Thứ Hai, 7 tháng 3, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 6 tháng 3, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 6 tháng 3, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 6 tháng Ba, 2022

_________________________


Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin mừng của Phụng vụ Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay hôm nay đưa chúng ta đi vào hoang mạc, nơi Chúa Giêsu được Thánh Thần dẫn đi trong bốn mươi ngày, để chịu quỷ cám dỗ (x. Lc 4:1-13). Chúa Giêsu cũng bị quỷ cám dỗ, và Ngài đồng hành với chúng ta, từng người chúng ta, trong những cơn cám dỗ. Hoang địa tượng trưng cho cuộc chiến đấu chống lại những cám dỗ của sự dữ, để học cách chọn tự do thật sự. Quả thật Chúa Giêsu sống kinh nghiệm hoang địa trước khi bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài. Chính nhờ cuộc chiến đấu thiêng liêng này mà Ngài khẳng định dứt khoát kiểu mẫu Đấng Mêsia Ngài chọn để trở thành. Không phải là phong cách Mêsia này mà là Đấng Mêsia kia: cha có thể nói rằng quả thật đây là lời công bố về căn tính Thiên sai của Chúa Giêsu, con đường Thiên sai của Chúa Giêsu. “Tôi là Đấng Mêsia, nhưng tôi theo con đường này. Và chúng ta có cái nhìn gần hơn đến những cám dỗ mà Ngài chiến đấu.

Hai lần quỷ nói với ngài rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa …” (cc. 3, 9). Như vậy quỷ đang đề nghị Ngài lợi dụng địa vị của Ngài: trước hết thỏa mãn nhu cầu về vật chất mà Ngài đang cảm nhận là cái đói (x. c. 3), sau đó là gia tăng quyền lực (x. cc. 6-7); và cuối cùng là có một dấu chỉ phi thường từ Thiên Chúa (x. cc. 9-11). Ba cám dỗ. Dường như quỷ đang nói rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy tận dụng lợi thế đó đi!” Việc này cũng thường xuyên xảy ra với chúng ta: “Nếu anh ở địa vị đó, hãy tận dụng nó! Đừng đánh mất cơ hội,” nghĩa là “hãy nghĩ đến ích lợi của anh”. Đó là lời đề nghị đầy cám dỗ, nhưng nó sẽ dẫn bạn tới chỗ làm nô lệ cho tâm hồn: nó khiến chúng ta bị ám ảnh bởi mong muốn có được, mọi sự chỉ dẫn đến việc sở hữu của cải, quyền lực, danh vọng. Đây là cốt lõi của cám dỗ. Nó là “chất độc của những đam mê,” mà cái ác bắt nguồn từ đó. Hãy nhìn vào trong chúng ta, và chúng ta sẽ thấy rằng những cám dỗ của chúng ta luôn có cách suy nghĩ này, cách hành động này.

Nhưng Chúa Giêsu chống lại sự lôi cuốn của cái ác theo cách đầy thuyết phục. Ngài làm việc đó như thế nào? Bằng cách trả lời cho những cám dỗ bằng Lời của Chúa, nói rằng không lợi dụng, không sử dụng Thiên Chúa, người khác và sự vật cho bản thân, không lợi dụng địa vị của mình để giành những đặc quyền. Bởi vì hạnh phúc và tự do thật sự không tìm được trong việc sở hữu, nhưng trong việc chia sẻ; không được tìm thấy trong việc lợi dụng người khác, nhưng yêu thương họ; không phải trong nỗi ám ảnh về quyền lực, nhưng trong niềm vui phục vụ.

Thưa anh chị em, những cám dỗ này cũng đồng hành với chúng ta trên hành trình cuộc sống. Chúng ta phải cảnh giác – đừng sợ, nó xảy ra với tất cả mọi người – và hãy cảnh giác, vì chúng thường thể hiện dưới hình thức rõ ràng là tốt. Quả vậy, ma quỷ thì xảo quyệt, luôn lừa gạt. Hắn muốn Chúa Giêsu tin rằng những đề nghị của hắn là hữu ích để chứng minh rằng Ngài thật sự là Con Thiên Chúa. Và ma quỷ cũng làm như vậy với chúng ta: hắn thường đến với “đôi mắt ngọt ngào”, “với khuôn mặt như thiên thần”, hắn thậm chí còn biết ngụy trang bằng những động cơ thiêng liêng, rõ ràng mang tính tôn giáo.

Và cha muốn nhấn mạnh một điều. Chúa Giêsu không đối thoại với quỷ: Ngài không bao giờ đối thoại với quỷ. Hoặc là Ngài đuổi hắn đi, khi Ngài chữa lành cho người bị quỷ ám, hay trong trường hợp này, khi Ngài phải trả lời, Ngài dùng Lời Chúa, không bao giờ bằng lời của riêng Ngài. Thưa anh chị em, đừng bao giờ đối thoại với ma quỷ: hắn xảo trá hơn chúng ta. Không bao giờ! Hãy bám víu vào Lời của Chúa như Chúa Giêsu, và nhất là luôn luôn trả lời bằng Lời của Chúa. Và theo con đường này, chúng ta sẽ không bao giờ sai lầm.

Ma quỷ làm điều này với chúng ta: hắn thường đến “với đôi mắt dịu dàng”, “với khuôn mặt như thiên thần”; hắn thậm chí còn biết ngụy trang bằng những động cơ thiêng liêng, rõ ràng mang tính tôn giáo! Nếu chúng ta đầu hàng trước sự tâng bốc của hắn, cuối cùng chúng ta sẽ biện minh cho sự sai trái của mình bằng cách ngụy trang nó bằng những ý định tốt lành. Chẳng hạn, chúng ta thường nghe nói “Tôi đã làm những điều kỳ cục, nhưng tôi đã giúp người nghèo”; “Tôi đã lợi dụng vai trò của mình – là một nhà chính trị, một người điều hành, một linh mục, một giám mục – nhưng cũng vì sự tốt lành”; “Tôi đã chịu thua bản năng của mình, nhưng rốt cục thì tôi không làm hại ai,” những lý lẽ biện minh như vậy, và nhiều nữa, hết cách này đến cách khác. Xin đừng bao giờ thỏa hiệp với sự dữ! Không đối thoại với ma quỷ! Chúng ta không được đối thoại với chước cám dỗ, chúng ta không được rơi vào sự ru ngủ lương tâm khiến chúng ta nói rằng: “Nhưng xét cho cùng, đâu có gì nghiêm trọng, mọi người đều làm vậy!” Chúng ta hãy nhìn vào Chúa Giêsu, Ngài không tìm kiếm sự thỏa hiệp, không thỏa thuận với cái ác. Ngài chống lại quỷ bằng Lời Chúa, là Đấng mạnh mẽ hơn ma quỷ, và do đó chiến thắng cám dỗ.

Ước gì thời gian Mùa Chay này cũng trở thành thời gian trong hoang địa đối với chúng ta. Chúng ta hãy dành thời gian để thinh lặng và cầu nguyện – một chút thôi, nó sẽ tốt cho chúng ta – trong những không gian này chúng ta hãy dừng lại và nhìn vào những gì đang khuấy động tâm hồn chúng ta, sự thật sâu thẳm trong chúng ta, mà chúng ta biết rằng không thể biện minh được. Chúng ta hãy tìm sự sáng tỏ trong lòng, đặt mình trước Lời Chúa trong cầu nguyện, để cuộc chiến đấu tích cực chống lại sự dữ bắt chúng ta làm nô lệ, một cuộc chiến vì tự do, có thể diễn ra trong chúng ta.

Chúng ta hãy xin Đức Nữ Đồng trinh đồng hành với chúng ta trong hoang địa Mùa Chay và giúp chúng ta trên con đường hoán cải.

____________________________________

Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến,

Những con sông máu và nước mắt đang chảy ở Ukraine. Nó không phải là chiến dịch quân sự, nhưng là chiến tranh gieo rắc cái chết, phá hủy và thống khổ. Con số các nạn nhân đang tăng lên, cũng như số người tháo chạy, đặc biệt là những người mẹ và trẻ em. Nhu cầu về hỗ trợ nhân đạo trong đất nước hỗn loạn đó đang vô cùng cần kíp từng giờ.

Tôi đưa ra lời kêu gọi tha thiết phải có sự bảo đảm thật sự cho những hành lang nhân đạo, và việc cứu trợ phải được bảo đảm cũng như tạo điều kiện tiếp cận các vùng bị bao vây, để xoa dịu cho những anh chị em của chúng ta đang bị đè bẹp bởi bom đạn và nỗi sợ hãi.

Tôi cảm ơn tất cả những người đang tiếp nhận các người tị nạn. Trên hết, tôi khẩn xin rằng những cuộc tấn công vũ trang được chấm dứt và sự đàm phán - và lương tri - sẽ chiến thắng. Và một lần nữa luật pháp quốc tế phải được tôn trọng!

Và tôi cũng xin cảm ơn các nhà báo đã liều mạng sống của mình để cung cấp thông tin. Cảm ơn anh chị em vì sự phục vụ này! Một sự phục vụ cho phép chúng ta gần gũi với thảm kịch của dân tộc đó và cho phép chúng ta đánh giá được sự tàn bạo của một cuộc chiến tranh. Cảm ơn anh chị em.

Chúng ta cùng cầu nguyện cho Ukraine: chúng ta có cờ của đất nước đó ở trước mặt. Chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện, như là những người anh chị em, lên Đức Mẹ, Nữ vương của Ukraine. Kính mừng Maria …

Tòa thánh sẵn sàng làm mọi việc, để phục vụ cho nền hòa bình này. Trong những ngày vừa qua, hai vị Hồng Y đã đến Ukraine, để phục vụ người dân, để giúp đỡ. Đức Hồng Y Krajewski, Đặc trách Bác ái Tông tòa, mang cứu trợ đến cho những người khó khăn, và Đức Hồng Y Czerny, Tổng trưởng lâm thời của Bộ Phát triển Con người Toàn diện. Sự hiện diện của hai vị Hồng Y ở đó chinh là sự hiện diện không những của Giáo Hoàng mà của tất cả những người Kitô giáo muốn đến gần hơn và nói rằng: “Chiến tranh là sự điên rồ! Xin hãy dừng lại! Hãy nhìn vào sự tàn bạo này!”.

Cha chào tất cả anh chị em, người Roma và khách hành hương đến từ Ý và các quốc gia khác. Đặc biệt cha gửi lời chào các tín hữu của Concord, California, các tín hữu đến từ nhiều thành phố của Ba Lan, và anh chị em đến từ thành phố Cordoba và Sobradiel ở Tây Ban Nha. Cha chào cộng đoàn của Chủng viện Pháp ở Roma, cùng với thân nhân, các tín hữu của Vedano al Lambro, các bạn trẻ của Saronno, Cesano Maderno, Baggio và Valceresio, giáo phận Milan, và các bạn trẻ đến từ Papiano và Cerqueto, giáo phận Perugia. Tôi gửi lời chào các nhà hảo tâm tình nguyện của Đội Cảnh sát Chính phủ Ý, cũng như những người tham gia cuộc hành hương để kỷ niệm chuyến thăm của tôi đến Iraq, đúng một năm trước.

Chiều hôm nay cùng với các vị cộng tác của Giáo triều Roma, tuần Linh thao sẽ bắt đầu. Chúng tôi cầu nguyện cho tất cả những nhu cầu của Giáo hội và của gia đình nhân loại. Và xin anh chị em cũng hãy cầu nguyện cho chúng tôi.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc và một hành trình Mùa Chay hiệu quả! Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci.


[Nguồn: vatican]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/3/2022]


Đức Thánh Cha đến Congo và Nam Sudan vào tháng Bảy

Đức Thánh Cha đến Congo và Nam Sudan vào tháng Bảy

Đức Thánh Cha đến Congo và Nam Sudan vào tháng Bảy

© Marco ZEPPETELLA / AFP

Le pape François.

I.Media for Aleteia

03/03/22


Ở Nam Sudan, ngài có thể sẽ đi cùng với nhà lãnh đạo Liên hiệp Giáo hội Anh.

Văn phòng Báo chí Vatican thông báo hôm 3 tháng Ba rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện chuyến tông du đến Cộng hòa Congo và Nam Sudan từ ngày 2 đến 7 tháng Bảy, 2022. Ở Nam Sudan, một nguồn tin của Vatican cho biết, Đức Giáo hoàng có thể sẽ thực hiện một phần chuyến thăm viếng của ngài cùng với Đức Tổng Giám mục Canterbury.

Chuyến thăm của vị đứng đầu Giáo hội Công giáo đến Nam Sudan hứa hẹn sẽ mang tính lịch sử: chưa từng có một vị giáo hoàng đến thăm đất nước này từ khi được thành lập năm 2011. Chuyến đi này cũng sẽ mang chiều kích ngoại giao rất quan trọng, liên quan đến vai trò hòa giải của Tòa Thánh ở đất nước vùng Đông Phi này trong vài năm.

Vào tháng Tư năm 2019, Đức Thánh Cha đã làm một cử chỉ gây chấn động: ngài quỳ gối trước các nhà lãnh đạo phe thù địch và hôn chân họ để cố thuyết phục họ hòa giải, trong một cuộc họp được tổ chức tại Vatican. Để cho họ một sự động viên cụ thể, Đức Thánh Cha bày tỏ mong muốn đến thăm đất nước non trẻ này một khi cuộc xung đột được giải quyết và tình hình ổn định hơn.

Ở Nam Sudan, sự bế tắc chung của cuộc nội chiến đã làm cho công việc của các vị sứ thần Tòa Thánh đặc biệt phức tạp. Thật vậy, từ năm 2011, một phe trong chính phủ và một số phong trào đối lập, đã tập hợp lại trong SSOMA (Liên minh các phong trào đối lập của Nam Sudan) chống lại nhau trong một cuộc chiến giành quyền lực đẫm máu.

Đứng trước những cuộc đối đầu bộ lạc này, Tòa thánh không hành động một mình. Ở Nam Sudan người Công giáo không phải là đa số (37.5% dân số), Roma đã thực hiện chiến lược ban đầu là ngoại giao đại kết. Để truyền tải thông điệp hòa bình, Giáo hội Công giáo đã kêu gọi những người Anh giáo Scotland và Tin lành Calvin, họ có mặt rất nhiều trong thuộc địa cũ của Anh này.

Ngoài ra, triển vọng về một chuyến đi đã được cân nhắc khi cộng tác với họ, bắt đầu từ năm 2017. Khi kết thúc cuộc gặp gỡ được tổ chức tại Vatican năm 2019, Đức Justin Welby và Đức Giáo hoàng Phanxicô tuyên bố sẵn sàng cùng nhau đi đến Nam Sudan nếu có những tiến bộ đáng kể được thực hiện.

Theo bước chân của Đức Gioan Phaolô II ở Congo

Tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đi theo những bước chân của Đức Gioan Phaolô II, người đã đến thăm đất nước vĩ đại của châu Phi xích đạo hai lần – tại thời điểm đất nước được gọi là Zaire – vào năm 1980 và sau đó là năm 1985.

Vào tháng Một năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nồng nhiệt tiếp ông Félix Tshisekedi, tân Tổng thống Cộng hòa Dân chủ Congo, trước đại dịch Covid-19. Chuyến thăm này đã thông qua việc nối lại những mối quan hệ hòa bình hơn sau sự ra đi của Tổng thống Joseph Kabila vào năm 2019. Nhân cuộc gặp gỡ này, ông Felix Tshisekedi đã mời Đức Giáo hoàng đến đất nước của ông.

Cuộc phỏng vấn cũng dẫn đến việc áp dụng hiệp định khung được hai nước ký kết vào năm 2016 để xác định cụ thể tình trạng pháp lý của Giáo hội Công giáo tại DRC. Điều này trao “quyền tự do” cho Giáo hội trong hoạt động tông đồ và các lĩnh vực được giao phó – giáo dục, y tế, chăm sóc mục vụ, bác ái, v.v..

Ở đất nước có hơn 100 triệu dân và tỷ lệ đói nghèo đang ở mức kinh khủng này, Giáo hội Công giáo có ảnh hưởng rất lớn và đóng vai trò là người trung gian. Sau sự ra đi của Đức Hồng Y Laurent Monsengwo vào năm 2018, Đức Hồng Y Fridolin Ambongo 62 tuổi trở thành nhân vật vĩ đại của Giáo Hội ở đó.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/3/2022]