Thứ Tư, 12 tháng 6, 2019

Blaj, Romania: Đức Thánh Cha khen ngợi những giá trị gia đình và sự sống của cộng đồng Roma

Blaj, Romania: Đức Thánh Cha khen ngợi những giá trị gia đình và sự sống của cộng đồng Roma

Blaj, Romania: Đức Thánh Cha khen ngợi những giá trị gia đình và sự sống của cộng đồng Roma

‘Tuy nhiên, tâm hồn cha nặng trĩu. Nó trĩu nặng vì những kinh nghiệm về sự phân biệt đối xử, sự chia tách, và sự đối xử tệ bạc mà các cộng đoàn anh chị em phải trải qua.’

02 tháng Sáu, 2019 16:21

Ngày 2 tháng Sáu, 2019, Đức Thánh Cha khen ngợi những giá trị gia đình và đời sống của cộng đồng Roma nhưng đồng thời xót xa về những thành kiến và bắt bớ mà cộng đồng đã phải gánh chịu nhiều năm.

Lời của ngài trong chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến tông du của ngài từ 31 tháng Năm đến 2 tháng Sáu đến Romania. Sau phần dâng Lễ với một đám đông hơn 100.000 người trong Sân Tự do ở Blaj, Đức Thánh Cha đến thăm quận Barbu Lăutaru của Blaj nơi ngài gặp gỡ cộng đồng Roma của thành phố trong ngôi nhà thờ mới cung hiến cho Thánh An-rê Tông đồ và Chân phước Ioan Suciu. Blaj nằm trong vùng Transylvania và là trung tâm tôn giáo và văn hóa chính yếu của Giáo hội Công giáo Hy lạp của Romania trong vùng.

Đức Thánh Cha Phanxico nói, “Anh chị em thân mến, là một dân tộc, anh chị em đóng một vai trò rất lớn. Đừng e ngại chia sẻ và trao tặng những món quà đặc biệt mà anh chị em có và nó đã đánh dấu lịch sử của anh chị em.

“Chúng ta cần những món quà đó: sự tôn trọng giá trị sự sống và gia đình đa thế hệ, tình đoàn kết, lòng hiếu khách, tính hay giúp đỡ, sự hỗ trợ và quan tâm đến những người dễ bị xúc phạm trong cộng đoàn của anh chị em, tôn trọng và trân quý người già và ý nghĩa đời sống của tôn giáo, tính tự nhiên và niềm vui sống.”

Đức Thánh Cha cũng xin lỗi về bất cứ vai trò nào mà người Ki-tô hữu và Công giáo đã tham gia vào việc bắt bớ những người Roma, là một trong các nhóm thiểu số lớn nhất trên khắp Châu Âu.

Đức Phanxico nói, “Tuy nhiên, tâm hồn cha nặng trĩu. Nó trĩu nặng vì những kinh nghiệm về sự phân biệt đối xử, sự chia tách, và sự đối xử tệ bạc mà các cộng đoàn anh chị em phải trải qua. Lịch sử cho chúng ta biết rằng cả những người Ki-tô hữu, gồm cả người Công giáo, không phải là những người xa lạ với tội ác đó.

“Cha muốn đưa ra lời xin lỗi về việc này. Cha xin lỗi – nhân danh Giáo hội – và cha xin sự tha thứ của anh chị em. Vì tất cả những thời gian trong quá khứ khi mà chúng ta đã đối xử phân biệt, đối xử tệ bạc hoặc có cái nhìn ngờ vực đối với anh chị em, với cái nhìn của Cain hơn là của Aben, và đã không thể chân nhận anh chị em, đánh giá đúng anh chị em và bảo vệ anh chị em trong sự riêng biệt của mình.”

Blaj, Romania: Đức Thánh Cha khen ngợi những giá trị gia đình và sự sống của cộng đồng Roma

Toàn văn phát biểu của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào (buổi chiều) anh chị em!

Cha rất hạnh phúc được gặp gỡ anh chị em, và cha cảm ơn anh chị em vì sự chào đón. Cha Ioan đã rất đúng khi ngài chỉ ra sự thật vững chắc nhưng nó lại thường bị lãng quên: trong Giáo hội của Đức Ki-tô, có chỗ dành cho tất cả mọi người. Giáo hội là một nơi của sự gặp gỡ. Chúng ta cần phải ghi nhớ điều này trong tâm trí, không phải như một khẩu ngữ đẹp nhưng hơn thế như là một phần của thẻ căn cước của người Ki-tô hữu. Cha đã nhắc chúng ta nhớ điều này bằng cách kể lại mẫu gương của đức giám mục Ioan Suciu và là vị tử đạo, người đã đưa ra sự thể hiện cụ thể cho khát khao của Thiên Chúa Cha muốn gặp gỡ mọi người trong tình bạn và trong sự chia sẻ. Tin mừng của niềm vui được truyền tải trong niềm hạnh phúc của sự gặp gỡ và biết rằng chúng ta có một Cha là Đấng yêu thương chúng ta. Biết rằng Người trông nom chúng ta, thì chúng ta cũng phải học cách trông nom cho nhau. Trong tinh thần này, cha đã muốn bắt tay anh chị em, để nhìn vào mắt anh chị em và để mở rộng trái tim cho anh chị em, trong lời cầu nguyện và trong niềm hy vọng được trở nên một phần trong những lời kinh của anh chị em và đi vào tâm hồn anh chị em.

Tuy nhiên, tâm hồn cha nặng trĩu. Nó trĩu nặng vì những kinh nghiệm về sự phân biệt đối xử, sự chia tách, và sự đối xử tệ bạc mà các cộng đoàn anh chị em phải trải qua. Lịch sử cho chúng ta biết rằng cả những người Ki-tô hữu, gồm cả người Công giáo, không phải là những người xa lạ với tội ác đó. Cha muốn đưa ra lời xin lỗi về việc này. Cha xin lỗi – nhân danh Giáo hội – và cha xin sự tha thứ của anh chị em. Vì tất cả những thời gian trong quá khứ khi mà chúng ta đã đối xử phân biệt, đối xử tệ bạc hoặc có cái nhìn ngờ vực đối với anh chị em, với cái nhìn của Cain hơn là của Aben, và đã không thể chân nhận anh chị em, đánh giá đúng anh chị em và bảo vệ anh chị em trong sự riêng biệt của mình. Cain không màng quan tâm đến em trai của mình. Sự thờ ơ sinh ra những thành kiến và thúc đẩy lòng căm giận và phẫn uất. Không biết bao nhiêu lần chúng ta xét đoán một cách hấp tấp, với những lời như gai đâm, với những thái độ gieo rắc lòng căm ghét và chia rẽ! Bất cứ khi nào một người bị bỏ rơi đằng sau thì gia đình nhân loại không thể tiến tới. Tận sâu thẳm trong lòng, chúng ta không phải là người Ki-tô hữu, và thậm chí không phải là những con người tốt lành, nếu chúng ta không thể nhìn thấy con người trước những hành động của người đó, trước những xét đoán và thành kiến của chúng ta.

Lịch sử của nhân loại không bao giờ không có Aben và Cain. Luôn có bàn tay vươn ra và bàn tay giơ lên để đánh. Luôn có cánh cửa rộng mở cho sự gặp gỡ và cánh cửa khóa kín của xung đột. Có sự chấp nhận và có sự chối bỏ. Có những con người nhìn thấy người khác là anh chị em, và có những người thay vì vậy lại nhìn thấy một chướng ngại cản đường của họ. Có nền văn minh của tình yêu và văn minh của lòng thù ghét. Mỗi ngày chúng ta phải chọn giữa Aben và Cain. Giống như một người đứng tại ngã tư đường giao nhau, chúng ta phải đối mặt với một sự lựa chọn dứt khoát: đi theo con đường hòa giải hoặc con đường báo thù. Chúng ta hãy chọn con đường của Chúa Giê-su. Đó là một con đường đòi hỏi nỗ lực, nhưng là con đường mang đến sự bình an. Và nó đi qua những tha thứ. Ước mong rằng chúng ta không để bản thân bị lôi kéo bởi những sự tổn thương mà chúng ta chất chứa trong lòng; đừng để chỗ trống cho sự căm giận. Vì một điều ác không bao giờ sửa chữa được một điều ác khác, không có mối thù hận nào có thể làm thỏa mãn một sự bất công, không có sự phẫn uất nào là tốt lành cho tâm hồn và không có sự chối bỏ nào đem chúng ta lại gần với người khác hơn.

Anh chị em thân mến, là một dân tộc, anh chị em đóng một vai trò rất lớn. Đừng e ngại chia sẻ và trao tặng những món quà đặc biệt mà anh chị em có và nó đã đánh dấu lịch sử của anh chị em. Chúng ta cần những món quà đó: sự tôn trọng giá trị sự sống và gia đình đa thế hệ, tình đoàn kết, lòng hiếu khách, tính hay giúp đỡ, sự hỗ trợ và quan tâm đến những người dễ bị xúc phạm trong cộng đoàn của anh chị em, tôn trọng và trân quý người già và ý nghĩa đời sống của tôn giáo, tính tự nhiên và niềm vui sống. Bất kỳ anh chị em ở đâu, hãy chia sẻ những món quà đó và cố gắng đón nhận tất cả những sự tốt lành người khác có thể trao tặng cho anh chị em. Vì lý do này, cha động viên anh chị em hãy cùng nhau đồng hành, dù anh chị em ở bất kỳ đâu, hãy giúp xây dựng một thế giới nhân văn hơn, vượt qua được nỗi sợ hãi và nghi ngờ, phá đổ những rào chắn chia cách chúng ta với người khác, và động viên nhau tin tưởng trong sự kiên nhẫn và không bao giờ thất bại trong việc tìm kiếm tình huynh đệ. Hãy cứ cố gắng cùng nhau đồng hành với phẩm giá: phẩm giá của gia đình, phẩm giá của việc tìm kiếm lương thực hàng ngày – đây là những gì giúp cho anh chị em tiến tới – và phẩm giá của sự cầu nguyện. Hãy cứ nhìn về tương lai (x. Buổi gặp gỡ cầu nguyện với người Roma và Sinti, 9 tháng Năm 2019).

Buổi họp mặt của chúng ta là buổi cuối cùng của chuyến viếng thăm Romania của cha. Cha đến đất nước xinh đẹp và hiếu khách này như một người hành hương và một người anh em, để gặp gỡ tất cả mọi người của dân tộc. Bây giờ cha trở về mang đầy những kinh nghiệm của nhiều nơi khác nhau và những thời khắc đặc biệt, nhưng trên hết là những khuôn mặt. Những khuôn mặt của anh chị em sẽ vẽ lên màu sắc cho những ký ức của cha và luôn có chỗ trong lời cầu nguyện của cha. Cha cảm ơn anh chị em và cha anh chị em theo bên mình. Và giờ đây trước khi chúc lành cho anh chị em, cha xin anh chị em một đặc ân: xin hãy cầu nguyện cho cha. Cảm ơn anh chị em!

[00960-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/6/2019]


Romania: Đức Thánh Cha nói về Mẹ Maria: ‘Mẹ Maria lên đường, Mẹ Maria gặp gỡ, Mẹ Maria hoan hỷ’

Romania: Đức Thánh Cha nói về Mẹ Maria: ‘Mẹ Maria lên đường, Mẹ Maria gặp gỡ, Mẹ Maria hoan hỷ’
Vatican Media Screenshot

Romania: Đức Thánh Cha nói về Mẹ Maria: ‘Mẹ Maria lên đường, Mẹ Maria gặp gỡ, Mẹ Maria hoan hỷ’

‘Mẹ Maria ca khen những điều phi thường Chúa đã làm cho người tôi tớ hèn mọn của Người …’

31 tháng Năm, 2019 18:17

“Mẹ Maria lên đường, Mẹ Maria gặp gỡ, Mẹ Maria hoan hỷ.” Đó là những điều Đức Phanxico mô tả về Mẹ Thiên Chúa ngày 31 tháng Năm, 2019.

“Mẹ Maria ca khen những điều phi thường Chúa đã làm cho người tôi tớ hèn mọn của Người; bài ca của mẹ là bài tụng ca vĩ đại của niềm hy vọng cho những người không còn khả năng hát mừng vì họ đã mất tiếng nói của mình. Bài tụng ca hy vọng đó cũng là để khuấy động chúng ta hôm nay và làm cho chúng ta cùng hòa chung tiếng nói của mình vào đó.”

Những lời của Đức Thánh Cha nói trong bài giảng Lễ tại Nhà thờ Chính tòa Thánh Giu-se ở Bucharest, sự kiện cuối cùng với công chúng trong ngày thứ nhất của chuyến tông du từ 31 tháng Năm đến 2 tháng Sáu đến Romania. Ngài tiếp tục mở rộng ba khía cạnh đó của đời sống Mẹ Maria.

Trước hết, ngài phân tích rằng cuộc sống của Mẹ gồm nhiều cuộc lên đường. Mẹ đi thăm người chị họ Ê-li-sa-bét. Mẹ về Bê-lem để sinh Chúa Giê-su. Mẹ trốn Hê-rô-đê bằng cách chạy sang Ai-cập. Mẹ lên Giê-ru-sa-lem hàng năm để dự lễ Vượt qua. Và Mẹ theo Chúa Giê-su đến nơi Người chịu đóng đinh.

“Tất cả những chuyến đi này đều có một điểm chung: chúng không hề dễ dàng; chúng luôn đòi phải có lòng can đảm và kiên nhẫn,” Đức Phanxico nói, “Những chuyến đi đó nói cho chúng ta biết rằng Mẹ của chúng ta thấu hiểu ý nghĩa của việc vượt qua đồi dốc là như thế nào, Mẹ thấu hiểu ý nghĩa cho chúng ta vượt qua đồi dốc là gì, và Mẹ là người chị bên mỗi bước đi của chúng ta trên đường. Mẹ biết sự mệt nhọc của cuộc lữ hành là như thế nào và Mẹ nắm tay dẫn chúng ta giữa những khó khăn, trong những phong ba nguy nan nhất và trả lại hành trình của cuộc sống chúng ta.”

Thứ hai, đời sống của Mẹ là một trong “những cuộc gặp gỡ.” Mẹ gặp bà Ê-li-sa-bét — nhưng cũng do Chúa Thánh Thần. Và Maria và Ê-li-sa-bét không xa cách do sự khác biệt tuổi tác.

Đức Thánh Cha giải thích, “Đáng chú ý là cô thiếu nữ đến gặp gỡ một người lớn tuổi, tìm kiếm nguồn cội của mình, trong khi người nữ cao tuổi được tái sinh và nói tiên tri về tương lai của người nữ trẻ. Ở đây, người trẻ và người già gặp gỡ, ôm lấy nhau và đánh thức những điều tốt nhất trong mỗi người. Đó là một phép lạ do văn hóa gặp gỡ đem đến, trong đó không ai bị loại bỏ hay bị gạt ra, nhưng tất cả đều được tìm kiếm vì tất cả đều là cần thiết để tỏ lộ dung nhan của Chúa.”

Thứ ba, Mẹ hoan hỉ. Mẹ ngập tràn niềm vui khi biết rằng Mẹ sẽ là Mẹ của Chúa. Và trong một thế giới có quá nhiều nỗi sợ hãi, Mẹ cho chúng ta thấy tầm quan trọng của niềm vui.

“Không có niềm vui, chúng ta ở trong tình trạng tê liệt, làm nô lệ cho những điều bất hạnh của chúng ta,” Đức Thánh Cha nói … “Đức tin sẽ bị dao động khi nó chỉ bồng bềnh trên những sự buồn bã và nản lòng. Khi chúng ta sống trong sự hoài nghi, co cụm vào bản thân, là chúng ta đi nghịch lại với đức tin.

“Mẹ Maria đến trợ giúp chúng ta, vì thay vì làm bớt đi mọi sự, Mẹ lại phóng lớn chúng lên trong ‘kính khuếch đại’ của Chúa, trong việc ca khen sự vĩ đại của Người. Đến đây chúng ta tìm được bí mật của niềm vui của chúng ta. Mẹ Maria, hèn mọn và khiêm nhường, khởi đi từ sự lớn lao của Chúa và bất kể những vấn đề của Mẹ – và không phải chỉ là một ít – Mẹ luôn tràn ngập niềm vui, vì Mẹ phó thác bản thân cho Chúa trong mọi sự. Mẹ nhắc chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa luôn luôn có thể thực hiện những điều trọng đại nếu chúng ta mở rộng tâm hồn cho Ngài và cho anh chị em của chúng ta.”

Romania: Đức Thánh Cha nói về Mẹ Maria: ‘Mẹ Maria lên đường, Mẹ Maria gặp gỡ, Mẹ Maria hoan hỷ’

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha

Tin mừng chúng ta vừa nghe thu hút chúng ta chú ý vào cuộc gặp gỡ của hai người phụ nữ ôm lấy nhau, ngập tràn niềm vui và lời ca khen. Đứa trẻ nhảy mừng trong cung lòng bà Ê-li-sa-bét và bà chúc phúc cho người em họ vì niềm tin của mình. Mẹ Maria ca khen những điều phi thường Chúa đã làm cho người tôi tớ hèn mọn của Người; bài ca của mẹ là bài tụng ca vĩ đại của niềm hy vọng cho những người không còn khả năng hát mừng vì họ đã mất tiếng nói của mình. Bài tụng ca hy vọng đó cũng là để khuấy động chúng ta hôm nay và làm cho chúng ta cùng hòa chung tiếng nói của chúng ta vào đó. Nó thể hiện việc này qua ba yếu tố quý giá mà chúng ta có thể chiêm ngưỡng nơi người môn đệ đầu tiên: Mẹ Maria lên đường, Mẹ Maria gặp gỡ, Mẹ Maria hoan hỉ.

Mẹ Maria lên đường … Từ Na-da-rét đến nhà của ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét. Đó là chuyến đi đầu tiên của Mẹ Maria, theo tường thuật của Kinh thánh. Hành trình đầu tiên của rất nhiều chuyến đi. Mẹ sẽ đi từ Ga-li-lê đến Bê-lem, nơi Chúa Giê-su hạ sinh; Mẹ sẽ đi đến Ai-cập để bảo vệ Hài nhi thoát khỏi tay Hê-rô-đê; hàng năm Mẹ đi lên Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Vượt qua (x. Lc 2:31), và cuối cùng Mẹ sẽ theo chân Chúa Giê-su lên đồi Can-vê. Tất cả những chuyến đi này đều có một điểm chung: chúng không hề dễ dàng; chúng luôn đòi phải có lòng can đảm và kiên nhẫn. Những chuyến đi đó nói cho chúng ta biết rằng Mẹ của chúng ta thấu hiểu ý nghĩa của việc vượt qua đồi dốc là như thế nào, Mẹ thấu hiểu ý nghĩa cho chúng ta vượt qua đồi dốc là gì, và Mẹ là người chị bên mỗi bước đi của chúng ta trên đường. Mẹ biết sự mệt lử của cuộc lữ hành là như thế nào và Mẹ nắm tay dẫn chúng ta giữa những khó khăn, trong những phong ba nguy nan nhất và trả lại hành trình của cuộc sống chúng ta.

Là người Mẹ nhân lành, Maria biết rằng tình yêu lớn lên mỗi ngày trong những điều nhỏ bé của cuộc sống. Tình yêu và sự khéo léo của một người mẹ đã có thể biến một chuồng bò thành căn nhà cho Giê-su, với những tã lót nghèo nàn nhưng dư tràn tình yêu (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 286). Chiêm ngưỡng Mẹ Maria khiến chúng ta có thể hướng ánh mắt nhìn của mình về tất cả những người phụ nữ, những người mẹ và bà của những miền đất này, họ là những người với sự hy sinh lặng lẽ, sự tận tụy, và xả thân, đang định hình cho hiện tại và dọn đường cho những giấc mơ của ngày mai. Những hy sinh của họ là hy sinh lặng lẽ, kiên cường và chẳng được ca tụng; họ không e ngại “xắn tay áo lên” và vác trên vai những khó khăn vì ích lợi cho những đứa con và gia đình của họ, “hy vọng dù không có gì để hy vọng” (Rm 4:18). Ký ức sống động của dân tộc anh chị em bảo toàn ý thức mạnh mẽ của niềm hy vọng này chống lại mọi nỗ lực làm lu mờ nó hoặc dập tắt nó. Nhìn đến Mẹ Maria và tất cả những khuôn mặt của các người mẹ, chúng ta có kinh nghiệm và được ấp ủ bởi ý thức hy vọng đó (x. Aparecida Document, 536), nó tạo sinh và mở ra những chân trời của tương lai. Chúng ta hãy mạnh mẽ tuyên bố rằng: trong dân tộc của chúng ta còn rất nhiều không gian cho niềm hy vọng. Đó là lý do tại sao hành trình của Mẹ Maria vẫn tiếp tục cho đến hôm nay; Mẹ mời gọi chúng ta để cùng nhau lên đường cùng với Mẹ.

Mẹ Maria gặp gỡ bà Ê-li-sa-bét (x. Lc 1:39-56), một người phụ nữ đã cao niên (c. 7). Nhưng bà Ê-li-sa-bét, dù đã già nhưng lại là người nói về tương lai, và “được tràn đầy Thánh Thần” (c. 41), nói tiên tri những lời báo trước về mối phúc cuối cùng trong các mối phúc của tin mừng: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (x. Ga 20:29). Đáng chú ý là cô thiếu nữ đến gặp gỡ một người lớn tuổi, tìm kiếm nguồn cội của mình, trong khi người nữ cao tuổi được tái sinh và nói tiên tri về tương lai của người nữ trẻ. Ở đây, người trẻ và người già gặp gỡ, ôm lấy nhau và đánh thức những điều tốt nhất trong mỗi người. Đó là một phép lạ do văn hóa gặp gỡ đem đến, trong đó không ai bị loại bỏ hay bị gạt ra, nhưng tất cả đều được tìm kiếm vì tất cả đều là cần thiết để tỏ lộ dung nhan của Chúa. Họ không e sợ việc cùng nhau đồng hành, và khi việc này xảy đến, Chúa xuất hiện và thực hiện những điều kỳ diệu trong dân tộc của Người. Chúa Thánh Thần thúc bách chúng ta cởi bỏ con người của mình, thoát ra ngoài những thứ vây bọc chúng ta, thoát khỏi những thứ chúng ta bấu víu vào.

Thần Khí dạy chúng ta biết nhìn vượt ra ngoài hình dáng bên ngoài và khiến chúng ta nói tốt về người khác – chúc phúc cho họ. Điều này lại rất đúng khi liên quan đến những người anh chị em chúng ta là những người vô gia cư, thiếu thốn không chỉ một mái nhà che đầu hay một mẩu bánh, mà còn thiếu tình bạn và hơi ấm của một cộng đoàn để ôm lấy, trú ngụ và chấp nhận họ. Đây là văn hóa gặp gỡ; nó thúc giục người Ki-tô hữu chúng ta trải nghiệm tình mẫu tử kỳ diệu của Giáo hội, khi Giáo hội tìm kiếm, bảo vệ và tập họp những đứa con của mình. Trong Giáo hội, khi các nghi thức gặp gỡ, khi điều quan trọng nhất không phải là sự gia nhập, nhóm hay sắc tộc của riêng một người, nhưng là Dân Chúa cùng nhau ngợi khen Chúa, và rồi những điều lớn lao sẽ xảy đến. Một lần nữa, chúng ta hãy tuyên xưng mạnh mẽ: Phúc cho những ai không thấy mà tin (x. Ga 20:29), và những ai có lòng can đảm thúc đẩy sự gặp gỡ và hiệp nhất.

Khi lên đường đi thăm bà Ê-li-sa-bét, Mẹ Maria nhắc chúng ta về những nơi Thiên Chúa muốn cư ngụ và sống, nơi thánh điện của Người, và nơi chúng ta có thể cảm nhận nhịp đập trái tim của Người: đó là ở giữa Dân Người. Người ở đó, Người sống ở đó, Người chờ đợi chúng ta ở đó. Chúng ta hãy lấy lời kêu gọi của ngôn sứ cho bản thân mình là đừng sợ hãi, đừng để cho đôi cánh tay chúng ta trở nên rã rời! Vì Đức Chúa là Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta; Người là Đấng Cứu tinh đầy quyền năng (x. Xp 3:16-17). Đây là sự huyền nhiệm của mọi người Ki-tô hữu: Thiên Chúa ở giữa chúng ta như là Đấng Cứu tinh quyền năng. Cũng như Mẹ Maria, sự chắc chắn này làm cho chúng ta có thể cất lên tiếng hát vang và hoan hỷ ngập tràn niềm vui.

Mẹ Maria hoan hỷ vì Mẹ mang trong cung lòng mình Đấng Ê-ma-nu-en, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta: “Đời sống người Ki-tô hữu là niềm vui trong Thánh Thần” (Tông huấn Gaudete et Exsultate, 122). Không có niềm vui, chúng ta ở trong tình trạng tê liệt, làm nô lệ cho những điều bất hạnh của chúng ta. Thường thường những vấn đề về đức tin không liên quan nhiều đến việc thiếu những phương tiện hoặc cấu trúc, thiếu số lượng, hay thậm chí là sự có mặt của những người không chấp nhận chúng ta; thật ra chúng liên quan đến việc thiếu niềm vui. Đức tin sẽ bị dao động khi nó chỉ bồng bềnh trên những sự buồn bã và nản lòng. Khi chúng ta sống trong sự hoài nghi, co cụm vào bản thân, là chúng ta đi nghịch lại với đức tin. Thay vì nhận biết rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa, là những người mà Ngài làm cho những điều trọng đại (x. c. 49), chúng ta lại đưa mọi điều đó trở thành vấn đề của riêng mình. Chúng ta quên rằng chúng ta không phải là những đứa con mồ côi, vì chúng ta có một người Cha ở giữa chúng ta, một Đấng Cứu tinh quyền năng. Mẹ Maria đến trợ giúp chúng ta, vì thay vì làm bớt đi mọi sự, Mẹ lại phóng lớn chúng lên trong ‘kính khuếch đại’ của Chúa, trong việc ca khen sự vĩ đại của Người. 

Đến đây chúng ta tìm được bí mật của niềm vui của chúng ta. Mẹ Maria, hèn mọn và khiêm nhường, khởi đi từ sự lớn lao của Chúa và bất kể những vấn đề của Mẹ – và không phải chỉ là một ít – Mẹ luôn tràn ngập niềm vui, vì Mẹ phó thác bản thân cho Chúa trong mọi sự. Mẹ nhắc chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa luôn luôn có thể thực hiện những điều trọng đại nếu chúng ta mở rộng tâm hồn cho Ngài và cho anh chị em của chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ đến những chứng nhân vĩ đại của những miền đất này: những con người đơn sơ tin tưởng vào Chúa, và từ đó họ kiên trì. Cha xin gửi lời cảm ơn đến những người chiến thắng thầm lặng này, những vị thánh nhân hàng xóm, họ chỉ cho chúng ta con đường. Những dòng lệ của họ không trở nên vô nghĩa; chúng là một lời kinh dâng lên tới thiên đàng và nuôi dưỡng niềm hy vọng của dân tộc này.

Anh chị em thân mến, Mẹ Maria lên đường, gặp gỡ và hoan hỷ vì Mẹ mang theo một điều còn lớn lao hơn chính Mẹ: Mẹ là người mang đến sự chúc lành. Giống như Mẹ, ước mong rằng chúng ta không e sợ mang đến sự chúc lành mà Romania đang cần. Ước mong anh chị em trở thành những người thúc đẩy một văn hóa gặp gỡ để đưa sự dối trá rơi vào sự thờ ơ và chia rẽ, và cho phép vùng đất này cất lên lời ca vang lòng thương xót của Chúa.

[00955-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/6/2019]