Thứ Năm, 14 tháng 2, 2019

Toàn văn Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha về cách cầu nguyện của Chúa Giê-su

Toàn văn Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha về cách cầu nguyện của Chúa Giê-su
© Vatican Media

Toàn văn Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha về cách cầu nguyện của Chúa Giê-su

‘Chúng ta phải cầu nguyện như Người đã dạy chúng ta làm.’

13 tháng Hai, 2019 15:35

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:25 trong Đại sảnh Phaolô VI, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và trên khắp thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý về “Kinh Lạy Cha,” trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung suy tư về Chúa Cha của tất cả chúng ta (Trích đoạn sách Thánh: Trích Tin mừng theo Thánh Lu-ca 10:21-22).

Sau phần tóm lược giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


* * *


Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục phần tìm hiểu của chúng ta để học biết tốt hơn về cách cầu nguyện như Chúa Giê-su đã dạy chúng ta. Chúng ta phải cầu nguyện như Người đã dạy chúng ta làm. Người nói: “Khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh.” Chúa Giê-su muốn các môn đệ của Ngài không trở thành những kẻ giả hình là những người đứng thẳng lưng nơi những Quảng trường để được người ta thán phục (x. Mt 6:5). Chúa Giê-su không muốn sự giả hình. Sự cầu nguyện đích thực là sự cầu nguyện được thực hiện thầm kín trong lương tâm, trong tâm hồn: nơi không thể dò được, chỉ có Thiên Chúa mới thấu suốt – Thiên Chúa và tôi. Nó tránh xa sự giả tạo: không thể giả vờ với Thiên Chúa. Không thể được. Trước mặt Chúa chẳng có một mánh khóe nào có hiệu lực; Thiên Chúa biết rõ chúng ta, tận trong lương tâm, và chúng ta không thể đóng kịch. Gốc rễ của sự đối thoại với Thiên Chúa là sự đối thoại thầm lặng, như là những cái nhìn trao nhau giữa hai người đang yêu: con người và Thiên Chúa; những cái nhìn gặp nhau, và đây là cầu nguyện. Nhìn lên Thiên Chúa là để cho bản thân được Chúa nhìn đến: đây là cầu nguyện. “Nhưng thưa cha, con không nói gì sao …” Nhìn lên Chúa và để cho Người nhìn đến anh chị em: đó là cầu nguyện, một sự cầu nguyện rất đẹp!

Tuy nhiên, cho dù sự cầu nguyện của người môn đệ là hoàn toàn thầm kín, nhưng nó không bao giờ rơi vào “tính cá nhân”. Trong thầm kín của lương tâm, một người Ki-tô hữu không gạt thế giới ra bên ngoài cửa phòng nhưng mang theo những con người và hoàn cảnh trong lòng, những vấn đề của họ, rất nhiều điều, tất cả đều được đưa vào trong lời cầu nguyện.

Có một sự thiếu vắng rất đáng chú ý trong văn bản của “Kinh Lạy Cha.” Nếu cha hỏi anh chị em sự thiếu vắng đáng chú ý trong văn bản “Kinh Lạy Cha” là gì” thì không dễ trả lời. Một từ được bỏ mất. Tất cả anh chị em nghĩ: từ nào bị bỏ mất trong “Kinh Lạy Cha” nhỉ?

Hãy nghĩ xem từ nào bị bỏ mất. Một từ, một từ trong thời đại của chúng ta — nhưng có lẽ trong mọi thời đại — mọi người đều dành sự quan tâm rất lớn. Vây từ ngữ nào bị bỏ mất trong “Kinh Lạy Cha” mà chúng ta đọc hàng ngày? Để tiết kiệm thời gian, cha nói luôn: đó là sự thiếu vắng của từ “con”. Từ “con” không bao giờ được nhắc đến. Chúa Giê-su dạy chúng ta khi cầu nguyện trước hết phải có trên môi miệng là từ “Cha”, vì sự cầu nguyện của người Ki-tô hữu là sự đối thoại: nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện.” Không phải là tên của con, nước của con, ý của con. “Con”: không, không được như vậy. Và rồi chuyển sang “chúng con.” Trong toàn bộ phần hai của “Kinh Lạy Cha” đều giới hạn với ngôi thứ nhất số nhiều: “xin cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày, và tha nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.” Ngay cả những lời xin căn bản nhất — chẳng hạn như xin lương thực để làm dịu cơn đói — tất cả đều ở số nhiều. Trong lời cầu nguyện của người Ki-tô hữu, không ai xin lương thực cho riêng mình: Xin cho con lương thực hàng ngày — không — xin cho chúng con, người đó cầu xin cho tất cả, cho tất cả mọi người nghèo trên thế giới. Không được quên điều này, sự thiếu vắng từ “con.” Chúng ta cầu nguyện bằng đại từ “Cha” và “chúng con.” Đó là một bài học đẹp của Chúa Giê-su; xin đừng quên nó.

Tại sao? — vì trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa không có chỗ cho tính cá nhân. Không có sự phô diễn các vấn đề của riêng chúng ta coi như chúng ta là người duy nhất chịu đau khổ trên thế giới. Chẳng có lời cầu nguyện nào được dâng lên tới Chúa mà lại không phải là lời cầu nguyện chung cho cộng đoàn gồm anh chị em của chúng ta. Từ ngữ “chúng con”: chúng con trong một cộng đoàn; chúng con là anh chị em; chúng con là một dân tộc cầu nguyện. “Chúng con.” Có lần một vị tuyên úy nhà tù hỏi cha một câu: “Thưa cha, cha cho con biết từ ngữ nào đối lại với ‘tôi’?” Và cha ngây thơ trả lời: “Bạn.” “Đây là từ khởi đầu cho một cuộc chiến. Từ ngữ đối lại với ‘tôi’ là ‘chúng tôi’, là nơi hòa bình ngự trị, tất cả với nhau.” Đó là một bài học hay mà cha nhận được từ một linh mục. Trong lời cầu nguyện, một Ki-tô hữu mang lấy tất cả mọi khó khăn của những người quanh người đó. Khi màn đêm buông xuống, người đó thưa với Chúa những sự phiền muộn mà người đó gặp phải trong ngày: người đó dâng lên trước Chúa những khuôn mặt, người thân và thù địch. Người đó không tống khứ họ ra ngoài như những mối nguy hiểm. Nếu người ta không nhận ra rằng chung quanh mình còn có rất nhiều người đau khổ, nếu người ta không động lòng rơi lệ trước người nghèo và trở nên quen thuộc với tất cả mọi sự, thì điều đó có nghĩa là trái tim người đó … là sao nhỉ? Bị khô héo? Không, tệ hơn thế, nó là trái tim bằng đá. Trong trường hợp này, tốt hơn là khẩn nài Chúa dùng Thần Khí của Người chạm đến chúng ta và làm mềm lại con tim chúng ta. “Lạy Chúa, xin làm mềm con tim của con.” Đó là một lời cầu nguyện rất đẹp. “Lạy Chúa, xin làm mềm con tim của con, để con có thể hiểu và quan tâm đến tất cả mọi vấn đề, mọi sự phiền muộn của người khác.” Đức Ki-tô không bao giờ đi qua những cảnh đau khổ của trần gian mà không động lòng thương: mỗi khi Người quan sát thấy sự cô đơn, sự đau đớn thân xác hoặc tâm hồn, Người cảm nhận thấy một sức mạnh của lòng trắc ẩn, như tận sâu thẳm trong tâm hồn của người mẹ. “Lòng trắc ẩn” này — chúng ta đừng quên từ ngữ mang tính rất Ki-tô giáo này: động lòng trắc ẩn — nó là một trong những từ ngữ then chốt của Tin mừng: nó là điều thúc giục người Sa-ma-ri Nhân lành tiến đến người đàn ông bị thương nằm bên vệ đường, hành động ngược lại với những người khác có con tim chai đá.

Chúng ta hãy tự hỏi mình: khi tôi cầu nguyện, tôi có mở rộng tấm lòng để khóc cho nhiều người ở gần và xa tôi không? Hay tôi cho rằng cầu nguyện là một trạng thái ru ngủ, để có thể tìm được sự an lòng hơn? Tôi gạt mọi vấn đề ở đó; mỗi người hãy tự trả lời cho mình. Trong trường hợp này, tôi sẽ trở thành nạn nhân của một sai lầm lớn. Lời cầu nguyện của tôi chắc chắn không còn là lời cầu nguyện của người Ki-tô hữu nữa, vì từ ngữ “chúng con” đó, từ ngữ mà Chúa Giê-su dạy chúng ta, không để chúng ta tìm được an bình cho riêng mình, nhưng làm cho tôi cảm thấy có trách nhiệm với anh chị em của tôi.

Rõ ràng có những người không đi tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng Chúa Giê-su vẫn bảo chúng ta phải cầu nguyện cho họ vì Thiên Chúa luôn đi tìm kiếm những người này. Chúa Giê-su không đến vì những người khỏe mạnh nhưng vì những người đau yếu và tội nhân (x. Lc 5:31) — đó chính là cho tất cả mọi người, vì ai cho rằng mình khỏe mạnh thì thực tế lại không phải vậy. Nếu chúng ta làm việc cho sự công bình thì chúng ta đừng cảm thấy mình tốt hơn người khác: Chúa Cha cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt (x. Mt 5:45). Chúa Cha yêu thương tất cả mọi người! Chúng ta hãy học nơi Chúa là Đấng luôn luôn yêu thương tất cả, ngược lại với chúng ta là những người chỉ có thể yêu thương một số người, một số người mà chúng ta thích.

Anh chị em thân mến, thánh nhân và tội nhân, tất cả chúng ta là anh em được yêu thương bởi cùng một Cha. Và vào buổi hoàng hôn của cuộc sống, chúng ta sẽ bị xét đoán theo tình yêu, về cách chúng ta yêu thương. Không chỉ là sự yêu thương theo cảm tính, nhưng là lòng trắc ẩn và cụ thể, theo luật tin mừng — anh chị em đừng quên điều đó! — “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:40), Chúa đã nói như vậy. Cảm ơn anh chị em.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia m. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/2/2091]


“Cuộc sống của tôi là một phép lạ”: Kinh nghiệm của Nữ tu Bernadette Moriau, được chữa lành tại Lộ Đức

“Cuộc sống của tôi là một phép lạ”: Kinh nghiệm của Nữ tu Bernadette Moriau, được chữa lành tại Lộ Đức
Copyright-Vatican Media

“Cuộc sống của tôi là một phép lạ”: Kinh nghiệm của Nữ tu Bernadette Moriau, được chữa lành tại Lộ Đức

Trong cuộc phỏng vấn với Đài Phát thanh Esperance, Sơ nói “Người trẻ ngày nay cần chứng tá”

12 tháng Hai, 2019 13:09

Nữ tu Bernadette Moriau được chữa lành tại Lộ Đức: trường hợp của Sơ là phép lạ chữa lành thứ 70 được chính thức công nhận. Trước và sau khi được chữa lành Sơ vẫn làm việc với các bệnh nhân. Dưới đây là tường thuật về kinh nghiệm của Sơ, là một Hiến sĩ dòng Phan sinh Thánh Tâm Chúa Giê-su Nantes, về sự gặp gỡ với Thánh Phanxico, Đức Thánh Cha Phanxico và Đức Mẹ Lộ Đức.

Trong buổi phỏng vấn dành cho Đài Phát thanh Esperance cho chương trình “Roman Studio” ngày 6 tháng Hai năm 2019. Hugues de Warren ghi chép lại cho Zenit. Chúng tôi phát hành theo sự cho phép của Đài Phát thanh Esperance.

Nữ tu Bernadette Moriau nói về phép lạ chữa lành của Sơ trong quyển sách “Cuộc sống của tôi là một phép lạ: Đừng bao giờ tuyệt vọng,” nhà xuất bản JC Lattes Editions, với Jean-Marie Guenois và Đức ông Jacques Benoit-Gonnin.

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Zenit cuộc phỏng vấn.


* * *


Radio Esperance: Thưa Sơ Bernadette, Giáo phận Beauvais thực hiện cuộc điều tra về phép lạ, [...]. Sơ thuộc dòng Phan sinh. Thánh Phanxico đã gọi Sơ bằng cách nào?

Sr. Bernadette: Trước hết, tôi xuất thân trong một gia đình lao động và tôi vào Dòng Nữ tu Hiến sĩ Phan sinh Thánh Tâm Chúa Giê-su 60 năm trước. Tôi chọn Dòng Phan sinh vì thân phụ mẫu của tôi đã gia nhập Dòng Ba Phan sinh, vì vậy ngay từ tuổi bé tôi đã được đắm mình trong linh đạo này, và nó rất hợp với tôi, và tôi đến Bresles trong cộng đoàn nhỏ này cùng với ba Sơ khác vào năm 2006. Một cộng đoàn trong đó mọi người cố gắng sống như anh em theo tinh thần của Thánh Phanxico, mở rộng cửa đón nhận tất cả mọi người, để đón nhận niềm vui, đón nhận những sự đau khổ, đón nhận những cảnh khốn cùng. Dĩ nhiên trong đời sống cầu nguyện, trong tình huynh đệ trong Hội Thánh, nhiệm vụ của thời gian hiện tại, thời gian cầu nguyện, thời gian đọc sách riêng, thời gian ngợi khen và hiệp thông vào trong đời sống của Giáo hội, đời sống giáo xứ thông qua hội Secours Catholique đối với một số chị, đối với tôi là cùng ở với những bệnh nhân giai đoạn cuối, trong sự đồng hành với các gia đình tang chế và tình bạn có thể nảy sinh cùng với các gia đình.

Là người của Thánh Phanxico, chúng tôi hướng tới để trở nên như ngài, nhỏ bé, lên đường trong sự nghèo khó và đơn sơ của cuộc sống, sống đời sống huynh đệ xem mọi người như anh em, như con cái của cùng một Cha. Đấng sáng lập của chúng tôi, Mẹ Marie-Therese de la Croix, Nhà của Mẹ được thành lập năm 1875 tại La Gaubretiere, thuộc Vendee, trực tiếp đến mở thêm nhà ở Giáo phận Nantes, theo yêu cầu của Đức ông Le Coq, Nhà Mẹ được thành lập ở đây, nơi tất cả chúng tôi đều đã đi qua. Tại đó, Vị Sáng lập của chúng tôi, đi theo bước chân của Thánh Phanxico, mời gọi chúng tôi đón nhận sự sống bằng đôi tay rộng mở, không theo cách sắp xếp của chúng tôi nhưng luôn sẵn sàng và gần gũi với những đau khổ của người bé mọn nhất được giúp đỡ trong các nhà của chúng tôi. Sự thật là có thời gian chúng tôi chăm sóc người già trong các dưỡng đường và bây giờ nó phát triển quá tốt đến mức trở thành công việc có trả lương, nhưng các Nữ tu nhỏ bé ở Honduras — vì chúng tôi có một nhà ở Honduras — chăm sóc những người nghèo nhất, người bệnh, trẻ nhỏ trong một trung tâm dinh dưỡng và rồi tham gia vào việc chăm sóc mục vụ. Chúng tôi cố gắng sống đặc sủng này của Thánh Phanxico trong việc ca khen và tôn trọng Tạo vật bảo tồn ngôi nhà của chúng ta, là trái đất.

Radio Esperance: Phần lớn cuộc sống của Sơ trong Cộng đoàn này là vác Thập giá của Chúa với căn bệnh … 

Sr. Bernadette: Vâng, nhưng sự thật là sau tập viện tôi đã có học điều dưỡng trong Cộng đoàn để phục vụ bệnh nhân, và đó là niềm vui lớn nhất của tôi và tôi làm trong hai năm. Tôi bắt đầu có các vấn đề với cột sống. Sau bốn cuộc can thiệp bằng phẫu thuật, tôi trở thành người tàn phế và nhanh chóng buộc phải dừng công việc. Tôi nhận văn bằng năm 1966. Năm 1965 và 1968 tôi được giải phẫu và bước qua ngưỡng bên kia của ranh giới, ngưỡng của người bệnh hơn là ngưỡng của người chăm sóc. Nó là một kinh nghiệm tôi không hề nuối tiếc, vì tôi được sống giữa những người bệnh hoặc trong nhà thương hoặc trong một trung tâm cải huấn. Tôi sống với những người khuyết tật khác trong toàn bộ chiều kích cầu nguyện và huynh đệ. Sự thật là khi chúng ta bị tàn tật chúng ta giúp nhau và sự khuyết tật không ngăn cản chúng ta có một đời sống đầy hoa trái.

Radio Esperance: Sơ đã được gặp Đức Thánh Cha Phanxico tại Roma. Sơ có thể cho chúng con biết những ấn tượng của Sơ về chuyến hành hương gần đây?

Sr. Bernadette: Chuyện xảy ra là sau khi phép lạ được công nhận, tôi được hướng dẫn viết một quyển sách. Đó không phải là lựa chọn của tôi nhưng là yêu cầu của Giáo hội. Tôi viết rằng cuộc sống của tôi là một phép lạ vì khi đọc lại lịch sử của tôi, tôi khám phá được tất cả những dấu lạ của Thiên Chúa trong đời tôi. Thật vậy, tôi vẫn còn ở đó; đó thật sự là một phép lạ xảy ra tại Lộ Đức. Quyển sách này trước tiên được dịch sang tiếng Ba Lan và sau đó là tiếng Ý. Tôi cùng đến Roma với Đức Giám mục của tôi và Jean-Marie Guenois, người đồng viết quyển sách với tôi. Ông là phóng viên của tờ Le Figaro, và phụ trách mục tôn giáo. Cùng với ông tôi đã thực hiện một sự hồi tưởng toàn diện để ông chia sẻ kinh nghiệm của tôi. Sau đó theo yêu cầu của Đức Giám mục tôi tiếp tục viết quyển sách sau khi đệ trình lên ngài hai chương đầu. Thật vô cùng ngạc nhiên, việc dẫn đến là quyển sách này đã tạo được một ảnh hưởng lớn; nó còn được dịch sang tiếng Ý.

Vì vậy tôi đến Roma cho buổi ra mắt quyển sách và họp báo. Và tôi có được niềm vui gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxico và trình lên ngài quyển sách này, được viết bằng tiếng Pháp và tiếng Ý. Tôi rất cảm kích và có ấn tượng trước con người này của Chúa, rất đơn sơ, khiêm nhường. Tôi cảm thấy rất gần gũi với ngài, vì cho dù thuộc Dòng Tên nhưng ngài lại rất tinh thần Phan sinh. Bề trên Tổng quyền của tôi, người vừa được bổ nhiệm, cùng đi với tôi và chị trình bày cho ngài về đời sống của vị Sáng lập của chúng tôi. Chị tặng ngài một tấm vải do những người phụ nữ Lencas của Honduras dệt, những người nghèo nhất, và Đức Mẹ Suyapa. Sự thật là Đức Thánh Cha đón tiếp chúng tôi giống như những người con của ngài, và tôi có thể phó thác cho ngài tất cả các bệnh nhân, những người chăm sóc và toàn thế giới người nghèo, và tôi cảm ơn ngài vì đã nhắc chúng tôi nhớ đến toàn bộ cách sống của Thánh Phanxico Assisi, vì dù thuộc Dòng Tên, nhưng đối với tôi ngài có linh đạo Phan sinh rất lớn.

Tôi thật sửng sốt vì biết ngài sẽ đến Ma-rốc để kỷ niệm 800 năm cuộc gặp gỡ của Thánh Phanxico với quốc vương Sultan, nơi mà Thánh Phanxico như một người anh (em) và đón tiếp Quốc vương Sultan như một người em (anh). Ngài không có ý định hoán cải quốc vương, nhưng họ đã trải qua cuộc gặp gỡ trong hòa bình và đón nhận lẫn nhau, và đó là một bài học lớn cho thế giới hôm nay.

Radio Esperance: Sơ có dự Thánh Lễ sáng của Đức Thánh Cha Phanxico, sau đó ai tiếp Sơ?

Sr. Bernadette: Tôi tham dự Thánh Lễ với Đức Thánh Cha trong nhà nguyện Thánh Marta và sau đó chúng tôi gặp ngài. Nó không được lâu vì chúng tôi có nhiều người và thời gian được tính từng giây, nhưng tôi nghĩ là những gì tôi trải nghiệm thật mãnh liệt và rất khó tả. Tuy nhiên, tôi rất, rất rõ ràng, vì thật ra tôi đi trên danh nghĩa riêng nhưng đồng thời tôi mang theo cùng tôi toàn Giáo phận, toàn giáo xứ, và tất cả những ai tôi cùng làm việc chung trong Giáo hội.

Ngài rất quan tâm đến người tị nạn và người nghèo. Thật sự Dòng Phan sinh chúng tôi nỗ lực hết sức quan tâm đến người nghèo, tới những người đau khổ, không thể hiện mình là bề trên của họ nhưng là anh em của họ.

Radio Esperance: Sau khi gặp gỡ với Thánh Phanxico và gặp Đức Thánh Cha Phanxico tại Roma, Sơ có thể nói cho chúng con về sự gặp gỡ với Mẹ Maria Lộ Đức?

Sr. Bernadette: À, tôi chịu đựng sự hành hạ của cột sống suốt 42 năm và tôi đã bị liệt. Chuyện xảy ra là lúc đó tôi ở bệnh xá tại Nantes và Bề trên Tổng quyền đề nghị tôi đến đây ở Bresles, trong Phòng Oise, trong suốt bốn tháng để phụ trách việc tiếp nhận trong Cộng đoàn. Tôi vẫn có thể làm việc đó dù tôi không còn bước đi được những khoảng cách xa nhưng tôi vẫn có thể làm công việc tiếp nhận. Vì vậy tôi nhận lời đến đó và chính tại đó Chúa đang chờ đợi tôi. Trường hợp của tôi được theo dõi bởi trung tâm sức khỏe tại Nantes và ở đây được theo dõi bởi một Bác sĩ gia đình, Bác sĩ Fumery, ông chịu trách nhiệm hướng dẫn, ông dẫn bệnh nhân của Oise đến Lộ Đức hàng năm và chính ông đã thực hiện việc hành hương suốt 40 năm. Trước đó ông cùng đi với cha mẹ ông. Hồi đó ông là một người thanh niên khiêng cáng và sau đó ông tiếp tục công việc là một Bác sĩ. Một ngày kia ông hỏi tôi: “Sơ đến Lộ Đức với chúng tôi chứ?”

Khi đó tôi đã được điều trị bằng morphine suốt 14 năm nên tôi thường xuyên gặp ông. Tôi biết tôi có nói với ông là tôi chẳng còn tin vào một phép lạ nào cho tình trạng của tôi, nhưng đồng thời tôi vẫn nhận lời mời này như là một tiếng gọi của Chúa, một tiếng gọi của Mẹ Maria Đồng Trinh đến gặp gỡ Mẹ nhân kỷ niệm 150 năm những lần Mẹ hiện ra với Thánh Bernadette. Đột nhiên, tiếng gọi đó cứ vang vọng trong tôi từ tháng Hai cho đến tháng Bảy năm 2008 thì tôi lên đường cùng với các bệnh nhân và tôi luôn phải nói rằng điều làm tôi ấn tượng nhất là tình huynh đệ phổ quát khi đến thánh địa, tại đây chẳng còn bất kỳ sự khác biệt nào giữa những người chăm sóc, bệnh nhân và người hành hương; người ta chẳng còn nhìn thấy một người khuyết tật nào, chúng tôi cùng đi bên nhau như anh em chị em, cùng hướng đến nơi cầu nguyện với Mẹ Maria và gặp gỡ Đức Ki-tô vì Mẹ Maria luôn dẫn dắt chúng ta đến với Chúa Giê-su.

Tại Lộ Đức, tôi tham dự cuộc hành hương qua các Bí tích, Bí tích Hòa giải, Bí tích Xức dầu Bệnh nhân mà tôi đã lãnh. Tôi cầu xin Chúa ban cho tôi sức mạnh để tiếp tục hành trình khuyết tật và sự chịu đựng của tôi. Và tôi đến hồ nước nơi tôi xin ơn hoán cải tâm hồn. Điều làm tôi xúc động nhất là cuộc rước Thánh Thể trong Vương cung Thánh đường Thánh Piô X, nơi đây sau cuộc rước và thời gian thinh lặng và tôn thờ, Đức Giám mục, Đức ông James, đến ban phép lành cho các bệnh nhân bằng mặt nhật và khi ngài đi về phía chúng tôi, tôi nghe thấy những lời này trong lòng tôi, Chúa Giê-su nói với tôi: “Cha cùng đồng hành với con, Cha nhìn thấy sự đau khổ của con, sự đau khổ của những anh chị em bệnh nhân của con, hãy dâng tất cả lên cho Cha.” Ngay lúc đó, tôi thật sự cảm nhận được sự hiện diện sống động của Đức Ki-tô và tôi xin ơn chữa lành cho những anh chị em bệnh nhân của tôi đang bên cạnh tôi, đặc biệt cho những người nhỏ tuổi nhất.

Rồi cuộc hành hương kết thúc và tôi trở về như khi tôi ra đi, nếu không nói là mệt hơn và đau đớn hơn. Tôi phải nghỉ ngơi ba ngày với thiết bị vì tôi mặc một áo nịt và một thanh nẹp ống chân và bàn chân. Tôi phải mang thiết bị neuro-stimulator liên tục theo tôi và tôi sống với thiết bị self-probes suốt 10 năm.

Ngày thứ ba sau khi tôi trở về từ Lộ Đức, tôi vẫn sống những trải nghiệm tôi có được tại Lộ Đức. Tôi đi chầu Thánh Thể trong nhà nguyện của chúng tôi với Sơ Marie-Albertine. Đó là một Nhà nguyện Thánh Claude nhỏ, mà từ bây giờ nó sẽ được gọi là Đức Bà Lộ Đức, vì đó là Nhà nguyện của phép lạ — và rồi ở đó, trong suốt thời gian chầu, nó cũng cùng một giờ với cuộc rước Thánh Thể tại Lộ Đức, lúc 5:45 chiều và tôi cảm nhận cơ thể của tôi một sự nhẹ nhàng và một hơi ấm xâm chiếm lấy tôi nhưng tôi không hiểu ý nghĩa; rồi tôi kết thúc cầu nguyện và trở về phòng. Ở đó tôi cảm nhận một tiếng nói với tôi: “Hãy cầm lấy thiết bị của con lên.” Tôi chẳng cần phải lý giải và với hành động của niềm tin tôi nghĩ đến đoạn Tin mừng Chúa Giê-su nói với người bị liệt: “Hãy đứng dậy, vác chõng mà đi.” Tôi tháo thiết bị ở bàn chân và ống chân của tôi và bàn chân của tôi thẳng ra. Tôi có thể đặt bàn chân mình lên nền nhà. Sau đó tôi tháo áo nịt ra, tôi chẳng còn cảm thấy đau khi di chuyển. Tôi đi đến phòng khách gặp Sơ đang đứng trước tượng Mẹ Đồng Trinh, và tôi nói với Sơ: “Tôi chẳng biết chuyện gì xảy ra với tôi nữa.” Ngay tại đó, chúng tôi cùng dành thời gian cầu nguyện và khóc. Đột nhiên, tôi tiếp tục bước đi, tôi không sử dụng thiết bị neuro-stimulator, tôi ngừng sử dụng morphine đột ngột nhưng không bị bất kỳ hội chứng cắt ngang nào, và tôi đi toilet và không còn cần thiết bị probe nữa; và ngày hôm sau, tôi đi bộ 5 cây số trong rừng. Và chính ở đó tôi hiểu rằng mình đã được chữa lành.

Tôi đã khẳng định điều đó ngày 15 tháng Bảy khi tôi đến gặp bác sĩ gia đình với đôi mắt đẫm lệ và tôi nói với ông: “Bác sĩ xem, tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho tôi.” Ông quá đỗi kinh ngạc đồng thời vô cùng hạnh phúc: ông hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Radio Esperance: Đó có phải là Bác sĩ đã mời Sơ đi Lộ Đức không, Bác sĩ Fumery?

Sr. Bernadette: Vâng, chính là ông. Ông kiểm tra y khoa cho tôi và khẳng định với tôi rằng, quả thật tôi không còn bị bất kỳ vấn đề gì.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/2/2019]