Thứ Năm, 27 tháng 9, 2018

Đức Thánh Cha Phanxico: Diễn từ tại Diễn đàn Liên tôn G20

Đức Thánh Cha Phanxico: Diễn từ tại Diễn đàn Liên tôn G20
© Vatican Media

Đức Thánh Cha Phanxico: Diễn từ tại Diễn đàn Liên tôn G20

‘Tôi nghĩ rằng tôn giáo có một vai trò rất lớn, đặc biệt do quan điểm mới về con người, xuất phát từ niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên con người và vũ trụ.’

26 tháng Chín, 2018 16:50

Dưới đây là Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico gửi các tham dự viên trong Diễn đàn Liên tôn G20 (G20 Interfaith), diễn ra tại Buenos Aires, Argentina, 26-28 tháng Chín, 2018 về chủ đề “Xây Dựng Tính Thống Nhất Về Sự Phát Triển Bền Vững Và Công Bằng: Những Đóng Góp Của Tôn Giáo Cho Một Tương Lai Có Phẩm Giá”:


Sứ điệp của Đức Thánh Cha

Tôi xin gửi lời chào thân ái đến quý vị tổ chức và tham dự trong Diễn đàn Liên tôn G20, năm nay diễn ra tại Buenos Aires. Những hội nghị liên tôn, diễn ra trong khuôn khổ của các cuộc họp Thượng đỉnh G20, mong muốn đưa ra sự đóng góp của những truyền thống và kinh nghiệm tôn giáo và triết học khác nhau cho cộng đồng quốc tế, để làm rõ những vấn đề xã hội mà chúng ta quan tâm một cách đặc biệt ngày nay.

Trong những ngày trao đổi và phản ánh vừa qua, diễn đàn nhằm mục tiêu khám phá sâu rộng hơn về vai trò của các tôn giáo và sự đóng góp cụ thể của tôn giáo trong việc xây dựng tính thống nhất cho sự phát triển bền vững và công bằng để bảo đảm một tương lai xứng đáng cho tất cả mọi người.

Chắc chắn, lúc này thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách đố, và vô cùng phức tạp. Chúng ta hiện đang đương đầu với những tình hình khó khăn không chỉ ảnh hưởng đến nhiều anh em bị gạt bỏ và bị lãng quên của chúng ta, nhưng còn phải đương đầu với sự đe dọa tương lai của toàn nhân loại. Và những người có đức tin không thể giữ thái độ thờ ơ trước những đe dọa này.

Suy nghĩ về tôn giáo, tôi tin rằng ngoài những sự khác biệt và những quan điểm khác nhau, sự đóng góp mang tính nền tảng đầu tiên cho thế giới hôm nay là khả năng thể hiện tính hiệu quả của sự đối thoại mang tính xây dựng để cùng nhau tìm ra những giải pháp tốt nhất cho các vấn đề đang ảnh hưởng tới tất cả chúng ta. Một sự đối thoại không nhằm chối bỏ bản sắc của một tôn giáo (xem Tông huấn Evangelii Gaudium, 251), nhưng sẵn sàng bước ra để gặp gỡ người khác, để thấu hiểu những lý do của họ, để có thể xây dựng những mối quan hệ nhân văn đầy tính tôn trọng, với sự xác tín rõ ràng và dứt khoát rằng việc lắng nghe người có suy nghĩ khác biệt trước hết là một cơ hội để làm phong phú lẫn nhau và phát triển trong tình huynh đệ. Không thể xây dựng một ngôi nhà chung nếu gạt bỏ những người có suy nghĩ khác biệt, hoặc những gì họ cho là quan trọng và những gì thuộc bản sắc rất riêng của họ. Điều cần thiết là phải xây dựng một tình huynh đệ không như một “phòng thí nghiệm,” vì “tương lai lệ thuộc vào sự chung sống biết tôn trọng tính đa dạng, chứ không lệ thuộc vào việc thừa nhận một lối suy nghĩ trung lập thuần tính lý thuyết” (Diễn từ trước Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn, 28 tháng Mười Một, 2013 ).

Đứng trước một thế giới trong đó mô hình phát triển theo kỹ trị được khẳng định và củng cố, với luận lý thống trị và điều khiển thực tại chỉ quan tâm đến lợi nhuận và kinh tế, Tôi nghĩ rằng tôn giáo có một vai trò rất lớn, đặc biệt do quan điểm mới về con người, xuất phát từ niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên con người và vũ trụ. Bất kỳ nỗ lực nào tìm kiếm sự phát triển kinh tế, xã hội hay kỹ thuật phải suy xét đến phẩm giá của con người; tầm quan trọng của việc nhìn đến con người qua đôi mắt của họ chứ không xem họ chỉ là một con số hay một sự thống kê lạnh lùng. Chúng ta cần có một sự vững tin rằng “con người là nguồn lực, là trung tâm, và là mục tiêu cho mọi đời sống kinh tế và xã hội” (Tông huấn Gaudium et Spes, 63). Vì thế, chúng ta hãy đưa ra một cách nhìn mới về con người và thực tại, không nhằm mục đích thao túng hay thống trị, nhưng với sự tôn trọng bản chất của riêng họ và ơn gọi của họ trong toàn thể tạo vật, vì “được mời gọi đi vào sự hiện hữu bởi một Chúa Cha, tất cả chúng ta được kết nối bởi những mối dây ràng buộc vô hình và cùng nhau tạo nên một gia đình hoàn vũ, một sự kết hiệp cao cả lấp đầy chúng ta bằng một lòng tôn trọng thánh thiêng, cảm mến và khiêm tốn” (Tông huấn Laudato si’, 89).

Các bạn thân mến, trước hội đồng vô cùng cao quý này, một lần nữa tôi tha thiết lặp lại lời kêu gọi bảo vệ cho ngôi nhà chung của chúng ta qua sự quan tâm đến toàn gia đình nhân loại. Một lời mời gọi khẩn thiết đến với một cuộc đối thoại mới về cách chúng ta xây dựng xã hội, trên con đường đi tìm sự phát triển bền vững với lòng vững tin rằng mọi việc đều có thể thay đổi.

Xin cho phép tôi kết luận bằng việc lặp lại một lần nữa rằng tất cả chúng ta đều là cần thiết trong nhiệm vụ này, và chúng ta có thể hợp tác với nhau như những khí cụ của Thiên Chúa để bảo vệ và chăm sóc cho tạo vật, mọi người đóng góp văn hóa và kinh nghiệm của họ, tài năng và niềm tin của họ.

Và thưa quý vị, xin cầu nguyện cho tôi.

Vatican, 6 tháng Chín, 2018

FRANCIS

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/9/2018]


TIẾP KIẾN CHUNG: Chuyến đi của Đức Thánh Cha đến các quốc gia vùng Baltics (Toàn văn)

TIẾP KIẾN CHUNG: Chuyến đi của Đức Thánh Cha đến các quốc gia vùng Baltics (Toàn văn)
© Vatican Media

TIẾP KIẾN CHUNG: Chuyến đi của Đức Thánh Cha đến các quốc gia vùng Baltics (Toàn văn)

‘Sứ mạng của cha là một lần nữa công bố niềm vui của Tin mừng cho các dân tộc này và cuộc cách mạng của lòng nhân hậu, của lòng thương xót, vì sự tự do là chưa đủ để mang đến ý nghĩa và sự trọn vẹn cho cuộc sống, nếu không có tình yêu, tình yêu luôn đến từ Thiên Chúa’

26 tháng Chín, 2018 14:23

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:30 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung về chuyến Tông du của ngài đến Lithuania, Latvia và Estonia, vừa mới kết thúc (Trích đoạn Sách thánh: Thánh vịnh 126, 1-6).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu hiện diện. Sau đó ngài đưa ra lời kêu gọi nhân dịp ký kết Thỏa thuận Tạm thời giữa Tòa Thánh và nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, về việc bổ nhiệm giám mục ở Trung quốc, đã diễn ra tại Bắc Kinh ngày 22 tháng Chín vừa qua.

Buổi Tiếp Kiến chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

* * *

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong những ngày vừa qua, cha vừa hoàn thành chuyến Tông du đến Lithuania, Latvia và Estonia, nhân dịp kỷ niệm 100 năm độc lập của các quốc gia Baltic này. Một trăm năm, phân nửa thời gian đó họ phải sống dưới cái ách của những cuộc chiếm đóng, ban đầu là Đức Quốc xã và sau là đến Xô viết. Họ là những dân tộc đã chịu nhiều đau thương, và vì vậy, Thiên Chúa đã đoái thương nhìn đến họ. Cha chắc chắn về điều này. Tôi cảm ơn ba vị tổng thống của ba nước Cộng hòa và các Giới chức dân sự về những sự tiếp đón rất trang trọng dành cho tôi. Tôi cảm ơn các đức Giám mục và tất cả những người đã cộng tác trong việc chuẩn bị và tổ chức sự kiện hội thánh này.

Chuyến viếng thăm của cha diễn ra trong bối cảnh đã thay đổi so với bối cảnh khi Thánh Gioan Phaolo II đến. Sứ mạng của cha là một lần nữa công bố niềm vui của Tin mừng cho các dân tộc này và cuộc cách mạng của lòng nhân hậu, của lòng thương xót, vì sự tự do là chưa đủ để mang đến ý nghĩa và sự trọn vẹn cho cuộc sống, nếu không có tình yêu, tình yêu luôn đến từ Thiên Chúa. Tin mừng, trong thời gian thử thách đã trao sức mạnh và động viên sự đấu tranh cho giải phóng, trong thời gian tự do nó là ánh sáng cho hành trình từng ngày của con người, của gia đình, của xã hội, và là muối tạo hương vị cho cuộc sống thường nhật và bảo vệ nó thoát khỏi sự hủ hóa của tính tầm thường và tính tự cao tự đại.

Ở Lithuania, người Công giáo chiếm số đông, trong khi ở Latvia và Estonia, người Tin lành và Chính thống giáo chiếm đa số; tuy nhiên, nhiều người đã xa cách đời sống tôn giáo. Vì thế, thách đố ở đây là phải củng cố sự hiệp nhất giữa tất cả mọi người Ki-tô hữu, đã được phát triển trong suốt thời gian bắt bớ gắt gao. Quả thật, bản chất của chuyến đi này là chiều kích đại kết, và đã được diễn đạt qua thời gian cầu nguyện trong Nhà thờ Chính tòa Riga và trong buổi gặp gỡ với giới trẻ ở Tallinn.

Trong bài diễn từ trước các Giới chức của ba quốc gia này, cha nhấn mạnh đến sự đóng góp của họ cho cộng đồng các dân tộc, và đặc biệt cho Châu Âu: đóng góp những giá trị nhân văn và xã hội, đã truyền qua thời gian thử thách gắt gao nhất. Cha đã khuyến khích sự đối thoại giữa các thế hệ của người cao tuổi và thế hệ người trẻ, để sự liên lạc với “những cội rễ” có thể tiếp tục làm phong phú cho hiện tại và tương lai. Cha kêu gọi phải luôn kết hợp sự tự do với tình đoàn kết và lòng hiếu khách, theo truyền thống của những vùng đất đó.

Hai buổi gặp gỡ dành riêng cho giới trẻ và người cao tuổi: ở Vilnius với giới trẻ, và ở Riga với giới cao niên. Tràn ngập trong quảng trường ở Vilnius là các chàng trai và cô gái, là khẩu hiệu của chuyến viếng thăm đến Lithuania: “Đức Giê-su Ki-tô Niềm Hy vọng của chúng ta.” Những chứng ngôn diễn tả nét đẹp của sự cầu nguyện và việc ca hát, nơi linh hồn mở rộng trước Thiên Chúa, niềm vui phục vụ người khác, thoát ra khỏi sự khép kín của cái “Tôi” để lên đường, có thể đứng dậy sau những lần vấp ngã. Ở Lativa với người cao tuổi cha đã nhấn mạnh đến mối dây ràng buộc rất chặt chẽ giữa sự kiên nhẫn và hy vọng. Những người đã đi qua các thử thách gian khổ là cội rễ cho một dân tộc, để bảo vệ bằng ơn sủng của Chúa, để những chồi non có thể hút lấy nhựa sống từ những cội rễ đó và trổ hoa sinh trái. Thách đố cho những người đến tuổi già không phải là sự cứng nhắc, nhưng là giữ tâm hồn mở rộng và nhân hậu trong lòng, và điều này là hoàn toàn có thể có được với “nhựa sống” của Chúa Thánh Thần, bằng sự cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa.

Cùng với các linh mục, người sống đời tận hiến và các chủng sinh ở Lithuania, sự bền chí là vô cùng quan trọng cho niềm hy vọng: đặt trung tâm vào Thiên Chúa, bấu víu thật vững vào tình yêu của Người. Những chứng tá thật cao cả của rất nhiều linh mục cao tuổi, của nam nữ tu sĩ đã thể hiện và vẫn đang tiếp tục thể hiện! Họ đã chịu những phỉ báng, bị tống ngục, bị lưu đày …, nhưng họ vẫn giữ vững niềm tin. Cha đã kêu gọi đừng lãng quên và phải bảo vệ ký ức về các vị tử đạo, để noi gương của họ.

Và để kết nối với ký ức, ở Vilnius cha đã tôn kính các nạn nhân của cuộc diệt chủng người Do thái ở Lithuania, đúng 75 năm kể từ ngày đóng cửa Ghetto, đó là khu hành hình hàng chục ngàn người Do thái. Đồng thời cha đến thăm Viện Bảo tàng Occupations and the Struggles for Freedom (những cuộc chiếm đóng và những cuộc chiến vì tự do): cha đã dừng lại cầu nguyện trong các phòng nơi những người chống đối thể chế bị giam giữ, bị tra tấn và bị giết. Họ giết trên dưới 40 người một đêm. Thật kinh hoàng khi nhìn thấy mức độ tàn ác của con người. Chúng ta hãy nghĩ đến điều này.

Năm tháng trôi qua, các chính thể cũng đi qua, nhưng trên hết Cổng Bình Minh của Vilnius, Mẹ Maria, Mẹ của Lòng Thương xót, vẫn tiếp tục canh giữ cho con cái của Mẹ, như là dấu hiệu của niềm hy vọng vững chắc và sự an ủi (x. Công đồng chung Vatican II, Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, 68).

Bác ái bằng hành động cụ thể luôn là một dấu chỉ sống động của Tin mừng. Ngay cả ở những nơi tính thế tục mạnh mẽ nhất, thì Thiên Chúa vẫn nói bằng ngôn ngữ của tình yêu, của sự chữa lành, của sự phục vụ nhưng không cho những người thiếu thốn. Và rồi những tâm hồn mở ra, và phép lạ xảy đến: sự sống mới trổ sinh trong những sa mạc.

Trong ba Thánh Lễ — tại Kaunas, Lithuania; tại Aglona, Latvia và ở Tallinn, Estonia — Dân Thánh của Chúa đang trên hành trình trong những vùng đất đó làm mới lại lời thưa “xin vâng” trước Đức Ki-tô, niềm hy vọng của chúng ta. Họ làm mới lại lời thưa cùng với Mẹ Maria, Đấng luôn luôn tỏ tình hiền mẫu cho con cái của Mẹ, đặc biệt với những người đau khổ nhất; họ nhắc lại như là dân tộc được chọn, những con người thánh thiện mà Thiên Chúa làm thức tỉnh ơn sủng của Bí tích Rửa tội trong tâm hồn họ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những anh chị em của Lithuania, của Latvia và của Estonia. Cảm ơn anh chị em!

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến,

Thứ Bảy trước, 22 tháng Chín, một Thỏa thuận Tạm thời được ký kết ở Bắc kinh giữa Tòa Thánh và nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, về việc bổ nhiệm các giám mục ở Trung quốc. Thỏa thuận này là kết quả của một hành trình đối thoại lâu dài và cân nhắc thận trọng; hướng đến việc thúc đẩy một sự hợp tác tích cực hơn giữa Tòa Thánh và các Giới chức Trung quốc vì lợi ích của cộng đoàn Công giáo ở Trung quốc và vì sự hòa hợp của toàn xã hội.

Trong tinh thần này, cha quyết định gửi tới người Công giáo Trung quốc và Giáo hội toàn cầu một sứ điệp về sự động viên tình huynh đệ, sẽ được công bố hôm nay. Bằng cách này, cha hy vọng rằng một chương mới sẽ được mở ra ở Trung quốc, giúp chữa lành những vết thương trong quá khứ, tái thiết lập và duy trì sự hiệp nhất trọn vẹn của tất cả mọi người Công giáo Trung quốc và cam kết đổi mới sự loan truyền Tin mừng. Anh chị em thân mến, chúng ta có một trách nhiệm rất quan trọng! Chúng ta được kêu gọi để đồng hành cùng anh chị em của chúng ta ở Trung quốc bằng lời cầu nguyện liên lỷ và một tình bạn thân ái. Họ biết rằng họ không cô đơn. Toàn Giáo hội cùng cầu nguyện với họ và cho họ. Cha khẩn xin Đức Mẹ, Mẹ của Niềm Hy vọng và Cứu giúp người Ki-tô hữu ban ơn và bảo vệ tất cả người Công giáo ở Trung quốc, đồng thời chúng ta khẩn cầu Thiên Chúa ban ơn thịnh vượng và bình an cho toàn thể người dân Trung quốc.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/9/2018]