Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2018

Diễn văn của Đức Hồng y Parolin: ‘Bảo vệ sự Tự do Tôn giáo Quốc tế: Hội nghị chuyên đề về sự Hợp tác và Hành động

Cardinal Pietro Parolin
Catholic Church England And Wales - Mazur/Catholicnews.Org.Uk

Diễn văn của Đức Hồng y Parolin: ‘Bảo vệ Tự do Tôn giáo Quốc tế: Hội nghị chuyên đề về sự Hợp tác và Hành động

‘Những hệ tư tưởng cực đoan đã đe dọa, và tiếp tục đe dọa, bức tranh toàn cảnh tôn giáo của các khu vực bằng cách triệt tiêu người Ki-tô hữu và những nhóm thiểu số khác là những người trung thành giữ vững bản sắc của họ’
03 tháng Bảy, 2018 10:05
Đức Hồng y Phê-rô Parolin, Quốc vụ khanh Vatican, đã đọc diễn văn tại Hội nghị chuyên đề ‘Bảo Vệ Tự Do Tôn Giáo Quốc tế: sự Hợp Tác và Hành động’ do Đại sứ quán Hoa kỳ tổ chức tại Tòa Thánh, cùng hợp tác với Tổ chức Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn và Cộng đoàn Sant’Egidio, ngày 25 tháng Sáu, 2018. Dưới đây là toàn văn diễn từ của Đức Hồng y Parolin, do Đại sứ quán Hoa kỳ tại Tòa Thánh cung cấp cho Zenit:

***

Diễn văn kết của Đức Hồng y Phê-rô Parolin

Quốc vụ khanh Tòa Thánh

Kính thưa các Đức Hồng y và Giám mục,

Kính thưa quý vị,

Thưa các bạn,

Tôi rất cảm kích được mời đọc Diễn văn Kết cho Hội nghị chuyên đề hôm nay với chủ đề: “Bảo Vệ Tự do Tôn Giáo Quốc tế: sự Hợp tác và Hành động”. Đặc biệt tôi xin gửi lời cảm ơn đến những nhà tổ chức buổi hội nghị đặc biệt này, nhất là Đại sứ quán Hoa kỳ tại Tòa thánh và những đơn vị cộng tác trong sự kiện này: Tổ chức Giáo hoàng Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn và Cộng đoàn Sant’Egidio. Tôi cũng xin bày tỏ lòng tri ân đặc biệt đối với các nạn nhân là những người đã chia sẻ bằng chứng thật của những kinh nghiệm bị bách hại của họ cùng sự phủ nhận quyền thực hành tự do tôn giáo của họ, cũng như các diễn giả đã có những đóng góp quan trọng trong các phiên hội thảo.

Trong chuyến viếng thăm Hoa kỳ vào tháng Chín năm 2015, Đức Giáo hoàng Phanxico, trong diễn từ của ngài tại Hội trường Độc lập, đã nhắc lại nội dung bản Tuyên ngôn Độc lập công nhận rằng tất cả mọi người nam và nữ đều sinh ra bình đẳng, rằng Đấng Tạo hóa ban cho họ những quyền bất khả xâm phạm, và rằng các chính phủ phải có trách nhiệm bảo vệ và duy trì những quyền đó.[1] Nguyên tắc nền tảng này lại vang lên trong Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRF), được Quốc hội Hoa kỳ thông qua và được Tổng thống Clinton ký thành luật ngày 27 tháng Mười, 1998. Sự lập pháp lưỡng đảng này làm nổi bật tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự tự do tôn giáo quốc tế như là một khía cạnh then chốt của chính sách đối ngoại của Hoa kỳ.

Một cam kết như vậy rất quan trọng trong thời đại chúng ta, vì rất đáng tiếc, sự bách hại tôn giáo tiếp tục bùng nổ dữ dội. Trong diễn từ trước Ngoại giao đoàn vào tháng Một năm nay, Đức Giáo hoàng Phanxico quả quyết: “Tất cả mọi người đều biết rằng quyền tự do tôn giáo rất thường xuyên bị xem nhẹ, và cũng không phải hiếm trường hợp tôn giáo lại trở thành hoặc là một cớ vin vào để biện minh cho hệ tư tưởng của những hình thức thuộc chủ nghĩa cực đoan mới, hay trở thành một lý do để gạt bỏ các tín đồ ra bên lề xã hội, nếu chưa đến mức bách hại thẳng thừng.”[2]

Giữa những tình hình đặt ra thách đố cho quyền tự do tôn giáo và lương tâm, Giáo hội Công giáo khuyến khích tất cả mọi dân tộc thiện chí tiếp tục nâng cao ý thức để cho phép những thành viên của nhiều cộng đồng tôn giáo khác nhau được hưởng quyền tự do tôn giáo trọn vẹn và được bày tỏ một cách tự do và công khai niềm tin của họ trên mọi miền của thế giới. Để đạt được một mục tiêu như vậy, các chính phủ, các nhà lãnh đạo tôn giáo, các tổ chức quốc tế và các thành viên xã hội dân sự cần phải cộng tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, để đảm trách những hoạt động và sáng kiến nhằm chân nhận rằng việc thúc đẩy và bảo vệ sự tự do tôn giáo không phải là một “sự ưu ái” cho một nhóm tôn giáo này hay tôn giáo kia, nhưng là sự công nhận phẩm giá bình đẳng của mọi nhân vị, sự vi phạm những quyền căn bản này là một sự ngược đãi tàn tệ.

Tôi chú ý với sự thích thú rằng Chương trình Nghị sự của Hội nghị Chuyên đề này có những lời chứng riêng của hai nạn nhân, một người từ thành viên của cộng đồng Yazidi và người kia là một thành viên của cộng đồng Rohingya. Đức Giáo hoàng Phanxico thể hiện sự gần gũi với cả hai nhóm thiểu số, và bày tỏ lo lắng về tình trạng bạo lực họ đang phải gánh chịu. Trong lần gặp gỡ với một cộng đồng Yazidi sinh sống tại Đức ngài xót xa về lối sống thiêng liêng và văn hóa phong phú của cộng đồng Yazidi đang đã bị hằn vết bởi những vi phạm nặng nề đối với những quyền căn bản của con người: bắt cóc, nô lệ, tra tấn, bắt cải đạo và sát hại. Các thánh địa và nơi thờ phượng của Yazidi bị phá hủy.[3] Cũng vậy, trong chuyến Tông du đến Miến điện và Bangladesh, Đức Giáo hoàng Phanxico gặp gỡ một nhóm người tị nạn Rohingya ở Bangladesh thể hiện sự gần gũi của ngài, ngài nói rằng: “Chúng ta có thể làm được quá ít trong khi thảm kịch của họ quá lớn.” Ngài mời gọi mọi người mở tấm lòng và “tiếp tục tích cực hoạt động vì quyền của họ.” Đồng thời ngài xin sự cảm thông của các thành viên cộng đồng Rohingya để họ có thể “có sự tha thứ mà chúng ta đang tìm kiếm.”[4]

Tòa Thánh không ngừng can thiệp để lên án những tình hình này, yêu cầu phải công nhận, bảo vệ và tôn trọng; không chỉ đối với người Ki-tô hữu nhưng đối với tất cả các nhóm tôn giáo và sắc tộc đang phải chịu đựng sự phân biệt đối xử và bách hại. Đồng thời Tòa Thánh kêu gọi đối thoại và hòa giải để chữa lành mọi vết thương. Thúc đẩy tự do tôn giáo bằng con đường đối thoại là chủ đề của phiên thảo luận thứ hai của Hội nghị Chuyên đề hôm nay. Ba điểm chính được nhấn mạnh: xây dựng sự hiệp nhất tôn giáo, thúc đẩy sự hòa hợp và phát triển một bước tiếp cận hòa giải. Liên quan đến vấn đề này: “Thật là một dấu hiệu phấn khởi của thời đại chúng ta là các tín đồ và mọi dân tộc thiện chí đều ngày càng cảm nhận được lời kêu gọi cộng tác trong việc định hình cho một văn hóa gặp gỡ, đối thoại và hợp tác trong việc phục vụ gia đình nhân loại của chúng ta. Điều này còn đòi hỏi nhiều hơn lòng khoan dung đơn thuần. Nó thách đố chúng ta phải tiến đến với người khác trong sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau, và từ đó xây dựng sự hiệp nhất biết nhìn đến tính đa dạng không như một sự đe dọa, nhưng là một sức mạnh của sự phong phú và phát triển tiềm năng. Nó thách đố chúng ta phải nuôi dưỡng một tâm hồn rộng mở biết nhìn đến người khác như một con đường, không phải là một rào cản.”[5] Điều vô cùng trọng yếu là phải xây dựng lòng tin và hợp tác giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo và các cộng đồng và thật cần thiết phải xây dựng sự hòa hợp giữa các nhóm tôn giáo và sắc tộc. Nhưng điều này chỉ khả thi khi các nhà lãnh đạo đặt những quyết tâm vì hòa bình và cho hòa bình. Sẽ không có hòa bình nếu không có nền giáo dục thích đáng cho những thế hệ tương lai. Và tuổi trẻ ngày nay cũng không thể được hưởng nền giáo dục thích đáng nếu sự rèn luyện họ đón nhận không phù hợp với bản chất tự nhiên của con người là một hữu thể cởi mở và tương thuộc.[6]

Cùng đến với nhau để xây dựng tình hiệp nhất, để nuôi dưỡng sự hòa hợp và phát triển một bước tiếp cận hòa giải, các chính phủ, các nhà lãnh đạo tôn giáo, xã hội dân sự và các tổ chức quốc tế phải chứng thực rõ ràng rằng không có bạo lực nào nhân danh tôn giáo là có thể chấp nhận được. Đây là một trong những thông điệp cốt lõi của Đức Giáo hoàng Phanxico tại Trung tâm Hội nghị Al-Azhar, Cairo, ngày thứ Sáu, 28 tháng Tư năm 2017: “Là những nhà lãnh đạo tôn giáo, chúng ta có trách nhiệm phải lật mặt nạ của bạo lực cải trang dưới vỏ bọc của thần thánh và đặt nền tảng nhiều hơn vào ‘sự chuyên chế’ của tính ích kỷ hơn là sự mở lòng thật sự trước Đấng Tuyệt đối (…) Một lần nữa, chúng ta cùng nhau (…) nói ‘Không!’ thật mạnh mẽ và thật rõ ràng đối với mọi hình thức của bạo lực, báo thù và thù hận được thực hiện nhân danh tôn giáo hay nhân danh Thượng đế. Chúng ta cùng nhau khẳng định sự xung khắc giữa bạo lực và đức tin, niềm tin và lòng thù hận. Chúng ta hãy cùng nhau công bố tính thánh thiêng của mọi sự sống của con người chống lại tất cả những hình thức bạo lực, bất kể đó là bạo lực thân xác, xã hội, giáo dục hay tâm lý.”[7]

Trước khi kết luận, tôi xin có một số nhận xét về phiên thảo luận thứ nhất của Hội nghị Chuyên đề tập trung vào “Thúc đẩy Quyền của các Nhóm Tôn giáo Thiểu số ở Trung Đông.”

Sự chết chóc, sự phá hủy và tàn phá do cuộc xung đột đang tiếp diễn mà chúng ta đã chứng kiến trong những năm gần đây đe dọa đến sự tồn tại của các nhóm tôn giáo thiểu số ở Trung Đông, một nơi đã từng được tận hưởng cuộc sống thanh bình giữa các dân tộc thuộc nhiều nguồn gốc tôn giáo và sắc tộc đa dạng. Những hệ tư tưởng cực đoan đã đe dọa, và tiếp tục đe dọa, toàn cảnh tôn giáo bằng cách tiêu diệt người Ki-tô giáo và những nhóm thiểu số khác là những người trung thành giữ bản sắc của họ. Thật vậy, như Đức Giáo hoàng Benedict XVI nói rõ trong Tông huấn Ecclesia in Medio Oriente, “một Trung Đông mà không có người Ki-tô hữu, hoặc chỉ có rất ít người Ki-tô hữu, thì sẽ không còn là Trung Đông nữa, vì người Ki-tô hữu, cùng với những tín đồ khác, trở thành một phần giá trị đặc thù của khu vực.”[8]

Để kết luận cho phát biểu, tôi xin nhấn mạnh đến bảy điểm quan trọng dưới đây, mà theo quan điểm của Tòa Thánh, nó có thể góp phần bảo vệ hiệu quả những nhóm tôn giáo thiểu số:

Thứ nhất, điều cấp thiết nhất là phải vượt qua bất kỳ và mọi sự thờ ơ của chính trị: Những người được ủy thác cho việc bảo đảm sự tôn trọng các quyền con người căn bản phải hoàn thành trách nhiệm của họ là bảo vệ những người đang trong nguy cơ là nạn nhân của những tội ác hung tàn. Chúng ta phải nâng cao tính nhạy cảm của mọi người trước những thực tại của nhiều tình hình khẩn cấp ảnh hưởng đến con người và phải hoạt động để cung cấp và bảo đảm rằng những điều kiện nền tảng về xã hội, chính trị và kinh tế phải được điều hành một cách an toàn để tạo điều kiện cho việc hồi hương của những nhóm tôn giáo và sắc tộc thiểu số trở về quê hương của họ, đó là nền tảng của sự chung sống hòa bình.

Thứ hai, phải có sự tôn trọng hoàn toàn đối với pháp quyền và sự bình đẳng trên cả pháp luật làm nền tảng cho nguyên tắc của tư cách công dân, bất kể người đó thuộc tôn giáo, chủng tộc hay sắc tộc nào. Luật pháp phải bảo đảm cho nhân quyền của mọi người công dân một cách bình đẳng và minh bạch, trong đó có quyền tự do tôn giáo và chung sống. Ngay cả ở những nơi có một tôn giáo được hưởng sự ưu ái của hiến pháp, thì quyền tự do tôn giáo của tất cả các công dân và các cộng đồng tôn giáo phải được công nhận và bảo vệ bình đẳng.

Thứ Ba, trong khi thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau đối với sự tự do ý chí, cần phải có sự hợp tác tích cực giữa các cộng đồng tôn giáo và nhà nước. Mặc dù không lệ thuộc vào nhau, nhưng cả hai thực thể đều cống hiến cho sự phát triển của nhân vị vừa về mặt tôn giáo lẫn công dân. Sự hợp tác giữa họ càng lớn sẽ dẫn đến kết quả là sự phục vụ hiệu quả hơn cho lợi ích của tất cả mọi người.[9]

Thứ Tư, tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo có trách nhiệm rất lớn trong việc tố cáo sự lạm dụng niềm tin và nhiệt huyết tôn giáo để biện minh cho chủ nghĩa khủng bố và phải khẳng định rằng không một ai có quyền lấy đi sự sống vô tội nhân danh Thượng Đế.

Thứ Năm, cần có sự đối thoại liên tôn hiệu quả để vượt ra khỏi những giả định bi quan rằng những xung đột giữa các tín đồ tôn giáo là không thể tránh khỏi. Sự đối thoại đó cũng phải tìm ra và xử lý những cách giải thích thiển cận đối với các văn bản tôn giáo nhằm biến những người thuộc niềm tin khác trở nên ác độc.

Thứ Sáu, một nền giáo dục tốt nói chung và đặc biệt là một nền giáo dục tôn giáo vững vàng là chìa khóa để ngăn ngừa sự quá khích dẫn đến chủ nghĩa cực đoan. Qua một nền giáo dục tốt, các thế hệ tương lai được xây dựng một niềm hy vọng có nền móng vững vàng giúp cho sự tôn trọng và cùng chung sống với người thuộc nền tảng tôn giáo khác.

Thứ Bảy và là cuối cùng, phải dấu chấm hết chắc chắn đối với dòng chảy của tiền và vũ khí rót cho những người âm mưu sử dụng chúng nhằm tấn công vào những nhóm tôn giáo thiểu số. Chặn đứng những hành động hung tàn không chỉ là giải quyết lòng thù hận và những căn bệnh ung thư của tâm hồn dẫn đến tính bạo lực, nhưng còn phải gỡ bỏ những công cụ mà nhờ nó lòng thù hận thực hiện được bạo lực. Như Đức Giáo hoàng Phanxico nhận xét: “Phải đặt dấu chấm hết cho sự phát triển vũ trang; nếu chúng vẫn còn được sản xuất và buôn bán, chẳng sớm thì muộn chúng sẽ được sử dụng.”[10]

Để kết luận, tôi xin lặp lại lòng cảm kích về lời mời tham dự Hội nghị Chuyên đề này và để nhấn mạnh sự ủng hộ của Tòa Thánh bằng bất kỳ, và bằng mọi nỗ lực để thúc đẩy và bảo vệ cho sự thi thành quyền căn bản của con người đó là sự tự do tôn giáo. Còn đúng một tháng nữa, Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ chủ sự một Hội nghị cấp Bộ trưởng ở Washington để thúc đẩy Tự do Tôn giáo. Đứng trước những thách đố của tình hình hiện tại, tôi hy vọng rằng những nỗ lực này sẽ giúp làm dịu bớt sự đau khổ của tất cả những người bị ảnh hưởng bởi sự phân biệt đối xử, sự bách hại và thậm chí tử đạo vì tôn giáo hay sắc tộc của họ. Qua những nỗ lực như vậy, vẫn có những hy vọng rằng chúng ta có thể thiết lập một nền tảng cho thế giới hòa bình nơi mọi người thuộc các tôn giáo và nguồn gốc sắc tộc khác nhau có thể cùng chung sống trong hòa bình và hòa hợp.

Cảm ơn quý vị.


[1] Đức Giáo hoàng Phanxico, Gặp gỡ vì Sự Tự do Tôn giáo với cộng đồng nói tiếng Tây Ban nha và những người nhập cư khác, Hội trường Độc lập, Philadelphia, Thứ Bảy, 26 tháng Chín 2015.

[2] Đức Giáo hoàng Phanxico, Diễn từ trước Ngoại giao đoàn, 8 tháng Một, 2018.

[3] Đức Giáo hoàng Phanxico, diễn từ trước đại diện Cộng đồng Yazidi sinh sống tại Đức, Vatican, 24 tháng Một 2018.

[4] Đức Giáo hoàng Phanxico, Diễn từ của Đức Thánh Cha trước Nhóm người tị nạn Rohingya, Dhaka, 1 tháng Mười Hai 2017.

[5] Đức Giáo hoàng Phanxico, Họp Đại kết và Liên tôn vì Hòa bình, Dhaka, thứ Sáu, 1 tháng Mười Hai 2017

[6] Đức Giáo hoàng Phanxico, Diễn từ trước các tham dự viên Hội nghị Hòa bình Quốc tế, Trung tâm Hội nghị Al-Azhar, Cairo, 28 tháng Tư 2017.

[7] Ibid.

[8] Đức Giáo hoàng Benedict XVI, Ecclesia in Medio Oriente, n. 31.

[9] Công đồng Vatican II, Gaudium et Spes, s. 76 § 3.

[10] Đức Giáo hoàng Phanxico, Diễn từ trước các tham dự viên Hội nghị Hòa bình Quốc tế, Trung tâm Hội nghị Al-Azhar, Cairo, 28 tháng Tư 2017.

[Văn bản chính: tiếng Ý [Văn bản (tiếng Anh) của Vatican]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/7/2018]


Chương trình thăm các quốc gia Baltic của Đức Thánh Cha từ 22-25 tháng Chín, 2018

Chương trình thăm các quốc gia Baltic của Đức Thánh Cha từ 22-25 tháng Chín, 2018
Pope Outside Papal Flight - Screenshot

Chương trình thăm các quốc gia Baltic của Đức Thánh Cha từ 22-25 tháng Chín, 2018

Dừng chân tại Tallinn, Kaunas, Riga, và Vilnius

05 tháng Bảy, 2018 13:57
Ngày 5 tháng Bảy, 2018, Vatican công bố chương trình cho các ngày 22-25, tháng Chín, 2018 của Đức Thánh Cha, chuyến Tông du đến các quốc gia vùng Baltic gồm Estonia, Latvia và Ettonia. Dưới đây là chương trình đầy đủ của Vatican cung cấp:


***
Thứ Bảy 22 tháng Chín 2018

ROMA-VILNIUS 

07:30    Lên chuyến bay từ sân bay Fiumicino của Roma đến Vilnius 

11:30    Đáp sân bay Quốc tế Vilnius 


NGHI THỨC CHÀO ĐÓN 

THĂM NGOẠI GIAO TỔNG THỐNG trong Dinh Tổng thống 

GẶP GỠ các giới chức, xã hội dân sự, và NGOẠI GIAO ĐOÀN trong quảng trường trước Dinh Tổng thống 

Diễn từ của Đức Thánh Cha 

16:30    THĂM ĐỀN THỜ MATER MISERICORDIAE 

            Lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha 

            GẶP GỠ GIỚI TRẺ trong quảng trường trước Nhà thờ Chính tòa 

            Diễn từ của Đức Thánh Cha 

            Thăm Nhà thờ Chính tòa 


Chúa nhật, 23 tháng Chín 2018

VILNIUS-KAUNAS-VILNIUS 

08:15    Di chuyển bằng xe đến Kaunas 

            THÁNH LỄ trong Công viên Santakos ở Kaunas 

            Bài giảng của Đức Thánh Cha 

            KINH TRUYỀN TIN trong Công viên Santakos ở Kaunas 

            Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha 

           Ăn trưa với các giám mục trong Tòa Giám mục 

          GẶP GỠ CÁC LINH MỤC, NAM NỮ TU SĨ, NGƯỜI SỐNG ĐỜI TẬN             HIẾN và CHỦNG SINH trong Nhà thờ Chính tòa Kaunas 

          Diễn từ của Đức Thánh Cha 

          Di chuyển đến Viện bảo tàng những Cuộc chiến giành Tự do ở                Vilnius 

        THĂM VÀ CẦU NGUYỆN TRONG VIỆN BẢO TÀNG NHỮNG CUỘC               CHIẾN GIÀNH TỰ DO 

         Lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha 


Thứ Hai, 24 tháng Chín 2018

VILNIUS-RIGA-VILNIUS 

07:20    Lên máy bay từ Sân bay Quốc tế Vilnius đến Riga 

08:20    Đến Sân bay Quốc tế Riga 

            NGHI THỨC CHÀO ĐÓN 

            NGHI THỨC CHÀO ĐÓN ở Sân trong của Dinh Tổng thống 

            THĂM NGOẠI GIAO trong Dinh Tổng thống 

          GẶP GỠ CÁC GIỚI CHỨC, XÃ HỘI DÂN SỰ và NGOẠI GIAO ĐOÀN            trong Phòng Tiếp khách của Dinh Tổng thống 

           Diễn từ của Đức Thánh Cha 

           ĐẶT HOA VÀ NGHI THỨC tại Tượng đài Tự do 

           GẶP GỠ ĐẠI KẾT trong Rigas Doms 

           Diễn từ của Đức Thánh Cha 

           THĂM NHÀ THỜ CHÍNH TÒA CÔNG GIÁO THÁNH GIA-CÔ-BÊ 

           Lời chào của Đức Thánh Cha 

           Ăn trưa với các Đức Giám mục trong Tòa Giám mục Thánh Gia 

          Di chuyển bằng máy bay trực thăng từ sân đáp trực thăng Riga               Harbour tới Đền Thánh Mẹ Thiên Chúa, Aglona 

           THÁNH LỄ trong khu Đền Thánh Mẹ Thiên Chúa, Aglona 

           Bài giảng của Đức Thánh Cha 

           NGHI THỨC TẠM BIỆT trong sân đáp trực thăng Aglona 

           Di chuyển bằng máy bay trực thăng đến Sân bay Quốc tế Vilnius 


Thứ Ba 25 tháng Chín 2018

VILNIUS-TALLINN-ROMA 

NGHI THỨC TẠM BIỆT trong Sân bay Quốc tế Vilnius 

08:30    Lên máy bay tại Sân bay Quốc tế Vilnius đến Tallinn 

09:50    Đến Sân bay Quốc tế Tallinn 

            NGHI THỨC CHÀO ĐÓN 

           NGHI THỨC CHÀO ĐÓN trong quảng trường phía trước Dinh                   Tổng thống 

           THĂM NGOẠI GIAO TỔNG THỐNG trong Dinh Tổng thống 

          GẶP GỠ CÁC GIỚI CHỨC, XÃ HỘI DÂN SỰ và NGOẠI GIAO ĐOÀN             trong Vườn Hồng của Dinh Tổng thống 

           Diễn từ của Đức Thánh Cha 

          GẶP GỠ ĐẠI KẾT với GIỚI TRẺ trong Nhà thờ Thánh Charles của             Tin lành Lutheran 

           Diễn từ của Đức Thánh Cha 

         Ăn trưa với đoàn tháp tùng giáo hoàng trong Dòng Nữ tu Brigidine           ở Pirita 

         GẶP GỠ những người được hỗ trợ bởi HỘI BÁC ÁI CỦA GIÁO HỘI            trong Nhà thờ Chính tòa Thánh Phê-rô và Phaolo 

          Lời chào của Đức Thánh Cha 

          THÁNH LỄ trong Quảng trường Tự do 

          Bài giảng của Đức Thánh Cha 

          NGHI THỨC TẠM BIỆT trong Sân bay Quốc tế Tallin 

18:45  Lên chuyến bay từ Sân bay Quốc tế Tallinn về Roma 

21:20  Đáp xuống Sân bay Quốc tế Ciampino của Roma 


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/7/2018]