Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2022

Tiếp phái đoàn “Dự án Giáo dục Công giáo thăng tiến các nhà nghiên cứu toàn cầu”, 20.04.2022

Tiếp phái đoàn “Dự án Giáo dục Công giáo thăng tiến các nhà nghiên cứu toàn cầu”, 20.04.2022

Tiếp phái đoàn “Dự án Giáo dục Công giáo thăng tiến các nhà nghiên cứu toàn cầu”, 20.04.2022

*****

Sáng nay, tại Điện Tông Tòa Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp một phái đoàn từ “Dự án Giáo dục Công giáo thăng tiến các Nhà nghiên cứu Toàn cầu”.

Sau đây là diễn từ của Đức Thánh Cha chuẩn bị cho sự kiện này và gửi văn bản đến những người có mặt, và bài diễn từ ứng khẩu của ngài:

________________

Diễn từ soạn trước của Đức Thánh Cha

Các bạn thân mến,

Tôi vui mừng gửi lời chào đến các bạn là những thành viên của Dự án Giáo dục Công giáo Thăng tiến các Nhà nghiên cứu Toàn cầu”, trong chuyến hành hương tới Roma. Ước mong niềm vui của những ngày trong mùa Phục sinh đổ đầy tâm hồn các bạn, và mong rằng cuộc họp mặt của các bạn trong Kinh Thành Muôn Thuở này củng cố lòng trung thành với Chúa Giêsu và Hội Thánh của Người, đồng thời làm phong phú thêm nỗ lực của các bạn nhằm nêu bật những nét đặc biệt của tầm nhìn Công giáo về giáo dục.

Trong thời đại tràn ngập thông tin, thường được truyền tải mà không có sự khôn ngoan hoặc ý thức phản biện, nhiệm vụ đào tạo các thế hệ giáo viên và học sinh Công giáo hiện tại và tương lai vẫn luôn quan trọng hơn bao giờ hết. Là những nhà giáo dục, các bạn được kêu gọi phải nuôi dưỡng niềm khát khao chân, thiện, mỹ trong tâm hồn của mỗi cá nhân, để tất cả mọi người có thể học cách yêu thương sự sống và mở lòng với cuộc sống viên mãn. Điều này liên quan đến việc phân định những cách thức sáng tạo trong việc kết hợp nghiên cứu với các phương pháp thực hành tốt nhất để các nhà giáo có thể phục vụ trọn vẹn nhân vị trong tiến trình phát triển con người toàn diện. Nói tóm lại, điều này có nghĩa là rèn luyện trí óc, bàn tay và con tim cùng với nhau: duy trì và tăng cường mối liên kết giữa học, hành và cảm nhận theo ý nghĩa cao quý nhất. Bằng cách này, các bạn sẽ cung cấp không chỉ một chương trình giảng dạy tuyệt vời, mà còn có một tầm nhìn chặt chẽ về sự sống được truyền cảm hứng từ những lời giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô.

Theo nghĩa này, công việc giáo dục của Giáo hội không chỉ nhằm mục đích “phát triển sự trưởng thành của con người … mà đặc biệt hướng đến việc bảo đảm rằng những người đã được rửa tội ngày càng biết trân quý hơn món quà đức tin mà họ đã lãnh nhận” (Tuyên ngôn của Công đồng Vatican 2 Gravissimum Educationis, 2). Đức tin của chúng ta là một ân sủng lớn lao mà mỗi chúng ta phải nuôi dưỡng hàng ngày đồng thời trợ giúp người khác biết nuôi dưỡng nó. Dưới ánh sáng đức tin, các nhà giáo dục và học sinh đều coi nhau như là những người con yêu dấu của Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên chúng ta để trở thành anh chị em trong một gia đình nhân loại. Trên cơ sở này, giáo dục Công giáo đòi chúng ta phải cam kết, cùng với những điều khác, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn bằng cách giảng dạy về sự chung sống với nhau, tình liên đới huynh đệ và hòa bình. Tôi hy vọng rằng những thảo luận của các bạn trong những ngày này sẽ hỗ trợ các bạn trong việc phát triển những phương tiện hiệu quả để thúc đẩy các giá trị này ở tất cả các cấp trong những cơ sở học tập của các bạn, và trong trí óc và tâm hồn của các học sinh.

Đồng thời, giáo dục Công giáo cũng là công cuộc Phúc âm hóa: làm chứng cho niềm vui của Tin Mừng và sức mạnh của Tin mừng để canh tân các cộng đoàn của chúng ta, đồng thời tạo niềm hy vọng và sức mạnh để đối phó cách khôn ngoan với những thách đố của thời đại hiện nay. Tôi tin rằng chuyến thăm quan học tập này sẽ truyền cảm hứng cho từng người trong các bạn cống hiến bản thân với lòng nhiệt thành quảng đại cho ơn gọi trở thành các nhà giáo dục của mình, cho các nỗ lực củng cố nền tảng của một xã hội nhân văn và đoàn kết hơn, và từ đó thúc đẩy vương quốc sự thật, thánh thiện, công bằng và hòa bình của Đức Kitô.

Tôi xin cảm ơn và khuyến khích các bạn tiếp tục công việc quan trọng của mình, và tôi xin các bạn cầu nguyện cho tôi. Tôi ban Phép lành là niềm vui và sự bình an của Đức Kitô, Đấng Cứu Thế Phục sinh và dâng tất cả các bạn cho sự chuyển cầu đầy yêu thương của Đức Maria, Mẹ của Giáo hội. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn các bạn!

___________________________

Diễn từ ứng khẩu của Đức Thánh Cha

Cảm ơn các bạn rất nhiều đã đến thăm. Tôi đã từng sống ở Ireland, Dublin, ở Milltown Park, để học tiếng Anh. Tôi có học tiếng Anh nhưng tôi quên rồi, xin lỗi các bạn! Tôi sẽ nói bằng tiếng Ý. Cảm ơn bạn đã đến thăm.

Tôi rất vui, đặc biệt là sau khi nghe ông phát biểu [nói với người quản lý thiếu niên trong nhóm]. Tôi hiểu gần như mọi điều, nhưng ông chạy với tốc độ hàng trăm dặm một giờ và có chỗ tôi không hiểu! Tôi thích tầm nhìn này về giáo dục – tôi sẽ lấy nó làm lời của mình – trong sự căng thẳng giữa rủi ro và an toàn. Việc các bạn làm là rất tốt. Chúng ta phải bỏ lại đằng sau hình ảnh của nền giáo dục đó, theo đó giáo dục có nghĩa là nhét đầy các ý tưởng vào đầu. Theo cách này là chúng ta đang dạy cho người máy, những bộ não siêu đẳng, nhưng không phải là con người. Giáo dục là mạo hiểm trong sự căng thẳng giữa trí óc, trái tim và đôi bàn tay: hòa hợp đến mức suy nghĩ về những gì chúng ta cảm nhận và làm; cảm nhận những gì chúng ta nghĩ và làm; và làm những gì chúng ta cảm nhận và suy nghĩ. Đó là sự hòa hợp.

Nhưng chúng ta cần sợi chỉ của Ariadne để thoát ra khỏi mê hồn trận… Tôi cũng nghĩ đến mê cung của cuộc sống. Có nhiều điều mà các thiếu niên nam nữ đang lớn không hiểu: đâu là sợi chỉ của Ariadne để giúp các bạn nhỏ không bị lạc trong mê cung? Hãy cùng đồng hành. Chúng ta không thể giáo dục nếu không đi bên cạnh người mà chúng ta đang dạy bảo. Thật tốt khi chúng ta tìm được những nhà giáo dục đồng hành cùng các trẻ. Và các bạn [trong đề phụ của quyển sách các bạn đã tặng tôi] nói một câu rất hay: “Khi hùng biện gặp thực tế”. Giáo dục không phải là vấn đề nói thuần những điều hoa mỹ; giáo dục là đưa những điều chúng ta nói hợp với thực tế. Các trẻ có quyền mắc lỗi, nhưng nhà giáo dục đồng hành cùng các em trong suốt chặng đường để dẫn dắt các em vượt qua những sai lỗi này, để chúng không trở nên nguy hiểm. Nhà giáo dục đích thực không sợ sai lầm, không: họ đồng hành với các trẻ, nắm tay các trẻ, lắng nghe, tham gia vào cuộc đối thoại. Người đó không sợ hãi, và chờ đợi. Đây là giáo dục con người. Như các bạn có thể thấy, có một vực sâu giữa di sản của nền giáo dục “nhồi nhét” và chính bản thân công cuộc giáo dục, đó là dẫn dắt bước tới và nuôi dưỡng, giúp phát triển. Cảm ơn các bạn vì phương pháp giáo dục tiếp cận con người này. Và cứ tiếp tục tiến bước!

Điều cuối cùng mà ông đề cập đến [một lần nữa nói với người quản lý thiếu niên trong nhóm]: sự đối thoại giữa người trẻ và người già là rất quan trọng. Điều này vô cùng quan trọng. Thậm chí là phớt lờ cha mẹ: không phải vì nổi loạn, mà là để tìm ra nguồn cội. Gốc rễ. Bởi vì để phát triển, cây cần phải có mối quan hệ chặt chẽ với rễ của nó. Nó không nằm cố định ở rễ, không, nhưng nó liên kết với rễ. Có một nhà thơ ở quê tôi nói một câu thật hay: “Mọi thứ sinh sôi trên cây đều bắt nguồn từ những gì nó có dưới lòng đất”. Nếu không có gốc rễ, người ta không tiến tới được. Với cội rễ, chúng ta mới trở thành con người: không phải là những bức tượng trong bảo tàng, giống như những người theo chủ nghĩa truyền thống cứng nhắc, lạnh lùng, khô khan nghĩ rằng nuôi dưỡng sự sống có nghĩa là sống gắn chặt với gốc rễ. Cần có mối quan hệ này với gốc rễ, nhưng cũng cần phải tiến tới. Và đây là truyền thống thực sự: tiếp thu từ quá khứ để tiến lên. Truyền thống không phải là tĩnh; nó năng động, hướng tới tương lai. Có một nhà thần học người Pháp từ thế kỷ thứ năm, một tu sĩ, đã đặt vấn đề về chủ đề này, làm sao để giáo lý có thể phát triển mà không làm hỏng nguồn hứng cảm của truyền thống riêng của nó, làm thế nào để nó phát triển mà không ẩn trong quá khứ. Và ông nói bằng tiếng Latinh: “Ut annis scilicet consolidetur, dilatetur tempore, sublimetur aetate”: nó tiến triển bằng cách củng cố theo năm tháng, phát triển theo thời gian, thăng hoa theo tuổi tác. Consolidetur, dilatetur tempore, sublimetur aetate, đây là truyền thống: cần phải giáo dục theo truyền thống, nhưng để phát triển.

Cảm ơn, cảm ơn rất nhiều vì công việc của các bạn. Cảm ơn, cảm ơn các bạn. Và giờ đây tôi ban phép lành cho các bạn, từ Green Ireland! [Phép lành]


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/4/2022]


Roma & thế giới: sự kinh hoàng của chiến qua hình ảnh; người tị nạn Ukraine trong một nhà xứ; & những vấn đề khác …

Roma & thế giới: sự kinh hoàng của chiến tranh qua hình ảnh; người tị nạn Ukraine trong một nhà xứ; & những vấn đề khác …


Vladimir Astapkovich | Sputnik | Sputnik via AFP

I.Media for Aleteia 

20/04/22 - updated on 04/20/22


Mỗi ngày, Aleteia cung cấp các mục báo tuyển chọn do báo chí quốc tế viết về Giáo hội và các vấn đề chính mà người Công giáo trên thế giới quan tâm. Các ý kiến và quan điểm thể hiện trong những bài báo này không phản ánh quan điểm của các biên tập viên.

Thứ Tư 20 tháng Tư 2022

1. Cuộc “thánh chiến” của Điện Kremlin chống lại Ukraine: GIáo hội Chính thống giáo Nga đã ủng hộ ý thức hệ như thế nào cho cuộc xâm lược

2. Những hình ảnh: sự kinh hoàng của chiến tranh ở Ukraine

3. Châu Mỹ La tinh đang trở nên thế tục nhiều hơn

4. Tại Ý, một đền thờ các nạn nhân Đệ Nhị Thế chiến trở thành nơi trú ngụ cho người tị nạn Ukraine

5. Ca sĩ nổi tiếng người Ý biểu diễn trong tiết mục khai mạc của Đức Giáo hoàng

*****

CUỘC “THÁNH CHIẾN” CỦA ĐIỆN KREMLIN CHỐNG LẠI UKRAINE: GIÁO HỘI CHÍNH THỐNG NGA ĐÃ ỦNG HỘ Ý THỨC HỆ NHƯ THẾ NÀO CHO CUỘC XÂM LƯỢC

Tờ Financial Times xem xét sự ủng hộ của Đức Thượng phụ Moscow đối với cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Đáng ngạc nhiên theo quan điểm của phương Tây, sự hội tụ quan điểm giữa Giáo hội Chính thống Nga và Điện Kremlin là một phần của sự hợp tác đã được đẩy nhanh trong vài thập kỷ. Tờ báo lưu ý, “Sau khi bị đàn áp trong nhiều thập kỷ dưới chế độ cộng sản, giáo hội đã hình thành một mối liên kết lạ lùng với hậu duệ của các cơ quan tình báo Liên Xô từng là những kẻ bức hại giáo hội. Giáo hội đã được đền đáp xứng đáng, với những đặc quyền dành cho hệ thống phẩm trật cấp cao nhất và hàng ngàn nhà thờ mới đang được xây dựng,” đặc biệt đề cập đến lễ khánh thành một Nhà thờ Chánh tòa của lực lượng vũ trang Nga vào năm 2020. Tờ nhật báo thương mại của London tố cáo, “Mặc dù không chính thức là một phần của nó, nhưng Giáo hội Chính thống Nga đã trở thành một trụ cột trên thực thể chế độ chuyên quyền của Putin”. Tuy nhiên, Đức Thượng phụ Moscow đang mất dần quyền lực đối với Chính thống giáo Ukraine vẫn nằm dưới quyền cai quản của ngài: Một số giáo sĩ của Đức Thượng phụ đang yêu cầu ngài phải bị xét xử bởi tòa án giáo hội vì đã ban phép lành cho các vụ thảm sát.



NHỮNG HÌNH ẢNH: SỰ KINH HOÀNG CỦA CHIẾN TRANH Ở UKRAINE

Tờ New York Times đưa ra một phóng sự ảnh gây kinh hoàng về cuộc chiến ở Ukraine. Hàng chục bức ảnh được chụp bởi các nhiếp ảnh gia của tờ báo nổi tiếng nhận chìm chúng ta trong nỗi kinh hoàng của chiến tranh. Những thi thể bị vũ khí nghiền nát, nhà cửa đổ sập, những người mẹ khóc thương con, hàng trăm người tị nạn, những con đường bị cày xới, quan tài chất đống… Nhật báo New York tiết lộ những cảnh rùng rợn về một cuộc xung đột kéo dài gần hai tháng qua ở Đông Âu. Một báo cáo nhắc nhở chúng ta về tính cấp thiết của việc ngừng bắn.



CHÂU MỸ LA TINH ĐANG TRỞ NÊN THẾ TỤC NHIỀU HƠN

Tuần báo The Economist của Anh đưa ra một bức ảnh thoáng qua về số lượng người Công giáo ở Mỹ Latinh đang giảm dần. Cho dù khu vực địa lý này có hơn một phần ba số người Công giáo trên thế giới, nhưng con số đã giảm dần trong nhiều thập kỷ qua: năm 1995, 80% người dân ở Mỹ Latinh được xác định là Công giáo trong khi ngày nay chỉ có 56%. Thay vào đó, nhiều người đã trở thành Kitô hữu Tin lành Phúc âm là giáo phái đã tăng từ 3,5% dân số vào năm 1995 lên 19% ngày nay. The Economist nhấn mạnh rằng thậm chí có “một xu hướng còn đáng chú ý hơn” đó là “ningunas” (“không”), có nghĩa là những người không xác định theo bất kỳ tôn giáo nào. Tỷ lệ nhóm người này đã tăng gấp bốn lần lên 16% kể từ năm 1995 và đặc biệt cao ở những người trẻ tuổi và những người có trình độ đại học. Tuy nhiên, bài báo nhấn mạnh rằng nhiều người trong số những người xác định “không” vẫn có một tín ngưỡng tâm linh nào đó, và rằng căn tính tôn giáo dường như đang trở nên dễ thay đổi và mang tính hỗn hợp hơn, ví dụ như người ta tham gia nhiều hơn một việc thực hành tôn giáo.

The Economist, English


TẠI Ý, MỘT ĐỀN THỜ CÁC NẠN NHÂN ĐỆ NHỊ THẾ CHIẾN TRỞ THÀNH NƠI TRÚ NGỤ CHO NGƯỜI TỊ NẠN UKRAINE

Yuri, vợ của anh là Irina và ba đứa con của họ 11, 7 và 4 tuổi, mẹ vợ của anh là bà Valentina và chú chó Sonia của họ tháo chạy khỏi Odessa khi những tiếng nổ đầu tiên vang lên tại thời điểm bắt đầu cuộc xâm lược của Nga. Từ ngày 3 tháng Ba, gia đình người Ukraine này đã sống trong nhà xứ của khu thánh địa Strà ở thành phố Piacenza. Don Mario Dacrema và nhiều cư dân đã chào đón họ và cung cấp thực phẩm và quần áo cho họ. Kể từ ngày đó, và mỗi buổi sáng, anh Yuri mở cửa đền thờ Strà lúc 7 giờ sáng và mở trang sách các bài đọc trong ngày. Phía dưới họ, trong hầm mộ dưới nền gian cung thánh, được khắc trên đá cẩm thạch là tên của 9 thường dân đã bị quân Đức giết hại vào ngày 30 tháng Bảy năm 1944, nhắc nhở chúng ta về nỗi kinh hoàng do mọi cuộc xung đột vũ trang gây ra. Anh Yuri đã bắt đầu làm việc trong một công ty địa phương. Irina hy vọng sẽ tìm được một công việc như một nhà hòa giải văn hóa: “Tôi muốn trở nên hữu ích,” chị giải thích với lòng biết ơn.

L’Avvenire, Italian


CA SĨ NỔI TIẾNG NGƯỜI Ý BIỂU DIỄN TRONG TIẾT MỤC KHAI MẠC CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG

Vào Thứ Hai Phục sinh, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gặp gỡ hơn 50.000 thiếu niên Ý tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô. Đây là cuộc họp mặt lớn đầu tiên với giới trẻ được tổ chức tại Vatican kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch và việc thực hiện các hạn chế về sức khỏe. Tại sự kiện, một ca sĩ trẻ người Ý, Blanco, 19 tuổi và rất nổi tiếng trong giới thanh thiếu niên, đã hát bài “Brividi”. Bài hát này sẽ đại diện cho Ý trong Cuộc thi Bài hát Eurovision tiếp theo và là người chiến thắng gần đây của đại hội âm nhạc Ý Sanremo (hát với nghệ sĩ Mahmood). Blanco bày tỏ niềm vui trên mạng xã hội sau khi biểu diễn trên sân khấu vô cùng đặc biệt này: “Tôi yêu các bạn. Tôi không thể thốt lên lời nào. Cảm ơn tất cả các bạn vì cơ hội này.” Michele Fabretti, phụ trách mục vụ giới trẻ tại Hội đồng Giám mục Ý, giải thích sự có mặt của ca sĩ trẻ, nói rằng người ca sĩ trẻ là “thông dịch viên của thanh thiếu niên Ý”.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/3/2022]