Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2022

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha: “Tại sao Chúa không tiêu diệt những con rắn?”

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha: “Tại sao Chúa không tiêu diệt những con rắn?”

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha: “Tại sao Chúa không tiêu diệt những con rắn?”

Photo by Handout / VATICAN MEDIA / AFP

Kathleen N. Hattrup

14/09/22


“Cách hành động của Thiên Chúa vén mở cho chúng ta thấy cách Ngài đối phó với sự dữ, tội lỗi và sự hoài nghi của con người.”

Ngày 14 tháng Chín năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh Lễ tại Kazakhstan, nhấn mạnh đến lý do của ngày lễ Suy tôn Thánh giá hôm nay.

Mặc dù người Công giáo ở Kazakhstan chỉ chiếm khoảng 1% dân số, có hàng ngàn người đã tham dự Thánh lễ tại Trung tâm EXPO của Nur-Sultan.

Đức Thánh Cha đã phân tích về cách thức huyền nhiệm mà Thiên Chúa phản ứng với tội lỗi của chúng ta: “Đứng trước sự khốn cùng của chúng ta, Thiên Chúa ban cho chúng ta một chân trời mới”.

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha:

_______________________________

Cây thập tự là giá treo của sự chết. Tuy nhiên, hôm nay chúng ta lại suy tôn thập tự giá của Đức Kitô, vì trên gỗ của thập tự giá, Chúa Giêsu đã tự mình gánh lấy mọi tội lỗi của chúng ta và sự dữ của thế gian, và đánh bại chúng bằng tình yêu của Ngài. Đó là lý do tại sao chúng ta cử hành ngày Lễ hôm nay. Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe cho chúng ta biết cách thức như thế nào, qua việc đưa ra sự tương phản giữa những con rắn độc cắn chết người với con rắn cứu sống. Chúng ta cùng suy ngẫm về hai hình ảnh này.

Trước hết, những con rắn độc cắn chết người. Những con rắn này đã tấn công những người một lần nữa rơi vào tội nói chống lại Thiên Chúa. Việc nói chống lại Thiên Chúa không đơn thuần chỉ là lời xì xào và phàn nàn; ở mức độ sâu xa hơn, đó là dấu hiệu cho thấy lòng dân Israel đã mất niềm tin nơi Ngài và những lời hứa của Ngài. Khi dân Chúa đang trên đường băng qua sa mạc để tiến về miền đất hứa, họ ngày càng mệt mỏi và không còn sức chịu đựng nữa (xem Ds 21:4). Họ trở nên chán nản; họ mất hy vọng, và đến một mức độ nào đó, họ thậm chí dường như quên lời hứa của Thiên Chúa. Họ thậm chí thiếu sức mạnh để tin rằng chính Thiên Chúa đang dẫn dắt họ đến một vùng đất trù phú.

Không phải ngẫu nhiên khi con người không còn tin tưởng vào Thiên Chúa thì họ bị rắn cắn chết. Chúng ta được nhắc nhớ đến con rắn đầu tiên được nói đến trong Kinh Thánh, trong Sách Sáng thế: kẻ cám dỗ đã đầu độc tâm hồn ông Ađam và bà Eva và khiến họ nghi ngờ Thiên Chúa. Ma quỷ, dưới hình dạng một con rắn, lừa gạt họ và gieo mầm mống ngờ vực trong lòng họ, thuyết phục họ rằng Thiên Chúa không tốt, và thậm chí còn ghen tị với sự tự do và hạnh phúc của họ. Bây giờ, trong sa mạc, rắn xuất hiện trở lại, lần này là “rắn độc” (câu 6). Nói cách khác, tội nguyên tổ quay trở lại: dân Israel nghi ngờ Thiên Chúa; họ không tin tưởng Ngài; họ kêu ca và nổi loạn chống lại Đấng đã ban cho họ sự sống, và vì vậy họ gặp sự chết của họ. Đó là nơi kết thúc của những tâm hồn không tin tưởng!

Anh chị em thân mến, phần đầu tiên của trình thuật này yêu cầu chúng ta hãy kiểm tra kỹ những khoảnh khắc trong đời sống cá nhân và cộng đoàn của chúng ta khi lòng tin của chúng ta vào Thiên Chúa và người khác không còn. Chúng ta rất thường xuyên trở nên khô khan, chán nản và mất kiên nhẫn trong những sa mạc riêng của mình và đánh mất mục tiêu hành trình của chúng ta! Ở đây cũng vậy, trong đất nước rộng lớn này, có một sa mạc. Với toàn bộ vẻ đẹp tự nhiên tuyệt vời của nó, nó cũng nhắc nhở chúng ta về sự mệt mỏi và khô khan mà chúng ta đôi khi mang trong lòng. Những giây phút rã rời và thử thách, khi chúng ta không còn đủ sức để nhìn lên Chúa. Những tình huống trong đời sống của chúng ta, với tư cách cá nhân, với tư cách là Giáo hội và xã hội, chúng ta có thể bị cắn bởi con rắn hoài nghi, bị đầu độc bởi sự thất vọng và tuyệt vọng, sự bi quan và buông xuôi, và chỉ chăm chăm vào bản thân, thiếu mọi nhiệt huyết.

Tuy nhiên, miền đất này đã phải trải qua những “vết cắn” đau đớn khác trong lịch sử của nó. Tôi nghĩ về những con rắn độc của bạo lực, cuộc đàn áp của chủ nghĩa vô thần và tất cả những thời gian khó khăn khi quyền tự do của con người bị đe dọa và phẩm giá của họ bị xúc phạm. Chúng ta hãy giữ cho ký ức về những đau khổ đó thật sống động và không quên những khoảng thời gian nghiệt ngã; bằng không, chúng ta lại xem chúng như nước trôi qua dưới gầm cầu và nghĩ rằng cuối cùng giờ đây chúng ta đang đi đúng đường. Không. Hòa bình không bao giờ đạt được một lần và cho mãi mãi; cũng như sự phát triển toàn diện, công bằng xã hội và sự chung sống hòa hợp của các nhóm sắc tộc và các truyền thống tôn giáo khác nhau, nó phải được thực hiện từng ngày. Cần phải có cam kết về phía tất cả mọi người nếu Kazakhstan muốn tiếp tục phát triển trong “tình huynh đệ, đối thoại và hiểu biết… xây dựng những nhịp cầu đoàn kết và hợp tác với các dân tộc, các quốc gia và các nền văn hóa khác” (THÁNH GIOAN PHAOLÔ II, Diễn từ tại Lễ Chào đón, ngày 22 tháng Chín năm 2001). Tuy nhiên, ngay cả trước đó, chúng ta cần phải đổi mới niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa: ngước nhìn lên, chiêm ngắm Người và học lấy tình yêu phổ quát và chịu đóng đinh của Người.

Và chúng ta đến với hình ảnh thứ hai: con rắn cứu thoát. Khi dân chúng đang bị chết vì rắn độc, Thiên Chúa nghe thấy lời khẩn cầu của ông Môsê và nói với ông: “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống” (Ds 21: 8). Và quả thật, “hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống” (câu 9). Tuy nhiên, chúng ta có thể đặt câu hỏi: Tại sao Chúa không tiêu diệt những con rắn độc đó thay vì đưa những chỉ dẫn chi tiết này cho ông Môsê? Cách hành động của Thiên Chúa vén mở cho chúng ta thấy cách Ngài đối phó với sự dữ, tội lỗi và sự hoài nghi của con người. Sau đó, cũng như bây giờ, trong cuộc chiến thiêng liêng vĩ đại kéo dài suốt lịch sử, Thiên Chúa không tiêu diệt những thứ ghê tởm và vô giá trị mà con người theo đuổi. Rắn độc không biến mất; chúng luôn ở đó, nằm chờ, sẵn sàng cắn. Điều gì đã thay đổi sau đó, Thiên Chúa làm gì?

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3:14-15). Đây là sự thay đổi mang tính quyết định: con rắn giải thoát đã đến giữa chúng ta. Chúa Giêsu, đã được nâng lên cây thập tự giá, không cho phép những con rắn độc tấn công để gây ra cái chết của chúng ta. Đứng trước sự khốn cùng của chúng ta, Thiên Chúa ban cho chúng ta một chân trời mới: Nếu chúng ta luôn hướng mắt nhìn lên Chúa Giêsu, thì nọc độc của sự dữ không còn khả năng chiến thắng chúng ta, vì trên thập tự giá chính Ngài đã mang lấy nọc độc của tội lỗi và sự chết, và nghiền nát sức mạnh hủy diệt của chúng. Đó là phản ứng của Chúa Cha đối với sự lan tràn của sự dữ trên thế gian: Ngài ban tặng cho chúng ta Chúa Giêsu, Đấng đã đến gần chúng ta theo cách chúng ta không bao giờ có thể hình dung ra được. “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (2 Cr 5:21). Đó là sự vĩ đại vô bờ bến của lòng thương xót của Chúa: Chúa Giêsu “thành hiện thân của tội lỗi” vì ích lợi của chúng ta. Chúng ta có thể nói rằng Chúa Giêsu trên thập tự giá “đã trở thành một con rắn,” để khi chiêm ngắm Ngài, chúng ta có thể chống lại những vết cắn đầy nọc độc của những con rắn độc ác tấn công chúng ta.

Thưa anh chị em, đây là con đường, con đường dẫn đến ơn cứu độ, sự tái sinh và sự phục sinh của chúng ta: chiêm ngắm Chúa Giêsu bị đóng đinh. Từ đỉnh của thập tự giá, chúng ta có thể nhìn thấy cuộc sống của chúng ta và lịch sử của các dân tộc theo một cách mới. Vì từ thập tự giá của Đức Kitô , chúng ta học được tình yêu thương, không phải lòng thù hận; lòng trắc ẩn, không phải là sự thờ ơ; sự tha thứ, không phải là báo thù. Vòng tay dang rộng của Chúa Giêsu là vòng tay của tình yêu dịu dàng mà Thiên Chúa muốn ôm lấy chúng ta. Vòng tay đó cho chúng ta thấy tình yêu huynh đệ mà chúng ta được kêu gọi dành cho nhau và cho mọi người. Vòng tay đó chỉ cho chúng ta con đường, con đường của Chúa Kitô. Đó không phải là con đường áp đặt và vũ lực, của quyền lực và địa vị; con đường đó không bao giờ vung thập giá của Đức Kitô chống lại anh chị em của chúng ta, những người mà Chúa đã hiến mạng sống của Ngài! Con đường của Chúa Giêsu, con đường cứu độ thì khác: đó là con đường của một tình yêu khiêm nhường nhưng không và phổ quát, không có những chữ “nếu”, “và” hay “nhưng”.

Thật vậy, Đức Kitô đã loại bỏ nọc độc khỏi con rắn dữ trên gỗ của thập tự giá. Là người Kitô hữu có nghĩa là sống không có nọc độc: không cắn xé lẫn nhau, không phàn nàn, không đổ lỗi và nói sau lưng, không gieo rắc điều ác, không làm ô nhiễm trái đất với tội lỗi và sự nghi ngờ đến từ ác thần. Thưa anh chị em, chúng ta đã được tái sinh từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Xin cho chúng ta thoát khỏi nọc độc của sự chết (xem Kn 1:14), và cầu xin rằng nhờ ân sủng của Chúa, chúng ta có thể trở thành người Kitô hữu trọn vẹn hơn bao giờ hết: là chứng nhân hân hoan của đời sống mới, yêu thương và bình an.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/9/2022]


Kazakhstan chỉ có 1% người Công giáo nhưng Đức Thánh Cha được đón tiếp với niềm hân hoan

Kazakhstan chỉ có 1% người Công giáo nhưng Đức Thánh Cha được đón tiếp với niềm hân hoan

Kazakhstan chỉ có 1% người Công giáo nhưng Đức Thánh Cha được đón tiếp với niềm hân hoan

Photo by Handout / VATICAN MEDIA / AFP

I.Media for Aleteia

14/09/22


Xem những người dành cho Đức Thánh Cha Phanxicô sự chào đón nồng nhiệt hôm nay.

Dưới ánh mặt trời rực rỡ tỏa trên Khu hội chợ Expo Grounds tương lai, hàng ngàn tín hữu từ cộng đồng Công giáo nhỏ bé của Kazakhstan đã tuôn đến để tham dự thánh lễ cộng đoàn của Đức Thánh Cha Phanxicô. Các nữ tu thừa sai, người dân địa phương, khoảng 40 linh mục, và cả những thành viên của cộng đồng Hồi giáo đông đảo trong nước, đã chào đón Đức Thánh Cha.

I.MEDIA đã góp nhặt lời chia sẻ của một số người, rất xúc động khi Đức Thánh Cha đến đất nước của họ.

Sơ Bojena Zelewska, một nữ tu người Ba Lan đã sống ở Kazakhstan 13 năm, cho biết: “Đó là một ơn cho chúng tôi. Là thành viên của cộng đoàn Beatitudes, Sơ nói thành thạo tiếng Pháp, một ký ức về những năm Sơ được đào tạo ở Pháp, nơi Sơ đã sống một thời gian.

Sơ đến tham dự Thánh lễ của Đức Thánh Cha cùng với một trăm thành viên trong giáo xứ của Sơ ở Kokchetau, cách Nour-Sultan 300 km về phía bắc. Thị trấn của Sơ được thành lập bởi những người Ba Lan bị trục xuất vào thời điểm Liên Xô đang trục xuất hàng loạt những người không phải là người Nga đến vùng này, đặc biệt là tới các nhà tù chính trị.

Sơ giải thích: “Nhiều người đã chịu đau khổ ở đất nước này, vì vậy họ thấu hiểu tầm quan trọng của sự chung sống và đoàn kết.”

Khi những thiếu nữ nói tiếng Nga vẫy các lá cờ vàng trắng của Vatican, ba nữ tu thuộc Dòng Thừa sai Bác ái tiến đến. Trong đó có hai vị là người Ấn Độ, tất cả đều tươi cười. “Chúng tôi không phỏng vấn, nhưng chúng tôi sẽ cầu nguyện cho bạn,” một nữ tu có vẻ là bề trên của họ nói.

Nhiều nữ tu đang sống sứ mệnh ở Kazakhstan. Sơ Bojena rất hạnh phúc khi được sống ở một đất nước mà đức tin đang phát triển “rất nhanh chóng”.

Sơ nói: “Đất nước này có thông điệp hòa bình, đối thoại và lắng nghe lẫn nhau cho thế giới.”

Nhấn mạnh vào tính đa dạng của các dân tộc – Đức, Ba Lan, Slovakia, Nga – và các tôn giáo khác nhau – Chính thống giáo, Hồi giáo, Công giáo – cùng sống với nhau trên một lãnh thổ, Sơ ca ngợi khả năng chung sống của những nhóm dân tộc này. Thánh Lễ của Đức Thánh Cha thậm chí còn thu hút các thành viên đến từ các quốc gia lân cận khác, bao gồm Turkmenistan và Uzbekistan, họ thể hiện niềm vui mừng khi được tham dự, cho dù họ không thể diễn đạt cho người khác hiểu bằng ngôn ngữ của họ.

Người phụ nữ Ba Lan cũng nhìn thấy nơi cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô di sản của vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm Kazakhstan, do Đức Gioan Phaolô II là người đồng hương của Sơ thực hiện vào năm 2001. “Ngài đã mang đến thông điệp hòa bình này và bây giờ chính Đức Thánh Cha Phanxicô là người khẳng định thông điệp này.”

Anh Maxim, một người Công giáo Kazakhstan 31 tuổi thuộc phong trào giáo dân Hiệp thông và Giải phóng, nhớ một chút về chuyến thăm của Đức Gioan Phaolô II, nhưng coi chuyến thăm của Đức Giáo hoàng người Argentina là “dành cho thế hệ của anh”.

“Tôi luôn hy vọng có một vị giáo hoàng sẽ đến,” anh nói và tuyên bố rằng đây là “ngày được mong đợi nhất” trong đời anh.

Người nhiếp ảnh gia nói, “Nó chạm vào tâm hồn tôi,” người được mời để đưa tin về sự kiện, nói tiếng Ý rất lưu loát. Xuất thân từ Karaganda, một thành phố có đông người nói tiếng Đức, hiện anh sống ở Nour-Soultan.

Khi Đức Thánh Cha đến, đám đông dường như bị cảm xúc kìm hãm trong một lúc và rụt rè chào đón ngài. Tuy nhiên, nhờ động lực của một số nữ tu không ngại mở lời, và sau đó là lời mời gọi của một linh mục trên micrô, đám đông đã hân hoan thể hiện niềm vui cách ồn ào khi nhìn thấy giáo hoàng của họ.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/9/2022]