Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2020

Đức Thánh Cha Phanxico: Lời của ơn gọi (Toàn văn)

Đức Thánh Cha Phanxico: Lời ơn gọi (Toàn văn)
©Osservatore Romano

Đức Thánh Cha Phanxico: Lời của ơn gọi (Toàn văn)

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi, 3 tháng Năm, 2020.

24 tháng Ba, 2020 15:19

Anh chị em thân mến,

Ngày 4 tháng Tám năm ngoái, kỷ niệm 160 năm ngày qua đời của Thánh Curé of Ars, cha quyết định viết thư gửi tất cả các linh mục là những người hàng ngày dấn thân phục vụ dân Chúa để đáp lại lời gọi của Chúa.

Nhân dịp đó, cha đã chọn bốn từ chính – đau khổ, lòng biết ơn, sự động viênngợi khen – như là một cách để cảm ơn các linh mục và hỗ trợ sứ vụ của họ. Cha tin rằng hôm nay, nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 57, những từ ngữ đó có thể gửi đến toàn thể dân Chúa, trong bối cảnh của trình thuật Tin mừng kể cho chúng ta kinh nghiệm đặc biệt của Chúa Giê-su và Phê-rô trong một đêm bão tố trên Biển hồ Ga-li-lê (x. Mt 14:22-33).

Sau khi hóa bánh ra nhiều, là điều làm cho những đám đông kinh ngạc, Chúa Giê-su nói các môn đệ của Ngài lên thuyền và đưa Ngài sang bờ bên kia, khi Ngài rời bỏ mọi người. Hình ảnh các môn đệ vượt qua biển hồ gợi lên hành trình cuộc sống của chúng ta. Thật vậy, con thuyền cuộc đời của chúng ta chậm chậm tiến tới, không ngừng tìm kiếm một bến đỗ an toàn và chuẩn bị để đối mặt với những hiểm nguy và những biến động của biển cả, nhưng đồng thời tin tưởng rằng người lái tàu cuối cùng sẽ giữ cho chúng ta luôn đi đúng lộ trình. Mặc dù có những lúc con thuyền có thể trôi dạt lệch hướng, bị lạc lối vì những ảo ảnh, không phải là ngọn hải đăng dẫn đưa về bến, và bị vùi dập bởi những cơn phong ba khó khăn, hoài nghi và sợ hãi.

Điều tương tự cũng xảy ra trong tâm hồn của những người được kêu gọi đi theo Thầy Na-da-rét, phải phiêu lưu vượt biển và từ bỏ sự an toàn của riêng mình để trở thành người môn đệ của Chúa. Sự nguy hiểm là thật: màn đêm buông xuống, những phong ba gào thét, con thuyền bị vùi dập bởi các con sóng, và nỗi sợ hãi bị thất bại, không thể đi theo tiếng gọi, có thể đe dọa áp đảo họ.

Tuy nhiên, Tin mừng kể cho chúng ta biết rằng giữa hành trình thử thách này chúng ta không hề cô đơn. Như tia bình minh đầu tiên giữa màn đêm, Chúa bước đến trên các ngọn sóng xô đẩy để cùng đồng hành với các môn đệ; Ngài gọi Phê-rô đến với Ngài trên các con sóng, cứu thoát ông khi Ngài nhìn thấy ông đang chìm, và khi đã lên thuyền, Ngài làm cho các cơn gió lặng im.

Như vậy, lời thứ nhất của ơn gọi là lòng biết ơn. Đi đúng đường không phải là điều chúng ta có thể tự mình thực hiện, cũng chẳng đơn thuần tùy thuộc vào con đường chúng ta chọn để đi. Cách chúng ta tìm được sự viên mãn trong cuộc sống vượt ngoài quyết định mà chúng ta đưa ra như là những cá nhân đơn độc; trên hết, đó là một sự đáp lời cho tiếng gọi từ trên cao. Chúa chỉ cho chúng ta đích đến ở bờ biển bên kia và Ngài ban cho chúng ta sự can đảm để bước lên thuyền. Khi gọi chúng ta, Ngài trở thành người lái tàu; Ngài đồng hành và hướng dẫn chúng ta; Ngài ngăn con thuyền chúng ta không bị mắc cạn, đó là sự do dự, và thậm chí làm cho chúng ta có thể bước đi trên những dòng nước cuồng nộ.

Tất cả mọi ơn gọi đều khởi nguồn từ cái nhìn yêu thương mà qua đó Chúa đến để gặp gỡ chúng ta, thậm chí có thể ngay lúc con thuyền của chúng ta bị xô đẩy chao đảo bởi con sóng. “Ơn gọi, vượt hơn cả lựa chọn của chúng ta, là một sự đáp lời cho tiếng gọi của Chúa” (Thư gửi các linh mục, 4 tháng Tám năm 2019). Chúng ta sẽ tiếp tục khám phá và ôm lấy ơn gọi của chúng ta khi chúng ta mở rộng tâm hồn với lòng biết ơn và nhận thức được lối đi của Chúa trong cuộc đời chúng ta.

Khi các môn đệ nhìn thấy Chúa Giê-su đi trên mặt biển về phía họ, ban đầu họ nghĩ rằng Ngài là ma và vô cùng sợ hãi. Chúa Giê-su ngay lập tức trấn an các ông bằng những lời phải trở thành lời luôn đồng hành trong cuộc sống và hành trình ơn gọi của chúng ta: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây; đừng sợ!” (Mt 14:27). Như vậy, đây là lời thứ hai mà cha muốn gửi đến anh chị em: sự động viên.

Điều gì thường cản trở hành trình của chúng ta, sự phát triển của chúng ta, sự lựa chọn con đường Chúa đang vạch ra cho chúng ta, chính là “những con ma” làm bấn loạn tâm hồn chúng ta. Khi chúng ta được kêu gọi rời bỏ bến bờ an toàn của mình và đón lấy tình trạng của cuộc sống – chẳng hạn hôn nhân, chức tư tế thừa tác, đời sống tận hiến – thái độ phản ứng đầu tiên của chúng ta thường đến từ “con ma hoài nghi”. Chắc chắn ơn gọi này không phải cho tôi! Đây có thật là con đường đúng không? Có thật là Chúa đang yêu cầu tôi làm điều này không?

Những ý nghĩ đó có thể cứ tiếp tục lớn lên – những bào chữa và những toan tính làm giảm bớt quyết tâm của chúng ta, và khiến chúng ta trở nên do dự và bất lực trên bờ biển nơi chúng ta bắt đầu. Chúng ta nghĩ rằng có thể chúng ta đã sai, không đối mặt với thách đố, hoặc chỉ nhìn thấy một con ma bị xua đuổi.

Chúa biết rằng một sự lựa chọn quyết định cho cuộc sống – như hôn nhân hoặc tận hiến phục vụ Ngài – cần phải có lòng can đảm. Người biết những câu hỏi, những hoài nghi và khó khăn làm chao đảo con thuyền của tâm hồn chúng ta, vì thế Người bảo đảm với chúng ta: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây; đừng sợ!” Trong niềm tin chúng ta biết rằng Người hiện diện và đến gặp chúng ta, rằng Người vẫn luôn ở bên chúng ta ngay cả trong những khi biển động bão tố. Hiểu biết như vậy sẽ giải thoát cho chúng ta khỏi tình trạng lờ mờ mà cha gọi là “nỗi buồn phiền ngọt ngào” (Thư gửi các linh mục, 4 tháng Tám năm 2019), một sự thoái lui trong tâm hồn kìm giữ không cho chúng ta trải nghiệm được vẻ đẹp của ơn gọi.

Trong Thư gửi các Linh mục, cha cũng nói về sự đau khổ, nhưng ở đây cha muốn giải thích từ ngữ này theo cách khác, như là sự nhọc mệt. Mỗi ơn gọi đều mang đến một trách nhiệm. Chúa gọi chúng ta vì Người muốn làm cho chúng ta có thể “bước đi trên mặt nước” như Phê-rô, nói cách khác là đón lấy trách nhiệm trong cuộc sống chúng ta và dùng chúng để phục vụ cho Tin mừng, theo những con đường cụ thể và hàng ngày mà Ngài đã chỉ cho chúng ta, và đặc biệt dưới nhiều hình thức của ơn gọi giáo dân, tư tế và thánh hiến. Tuy nhiên, cũng như Thánh Phê-rô, khát khao và nhiệt huyết của chúng ta cùng đi đôi với những thất bại và nỗi sợ hãi.

Nếu chúng ta để cho bản thân bị đe dọa bởi những trách nhiệm đang chờ đợi chúng ta – bất kể trong đời sống hôn nhân hoặc thừa tác vụ linh mục – hoặc bởi những gian khó chờ đợi chúng ta, thì chúng ta sẽ nhanh chóng quay mặt thoát khỏi ánh mắt nhìn của Chúa Giê-su, và cũng như Phê-rô, chúng ta sẽ bắt đầu chìm xuống. Về mặt khác, bất kể sự mỏng giòn và nghèo nàn của chúng ta, đức tin giúp chúng ta có thể tiến bước đến với Chúa Phục sinh và vượt qua mọi bão tố. Khi sự mệt mỏi hoặc nỗi sợ hãi khiến chúng ta bắt đầu chìm xuống, Chúa Giê-su đưa bàn tay Người ra cho chúng ta. Người ban cho chúng ta lòng nhiệt huyết mà chúng ta cần có để sống ơn gọi với niềm vui và sự nhiệt thành.

Khi Chúa Giê-su lên thuyền, gió ngừng thổi và sóng lặng im. Ở đây chúng ta có một hình ảnh rất đẹp của những gì Chúa làm trong những lúc bấn loạn và sóng gió nhất của cuộc đời chúng ta. Người làm cho gió lặng im, để những sức mạnh của sự dữ, nỗi sợ hãi và sự thoái lui không còn có uy lực đối với chúng ta.

Khi chúng ta sống ơn gọi của mình, những trận cuồng phong ngược chiều đó có thể khiến chúng ta hao mòn. Đến đây cha lại nghĩ đến tất cả những người có trách nhiệm quan trọng trong xã hội dân sự, những đôi vợ chồng mà cha muốn nói đến họ bằng một từ ngữ “dũng cảm”, và một cách đặc biệt là tất cả những người ôm lấy đời sống tận hiến hoặc chức tư tế. Cha hiểu rất rõ về công việc nặng nề của anh chị em, ý thức về sự cô đơn có những lúc đè nặng lên tâm hồn anh chị em, nguy cơ rơi vào con đường mòn mà nó dần dần làm cho ngọn lửa nhiệt huyết của ơn gọi chúng ta tàn lụi, gánh nặng của sự bấp bênh và mất an toàn của thời đại, và lo lắng về tương lai. Hãy yên tâm, đừng sợ! Chúa Giê-su luôn ở bên chúng ta, và nếu chúng ta nhận Ngài là Chúa duy nhất cho cuộc đời chúng ta, Người sẽ giang bàn tay ra, nắm lấy tay chúng ta và cứu thoát chúng ta.

Ngay cả giữa những dòng biển bão tố dập vùi, thì đời sống chúng ta trở nên rộng mở để ngợi khen. Đây là từ ngữ cuối cùng của lời ơn gọi của chúng ta, và nó là một lời mời gọi trau dồi tâm tính nội tâm của Đức Maria Đồng trinh đầy Ân phúc. Tràn đầy lòng biết ơn vì Chúa đã đoái nhìn đến Mẹ, trung tín giữa những sợ hãi và bấn loạn, Mẹ can đảm ôm lấy ơn gọi của Mẹ và biến cuộc đời Mẹ thành một bài ca muôn đời ngợi khen Thiên Chúa.

Các bạn thân mến, trong ngày đặc biệt này, nhưng cũng trong đời sống mục vụ bình thường của các cộng đoàn, cha yêu cầu Giáo hội hãy tiếp tục thúc đẩy ơn gọi. Ước mong rằng Giáo hội chạm đến tâm hồn của các tín hữu và giúp cho từng người khám phá tiếng gọi của Chúa trong cuộc sống của họ với lòng biết ơn, để tìm được sự can đảm thưa “Vâng” với Thiên Chúa, để vượt qua tất cả sự mệt mỏi bằng niềm tin vào Đức Ki-tô, và làm cho đời sống của họ trở thành một bài ca ngợi khen cho Thiên Chúa, cho anh chị em của mình, và cho toàn thế giới. Xin Mẹ Maria Đồng trinh đồng hành với chúng ta và chuyển cầu cho chúng ta.

Roma, Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Lateran, 8 tháng Ba năm 2020, Chúa nhật thứ Hai Mùa Chay

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/3/2020]


Đức Thánh Cha âm tính với Coronavirus lần thứ hai; cư dân của khu Santa Marta dương tính

Đức Thánh Cha âm tính với Coronavirus lần thứ hai; cư dân của khu Santa Marta dương tính

Đức Thánh Cha âm tính với Coronavirus lần thứ hai; cư dân của khu Santa Marta dương tính
ANDREAS SOLARO/AFP/East News

26 tháng Ba, 2020

Vị linh mục người Ý là nạn nhân thứ 5 của virus trong Nhà nước Vatican. Đức Thánh Cha được biết vẫn an toàn, sống trong khuôn khổ những biện pháp bảo vệ.

Một xét nghiệm thứ hai cho thấy Đức Thánh Cha Phanxico vẫn âm tính với Coronavirus, theo báo cáo ngày 26 tháng Ba, Tòa Thánh vẫn chưa khẳng định bản tin.

Bản tin đưa ra sau khi một cư dân của khu Casa Santa Marta, nơi Đức Thánh Cha sống và cử hành Thánh Lễ sáng, được xét nghiệm dương tính.

Đức ông Gianluca Pezzoli, 58 tuổi, là một viên chức trong Phủ Quốc vụ khanh, dương tính với virus, bản tin đã được xác nhận sáng thứ Năm.

Đức ông là người thứ năm trong Nhà nước Vatican dương tính với xét nghiệm, nhưng bản tin cho biết những biện pháp giữ an toàn cho Đức Thánh Cha Phanxico đã được áp dụng và tuân thủ. Chẳng hạn Đức Thánh Cha dùng các bữa ăn của ngài trong phòng riêng, thay vì khu ăn chung.

Đức Thánh Cha Phanxico được xét nghiệm đầu Tháng Ba, sau khi ngài phải hủy bỏ nhiều hoạt động do chứng cảm lạnh. Lần xét nghiệm đó cũng âm tính, và bệnh cảm lạnh diễn ra bình thường.

Đức Thánh Cha sống với khả năng phổi bị hạn chế sau cuộc giải phẫu cắt bỏ một phần của một bên phổi khi ngài còn là một thiếu niên.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/3/2020]


Giám mục đầu tiên chết vì coronavirus là một nhà truyền giáo ở Ethiopia

Giám mục đầu tiên chết vì coronavirus là một nhà truyền giáo ở Ethiopia

Giám mục đầu tiên chết vì coronavirus trước đây là một nhà truyền giáo ở Ethiopia


Đức Giám mục Angelo Moreschi Hạt đại diện Gambella của Ethiopia. Ngài chết do COVID-19 vào ngày 25 tháng Ba, 2020 ở Brescia, Ý. Credit: Ethiopian Catholic Secretariat

CNA, 25 tháng Ba, 2020 / 07:11 tối (CNA). - Vị giám mục người Ý của vùng truyền giáo Ethiopia là vị giám mục Công giáo đầu tiên chết vì đại dịch coronavirus toàn cầu. Ngài qua đời ngày 25 tháng Ba.

Đức Giám mục Angelo Moreschi, 67 tuổi, trước đây là người đứng đầu Hạt đại diện Tông tòa của Ethiopia, một vùng truyền giáo với 25.000 người Công giáo trong khu vực phía tây của đất nước. Ngài qua đời hôm thứ Tư ở thành phố Brescia của Ý, trong vùng Lombardy đã trở thành tâm dịch của đại dịch.

Là một thành viên của Dòng Sa-lê-diêng Don Bosco, Đức Giám mục Moreschi là một nhà truyền giáo ở Ethiopia từ năm 1991. Ngài được tấn phong giám mục vào tháng Một năm 2010.

“Cộng đoàn Sa-lê-diêng khóc thương cái chết của Vị Đại diện Tông tòa của Gambella (Ethiopia), là Đức ông Angelo Moreschi, SDB, ngài đã qua đời hôm nay ngày 25 tháng Ba, ở thành phố Brescia (Ý) do coronavirus,” thông cáo của Dòng Sa-lê-diêng Don Bosco công bố qua phòng truyền thông của Dòng.

Tổng thư ký của hội đồng giám mục Ethiopia đã thông báo bản tin trên toàn quốc, xin chuyển “lời chia buồn sâu sắc đến hàng giáo sĩ, tu sĩ, tang quyến và tín hữu giáo dân trong Hạt Đại diện Tông tòa Gambella.”

Những người dân chịu tang của Hạt Đại diện Gambella, các giám mục trong nước chuyển đến “lời phân ưu và cầu nguyện của các thành viên Hội đồng Giám mục Công giáo Ethiopia và toàn Giáo hội Công giáo ở Ethiopia. Nguyện xin linh hồn ngài được yên nghỉ.”

Đức Giám mục Moreschi rất nổi tiếng ở Ethiopia với thừa tác vụ mục vụ phục vụ cho giới trẻ và người nghèo. Theo ngôn ngữ địa phương, ngài được gọi với danh hiệu “Abba,” nghĩa là “Cha.”

“Trong sứ vụ là giám mục và sau đó là đại diện tông tòa, ngài tiếp tục là hiện thân cho tinh thần Dòng Sa-lê-diêng trong việc giúp trẻ em, đồng hành với các em với tinh thần thiết thực và lòng nhiệt thành tông đồ mạnh mẽ của ngài,” Dòng Sa-lê-diêng Don Bosco trình bày.

“Trong những lần đến thăm các ngôi làng, họ vẫn nhớ khi vị Giám mục dòng Sa-lê-diêng đến trên chiếc SUV ọp ẹp - hoặc trên chiếc xuồng trong các ngôi làng dọc theo con sông Baro mỗi khi các con đường bị ngập lụt - và ngay lập tức ngài phân phát bánh quy đa vitamin cho các trẻ em bị suy dinh dưỡng.”

Đức Giám mục Moreschi qua đời “sau khi đã phục vụ giới trẻ, người nghèo và đoàn chiên của ngài với cương vị thầy dòng Sa-lê-diêng 46 năm, một linh mục 38 năm, và một giám mục hơn 10 năm,” dòng Sa-lê-diêng cho biết.

Hơn 60 linh mục đã chết trong trận đại dịch coronavirus đang hoành hành, nó đã cướp đi mạng sống hơn 21.000 người trên toàn thế giới. Một số giám mục đã bị nhiễm virus.

Bản tin được tường thuật đầu tiên bởi ACI Châu Phi, là đối tác của CNA Châu Phi.



[Nguồn: catholicnewsagency]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/3/2020]