Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Đức Thánh Cha Phanxico gửi thông điệp Video đến các thành viên FAO nhân kỷ niệm 75 năm của tổ chức

 Đức Thánh Cha Phanxico gửi thông điệp Video đến các thành viên FAO nhân kỷ niệm 75 năm của tổ chức

Vatican Media Screenshot

Đức Thánh Cha Phanxico gửi thông điệp Video đến các thành viên FAO nhân kỷ niệm 75 năm của tổ chức

‘Phát triển, nuôi dưỡng, duy trì, cùng với nhau. Hành động của chúng ta là tương lai của chúng ta’

16 tháng Mười, 2020 15:56

ZENIT STAFF

 

Dưới đây là bản dịch (ND: tiếng Anh) văn bản thông điệp Video của Đức Thánh Cha Phanxico gửi các thành viên của FAO, nhân kỷ niệm 75 năm của tổ chức này.

* * *

Kính gửi ông Qu Diongyu

Tổng giám đốc FAO

Nhân ngày FAO kỷ niệm 75 năm thành lập, tôi xin gửi lời chào đến ông và tất cả các thành viên của tổ chức. Sứ mạng của tổ chức thật đáng yêu và quan trọng vì tất cả quý vị làm việc với mục tiêu là đánh bại nạn đói, mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng.

Chủ đề được đặt ra cho năm nay nhân Ngày Lương thực Thế giới rất đặc biệt: “Phát triển, Nuôi dưỡng, Duy trì” và “Cùng nhau. Hành động của chúng ta là tương lai của chúng ta.” Chủ đề này nhấn mạnh sự cần thiết phải cùng hành động và có ý chí vững vàng để có thể đưa ra các sáng kiến cải thiện môi trường xung quanh chúng ta và thúc đẩy niềm hy vọng cho nhiều người và nhiều dân tộc.”

Trong suốt quãng thời gian 75 năm này, FAO đã nhận ra rằng chỉ sản xuất lương thực là chưa đủ, mà điều quan trọng là phải bảo đảm cho các hệ thống lương thực được bền vững và cung cấp chế độ ăn uống lành mạnh cho tất cả mọi người. Đang có một nỗ lực để áp dụng các giải pháp sáng tạo, có thể thay đổi cách chúng ta sản xuất và tiêu thụ thực phẩm, vì lợi ích của các cộng đồng và của hành tinh chúng ta, từ đó tăng cường khả năng phục hồi và tính bền vững lâu dài.

Do đó, trong giai đoạn khó khăn rất lớn do đại dịch COVID-19 gây ra, việc hỗ trợ các sáng kiến được thực hiện bởi những tổ chức như FAO, Chương trình Lương thực Thế giới và Quỹ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp (FIDA) càng trở nên quan trọng hơn trong việc thúc đẩy một nền nông nghiệp bền vững và đa dạng, để hỗ trợ các cộng đồng nông nghiệp nhỏ và hợp tác trong việc phát triển nông thôn của các nước nghèo nhất.

Chúng ta ý thức rằng thách thức này phải được giải quyết vào thời điểm đầy những mâu thuẫn: về một mặt, chúng ta là những chứng nhân của sự tiến bộ chưa từng có trong các lĩnh vực khoa học khác nhau; về mặt khác, thế giới đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng nhân đạo. Đáng buồn khi chúng ta thấy rằng, theo thống kê mới nhất của FAO, cho dù có các nỗ lực đã thực hiện trong những thập niên qua, số người phải chiến đấu với nạn đói và mất an ninh lương thực ngày càng tăng — đang tăng —, và đại dịch hiện nay sẽ còn làm sắc nét những con số này hơn nữa.

Đối với nhân loại, nạn đói không những là một thảm kịch mà còn là một nỗi ô nhục. Nguyên nhân chính là do sự bất bình đẳng trong việc phân chia hoa trái của trái đất, cộng thêm việc thiếu đầu tư vào ngành nông nghiệp, những hậu quả của sự biến đổi khí hậu và sự gia tăng xung đột ở các khu vực khác nhau trên hành tinh. Hơn nữa, hàng tấn thức ăn bị vứt bỏ. Đứng trước thực tế này, chúng ta không thể giữ thái độ vô cảm hay tê liệt. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm.

Cuộc khủng hoảng hiện nay chứng tỏ rằng cần phải có các chính sách và hành động cụ thể để xóa bỏ nạn đói trên thế giới. Đôi khi các cuộc thảo luận mang tính biện chứng và ý thức hệ khiến chúng ta không đạt được mục tiêu này, và chúng ta để cho anh chị em của mình tiếp tục chết vì thiếu ăn. Một quyết định can đảm là phải thành lập một “Quỹ toàn cầu” bằng số tiền được sử dụng cho vũ khí, để có thể đánh bại nạn đói một cách dứt điểm và hỗ trợ sự phát triển cho các nước nghèo nhất. Từ đó, sẽ tránh được nhiều cuộc chiến tranh cùng với sự di cư của rất nhiều anh em chúng ta và gia đình của họ, những người buộc phải rời bỏ nhà cửa và đất nước của họ để tìm kiếm một cuộc sống phù hợp hơn (xem Fratelli Tutti, các số 189, 262).

Thưa ông Tổng Giám đốc: khi bày tỏ mong muốn của tôi rằng công việc của FAO ngày càng sâu sắc và hiệu quả hơn nữa, tôi khẩn xin phúc lành của Thiên Chúa đổ xuống trên ông và những người cộng tác trong sứ mạng quan trọng này là canh tác trái đất, cho người đói ăn và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, để tất cả chúng ta có thể sống xứng đáng, được tôn trọng và yêu thương. Cảm ơn ông rất nhiều.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Tây Ban Nha] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/10/2020]


Chị đã biến sự đau khổ của mình thành thừa tác vụ phát thanh thành công, và giờ đây chị sẽ được tuyên phong chân phước

Chị đã biến sự đau khổ của mình thành thừa tác vụ phát thanh thành công, và giờ đây chị sẽ được tuyên phong chân phước

Chị đã biến sự đau khổ của mình thành thừa tác vụ phát thanh thành công, và giờ đây chị sẽ được tuyên phong chân phước

fancycrave1 | Pixabay

 

Larry Peterson

14/10/20


Nuccia Tolomeo không có nhiều cơ hội trong cuộc sống, nhưng chị đã dùng sức mạnh của Chúa Thánh Thần để phục vụ bất cứ ai gọi đến cùng với một vấn đề, hay cần lời khuyên.

Gaetana Tolomeo chào đời tại Catanzaro, thuộc vùng Calabria của Ý, vào Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày 10 tháng Tư năm 1936. Cha Teodoro Diaco đã rửa tội cho chị vào ngày 12 tháng Bảy năm 1936, trong Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi tại địa phương. Điều này quả là có ý của Đấng Quan phòng, vì bé Gaetana sẽ dâng hiến trọn đời mình để cầu nguyện và cầm tràng chuỗi Mân côi trong tay suốt cuộc đời. Khi lớn lên, em được mọi người biết đến với cái tên “Nuccia.”

Nuccia bị chứng liệt tăng dần và làm biến dạng tấn công khi còn là một trẻ nhỏ. Nó làm em chậm lớn, khiến em bị tàn tật. Cha mẹ đã đưa em đến các bác sĩ địa phương, nhưng họ không thể giúp được cô bé. Hai người cũng có một người con trai đau yếu tên Giuliano, sinh ngày 30 tháng Mười năm 1940. Cậu bé qua đời vào năm 1944, vì vậy giữa Nuccia và Giuliano, gia đình đã trải qua một thời gian đau khổ. Bây giờ, với Nuccia 8 tuổi, tiên lượng dường như chẳng có gì tốt hơn.

Không có sự giúp đỡ tại địa phương, họ gửi Nuccia đến một người dì ở Cuneo để được hỗ trợ về y tế. Tuy nhiên, các bác sĩ ở đó cũng không thể giúp gì thêm, và chỉ sau một thời gian ngắn, em đã trở về nhà. Thời gian trôi qua, tình trạng của Nuccia trở nên xấu hơn, và em bị giam trên giường hoặc chiếc ghế của mình.

Chị đã biến sự đau khổ của mình thành thừa tác vụ phát thanh thành công, và giờ đây chị sẽ được tuyên phong chân phước

Nhưng Nuccia cậy dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần, cố gắng không bao giờ cảm thấy hối tiếc với bản thân. Thay vào đó, chị chấp nhận căn bệnh của mình và những đau khổ đi kèm với nó như một cách để chạm đến tâm hồn của những người đang sống cuộc đời tội lỗi.

Chẳng bao lâu sau những người hành hương bắt đầu đến gặp chị để xin lời khuyên. Những người này bao gồm các linh mục, nữ tu và giáo dân — tất cả đều đến để tìm những lời khôn ngoan từ một người phụ nữ khuyết tật không thể đi lại với trình độ học vấn lớp bốn. Tất cả họ đều cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Thánh Thần khi họ đến với chị.

Nuccia đã nhìn thấy trong căn bệnh của mình một cách thức để thông phần vào Cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu. Chị hàm ý về điều này trong các bài viết về thiêng liêng của mình. Những người đến gặp Nuccia đều nhận thấy chị luôn cầm cỗ tràng hạt trên tay. Chị cũng tham dự các buổi Chầu Thánh Thể thường xuyên nhất theo mức độ có thể. Và chị tìm cách trở thành một thành viên của Công giáo Tiến hành, được thành lập vào thế kỷ 19 để chống lại chủ nghĩa bài Công giáo.

Năm 1994, Nuccia bắt đầu trở thành khách mời của đài phát thanh Radio Maria địa phương. Mục tiêu chính của chị là truyền bá thông điệp Phúc Âm cho những người đau khổ mà chị có thể nhận biết — những người nghiện ma túy, gái mại dâm và những người túng thiếu, đặc biệt là các gia đình đang phải trải qua cuộc chiến về tài chính. Chương trình của chị trở nên rất nổi tiếng. Chị bắt đầu được nghe trên kênh “Il Fratello”, một chương trình nơi chị Nuccia sẽ trả lời các câu hỏi của những người gọi điện thoại đến về các vấn đề. Người dẫn chương trình, Federico Quaglini, sẽ đặt những câu hỏi về tâm linh cho chị. Chị Nuccia, một người rất sùng kính Thánh Pio of Pietrelcina, sẽ trả lời những câu hỏi đó.

Chị đã biến sự đau khổ của mình thành thừa tác vụ phát thanh thành công, và giờ đây chị sẽ được tuyên phong chân phước

Chị Gaetana “Nuccia” Tolomeo qua đời ngày 24 tháng Một năm 1997, ở tuổi 60. Sáng hôm sau, đài Phát Thanh Maria đã thông báo về cái chết của chị cho hàng ngàn thính giả. Nỗi buồn trước sự mất mát chị và niềm vui trong cuộc sống của chị là chủ đề được nói đến nhiều nhất.

Đây là thông điệp Phục Sinh chị Nuccia gửi năm 1995:

… Theo lòng thương xót vô bờ và sự khôn ngoan của Chúa, Chúa đã chuẩn bị cho tôi một thân thể yếu đuối, cho sự chiến thắng của sức mạnh tình yêu của Người… Tôi ngợi khen và chúc tụng Chúa về thập giá mà Người đã trang điểm cho tôi, bởi vì khi đóng đinh xác thịt tôi, Người cũng đóng đinh những suy nghĩ của tôi, những tình cảm của tôi, những ham muốn của tôi, và ngay cả ý chí của tôi, để biến tôi thành nơi cư ngụ được chào đón của Người, thành sự hài lòng của Người, thành nhà tạm sống động của Người. Nhờ thập giá của Đức Kitô, hôm nay, tôi có thể cùng khẳng định với Thánh Tông đồ Phaolô rằng: ‘Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.’

Chị Gaetana “Nucci” Tolomeo được tuyên phong là một phụ nữ có “nhân đức anh hùng” vào ngày 6 tháng Tư năm 2019. Giờ đây, chị mang tước hiệu là Bậc Đáng kính, và một phép lạ được cho là nhờ sự chuyển cầu của chị đã được chấp thuận. Ngày tuyên phong chân phước cho chị sẽ sớm được công bố.

Xin Bậc Đáng kính Gaetana “Nucci” Tolomeo cầu nguyện cho chúng tôi.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/10/2020]