Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

Trong giờ Kinh Truyền tin Đức Thánh Cha giải thích về tiếng gọi của Chúa và sự thưởng công của Người

Trong giờ Kinh Truyền tin Đức Thánh Cha giải thích về tiếng gọi của Chúa và sự thưởng công của Người

© Vatican Media

Trong giờ Kinh Truyền tin Đức Thánh Cha giải thích về tiếng gọi của Chúa và sự thưởng công của Người

‘Người tiếp tục kêu gọi mọi người, vào bất cứ giờ nào, để mời gọi họ làm việc trong Nước của Người’

20 tháng Chín, 2020 13:24

JIM FAIR

 
Trong huấn từ Kinh Truyền tin ngày 20 tháng Chín năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxico giải thích về Tin mừng trong ngày, câu chuyện trích Tin mừng theo Thánh Mátthêu chương 20 về ông chủ vườn nho và những người làm công.

Đó là một câu chuyện gây nên sự tranh cãi. Ông chủ gọi người làm công vào nhiều giờ khác nhau trong ngày và trả công cho những người chỉ làm một thời gian ngắn cũng bằng với những người làm việc cả ngày. Nhưng Đức Thánh Cha phân tích rằng đó là một minh họa cho cách làm việc của Chúa, liên tục kêu gọi chúng ta.

Đức Thánh Cha Phanxico nói, “Ông chủ đó đại diện cho Thiên Chúa là Đấng kêu gọi mọi ngườiluôn luôn lên tiếng gọi, vào bất cứ giờ nào. Thậm chí hôm nay, Thiên Chúa cũng hành động theo cách đó: Người tiếp tục kêu gọi bất cứ ai, vào bất cứ giờ nào, để mời gọi họ làm việc trong Nước của Người … Người liên tục tìm kiếm con người, vì Người không muốn một ai bị loại ra khỏi chương trình yêu thương của Người.

“Những cộng đoàn của chúng ta cũng được kêu gọi bước ra để đến với nhiều “vùng ngoại vi” khác nhau, để cung cấp cho mọi người lời của ơn cứu độ mà Chúa Giêsu mang đến. Nó có nghĩa là mở rộng ra tiến tới những chân trời trong cuộc sống để mang đến sự hy vọng cho những người ở trong các vùng ngoại vi của cuộc sống, là những người chưa trải nghiệm, hoặc đã đánh mất, sức mạnh và ánh sáng đến của Đức Kitô.”


Dưới đây là toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha, văn bản của Vatican (ND: Bản tiếng Anh):

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trang Tin mừng hôm nay (xem Mt 20:1-16) tường thuật dụ ngôn nói về những người làm công được ông chủ vườn nho gọi vào làm trong ngày. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy cách hành động đầy bất ngờ của Thiên Chúa, được thể hiện qua hai thái độ của ông chủ: kêu gọi thưởng công.

Trước hết là tiếng gọi. Ông chủ vườn nho đi ra ngoài năm lần và kêu gọi [người ta] làm việc cho ông: lúc 6 giờ, 9 giờ, 12 giờ, lúc 3 giờ và 5 giờ chiều. Hình ảnh của ông chủ đi ra ngoài nhiều lần để tìm kiếm người làm công nhật cho vườn nho của ông thật xúc động. Ông chủ đó tượng trưng cho Thiên Chúa là Đấng kêu gọi mọi người luôn luôn lên tiếng gọi, vào bất cứ giờ nào. Thậm chí hôm nay, Thiên Chúa cũng hành động theo cách đó: Người tiếp tục kêu gọi bất cứ ai, vào bất cứ giờ nào, để mời gọi họ làm việc trong Nước của Người. Đây là phong cách của Thiên Chúa, mà về phần chúng ta, chúng ta được kêu gọi hãy đón nhận và bắt chước. Người không khép kín ở trong thế giới của Người, nhưng “ra ngoài”: Thiên Chúa luôn luôn bước ra ngoài để tìm kiếm chúng ta; Người không khóa kín – Thiên Chúa luôn bước ra. Người liên tục tìm kiếm con người, vì Người không muốn một ai bị loại ra khỏi chương trình yêu thương của Người.

Những cộng đoàn của chúng ta cũng được kêu gọi bước ra để đến với nhiều “vùng ngoại vi” khác nhau, để cung cấp cho mọi người lời của ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đang mang đến. Nó có nghĩa là mở rộng ra tiến tới những chân trời trong cuộc sống để mang đến sự hy vọng cho những người ở trong các vùng ngoại vi của cuộc sống, là những người chưa trải nghiệm, hoặc đã đánh mất, sức mạnh và ánh sáng của Đức Kitô. Giáo hội cần phải trở nên như Thiên Chúa: luôn luôn bước ra ngoài; và khi Giáo hội không bước ra, Giáo hội sẽ trở nên đau yếu với nhiều điều xấu mà chúng ta có trong Giáo hội. Và tại sao lại có những căn bệnh này trong Giáo hội? Vì Giáo hội không bước ra ngoài. Đúng là khi một ai đó đi ra ngoài thì có nguy cơ có thể bị tai nạn. Nhưng một Giáo hội bị tai nạn vì ra khơi rao giảng Tin mừng thì tốt hơn một Giáo hội bệnh tật vì khóa kín. Thiên Chúa luôn luôn ra ngoài vì Người là một người Cha, vì Người yêu thương. Giáo hội phải làm tương tự như vậy: luôn luôn ra khơi.

Thái độ thứ hai của ông chủ tượng trưng cho thái độ của Chúa là cách ông trả công cho người làm. Thiên Chúa trả công thế nào? Ông chủ đồng ý trả “một quan tiền” (c. 2) với những người làm công mà ông gọi đầu tiên vào buổi sáng. Nhưng với những người ông thuê về sau, ông chỉ nói: “Tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng” (c. 4). Vào cuối ngày, ông chủ vườn nho ra lệnh trả cho mọi người bằng nhau, tức là cùng là một quan tiền. Những người làm từ buổi sáng cảm thấy bị tổn thương và phàn nàn về ông chủ, nhưng ông vẫn khăng khăng như vậy: ông muốn trả mức cao nhất cho mọi người, ngay cả với những người đến vào giờ cuối cùng (cc. 8-15). Thiên Chúa luôn trả mức cao nhất. Người không trả một nửa. Người trả tất cả. Bằng cách này, chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu không nói về công việc và đồng lương hợp lẽ công bằng – đó là một vấn đề khác – nhưng nói về Nước Thiên Chúa và sự tốt lành của Cha trên trời là Đấng liên tục đi ra ngoài để mời gọi, và Người trả công cho mọi người ở mức cao nhất.

Quả thật, Thiên Chúa cư xử theo cách như vậy: Người không nhìn đến thời gian và kết quả, nhưng nhìn đến sự sẵn sàng. Người nhìn đến lòng quảng đại chúng ta dành ra để phục vụ Người. Cách hành động của Người vượt xa hơn tính công bằng đơn thuần, theo ý nghĩa vượt ra ngoài sự công bằng và được thể hiện qua Ân sủng, Người ban cho chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta đáng được thưởng. Và do đó, những ai sử dụng luận lý của con người, tức là luận lý của sự tưởng thưởng đáng được hưởng qua sự vĩ đại của con người, từ người đầu tiên, khi thấy mình trở nên sau rốt. “Nhưng, tôi đã làm việc rất nhiều, tôi đã làm quá nhiều trong Giáo hội, tôi đã giúp đỡ rất nhiều và họ chỉ trả cho tôi bằng với người này là người đến sau rốt …”. Chúng ta hãy nhớ đến người được phong thánh đầu tiên trong Giáo hội: là người Trộm Lành. Anh ta đã “đánh cắp” Thiên Đàng vào giây phút cuối cùng của cuộc đời: đây là Ân sủng. Thiên Chúa là như vậy, ngay cả đối với chúng ta. Thay vì vậy, những ai tìm cách suy nghĩ đến những công lao của riêng mình sẽ thất bại; những người khiêm nhường phó thác bản thân cho lòng thương xót của Chúa Cha, vì là người sau rốt – giống như người Trộm lành – lại thấy mình trở nên trước nhất (xem c. 16).

Nguyện xin Mẹ Maria Rất Thánh giúp chúng ta mỗi ngày cảm nhận được niềm vui và sự ngạc nhiên vì được Chúa kêu gọi làm việc cho Người, trong cánh đồng của Người là thế giới, trong vườn nho của Người là Giáo hội. Và đón nhận sự tưởng thưởng duy nhất của chúng ta là tình yêu của Người, tình bạn với Chúa Giêsu.

_________________________________________


Sau Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Theo những chương trình đã có trước đại dịch, Đại hội Thánh thể Quốc tế đáng lẽ đã diễn ra tại Budapest vài ngày trước. Và vì vậy, cha xin gửi lời chào đến các mục tử và tín hữu Hungary, và tất cả những ai với niềm tin chờ đợi biến cố này của hội thánh với niềm vui. Đại hội được dời lại sang năm tới từ ngày 5 đến 12 tháng Chín, vẫn ở Budapest. Hiệp nhất trong tinh thần, chúng ta đi theo hành trình chuẩn bị này, tìm thấy trong Thánh Thể nguồn mạch sự sống của Giáo hội và sứ mạng.

Hôm nay là Ngày của Đại học Công giáo Thánh Tâm ở nước Ý này. Cha động viên anh chị em hãy hỗ trợ cho cơ sở văn hóa quan trọng này được kêu gọi để thể hiện sự liên tục và sức sống mới cho dự án để biết cách mở ra những cánh cửa của tương lai cho nhiều thế hệ tuổi trẻ. Thật vô cùng quan trọng để đào tạo các thế hệ mới biết chăm sóc cho phẩm giá con người và cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Cha chào tất cả anh chị em, người Roma và khách hành hương đến từ nhiều quốc gia, các gia đình, các nhóm giáo xứ, các hiệp hội, và các tín hữu đi riêng lẻ.

Cha chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci.

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ:TRI KHOAN 21/9/2020]


Truyền hình trực tiếp Giờ Cầu nguyện năm 2020 vào đêm trước khai mạc Khóa họp thứ 75 của Đại hội đồng LHQ

Truyền hình trực tiếp Giờ Cầu nguyện năm 2020 vào đêm trước khai mạc Khóa họp thứ 75 của Đại hội đồng LHQ

Truyền hình trực tiếp Giờ Cầu nguyện năm 2020 vào đêm trước khai mạc Khóa họp thứ 75 của Đại hội đồng LHQ

Thứ hai, 14 tháng Chín, lúc 6 giờ tối giờ New York

13 tháng Chín, 2020 12:06

ZENIT STAFF

 

Hôm thứ Hai, ngày 14 tháng Chín, lúc 6 giờ chiều tại Nhà thờ Thánh Gia (số 315 E. Đường 47), Phái bộ Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh sẽ chủ sự Giờ Cầu nguyện hàng năm trước khi khai mạc Kỳ họp thứ 75 của Đại hội đồng LHQ.

Phái bộ Tòa thánh đã chủ sự Lễ Cầu nguyện này hàng năm kể từ năm 1987.

Năm nay, do các giới hạn vì đại dịch COVID-19 hạn chế số lượng người tham dự chỉ có 50 người — thay vì bình thường có hơn 320 — do sự cần thiết Giờ cầu nguyện là theo lời mời và sẽ có sự tham dự chủ yếu của Đại diện Thường trực, Nhân viên LHQ, đại biểu các tổ chức phi chính phủ và một số ít đại diện lãnh đạo các tôn giáo.

Vì chỉ một phần nhỏ những người tham dự có thể đến trực tiếp trong năm nay, nên Phái bộ Tòa thánh sẽ truyền hình trực tiếp Giờ Cầu nguyện trên trang YouTube của Phái bộ.

Trong Giờ Cầu nguyện, những người tham dự sẽ cầu nguyện cho sự chấm dứt đại dịch toàn cầu và cho tất cả những người bị ảnh hưởng, cho nền hòa bình ở các khu vực bị chiến tranh tàn phá, cho sự chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và tất cả cư dân của nó, cũng như cho các dân tộc trên thế giới mà LHQ tìm cách phục vụ.

Đức Hồng Y Timothy Dolan, Tổng Giám Mục New York, sẽ đọc Lời Suy niệm. Tổng thư ký António Guterres sẽ phát biểu qua thông điệp video. Một lần nữa âm nhạc sẽ được phục vụ bởi ca đoàn Nhà thờ Thánh Vincent Ferrer ở Manhattan.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/9/2020]