một nữ tu cầu nguyện trước thánh tích áo choàng của Thánh Giuse (ảnh chụp của Dòng Tôi tớ Chúa và Đức Trinh nữ Matara).

© Serve del Signore e della Vergine di Matarà

Quý vị đọc về truyền thống của các nhà thờ chặng đàng ở đây. Và xem các nhà thờ trước đây trong cuộc hành hương ở đây.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/3/2021]